Đã
từ lâu, với thế hệ chúng ta, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh thiêng liêng
của đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tổ quốc thiêng liêng được
vun đắp bởi xương máu và mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ người Việt
Nam. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc thế
kỷ vừa qua thôi, máu của hàng triệu người ngã xuống vẫn còn ấm nóng trên
lá quốc kỳ. Biết ơn các bậc tiền nhân, biết ơn đồng chí, đồng bào, thì
ngày hôm nay đối với những người chèo lái con thuyền Tổ quốc, không có
cách nào khác là phải nhận lấy gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai của
mình.
Ngô Quyền, với chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt
giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài
của dân tộc. Theo đánh giá của sử gia Ngô Thì Sỹ (1726-1780) thì: "Trận
thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những
chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt
ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há
phải chỉ lẫy lững ở một thời bấy giờ mà thôi đâu" (Việt Sử Tiêu Án).
Từ Ngô Quyền cho đến giai đoạn sau này, các vương triều đều xây dựng
được những đỉnh cao rực rỡ về mọi lĩnh vực, nhưng rồi lại đi đến diệt
vong do tranh quyền, đoạt lợi trong nội bộ, do nạn bè phái, vơ vét của
cải, ức hiếp dân lành và có những kẻ làm “tay sai” cho ngoại bang.
“Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”
(Lê Thánh Tông 1442-1497). Tư tưởng pháp trị của Bộ luật Hồng Đức manh
nha từ hơn 500 năm trước, tiếc thay, đã sớm bị chìm khuất trong bóng tối
nặng nề của chế độ phong kiến tập quyền, của một quốc gia bị xâm
lược... Dâu bể đa đoan, một cá nhân, dẫu có là một vị “vua tốt”, có khi
cũng chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở.
Không ai thay đổi được lịch sử, hậu thế chỉ có thể nhìn vào tấm gương lịch sử để nhận thức lại chính mình.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, buổi bình minh của kỷ nguyên độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong 15 năm, một chính Đảng với khoảng 5.000
đảng viên đã giành lấy chính quyền từ tay ngoại xâm, đòi lại danh dự và
phẩm giá dân tộc. Thành công đó là gì, nếu không phải là đường lối đúng
đắn và sự ủng hộ của nhân dân... Cũng chính sức mạnh đó đã tiếp tục giúp
dân tộc Việt Nam vượt qua 30 năm trời đằng đẵng hy sinh, kháng chiến
gian khổ, thu được giang sơn về một mối. Lòng dân bền chặt, phơi phới
hướng về một tương lai tươi sáng...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của chúng ta đã rất sâu sắc cảnh tỉnh: “Một
dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp
dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến
và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa
cá nhân".*
Ngày hôm nay, từ góc nhìn mạnh, yếu, suy vong của các triều đại trong
lịch sử thì những hiểm họa, những tiêu cực đang phát sinh trong nội tại
đất nước khiến cho những đảng viên cộng sản trung kiên, các bà mẹ đã
cống hiến những người con cho Tổ quốc, những gia đình đã chịu nhiều hy
sinh mất mát, không thể yên lòng.
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng đã chỉ ra bốn
nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp Cách mạng nước ta.
Trong đó, chệch hướng và tham nhũng là hai nguy cơ cực kỳ
nguy hiểm và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đến Đại hội IX thì những nguy
cơ đó đã thành sự thật, thậm chí hiển hiện: “tình trạng tham nhũng,
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng". Qua các kỳ Đại hội tiếp
theo, tình trạng này không những không suy giảm, chẳng những ít tìm ra
được ai trong “bộ phận không nhỏ”, mà tham nhũng, suy thoái còn diễn ra
dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, trắng trợn hơn.
Đảng Cộng sản có quyền tự tin và tự hào khi được nhân dân tin tưởng
trao cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng cũng vì lẽ đó
chúng ta càng cần phải luôn nghiêm khắc với mình. Năm 2015, Việt Nam
đứng ở vị trí 112 trong số 168 quốc gia về chỉ số cảm nhận mức độ tham
nhũng theo khảo sát của tổ chức Minh bạch Quốc tế; còn người dân thì có
gánh nặng thuế và chi phí cao bậc nhất khu vực, theo Báo cáo của Ủy ban
Kinh tế Quốc hội năm 2012. Trong khi đó nợ công đang ở mức trên 58% GDP
(số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố tháng 8-2016), tức là mỗi người dân
đang phải chịu khoản nợ 1.000 USD. Năng suất lao động thấp, làm không đủ
để trả nợ, đất nước đang phải đi vay nợ để trả nợ.
Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân,
do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay:
“tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”; xuất hiện sự
cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để
tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân
và phe nhóm..., gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm
chao đảo nền kinh tế.
Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử
hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ
vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.
Với đội ngũ hùng hậu hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay, đặc biệt là
trong Ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết
nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh trước
đây, để bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích nhân dân, chúng ta dám chấp nhận hy
sinh mạng sống của mình, thì hôm nay, cũng phải dám vượt qua cám dỗ,
thậm chí phải có dũng khí thấy cái đúng phải lên tiếng ủng hộ, thấy cái
sai phải kiên quyết bài trừ.
Ngoài những điều đã sáng rõ và sự thống nhất cao về những nhiệm vụ
trọng tâm mà toàn Đảng, toàn dân sẽ tập trung thực hiện, Đại hội Đảng
lần thứ XII đã chứng tỏ còn là một Đại hội ghi dấu ấn đặc biệt quan
trọng trong tập trung thống nhất về quyền lực của lãnh đạo cấp cao của
toàn Đảng - tạo thêm những điều kiện cần và đủ để Ban lãnh đạo mới có
thể chỉ đạo làm đến cùng và rốt ráo những việc nguy cấp, nổi cộm mà ở
những giai đoạn trước không làm nổi. Cũng vì thế mà từ Đại hội Đảng lần
này đang dấy lên sự hy vọng trong toàn Đảng, toàn dân về sự trở lại của
niềm tin của Dân với Đảng, với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
5 năm một nhiệm kỳ chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, nhưng cũng chính
vào lúc này, Đảng phải chứng minh cho nhân dân thấy được rằng, bằng việc
làm đúng đắn hôm nay, những đảng viên chân chính sẽ giữ cho con thuyền
Cách mạng không bị chệch hướng trong tương lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực trong lựa chọn cán bộ, đó là: thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, những hành động
mạnh mẽ gần đây của các cơ quan chức năng là những dấu hiệu tốt, thể
hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, chỉnh đốn Đảng và được nhân dân
đồng tình, hưởng ứng.
Không có cách nào khác, trước sự tồn vong của Đảng, của đất nước, với
sự ủng hộ của hơn 90 triệu nhân dân, trách nhiệm với lịch sử và tương
lai đang đè nặng lên vai những người được tin tưởng nắm giữ vai trò chèo
lái; phải lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân bằng cách
hành động, bằng tính tiên phong đã được chứng minh trong thực tiễn đấu
tranh. Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao
lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi.
Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát
vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ
cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Mùa Thu 2016
---------------
* Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H.2002, tr.557-558.
|