https://vnexpress.net/longform/cai-luong-nhung-tinh-hoa-trong-di-vang-3848634.html
Ngày trước, có lần, Bạch Tuyết ra Huế biểu diễn, đứng trên sân khấu nhìn xuống, thấy một người mặc áo dài có mấy miếng vá, mua vé coi cô hát.
Nghệ sĩ không nhớ rõ đó là năm nào, chỉ khắc sâu hình ảnh ấy. "Những ngày người ta ăn bận đàng hoàng nhất, sẵn sàng bỏ tiền mua vé và xem cải lương với thái độ trân trọng nhất, đó là hoàng kim".
Thưở đó, đêm nào cũng thế, khán giả đợi nghệ sĩ hát xong, vào cánh gà, màn kéo kín, mới đứng dậy đồng loạt vỗ tay. Vỗ tay suốt một phút, đoàn kéo màn ra chào khán giả, rồi đoàn vào, màn khép lại. Khán giả vẫn vỗ tay những phút tiếp, màn lại kéo ra, đoàn lại ra chào, cứ thế ba đến năm lần. Sau năm 1967 đến tận bây giờ, Bạch Tuyết hiếm bắt gặp lại văn hóa coi hát ấy
Thời hoàng kim đã qua được mấy mươi năm. Ở Sài Gòn bây giờ, suốt năm mới có vài buổi trình diễn cải lương. Lâu lâu, một số nghệ sĩ tự tổ chức show để nhớ nghề, hoặc các tỉnh thỉnh thoảng mời nghệ sĩ về diễn. Các nhà hát gần như không còn dành không gian cho cải lương.
Bạch Tuyết vào nghề cùng với thời cải lương bắt đầu thăng hoa. Mười bốn tuổi, cô bé lần đầu hát trên đài phát thanh Sài Gòn trong chương trình vọng cổ 12 giờ trưa theo đề nghị của nhạc sĩ Vũy Chỗ, một người được vô tình nghe cô hát ở nhà bạn. Sau ngày lên sóng, báo chí viết, "có con chim lạ bay vào vườn nghệ thuật".
Cha cô biết chuyện, cấm cô đi hát, ông bảo con gái theo nghề gạo chợ nước sông đời sẽ lận đận. Vài năm sau, Bạch Tuyết 16 tuổi, soạn giả vọng cổ Điêu Huyền, khi ấy cực kỳ nổi tiếng về cả tài năng và nhân cách tới nhà xin phép cho Bạch Tuyết đi hát.
"Nó có biết gì đâu mà anh vô anh hỏi?", cha Bạch Tuyết lạnh nhạt.
"Dạ thưa cha con biết ca", Bạch Tuyết nói.
"Mày biết ca hồi nào?".
"Dạ, con học... Ba cho con đi ca, nếu không con sẽ trốn đi"
"Trốn hả?" ông dòm vô mặt đứa con gái.
"Dạ, con nhất định trốn, tại con muốn đi lâu rồi".
Năm lớp 8, một buổi trưa nắng cháy, cậu bé Vưng đi vợt loăng quăng ngoài ruộng về nuôi cá lia thia. Ngang một căn nhà nhỏ trong con hẻm dưới chân cầu, cậu nghe tiếng đờn, tiếng ca. Dòm vào trong, một ông thầy đang dạy đám học trò. Không biết họ ca cái gì mà nghe thích quá. Từ đó, lần nào đi vớt cá lia thia cậu cũng đứng lại dòm miệt mài tới khi lớp giải tán. Một lần, ông thầy ngoắc lại hỏi: "Con có thích ca không?" - "Dạ thích lắm, thầy dạy con đi". Ông đưa cuốn sổ: "Con ca thử câu này".
Ông Bảy Trạch là tay đờn kìm cho đoàn hát Kim Chung rất đình đám bấy giờ. Từ đó, lúc nào không đến trường Vưng tới nhà ông học, rồi trở thành học trò xuất sắc trong gần 20 trò của lò. Biết nhà cậu nghèo, ông Bảy không lấy tiền.
Năm 1964, giải Khôi nguyên vọng cổ được tổ chức ở nhà hát Quốc Thanh, hai thầy trò ông Bảy xách đờn đi thi.
Với giọng nam cao, rất trong và làn hơi ngân dài trời phú, cậu ngay lập tức lọt vào vòng chung kết. Lần đầu tiên, cậu hát trước nguyên một rạp rất đông người, bài Mưa nắng miền đông của tác giả Viễn Châu. Xong, người ta vỗ tay quá trời, thầy trò mừng tủi ngồi đợi.
Đến lúc công bố giải, người ta xướng tên: Nguyễn Văn Vưng - Khôi nguyên vọng cổ. Cậu khỏi nói nổi câu nào, còn ông thầy thốt lên: "Con ơi, con làm rạng danh lò của thầy".
Mười bốn tuổi, đạt giải thưởng danh giá nhất của vọng cổ, đời Nguyễn Văn Vưng bước sang một hướng khác: Cậu trở thành nghệ sĩ cải lương Minh Vương.
Ông bầu Long của đoàn Kim Chung thông qua thầy Bảy Trạch đề nghị ký giao kèo độc quyền trong ba năm với tân Khôi nguyên. Giá trị giao kèo 10.000 đồng, không được "nhảy" qua đoàn nào. Cậu bé mừng quá, cầm về đưa cho thầy và mẹ. Lần đầu tiên cầm một số tiền quá lớn, tay mẹ cậu run run.
Mười sáu tuổi, Bạch Tuyết trở thành đào chánh một đoàn hát. Một đêm thù lao được ông bầu trả 200.000 đồng, cô bé ăn tô hủ tiếu, còn lại đem về cho cha. Năm 1963, nhờ tiền con đi hát, cha cô cất nhà thêm một lầu. Mấy năm sau, cô đưa tiền cho cha cất thêm ba lầu nữa, rồi có thêm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trước năm 1968, Bạch Tuyết đã có tiền trăm, tiền triệu, và sắm xe hơi. Ngày ấy, chị và các nghệ sĩ không chỉ kiếm được tiền mà còn được bao bọc trong hào quang.
Đoàn Thống nhất được lập ra năm 1962, cậu Mười Út Trà Ôn lúc đó được gọi là Đệ nhất danh ca cùng với chú Hoàng Giang đi tuyển những cô đào trẻ tài năng, trong đó có Bạch Tuyết và Kim Cúc, bên cạnh các tên tuổi đình đám như bác Năm Châu, má Bảy Phùng Há...
Năm 1963, Bạch Tuyết lĩnh huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai bà mẹ kế trong vở Tàn một kiếp hoa, chị trở thành một trong những cái tên được săn lùng của các đại bang cải lương miền Nam.
Khán giả yêu cải lương đi theo người nghệ sĩ qua những lúc giàu có lẫn khi cơ hàn. Bạch Tuyết nhớ một đêm, có người trung niên và con gái bấm chuông. "Con ơi, bác từ Quảng Ngãi đi vào trong này gặp con. Lâu nay bác dành dụm được vòng cẩm thạch và hai cây vàng. Từ giờ nào cả gia đình bác ngưỡng mộ con nhưng bác không thấy con đeo vàng bạc gì nên bác mang cho con. Con phải có vàng bạc đeo đầy người mới xứng đáng con nha".
Rồi có người ở miền Tây lên, "con vừa nghe cô khó khăn, cô ơi con chưa đủ tiền mua xe đắt tiền nên mua tạm chiếc xe gắn máy để cô đi". Có lần báo đăng cô gặp khó khăn, khán giả từ bên Mỹ chuyển tiền về, 500 USD, 700 USD cho thần tượng.
Thầy của Bạch Tuyết, Má Bảy Phùng Há, cây đại thụ của sân khấu cải lương, đến tận 85 tuổi vẫn còn có ba người đàn ông đòi cưới. Ông thứ nhất bằng tuổi bà, ông thứ hai nhỏ hơn bà hai chục tuổi, ông thứ ba nhỏ hơn bà bốn chục tuổi. Một lần, ba người cùng tới nhà bà vào ngày Tết, phân trần với Bạch Tuyết: "Cậu năn nỉ xin rước má con về, cậu có làm gì đâu, chỉ để chăm sóc thế thôi mà tại sao má con không chịu?".
Má Bảy nói những câu mà cô nhớ mãi: "Con ơi, không có sự tự do má không có được tươi tắn khỏe mạnh như bây giờ để đi hát cho khán giả nghe, để dạy tụi con. Má có một cái tên khán giả thương nên phải làm cho trọn vẹn công chuyện trời đất. Trời sanh ra mình thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một người".
Mấy năm đầu theo đoàn hát, các vai của Minh Vương đều là vai phụ, ông bầu Long chỉ cho chạy lên sân khấu ca vài câu rồi chạy xuống. Minh Vương sống luôn cùng đoàn, ngày ăn cơm bụi ghi sổ ở hàng cơm đầu hẻm. Đêm, cậu ngủ luôn ở sàn sân khấu.
Rồi Minh Vương được giao những vai quan trọng hơn trong các vở Thượng phương bảo kiếm, Đời cô Hạnh, Trúng độc đắc,... và trở thành một trong những kép chính mới nổi hồi đó.
Sài Gòn hồi đó khoảng hơn ba triệu mấy người nhưng đêm nào đoàn Kim Chung cũng diễn, sân khấu nghìn ghế lúc nào cũng chật kín. Vài chục đoàn hát trong thành phố, đoàn nào cũng sống rất khỏe.
Chẳng bao lâu, Minh Vương là cái tên được ái mộ khắp miền Nam. Anh phải dành một phòng riêng chứa thư, quà của khán giả. Sau mỗi đêm diễn, họ xếp hàng sau nhà hát, đợi kép Minh Vương ra để hỏi han, xin chữ ký, xin chụp hình, rờ tay rờ mặt xem "có phải người thiệt hông".
Có những tháng, anh nhận về cả thùng phi thư, rồi phải tuyển hẳn một người để đọc và trả lời thư khán giả. "Thư ký viết thư trả lời người mộ điệu, tôi ký không kịp, phải làm cái con dấu rồi đóng mộc chữ ký lên thư".
Ngay những năm đầu ra đời, ở thập kỷ 20, sân khấu cải lương là trung tâm đời sống văn hóa miền Nam.
Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển kể về năm 1927, " kép Bảy Nhiêu làm Tống Chơn-Tôn, Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí-Phi, hay đến đỗi chánh phủ gởi cả đôi sang Pháp diễn tại Paris dịp đấu xảo năm 1931, ăn khách suốt mấy tháng trường, tuy khán giả lang-sa không hiểu nổi một câu bịn rịn hay câu vọng cổ muồi, và chỉ hiểu qua màu mè bộ tịch của đào kép".
Đến cuối thập kỷ 1920, sân khấu cải lương không chỉ là nơi trình diễn nghệ thuật, mà còn tập trung cao độ những hỉ nộ ái ố của đời sống văn hóa lục tỉnh. Đó là nơi khởi phát của truyền thuyết "đốt tiền tìm đồ" của Công tử Bạc Liêu. Bạch công tử đã đốt tờ giấy 20 đồng để Hắc công tử chui xuống ghế tìm tờ giấy bạc năm đồng - trên hàng ghế đầu của rạp hát cải lương.
Trên Hà Thành ngọ báo số ra ngày 24/4/1929, có đăng tin một người Tây lai tên Maurice Samarcelly đi theo phường hát Huỳnh Kỳ xuống Sóc Trăng lưu diễn, rồi rút súng bắn chết người trên đường. Dân gian đồn rằng, đó là một cận vệ của Bạch công tử, vì tranh cãi chuyện đỗ xe của "cậu" khi đưa các đào cải lương đi ăn sáng, mà giết người. Vì mê cô đào Phùng Há, Bạch công tử Lê Công Phước lập cả gánh hát Huỳnh Kỳ, rồi đốt phần lớn gia sản vào đó.
Nhưng đỉnh cao của cải lương chỉ đến vào những năm sáu mươi. Những năm ấy, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có không dưới 40 rạp cải lương, hàng chục lò luyện ca. Thời kỳ này, theo Viện âm nhạc Việt Nam, cải lương "nhiều khi lấn át cả tân nhạc".
Nếu tính từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, miền Nam khi ấy có đến 100 đoàn cải lương. Sân khấu cải lương tuồng cổ những năm 60 hoành tráng lắm, Bạch Long nhớ lại. Mỗi đoàn có họa sĩ chuyên vẽ phông màn, pano áp phích thay mới liên tục. Trong rạp, các cảnh trong tuồng tích được vẽ nguyên trên tấm phông lớn phủ từ trên mái xuống sàn sân khấu.
Một vở thường có ba đến năm họa cảnh. Ví dụ, vở Câu thơ yên ngựa của đoàn Minh Tơ, cảnh nhà nghèo có ngôi nhà tranh, chum nước, cây cau, mảnh vườn, phía sau là vườn ruộng; cảnh triều đình được họa sĩ vẽ chi tiết và lộng lẫy, có ngai vàng, có các hàng cột lớn trang trí rồng phượng... Khán giả xem xong tuồng, nhiều khi còn bàn tán râm ran cả tuần về một cảnh trong tuồng.
Ngoài phông màn, sân khấu cải lương tuồng cổ khác biệt so với hát bội, chèo vì sự sáng tạo trong tổ chức ánh sáng.
Thời kỳ đầu, chưa có điện, sân khấu được treo bốn cái đèn măng xông đốt dầu lớn ở bốn góc. Người làm ánh sáng dán giấy màu vào cái thùng bên trong có cây đèn chiếu. Ông họa lên tấm kiếng trước đèn những nét bút như làn nước, cái đèn khác được ông vẽ các đám mây. Khi chiếu lên phông cùng lúc, sẽ hiện ra đám mây và làn nước rung rinh trên "dòng sông", nơi đào chính và kép chính đang tâm tình.
Mỗi đoàn hát đều có người thiết kế, may, sửa, chăm chút phần trang phục chung. Nhưng các diễn viên ngôi sao thường may riêng đồ của mình. Những năm 60, có những nhà may rất nổi tiếng, chỉ chuyên may trang phục cho các đoàn hát ở quận Ba, quận Năm, quận Một.
Tuy hóa trang trong cải lương đã cách điệu và nhẹ nhàng hơn so với hát bội, dung mạo vẫn là một yếu tố quan trọng làm nên tính cách các nhân vật.
Nhân vật phản diện nhất quyết phải có vệt sơn đỏ ở dưới con mắt, đánh bạc ở mí mắt trên, lông mày phải rất đậm. Mặt quan trung thần phải đỏ, râu quai nón, mặt quân gian ác nịnh thần phải trắng bệch, môi phải thâm đen. Người gian phải thêm một nốt ruồi to, người ngu đần thì thêm răng sún, nếp nhăn. Tất cả phong cách trang điểm tuân thủ nghiêm quy luật "giới nào ra giới ấy", quan ra quan mà dân thì ra dân, tốt thì nhất định phải khác với xấu.
Bạch Tuyết nói không phải khi không mà tự dưng khán giả thương mấy cái tuồng, vì trong đó có rất nhiều thông điệp đặc trưng cho tâm hồn người Việt, nói hộ lòng dân chúng lầm than.
Trong vở Tần Nương Thất Công, một ông đại quan lén lút đi chơi gái trong thanh lâu nhưng lại muốn ai cũng khen mình thanh cao. Người này đối xử tệ bạc với gia đình nhưng lại dặn người em, khi tao chết hãy làm đám tang cho thật lớn, xe tang đi khắp Sài Gòn rồi để tao nằm trong đất thánh tây. Người em trả lời: "Sống ở trên đời anh giúp ích gì cho thiên hạ mà tới lúc lâm chung anh lại cản trở sự lưu thông?". Bạch Tuyết bảo, hát câu đó cả chục lần chị mới giật mình nhận ra sự thâm thúy của nó.
Hai chữ "cải lương" đầu thế kỷ 20 mang nghĩa "cải tạo, cải cách" (tiếng Pháp: réforme), được báo chí dùng nhiều trong hoạt động của chính quyền. Ban đầu, "cải lương" là động từ để chỉ việc "đổi mới", "nâng cấp" môn hát bội, đến năm 1920, bắt đầu được dùng rút gọn với tư cách một danh từ.
Nhưng đến thế hệ của Bạch Tuyết, các nghệ sĩ dạy nhau một lối định nghĩa mới, được họ lưu truyền đến ngày nay như một lời răn dạy về cái tâm làm nghề: "Cải là cải cách, cải thiện con người; lương là lương thiện, nâng đỡ lương tâm của con người".
Cái đẹp của cải lương là tính nhân văn, ca ngợi lòng trung hiếu tiết nghĩa vua dân, tình cha con, mẹ con, tình anh em, bạn bè, tình yêu tổ quốc... Vở Thoại Khanh Châu Tuấn nói về chữ hiếu, kể chuyện nàng dâu lóc thịt cho mẹ chồng ăn; vở Lan Điệp nói về thủy chung đôi lứa; vở Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt muốn nói về sự bất công giàu nghèo, đấu tranh giai cấp; vở Thái hậu Dương Vân Nga là bản hùng ca với non sông nước Việt...
Linh hồn của nghệ thuật cải lương là gì? Các nghệ sĩ cho rằng giá trị đó nằm ở nội dung tuồng tích, chất lượng giọng ca, cách diễn, thần thái người nghệ sĩ.
Giọng ca trước hết phải đúng các nhịp - luật của ca cổ, giữ được phong vị cải lương. Các ngôi sao đẳng cấp hơn thường có giọng riêng, nhấn nhá điêu luyện, luyến láy đúng lúc đúng chỗ, khi mạnh mẽ khi tinh tế mà không bao giờ lặp lại người khác, làn hơi đầy đặn khiến câu ca phát ra không bị rớt nhịp, gãy nhịp, tuột nhịp. Người ta gọi là giọng ca chuông vàng tức là giống như tiếng chuông đúc bằng vàng.
"Tổ nghề cho mỗi người một giọng", Bạch Long nói, "khi cất lên khán giả không nhìn mặt cũng biết ngay ai hát". Mỗi người sẽ tự tìm cách luyến láy kiểu riêng cho mình. Không ai bắt chước nổi.
Kỹ xảo cũng làm cho một nghệ sĩ trở thành xuất sắc. Cách biểu diễn trên nguyên lý ước lệ và cường điệu nội tâm của cải lương được thể hiện bằng dáng đứng, chân tay, nét mặt... Nhân vật không bao giờ mang tâm trạng một chiều mà luôn luôn đầy trăn trở và biến đổi, cần thể hiện những chuyển biến tâm trạng ấy một cách tinh tế chi tiết.
Kể cả những người có tài năng trời ban sẵn như Minh Vương hay Bạch Tuyết, để có cái duyên làm chủ ánh đèn thì phải khổ luyện rất nhiều. Chỉ một cử chỉ giật mình, đưa người về phía trước như một phản xạ bộc phát khi nghe tin Lê Hoàn hồi triều rồi trấn tĩnh ngay sau một giây, Bạch Tuyết trong vai Dương Vân Nga đã phải làm đi làm lại cả trăm lần.
Ngoài nội dung ca từ, giá trị của cải lương tuồng cổ thể hiện rất nhiều qua hình thể và diễn xuất của nghệ sĩ.
"Có những động tác rất khó, tôi dạy học trò một tuần lễ, họ làm được tôi mừng muốn khóc", Bạch Long rưng rưng.
"Cái nghề này ngộ lắm, nó chọn người chứ người không chọn nó được. Có những em tập một tháng đến trăm lần không múa được, tôi bảo, tốt nhất em nên tìm nghề khác".
Khi vào vai Thần Chết, Bạch Long không dùng nhiều lời thoại, anh sử dụng mắt và cơ mặt cùng động tác chân tay và múa đao. Không xướng tên nhưng không ai không biết đó là Thần Chết. Xèng xèng xèng, tiếng kèn lá theo nhịp đám ma nổi lên, Thần Chết đi ra, trợn mắt lên dữ tợn, đảo vòng tròn quanh sân khấu, rung rung cơ má, giật giật cơ môi, chân bước điệu "cầu", lưỡi hái vung lên dò xét.
Ánh sáng đỏ chói lòa trên đầu dội xuống, "đến nỗi bản thân tôi cũng quên mất mình là ai", Bạch Long cảm giác anh chính là Thần Chết thật sự.
Hay như vở Thái hậu Dương Vân Nga, một tác phẩm tuồng cổ kinh điển của cải lương Việt Nam do Huy Trường chuyển thể. Đầu tiên, chỉ có nghệ sĩ Thanh Nga thể hiện thành công nhân vật này. Năm 1978, Sài Gòn choáng váng khi Thanh Nga mất mạng bởi bọn cướp, đạo diễn Chi Lăng đi tìm Bạch Tuyết với kỳ vọng cô tiếp tục hát được vở này.'
Bạch Tuyết ra Bắc, đến thăm đền thờ Dương Vân Nga, đến những nơi có cảnh mà vở tuồng miêu tả, leo lên đền Thượng ở Đền Hùng đứng nhìn ngã ba sông để thấm cái tinh thần trong lời tuồng "Nâng long bào tiên đế như nâng trên lưng gánh nặng Sơn Hà". Cô nghiên cứu hoa văn thời Trần để thiết kế trang phục riêng cho Dương Vân Nga, tự chỉnh sửa âm nhạc và cách diễn của vở.
Thái hậu Dương Vân Nga cho đến nay trở thành vai diễn để đời của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết. Đến tận bây giờ, 73 tuổi, đứng trên sân khấu nhỏ ở quận Năm, nghệ sĩ vẫn làm cả khán phòng nín lặng nuốt từng điệu bộ, từng lời hát.
Quãng năm 80, phim video vào Việt Nam. Bạch Long bắt xe buýt đi vào trung tâm Sài Gòn, tới rạp Lao Động, "để coi nó là cái gì". Anh thấy, khán giả xếp hàng để vào rạp coi phim Xóm Vắng ở tầng trệt. Còn bên trên, đoàn Minh Tơ chỉ bán được năm chục vé cho vở mới. Anh tiếp tục đi các rạp coi phim Thành Long, rồi giật mình: "Chết rồi. Cải lương chết đứng rồi!".
"Mình nghệ sĩ còn nghiện huống chi là khán giả, bởi nó mới quá, hay quá". Ai cũng thèm khát sự mới lạ và nghệ thuật cuốn hút của điện ảnh. Phim Hong Kong trở thành đòn tối hậu đánh vào sự tồn tại đã chật vật của cải lương những năm ấy.
Từ năm 1972, sân khấu Sài Gòn đã bắt đầu trầm xuống. Khán giả vẫn tới rạp, nhưng để xem phim, phim Liên Xô, Ba Lan, chứ không phải Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Bắt đầu có những vở diễn khán giả chỉ ngồi nửa rạp. Các đoàn giảm đêm diễn, đi tỉnh nhiều hơn. Không bán được vé, có ông bầu phải trả lại vé cho người mua trước giờ diễn vì số vé ít quá. Có những đoàn hát ông bầu phải mượn nợ nấu cháo cho nghệ sĩ ăn.
Điện ảnh xuất hiện, như một luồng gió mới thổi vào Sài Gòn. Ban đầu, các nghệ sĩ cải lương được các ông bầu mới mời đóng phim. Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, Hùng Cường, rất nhiều nghệ sĩ cải lương trở thành diễn viên điện ảnh trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Những ngày sau đó, các đoàn hát bắt đầu đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh, rồi ra Bắc, Bạch Long đi hát ở các đình cùng thầy anh, trong khi Phim Mỹ, phim Hồng Kông mỗi ngày lấy thêm một ít khán giả ở thành phố.
Rồi chính các nghệ sĩ cải lương cũng tự "giết" mình, Bạch Long bảo. Họ nghe lời các ông bầu, thâu băng đĩa để bán. Giá thuê một cuộn băng về mở đầu video khi đó 3.000 đồng trong khi giá mua một đôi vé vào rạp coi cải lương 10.000 đồng, khán giả càng rời xa sân khấu.
"Người ta không đến rạp nữa. Vũ Linh, Tài Linh, Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết có cả trong cuốn băng. Đi làm về, mở ra vừa ăn cơm vừa coi. Còn ngoài kia, ở rạp, có những vở chỉ bán được vài chục vé, ông bầu xin lỗi, khóc thầm trả lại tiền cho khán giả.
Trong thập kỷ 80, các nghệ sĩ mô tả rằng cải lương "bị bơ vơ". Không có người tài để nhìn thấu suốt bản chất nghệ thuật này, viết tuồng mới cho nó. Người ta có cảm giác cải lương đang ăn vào quá khứ, vào xương thịt của nó để tồn tại. Chỗ đứng của cải lương mỗi ngày bị co hẹp hơn trong tâm trí của khán giả.
Minh Vương cho rằng Sài Gòn rất cần một rạp hát dành riêng cho cải lương để duy trì loại hình này không bị mai một. Nhà hát Trần Hữu Trang, được xây dựng, tu sửa vài lần, mất hàng chục tỷ đồng nay nằm đắp chiếu. Các nghệ sĩ đều cho rằng "không thể diễn một vở cải lương trơn tru" ở đây vì sân khấu quá bé, ánh sáng kém, lối đi quá dốc, phòng chức năng không đủ chuẩn, khán giả khó xem trọn vẹn vở vì chỗ ngồi không hợp lý.
Bạch Long nhận xét ngoài chuyện nhà hát, một môn nghệ thuật phi vật thể chỉ tồn tại nếu có nghệ sĩ và khán giả kế thừa. Đó là lý do anh từng mở nhóm "Bạch Long đồng ấu", anh bỏ hết tiền vào đầu tư cho đoàn, rồi mất hết, nay ở trong căn phòng đi thuê giá 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Bạch Long tiếp tục đến nhà văn hóa, dạy cải lương cho thế hệ trẻ dù thù lao không cao. "Tôi đâu cần nổi tiếng, tôi chỉ cần đào tạo ra một thế hệ yêu cải lương. Tôi chỉ thấy cần phải nâng niu một ngành nghệ thuật đẹp của dân tộc".
Với anh, cải lương không "chết" như nhiều ý kiến. Nó vẫn sống trong lòng quần chúng nhưng chỉ là không còn huy hoàng như xưa. "Xã hội đang hiện đại hóa, không thể bắt xã hội lùi lại. Cải lương nhường chỗ cho loại hình giải trí khác là điều bình thường và tất yếu".
Anh tin cải lương vẫn sống trong lòng người Việt khắp năm châu như canh chua cá kho tộ. Người ta có ăn đồ Tây, đồ Nhật mãi cũng vẫn thèm một bữa cơm quê nhà.
Anh tin khán giả vẫn có thể xem nó bất kỳ lúc nào, trên Internet, tại rạp, bảo tàng, và không mong họ xem nó mỗi ngày. Anh chỉ có một nguyện cầu, "đừng làm mất gốc cải lương". Dù đủ loại hình nghệ thuật âm nhạc có thể mọc lên, đừng bao giờ biến cải lương thành loại hình xa lạ với nguồn cội của loại hình nghệ thuật này.
Bạch Tuyết có một niềm tin cải lương sẽ sống đều, sống dài, âm thầm và bền bỉ. Bởi con người có một nhu cầu, một ngày nào đó họ sẽ muốn biết mình là ai, đến từ đâu, và cần có chỗ để về. Họ sẽ mở máy nghe điệu nhạc:
Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng...
Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu - một trong những bài vọng cổ đầu tiên - đã trường tồn với người miền Nam hơn 100 năm qua, vẫn cất lên mỗi ngày tại Sài Gòn hôm nay. "Bởi sự thật là, có những loại hình nghệ thuật khi nào ‘bệnh’ thì người ta mới nhớ tới nó, bởi nó nói hộ lòng người nên nó sẽ trường tồn. Nên tôi tin sẽ không bao giờ có một cuộc chia tay khán giả với cải lương", cô nói.
Minh Vương vẫn đi hát ở các tỉnh, nước ngoài, sinh hoạt với các nghệ sĩ ở Sài Gòn khi sức khỏe cho phép sau ca ghép thận. Điều làm nghệ sĩ lạc quan và xúc động nhất ở tuổi 69 vẫn là sự hoan nghênh của khán giả.
Có nhiều người vẫn tìm đến Minh Vương, nắm tay và nói: "Chú ơi, chú ráng khỏe nha, để còn ca cho chúng tôi coi". Anh đáp: "Dạ, con chưa chết đâu. Con còn hát, còn sống lâu lắm".
Bài: Hồng Phúc
Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn
Ngày trước, có lần, Bạch Tuyết ra Huế biểu diễn, đứng trên sân khấu nhìn xuống, thấy một người mặc áo dài có mấy miếng vá, mua vé coi cô hát.
Nghệ sĩ không nhớ rõ đó là năm nào, chỉ khắc sâu hình ảnh ấy. "Những ngày người ta ăn bận đàng hoàng nhất, sẵn sàng bỏ tiền mua vé và xem cải lương với thái độ trân trọng nhất, đó là hoàng kim".
Thưở đó, đêm nào cũng thế, khán giả đợi nghệ sĩ hát xong, vào cánh gà, màn kéo kín, mới đứng dậy đồng loạt vỗ tay. Vỗ tay suốt một phút, đoàn kéo màn ra chào khán giả, rồi đoàn vào, màn khép lại. Khán giả vẫn vỗ tay những phút tiếp, màn lại kéo ra, đoàn lại ra chào, cứ thế ba đến năm lần. Sau năm 1967 đến tận bây giờ, Bạch Tuyết hiếm bắt gặp lại văn hóa coi hát ấy
Thời hoàng kim đã qua được mấy mươi năm. Ở Sài Gòn bây giờ, suốt năm mới có vài buổi trình diễn cải lương. Lâu lâu, một số nghệ sĩ tự tổ chức show để nhớ nghề, hoặc các tỉnh thỉnh thoảng mời nghệ sĩ về diễn. Các nhà hát gần như không còn dành không gian cho cải lương.
Bạch Tuyết vào nghề cùng với thời cải lương bắt đầu thăng hoa. Mười bốn tuổi, cô bé lần đầu hát trên đài phát thanh Sài Gòn trong chương trình vọng cổ 12 giờ trưa theo đề nghị của nhạc sĩ Vũy Chỗ, một người được vô tình nghe cô hát ở nhà bạn. Sau ngày lên sóng, báo chí viết, "có con chim lạ bay vào vườn nghệ thuật".
Cha cô biết chuyện, cấm cô đi hát, ông bảo con gái theo nghề gạo chợ nước sông đời sẽ lận đận. Vài năm sau, Bạch Tuyết 16 tuổi, soạn giả vọng cổ Điêu Huyền, khi ấy cực kỳ nổi tiếng về cả tài năng và nhân cách tới nhà xin phép cho Bạch Tuyết đi hát.
"Nó có biết gì đâu mà anh vô anh hỏi?", cha Bạch Tuyết lạnh nhạt.
"Dạ thưa cha con biết ca", Bạch Tuyết nói.
"Mày biết ca hồi nào?".
"Dạ, con học... Ba cho con đi ca, nếu không con sẽ trốn đi"
"Trốn hả?" ông dòm vô mặt đứa con gái.
"Dạ, con nhất định trốn, tại con muốn đi lâu rồi".
Năm lớp 8, một buổi trưa nắng cháy, cậu bé Vưng đi vợt loăng quăng ngoài ruộng về nuôi cá lia thia. Ngang một căn nhà nhỏ trong con hẻm dưới chân cầu, cậu nghe tiếng đờn, tiếng ca. Dòm vào trong, một ông thầy đang dạy đám học trò. Không biết họ ca cái gì mà nghe thích quá. Từ đó, lần nào đi vớt cá lia thia cậu cũng đứng lại dòm miệt mài tới khi lớp giải tán. Một lần, ông thầy ngoắc lại hỏi: "Con có thích ca không?" - "Dạ thích lắm, thầy dạy con đi". Ông đưa cuốn sổ: "Con ca thử câu này".
Ông Bảy Trạch là tay đờn kìm cho đoàn hát Kim Chung rất đình đám bấy giờ. Từ đó, lúc nào không đến trường Vưng tới nhà ông học, rồi trở thành học trò xuất sắc trong gần 20 trò của lò. Biết nhà cậu nghèo, ông Bảy không lấy tiền.
Năm 1964, giải Khôi nguyên vọng cổ được tổ chức ở nhà hát Quốc Thanh, hai thầy trò ông Bảy xách đờn đi thi.
Với giọng nam cao, rất trong và làn hơi ngân dài trời phú, cậu ngay lập tức lọt vào vòng chung kết. Lần đầu tiên, cậu hát trước nguyên một rạp rất đông người, bài Mưa nắng miền đông của tác giả Viễn Châu. Xong, người ta vỗ tay quá trời, thầy trò mừng tủi ngồi đợi.
Đến lúc công bố giải, người ta xướng tên: Nguyễn Văn Vưng - Khôi nguyên vọng cổ. Cậu khỏi nói nổi câu nào, còn ông thầy thốt lên: "Con ơi, con làm rạng danh lò của thầy".
Mười bốn tuổi, đạt giải thưởng danh giá nhất của vọng cổ, đời Nguyễn Văn Vưng bước sang một hướng khác: Cậu trở thành nghệ sĩ cải lương Minh Vương.
Ông bầu Long của đoàn Kim Chung thông qua thầy Bảy Trạch đề nghị ký giao kèo độc quyền trong ba năm với tân Khôi nguyên. Giá trị giao kèo 10.000 đồng, không được "nhảy" qua đoàn nào. Cậu bé mừng quá, cầm về đưa cho thầy và mẹ. Lần đầu tiên cầm một số tiền quá lớn, tay mẹ cậu run run.
Mười sáu tuổi, Bạch Tuyết trở thành đào chánh một đoàn hát. Một đêm thù lao được ông bầu trả 200.000 đồng, cô bé ăn tô hủ tiếu, còn lại đem về cho cha. Năm 1963, nhờ tiền con đi hát, cha cô cất nhà thêm một lầu. Mấy năm sau, cô đưa tiền cho cha cất thêm ba lầu nữa, rồi có thêm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Trước năm 1968, Bạch Tuyết đã có tiền trăm, tiền triệu, và sắm xe hơi. Ngày ấy, chị và các nghệ sĩ không chỉ kiếm được tiền mà còn được bao bọc trong hào quang.
Đoàn Thống nhất được lập ra năm 1962, cậu Mười Út Trà Ôn lúc đó được gọi là Đệ nhất danh ca cùng với chú Hoàng Giang đi tuyển những cô đào trẻ tài năng, trong đó có Bạch Tuyết và Kim Cúc, bên cạnh các tên tuổi đình đám như bác Năm Châu, má Bảy Phùng Há...
Năm 1963, Bạch Tuyết lĩnh huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai bà mẹ kế trong vở Tàn một kiếp hoa, chị trở thành một trong những cái tên được săn lùng của các đại bang cải lương miền Nam.
Khán giả yêu cải lương đi theo người nghệ sĩ qua những lúc giàu có lẫn khi cơ hàn. Bạch Tuyết nhớ một đêm, có người trung niên và con gái bấm chuông. "Con ơi, bác từ Quảng Ngãi đi vào trong này gặp con. Lâu nay bác dành dụm được vòng cẩm thạch và hai cây vàng. Từ giờ nào cả gia đình bác ngưỡng mộ con nhưng bác không thấy con đeo vàng bạc gì nên bác mang cho con. Con phải có vàng bạc đeo đầy người mới xứng đáng con nha".
Rồi có người ở miền Tây lên, "con vừa nghe cô khó khăn, cô ơi con chưa đủ tiền mua xe đắt tiền nên mua tạm chiếc xe gắn máy để cô đi". Có lần báo đăng cô gặp khó khăn, khán giả từ bên Mỹ chuyển tiền về, 500 USD, 700 USD cho thần tượng.
Thầy của Bạch Tuyết, Má Bảy Phùng Há, cây đại thụ của sân khấu cải lương, đến tận 85 tuổi vẫn còn có ba người đàn ông đòi cưới. Ông thứ nhất bằng tuổi bà, ông thứ hai nhỏ hơn bà hai chục tuổi, ông thứ ba nhỏ hơn bà bốn chục tuổi. Một lần, ba người cùng tới nhà bà vào ngày Tết, phân trần với Bạch Tuyết: "Cậu năn nỉ xin rước má con về, cậu có làm gì đâu, chỉ để chăm sóc thế thôi mà tại sao má con không chịu?".
Má Bảy nói những câu mà cô nhớ mãi: "Con ơi, không có sự tự do má không có được tươi tắn khỏe mạnh như bây giờ để đi hát cho khán giả nghe, để dạy tụi con. Má có một cái tên khán giả thương nên phải làm cho trọn vẹn công chuyện trời đất. Trời sanh ra mình thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một người".
Mấy năm đầu theo đoàn hát, các vai của Minh Vương đều là vai phụ, ông bầu Long chỉ cho chạy lên sân khấu ca vài câu rồi chạy xuống. Minh Vương sống luôn cùng đoàn, ngày ăn cơm bụi ghi sổ ở hàng cơm đầu hẻm. Đêm, cậu ngủ luôn ở sàn sân khấu.
Rồi Minh Vương được giao những vai quan trọng hơn trong các vở Thượng phương bảo kiếm, Đời cô Hạnh, Trúng độc đắc,... và trở thành một trong những kép chính mới nổi hồi đó.
Sài Gòn hồi đó khoảng hơn ba triệu mấy người nhưng đêm nào đoàn Kim Chung cũng diễn, sân khấu nghìn ghế lúc nào cũng chật kín. Vài chục đoàn hát trong thành phố, đoàn nào cũng sống rất khỏe.
Chẳng bao lâu, Minh Vương là cái tên được ái mộ khắp miền Nam. Anh phải dành một phòng riêng chứa thư, quà của khán giả. Sau mỗi đêm diễn, họ xếp hàng sau nhà hát, đợi kép Minh Vương ra để hỏi han, xin chữ ký, xin chụp hình, rờ tay rờ mặt xem "có phải người thiệt hông".
Có những tháng, anh nhận về cả thùng phi thư, rồi phải tuyển hẳn một người để đọc và trả lời thư khán giả. "Thư ký viết thư trả lời người mộ điệu, tôi ký không kịp, phải làm cái con dấu rồi đóng mộc chữ ký lên thư".
Ngay những năm đầu ra đời, ở thập kỷ 20, sân khấu cải lương là trung tâm đời sống văn hóa miền Nam.
Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển kể về năm 1927, " kép Bảy Nhiêu làm Tống Chơn-Tôn, Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí-Phi, hay đến đỗi chánh phủ gởi cả đôi sang Pháp diễn tại Paris dịp đấu xảo năm 1931, ăn khách suốt mấy tháng trường, tuy khán giả lang-sa không hiểu nổi một câu bịn rịn hay câu vọng cổ muồi, và chỉ hiểu qua màu mè bộ tịch của đào kép".
Đến cuối thập kỷ 1920, sân khấu cải lương không chỉ là nơi trình diễn nghệ thuật, mà còn tập trung cao độ những hỉ nộ ái ố của đời sống văn hóa lục tỉnh. Đó là nơi khởi phát của truyền thuyết "đốt tiền tìm đồ" của Công tử Bạc Liêu. Bạch công tử đã đốt tờ giấy 20 đồng để Hắc công tử chui xuống ghế tìm tờ giấy bạc năm đồng - trên hàng ghế đầu của rạp hát cải lương.
Trên Hà Thành ngọ báo số ra ngày 24/4/1929, có đăng tin một người Tây lai tên Maurice Samarcelly đi theo phường hát Huỳnh Kỳ xuống Sóc Trăng lưu diễn, rồi rút súng bắn chết người trên đường. Dân gian đồn rằng, đó là một cận vệ của Bạch công tử, vì tranh cãi chuyện đỗ xe của "cậu" khi đưa các đào cải lương đi ăn sáng, mà giết người. Vì mê cô đào Phùng Há, Bạch công tử Lê Công Phước lập cả gánh hát Huỳnh Kỳ, rồi đốt phần lớn gia sản vào đó.
Nhưng đỉnh cao của cải lương chỉ đến vào những năm sáu mươi. Những năm ấy, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có không dưới 40 rạp cải lương, hàng chục lò luyện ca. Thời kỳ này, theo Viện âm nhạc Việt Nam, cải lương "nhiều khi lấn át cả tân nhạc".
Nếu tính từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, miền Nam khi ấy có đến 100 đoàn cải lương. Sân khấu cải lương tuồng cổ những năm 60 hoành tráng lắm, Bạch Long nhớ lại. Mỗi đoàn có họa sĩ chuyên vẽ phông màn, pano áp phích thay mới liên tục. Trong rạp, các cảnh trong tuồng tích được vẽ nguyên trên tấm phông lớn phủ từ trên mái xuống sàn sân khấu.
Một vở thường có ba đến năm họa cảnh. Ví dụ, vở Câu thơ yên ngựa của đoàn Minh Tơ, cảnh nhà nghèo có ngôi nhà tranh, chum nước, cây cau, mảnh vườn, phía sau là vườn ruộng; cảnh triều đình được họa sĩ vẽ chi tiết và lộng lẫy, có ngai vàng, có các hàng cột lớn trang trí rồng phượng... Khán giả xem xong tuồng, nhiều khi còn bàn tán râm ran cả tuần về một cảnh trong tuồng.
Ngoài phông màn, sân khấu cải lương tuồng cổ khác biệt so với hát bội, chèo vì sự sáng tạo trong tổ chức ánh sáng.
Thời kỳ đầu, chưa có điện, sân khấu được treo bốn cái đèn măng xông đốt dầu lớn ở bốn góc. Người làm ánh sáng dán giấy màu vào cái thùng bên trong có cây đèn chiếu. Ông họa lên tấm kiếng trước đèn những nét bút như làn nước, cái đèn khác được ông vẽ các đám mây. Khi chiếu lên phông cùng lúc, sẽ hiện ra đám mây và làn nước rung rinh trên "dòng sông", nơi đào chính và kép chính đang tâm tình.
Mỗi đoàn hát đều có người thiết kế, may, sửa, chăm chút phần trang phục chung. Nhưng các diễn viên ngôi sao thường may riêng đồ của mình. Những năm 60, có những nhà may rất nổi tiếng, chỉ chuyên may trang phục cho các đoàn hát ở quận Ba, quận Năm, quận Một.
Tuy hóa trang trong cải lương đã cách điệu và nhẹ nhàng hơn so với hát bội, dung mạo vẫn là một yếu tố quan trọng làm nên tính cách các nhân vật.
Nhân vật phản diện nhất quyết phải có vệt sơn đỏ ở dưới con mắt, đánh bạc ở mí mắt trên, lông mày phải rất đậm. Mặt quan trung thần phải đỏ, râu quai nón, mặt quân gian ác nịnh thần phải trắng bệch, môi phải thâm đen. Người gian phải thêm một nốt ruồi to, người ngu đần thì thêm răng sún, nếp nhăn. Tất cả phong cách trang điểm tuân thủ nghiêm quy luật "giới nào ra giới ấy", quan ra quan mà dân thì ra dân, tốt thì nhất định phải khác với xấu.
Bạch Tuyết nói không phải khi không mà tự dưng khán giả thương mấy cái tuồng, vì trong đó có rất nhiều thông điệp đặc trưng cho tâm hồn người Việt, nói hộ lòng dân chúng lầm than.
Trong vở Tần Nương Thất Công, một ông đại quan lén lút đi chơi gái trong thanh lâu nhưng lại muốn ai cũng khen mình thanh cao. Người này đối xử tệ bạc với gia đình nhưng lại dặn người em, khi tao chết hãy làm đám tang cho thật lớn, xe tang đi khắp Sài Gòn rồi để tao nằm trong đất thánh tây. Người em trả lời: "Sống ở trên đời anh giúp ích gì cho thiên hạ mà tới lúc lâm chung anh lại cản trở sự lưu thông?". Bạch Tuyết bảo, hát câu đó cả chục lần chị mới giật mình nhận ra sự thâm thúy của nó.
Hai chữ "cải lương" đầu thế kỷ 20 mang nghĩa "cải tạo, cải cách" (tiếng Pháp: réforme), được báo chí dùng nhiều trong hoạt động của chính quyền. Ban đầu, "cải lương" là động từ để chỉ việc "đổi mới", "nâng cấp" môn hát bội, đến năm 1920, bắt đầu được dùng rút gọn với tư cách một danh từ.
Nhưng đến thế hệ của Bạch Tuyết, các nghệ sĩ dạy nhau một lối định nghĩa mới, được họ lưu truyền đến ngày nay như một lời răn dạy về cái tâm làm nghề: "Cải là cải cách, cải thiện con người; lương là lương thiện, nâng đỡ lương tâm của con người".
Cái đẹp của cải lương là tính nhân văn, ca ngợi lòng trung hiếu tiết nghĩa vua dân, tình cha con, mẹ con, tình anh em, bạn bè, tình yêu tổ quốc... Vở Thoại Khanh Châu Tuấn nói về chữ hiếu, kể chuyện nàng dâu lóc thịt cho mẹ chồng ăn; vở Lan Điệp nói về thủy chung đôi lứa; vở Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt muốn nói về sự bất công giàu nghèo, đấu tranh giai cấp; vở Thái hậu Dương Vân Nga là bản hùng ca với non sông nước Việt...
Linh hồn của nghệ thuật cải lương là gì? Các nghệ sĩ cho rằng giá trị đó nằm ở nội dung tuồng tích, chất lượng giọng ca, cách diễn, thần thái người nghệ sĩ.
Giọng ca trước hết phải đúng các nhịp - luật của ca cổ, giữ được phong vị cải lương. Các ngôi sao đẳng cấp hơn thường có giọng riêng, nhấn nhá điêu luyện, luyến láy đúng lúc đúng chỗ, khi mạnh mẽ khi tinh tế mà không bao giờ lặp lại người khác, làn hơi đầy đặn khiến câu ca phát ra không bị rớt nhịp, gãy nhịp, tuột nhịp. Người ta gọi là giọng ca chuông vàng tức là giống như tiếng chuông đúc bằng vàng.
"Tổ nghề cho mỗi người một giọng", Bạch Long nói, "khi cất lên khán giả không nhìn mặt cũng biết ngay ai hát". Mỗi người sẽ tự tìm cách luyến láy kiểu riêng cho mình. Không ai bắt chước nổi.
Kỹ xảo cũng làm cho một nghệ sĩ trở thành xuất sắc. Cách biểu diễn trên nguyên lý ước lệ và cường điệu nội tâm của cải lương được thể hiện bằng dáng đứng, chân tay, nét mặt... Nhân vật không bao giờ mang tâm trạng một chiều mà luôn luôn đầy trăn trở và biến đổi, cần thể hiện những chuyển biến tâm trạng ấy một cách tinh tế chi tiết.
Kể cả những người có tài năng trời ban sẵn như Minh Vương hay Bạch Tuyết, để có cái duyên làm chủ ánh đèn thì phải khổ luyện rất nhiều. Chỉ một cử chỉ giật mình, đưa người về phía trước như một phản xạ bộc phát khi nghe tin Lê Hoàn hồi triều rồi trấn tĩnh ngay sau một giây, Bạch Tuyết trong vai Dương Vân Nga đã phải làm đi làm lại cả trăm lần.
Ngoài nội dung ca từ, giá trị của cải lương tuồng cổ thể hiện rất nhiều qua hình thể và diễn xuất của nghệ sĩ.
"Có những động tác rất khó, tôi dạy học trò một tuần lễ, họ làm được tôi mừng muốn khóc", Bạch Long rưng rưng.
"Cái nghề này ngộ lắm, nó chọn người chứ người không chọn nó được. Có những em tập một tháng đến trăm lần không múa được, tôi bảo, tốt nhất em nên tìm nghề khác".
Khi vào vai Thần Chết, Bạch Long không dùng nhiều lời thoại, anh sử dụng mắt và cơ mặt cùng động tác chân tay và múa đao. Không xướng tên nhưng không ai không biết đó là Thần Chết. Xèng xèng xèng, tiếng kèn lá theo nhịp đám ma nổi lên, Thần Chết đi ra, trợn mắt lên dữ tợn, đảo vòng tròn quanh sân khấu, rung rung cơ má, giật giật cơ môi, chân bước điệu "cầu", lưỡi hái vung lên dò xét.
Ánh sáng đỏ chói lòa trên đầu dội xuống, "đến nỗi bản thân tôi cũng quên mất mình là ai", Bạch Long cảm giác anh chính là Thần Chết thật sự.
Hay như vở Thái hậu Dương Vân Nga, một tác phẩm tuồng cổ kinh điển của cải lương Việt Nam do Huy Trường chuyển thể. Đầu tiên, chỉ có nghệ sĩ Thanh Nga thể hiện thành công nhân vật này. Năm 1978, Sài Gòn choáng váng khi Thanh Nga mất mạng bởi bọn cướp, đạo diễn Chi Lăng đi tìm Bạch Tuyết với kỳ vọng cô tiếp tục hát được vở này.'
Bạch Tuyết ra Bắc, đến thăm đền thờ Dương Vân Nga, đến những nơi có cảnh mà vở tuồng miêu tả, leo lên đền Thượng ở Đền Hùng đứng nhìn ngã ba sông để thấm cái tinh thần trong lời tuồng "Nâng long bào tiên đế như nâng trên lưng gánh nặng Sơn Hà". Cô nghiên cứu hoa văn thời Trần để thiết kế trang phục riêng cho Dương Vân Nga, tự chỉnh sửa âm nhạc và cách diễn của vở.
Thái hậu Dương Vân Nga cho đến nay trở thành vai diễn để đời của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết. Đến tận bây giờ, 73 tuổi, đứng trên sân khấu nhỏ ở quận Năm, nghệ sĩ vẫn làm cả khán phòng nín lặng nuốt từng điệu bộ, từng lời hát.
Quãng năm 80, phim video vào Việt Nam. Bạch Long bắt xe buýt đi vào trung tâm Sài Gòn, tới rạp Lao Động, "để coi nó là cái gì". Anh thấy, khán giả xếp hàng để vào rạp coi phim Xóm Vắng ở tầng trệt. Còn bên trên, đoàn Minh Tơ chỉ bán được năm chục vé cho vở mới. Anh tiếp tục đi các rạp coi phim Thành Long, rồi giật mình: "Chết rồi. Cải lương chết đứng rồi!".
"Mình nghệ sĩ còn nghiện huống chi là khán giả, bởi nó mới quá, hay quá". Ai cũng thèm khát sự mới lạ và nghệ thuật cuốn hút của điện ảnh. Phim Hong Kong trở thành đòn tối hậu đánh vào sự tồn tại đã chật vật của cải lương những năm ấy.
Từ năm 1972, sân khấu Sài Gòn đã bắt đầu trầm xuống. Khán giả vẫn tới rạp, nhưng để xem phim, phim Liên Xô, Ba Lan, chứ không phải Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Bắt đầu có những vở diễn khán giả chỉ ngồi nửa rạp. Các đoàn giảm đêm diễn, đi tỉnh nhiều hơn. Không bán được vé, có ông bầu phải trả lại vé cho người mua trước giờ diễn vì số vé ít quá. Có những đoàn hát ông bầu phải mượn nợ nấu cháo cho nghệ sĩ ăn.
Điện ảnh xuất hiện, như một luồng gió mới thổi vào Sài Gòn. Ban đầu, các nghệ sĩ cải lương được các ông bầu mới mời đóng phim. Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Tuyết, Hùng Cường, rất nhiều nghệ sĩ cải lương trở thành diễn viên điện ảnh trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Những ngày sau đó, các đoàn hát bắt đầu đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh, rồi ra Bắc, Bạch Long đi hát ở các đình cùng thầy anh, trong khi Phim Mỹ, phim Hồng Kông mỗi ngày lấy thêm một ít khán giả ở thành phố.
Rồi chính các nghệ sĩ cải lương cũng tự "giết" mình, Bạch Long bảo. Họ nghe lời các ông bầu, thâu băng đĩa để bán. Giá thuê một cuộn băng về mở đầu video khi đó 3.000 đồng trong khi giá mua một đôi vé vào rạp coi cải lương 10.000 đồng, khán giả càng rời xa sân khấu.
"Người ta không đến rạp nữa. Vũ Linh, Tài Linh, Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết có cả trong cuốn băng. Đi làm về, mở ra vừa ăn cơm vừa coi. Còn ngoài kia, ở rạp, có những vở chỉ bán được vài chục vé, ông bầu xin lỗi, khóc thầm trả lại tiền cho khán giả.
Trong thập kỷ 80, các nghệ sĩ mô tả rằng cải lương "bị bơ vơ". Không có người tài để nhìn thấu suốt bản chất nghệ thuật này, viết tuồng mới cho nó. Người ta có cảm giác cải lương đang ăn vào quá khứ, vào xương thịt của nó để tồn tại. Chỗ đứng của cải lương mỗi ngày bị co hẹp hơn trong tâm trí của khán giả.
Minh Vương cho rằng Sài Gòn rất cần một rạp hát dành riêng cho cải lương để duy trì loại hình này không bị mai một. Nhà hát Trần Hữu Trang, được xây dựng, tu sửa vài lần, mất hàng chục tỷ đồng nay nằm đắp chiếu. Các nghệ sĩ đều cho rằng "không thể diễn một vở cải lương trơn tru" ở đây vì sân khấu quá bé, ánh sáng kém, lối đi quá dốc, phòng chức năng không đủ chuẩn, khán giả khó xem trọn vẹn vở vì chỗ ngồi không hợp lý.
Bạch Long nhận xét ngoài chuyện nhà hát, một môn nghệ thuật phi vật thể chỉ tồn tại nếu có nghệ sĩ và khán giả kế thừa. Đó là lý do anh từng mở nhóm "Bạch Long đồng ấu", anh bỏ hết tiền vào đầu tư cho đoàn, rồi mất hết, nay ở trong căn phòng đi thuê giá 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Bạch Long tiếp tục đến nhà văn hóa, dạy cải lương cho thế hệ trẻ dù thù lao không cao. "Tôi đâu cần nổi tiếng, tôi chỉ cần đào tạo ra một thế hệ yêu cải lương. Tôi chỉ thấy cần phải nâng niu một ngành nghệ thuật đẹp của dân tộc".
Với anh, cải lương không "chết" như nhiều ý kiến. Nó vẫn sống trong lòng quần chúng nhưng chỉ là không còn huy hoàng như xưa. "Xã hội đang hiện đại hóa, không thể bắt xã hội lùi lại. Cải lương nhường chỗ cho loại hình giải trí khác là điều bình thường và tất yếu".
Anh tin cải lương vẫn sống trong lòng người Việt khắp năm châu như canh chua cá kho tộ. Người ta có ăn đồ Tây, đồ Nhật mãi cũng vẫn thèm một bữa cơm quê nhà.
Anh tin khán giả vẫn có thể xem nó bất kỳ lúc nào, trên Internet, tại rạp, bảo tàng, và không mong họ xem nó mỗi ngày. Anh chỉ có một nguyện cầu, "đừng làm mất gốc cải lương". Dù đủ loại hình nghệ thuật âm nhạc có thể mọc lên, đừng bao giờ biến cải lương thành loại hình xa lạ với nguồn cội của loại hình nghệ thuật này.
Bạch Tuyết có một niềm tin cải lương sẽ sống đều, sống dài, âm thầm và bền bỉ. Bởi con người có một nhu cầu, một ngày nào đó họ sẽ muốn biết mình là ai, đến từ đâu, và cần có chỗ để về. Họ sẽ mở máy nghe điệu nhạc:
Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng...
Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu - một trong những bài vọng cổ đầu tiên - đã trường tồn với người miền Nam hơn 100 năm qua, vẫn cất lên mỗi ngày tại Sài Gòn hôm nay. "Bởi sự thật là, có những loại hình nghệ thuật khi nào ‘bệnh’ thì người ta mới nhớ tới nó, bởi nó nói hộ lòng người nên nó sẽ trường tồn. Nên tôi tin sẽ không bao giờ có một cuộc chia tay khán giả với cải lương", cô nói.
Minh Vương vẫn đi hát ở các tỉnh, nước ngoài, sinh hoạt với các nghệ sĩ ở Sài Gòn khi sức khỏe cho phép sau ca ghép thận. Điều làm nghệ sĩ lạc quan và xúc động nhất ở tuổi 69 vẫn là sự hoan nghênh của khán giả.
Có nhiều người vẫn tìm đến Minh Vương, nắm tay và nói: "Chú ơi, chú ráng khỏe nha, để còn ca cho chúng tôi coi". Anh đáp: "Dạ, con chưa chết đâu. Con còn hát, còn sống lâu lắm".
Bài: Hồng Phúc
Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn