Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình

Lời toà soạn: Cuốn sách Trần Lệ Xuân – Thăng trầm quyền – tình của Lý Nhân (Phan Thứ Lang) là nhà báo lão thành, một cây bút kỳ cựu tác giả các cuốn sách viết về những nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… được bạn đọc quan tâm. Trần Lệ Xuân – vợ Ngô Đình Nhu, em trai – cố vấn của Ngô Đình Diệm là một người đàn bà nhiều tham vọng với ảo mộng chính trường, khuynh đảo triều đình nhà Ngô gần 10 năm trời. Sau khi Trần Lệ Xuân mất vào năm 2011 đã có nhiều bài báo, cuốn sách viết về nhân vật này. Tuy nhiên, Trần Lệ Xuân – Thăng trầm quyền – tình của Lý Nhân được ghi nhận là tác phẩm khá đầy đủ, chân thực, hấp dẫn được bạn đọc tán thưởng.  Được phép của đồng nghiệp Lý Nhân, PetroTimes xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách thú vị này.
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 1
Cuốn sách Trần Lệ Xuân - Thăng trầm quyền - tình của tác giả Lý Nhân
I. Thân thế Trần Lệ Xuân
Một gia đình “danh gia vọng tộc”
Ông nội của Trần Lệ Xuân là cụ Trần Văn Thông, cựu Tổng đốc tỉnh Nam Định. Nhưng Trần Văn Thông lại là người nguyên quán tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai hiện nay).
Cụ Trần Văn Thông được sinh ra trong gia đình họ Trần đất Nam Kỳ giàu có và có quốc tịch Tây nên ngay từ thuở nhỏ, Trần Văn Thông đã được nhập học trường Chasseloup Laubat, một trường trung học dạy theo chương trình mẫu quốc Pháp mà chính quyền thực dân thành lập đầu tiên tại Sài Gòn, xứ thuộc địa của Pháp. Cựu hoàng Sihanouk thuở nhỏ cũng theo học trường này.
Trần Văn Thông sinh năm 1875. Năm 1894 đậu tú tài Tây (Bacchelier de l enseignement moderne) ban Văn chương - khoa học, chuyên về ngôn ngữ cổ điển Việt Nam. Đến năm 1907 - 1911 trở thành một công chức của chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương, và được đổi ra Hà Nội làm Giám đốc trường Quan lại tập sự tại Hà Nội. Ít lâu sau, Trần Văn Thông được giữ chức Tổng đốc tỉnh Nam Định (gồm ba tỉnh Nam Định - Hà Nam và Ninh Bình) tới năm 1945 vua Bảo Đại thoái vị, chế độ phong kiến chấm dứt. Như vậy, Trần Văn Thông là vị Tổng đốc cuối cùng của triều Nguyễn. Ngoài ra, Trần Văn Thông còn là Hội viên Hội đồng Tư vấn Đông Dương, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ, và được thăng Đông các Đại học sĩ Nam triều.
Vợ chồng Trần Văn Thông sinh Trần Văn Chương tại Nam Định năm 1898 (Mậu Tuất). Trần Văn Chương học hết bậc tiểu học ở Hà Nội rồi được gia đình cho đi du học hơn 10 năm tại xứ Algerie, một thuộc địa của Pháp bên Bắc Phi. Vì thân phụ là Tổng đốc, nên Trần Văn Chương đã được chính quyền Pháp cấp học bổng để đi du học với mục đích khi trở về sẽ làm việc cho người Pháp. Trần Văn Chương học Đại học Luật khoa tại Paris (Pháp) và đậu Tiến sĩ Luật năm 1922, đến năm 1925 trở về Việt Nam và làm việc tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn đến năm 1935.
Năm 1938, luật sư Trần Văn Chương tham gia Hội đồng Lý tài Đông Dương và là thành viên soạn thảo các luật dân sự Trung kỳ, và giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Lý tài thuộc địa của xứ Đông Dương (Gồm ba nước Việt - Miên - Lào).
Trong thời gian làm việc ở Huế, luật sư Trần Văn Chương kết hôn với Thân Thị Nam Trân là con gái của Đông các Đại học sĩ Thân Trọng Huề. Là quan triều Khải Định nên người vợ kế của Thân Trọng Huề là một công chúa, con của Kiến Thái vương. Như vậy, mẹ của Thân Thị Nam Trân là em gái của các vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Như thế Thân Thị Nam Trân gọi vua Hàm Nghi là cậu ruột, còn Trần Văn Chương là cháu rể. Cả hai họ sui gia đều có tước danh Đông các Đại học sĩ, cùng làm quan triều Nguyễn. Đúng là một gia đình “danh gia vọng tộc” thời chế độ phong kiến, khi mà thực dân Pháp còn đang ngự trị tại xứ Đông Dương.
Năm 1940, luật sư Trần Văn Chương mở văn phòng luật sư tại Hà Nội ở số nhà 71 đại lộ Gambetta (đường Trần Hưng Đạo hiện nay). Sự thực trước đó, khi mới về nước, trạng sư (thời đó người Việt Nam đều gọi những luật sư là trạng sư, trong Nam bộ gọi là thầy cãi) Trần Văn Chương mở văn phòng ở Bạc Liêu, một tỉnh trù phú của đất Nam Bộ. Sau đó ông trạng Trần Văn Chương lên Sài Gòn mở văn phòng rồi mới ra Hà Nội mở văn phòng, vì lúc này tên tuổi “Thầy cãi” đã nổi danh ở xứ Đông Dương, nhất là luật sư Chương cãi cho vụ án cô Cúc hạ sát Huyện Trương vì bội tình. Luật sư Trần Văn Chương đã cứu cô Cúc khỏi bị tù chung thân, chỉ bị án có 3 năm rồi được trả tự do.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương 9.3.1945, Trần Trọng Kim được đưa ra làm Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại, và luật sư Trần Văn Chương được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Phó Tổng trưởng Nội các, một chức vụ tương đương Phó Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt. Cách mạng tháng Tám nổ ra, chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán, ông Trần Văn Chương lui về sống ẩn dật tại Hà Nội rồi đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống.
Đến năm 1954, Pháp thua trận Điện Biên Phủ và phải rút toàn bộ quân sự và dân sự về mẫu quốc, đất nước Việt Nam tạm bị chia hai miền Nam - Bắc. Từ vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị, lấy con sông Bến Hải làm ranh giới, miền Bắc thuộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Cụ Hồ lãnh đạo; còn miền Nam do chính phủ Bảo Đại cầm quyền và Ngô Đình Diệm được làm Thủ tướng. Ngô Đình Diệm đã mời luật sư Trần Văn Chương giữ chức Quốc vụ khanh Phủ Thủ tướng.
Đến năm 1956, Ngô Đình Diệm lật đổ chức Quốc trưởng của Bảo Đại và lên thay Bảo Đại làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thì luật sư Trần Văn Chương được cử làm Đại sứ của chính quyền miền Nam tại Hoa Kỳ cho tới ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963. Trong khi chồng là Trần Văn Chương giữ chức vụ Đại sứ tại Washington (Hoa Kỳ), thì vợ, bà Thân Thị Nam Trân được cử làm Quan sát viên Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hợp Quốc.
Vợ chồng luật sư Trần Văn Chương sinh được ba người con đều tại Hà Nội. Người con đầu là Trần Thị Lệ Chi, người con thứ nhì là Trần Lệ Xuân và người con thứ ba là Trần Văn Khiêm. Trần Thị Lệ Chi được gả cho luật sư Nguyễn Hữu Châu, một nhà trí thức có bằng Tiến sĩ Luật tốt nghiệp ở Pháp, gốc người Gò Công, có họ hàng xa gần với nhà tỷ phú Nguyễn Hữu Hào, là bố vợ của Bảo Đại (vợ Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan tức là Nam Phương hoàng hậu).
Đến khi Ngô Đình Diệm làm Tổng thống thì luật sư Nguyễn Hữu Châu được mời giữ chức Bộ trưởng Phủ Tổng thống năm 1956, chỉ được mấy tháng thì luật sư  Nguyễn Hữu Châu xin từ nhiệm, lấy lý do không hợp với nhiệm vụ được giao phó.
tran le xuan thang tram quyen tinh ky 1
Trần Lệ Xuân và chồng Ngô Đình Nhu
Lấy chồng là bạn của bố
Cái việc có những gia đình, con gái, con trai lấy vợ, lấy chồng là bạn của bố mẹ từ xưa đến nay là thường tình và sự thực cũng chẳng có gì là trái với đạo đức cả. Trường hợp cô Trần Lệ Xuân, con gái của luật sư Trần Văn Chương yêu chú Ngô Đình Nhu là bạn của bố, rồi từ bạn trở thành con rể cũng là thường tình.
Những năm 1935 - 1938, Trần Văn Chương, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Duy Khiêm... đang theo học các trường Luật và Văn khoa tại Balê (Paris) (những khoa Luật và Văn chương đều nằm trong khu Đại học Sorbonne, một trường Đại học danh tiếng nhất nước Pháp) thì Ngô Đình Nhu cũng đang theo học trường Chartes, một trường chuyên dạy về Cổ điển học Balê, vì trường này tuyển sinh viên rất khắt khe.
Sinh viên muốn gia nhập trường này ít nhất phải có bằng Tú tài Pháp toàn phần, mỗi khóa chỉ tuyển có 20 sinh viên để theo học trong thời gian 4 năm. Sau Ngô Đình Nhu có ông Nguyễn Thiện Lâu phải từ giã nhà trường vì tinh thần ông Lâu không chịu đựng được việc học quá nặng. Sau khi về nước, tinh thần ông Lâu không bình thường.
Năm 1939, Ngô Đình Nhu tốt nghiệp khoa Cổ điển học với văn bằng ngang Cử nhân Văn chương. Sau Ngô Đình Nhu, mãi tới năm 1966 mới có một người Việt Nam thứ hai theo học trường Chartes và đã tốt nghiệp khoa Cổ điển học là cô Đặng Phương Nghi.
Về nước, cô Nghi làm Giám đốc Thư viện Trung ương tại Sài Gòn, cũng như Ngô Đình Nhu khi về nước làm Giám đốc (lúc đó gọi là Quản thủ - vì Pháp không cho người Việt mang chức Giám đốc) Thư viện Trung ương tại Hà Nội. Trần Văn Chương và Ngô Đình Nhu quen biết nhau trong thời gian học ở Pháp.
Năm 1943, Trần Lệ Xuân (sinh 24.8.1924) 19 tuổi, mới đậu xong bằng Tú tài I của Pháp, định thi xong Tú tài II thì xin vào học ngành Luật để nối nghiệp cha. Nhưng mộng của Lệ Xuân không thành vì gia đình đã nhận gả cho Ngô Đình Nhu, mặc dù Nhu hơn Lệ Xuân đến 15 tuổi. Thực ra hai gia đình Trần - Ngô đã có mối quan hệ từ lâu.
Gia đình họ Ngô xưa kia ở đất Quảng Bình, ông cố là dân bần hàn sống bằng nghề chài lưới. Khi các cố đạo đến giảng đạo tại đây mới nhận Ngô Đình Khả nhập đạo Thiên Chúa, cho đi học chữ Hán và chữ Pháp, rồi được cấp học bổng sang Pénang (Mã Lai) học cùng với Nguyễn Hữu Bài. Sau này hai người là thông gia với nhau.
Khi về nước, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài được làm việc tại Tòa Khâm Huế với vai trò thông dịch viên vì thời đó rất hiếm người biết tiếng Pháp. Cũng vì vậy Khả được trọng dụng và lên chức rất nhanh. Đến khi vua Thành Thái bị phế thì Khả cũng bị mất chức Phụ đạo. Ngày ngày quẫn trí, Khả đi chân đất, quần ống thấp ống cao, ngực đeo bài ngà, đi bộ từ nhà ở Phú Cam ra trước cửa nhà thờ Phú Cam chửi đổng những kẻ phế vua Thành Thái.
Con trai trưởng của Ngô Đình Khả là Ngô Đình Khôi làm Tổng đốc Quảng Nam, vợ là con gái Nguyễn Hữu Bài. Người thứ hai là Ngô Đình Thục làm Giám mục giáo phận Công giáo Vĩnh Long. Người thứ ba là Ngô Đình Diệm là Tuần vũ Bình Thuận rồi lên chức Thượng thư Bộ Lại (năm 1932) triều Bảo Đại. Sau Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Luyện tốt nghiệp kỹ sư Công chánh ở Pháp và Anh.
Chỉ có người con trai út, Ngô Đình Cẩn, là học hành dang dở, mới hết bậc tiểu học đã phải ở nhà hầu mẹ.Ngoài ra, họ Ngô có ba người con gái là Ngô Thị Giáo (chết năm 1944), Ngô Thị Hoàng (tức bà cả Lễ, vì lấy Nguyễn Văn Lễ) và Ngô Thị Hiệp có chồng là Nguyễn Văn Ấm. Hai bà này cũng học hành dở dang. Nhưng bà Hiệp có người con đi tu làm linh mục là Nguyễn Văn Thuận. Sau này lên tới chức Hồng y và giữ chức Bộ trưởng Bộ Công lý và Hòa bình của Vatican (La Mã), tạ thế 74 tuổi tại Roma ngày 16.9.2002.
Việc Trần Văn Chương gả Lệ Xuân cho Ngô Đình Nhu cũng là “môn đăng hộ đối” theo quan điểm phong kiến trước kia. Nhưng, nếu Trần Văn Chương kính trọng Ngô Đình Nhu và gia đình họ Ngô như thế nào, thì Lệ Xuân lại không được gia đình chồng, vốn phong kiến, nhìn bằng con mắt thân thiện như thế ấy.
Ngay cả sau này khi Diệm về nước, Lệ Xuân chuẩn bị bước ra sân khấu chính trị , bà ta vẫn hãy còn chưa thích nghi được với cuộc sống của xã hội Việt Nam. Nhà báo Hoàng Việt, người mà Lệ Xuân đã nhờ dạy thêm tiếng Việt và cách thức xã giao với quần chúng, đã cho biết một chi tiết như sau, qua lời Lệ Xuân “than” với ông: “Tôi mới đậu tú tài I xong, mới 17 tuổi đầu chưa biết ất giáp gì, tiếng Việt nói chưa thông vì quen nói tiếng Pháp từ khi nhỏ học ở trường đầm, rồi bố mẹ bắt lấy chồng, mà ông chồng thì lớn tuổi, cả ngày chỉ mê sách vở và nghiên cứu. Tôi không được tiếp xúc nhiều ngoài xã hội cho nên không biết cách nói tiếng Việt sao cho đúng, nhiều khi tôi nói theo lối Tây Phương nên nhiều câu vô lễ với người Việt”....

Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền tình (kỳ 2) - Petrotimes

Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền tình (Kỳ 3) - Petrotimes

Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền tình (Kỳ 10) - Petrotimes