Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ

TTO - 'Tự dưng lúc đó nhớ má, ước gì má còn sống để thấy các con dù hai bên chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ yêu thương...'

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 1.
Ông Lữ Công Bảy vẫn ứa nước mắt nhớ ngày anh em hai phía được đoàn tụ năm 1975 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trước khi chết, má chỉ ước nguyện anh em có ngày được đoàn tụ yêu thương.
Ông LỮ CÔNG BẢY
"Anh em ôm nhau khóc. Bao năm đạn bom chia cắt, ngày gặp lại, ảnh không hỏi tôi đi lính Sài Gòn ra sao mà chỉ nhắc bận nhỏ mình chia nhau củ khoai. Tự dưng lúc đó nhớ má, ước gì má còn sống để thấy các con dù hai bên chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ yêu thương".
Vừa lần giở những tấm ảnh ố màu thời gian, ông Lữ Công Bảy vừa ngân ngấn nước mắt tâm sự những kỷ niệm đặc biệt của anh em mình.
Hai bên chiến tuyến
Một gia đình mà ông Bảy nói giống như nhiều gia đình khác trên quê hương phải trải qua bao bom đạn, đau thương này. Anh vào bưng theo kháng chiến, em đi lính quốc gia. Những di ảnh trên bàn thờ mặc áo lính khác nhau nhưng đều cùng cha, cùng mẹ...
"Đây anh hai tôi, Lữ Công Trực, sinh năm 1931, cựu thượng tá Bộ tư lệnh TP.HCM. Đây anh ba tôi, Lữ Công Thiểu, cựu trung tá, phó tham mưu trưởng Tỉnh đội An Giang. Những người này là em tôi, không quân, thủy quân lục chiến..." - ông Lữ Công Bảy cũng trầm giọng nhắc về mình: thượng sĩ giám lộ, chứng nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Gợi lại kỷ niệm không quên, ông Bảy nghèn nghẹn giọng kể trước ngày 30-4-1975, chỉ huy chiến hạm đã nói rõ với cấp dưới là sẽ dùng tàu di tản ra nước ngoài, ai muốn đi thì đi, ai muốn ở lại thì tùy. 
Ông Bảy phải ở lại đến đêm cuối cùng, đảm đương kỹ thuật chuẩn bị cho tàu khởi hành. Nhưng trước khi tàu ra khơi, ông đã leo thang dây xuống để ở lại. Phía sau con tàu, ông còn có gia đình, các anh em và người cha già mà mình không thể rời xa.
Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 3.
Các anh ông Bảy sớm tham gia kháng chiến
"Từ đáy lòng, tôi không thể nào quên được cảm giác ngày hòa bình đầu tiên sau bao nhiêu năm chiến tranh. Thật sự là lòng cũng có ngổn ngang, lo lắng, nhưng vẫn vui, vui lắm. Những ngày tháng 4-1975 nóng bỏng, chính con tàu tôi đã chở người di tản dần xuống phía Nam. 
Tôi phải chứng kiến bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu tử thi, đạn bom, máu đổ khắp nơi. Ngày đầu tiên không còn tiếng súng, không còn người phải chết, lòng chợt yên ả, đầm ấm lạ thường" - ông Bảy kể ngay khi chiến tranh chấm dứt, anh em ông từng ở hai bên chiến tuyến đã cố gắng đi tìm nhau. 
Đó là mong mỏi của cha già và cũng là ước nguyện của má ông trước khi qua đời.
Nhưng đó là câu chuyện của thời khắc hòa bình đầu tiên...
Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 4.
Ông Lữ Công Bảy - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thời cuộc xô đẩy
Ngược dòng thời gian, ông Bảy tâm sự gốc gác gia đình mình ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đời nội là ông hội đồng, nhưng cha ông là giáo viên và tham gia kháng chiến, giành chính quyền Bến Tre năm 1945. 
Anh hai Lữ Công Trực và anh ba Lữ Công Thiểu của ông cũng vào bưng, theo kháng chiến từ hồi chín năm đánh Pháp. Riêng cha họ đến năm 1949 được tổ chức cho về Sài Gòn để chữa bệnh phổi và bí mật hoạt động kinh tài phục vụ kháng chiến.
Lẽ ra ông Bảy cũng về phía cách mạng từ năm 1954, khi anh hai tập kết ra Bắc muốn dẫn ông theo cùng. Nhưng má đã kéo tay ông Bảy lại, bởi ngày đó ông còn là cậu bé 9 tuổi.
Bước ngoặt lịch sử gia đình bắt đầu từ năm 1960, khi cha ông Bảy bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Gia đình sa sút nặng nề. Má ông phải đi ở đợ kiếm tiền nuôi con, ông Bảy và các chị em còn lại người thì gánh nước mướn, người bán cà rem dạo. Buổi tối, họ về ngủ nhờ ở chái nhà thương thí. Tuy nhiên, các anh em vẫn cố gắng học giỏi.
Năm 1965, ông Bảy đi lính, và nhờ có điểm học hành cao nên được chuyển vào hải quân, làm giám lộ. Hai em trai ông cũng lần lượt đi lính. Người kế làm kỹ thuật trong sửa chữa máy bay mà không trực tiếp tham chiến. Riêng em út vào lính thủy quân lục chiến, nhưng cũng chưa tham chiến do hòa bình ngay sau đó.
Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 5.
Ông Lữ Công Bảy lúc còn làm giám lộ trên chiến hạm Trần Khánh Dư trước năm 1975
"Tôi vẫn nhớ, ba nhiều lần khuyên tụi tôi đi quân dịch thì cũng phải ráng ra làm kỹ thuật, đừng cầm súng ra chiến trường. Hai anh lớn đang ở phía kháng chiến, ba tin thế nào cũng có ngày anh em gặp nhau" - ông Bảy kể thêm năm 1974, cha mình được móc nối về Vĩnh Thuận, Kiên Giang, thăm người con trai Lữ Công Thiểu đang là tham mưu phó Tỉnh đội Long Châu Hà. 
Biết tin các em ở nhà mặc áo lính phía bên kia, ông Thiểu chùng xuống. Rồi ông thức suốt đêm để viết lá thư rất dài gửi các em.
Nhiều năm gợi lại kỷ niệm này, ông Bảy vẫn nghẹn giọng: "Khi đọc lá thư cha tận tay cầm về, tôi đã khóc rất nhiều. Ảnh không hề trách móc chúng tôi mà chỉ nhắc kỷ niệm bận nhỏ anh em đã yêu thương, đùm bọc nhau thế nào. Đến cuối thư, ảnh khuyên các em giống như cha từng khuyên: thôi thời cuộc đưa đẩy các em phải đi lính phía bên kia thì ráng là lính kỹ thuật, đừng cầm súng chĩa vào anh em, đồng bào mình".
Ông Bảy xúc động tâm sự đọc hết lá thư dài mấy ngàn chữ chỉ thấy tình yêu thương ruột thịt và những lời khuyên nhủ chân thành. Chính nhờ đó mà ông và hai em đi lính Sài Gòn đã quyết ở lại quê hương mà không chọn di tản. 
Hồi gia đình chuyển về ở quận 10, ông Bảy đã đi lính Sài Gòn nhưng vẫn biết rõ cha mình lấy nhà làm cơ sở cách mạng, che giấu người hoạt động kháng chiến. Con trai mặc áo lính bên kia không một lời can ngăn, mà chỉ khuyên cha nên kín đáo, tình hình ngày càng ác liệt.
Lúc đó, ông Bảy cũng có tin anh hai Lữ Công Trực đang là chính trị viên tiểu đoàn pháo binh Bắc Việt tham chiến khốc liệt ở vùng đất lửa Quảng Trị...
Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 6.
Ông Lữ Công Bảy - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày đoàn tụ yêu thương
30-4-1975, đất nước rẽ sang bước ngoặt lịch sử mới. Việc làm đầu tiên của ông Bảy là về Sài Gòn thăm cha già, rồi xuống ngay Long Xuyên, An Giang tìm anh trai Lữ Công Thiểu.
"Đến giờ tôi vẫn không thể quên được anh em chúng tôi ôm chặt lấy nhau sau bao năm ở hai bên chiến tuyến. Anh em ôm chặt nhau mà khóc thành tiếng. Đâu ai ngờ những người từng mặc áo lính vẫn có thể khóc như vậy. 
Rồi suốt đêm đó, chúng tôi không thể ngủ được, cứ ngồi chong đèn tâm sự với nhau. Chuyện lạ là không ai nhắc đến trận mạc, đánh đấm, mà chỉ kể chuyện xưa, chuyện anh em hồi nhỏ đi tắm mưa, bắt cá...".
Gặp được anh ba ngay khi đất nước thống nhất, nhưng phải ba tháng sau ông Bảy mới ôm được anh hai. Bởi trước đó ông Lữ Công Trực bị thương ở A Sầu, Thừa Thiên - Huế nên được đưa ra Bắc chữa trị. 
Giữa tháng 7-1975, ông mới vào Sài Gòn và tìm gặp ngay ba người em trai từng đi lính phía bên kia. 44 năm đã qua rồi, ông Bảy vẫn ứa nước mắt kể lại cuộc hội ngộ đặc biệt này: "Ảnh không la, không dạy dỗ gì hết, mà lại tâm sự cứ nhớ hồi má đi bệnh viện sanh tôi có ảnh đi cùng. 
Ảnh kể còn nhớ rất rõ tôi sanh vào dịp hội nghị Fontainebleau, tức năm 1946, chứ đâu phải như giấy tờ của tôi là năm 1945".
Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 7.
Ông Lữ Công Bảy (bìa phải) đoàn tụ cùng anh em trong một ngày giỗ má sau năm 1975
Ông Bảy tâm sự chiến tranh đã chia cắt anh em đúng 20 năm ở hai bên chiến tuyến, nhưng họ vẫn nhớ mãi từng chuyện ngày xưa, hồi anh em còn cùng một vòng tay cha mẹ, no đói có nhau. Anh hai kể cái đêm mẹ đi sanh em, anh đã đứng bên ngoài sốt ruột đợi nghe tiếng em khóc chào đời. Tiếng khóc của em lẫn trong tiếng bom đạn chiến cuộc đang ngày càng dữ dội.
Đất nước thống nhất, anh em ông Bảy được gặp nhau, nhưng sau đó lại mỗi người mỗi hướng vì công việc hậu chiến ngổn ngang. Ông Bảy được chính quyền mới lưu dụng ngay đầu tháng 5-1975, tham gia điều khiển chiếc dương vận hạm HQ503 để vận chuyển người tù từ các đảo về, rồi chở lương thực, máy móc. 
Người em kế sửa chữa máy bay trong không quân Sài Gòn tiếp tục được làm kỹ thuật ở sân bay Trà Nóc, Cần Thơ. Em út là lính thủy quân lục chiến thì cởi áo lính về lái xe cho một công ty ở An Giang.
Ông Bảy vẫn xúc động nhớ như in mãi đến ngày 13 tháng 8 âm lịch, năm 1975, cả gia đình và bà con thân thuộc mới có ngày đoàn tụ thật sự đầy đủ. 
"Tôi không thể quên được ngày này, vì hôm đó là ngày giỗ má tôi. Má bệnh mất năm 1967, trước khi chết chỉ có một ước nguyện các con dù đứng ở chiến tuyến nào cũng có ngày đoàn tụ yêu thương, anh em đứa nào cũng là con của má. Phải mãi 8 năm sau khi má tôi ra đi, anh em mới được ngồi chung mái nhà, nhưng tình yêu thương ruột thịt thì vẫn trọn vẹn như má mong muốn" - ông Bảy kể đám giỗ hôm ấy cũng giống như nhiều đám giỗ khác ở miền Nam sau cuộc đạn bom. Những người ngồi chung bàn từng mặc áo lính khác nhau, nhưng đều bỏ qua chuyện cũ để vui vẻ nói chuyện tương lai.
Hôm đó, tướng Đồng Văn Cống cũng đến dự đám giỗ. Ông là bạn thân và từng là đồng đội của cha ông Bảy. Vị tướng trận nổi tiếng gốc Bến Tre này nâng ly rượu mời tất cả mà không hề phân biệt ai là người bên này, người bên kia... 
Anh em ông Bảy ngày đó cũng uống say với nhau. Họ cùng thắp nén nhang lên bàn thờ má, và tâm sự rằng dù mình ở phía chiến tuyến nào cũng muốn kết thúc bom đạn để có ngày hôm nay.
Ngày của đoàn tụ, ngày của ruột thịt, thương yêu...
Sau chiến tranh, ông Lữ Công Bảy tiếp tục đi tàu biển. Năm nay đã 73 tuổi, ông vẫn thường xuyên rong ruổi bằng xe máy đi thăm các đồng đội từng tham gia trận hải chiến bi hùng Hoàng Sa năm 1974. Đồng thời, ông tham gia đóng góp, giúp đỡ gia đình các đồng đội gặp khó khăn.
Gia đình ông Bảy có bảy anh em gồm năm nam và hai nữ. Hai anh trai ông là sĩ quan cách mạng, ông Bảy và hai em trai đi lính Sài Gòn. Các anh em ông đã qua đời và hiện đang trên cùng một bàn thờ với cha mẹ mình.
Lật giở bí mật ‘cánh quân thứ sáu’ của chiến thắng 30-4Lật giở bí mật ‘cánh quân thứ sáu’ của chiến thắng 30-4
TTO - Có một lực lượng quân sự ngoại giao đặc biệt trong Trại Davis, lực lượng được ví như ‘cánh quân thứ 6’, hoạt động công khai ngay giữa lòng đối phương, bên ‘Lầu Năm góc của phương Đông’, góp phần quan trọng cho chiến thắng 30-4 lịch sử.
QUỐC VIỆT

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Kinh nghiệm tự học tiếng Anh

Tuan V. Nguyen


Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ loại ngôn ngữ phổ quát. Đi đâu cũng thấy người ta dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Không chỉ trong khoa học, ngoại giao, mà còn trong văn chương nữa, tiếng Anh gần như là một ngôn ngữ thống trị, là phương tiện để chúng ta gần lại với nhau. Nó còn là một phương tiện mở mang kiến thức và tiếp thu thông tin. 


Nhưng tiếng Anh lại là một rào cản đối với nhiều người Việt. Theo một bảng xếp hạng về EF English Proficiency của nhóm Education First (Thụy Sĩ), Việt Nam đứng hạng 41 trên thế giới. Với thứ hạng này xếp Việt Nam vào nhóm trung bình trên thế giới. Riêng ở Á châu, Việt Nam vẫn còn sau Singapore, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ, Hồng Kong và Hàn Quốc, nhưng trên Campuchia, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản và Tàu. Do đó, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Thật ra, từ ngày qua Úc đến nay, tôi chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Những ngày đầu mới đến hostel dành cho người di cư, tôi cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Chỉ đâu một tuần là tôi bỏ học, chịu không nổi với cách dạy như thế. Tôi bắt đầu tự học. Nói đúng ra, tôi bắt đầu tự học từ lúc còn trong trại tạm cư bên Thái Lan. Kinh nghiệm của tôi gói gọn trong 5 điểm: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, học từ báo chí & truyền thông, và đọc sách văn học.

1. Có một cuốn từ điển Anh – Anh, và một cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Anh

Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi là phải trầm mình trong thế giới tiếng Anh. Trong một thời gian dài, tôi không hề tiếp xúc với tiếng Việt, không đọc báo tiếng Việt, không đọc sách tiếng Việt (thời đó cũng chẳng có mà đọc!), không nghe đài tiếng Việt (cho đến bây giờ tôi vẫn không nghe đài phát thanh tiếng Việt ở đây). Thay vào đó, thả mình trong thế giới tiếng Anh, với sách báo, radio, và tivi. Cần mở ngoặc thêm để nói là thời đó thì dễ, còn bây giờ thì chắc khó, do có internet làm sao lãng việc học.

Phải có một cuốn từ điển tốt để học tiếng Anh. Quên đi những từ điển Anh – Việt, hay tệ hơn nữa là Việt – Anh! Tìm một cuốn từ điển Anh – Anh. Một từ điển tốt có thể ví như kinh thánh! Thời còn ở trại tị nạn, tôi may mắn tiếp xúc cuốn từ điển LONGMAN, và tôi thích cuốn này ngay từ ngày đầu. Hình như cuốn này được soạn cho người nước ngoài (tức không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). Từ điển giải thích thật rõ ràng về ý nghĩa của chữ, cách dùng như thế nào, và cách phát âm. Thời đó, rất hiếm có một cuốn từ điển nào đầy đủ và thực tế như Longman. Sau này khi sang Úc và cho đến nay tôi vẫn dùng Longman làm từ điển.

Tôi nghiệm ra một điều là cách sử dụng tiếng Anh cho đúng còn quan trọng hơn cả văn phạm tiếng Anh. Cũng trong thời còn ở trong trại tị nạn Thái Lan tôi may mắn tiếp xúc với cuốn Practical English Usage của Michael Swan, đúng là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thoạt đầu tôi chỉ đọc để nhập tâm, nhưng sau này tôi thấy như vậy chưa khá, phải viết xuống. Viết xuống bằng tiếng Việt. Sau vài tháng tôi phát hiện quyển vở của mình đã trở thành một bản dịch của cuốn sách mình học! Bài học ở đây là cách học hay nhất là mình phải viết xuống những gì mình học (chứ đọc hay nhập tâm vẫn chưa đủ), và nếu cần dịch sang tiếng Việt.

2. Mỗi ngày học một chữ, và học từ gốc

Mỗi ngày, cố gắng học một chữ tiếng Anh. Nhưng phải học cẩn thận và học cho hết chữ đó. Tôi muốn nói đến ngoài việc học để biết nghĩa của chữ đó, còn phải học (a) nguồn gốc của chữ này đến từ đâu; (b) những biến thể tính từ, động từ, danh từ của chữ; và (c) cách sử dụng như thế nào. Chẳng hạn như học chữ produce (động từ và danh từ), cần phải học thêm những biến thể như production, product, productive, v.v. phải học cho thật kĩ và biết tận ngọn ngành của chữ. Từ điển Longman rất có ích cho việc học này. Do đó, nói là học một chữ một ngày, nhưng thật ra là có khi học được 10 chữ. Cách học này rất tốt, vì nó giúp cho chúng ta có căn bản tốt và biết chữ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Biết cái gì từ gốc vẫn hay hơn biết từ ngọn.

Ngữ vựng cực kì quan trọng. Theo tôi, có một kho tàng ngữ vựng tốt còn có giá trị hơn là am hiểu cú pháp và văn phạm. Thời gian chúng ta có thể tiếp thu ngữ vựng có hạn, còn thời gian chúng ta học văn phạm thì không giới hạn. Do đó, tranh thủ mọi cơ hội để học ngữ vựng.

3. Mạnh dạn nói

Học tiếng Anh là phải học nói. Nhưng một trong những điểm yếu của người Việt là chúng ta phát âm không tốt, từ đó dẫn đến ngại nói chuyện, vì sợ người đối diện không hiểu. Cá nhân tôi cũng trải qua kinh nghiệm này khi còn làm trong nhà bếp. Những ngày đó, tôi rất yếu về tiếng Anh và nói nhiều khi chẳng ai hiểu, nên cứ mỗi lần có điện thoại reo là tôi rất … sợ. Sợ trả lời vì mình nói mà bên kia không hiểu thì rất phiền phức cho công việc. Nhưng anh bạn làm chung biết điểm yếu đó và muốn giúp tôi, nên cứ mỗi lần điện thoại reo, anh ta chỉ tôi phải nghe và trả lời điện thoại. Ấy thế mà vài lần tôi quen, quen với những câu chữ mình phải/nên nói khi bắt điện thoại, quen với phát âm, quen với chữ trong nghề (lúc nào cũng học ngữ vựng), và quen với cách nhấn giọng, v.v. Từ quen tôi trở thành tự tin hồi nào không hay! Do đó, bài học tiếng Anh có hiệu quả là phải mạnh dạn nói. Nói sai thì sửa. Nói người ta không hiểu thì nói lại. Nói chữ nào người ta không rõ thì mình đánh vần cho họ hiểu.

Tôi cũng phải mở ngoặc để chia sẻ một kinh nghiệm lí thú ở đây về chuyện phát âm. Có một số người ngoại quốc, vì lí do nào đó (có thể muốn trêu chọc hoặc muốn làm nhục) nên giả bộ họ không hiểu mình nói. Cách họ làm thường là “I beg your pardon” 2,3 lần, hoặc nghễnh tai làm như họ không nghe hay nghe mà không hiểu. Tôi có quá nhiều kinh nghiệm, nên chỉ cần nhìn qua là biết người không hiểu thật là là người muốn hạ nhục. Họ đặc biệt thích làm điều đó (hạ nhục / trêu chọc) với các nạn nhân người Á châu. Nếu chúng ta tự tin rằng chúng ta nói rõ mà họ làm điều đó, thì chúng ta có thể nói thẳng cho họ biết “đừng chơi trò với tao”. Tôi đã làm vài lần với vài người. Có một lần một anh  người Úc, hắn cứ đưa cái tai gần tôi làm như anh ta không hiểu tôi nói gì; cách tôi phản ứng là tôi thản nhiên ghé vào tai hắn và nói thật lớn để mọi người chung quanh nghe: “Tôi nói cho hàng trăm, hàng ngàn người, và họ hiểu & ghi chép những gì tôi nói. Vậy thì anh  đừng có giả bộ không hiểu nhé. Cái trò này xưa lắm!” Một lần khác trong hội nghị, tôi cũng bị một người giả bộ “I beg your pardon” 2 lần dù tôi đã giải thích khá rõ và ban chủ toạ cũng đồng ý, nhưng đến lần thứ hai thì tôi mất kiên nhẫn và có phản ứng: "cả hội trường này gần 1000 người, ai cũng hiểu tôi nói, những thuật ngữ tôi dùng ai trong ngành đều biết, vậy mà ông không hiểu và không biết, tôi nghĩ đó là vấn đề của ông chứ không phải vấn đề của tôi." Đừng bao giờ tỏ ra "dưới cơ" khi đối đầu với những kẻ muốn gây chuyện như thế.

4. Học từ báo chí và truyền thông

Báo chí và truyền thông là phương tiện rất có ích để học phát âm. Thời 1980s, dĩ nhiên là chưa có internet, nên mỗi ngày tôi phải mua tờ nhật báo Sydney Morning Herald về, và đọc những bản tin chính. Đó là một tờ báo cực kì nổi tiếng và hay. Chắc chắn không bằng tờ New York Times, nhưng phong phú thì chẳng kém gì Los Angeles Times. Thông thường, mỗi bản tin thời sự, họ có dùng một vài chữ “mới” (mới với tôi), hay những chữ mang tính địa phương. Dĩ nhiên, tôi chưa đủ trình độ để hiểu hết nội dung bản tin, nhưng mò mẩm bằng từ điển thì cũng nắm được những bản tin chính.

Chẳng hạn như có lần báo chí nói đến thái độ của đương kim thủ tướng lúc đó (Paul Keating) là recalcitrant. Tôi chẳng hiểu chữ này có nghĩa gì đến khi truy trong từ điển Longman. Nhưng mỗi ngày “khám phá” được một chữ mới như thế làm cho mình có lí do để vui sống và học tập.

Điều quan trọng là biết phát âm những chữ mới, và tôi phải đợi đến buổi chiều, bậc tivi để nghe người đọc tin, và học cách phát âm từ họ. Ở Úc (và nơi khác chắc cũng vậy), các bản tin chính in trên mặt báo thường được các đài truyền hình phát lại trong bản tin buổi tối của họ. Mặc dù họ không dùng những chữ giống như trên mặt báo, nhưng cách họ phát âm tên của nhân vật, những danh từ quan trọng trong câu chuyện, hay những chữ mà tôi rõ nghĩa nhưng không rõ cách phát âm, tôi đều học qua bản tin này. Có lần tôi không biết đọc chữ allowance ra sao, thì may quá, buổi chiều có tranh cãi về vụ này nên tôi mới biết cách phát âm. Học từ báo chí và tivi phải nói là rất có ích.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là đọc tin, mà học cách viết trong các bài chính luận. Những tay bỉnh bút viết chính luận thường là bậc thầy về tiếng Anh. Họ rất giỏi về viết và từ ngữ. Không chữ nào họ dùng trong bài viết là thừa. Có những người kì cựu như Alan Ramsey thì mỗi bài viết là mỗi bài học tuyệt vời cho tôi. Tôi học cách cấu trúc câu văn, dùng chữ cho tốt, và tinh tế. Sau này, khi hướng dẫn các bạn thế hệ sau về cách viết bài báo khoa học tôi vẫn lấy ví dụ của Alan Ramsey ra làm ví dụ.

Sau này, tôi còn học thêm một người khác về kĩ năng tiếng Anh: người đó là Samuel P. Huntington. Ông là một giáo sư chính trị học nổi tiếng của Mĩ. Nhưng ngoài chuyên môn đó, ông là một người viết văn tuyệt vời. Các bạn nếu có dịp nên tìm đọc những bài luận văn của ông ấy, và sẽ thấy từ cấu trúc ý tưởng, đến triển khai bằng tiếng Anh, tất cả đều xảy ra một cách logic. Quan trọng hơn là ông dùng chữ chính xác, những câu văn trong đoạn văn ăn khớp với nhau một cách nhịp nhàng, không chê vào đâu được. Tôi thấy mỗi bài luận văn của ông là mỗi bài học mới về viết bằng tiếng Anh.

5. Đọc sách văn học

Sau này, tôi phát hiện rằng để trao dồi tiếng Anh cho tốt, cần phải đọc sách văn học. Nhấn mạnh là sách văn học, chứ không phải tiểu thuyết vớ vẩn mà các nhà sách ở Việt Nam bày bán đầy kệ sách. Ngày xưa, tôi thích đọc truyện của Ernest Hemingway (Giải Nobel Văn Học 1954), và hai cuốn sách làm tôi mê mẩn là "The Old Man and the Sea" (Ông già và biển cả) và "For Whom the Bell Tolls" (Chuông gọi hồn ai). Hai cuốn này tương đối mỏng, nhưng những chữ ông dùng và cách cấu trúc câu văn phải nói là tuyệt vời, đáng để học.

Mới đây tôi đọc cuốn "The Refugee" của Nguyễn Thanh Việt, và học được vài điều từ cuốn tiểu thuyết. Đọc sách tiếng Anh của các tác giả gốc Việt giúp cho chúng ta học thêm những danh từ liên quan đến văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như để mô tả cái bàn thờ cho người phương Tây, có khi chúng ta lúng túng không biết dùng chữ gì cho đúng, nhưng các tác phẩm liên quan đến hay của tác giả gốc Việt thì chúng ta học được từ cũ mà ý nghĩa mới rất thích hợp. Đọc sách văn học, chúng ta học cái 'wisdom' của tác giả mà không phải ai cũng có. Chẳng hạn như đọc sách của Nguyễn Thanh Việt tôi rất tâm đắc với ý niệm rằng tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần; lần thứ nhất là ở chiến trường, lần thứ hai là ở kí ức ("All wars are fought twice: the first time on the battlefields, the second time in memory"). Hay như câu "Tàn sát là vũ khí của kẻ mạnh. Chết là vũ khí của kẻ yếu. Không phải kẻ yếu không có khả năng tàn sát; cái sức mạnh lớn nhất của kẻ yếu là ở sự sẵn sàng chết nhiều hơn kẻ mạnh."

Đọc sách văn học còn là dịp để thấy sự khác biệt giữa văn chương khoa học và văn chương văn học. Văn chương khoa học có khi rất cứng nhắc, khô khan, nhưng văn chương tiểu thuyết thì bóng bẩy và hình tượng. Học tiếng Anh từ những từ ngữ bóng bẩy và hình tượng là cách làm giàu ngữ vựng tiếng Anh rất tốt. Chẳng hạn như để mô tả Little Sài Gòn, người làm khoa học sẽ dùng những câu chữ đơn giản (khoa học là phải đơn giản mà), nhưng với nhà văn thì họ sẽ mô tả đó là những công trình kí ức chiến lược hay là hiện thân của giấc mơ Mĩ ở người Việt di cư. Chúng ta học từ những cânhanh  sẽ làm giàu ngữ vựng rất nhanh như thế.

***

Những kinh nghiệm trên, dĩ nhiên, chỉ áp dụng cho những người mới học tiếng Anh. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là học phải có cuốn sổ ghi chép. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ đọc và nhập tâm là đủ. Đừng bao giờ nghĩ như thế! Tôi nghiệm ra là học là phải có sờ, phải viết xuống, phải có “hành động” thì mới có hiệu quả. Sờ con chữ có nghĩa là lấy bút màu tô đậm những chỗ mình thích. Viết xuống để mình nhớ, để có cảm nhận trực tiếp. Nếu chỉ đọc một qui định văn phạm thì chưa đủ, mà phải viết xuống thì mới dễ nhớ. Viết có hiệu quả rất tuyệt vời trong cảm nhận mà có khi chúng ta không để ý.

Nguyên tắc học hành là phải có thành quả. Mỗi ngày phải học được một cái gì mới, hoặc là một chữ mới, hoặc là một câu văn hay, hoặc là một luật văn phạm, v.v. nhưng phải có một cái mới. Học mà không có cái mới thì rất dễ chán. Do đó, phải tự đặt mục tiêu có thành quả mỗi ngày như tôi vừa nói.

Trên đây là vài kinh nghiệm cá nhân về tự học tiếng Anh của tôi. Mỗi người có vài kinh nghiệm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân. Nếu tập hợp nhiều kinh nghiệm và phân loại tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều người. Nói ví von một chút, tiếng Anh là một chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa tri thức. Do đó, trang bị cho mình một số kĩ năng quan trọng về tiếng Anh là một lợi thế vô cùng quan trọng khi tiếp xúc với người nước ngoài. Hi vọng những kinh nghiệm này có thể giúp ích các bạn đôi ba điều trong việc tự học tiếng Anh.


===

Báo infonet.vn có nhã ý phổ biến bài viết này đến độc giả (nhưng họ thêm chút 'mắm muối' về tôi) ở đây: