Có những khái niệm lịch sử đã được khẳng định và phổ biến có thể không hẳn là sử thực, mà thực ra đã được kiến tạo, bồi đắp dưới những quan điểm khác nhau, ở những thời điểm khác nhau.
TS. Trần Trọng Dương tại buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức ngày 6/4. Ảnh: Hoàng Nam.
“Loạn 12 sứ quân”, với đông đảo đại chúng, là một khái niệm đã khẳng định, được “đóng đinh” không suy suyển, bởi điều này đã được ghi nhận trong nhiều sử liệu từ quá khứ, được phổ biến trong hàng loạt sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, sách truyện thời hiện đại. Nhưng gần đây một số nhà sử học, trong đó có TS Trần Trọng Dương đặt ngược lại vấn đề: Có thể không hề có “loạn” 12 sứ quân hay thậm chí là “12 sứ quân”. Vì những thông tin về vấn đề này đã được các sử gia của phe đang nắm quyền chính trị thời đấy viết với ý đồ mỹ hóa nhà Đinh, đặt nhà Đinh ở vị thế cao hơn, còn hạ thấp, xú hóa hình ảnh của 12 sứ quân khác.
Cùng với khái niệm 12 sứ quân, hàng loạt các chi tiết, các thân phận lịch sử khác trong thế kỷ X đã được tô hồng hoặc bôi xấu hay lờ đi, cũng được TS. Trần Trọng Dương làm rõ và giải mã bằng việc cung cấp các bằng chứng mới trong buổi nói chuyện “Lịch sử thế kỷ X: Nhìn từ phe chiến thắng” ngày 6/4.
Cụ thể, các sử gia Nho giáo đã “loại” Đinh Bộ Lĩnh khỏi danh sách 12 sứ quân trong khi ông cũng chính là một lực lượng thứ 13. Hình tượng Đinh Bộ Lĩnh được hiện lên là người xuất hiện sau, có vai trò dẹp loạn và có công. Mặt khác, nguồn gốc của con cháu nhà Ngô cũng được làm mờ để nhằm mục đích chấm dứt vai trò lịch sử của nhà Ngô, “thiên mệnh” kể từ đây thuộc về một nhân vật lịch sử khác. Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đã bị xú hóa hình ảnh khi Lê Văn Hưu mô tả “ở ngôi 15 năm [951-965] nhưng ‘không có chính tích gì, đáng tiếc thay’ ”. Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh cũng là các sứ quân và được coi là “làm loạn” chứ không mang tính chính thống của nhà Ngô. Cả Ngô Sĩ Liên lẫn Lê Văn Hưu và Ngô Thì Sĩ đều góp tay chép soạn các bộ sử. Nhưng cả ba ông đều không để ý đến sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đã nổi lên từ năm 951, trước cái gọi là “loạn 12 sứ quân” 15 năm. Trong Tống sử Trung Quốc cũng ghi về cảnh “tranh giành nhau để tự lập, mười hai châu đại loạn” nhưng thực ra thông tin do Đinh Liễn, con trai Đinh Tiên Hoàng cung cấp. Việc Đinh Liễn “thêm nếm mắm muối” hay “cắt cúp các chi tiết” để củng cố tính chính thống cho triều đại mình là điều có thể hiểu được.
Rõ ràng, từ vị trí của một người chống đối bên rìa nhà Ngô trong 15 năm, Đinh Bộ Lĩnh trở thành người làm nên lịch sử sau khi làm nên “muôn chiến thắng”. Những kẻ chiến bại dưới tay ông đều được xây dựng như những kẻ làm loạn. Ông cũng được đưa vào các huyền thoại với hình tượng của một nhân vật mang “thiên mệnh” từ tấm bé.
Không chỉ thế kỷ X, lịch sử phần lớn được viết bởi phe thắng trận. Hầu hết những thông tin lịch sử được ghi chép lại mà chúng ta đang được thấy ngày nay được viết bởi sử gia của phe chiến thắng, với nhãn quan được định hình bởi một nhu cầu: củng cố quyền lực và tính chính thống cho phe chiến thắng. Trong các thời đại sau này, hình ảnh mỗi nhân vật, biểu tượng lịch sử, chính trị đều được kiến tạo, bồi đắp dưới bàn tay của sử gia mỗi thời, nhằm phục vụ cho các diễn ngôn chính trị của thời đại. Do đó, để tiệm cận gần nhất với sự thật lịch sử, cần lưu ý về tính hữu dụng của lịch sử, có cái nhìn tỉnh táo về nhu cầu chính trị đó, cần các phương pháp, lý thuyết khác nhau. Cần tránh việc sử dụng một lý thuyết duy nhất, một quan điểm duy nhất về lịch sử. Buổi nói chuyện của TS Trần Trọng Dương đã cung cấp không chỉ những bằng chứng mới, đem lại những câu chuyện sống động hấp dẫn về các nhân vật lịch sử ở một thời kỳ bản lề của lịch sử Việt Nam, mà quan trọng hơn, đã mở ra thảo luận, đem lại công cụ để hiểu lịch sử, để hiểu rằng có những cách diễn giải khác nhau về lịch sử hơn là khẳng định một chân lý, một sử thực duy nhất đúng.
Tọa đàm là một trong các hoạt động mang khoa học, nghệ thuật đến với công chúng do Tia Sáng tổ chức tại café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.