TRANG TUỆ
Ảnh minh họa. nguồn internet
Xã hội hiện nay đang phải chứng kiến quá nhiều hành vi thiếu nhường nhịn của nhiều người khi tham gia vào các sinh hoạt thường ngày. Trong đền chùa, vốn là những không gian linh thiêng thì đầy rẫy những chuyện chen lấn, xô đẩy để cướp lộc mà các phương tiện thông tin truyền thông vẫn đưa mỗi khi mùa lễ hội đến. Ra đường phố thì điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ, chen lấn làn đường, lạng lách đua nhau gây mất trật tự an toàn giao thông. Trong bệnh viện, công sở cũng có tình trạng xô xát, chửi bới và đánh nhau khiến nhiều người bức xúc. Trong trường học thì có những hành vi thầy xâm hại trò, cô đánh học sinh, rồi bạn bè đánh nhau vì những lý do chẳng đâu vào đâu. Và cả trong gia đình, vốn là những người có quan hệ gần gũi, máu mủ ruột rà với nhau cũng có những hành vi tranh chấp của cải, kiện tụng, đánh nhau vì lợi ích… Vợ chồng vì thiếu sự nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau mà suốt ngày cãi vã, đánh đập nhau dẫn đến chia lìa để con nhỏ phải chịu khổ, thậm chí nhiều khi còn lạnh lùng lấy mạng người bạn đời của mình vì những lý do nhỏ nhặt. Anh chị em ruột thịt cũng tranh chấp lẫn nhau, đánh đập và đưa nhau ra tòa kiện tụng chỉ vì một chút lợi ích nào đó trong gia đình… Nhìn chung, đó là những biểu hiện rõ nét của sự suy thoái về đạo đức xã hội. Nhưng đó cũng là sự thể hiện của một xã hội thiếu đi sự nhường nhịn lẫn nhau.
Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với 34 trường hợp khác nhau ở Nghệ An bao gồm 21 trường hợp ở nông thôn và 13 trường hợp ở TP Vinh về sự nhường nhịn trong cuộc sống gia đình hiện nay. Cuộc khảo sát dù ít mẫu nhưng được lựa chọn ở các đối tượng khác nhau về giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn. Nội dung của cuộc khảo sát tập trung vào sự nhường nhịn thông qua các mối quan hệ cơ bản trong gia đình như vợ chồng, anh chị em, cha con, mẹ con. Kết quả của cuộc khảo sát nhỏ này, dù còn hạn chế, nhưng cũng phần nào cho thấy thực trạng về sự nhường nhịn trong đời sống gia đình hiện nay.
Trong gia đình, cha mẹ luôn nhường nhịn cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Điều đó đều được hầu hết mọi người đồng ý. Nhưng sự nhường nhịn của cha mẹ đối với những người con cũng có sự khác nhau, có người cha mẹ nhường nhịn nhiều (mà nhiều khi thành cưng chiều), cũng có những người cha mẹ lại tỏ ra rất nghiêm khắc với con. Sự cưng chiều con cái là một trong những lý do ảnh hưởng đến quan hệ của các con cái. Nhiều khi, chính sự nhường nhịn của cha mẹ đối với con cái khác nhau cũng tạo nên những sự bất đồng trong cuộc sống gia đình. Luận điểm này được 18/34 người đồng ý (chiếm gần 53%). Đồng thời, 29/34 số người (hơn 85%) cho rằng cha mẹ đối xử công bằng giữa các con và nhường nhịn cho các con như nhau, không thiên vị ai cả thì sẽ là gương tốt và làm cho anh em trong gia đình cũng sẽ biết nhường nhịn nhau hơn. Cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo, nhất là về các đức tính của sự nhường nhịn.
Sự nhường nhịn trong các mối quan hệ vợ chồng thể hiện sự phức tạp hơn vì liên quan đến nhiều vấn đề. Như cha ông đã nói, “chồng giận thì vợ bớt lời”, khi một trong hai người không chịu nhường nhịn là vợ chồng xẩy ra tranh cãi. Cuộc khảo sát cho thấy có 81% cuộc tranh cãi khi hai vợ chồng không nhường nhịn nhau, 87% tranh cãi diễn ra khi vợ không nhường nhịn chồng và 74% tranh cãi diễn ra khi chồng không nhường nhịn vợ. Và ở chiều ngược lại, có đến 91% số người được khảo sát cho rằng gia đình được hòa thuận khi mà cả hai vợ chồng biết nhường nhịn nhau. Bà Nguyễn Thị Minh, 70 tuổi chia sẻ: “Các vợ chồng trẻ giờ thích ở riêng và có việc gì xẩy ra là chửi nhau, đánh nhau. Đã lấy nhau và sinh sống với nhau thì cần phải biết nhường nhịn. Chẳng có vợ chồng nào từ khi cưới nhau cho về già mà không có xích mích, mâu thuẫn, nhất là lúc còn trẻ. Nhưng tôn trọng và nhường nhịn nhau thì gia đình sẽ được êm ấm hơn”. Mâu thuẫn giữa các vợ chồng chủ yếu tập trung vào một số nhóm nguyên nhân. Theo kết quả khảo sát thì 34% nguyên nhân về kinh tế, 41% về tình cảm, 19% là do các quan hệ gia đình khác, các nguyên nhân khác chiếm 6%. Trước hết là nhóm nguyên nhân kinh tế, thu nhập không đồng đều giữa hai vợ chồng. Nó liên quan đến việc ai là trụ cột kinh tế gia đình. Nếu thu nhập kinh tế của hai người cách xa nhau thì cũng dễ xẩy ra tranh cãi, còn nếu thu nhập tương đương nhau, tức không phụ thuộc vào nhau thì lại dẫn đến xung đột ở các mặt khác. Có 51% cho rằng tranh cãi diễn ra khi chồng thu nhập cao hơn vợ, nhưng đến 87% cho rằng tranh cãi xẩy ra khi vợ thu nhập cao hơn chồng. Ngay cả khi vợ chồng thu nhập tương đương nhau thì mâu thuẫn diễn ra khi ai sẽ là người làm những việc khác trong nhà hay quyền quyết định trong gia đình. Nói chung là đều xuất phát từ sự thiếu nhường nhịn nhau. “Của chồng thì công vợ”, nếu biết nhường nhịn, tôn trọng nhau thì mọi việc phần nào được giải quyết. Nhóm nguyên nhân thứ hai liên quan đến vấn đề tình cảm. Đây là nhóm nguyên nhân rối rắm, nhất là khi nó liên quan đến quan hệ vợ chồng, trong đó có quan hệ tình dục và vấn đề ngoại tình. Các vợ chồng trẻ hay diễn ra mâu thuẫn, tranh cãi với nhau liên quan đến vấn đề này. Có những trường hợp tranh cãi đến từ những rạn nứt tình cảm thật sự, nhưng có những sự tranh cãi, thậm chí đánh nhau chỉ vì những chuyện rất nhỏ do thiếu sự nhường nhịn. Chỉ vì gọi điện và nhắn tin mà không trả lời kịp thời cũng xẩy ra mâu thuẫn. Hay chuyện chồng đi uống rượu về say mà vợ thì hay nói nên bị chồng đánh vốn đã khá phổ biến trước đây và cả hiện nay. Nhóm nguyên nhân thứ ba liên quan đến các quan hệ với các thành viên khác trong gia đình như quan hệ với bên nội, bên ngoại, quan hệ với các anh chị em khác trong gia đình. Nhiều khi, hai vợ chồng thiếu nhường nhịn nhau dẫn đến mâu thuẫn chỉ vì những chuyện của những người khác trong gia đình. Quan hệ vợ chồng trong xã hội hiện nay đang có xu hướng linh động hơn, và cuộc sống gia đình thiếu ổn định hơn khi quan hệ vợ chồng thiếu đi sự nhường nhịn lẫn nhau.
Một sự thiếu nhường nhịn khác trong cuộc sống gia đình hiện đại được thể hiện qua mối quan hệ anh chị em. Anh chị em là những người được cùng một cha mẹ sinh ra, được lớn lên trong cùng một môi trường giáo dục gia đình. Là những người có quan hệ máu mủ, huyết thống với nhau nên việc nhường nhịn nhau là lẽ đương nhiên. “Giọt máu đào hơn ao nước lá”, hay “khôn ngoan đấu đá người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… là những tổng kết của cha ông cho mối quan hệ này. Tuy nhiên, hiện nay, trong mối quan hệ này đang thể hiện sự thiếu nhường nhịn lẫn nhau. Có 71% số người khảo sát đồng ý với nhận định này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi trội lên là vấn đề lợi ích kinh tế, đặc biệt là việc phân chia các của cải, tài sản của bố mẹ để lại, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, nhà cửa. Những gia đình giàu có, có nhiều tài sản giá trị thì nếu cha mẹ không có thể phân chia hợp lý sẽ là nguồn rễ cho con cái tranh chấp. Nhiều trường hợp tranh chấp với anh em vì xem của cải của cha mẹ là một miếng lộc mà mình nhất thiết phải có phần. Và những tình huống thương tâm đã xẩy ra, như chuyện nhà ông Hiến cách đây mấy năm. Ông bà có 2 người con trai và 1 con gái. Chuyện xẩy ra với hai anh em trai khi cả hai đều lập gia đình và ông bà phải chia đôi đất vườn ra cho hai anh em. Người anh ở nhà cũ với bố mẹ, còn người em nhận phần đất bên cạnh để xây nhà mới. Chỉ vì khi xây nhà tắm quá hàng rào một chút mà hai anh em mâu thuẫn tranh cãi nhau và đánh nhau. Dẫn đến việc người em đã cầm dao chém anh mình mất một bàn tay. Đó là một trường hợp được khảo sát, còn trên báo chí và mạng internet thì những trường hợp anh em đánh nhau tranh chấp tài sản diễn ra khá phổ biến. Vào google đánh từ khóa “anh em tranh chấp tài sản” chỉ sau 0,34s sẽ xuất hiện khoảng 4.890 kết quả , tương tự sẽ có 18.700 kết quả xuất hiện sau 0,31 giây với từ khóa “anh em tranh chấp đất đai” (kiểm tra lúc 8h20 ngày 16/9). Điều đó cho thấy đây không phải là hiếm, chuyện lạ.
Tình trạng thiếu nhường nhịn trong gia đình đang tương đối phổ biến và phần nào được thể hiện qua những kết quả từ cuộc khảo sát nhỏ trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó cần phải nhắc đến sự yếu kém trong việc định vị và tạo ra các giá trị văn hóa nhường nhịn từ trong giáo dục gia đình. Một bộ phận những người làm cha làm mẹ, do bận rộn với cuộc sống hiện đại mà không dành thời gian quan tâm đến việc dạy dỗ con cái các giá trị về sự nhường nhịn lẫn nhau. Nhiều khi còn không làm gương tốt cho con cái noi theo. Khi cha mẹ hay tranh cãi, chửi mắng nhau thì con cái cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ trong gia đình mà môi trường giáo dục nhà trường cũng không đóng góp tích cực vào việc khơi gợi các giá trị nhường nhịn cho học sinh. Chính trong nhà trường cũng diễn ra những hành vi thiếu nhường nhịn. Trong khi đó, ở ngoài xã hội, tình trạng thiếu nhường nhịn còn phổ biến hơn. Con người đang hành xử với nhau bạo lực hơn, sự tranh chấp trên nhiều phương diện diễn ra với tần suất lớn hơn cũng ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của nhiều người và làm cho họ thiếu đi đức tính, văn hóa nhường nhịn. Để góp phần hạn chế tình trạng thiếu sự nhường nhịn trong cuộc sống gia đình thì cần phải định vị lại, nhấn mạnh các giá trị văn hóa nhường nhịn, xem sự nhường nhịn là một giá trị của cuộc sống gia đình và hành vi thiếu nhường nhịn cần phải bị lên án, phê phán, răn đe để hạn chế. Nhiều người đang mong ước về việc xây dựng một xã hội nhường nhịn, nhưng để làm được điều đó thì phải làm rất nhiều việc, trong đó cần phải bắt đầu từ trong cuộc sống gia đình. Khi trong gia đình còn thiếu sự nhường nhịn thì ngoài xã hội xem ra vẫn còn nhiều điều tranh chấp, nhiều điều ngang trái./.