ROLAND JACQUES
TÓM TẮT
Xem trong các viện lưu trữ, dường như chúng ta không thể khám phá ra tài liệu quan trọng nào chưa được khai thác để tìm hiểu về cuộc sống và sự nghiệp của Francisco de Pina. Đúng vậy, ngài rất xứng đáng được biết đến. Chúng ta có thể học được rất nhiều bài học và kinh nghiệm thực tế từ những việc ngài làm. Sự bén rễ sâu của Pina trong nền ngôn ngữ học Bồ Đào Nha là một khí cụ tuyệt với trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Tầm nhìn rộng mở của ngài có một vị trí quan trọng trong sự tiến triển của Việt Nam hướng về một nền văn hóa độc lập. Cuối cùng, công việc của ngài có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp Kitô giáo bén rễ sâu vào nền văn hóa Việt Nam.
Linh mục Roland Jacques, 24.10.2019
Bảo tàng São Roque (Lisboa, Bồ Đào Nha)
PHẦN CHÍNH
Tôi còn nhớ rất rõ việc mình phát hiện ra một bản thảo vô danh, có thể nói là viên ngọc nhỏ được chôn giấu trong kho báu là 62 tập lớn của bộ sưu tập Jesuítas na Ásia (49/IV đến 49/VI/10). Tôi đã dành trọn một tháng tại Thư viện Quốc gia Ajuda ở Lisboa, chỉ để tìm trong đó những điểm mốc cho việc nghiên cứu; sau đó, trong vòng hai năm, sống đơn độc trong một căn phòng sinh viên nho nhỏ ở Hà Nội, tôi đã cố phân tích những yếu tố đầy hứa hẹn. Bản thảo mà tôi chọn là một lá thư không có chữ ký; ở đầu lá thư, người sao chép vào thế kỷ XVIII đã viết: “Dường như đây là do F. Pina viết”. Văn bản rất khó để giải thích, bởi vì người sao chép đã tìm thấy những trang hỗn độn, và không lo sắp xếp chúng lại theo một trình tự nào cả. Vì vậy, tôi đã phải làm điều đó thay cho người ấy! Về năm viết thì nội dung không cho phép chúng ta nghi ngờ: văn bản đề cập đến phong thánh của Inhaxiô Loyola và Phanxicô, và cuộc tấn công vào Macau của hải quân Hà Lan, mà kết quả là Hà Lan phải tháo chạy tán loạn. Đó chính là một bức thư viết vào năm 1622.
Trong bộ sưu tập ở Ajuda, cũng như Kho lưu trữ của Dòng Tên tại Roma, có khá nhiều thư ngỏ, mang tên ‘Annua’ (niên biểu), trong số đó lại có nhiều bản được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Những niên biểu ấy mô tả hoạt động của các nhà truyền giáo với những thành công lẫn thất bại. Trái lại, tài liệu viết vào năm 1622 gần như chỉ nói về vấn đề ngôn ngữ. Bức thư bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn của tác giả: phải đối mặt với những bề trên khó hiểu, và những người bạn đồng hành lười biếng, mà chỉ biết dựa vào những người phiên dịch quá yếu kém. Người viết nhiệt tình vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng, với hai mục tiêu cơ bản: (1) mở ra sự tiếp cận ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho những người sẽ gieo hạt giống Tin Mừng của Chúa Kitô tại đây; và (2) cho phép các thế hệ Kitô hữu Việt Nam đầu tiên vẫn duy trì vững chắc nguồn gốc văn hóa của họ trong khi mở cửa đón nhận sự mới lạ hoàn toàn này.
Trong cuốn sách Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, tôi đã mô tả chi tiết công việc phân tích mà tôi đã làm với bản thảo này, để phác họa kế hoạch của Pina một cách thực tế. Tôi cũng đã đưa ra những lý do để xác nhận dứt khoát tác giả của bản thảo này, đúng là Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi quê ở thành phố Guarda, Bồ Đào Nha.
Tôi rất vui vì công việc của tôi đã có ích đối với một số nhà nghiên cứu, và Viện Ngôn ngữ Quốc gia Việt Nam đã dịch một phần sang tiếng Việt. Trong những năm qua, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ Việt Nam và Bồ Đào Nha, xin tôi tiếp tục nghiên cứu, vì tôi biết nhiều lời mời gọi này, vì hai lý do chính: tôi đã bắt tay vào việc dạy học tại một đại học ở Canada, điều này đưa tôi đi hơi xa khỏi những lĩnh vực mình đã từng quan tâm. Và quan trọng nhất, việc nghiên cứu của tôi trong các thư viện, và nhiều viện lưu trữ tài liệu hiện có, đã không giúp tôi tìm thấy tài liệu nào đủ để dẫn đến một bước đột phá trong việc tìm hiểu công việc của Pina.
Chính Pina đã viết vài lá thư khác, nhưng không tài nào tìm thấy chúng được. Một số niên biểu nêu tên của cha ấy, nhưng quá ngắn gọn. Thú vị nhất là niên biểu viết vào ngày 02/07/1625, năm tháng trước khi cha Pina qua đời: “Chúng tôi có một ngôi nhà ở Kẻ Chăm, thủ phủ của hoàng tử. Trước đây, nhà ấy chưa có tư cách của một nhà thuộc Dòng mình, cho dù ở đó luôn có một linh mục với một bạn đồng hành. Nhưng bây giờ chính Cha Francisco de Pina sống tại đây, và dạy ngôn ngữ cho hai cha Alexandre Rhodes và António de Fontes”.
Dù sao đi nữa, trong trí nhớ và trái tim tôi thì Francisco de Pina luôn giữ một chỗ rất đặc biệt. Cha ấy là một người tiên phong thực sự, một người có tầm nhìn rộng, và một người lao động không biết mệt mỏi. Những trực giác của cha về ngôn ngữ sẽ chỉ thực hiện được từng chút một qua nhiều thế kỷ. Nhưng năng lượng cha đã truyền vào công việc này chưa bao giờ cạn kiệt, và tiếp tục sinh hoa quả đến tận ngày nay.
Francisco de Pina, một học giả người Bồ Đào Nha
Vì hôm nay tôi không thể tiết lộ bất kỳ viên ngọc mới nào được phát hiện trong kho lưu trữ cổ xưa, nên tôi chỉ trông cậy vào sự kiên nhẫn của quý vị: tôi xin phép chia sẻ vài suy nghĩ về vị trí thực sự của cha Pina trong lịch sử chữ Quốc ngữ. Tôi viết rất rõ rằng việc nhấn mạnh đến phần đóng góp của ngài sẽ làm phật ý một số người ủng hộ ý kiến đơn phương cho rằng chính Alexandre de Rhodes đã một mình làm tất cả. Tuy nhiên, vì cả hai vị này đều là linh mục, nên họ biết rất rõ câu nói được trích trong Tin Mừng Thánh Luca: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi”. (Lc 6:40).
So với môn đệ của mình thì Francisco de Pina có một lợi thế lớn: ngài được đào tạo bằng tiếng Bồ Đào Nha, và nghiên cứu tiếng ấy. Pina sinh ra ở thành phố Guarda vào năm 1585 hoặc 1586, và gia nhập Dòng Tên khi được 19 tuổi. Vì ngài sinh trưởng tại vùng Beira Alta, rất có thể ngài đã học tại Học viện danh tiếng của Dòng Tên, thành lập năm 1542 ở thành phố Coimbra. Sau khi tốt nghiệp, ngài được sai đi đến Đông Ấn vào năm 1608, và tiếp tục học về văn khoa và thần học tại Học viện Macau. Tổ chức cao học nổi tiếng này thuộc về tỉnh Nhật Bản của Dòng Tên, dưới sự giám sát của một Visitador, một bề trên cao cấp luôn luôn được gửi đến từ Bồ Đào Nha.
Học viện Macau không chỉ là một pháo đài vững chắc của ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha ở Viễn Đông, mà còn là nơi nghiên cứu về các ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông, chủ yếu là của Nhật Bản. Ở đây, thầy Pina, còn trẻ tuổi, có cơ hội cộng tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu tài năng và có tên tuổi, như cha Gioan Rodrigues Tçuzzu, người đã là tiên phong trong việc La Mã hóa tiếng Nhật. Khi tới Hội An vào năm 1617 hoặc 1618, Cha Pina đã trải qua 10 năm học tập ở nơi này. Trong tám năm tiếp theo, cho đến khi đột ngột qua đời vào ngày 16/12/1625, cha đã nỗ lực để sánh kịp các vị thầy của mình, và áp dụng chính xác các phương pháp của họ vào ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mà mình yêu mến.
Cần lưu ý rằng, Pina được sinh ra và qua đời trong những năm đen tối của triều đại Filipe: trong thời gian ấy, ảnh hưởng của Tây Ban Nha ngày càng đe dọa đến tính xác thực của ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Nhưng trong những năm này không thiếu người yêu nước, họ đứng lên và phản ứng mạnh mẽ để duy trì sự tinh khiết và đặc thù của tiếng Bồ Đào Nha. Điều này đặc biệt giải thích tại sao trong những năm đó, các tác phẩm của nhiều tác giả về ngữ âm tiếng Bồ Đào Nha thông qua chính tả đã trở nên nổi tiếng. Ngoài các tác phẩm về ngữ pháp của Fernão de Oliveira (1536) và João de Barros (1539 - 1540), còn có một chuyên luận về chính tả của Duarte Nunes de Leão (1576), và một cuốn sách thực hành, mà giáo viên Pêro Magalhães de Gaandavo đã sáng tác năm 1574 để học sinh sử dụng.
Tất cả những công trình đó là những công cụ giúp Cha Pina giải quyết ngữ âm của tiếng Việt. Thật vậy, trong các ngôn ngữ gốc từ tiếng Latin, tiếng Bồ Đào Nha có ngữ âm, cả phụ âm và nguyên âm, phức tạp hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Tây Ban Nha. Sự khác biệt này đã được tuyên bố là một sự giàu có, chứ không phải là một đặc điểm thô kệch để rồi khinh dể tiếng Bồ Đào Nha như một thổ ngữ không đáng quan tâm.
Ngôn ngữ Việt Nam cũng vậy: vào đầu thế kỷ XVII, nó bị coi là một phương ngữ quê mùa không có khả năng mang văn hóa. Việc quản trị, giáo dục học tập, và cả thơ ca – với những ngoại lệ hiếm hoi – đều phải dùng đến tiếng Trung Hoa. Hệ thống chữ Nôm không thể vượt ra một cố gắng mông lung về ngữ âm tiếng Việt. Đây chính là trực giác phía đằng sau quốc ngữ: những người tiên phong muốn trả lại cho ngôn ngữ Việt Nam một vị thế cao quý, nên họ cần có một công cụ chính xác để khắc phục những thiếu sót, cùng với cách phát âm chính xác, đồng thời toát lên vẻ đẹp âm nhạc, nhịp điệu và tính biểu cảm của nó. Tất nhiên, ngữ âm của tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt rất khác nhau; nhưng việc nghiên cứu về ngôn ngữ Bồ Đào Nha trước kia đã đóng góp một phương pháp hiệu quả; nhờ đó, Pina và môn đệ của ngài có thể mô tả chính xác các âm vị và ghi chép chúng một cách cố định bằng chữ cái Latinh, với sự trợ giúp của các dấu phụ.
Trong phần thứ hai của cuốn sách của tôi, được viết bằng tiếng Pháp, tôi đã tìm khôi phục lại, từng âm vị một, tuyến đường mà Francisco de Pina đã vạch trước. Sau khi cha ấy qua đời, chính tả của tiếng Việt có trải qua vài thay đổi, nhưng rất ít. Điều chỉnh quan trọng nhất là do Từ điển mang tên Pigneau de Béhaine; thực sự, tác phẩm của người châu Âu, mà trở thành đặc quyền của các thế hệ trẻ Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, sau năm 1625, tất cả những người tham gia vào việc soạn thảo tác phẩm đã được cha Pina dự kiến, đó là Từ điển được xuất bản vào năm 1651, đều sử dụng tiếng Bồ Đào Nha như một la bàn đáng tin cậy. Điều này dễ hiểu đối với Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, hai người tiên phong được Lời Phi Lộ của Từ điển nêu lên; nhưng điều này cũng đúng với Alexander de Rhodes, người gốc miền Provence, được đào tạo bằng tiếng Latin và quen thuộc với chính tiếng Ý.
Francisco de Pina với nền văn hóa Việt Nam
Francisco de Pina, không giống như các nhà truyền giáo đầu tiên khác, đã không quan niệm việc La-Mã-hóa (Bồ-Đào-hóa) như tiếng Việt là một công cụ thiết thực để dạy những lời cầu nguyện và giáo lý Kitô giáo cho những người sẽ theo đạo trong tương lai. Ngài đã học Văn khoa trong nhiều năm ở Coimbra và sau đó ở Macau không thể trở thành một giáo lý viên cho trẻ con. Lá thư của cha ấy cho thấy rằng cha đã có những kế hoạch khác, đầy tham vọng: ngài muốn đi thẳng đến những tác giả giỏi nhất Việt Nam – ngài đưa ra so sánh Cicerô, so sánh giữa tài hùng biện và nghệ thuật thơ ca. Ngài biết rằng chỉ bằng cách đó ngài có thể động chạm đến trái tim và linh hồn của người nghe. Ngài tin rằng, mình và các đồng nghiệp nên có quan niệm mật thiết hơn với quốc gia, với tâm lý và với văn hóa Việt Nam. Nếu không, việc gieo Tin Mừng vẫn là một việc bên ngoài, uổng công vì không bén rễ và chỉ sinh hoa quả còi cọc. Ngài viết: “Tôi đã tập hợp các câu chuyện, thuộc nhiều loại khác nhau, để cung cấp các trích dẫn của tác giả, nhằm xác định ý nghĩa và quy tắc. Hơn nữa, tôi đã nhận ba tập tài liệu có tổ chức tốt, thu nhập văn bản trong số những bài viết hay nhất tìm thấy ở Vương quốc này”.
Từ đoạn văn ngắn này, mình xin phép rút ra ba từ chính: tiếng Bồ Đào Nha là “autoridades, significações, regras”, nghĩa là “tác giả, ý nghĩa và quy tắc”. ‘Autoridades’, trong những trường hợp này là văn bản viết do tác giả mà mọi người đều biết đến, và là mẫu mực của một ngôn ngữ đúng đắn. Như vậy, không nên hiểu là tác phẩm của nhà văn Kitô giáo, hoặc văn bản từ những bề trên tôn giáo. Mặt khác, Pina chỉ đến tài liệu bằng tiếng thuần Việt, vì các văn bản Trung Hoa hay Hán Việt sẽ trở thành vô ích ở đây. Những văn bản này nên vượt qua từ vựng hằng ngày, cho dù ngữ âm có tầm quan trọng lớn. Ý muốn của Pina là từ đó đi đến cú pháp của ngôn ngữ, ở đây được gọi là quy tắc. Nếu không, người học tiếng sẽ chỉ có sẵn một dãy từ vô nghĩa, và Kitô giáo sẽ bị mất uy tín ngay từ đầu, vì không có khả năng nói đúng. Tuy nhiên, cú pháp chưa đủ; cũng nên xác định chính xác ngữ âm của từ vựng, và điều này sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc sửa lỗi phát âm.
Để dịch từ ‘semantics’, người Việt Nam sử dụng cụm từ ‘ngữ nghĩa’; nhưng bên cạnh đó người ta thích nói, còn hơn, về ‘chữ nghĩa’: đó không phải là nghĩa của từng từ, mà là nghĩa của từng ký hiệu. Những ký tự này rõ ràng không phải là các chữ cái trong bảng chữ cái, mà là các chữ tượng hình hoặc chữ vuông, bao gồm các chữ Nôm đặc trưng cho tiếng Việt. Không còn nghi ngờ, Pina đã quan tâm đến thế giới của chữ viết truyền thống lâu đời này. Mặc dù cha đã không đủ thời gian để làm quen với chúng cho đủ, ngài vẫn khuyến khích những bạn trẻ Việt Nam học tập cho đủ. Các môn đệ của Pina, bao gồm cha Alexander de Rhodes. Cũng sẽ làm như vậy, như chúng ta thấy ở nơi giáo lý viên trẻ Anrê Phú Yên, mà tôi đã giới thiệu cho quý vị hôm qua.
Ở đây chúng ta đã có một chuyện đáng tiếc, mà hầu hết các sử gia không thấy hoặc lờ đi; chuyện ấy đã ngẫu nhiên xảy ra đúng lúc Từ điển mang tên Alexandre de Rhodes được xuất bản. Vì những lý do mình chỉ có thể tưởng tượng, dự án vĩ đại của Francisco de Pina đã không thể thành công trong hơn một thế kỷ. Lý do thật nhiều: thiếu động lực nơi một số nhà truyền giáo vì họ làm việc quá sức; rồi nghĩ đến môi trường cấm đạo, bắt bớ người lãnh đạo; và cũng thiếu các khí cụ mà chính Pina đã bắt đầu thực hiện, vì lợi ích chung của những người châu Âu yêu mến Việt Nam, và của các cộng tác viên địa phương của họ.
Về các cộng tác viên, lá thư của Pina cũng tiết lộ một sự lựa chọn quả quyết của ngài. Trong khi các nhà truyền giáo khác đi tìm những giáo viên có học và có kinh nghiệm để giúp mình, ngài quyết định mời những người trẻ xung quanh mình. Lý do sâu xa là như thế này: để cho phép nền văn hóa Việt Nam tiến bộ một cách độc lập, tách khỏi nền văn hóa Trung Hoa, và để có năng lực sáng tạo, cần có những người trẻ, dám cởi mở để chấp nhận sự mới lạ này. Các bạn trẻ này sẽ hoàn toàn thoải mái với cả hai hệ thống chữ viết; như Pina viết: “với chữ của họ lẫn chữ của chúng ta”. Ngài còn sợ rằng tâm lý của các bậc thầy hoàn toàn khác: sau khi đã dành nhiều năm nhiều tháng ôn thi để làm quan, họ đã đánh giá quá cao, một cách cứng nhắc, vào sự vượt trội của chế độ giáo dục truyền thống ấy.
Nếu thực sự cuốn sách năm 1651 vừa là một bước tiến quyết định, vừa là một thất bại, thì cảm hứng cơ bản, đầy nghị lực của Francisco de Pina vẫn còn kéo dài mãi về sau. Vào năm 1773, chúng ta đã có ngữ nghĩa học, cùng với việc chỉnh sửa chính tả để phù hợp với một cách chính xác hơn với ngữ âm, trong cuốn từ điển lớn mang tên của Đức cha Pigneaux (Bá Đa Lộc). Phải nói rằng đó là một công việc tập thể, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha ấy, của một nhóm tài năng và nhiều động lực gồm tám giáo lý viên. Các mục của từ điển này chính là chữ tượng hình; bên cạnh đó là ý nghĩa của chúng được xác định, và cuối cùng là vị trí của chúng trong văn cảnh được chỉ định.
Đây là một bước quyết định then chốt đối với lý tưởng mà cha Pina đã bày tỏ vào đầu năm 1622. Vài thế hệ đi qua thì mới có bước tiến thứ hai. Các văn bản văn học tốt nhất Việt Nam sẽ được phiên âm ra chữ Quốc ngữ nhờ sự thúc đẩy của các học giả Kitô giáo. Trong số họ phải nêu tên của Paulus Huình Tịnh Của (1834 - 1907), và Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898): chính họ cầm ngọn đuốc do Pina thắp lên. Ông Của đã xuất bản một từ điển mới, mượn phương pháp của Tự điển Pigneaux, nhưng phân biệt cẩn thận giữa các ký tự Hán Việt với Nôm, và đưa ra thêm các định nghĩa và ví dụ bằng chữ Quốc ngữ. Còn ông Ký trở nên nổi tiếng nhờ phiên âm Truyện Kiều, tác phẩm tiếng Việt cổ điển nổi danh nhất, từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, và thêm phần dịch ra tiếng Pháp. Đúng vậy, khí thế sáng tạo đã thổi qua, lá thư của Pina đã sinh ra, mặc dù quá muộn, nhiều loại quả tuyệt vời.
Francisco de Pina với việc hội nhập văn hóa của giáo huấn Kitô hữu
Về điểm này, tôi sẽ cố gắng hơn, vì việc truyền giáo Kitô giáo không phải là trọng tâm của hội thảo chuyên đề của chúng ta. Tôi đã lưu ý trước rằng văn bản của Pina mà chúng ta đang xem xét chủ yếu liên quan đến công việc ngôn ngữ, chứ không phải về việc trở lại đạo của ‘người ngoại’ (theo cách nói của Kitô hữu). Ngài thích nêu lên làm điểm so sánh, Virgilio và Cicero, hơn là Hồng y Bellarmino hay thậm chí Luís de Camões. Như vậy, ngài trung thành với truyền thống lâu đời của Dòng Tên ở Viễn Đông: họ thường bắt tay đầu tiên vào công việc khoa học, để chinh phục được sự tin tưởng và tình bạn của những dân tộc họ được gửi đến.
Tuy nhiên, Pina không bao giờ đánh mất mục tiêu cuối cùng của việc tận hiến đời sống, và của bài sai phái mình đi đến những khu vực chưa có đạo Thiên Chúa. Nhưng đối với ngài, phúc âm của Chúa Kitô cần được tái sinh trong tất cả các xã hội loài người, với nền văn hóa riêng của họ. Tin mừng này ở một quốc gia nào, thì chỉ có thể thực hiện một cách hữu hiệu nếu mình tôn trọng, hiểu biết, và xúc tiến ngôn ngữ và văn hóa, vì đó là linh hồn và hơi thở sống của quốc gia này.
Nhưng về nỗ lực ấy, cái chết quá sớm của Francisco de Pina đã không cho phép ngài thực hiện trực giác sáng tạo của mình đến cùng. Thực sự phải nói rằng nỗ lực chung của các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam đã được tạo ra, cùng với Phép giảng tám ngày do Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1652, một tác phẩm nguyên bản, chứng kiến một cách nhất định ngôn ngữ Việt của thế kỷ XVII. Tuy nhiên, trong một thời gian ấy, những sáng tạo của văn học Kitô giáo vẫn còn quá ít. Ngay cả sự đóng góp của thầy cả Philippe Bỉnh, sống ở thủ đô Lisboa vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, cũng làm khá thất vọng. Ở cấp độ văn hóa, trong một thời gian dài và vì những lý do chúng ta biết rõ, cộng đồng Kitô giáo Việt Nam đã đóng lại đối với xã hội và văn hóa chung. Ngôn ngữ của những lời kinh truyền thống khá nghèo nàn, vốn từ vựng của nó hạn chế, và mượn nhiều từ chuyên môn của các ngôn ngữ Âu châu.
Tạm kết
Cần phải đợi đến thế kỷ XX để có một thế hệ những người mở đường mới: họ đã nối lại cuộc đời đối thoại cơ bản với văn hóa Việt Nam, và dần dần làm phong phú ngôn ngữ của phụng vụ và thần học Kitô giáo. Chúng ta có thể nói rằng ngày nay, tầm nhìn của nhà tiên phong vĩ đại Francisco de Pina đang dần dần hiện thực hóa trước mắt chúng ta.
Ngạn ngữ Việt Nam nói “uống nước nhớ nguồn”. Tất cả những ai yếu thích ngôn ngữ Việt Nam, và ngưỡng mộ những phẩm chất không thể so sánh của nó, phải biết cách tỏ lòng tôn kính đối với Francisco de Pina, ông tổ của chữ Quốc ngữ.
R.J. (Lisbon, Portugal 24/10/2019)
NGUỒN : DĐ
Đây là tham luận đọc ngày 24.10.2019 tại Hội thảo “Di sản do (những giáo sĩ) Dòng Tên Bồ Đào Nha để lại ở Việt Nam”, tại Bảo tàng São Roque (Lisboa, Bồ Đào Nha). Tác giả là linh mục OMI (Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm), nguyên khoa trưởng Giáo Luật Trường đại học Công giáo Saint-Paul Ottawa (Canada). Tác phẩm : Les missionnaires portugais et les débuts de l'Église catholique au Viêt-Nam (2004), Des nations à évangéliser (2003), Portuguese pioneers of Vietnamese linguistics prior to 1650 (2002). Bản tiếng Việt này do chính tác giả dịch từ nguyên tác tiếng Pháp.