Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

TRẦN QUỐC HƯƠNG Người Chỉ Huy Tình Báo

Nguyễn Thị Ngọc Hải
Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ
2020


Trần Quốc Hương (1954)
1.
Tuổi thơ, gia đình  và quê hương

“Mẹ tôi không biết chữ. Làm lụng như một phụ nữ nông dân đi cấy thuê, nhưng bà biết hát ví hay nhất. Như tất cả phụ nữ nông thôn ngày xưa, dù sinh trong gia đình không nghèo lắm, bà cũng không được đi học. Quê tôi ở vùng Hà Nam - Bình Lục đồng chiêm trũng, nghèo lắm. Cả làng tha phương cầu thực. Mùa nước lên, tháng 6, tháng 7 âm lịch chỉ còn đàn bà và trẻ con ở làng. Đàn ông đi làm thuê khắp nơi. Thợ hồ, thợ mộc Nam Định tài khéo có tiếng, ông chú của bố tôi, là bạn của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ông chú học giỏi nhưng đỗ đạt không cao, được làng xã quý trọng lắm. Bố tôi làm nghề mộc, đóng xe bò rất giỏi, làm việc cho cơ sở Đông Kinh Nghĩa Thục, hiệu Đồng Lợi ở Phủ Lý. Cha tôi là con cả trong nhà, rất có hiếu với cha mẹ. Có một câu chuyện tôi không thể quên: ông làm việc ở Phủ Lý cách nhà 20 km, nhưng khi mẹ đau ốm bệnh nặng, ông sáng đi, tối về, đi bộ hàng ngày 20 km như thế về với mẹ, trông nom chăm sóc mẹ. Mà mẹ đau ốm lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Ông đi bộ hàng ngày như thế cho tới khi mẹ chết.
Làng tôi có tiếng về phong trào yêu nước của nông dân. Cụ Phan Bội Châu cũng lui tới đó vì sĩ phu ở đó cũng như ông Nguyễn Khuyến, đều không chịu ra làm quan. Phong trào do cụ Phan Bội Châu đề xướng Đông Du, các sĩ phu ở đây cũng cho con cái sang Nhật học khá nhiều, có người còn lấy vợ có họ Hoàng gia bên đó. Một ông cậu tôi làm đốc phu, thành một vị tướng có tiếng của Đề Thám, Tây bắt giam quản chế ở làng. Đến thời kỳ có các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo, làng tôi cũng có tham gia và có tiếng trong phong trào bình dân. Người giác ngộ trực tiếp đối với tôi lúc đó là anh Nguyễn Đức Quỳ, sau này là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Lúc đó anh Quỳ dạy tư, vốn bị tù ở Sơn La, người gốc Bắc Ninh, hoạt động có thời kỳ làm bí thư Ban cán sự Hà Nam. Anh dạy học con cái các ông tham, phán. Anh tự học và giỏi cả ba ngoại ngữ Pháp, Anh, Tàu. Thời kỳ chống Pháp anh là đại diện của ta ở Thái Lan. Một người nữa tên là Rốc, hoạt động dưới vỏ bọc cảnh sát, sau anh làm công tác ngay trong phòng tra ở Việt Trì. Làng tôi có một lai lịch như vậy, trong bối cảnh xã hội như thế nên tôi được giác ngộ rất sớm.”
Ông Mười Hương thường nhớ như thế về quê nhà. Sau này khi cha mình bị quy là thành phần giai cấp tư sản, địa chủ gì gì đi nữa, ông vẫn tự phân tích bản chất lao động của cha muốn: “Sau này được đọc truyện Gia đình Actamanôp của Macxim Goocki tôi liên hệ thấy yêu lao động là bản tính của cha tôi. Ông đối xử bình đẳng với người ăn kẻ ở trong gia đình. Giỗ Tết, ốm đau ma chay của họ, ông chăm sóc chu đáo nên được người ta thương. Tiếng là chủ, tính chất phong kiến bóc lột nhưng ông sống đạo đức, không để nông dân bị đối xử tàn tệ.” Sau này khi ông đưa mộ bố mẹ về quê, bà con trong làng nói: Nghe các ông đi cách mạng làm lớn cũng chưa làm được gì cụ thể cho làng. Nhưng ông bà cụ này nếu cái năm đói không đổ thóc nhà mình ra nấu cháo cho làng ăn thì còn nhiều người chết.
Lý lịch của ông Mười Hương là con nhà địa chủ kiêm tư sản, lại có hai thằng con theo giặc (khi ông Mười Hương đi miền Nam hoạt động bí mật, người ta gán cho bố ông là có con theo giặc).
Thời kỳ cải cách ruộng đất gặp nhiều oan trái, cha ông vẫn nói với vợ: Mình chẳng tiếc gì ruộng đất bị tịch thu mất. Nhưng làng quê mà đấu tố nhau thế này thì phong hóa suy đồi rồi. Thằng Mười Hương sau này có về gặp lại thì nói với nó thế!
Người làng còn kể lại lúc cốt cán nông dân chỉ mặt ông quát: Địa chủ Tân, ra cho nông dân hỏi. Ông cụ vẫn nghiêm túc trả lời: đời tôi không giết chóc, bóc lột ai. Mẹ ông kể lại: Không phải bị đấu tố mà chết, nhưng thầy mày buồn thế sự, hay nằm thở dài, mấy tháng sau thì chết ở Phủ Lý.
Người anh trai cả của ông Mười, như ông kể, “Lớn lên vừa lúc cách mạng tới, chứ không thì cũng đến đi làm cho Pháp. Anh cả tôi rất thông minh, sau làm thầu khoán các công trình làm nhà, cầu, đường. Anh kiếm khá tiền, mua được xe hơi như xe của tri huyện.” Tuổi thơ của ông Mười trải qua nhiều tình huống khắc nghiệt. Nhà ông theo phong cách quyền huynh thế phụ, quyền của ông anh trai cả rất lớn. “Hắn bắt tôi học, ngày nay tôi cảm ơn hắn, nhờ hắn mà tôi đọc nhiều.” - Ông Mười Hương nói vui khi nhớ về những ngày mình còn là chú bé bị ông anh chỉ huy. Em ngồi học đầu bàn này, anh ngồi ở đầu bàn kia, để sẵn cái roi mây. Hễ em ngủ gật là ông anh quất cho. “Mà xong bài ở trường, ông anh còn nhồi grammaire - ngữ pháp tiếng Pháp. Bài nào kiểm tra chưa thuộc, ông anh bắt quì trên gai mít. Nhiều lúc tôi thấy sao khổ quá, chỉ muốn chết cho rảnh.” Bà mẹ thấy thằng con trai bé bị anh hành hạ quá, xót con, bà nói dỗi: “Nhà tao không có mả học. Sau lớn nó có phải đi gắp cứt ăn cũng được.” Người cha thì ngược lại: Ông là nhà Nho, trọng chữ thánh hiền, “thấy rơi vãi dưới đất bắt nhặt lên.” Ông quan niệm nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, bắt con học chữ Nho để biết đạo lý ở đời, để ra đời biết làm văn tự, và ông “chê chữ Tây loằng ngoằng như rau muống.” Ông không bao giờ đánh chửi các con. Nếu con sai điều gì, lúc khác ông nhỏ nhẹ dùng các tích cổ để nói, khiến bọn trẻ thấy day dứt và nhớ lâu hơn.
“Cha mẹ tôi là hai người có cách nghĩ rất khác nhau, đều để lại dấu ấn tính cách nơi con cái sau này.” - Ông Mười đôi khi tự phân tích mình: “Cha của tôi ban đầu không tin có ai đánh được giặc Pháp, mặc dù trong hành động, ông luôn ủng hộ những người đánh giặc. Thời kỳ Việt Minh lên, ông vẫn cho rằng đánh được thằng Tây thì mặt trời mọc ở đằng Tây. Ngày xưa các cụ nhiều người tài giỏi mà đâu có làm gì được nó.” Quan niệm như thế, nhưng cụ chính là người hồi nhỏ đã từng chống thuyền đưa cụ Phan Bội Châu đi gặp gỡ lãnh tụ phong trào Văn thân trong vùng. Nhà của cụ có thời kỳ nuôi các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ như Trần Tử Bình cán bộ Xứ ủy và sau này là chỗ ở của đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Khi kháng chiến bùng nổ, cụ không ngần ngại theo lời hiệu triệu tiêu thổ kháng chiến, phá hết nhà cửa lớn của mình ở Phủ Lý để đi về quê tản cư. Khi Việt Minh đánh Pháp thắng lợi, rồi phục hồi đường xe lửa Nam Định chỉ trong ba, bốn tháng, cụ phục lắm.
Trong khi đó, tính tình cụ bà khác hẳn. Trong con mắt cụ chỉ có gia đình, chồng con là nhất. Cụ lấy việc thờ chồng nuôi con làm vinh dự, hạnh phúc. Khi mới giác ngộ, tôi đem thuyết giải phóng phụ nữ nói với mẹ, mẹ tôi chửi: Cho anh đi học, tưởng về anh nói cái gì hay ho chứ, toàn chuyện tào lao linh tinh, thôi đi, tao không nghe đâu. Đời cụ rất khổ, chồng chết nuôi con. Con đi hoạt động, nuôi cháu. Cụ là người phụ nữ nhanh nhẹn, thông tuệ và hát ví rất giỏi: “Tôi học ở mẹ nhiều ca dao, tục ngữ, cách nói ví von so sánh của dân gian. Đó thực sự là một kho tàng truyền dạy cho tôi lẽ sống hàng ngày. Cụ thường dạy con theo điều tốt: Chín bỏ làm mười, Đánh được người mặt đỏ như vang là không tốt đẹp gì. Không nên ăn thua tranh giành. Chữ nhẫn cụ đưa vào con. “Tất cả mọi người cùng hoạt động với ông Mười Hương thường nhận xét: Ức đến tận cổ vẫn nuốt xuống được, ông Hương có cái hay là thế. Ông cho rằng: “Nghị lực có được là do ảnh hưởng của cha tôi.”
Xuất thân trong một làng quê và gia đình như vậy, chàng thiếu niên Mười Hương bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1937 trong phong trào thanh niên khi học hết tiểu học, và lên Hà Nội sau đó hai năm, 1939.

2.
Bị Pháp bắt  năm 1941

Hình như nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam có khởi điểm giống nhau: đến với phong trào, bước đầu tiên khi hoạt động là đến với phong trào học sinh, thanh niên hoặc công nhân. Mười Hương cũng vậy. Năm 1939 là năm thoái trào của phong trào Dân chủ, cách mạng gặp khó khăn, Đảng rút vào bí mật. Đó cũng là thời gian chàng thanh niên Mười Hương đã tham gia cách mạng được hai năm.
Ông cười khi kể lại vụ “lá cờ.” Vì tiếc lá cờ nên ông bị thực dân Pháp bắt.
 “Đó là vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Hồi đó tôi còn nhỏ, rất ngây thơ. Quen biết nhiều anh trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Chúng tôi không ở trọ nhà ai mà góp tiền mướn một căn gác ở chợ Hôm, cả mười người sống ở đó. Tôi nhỏ tuổi nhất, còn các anh là những công chức nhỏ:  người làm thư ký, người làm hỏa xa, cùng hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ...”
Hôm đó là vào đầu tháng 11, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Họ chia làm hai tổ: một treo cờ, một rải truyền đơn. “Tôi ở tổ treo cờ, cùng một anh nữa sau này là đại tá, đi tù Côn Đảo 19 năm, tham gia tập kết trở thành chuyên viên kiến trúc. Sau 1975 về lại Sài Gòn mới mất. Hai chúng tôi được phân công treo cờ ở đường Phùng Hưng bây giờ. Chỗ đó nay đi qua tôi vẫn nhớ có cây bàng mọc ở vườn hoa hình tam giác chéo. Anh kia gác cho tôi trèo lên. Lúc tôi chuẩn bị buộc lá cờ lên thì thấy hai tên mật thám dắt xe vào vườn hoa. Tôi nhảy đại xuống, nghe cái huỵch! Nó giật mình né, tôi thừa cơ bỏ chạy. Vì thuộc đường phố Hà Nội nên tôi chạy thoát: qua phố Hàng Da, luồn vào các ngõ hẻm.
Tôi đem hai cái cờ về thư viện của Thành phố, không biết giấu vào đâu, bèn đem để bên trên cái thùng nước giật ở cầu tiêu khá cao, không ai với tới, sau đó đi về nhà. Nằm đọc sách một lúc, thấy tiếc hai lá cờ, tôi lại đến đó lấy về nhà, bỏ vào trong hòm. Không may, trong tổ đi rải truyền đơn có người bị bắt khai chỗ ở của cả nhóm. Chúng đến lục soát và thế là tôi bị bắt.”
Lúc bọn chúng ập vào, chàng thanh niên vẫn đang ngủ. Bọn Pháp lục ra được hai lá cờ. Nó bắt luôn cả mười anh ở chung. Một điều may mắn hiếm có đã xảy ra: bắt được người và tang chứng rồi, bọn chúng kéo đi, bỏ sót một căn buồng quan trọng không lục soát. Đó là “nhà in” đầu tiên vừa được hình thành với chiếc máy in đặt trong phòng. Nhờ đó mà chiếc máy in “thế hệ tổ tiên” của nhà in Trần Phú sau này vẫn còn nguyên vẹn và hiện nay đặt trong Viện Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội.
***
“Lúc đó trong khai sinh tôi chưa tới 15 tuổi, còn nhỏ, đi học trường Tây. Vì thế khi đưa tôi ra tòa án binh, địch không kết án được. Ông thầy cãi lúc đó nói: Thằng này sống xa gia đình, không ai trông nom, bị bạn bè rủ rê chứ không Cộng sản gì đâu. Cùng một thời gian đó, có những anh hoạt động nổi tiếng như Nguyễn Thọ Chân, Lê Toàn Thư... Các anh bị đưa ra Côn Đảo hết, chỉ tôi vì còn nhỏ được tha về.” Nhưng dù sao thì người thiếu niên này cũng đã bị giam cầm, khảo tra. Cùng bị bắt đợt đó có các anh Thanh niên Cứu quốc như Đỗ Xuân Hạc (em luật sư Đỗ Xuân Sảng), Luyến, Hợi, Oánh. Họ đã có những bài học đầu đời ở Hỏa Lò, Hà Nội. Những người Cộng sản nổi tiếng như Nguyễn Thọ Chân, Lê Toàn Thư cho cậu tham gia nhóm trung kiên học tập rút kinh nghiệm đối phó với địch khi bị đòn tra, khai thác...
Cũng thời gian này, chàng thiếu niên được những người tù Cộng sản kể cho nghe về một nhân vật. Câu chuyện về con người ấy có nhiều tình tiết ly kỳ: một Phó bí thư Xứ ủy đầu hàng khai báo khiến địch đến lùng bắt, song “người ấy” đã lẹ làng trốn thoát. “Người ấy” là đồng chí Trường Chinh. Một lần nữa, giặc tìm đến lớp chính trị của Trung ương vây bắt, rọi đèn pin trúng vào mặt đồng chí Trường Chinh nhưng ông nhanh chân hơn và rồi được hai ông cháu người dân chài cứu thoát. Người thiếu niên Mười Hương trong tù được nghe kể chuyện về tình bạn chí cốt giữa hai chiến sĩ cách mạng nổi tiếng: Nguyễn Đức Cảnh - Trường Chinh. Họ là bạn học dưới một mái trường, cùng đi hoạt động, cùng bị tù đày và Nguyễn Đức Cảnh sau đó bị lên máy chém. Số phận đẩy đưa thế nào, sau này vào những ngày đầu cách mạng, làm công tác bảo vệ Trung ương, ông Mười Hương lúc đó là một thanh niên trưởng thành, đã gắn bó đời hoạt động của mình với Tổng Bí thư Trường Chinh rất lâu dài. Nhưng đó là chuyện sau này. Bây giờ, cậu bé 15 tuổi ấy được ông anh ruột góp sức lo cho ra tù. “Lúc đó bọn chúng đưa tôi sang bên Sở Mật thám, kêu anh tôi lên làm cam đoan. Tôi nhớ mãi lời một tên mật thám nói với Chánh mật thám Bắc kỳ Lanéque: “Anh nên nhớ, Cộng sản ăn sâu vào máu những thằng bé con thế này. Thả ra là nó lại theo Cộng sản ngay. Anh cứ nhớ lời tôi.”
***
Cậu bé ra tù. Cầm theo lá đơn giới thiệu của nhóm trung kiên trong tù thông qua hai đồng chí Lê Toàn Thư và Nguyễn Thọ Chân, cậu tìm đến với lãnh đạo Trung ương.
Vừa ra tù, đầu còn cạo trọc, cậu về Thanh Trì bắt liên lạc với đồng chí Trường Chinh. Chủ nhà là cơ sở cách mạng, thấy người đầu trọc ở tù ra, không cho gặp. Cậu phải lên Hà Nội tìm cơ sở cũ qua Hội Truyền bá quốc ngữ lúc đó tập hợp khá nhiều trí thức lớn.
Ngày ấy, ở Hà Nội có những “pô-pốt” giống như nhà cho thuê, lính Tây cũng thường thuê để ở những khi làm việc ở sở về. “Lên Hà Nội, tôi ở pô-pốt trên gác nhà số 6B phố Công sứ Miriben, nay là phố Trần Nhân Tông, quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi ở chung gần một chục người, gồm cả sinh viên, học sinh. Tôi có may mắn sống với bạn bè tứ xứ. Nơi đây phát triển mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ, ở hướng đạo. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng qua đây. Anh Tố Hữu trốn tù ra, quen với một anh, tới đó ở chờ liên lạc với Trung ương. Anh Nguyễn Tạo, Lê Tất Đắc trốn tù từ Buôn Mê Thuột cũng về đấy. Tôi quen biết rộng nhờ vậy mà học được, biết được, giác ngộ sớm hơn lứa tuổi.”
Chính ở môi trường này, anh thanh niên Mười Hương quen nhiều trí thức lớn. Anh thân quý bộ ba Hoàng Đình Tuất, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng.
Anh Tưởng người Dục Tú, Đông Anh. Anh Tuất người Nghệ An. Anh Lợi người Gia Lâm, Hà Nội. Cả ba người bạn thân thiết này đều làm thư ký nhà đoan, hoạt động cách mạng, đều là những người viết lách giỏi. Cả ba anh là cơ sở cách mạng trong văn hóa cứu quốc. Anh cũng qua lại những ngôi nhà nghèo nàn của những nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Mỹ - em nhà văn Nguyễn Công Hoan.
 “Nguyên Hồng lúc đó khổ lắm. Lúc đó, chẳng có nhà cửa gì. Nguyên Hồng ở nhờ nhà Nguyễn Huy Tưởng, có cả mẹ, vợ con anh ấy ở cùng. Thỉnh thoảng mẹ Nguyên Hồng nấu cơm cho chúng tôi ăn. Nam Cao thì ở nhờ nhà Tô Hoài trên làng Bưởi.” “Từ những mối quan hệ này, tôi còn có nhiều liên hệ với các nhà văn, nhà trí thức vào dịp Đảng ta cho ra đời Đề cương văn hóa năm 1943”.
“Ở chỗ trọ, tôi cũng kết bạn với các anh Thôi Hữu, Phạm Triều. Vợ anh Thôi Hữu là cháu gái nhà cách mạng Tô Hiệu.” “Thôi Hữu - tức Nguyễn Đắc Giới - là một đồng chí chí cốt của tôi ở Hà Nội. Anh hơn tôi 6 tuổi, đã tốt nghiệp Thành chung, tham gia phong trào Thanh niên dân chủ trước năm 1940 ở Thanh Hóa, làm thơ và viết văn trên báo Bạn đường, tờ báo duy nhất lúc đó không bị thực dân Pháp cấm xuất bản sau khi Đại chiến thế giới hai nổ ra, vì lấy danh nghĩa là báo của tổ chức Hướng đạo. Nhiều bài viết của Thôi Hữu từ đầu năm 1941 đã được anh Trường Chinh khen ngợi. Sau khi đỗ Thành chung, Thôi Hữu vào Huế học trường Kỹ nghệ thực hành, tham gia bãi khóa và hoạt động cách mạng cho nên bị đuổi học. Ở Hà Nội, trong khi đang đi học ở trường Trung học Puginie, làm vỏ bọc để hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc, đầu năm 1942, tôi đã quen thân với Thôi Hữu ở pô-pốt 6B phố Công sứ Miriben. Thôi Hữu ra Hà Nội làm thợ điện chỉ để bắt liên lạc với Trung ương và làm cách mạng. Cuối năm 1942, khi tôi bị bắt ở trên gác nhà đó thì may Thôi Hữu đang công tác ở Việt Trì nên thoát nạn. Chính Thôi Hữu cũng được các anh Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ cử lên Tông (Sơn Tây) để bắt mối với Erwin Borchers (mang bí danh Việt Nam là Chiến Sĩ) một trí thức người Đức, thạo tiếng Pháp vì trốn tránh phát xít Hitler mà phải đi lính lê dương cho Pháp và sang Việt Nam. Brochers cầm đầu nhóm chiến sĩ quốc tế chống phát xít trong Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Bộ binh lê dương số 5. Trong khi hoạt động ở Ban địch vận do anh Trường Chinh trực tiếp phụ trách thì Thôi Hữu bị địch bắt vào cuối năm 1943.”
“Tôi nghe nói Thôi Hữu bị bắt, không muốn để giặc tra tấn mình nên đã tìm cách cắt cổ tự sát nhưng không chết. Bọn địch đưa anh vào Bệnh viện Bạch Mai. Tôi nghe chị Hảo y tá là một cơ sở mật của ta báo, mới biết. Chị Hảo không biết anh Thôi Hữu, chị bảo tôi: “Bọn mật thám lùng sục dữ lắm, anh cứ đi lang thang thế này thì nguy hiểm lắm. Có một anh nhà văn mới bị bắt đã tự tử.” Nhờ chị Hảo nói vậy, tôi mới biết người bạn cùng trọ với mình, Thôi Hữu, đã lâm vào cảnh gieo neo. Tôi quyết định vận động chị Hảo bố trí cho tôi lẻn vào thăm một lúc.”
Theo lời chị Hảo thì anh Thôi Hữu tự tử cắt cổ, máu chảy tràn trề. Địch bắt giam ở một phòng riêng phía sau bệnh viện. Lẻn vào thăm lúc này là liều lĩnh vô cùng nhưng anh thanh niên đầy nhiệt huyết Mười Hương lúc đó nhất quyết phải vào với bạn, bất chấp nguy hiểm. “Chúng tôi là bạn thân. Có lần anh ấy bán cả sách vở cho tôi tiền ăn lúc khốn khó.” Cô Hảo gắt: “Vào để chết à?”. Nhưng anh Mười Hương bày cách: “Cô cứ nói với anh Thịnh, người yêu cô, cũng là y tá, chú ý xem giặc nó gác lúc nào, chập choạng lúc thay ca, tôi tạt vào năm phút thăm một tý thôi.” Theo kế hoạch này, anh đã vào được nơi Thôi Hữu nằm. “Vào một buổi chiều chị đi trực, tôi theo vào. Chị giúi cho tôi chiếc áo blu và mũ trắng trùm đầu. Theo lời chị dặn, đến gần dãy nhà điên, tôi phải nấp ở chỗ vắng. Đến nửa đêm, nhận được mật hiệu của chị, tôi lẻn vào hành lang. Đi một quãng ngắn, mấy lần quẹo mới tới cửa buồng giam hẹp, chói ánh đèn. Nhìn qua ô cửa nhỏ, thấy rõ Thôi Hữu râu ria xồm xoàm, nửa nằm nửa ngồi, mình cởi trần, đen nhẻm, lằn rõ nhiều thương tích. Nhận ra tôi, Thôi Hữu ứa nước mắt: Mày vào đây làm gì. Tôi bảo nghe tin không sao đừng dược, chỉ gặp chốc lát thôi. Thôi Hữu sợ tôi gặp nguy hiểm, cứ đuổi tôi ra.” Tôi đút vội cho anh ít tiền và bánh mì, nói rằng tôi đang cố gắng tìm bắt liên lạc với tổ chức nhưng chưa được. Thôi Hữu bảo tôi đến tìm Nguyễn Hữu Đang...”
Gần 9 tháng sau, vào đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Thôi Hữu tự gây thương tích để được ném vào nhà xác. Rồi ban đêm, anh lần mò chui ra qua đường cống ngầm trốn thoát. “Mấy hôm sau, tôi vô cùng mừng rỡ và xúc động gặp lại. Thôi Hữu ở nhà Tô Hoài trong làng Nghĩa Đô gần chợ Bưởi. Ngay trong thời gian ở tù Hỏa Lò, Thôi Hữu đã được chỉ định ủy viên Ban cán sự Đảng Hà Nội. Ra tù, anh được phân công phụ trách ngoại thành Hà Nội. Đầu năm 1946, sau khi cách mạng thành công, anh được anh Trường Chinh chọn về làm báo Sự Thật. Bốn năm sau, giữa tuổi 30 đầy nghị lực và sáng tạo, trên đường đi Chiến dịch Đông Du, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu đã hy sinh giữa cánh đồng phố Giá, gần Viện quân y ở Vô Tranh (nay thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên.”
3.
Ban công tác đặc biệt của Trung ương

Vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương - Ban Công tác đội trước đây (18/10/1930 - 18/10/2002) đón nhận Huân chương Sao Vàng - ông Mười Hương mới có dịp nhìn lại và viết ra tài liệu được ông đặt tên là “Hành trang quý báu trong đời”. Trong tài liệu đó, ông nhìn lại với tư cách là cán bộ cũ của Công tác đội trực thuộc Thường vụ Trung ương từ giữa năm 1943 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau khi tham gia phong trào thanh niên, hoạt động ở Hà Nội và bị giặc Pháp bắt năm 1941, ra tù, ông đã bắt lại liên lạc với tổ chức của Đảng và làm công việc tiền thân của ngành công an sau này.
Đó là vào dịp ông đang công tác tại Ban cán sự Đảng Phúc Yên thì được Thường vụ Trung ương chọn về làm cán bộ Công tác đội trong An toàn khu (ATK) của Trung ương: “Anh Trường Chinh bảo: Cậu về nhận công tác mới, không ở Phúc Yên nữa. Ban Công tác đội Trung ương thành lập, cần người thông thạo Hà Nội, chuyên lo địa điểm cho Trung ương”. Chàng thanh niên Mười Hương tuổi 18 lúc đó đứng sững vì bất ngờ, đây là một vinh dự lớn mà anh không dám nghĩ tới.
Khi nói tới An toàn khu sau này thường chúng ta nghĩ tới những chiến khu Việt Bắc hoặc trong kháng chiến chống Mỹ có chiến khu D... và nhiều khu giải phóng. Nhưng ATK mà Mười Hương tham gia lúc đó là một sáng kiến của đồng chí Trường Chinh khởi xướng và chỉ đạo ngay sau khi Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật năm 1937. An toàn khu ở sát ngay Hà Nội chứ không ở tận núi rừng Việt Bắc như sau này khi kháng chiến bùng nổ.
Đó là một hệ thống căn cứ của Đảng gây dựng trong quần chúng ngay trong vùng giặc đang chiếm đóng. Ngay trong lòng địch, Đảng ta có An toàn khu giữa lòng dân để có chỗ đứng hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng.
Là một người hoạt động lâu năm bên đồng chí Trường Chinh nên ông Mười Hương thường được biết những chi tiết quan trọng, được nghe trực tiếp lời kể, nhận xét của đồng chí Trường Chinh và biết được biết những chi tiết quan trọng, được nghe trực tiếp lời kể, nhận xét của đồng chí Trường Chinh và biết được sau Hội nghị Muy-ních năm 1938 Đảng ta hoạt động tại Hà Nội đã trở thành đối tượng đàn áp rất mạnh. Kẻ địch gọi đồng chí Hoàng Quốc Việt lên để răn đe. Các cán bộ của Đảng rút vào bí mật. Xứ ủy Bắc Kỳ nhận định nếu cứ hoạt động quanh quẩn ở Hà Nội và các thành phố lớn sẽ khó thoát khỏi bị đàn áp, bắt bớ. Nhưng sau một thời gian chuyển về hoạt động ở nông thôn lại nảy sinh khó khăn mới. Xa Hà Nội - trung tâm đầu não sẽ không nắm bắt được chuyển biến của tình hình, sẽ khó cho nhận định và chỉ đạo phong trào. Do đó, dù khó mấy, cần phải có chỗ đứng ở ngay sát Hà Nội, ngay trong lòng địch. Một An toàn khu không phải ở trên rừng núi có địa bàn, tổ chức riêng biệt như sau này ở các chiến khu. An toàn khu lúc ấy bí mật hình thành ngay dưới sự kiểm soát của giặc, thường ở những chỗ giáp ranh hai tỉnh, đầu xứ ít bị chú ý, địch dễ sơ hở. Ở đó lại giáp sông, nếu có động, vọt sang bên kia sông là an toàn. Đó là vùng Đông Anh, Từ Liêm kéo dài đến phía Chèm. Bên kia sông là Phúc Yên. Điều này cho thấy lòng dân quyết tâm bảo vệ những chiến sĩ của Đảng Cộng sản như thế nào. Nhờ sáng kiến này mà An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ sau chuyển thành An toàn khu của Trung ương Đảng. Con đường hình thành này có công lao của Đảng, của dân đã bắt đầu như thế nào?
Có thể lấy một hình ảnh của một chi bộ Đảng ở Dương Quang (Thuận Thành, Bắc Ninh) của anh Mai Vy và Nguyễn Đức Quỳ (sau này cả hai anh đều làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa). Chi bộ của họ thành lập từ năm 1938, lúc ở đó chưa có cấp ủy cấp trên, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy. Đây là một chi bộ hoạt động rất mạnh ngay sát Hà Nội mà đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở Đảng hoạt động phía Hà Đông liên tục bị đàn áp. Lúc đó các lãnh đạo cao nhất của Trung ương như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã để ý và thống nhất với đề xuất của anh Nguyễn Đức Quỳ chuyển căn cứ của Xứ ủy từ phía Tây Hà Nội sang phía Đông. Chính đồng chí Hoàng Văn Thụ lúc đó là Bí thư Xứ ủy về gặp người của Chi bộ Dương Quang, tìm hiểu tình hình. Người bí thư chi bộ - anh Mai Vy - đã trình bày cụ thể về địa lý, chính trị, hoạt động của quần chúng, các viên hào lý và chức sắc của vùng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ còn tìm hiểu kỹ về đời sống của từng gia đình đảng viên và gia đình cơ sở. Họ đã lập ra được một sơ đồ đường đi lối lại từ Hà Nội về, qua những nhà ga, các bến sông, đi đến quyết định chọn nhà của Bí thư Chi bộ Mai Vy làm địa điểm liên lạc giữa Chi bộ và Xứ ủy. Và một vùng hoạt động khá rộng và bí mật được hình thành: Cơ quan in báo Giải phóng của Xứ ủy đặt ở nhà anh Cần, thôn Liễu Ngạn. Các cuộc họp Xứ ủy thì tại nhà anh Nguyễn Đức Quỳ ở thôn Yên Mỹ. Cán bộ các nơi đến liên lạc báo cáo, xin chỉ thị hay chờ nhận công tác cũng về vùng này, tại cơ sở bố trí ở các thôn Liễu Khê, Liễu Lâm, Ngãi Dương... Đồng chí Hoàng Văn Thụ ở tại nhà ông Toàn, thôn Đá. Đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà anh Trạm, thôn Trung, xã Hội Xá...
Công tác bảo vệ rất tốt vì giữ được bí mật. Nơi ở của Xứ ủy ngoài bí thư Chi bộ không ai được biết. Các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy không tiếp ai tại nhà mình ở mà thường hẹp gặp ở nhiều nơi khác. Chỗ gặp cũng thay đổi luôn. Người đến liên lạc phải nói đúng mật hiệu mới được tiếp nhận. Một hoạt động rộng lớn ngay trong lòng địch nên các cuộc tiếp xúc cũng có nội quy nghiêm cấm. Cũng tại vùng này, một ngày giữa vụ lúa chiêm, chị Trương Thị Mỹ - Xứ ủy viên đã đưa đồng chí Trường Chinh từ Thái Bình lên gặp hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ. “Lúc đầu gặp mặt, anh Mai Vy cũng chưa biết Trường Chinh là ai, chỉ đoán đó là người có trách nhiệm quan trọng của Đảng. Cũng như anh Hoàng Văn Thụ, từ buổi đầu trò chuyện này, anh Trường Chinh cũng hỏi tỉ mỉ về gia cảnh người bí thư chi bộ Dương Quang, tình hình đời sống nhân dân trong thôn xóm, phong trào quần chúng và thái độ từng viên tổng lý, quan lại vùng này. Anh không quên hỏi đường đi lối lại từ thôn Ngu Nhuế xã Dương Quang ra đường số 5 bao xa, ga nào đi xe lửa ra Hà Nội gần nhất, lối qua sông Đuống thì ra bến đò nào gần nhất, thuận tiện nhất.” Cuối năm 1940, anh Nguyễn Đức Quỳ được Xứ ủy cử đi đón đồng chí Phan Đăng Lưu ở miền Nam ra. Phan Đăng Lưu lúc đó là một ủy viên Ban chấp hành Trung ương duy nhất còn sống sót sau các đợt khủng bố, từ miền Nam ra miền Trung và Bắc để gặp các Xứ ủy bàn việc phối hợp đấu tranh vì cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa sắp nổ ra. Năm 1944, khi đồng chí Lê Đức Thọ ra tù, ông Mười Hương được đồng chí Trường Chinh cử đi đón. Họ gặp nhau ở gốc cây gạo bến đò Sù (Phú Xá) và về thẳng An toàn khu.
Hội nghị Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) họp ba ngày (từ mồng 6 đến mồng 9 tháng 11 năm 1940) do chính đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trì, sau này được gọi là Hội nghị Trung ương lần thứ bảy. Hội nghị quan trọng này của Đảng chuyển hướng chiến lược xác định kẻ thù chính là phát xít Nhật - Thực dân Pháp, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, tiến tới Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Cũng ở Hội nghị này, Đảng quyết định bổ sung ba đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và đồng chí Trường Chinh được cử làm người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Cũng cuối năm 1940 ấy, sau khi dự hội nghị này về tới Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu bị giặc Pháp bắt, nhưng lúc đó Xứ ủy Nam Kỳ đã phát lệnh nổi dậy rồi, trước đó một ngày. Mặc dù ở hội nghị quyết định hoãn cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa vì cho rằng chưa đủ điều kiện thắng lợi, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu không kịp thông báo quyết định này. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh thay mặt Thường vụ Trung ương đã ra ngay “hiệu triệu các đồng chí cấp bộ Đảng Cộng sản Đông Dương” và “thông báo khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” kêu gọi toàn Đảng toàn dân hưởng ứng và phối hợp cùng Nam Kỳ khởi nghĩa.
Chỉ sau một thời gian, An toàn khu của Xứ ủy mà rộng sang vùng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ở đó có một chi bộ do anh Lê Quang Đạo làm bí thư, với những đảng viên tích cực như Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Trọng Tĩnh và một số đồng chí khác, Xứ ủy đã phát triển thêm cụm căn cứ An toàn khu liên hoàn cơ động mà vững chắc.
Ông Mười Hương nhớ rằng từ trước Hội nghị Trung ương lần thứ bảy ở Đình Bảng cho đến cuối năm 1942, đồng chí Lê Quang Đạo đã làm trưởng ban Công tác đội của Xứ ủy Bắc Kỳ rồi chuyển thành Công tác đội của Trung ương. Khi đồng chí Lê Quang Đạo được cử đi công tác khác, thì đồng chí Lê Liêm vừa làm Bí thư Phúc Yên, vừa phụ trách Công tác đội của Trung ương.
Những công việc quan trọng nhất của Đảng và các cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó đều diễn ra ở An toàn khu, cho thấy sức lan tỏa của phong trào cách mạng được nhân dân góp sức, làm nên một vùng an toàn khu rộng lớn. Cho đến cuối năm 1941 đã có tới hai An toàn khu. Ban đầu, An toàn khu I chỉ hoạt động ở mấy tỉnh giáp ranh như Hưng Yên, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, rồi tỏa rộng ra tới Đa Phúc, Đông Anh. Những làng quê nổi tiếng như Võng La, Phương Trạch, Dâu Canh như một vành đai đỏ bao quanh Hà Nội.
Sang đầu năm 1943, An toàn khu I đã mở rộng lên một số huyện của các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, hình thành An toàn khu I do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách. Đó là nơi dự bị hoặc là nơi mở các lớp huấn luyện triển khai Nghị quyết Thường vụ Trung ương cho cán bộ. Ở ngay cửa ngõ Hà Nội, từ Yên Phụ lên Chèm, Vẽ, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh thường ngồi viết báo Đảng. Vào đầu năm 1943, đồng chí Trường Chinh đã ngồi ở làng Võng La của An toàn khu ngay sát Hà Nội để viết ra dự thảo một văn kiện quan trọng “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Ông Mười Hương nhớ rõ sau khi viết xong, đồng chí Trường Chinh còn đi đò sang bên kia sông Hồng vào phiên chợ Bỏi, để về làng Chài (Võng La) hoàn chỉnh văn kiện này, kịp đưa ra thảo luận thông qua Hội nghị Thường vụ Trung ương.
Cũng ở An toàn khu, có khá nhiều cán bộ phụ trách Công tác đội trong nhiều thời kỳ khác nhau. Chính từ những năm trước cách mạng ấy, ông Mười Hương với nhiệm vụ của một đội viên Công tác đội đã gặp gỡ, làm việc với rất nhiều cán bộ nổi tiếng giữ trọng trách các công việc của Đảng. Tên tuổi họ cũng gắn liền với lịch sử đấu tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam: Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Đạo, Lê Liêm. Đặc biệt ông đã làm việc một thời gian dài dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh lúc đó là Tổng Bí thư. Cũng nhờ vị trí công việc mà ông Mười Hương đã làm việc, quen biết với rất nhiều nhà văn nổi tiếng như: Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Thôi Hữu, Thế Lữ... Cũng nhờ vào công việc được giao ở Công tác đội mà ông Mười Hương được biết và có góp phần vào việc hoạt động của các tờ báo cách mạng sớm nhất. Một mảng rất lớn sau này ông được giao làm đầu mối với các nhà tình báo lớn, có tên tuổi như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ấn... Có thể nói cuộc đời ông đi suốt cả một giai đoạn dài, xuyên qua cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống thực dân đế quốc xâm lược Pháp và Mỹ. Cũng chính Công tác đội, ở gần và bảo vệ, tổ chức công việc gắn với cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, mà ông Mười Hương có lẽ là một chứng nhân hiếm có của những tình tiết chưa có trong lịch sử.
Trong bản tài liệu được viết ra vào năm 2002, tức là 72 năm sau, ngày truyền thống của ngành, ông đã nhớ lại những chi tiết, những sự kiện thật xúc động chưa ai viết ra bao giờ.
Đó là câu chuyện tại Hội nghị Đình Bảng quyết định bổ sung ba đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đồng chí Phan Đăng Lưu lúc đó ở miền Nam ra họp, được hội nghị đề cử làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương lâm thời nhưng đồng chí không nhận. Đồng chí nói, tình hình như thế này Trung ương nên ở ngoài Bắc, tôi trở về miền Nam, sớm muộn cũng sẽ bị địch bắt. Và quả như vậy, tháng 11.1940 ngay sau khi về tới Sài Gòn, đồng chí bị giặc Pháp bắt. Đó là thời điểm sát nút, trước khởi nghĩa Nam Kỳ đúng một ngày. Đó còn là câu chuyện một lần cuộc họp Xứ ủy ở làng Đình Bảng do đồng chí Trường Chinh chủ trì, đồng chí biết gia đình ông Đám Thi, nơi diễn ra cuộc họp, có rất nhiều con cái tham gia công tác bảo vệ. Qua trò chuyện với ông Đám Thi, biết cụ cố sinh ra ông hay đi lễ chùa, đồng chí Trường Chinh đã nhờ cụ cố dẫn đi gặp gỡ làm quen với sư cụ chùa Đồng Kỵ. Sư cụ trông coi cả chùa Lã và chùa Dâu, vùng Đình Bảng.
Qua mối quan hệ này mà đại đức Phạm Thông Hòa - sư cụ chùa Đồng Kỵ đã trở thành người có cảm tình với cách mạng. Ngôi chùa của sư cụ đã có lần được đón Thường vụ Trung ương về họp vào những lúc kẻ địch lùng bố gắt gao.
Trong tập tài liệu của mình, ông Mười Hương còn viết lại những điều ông được nghe, được biết về những chi tiết liên quan đến các sự kiện lớn của lịch sử. Đó là những ngày Trung ương Đảng tìm cách đón Bác Hồ khi được tin Bác đang tìm đường về nước. “Mùa thu năm 1938, Bác Hồ từ Nga về Trung Quốc. Từ cuối thời kỳ Mặt trận dân chủ, khi đang viết báo công khai ở Hà Nội, anh Trường Chinh đã được giao nhận những bức thư của Bác Hồ, ký bút danh là P.C.Lin, gửi về cho Xứ ủy và Trung ương Đảng. Anh Trường Chinh cho biết, những bức thư này do một công nhân hoạt động bí mật, làm việc trên tuyến đường xe lửa Vân Nam - Hà Nội chuyển về, rồi bỏ vào hòm thư của báo Notre Voix (Tiếng nói chúng ta) ở Hà Nội.
Tháng 6/1940, Pháp bại trận và đầu hàng phát xít Đức. Bác Hồ quyết định về nước. Ở Vân Nam, Bác liên lạc được với tổ chức của Đảng do anh Phùng Chí Kiên phụ trách, trong đó có cả anh Trịnh Đông A (tức Vũ Anh). Trong khi chờ đợi liên lạc với Trung ương, Bác Hồ đến Liễu Châu, tạm nhận một công tác ở Bộ Tư lệnh Đệ Bát Lộ quân do Diệp Kiếm Anh chỉ huy.”
“Sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (tháng 11/1940) được tin Bác Hồ, đại biểu Quốc tế Cộng sản tìm đường về nước, đã mấy lần, Trung ương Đảng ta phái anh Nguyễn Văn Minh Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ sang Vân Nam đón Bác, nhưng đều không gặp được. Phải đến cuối năm 1940, khi anh Hoàng Văn Thụ, một người đã từng hoạt động nhiều năm khắp vùng biên giới Việt - Trung, thông thạo địa hình và thổ ngữ địa phương, được cử đi đón thì mới tìm gặp được Bác. Nơi gặp chính là làng Tân Khư, thuộc đất Tịnh Tây (Trung Quốc) giáp giới với Cao Bằng. Lúc đó vừa qua Tết dương lịch 1941. Anh Hoàng Văn Thụ báo cáo với Bác về phong trào cách mạng trong nước. Bác nói với đồng chí Hoàng Văn Thụ về quyết định của Bác về nước, đồng thời để nghị Trung ương khẩn trương triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước qua cột mốc biên giới số 108 ở Cao Bằng”. Ông Mười Hương còn kể lại rất nhiều hình ảnh của những con người trung kiên ở nhiều lĩnh vực công tác, mà có thể đến nay vẫn “vô danh” sống cuộc đời bình thường. Như gia đình nhà anh Trạm ở thôn Trung, xã Hội Xá, nơi đã là chỗ ở của đồng chí Nguyễn Duy Thân (cậu ruột đồng chí Lê Quang Đạo) và các anh Liêm, anh Tỉnh đều là cán bộ Công tác đội, là các con ông Đám Thi. Một trong những cán bộ Công tác đội phụ trách đường dây giao thông đặc biệt ở miền núi, giữ vững liên lạc giữa Thường vụ Trung ương và Bác Hồ, là ông Nhị Quý, hiện đang vui sống tuổi già ở Hà Nội. Ông Nhị Quý (tên thật là Ngô Ngọc Tín) quê ở Nam Định, hoạt động từ năm 1940, đã trải qua nhiều nhà tù khắc nghiệt như Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, rồi Chợ Chu (Thái Nguyên). Cuối cùng ông vượt ngục Chợ Chu tiếp tục công tác. Ở chi bộ La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) có người bí thư tên là Đường Văn Hon, người dân tộc Sán Chỉ, tuy không biết chữ, nhưng hoạt động từ năm 1936 và thông thạo địa hình núi rừng Việt Bắc. Chính ông Hon đã giác ngộ cách mạng cho một người trẻ tuổi sau này trở thành vị tướng danh tiếng Chu Văn Tấn. Anh Bạch Thành Phong, người được Thường vụ Trung ương phái về giúp Đảng bộ Hà Nội lập An toàn khu, phụ trách toàn bộ vùng Bưởi - Nghĩa Đô - Cổ Nhuế. Anh đã gây dựng được nhiều cơ sở cho Xứ ủy và Trung ương. Những chị giao thông liên lạc đặc biệt như Trần Thị Sáu (còn gọi chị Sáu già) giỏi giang, thu xếp nơi ăn chốn ở cho các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ. Chị làm giao thông cho Trung ương đưa bài vở và tài liệu cho báo Đảng. Những tên tuổi bình dị như chị Nguyễn Thị Hội ở Đình Bảng, chị Nguyễn Thị Nguyên (tức Bắc Chung) ở Bắc Ninh, chị Lương (tức Hải), đều là những cán bộ giao thông liên lạc giỏi, từng vào tù ra khám, gan góc chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
***
 Công tác đội - cái tên gọi nghe không toát được hết tám quan trọng của nó. Thực ra đó là Đội Cận vệ, ở sát Thường vụ Trung ương, được giao nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tình hình, nắm mọi mặt của An toàn khu. Mà An toàn khu không phải một vùng đất giải phóng của ta, không thể có bộ máy công khai hành chính, nhưng lại phải hoạt dộng như một bộ máy chặt chẽ nhất một cách bí mật. Họ phải nắm vững hoạt động của bộ máy địch tại các vùng rộng lớn, các diễn biến động tĩnh của đám chức sắc, hào lý, trương tuần và đám lính lệ ở các phủ, huyện trong vùng. Họ cũng phải phối hợp với cán bộ chủ chốt của các chi bộ và tổ chức quần chúng cứu quốc trong vùng. Khi phong trào lên thì có thể làm tê liệt chính quyền cơ sở của địch. Khi cẩn thiết, phải chọn nơi ở và làm việc cho cán bộ lãnh đạo Đảng, đặt kế hoạch bảo vệ chu đáo lúc sinh hoạt bình thường cũng như khi có các cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương.
Họ làm nhiệm vụ bảo vệ sống còn cho lực lượng lãnh đạo của Đảng, bố trí địa điểm họp và làm việc của Trung ương, nắm giữ điều phối đường dây từ Trung ương đến địa phương. Các công tác này được tổ chức khá hoàn hảo. Quy chế cho An toàn khu được tổ chức hết sức nghiêm ngặt. Chỉ thị về công tác tổ chức của Trung ương ngày 1/12/1941 đã nêu rõ: “Đội tự vệ có trách nhiệm ủng hộ cơ quan, ủng hộ tranh đấu, cảnh giác, trinh thám hoặc thông tin. Cố nhiên, trong khi tranh đấu, nếu gặp địch nhân, nó phải ngăn cản địch nhân để quần chúng giải tán kịp và ủng hộ cho các chiến sĩ, có khi phải đánh tháo cho các chiến sĩ nếu họ bị địch bắt. Đội tự vệ phải gồm có nhiều tiểu tổ giữ một công việc, một trách nhiệm. Thí dụ tiểu đội đàn bà, trẻ con ông già thì canh gác, trinh thám, thông tin. Còn tiểu đội gồm có những người khỏe mạnh thì ủng hộ tranh đấu, giữ cơ quan trong khi khai hội, tự vệ các chiến sĩ trong khi đi lại nếu cần.” - Văn kiện Đảng toàn tập (tập 7).
Có thể thấy, đó gần như những nhiệm vụ của một tổ chức tiền thân của ngành công an sau này.
Chính ngay từ những ngày ấy, người thanh niên Mười Hương thường làm việc trực tiếp với đồng chí Trường Chinh và đã có những nhận xét:
“Ở An toàn khu, thỉnh thoảng tôi được anh Trường Chinh cho gọi đến chỗ anh ở và làm việc để báo cáo tình hình cụ thể thực hiện nhiệm vụ được giao. Tôi cũng nhận chỉ thị về công việc sắp tới. Chưa bao giờ tôi thấy anh nổi nóng hoặc cáu gắt với ai mỗi khi có điều gì không vừa ý. Chỉ thấy nét mặt anh bình tĩnh lắng nghe và ôn tồn chỉ bảo, vạch rõ đúng sai một cách có lý, có tình cho cán bộ cấp dưới. Điều tôi cảm nhận rõ nhất ở anh trước hết là tác phong làm việc hết sức cẩn thận, giữ gìn rất nghiêm nguyên tắc hoạt động bí mật. Chỗ anh làm việc bao giờ cũng gọn gàng, ngăn nắp, không để lộ một dấu vết gì khác thường dù là nhỏ nhất. Cần một mảnh giấy nào để viết thì mới lấy ra. Không dùng đến hay làm xong rồi thì cất đi ngay. Sách báo xuất bản công khai ở Hà Nội được cơ sở cách mạng ở nội thành cung cấp, công tác đội chúng tôi chuyển đến cho anh đọc, được cất giữ cẩn thận ở những nơi khác, không ai được biết đến.
Thời bấy giờ, tôi chưa thấy có ai làm thư ký riêng hoặc trợ lý Tổng Bí thư, chưa có cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng ở An toàn khu. Mọi việc viết lách, từ chỉ thị, nghị quyết cho đến một bài báo đều tự tay anh viết lấy. Chính phong cách sinh hoạt và làm việc, tác phong gương mẫu của anh Trường Chinh đã gây ấn tượng mạnh cho tất cả những ai được sống và làm việc bên anh ở An toàn khu.”
An toàn khu phát triển rộng và vững chắc, ở nơi cơ quan của Thường vụ Trung ương có cơ quan báo Đảng và nhà in. Đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí khác như Lê Liêm, Lê Toàn Thư, Lê Quang Đạo, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt... làm báo Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng. Thường vụ Trung ương có ba người. Tổng Bí thư Trường Chinh vừa làm chủ nhiệm chính trị và chủ bút các tờ báo của Đảng. “Có lần, Đội công tác chúng tôi lo cả một địa điểm bí mật riêng cho anh Trường Chinh tới làm bài, viết lách cho tờ báo. Nơi này là gian nhà của một lão nông nghèo ở Phúc Yên, tính đường chim bay chỉ cách Phủ Toàn quyền của địch chỉ hơn chục cây số.”
“Khi Bác ở chiến khu về Hà Nội, ở nhà 48 Hàng Ngang. Ông Nguyễn Lương Bằng nói: Thường vụ giao tôi lo cho Bác, cậu lo cho Tổng Bí thư Trường Chinh. Tổng Bí thư phụ trách luôn tuyên huấn cho nên cậu lo luôn cả mảng báo chí, phải có địa điểm cho các nơi liên lạc. Do đó, nơi ấy trở thành đầu mối gặp gỡ. Các ông Nguyễn Khánh Toàn, Lý Ban, tướng Nguyễn Sơn cũng móc nối ở đó, rồi tôi mới đưa họ đi gặp Trung ương.”
Có một thời gian, không khí chính trị ở Hà Nội rất lộn xộn, phức tạp, vậy mà Trung ương vẫn an toàn hoạt động. Ông Mười Hương lo nơi ăn ở của đồng chí Trường Chinh suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám cho tới kháng chiến bùng nổ, lo cho nhà báo in ấn không ngưng ngày nào.
Nhiều chuyện nguy hiểm đã xảy đến với ông. “Tôi ở cùng nhà với Nguyễn Huy Tưởng ở gần chợ Hôm. Bữa ấy tôi đưa tài liệu sang Đông Anh. Có một việc trước đó tôi để ý nhưng không nói với ai. Có một tên mật thám hiến binh Nhật ở ngay bên cạnh nhà chúng tôi. Nó có để ý việc đi lại của tôi nên tôi rất thận trọng. Hôm ấy đưa tài liệu sang Đông Anh về, tôi đạp xe lên cầu Long Biên, nhìn xuống dãy nhà thấp nơi chân cầu, thấy nó đang ngồi chờ bên cạnh chiếc xe đạp. Có lẽ nó đón đường tôi đây! Không thể lùi được nữa, tôi quyết định đạp vọt lên. Định bụng là đến giữa cầu, vứt xe xuống bãi giữa tìm đường thoát. Nó đạp theo nhưng không nhanh bằng tôi, vừa đạp vừa la cho đám lính bên đầu cầu đón bắt nhưng không kịp. Tôi vượt qua rồi, đám lính gác cầu mới hiểu là tên kia muốn gì nhưng đã muộn. Tôi đạp đến giữa cầu, không thấy xôn xao gì liền đạp thẳng một mạch về Hà Nội, đi tới nhà khác luôn, không về ngôi nhà cũ nữa.” Đó chính là ngày mà Đội danh dự thành Hoàng Diệu xử gián điệp Nga “Thiên Hương”.
 “Một lần, lúc này ta đã giành chính quyền, tôi từ nhà in về đang đạp xe xuống dốc Hàng Gà, đường Quang Trung bây giờ thì phát hiện có người đạp xe theo từ đầu đường, đoạn Thư viện Quốc gia. Tôi đi ngoằn ngoèo, áp sát tòa nhà Bộ Thông tin, thì thoáng thấy nó thọc tay vào túi. Tôi nhảy ra khỏi xe, nó nổ súng nhưng gốc cây đã che đạn cho tôi. Anh em ở Bộ Thông tin tuyên truyền Vệ quốc đoàn gần đó chạy lại, đang lên quy lát súng lách tách. Thấy lộ nó vội ngoặt vào xóm Hạ Hồi - xóm mật vụ thời đó.” Những hồi ức bất chợt như vậy của ông đem lại cho chúng ta những hình ảnh cụ thể cuộc sống Hà Nội những năm 1945-1946, lúc cách mạng mới thành công. Nhiều lúc ông nghĩ: may hay sao, chứ lúc tôi hoạt động ở trong Hà Nội đâu có dựa vào quân đội, công an như một tổ chức hoàn chỉnh gì đâu. Mình lấy hết sức ra lo bảo vệ và nhờ các anh ấy đều là những nhà cách mạng đầy kinh nghiệm hoạt động giữ bí mật và quy luật đi, ở rất linh hoạt. Chứ lúc đó bọn địch cũng lùng sục dữ lắm.
Khoảng cuối năm 1943, trong một cuộc họp của Ban Công tác đội An toàn khu, đồng chí Trường Chinh đã chỉ thị phái Mười Hương thực hiện một nhiệm vụ mới.
Trong ghi chép cá nhân, ông Mười Hương viết về sự khởi đầu công việc đó như sau: “Mấy hôm sau, anh Trường Chinh lại cho gọi tôi đến chỗ anh và hỏi: Anh có quen giáo sư Đặng Thai Mai không?
Tôi chưa quen đâu nhưng biết ông ấy là một giáo sư nổi tiếng. Trường Thăng Long mà giáo sư dạy học đã dời ra mạn Thanh Xuân rồi. Nhưng tôi có nhiều chỗ quen biết, có thể tìm ra được nơi ở của ông ấy thôi.
Anh Trường Chinh liền viết một lá thư riêng, kèm theo một bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” vừa mới in xong, bảo tôi đi gặp ngay giáo sư Đặng Thai Mai.” Hồi đó, gia đình giáo sư Đặng Thai Mai tạm lánh vào Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chàng thanh niên Mười Hương rủ Nguyễn Xuân Bích, con trai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả Cổ học tinh hoa, cùng đi Sầm Sơn. Cẩn thận hơn trong giao tiếp, anh nói với Bích vào đó ở nhà của Đoàn Thêm, ra bãi biển tắm, làm quen giáo sư đã  rồi mới tìm cách đến nhà nói chuyện sau. Lúc đó, thật tình Mười Hương còn chưa biết thái độ của giáo sư Đặng Thai Mai sẽ tiếp nhận ra sao.
Hai anh cùng nhau vào Sầm Sơn, đi bằng xe đạp. Đúng như kế hoạch, họ ở nhà của Đoàn Thêm, con cụ Đoàn Triểng, một nhà Nho có tiếng. Một lần, trên đường từ bãi biển về, anh thưa với giáo sư là có thư của một người bạn cũ của giáo sư nhờ chuyển. Giáo sư nhắn anh cầm đến.
“Cách một hôm sau khi đưa lá thư, tôi đến nhà giáo sư chờ ông trả lời. Giáo sư bảo: Tôi nhận ra người bạn này. Về nói lại với người ấy rằng Mai không quên các anh ấy đâu. Tôi hỏi giáo sư có viết thư trả lời không, giáo sư bảo không viết mà sẽ nói miệng để tôi ra báo cáo lại. Giáo sư vui mừng nhận xét về bản Đề cương văn hóa mà anh Trường Chinh chuyển: Dân tộc là ăn nhất. Ngoài ra, khoa học, đại chúng cũng rất đúng. Tôi đang viết cuốn sách về văn hóa, sẽ cố gắng đưa những ý này vào. Sau này, cuốn “Văn học khái luận” của giáo sư Đặng Thai Mai in, bị tên Cút-xô, chánh xứ phụ trách tuyên truyền, trước phụ trách Công sứ Sơn La, nói tiếng Việt rất thạo, phụ trách kiểm duyệt nhưng những nội dung tiến bộ được khéo léo đưa vào đã qua mặt được Cút-xô. “Bản in đầu của “Văn học khái luận” ở nhà in Hàn Thuyên tôi lấy về đưa Thường vụ xem, các anh rất thích thú.”
Thế là anh thanh niên Mười Hương không ngờ rằng chuyến di Thanh Hóa bằng xe đạp ấy, có bản Đề cương văn hóa nhét trong ống tuýp của khung xe, đã đem đến bước đầu cho dân tộc một đường lối văn hóa do Đảng Cộng sản vạch ra và đồng thời cũng đưa anh đến gần những công việc quan trọng.
***
Năm 1943 ấy có nhiều sự kiện. “Bác Hồ bị quân Tàu Tưởng bắt ở Thiên Bảo, trải qua hàng chục nhà tù khắc nghiệt ở Quảng Tây. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng lúc đó nặng nề, mà Thường vụ Trung ương Đảng chỉ có ba người: anh Trường Chinh làm Tổng Bí thư, vừa lãnh đạo, vừa cùng anh Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm công tác binh vận, địch vận, vừa là báo Cờ Giải Phóng. Anh Trường Chinh lại cùng anh Hoàng Quốc Việt mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho phong trào. Vận động thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam đứng trong mặt trận Việt Minh.” Giữa lúc anh Mười Hương đang gây dựng cơ sở cách mạng nội thành thì nhận được tin dữ: anh Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng bị giặc bắt cùng với một số cán bộ binh vận.
Ông viết lại câu chuyện này như sau:
“Một ngày giữa tháng Tám, tôi lên Chèm thì được chị Trần Thị Sáu cho biết tin. Chị Sáu công tác ở trạm liên lạc gần Chèm, vẫn thường là nơi anh Hoàng Văn Thụ tới triển khai các mũi tiến công của các tổ phụ nữ làm công tác binh vận.” Chị Sáu và chị Hai Vẽ ở làng Phú Gia vẫn thường nhận nhiệm vụ địch vận vào tận hang ổ của quân Pháp ở trong thành Hà Nội, gồm các cơ sở binh chủng hậu cần và hậu cứ của các đơn vị lính khố đỏ do sĩ quan Pháp chỉ huy. Những người chiến đấu ngày ấy thường nghe tên Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 1 (1er RIC) hoặc Trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4 (4ème RAC). Đó là những địa điểm mà các chị vào tận nơi móc nối. Anh Hoàng Văn Thụ chỉ đạo công việc này.”
“Chị Sáu cho biết: Mấy hôm trước, theo đúng hẹn, chị đến làng Phú Gia để gặp anh Thụ. Đến nơi, chị Hai Vẽ cho biết không rõ anh đi đâu vắng mấy ngày rồi chưa thấy về. Một cán bộ lãnh đạo có uy tín, có nguyên tắc như anh Thụ không bao giờ sai hẹn”. Ông Mười Hương nghe vậy rất lo lắng, về báo cáo lại với đồng chí Trường Chinh và mấy ngày sau thì có tin chính xác: anh Thụ đã bị địch bắt. “Anh chị em Công tác đội chúng tôi đều bàng hoàng, như rụng rời cả chân tay. Mãi sau này chúng tôi được biết: anh Thụ dù rất cảnh giác, nhưng hôm đó không may, giặc vô tình bắt được anh khi anh theo một cán bộ binh vận đến một địa điểm. Địa điểm này bị một tên thợ cắt tóc làm chỉ điểm cho mật thám Pháp đặt cạm bẫy. Chị Trần Thị Sáu còn kể rằng anh Thụ còn để lại một số đồ dùng cá nhân. Chị Sáu giữ chiếc khăn và đôi guốc mộc anh đóng rất chắc. Anh Trường Chinh giữ chiếc áo len màu nâu đỏ... Ít lâu sau, anh Trường Chinh phải đem chiếc áo len ấy cho đồng chí khác mặc. Anh không thể cầm lòng khi nhìn thấy kỷ vật ấy.”
Trong một lần họp của Ban Công tác đặc biệt, họ được tin mừng: cuộc vượt ngục thành công của Chi bộ nhà tù Sơn La. Nhờ đó, các chiến sĩ cộng sản nổi tiếng đã thoát ngục tù, trong đó có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu..
***
Tham gia trong Ban công tác đặc biệt của Trung ương, ông Mười Hương được phân công trực tiếp phụ việc với Tổng Bí thư Trường Chinh. Thời kỳ này, Đảng chủ trương thành lập Văn hóa cứu quốc và phong trào Mặt trận dân chủ chống phát xít. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho ông Mười Hương là tổ chức binh vận lính Tây ở Hà Nội để có thể bắt tay có điều kiện với những người Pháp phái De Gaulle.
Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho ông Mười Hương nhiệm vụ thông qua anh Vũ Quý trong Ban Cán sự Đảng Hà Nội tiếp xúc với trí thức sinh viên yêu nước, giúp họ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, đứng trong hàng ngũ Việt Minh để mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Sau Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Trường Chinh bảo: “Phải mở rộng mặt trận. Đảng ta phải giúp tư sản, địa chủ lập ra đảng của họ. Cậu hay vào Hà Nội, chú ý lứa con cái họ đang là học sinh, sinh viên. Chọn những trí thức tốt, xuất sắc đưa lên”. Chính vì chủ trương này, Mười Hương đã giới thiệu để Trung ương chọn được anh Dương Đức Hiền. Anh là sinh viên luật, tốt nghiệp không lo làm giàu cá nhân mà tổ chức nhiều công tác xã hội. Bọn Nhật cũng chú ý muốn dùng anh, cho người của Cường Để liên lạc nhưng anh từ chối. Chính anh là người sáng lập ra Đảng Dân chủ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Trường Chinh lãnh đạo thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít Nhật, tập hợp lực lượng rộng rãi để có thể bắt tay có điều kiện với những người Pháp phái De Gaulle. Thôi Hữu đã được cử đi bắt mối với Erwin Borchers, sau này mang bí danh Việt Nam là Chiến Sĩ. Borchers là một trí thức người Đức, thạo tiếng Pháp, vì trốn tránh phát xít nên đi lính lê dương cho Pháp. Anh cầm đầu một nhóm chiến sĩ quốc tế chống phát xít trong Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh lê dương số 5 (5e REI). Sau khi Thôi Hữu bị bắt, người tiếp tục đi gặp Chiến Sĩ là anh Côn, cháu đồng chí Trịnh Đình Cửu, con một tham tá địa chính thân mình, sau này tham gia Đảng Xã hội Việt Nam. Trước khi cử Mười Hương đi móc nối với những chiến sĩ quốc tế này, chưa biết quan điểm chính trị của họ một cách rõ ràng, ông Trường Chinh đã dặn dò rất nhiều: “Cậu phải nhớ kỹ điều này: binh vận lính Tây là khó lắm. Tây hết sức chống phản gián. Nó bắt được là giết thôi”. Ông còn kể ra câu chuyện có một anh cảnh sát vì làm binh vận lính Tây bị lộ, đã bị chúng đánh chết ở Việt Trì. Lúc đó, Mười Hương còn trẻ. “Tôi chẳng biết sợ, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.” Thông qua anh Côn, Mười Hương hẹn gặp một người trong nhóm của Borchers tên là Frey ở nhà hàng (sau này Frey lấy tên là Hồ Chí Dân, làm đến chức Phó Tư lệnh khu Năm của ta).
Ông Mười Hương nhớ lại: “Tháng 9 năm 1943, tôi được phái đi gặp Ernest Frey, sĩ quan lê dương, người Áo. Frey chạy trốn sang Pháp lúc quân Đức Quốc xã tiến vào Áo. Anh cho biết nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít có bốn người: Ngoài Chiến Sĩ và Frey còn có Gotvald, trung sĩ người Tiệp và Schroder, trí thức người Đức, giáo sư xã hội học. Họ đã liên lạc được với những người Pháp, Áo... tiến bộ, ghét phát xít và đã thành lập được nhóm Xã hội - Cộng sản do Louis Caput, trước là thanh tra học chính Đông Dương, cầm đầu”. Sau đó, Mười Hương còn móc nối được với một quan tư thầy thuốc ở nhà thương Đồn Thủy. Anh ta còn khoe trước làm thầy thuốc ở Côn Đảo, đã chữa trị cho Lê Hồng Phong khi ở tù bị bệnh. Qua viên bác sĩ này, sự móc nối càng thuận lợi hơn, mới thành cả một nhóm. “Ba Lan có - anh này đi mặt trận Thanh Hóa, hy sinh ở Lào khi ở trong hàng ngũ ta - người Tiệp, người Áo, người Đức, đủ cả. Có cả một người Đức lấy tên Việt Nam là Lê Đức Nhân. Anh Nhân này sau làm cho đài phát thanh của ta rồi mới về nước. Anh là cử nhân văn học”. Nhiệm vụ của tôi là giữ vững liên lạc với nhóm này, qua họ móc nối với Caput, thực hiện việc bắt tay có điều kiện với đám Pháp thân De Gaulle, tiến tới thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít ở Đông Dương”.
Khoảng năm 1944, sau khi anh Hoàng Văn Thụ bị xử bắn, Thường vụ Trung ương lúc đó chỉ còn hai người. Sau khi hội ý với ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Bí thư Trường Chinh muốn đích thân gặp nhóm chiến sĩ quốc tế. Nhận nhiệm vụ tổ chức bố trí cuộc gặp này là Đội công tác của Mười Hương. Ông còn nhớ cuộc gặp ấy như sau: “Hôm ấy, tôi bố trí cho Chiến Sĩ (Borchers) đi xe đạp men theo đường ruộng lên Chèm, tới làng Vẽ, ra nghĩa địa phía sau làng. Đó là khu lăng mộ của dòng họ Phạm. Tôi đề nghị anh ta mặc đồ kaki vàng như một cai Tây lục lộ. Tôi cũng bố trí ở phía xa, vòng ngoài làng có các em chăn trâu canh gác. Để có cuộc gặp này, Borchers từ Việt Trì phải vờ cáo bệnh về nằm nhà thương Đồn Thủy (Lanessau - nay là Bệnh viện 108) chờ tôi đón đi. Anh Trường Chinh mặc bộ đồ xanh công nhân bình thường. Hai người nói với nhau bằng tiếng Pháp, khẩu súng lục của anh Trường Chinh để kề bên.”
Ông Trường Chinh với Borchers (Chiến Sĩ) ngồi bên ngôi mộ mới xây trò chuyện. Borchers lúc đó đâu có biết mình đang nói chuyện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh chỉ thấy con người này hiểu biết, sôi nổi tranh luận, phân tích các vấn đề quốc tế, phân tích tình hình chiến tranh, lực lượng Nhật, Pháp và những mâu thuẫn không sao tránh khỏi. Borchers cũng say sưa trình bày về hoạt động của nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít. Cuối cuộc gặp đó, người Tổng Bí thư Đảng còn gửi qua Borchers một “thông điệp miệng” tới những người Pháp thân De Gaulle rằng Việt Minh sẵn sàng gặp họ để cùng tiến hành một liên minh chống phát xít.
Ông Mười Hương kể lại: “Một tuần sau khi gặp anh Trường Chinh, Borchers nói với chúng tôi: “Cuộc trò chuyện với đại diện của Việt Minh thật là tuyệt vời, để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc và đầy thuyết phục. Tôi đã được nói chuyện hết sức cởi mở với một người cộng sản Việt Nam đích thực, thông minh, có uy tín và cừ khôi nhất”. Buổi gặp gỡ cũng tác động mạnh đến chiến sĩ lê dương chống phát xít và bạn bè họ. Chính vì thế mà trong tháng 11 năm 1944, qua sự chắp nối của Chiến Sĩ và Caput, một cuộc gặp gỡ giữa những người của phái De Gaulle và Việt Minh được ấn định. Tôi và Chiến Sĩ được giao nhiệm vụ tổ chức, bố trí cuộc họp này.”
Để chuẩn bị cho chuyến đi gặp gỡ những người có tư tưởng chống phát xít trong đội quân lê dương của Tổng Bí thư Trường Chinh ngay giữa lòng Hà Nội, ông Mười Hương đã phải nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ. Đó là cuộc họp bí mật với đại diện những người Pháp thân De Gaulle ở Hà Nội, gồm cả Louis Caput thuộc đảng bộ Đảng Xã hội (SFIO), Chiến Sĩ (tức Borchers) và Frey, đại biểu các chiến sĩ lê dương chống phát xít. Tìm ra một cái nhà cho “Tây” đến mà không lọt vào mắt bọn mật thám Nhật, Pháp là điều rất khó. “Tôi bàn với phía các ông bạn Tây. Dù đó là những Tây De Gaulle nhưng không phải đơn giản như chúng ta gặp các nhà cách mạng có tổ chức. Không thể họp ở một nhà cơ sở, vì vẫn phải giữ nguyên tắc bí mật. Lúc đầu, viên Thiếu tá quân y Sâybeclic (người dã từng chữa trị cho Lê Hồng Phong ở tù Côn Đảo) bàn hay là họp ngay trong phòng khám bệnh của anh ở nhà thương Đồn Thủy. Tôi vào tận nơi xem xét, thấy có điều bất tiện, nhất là phải đi qua nhiều phòng làm việc, xung quanh toàn Tây. Anh ta lại là trưởng khoa, kéo vào đó một lúc cả chục người, công người Việt nữa rất dễ lộ.”
Cuối cùng, Sâybeclic cũng tìm ra được một địa diểm phù hợp, lại hoàn toàn bất ngờ vì xung quanh là người Nhật ở cả. Đó là ngôi nhà số 16 phố Delorme (đường Trần Bình Trọng hiện nay). “Tôi về báo lại với anh Trường Chinh. Anh bảo: “Được đấy, cậu lo đi!”. Cái khó nhất còn lại là đoạn đường để đưa Tổng Bí thư từ An toàn khu về được Hà Nội an toàn.” Lúc đó, đưa Tổng Bí thư đi mà tôi không nghĩ nhiều đến nỗi sợ trách nhiệm. Giá như bây giờ thì chắc phải dựa vào nhiều ban, bệ, có khi lại sợ, ổng làm sao, mình mất đầu.” Ngay chính đồng chí Trường Chinh cũng không ngần ngại. Đừng nói chuyện có ai đi thay!”. Ông nhất quyết thực hiện nhiệm vụ này.
Đó là vào cuối năm 1944, trời rét đậm, cái lạnh thấu xương của mùa đông Hà Nội. Ông Mười Hương chuẩn bị, kiểm tra thật kỹ chiếc xe hơi mà mình sẽ chở Tổng Bí thư Đảng vào nội thành. Đồng chí Trường Chinh cải trang làm lái buôn bè gỗ. Con đường này thường lái bè từ Việt Trì về qua lại nhiều. Họ chở nhau trên chiếc xe đạp, đi qua rất nhiều chặng có quân Nhật gác ở mỗi ngã ba, ở đình Nhật Tân. Có sự canh gác của các thiếu niên tiền phong ở Quảng Bá. Đến gần Hà Nội thì “ông lái bè miền ngược” thuê xe tay kéo. “Tôi đưa anh về thẳng nhà người em gái tôi ở Bến Nứa. Em gái tôi có chồng là Trần Duy Dưỡng, trung đội trưởng tự vệ, sau này hy sinh ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Anh Trường Chinh nghỉ ngơi, tắm giặt ở đó. Cơm chiều xong, tôi đưa anh tới nhà anh Phan Hiển (sau này làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Bấy giờ, anh Hiền đang học năm thứ ba trường luật. Tôi đến nhà Caput, gặp anh Đào Văn Mỹ, người được ta bố trí làm bồi cho Caput, để nắm thông tin, kiểm tra mọi việc lần cuối mới trở về Hàng Ngang, thuê xe tay cho anh Trường Chinh đi tới địa điểm họp.”
***
Trước khi tới cuộc họp này, đồng chí Trường Chinh đã nói rõ cho ông Mười Hương và Phan Hiền về chính sách của Đảng với những người Pháp thân De Gaulle ở Đông Dương. Những quan điểm này đã được chính đồng chí Trường Chinh viết trên tờ báo Cờ Giải Phóng. Mười Hương sẽ tham dự cuộc họp này với danh nghĩa đại biểu cho thanh niên Việt Minh ở Hà Nội. Anh Phan Hiền là đại biểu cho sinh viên, trí thức. Đã được thỏa thuận trước với “những người bạn Tây” là suốt thời gian ở hội nghị, không ai được rời khỏi nhà. Ăn ở, vệ sinh đều ở trong ngôi nhà này, không ra phố.
“Khi Hà Nội vừa lên đèn, chúng tôi đến nơi. Borchers và Frey đã có mặt ở đó trước mười phút đón anh Trường Chinh. Thiếu tá quân y Sâybeclic ra tận cửa đón chúng tôi. Một lúc sau, Caput và Thiếu tá hậu cần Orioh cũng tới. Vừa trông thấy anh Trường Chinh, Louis Caput thốt lên ngạc nhiên:
- Đại diện Tổng bộ Việt Minh lại chính là toa à, cộng sản à?
Anh Trường Chinh tươi cười đáp:
- Vào giờ phút này, Việt Minh đã lớn mạnh rồi tập hợp trong hàng ngũ mình tất cả những người Việt Nam yêu nước. Tất nhiên trong đó có cả cộng sản. Và Việt Minh, vào giờ phút này đang đứng cùng một trận tuyến với các Đồng minh chiến đấu chống phát xít Nhật để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.
Sở dĩ Caput ngạc nhiên vì trước đây đã từng làm việc với Trường Chinh, người cộng sản, thời kỳ ông làm báo công khai Mặt trận dân chủ. Lúc đó Caput là bí thư Đảng bộ Xã hội Pháp toàn Đông Dương (SFIO). Cuộc họp kỳ lạ ấy tất cả ngồi ở sàn nhà. Đồng chí Trường Chinh được mời phát biểu trước. Ông bắt đầu bài nói của mình đầy lịch lãm và hiểu biết sâu sắc. Ông vạch rõ tình hình diễn biến, sự xung đột không tránh khỏi một mất một còn hai bên Nhật - Pháp. Trước tình hình ấy, bổn phận của các chiến sĩ yêu hòa bình là phải liên minh với Mặt trận Việt Minh, đại diện của cách mạng Việt Nam. Bài nói của ông sáng sủa, chặt chẽ khiến các chiến sĩ chống phát xít hiểu rõ và bắt đầu hàng loạt các câu hỏi.
Orioh hỏi:
- Các ông đặt ra những điều kiện cụ thể gì?
Ông Trường Chinh chỉ rõ:
- Nắm quyền vẫn là Nhật nhưng người thực hiện vẫn là bộ máy của Pháp đã có từ lâu. Vậy những người bạn Tây có thể làm được một việc là hãy thả các tù chính trị.
Caput hỏi:
- Tù chính trị như loại nào, xin cho thí dụ.
Ông Trường Chinh:
- Như Bùi Lâm chẳng hạn. Đó là một chiến sĩ cách mạng bị tù ở Sơn La. Hoặc là việc này: Nhật chủ trương vơ vét kho thóc nhưng lính Pháp sẽ phải thi hành. Hãy lãn công, đừng tích cực thực hiện ý đồ Nhật bắt nông dân phá lúa trồng đay được không?
 - Cái gì làm được chúng tôi sẽ làm. Các anh đưa ra yêu cầu có lý đấy! - Những người bạn Tây nhận rõ khả năng của mình. Bởi nạn đói đã bắt đầu hoành hành. Sau nữa, họ có thể giúp Việt Minh vũ khí. Đến lượt Caput phát biểu, anh ta hoan nghênh lập trường của mặt trận Việt Minh và những người yêu nước Việt Nam đã thân thiện hợp tác chống phát xít.
Ông Trường Chinh đưa ra thêm các điều kiện: ngoài việc thứ nhất là thả tù chính trị, thứ hai là phía Pháp phải giảm bớt và tiến tới chấm dứt việc thu thóc tạ của dân để cung cấp cho Nhật. Nạn đói đã bắt đầu hoành hành rồi. Thứ ba là phải giúp cho Việt Minh vũ khí. Lúc đó, chúng ta đang thành lập nhiều đội quân du kích và nhiều đội quân vũ trang chống Nhật thành lập.
Louis Caput phát biểu, bộc lộ lòng khâm phục hoan nghênh thiện chí hợp tác. Anh ta cũng khẳng định những “người Pháp De Gaulle” dứt khoát đứng về phía đồng minh để chống phát xít Nhật. Nhưng theo quan điểm của Caput, anh ta không tin rằng Việt Minh có đủ sức chiến thắng hoàn toàn, vì vậy hãy đấu tranh giành quyền tự trị trước đã, rồi sau này mới tính đến độc lập như một quốc gia. Đến đây thì cuộc tranh luận trở nên sôi nổi. Đồng chí Trường Chinh khẳng định nhân dân Việt Nam đổ máu xương không phải để xin quyền tự trị (autonomie) mà là độc lập dân tộc thật sự. Độc lập dân tộc là khát vọng của người dân Việt Nam. Chúng tôi không thể bỏ mục tiêu ấy”.
***
Về cuộc họp hôm dó, có một tình huống bất ngờ xảy ra: khoảng chín giờ tối, Louis Caput và Orioh xin phép được ra ngoài 15 phút. “Tôi hỏi nhỏ anh Trường Chinh: “Anh thấy sao?” “Chắc họ đi xin chỉ thị.” - anh Trường Chinh phỏng đoán. Tôi bảo họ: “Hãy hỏi ý kiến me-xừ” đại diện Việt Minh xem ông có đồng ý không?” Suy nghĩ một thoáng, anh Trường Chinh bảo họ cứ đi. Việc quyết định này rõ ràng bất ngờ. Đúng 15 phút sau, hai người đó trở lại. Tôi nhẹ cả người!”
Cuộc họp lại tiếp tục. Caput thay mặt phía Pháp thân De Gaulle hứa ghi nhận các vấn đề và sẽ báo cáo xin ý kiến tướng Moóc-đăng, người đứng đầu những người Pháp thân De Gaulle ở Hà Nội, đại diện của chính phủ lâm thời nước Pháp tự do. Mãi 11 giờ đêm cuộc họp mới kết thúc. Mười Hương cùng viên thiếu tá quân y xuống quan sát trước. Hà Nội về khuya yên tĩnh. Những người bạn bắt tay anh Trường Chinh và hai người cán bộ đi cùng. Phong cách của đồng chí Trường Chinh với lập luận sâu sắc, lòng nhiệt thành yêu nước và lối nói tiếng Pháp chuẩn xác đã hoàn toàn thu phục họ, mặc dù sau này sự liên kết với phái De Gaulle không được như mong muốn. Phái De Gaulle ở chính quốc tỏ rõ xu hướng đế quốc, không thừa nhận sự liên minh do Đảng Cộng sản Đông Dương đặt ra, nhưng hình ảnh một lãnh đạo cộng sản chân chính của buổi họp ấy đã làm thay đổi nhiều hành động của các chiến sĩ hòa bình hôm ấy. Nhiều người đã đứng trong hàng ngũ kháng chiến của Việt Nam sau này như những đảng viên Cộng sản Việt Nam thật sự.
“Sau cuộc họp, tôi di theo anh Trường Chinh về phía đầu hồ Hale (Thiền Quang bây giờ). Anh Trường Chinh không có điều kiện quay lại ngôi nhà ở phố Hàng Ngang. Anh gửi lời chào và cảm ơn cụ Cử, mẹ anh Phan Hiền, đã tiếp đón tận tình. Rồi anh hẹn sẽ gặp tôi ở An toàn khu. Anh thuê xích lô đi một hướng khác, sau này anh cho biết là anh đến chỗ anh Trịnh Văn Phú, người trước đây làm báo tiếng Pháp le Travail (Lao Động) do anh phụ trách.”
Câu chuyện của ông Mười Hương kể về những cái tên người nước ngoài đã cùng Việt Nam chống phát xít đưa chúng ta về năm 1943-1944, cách nay nửa thế kỷ. Những tên người xa xôi ở nhiều quốc gia ấy tưởng là chuyện của lịch sử. Vậy mà không!  Ông Mười Hương bảo:
“Vừa rồi, anh Lưu Văn Lợi (nguyên trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao) bảo có người con của Frey vừa sang Việt Nam tìm tôi và các đồng chí. Còn Chiến Sĩ - Borchers có vợ con ở Quảng Ninh đã theo chồng về Đức. Khi tôi sang Đức có tới thăm. Năm nay anh ấy đã ngoài 90, không rõ còn không. Một anh nữa là kỹ sư địa chất làm Sở mỏ Pháp dạo ấy, nay mở hiệu thuốc ở Áo. Một người con của Chiến Sĩ - Borchers thì đã trở thành một họa sĩ ở Đức, còn một người con gái của Chiến Sĩ - Borchers hiện nay đang dạy học ở Hà Nội.”
***
Một nhiệm vụ khác không kém quan trọng mà Mười Hương được giao trong thời gian này là phải liên hệ, tìm tòi để nắm các nguồn tin có lợi cho cách mạng.
Anh phải liên lạc với anh Nguyễn Tạo. Nguyễn Tạo và Hoàng Xuân Hãn đều có cha là hai cụ tú tài Nho học cùng quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Hơn nữa, ông Hoàng Xuân Hãn còn là anh rể của Nguyễn Tạo, họ là những người bạn quen thân nhau từ bé. Ông Tạo đã vượt ngục lần thứ hai ở Bắc Mưu (Buôn Ma Thuột) cuối năm 1942 và ra Bắc để thăm dò tin tức tìm nối lại với cơ sở cũ. Qua mối quan hệ với Nguyễn Tạo - Hoàng Xuân Hãn, anh thanh niên Mười Hương thu thập được nhiều tin tức quan trọng. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn quen biết Komatsư, Viện phó Viện Văn hóa Nhật. Chính giáo sư cho ông Nguyễn Tạo biết Komatsư nói y sắp về nước vì thời kỳ hoạt động văn hóa đã xong, nay tới lượt các hoạt động của nhà quân sự. Những tin tức như thế đã qua cán bộ Công tác đội Mười Hương nhạy cảm và sáng trí giúp lãnh đạo biết được sự thay đổi chiến lược của kẻ thù. Mười Hương cũng thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chē là anh Lê Tư Huyến, một trí thức trẻ do anh Lưu Văn Lợi giới thiệu. Anh Huyến là con một nhà Nho yêu nước - là cơ sở của ta ở Phúc Yên, sau này là Chủ tịch huyện Kim Anh (trong khu căn cứ). Huyến rất giỏi sinh ngữ, được chọn làm phiên dịch và được Komatsư tin dùng. Chính anh Huyến đã cung cấp cho Mười Hương những động thái đáng chú ý của quân Nhật, vào một thời điểm rất quan trọng là tháng 3 năm 1945. Trong các doanh trại quân Nhật ở Hà Nội đang có hoạt động ráo riết. Sĩ quan và binh lính được phát 10 ngày lương khô, tăng cường vũ khí, đạn dược. Có cả lệnh cấm trại. Có cả tin Nhật phân phát súng cho cả thân Nhật Đại Việt.
Nhưng tin tức này lập tức được Mười Hương chuyển tới đồng chí Trường Chinh vào sáng ngày 6 tháng 3 năm 1945, thời điểm sát giờ phút xảy ra đảo chính Nhật hất cẳng Pháp. “Nghe tôi báo cáo xong, anh Trường Chinh cả cười, nói: “Nhật nó sắp lật đổ thằng Pháp đến nơi rồi”. Những dấu hiệu ấy khẳng định thêm nhận định tình hình của Đảng ta. Đồng chí Trường Chinh phái Mười Hương vào ngay nội thành thu thập nắm sát thêm tin tức, củng cố cơ sở và chuẩn bị cho một tình hình thay đổi chắc chắn sắp xảy ra.
Cái giờ phút lịch sử mà ngày nay chúng ta đều biết về cuộc đảo chính Nhật hất Pháp này, và về đường lối của Đảng Cộng sản qua chỉ thị mang tính lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Nhưng qua hồi tưởng đầy tính tư liệu của ông Mười Hương chúng ta sẽ như được sống lại và chứng kiến giây phút lịch sử đó với những chi tiết thật xác thực đã trôi qua trong đời ông.
“Ngay sau dó, anh Trường Chinh viết giấy triệu tập hỏa tốc Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng. Cuộc họp lịch sử này được tổ chức vào chiều tối ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nơi được chọn làm địa điểm họp là chùa Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, Tiêu Sơn (cách ga Từ Sơn khoảng 2 km).
Chập tối, các đại biểu có mặt dưới nhà ngang, chỉ trừ anh Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương lúc đó vì bận đi công tác nước ngoài nên không dự được. Cuộc họp Thường vụ Trung ương mở rộng, ngoài Tổng Bí thư Trường Chinh còn có hai anh Nguyễn Lương Bằng và Lê Đức Thọ là hai ủy viên Trung ương mới được bổ sung. Anh Nguyễn Văn Trân, trước phụ trách Ban Công vận Trung ương, mới được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhưng chưa kịp họp, bỗng nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Rõ ràng là có chuyện rồi. Thấy lấp loáng có ánh đèn pin, sư cụ Phạm Thông Hòa cho chú tiểu ra mở cửa, rồi bước ra sân cất tiếng chào khách:
- Chào thầy phó, thầy chánh trương. Mời các thầy vào chơi.
 - Nhà chùa hôm nay có việc gì mà đông khách thế?
Sư cụ bình tĩnh trả lời: “À, đó là mấy ông thợ sơn đến tô tượng cho nhà chùa mấy hôm trước. Hôm nay xong việc, các ông đến tính toán tiền nong rồi ra về cả rồi!”
Viên phó lý và trương tuần chào sư cụ rồi ra về.
Thấy họp ở đây không thật an toàn, anh Trường Chinh quyết định dời cuộc họp vể địa điểm dự bị tại làng Đình Bảng. Sau khi nói cho sư cụ biết sẽ không họp ở đây nữa, các anh lẳng lặng đi ra sau vườn. Ở đó có một rặng tre già, khá um tùm, bên dưới có một lỗ hổng rộng. Các đại biểu theo chân nhau, lần lượt thoát ra khỏi rặng tre, đi theo anh cán bộ Công tác đội bảo vệ cuộc họp tên là Nguyễn Trọng Tỉnh, để về phía Đình Bảng.
Khi đến gần rừng Sặt (nay là trường Đại học Thể dục Thể thao) thuộc địa phận làng Trang Liệt, chỉ còn vượt qua đường xe lửa là vào làng Đình Bảng thì bỗng nghe tiếng súng nổ rất dữ dội từ phía Hà Nội. Anh Trường Chinh vui sướng reo lên:
- Nhật Pháp bắn nhau rồi, anh em ơi!
Lúc đó, vào khoảng 20 giờ 30 phút tối ngày 9 tháng 3 năm 1945.
Đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, anh Nguyễn Trọng Tỉnh và anh Lim, hai con trai ông Đám Thi đưa các đại biểu về họp ở nhà thờ tổ họ Nguyễn Tiến, ngay sát nhà ông Đám Thi. Công tác đội bố trí người canh gác cẩn thận. Anh Trường Chinh nhắn anh Tỉnh đi gặp Bí thư Chi bộ Đình Bảng chọn ngay mấy thanh niên học sinh nhanh nhẹn, tháo vát, đạp xe băng qua cầu Sông Cái sang bên Hà Nội làm nhiệm vụ thu thập tin tức.”
Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã được chuyển đi khắp cả nước qua mạng lưới giao thông của Công tác đội. Ông Mười Hương còn làm nhiệm vụ bố trí cho đồng chí Trường Chinh gặp một đại biểu từ Sài Gòn ra. Đó là anh Trịnh Xuân Cảnh do Xứ ủy Nam Kỳ phái ra báo cáo với Thường vụ Trung ương. Cuộc gặp gỡ được bố trí ở Thượng Cát (Gia Lâm). Những tin tức về đời sống của nhân dân miền Nam, tình hình hoạt động của Đảng bộ Nam Kỳ được anh Cảnh trực tiếp báo cáo với đồng chí Trường Chinh và cũng chính cuộc gặp này, anh Cảnh được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giao bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để đem vào miền Nam.
Cùng thời gian đó, chị Kỳ (vợ đồng chí Văn Tiến Dũng) là cán bộ Công tác đội đảm nhiệm một đường dây khác vào Nam. Đó là vào dịp Xứ ủy Nam Kỳ cử anh Lý Chính Thắng (là cháu đồng chí Hà Huy Giáp) ra bắt liên lạc với Trung ương và lúc trở về, chị Kỳ đã đi cùng, đem theo chỉ thị đó vào Nam giao cho đồng chí Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp.
Về thời điểm lịch sử trước cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại này, sử sách đã ghi. Nhưng trong ký ức cá nhân ông Mười Hương được ghi chép lại như sau:
“Nhật đã hất cẳng Pháp như thế nào?
Vào 6 giờ chiều ngày 9/3/1945, đại sứ Nhật Matsumoto cùng lãnh sự Kono đã đến gặp Toàn quyền Đờ-cu tại phủ toàn quyền trao một tối hậu thư đòi các lực lượng vũ trang Pháp phải đặt dưới quyền chỉ huy của Nhật. Mọi phương tiện giao thông, cơ quan ngân hàng, hành chính đều phải trao cho Nhật. Nhưng thật ra Nhật lúc này cũng ở thế không dễ dàng gì. Đông Dương có thể là hợp điểm rút lui của đại quân Nhật dưới chiến thắng của Đồng minh. Ba ngày trước, Manila thủ đô của Philippine đã rơi vào tay Mỹ. Hai ngày trước, ổ chiến đấu cuối cùng của quân Nhật giữa đại dương là đảo Corrigedor cūng đã hạ vũ khí. Theo tối hậu thư, trong vòng hai tiếng đồng hồ, quân Nhật điều quân rậm rịch khắp nơi. Nhận được sự trả lời sao đó, Nhật cho rằng Đờ-cu đā bác bỏ tối hậu thư và từ 20 giờ 30 phút tối 9/3, tiếng súng đảo chính của Nhật đã nổ ra cùng một lúc từ Sài Gòn, Hà Nội và tất cả những nơi có quân Pháp đóng trên toàn Đông Dương. Bấy giờ, thực ra lực lượng quân Pháp đông hơn Nhật. Cuộc đảo chính diễn ra rất ác liệt ở Hà Nội. Trong thành, Pháp chỉ để 450 quân. Cuộc đọ súng kéo dài suốt đêm, đến gần sáng thì quân Pháp hạ vũ khí đầu hàng. Suốt ngày 10 và đêm 11/3 đài phát thanh Tokyo loan tin Pháp đầu hàng và danh sách các nhân vật chóp bu của Pháp từ Đô đốc toàn quyển Đờ-cu, Tư lệnh quân đội Aymé, tướng về hưu Mooc-dăng, cho đến chánh mật thám Acnu và viên chức các cấp bị tước quyền và bị bắt.
Ngay trong đêm 9/3 ấy, hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, sôi nổi và hào hứng thảo luận bản dự thảo do chính anh Trường Chinh viết, chỉ thị: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.” Vì tình thế đang gấp nên hội nghị không kéo dài, anh Trường Chinh căn dặn các đại biểu ra về cứ theo tinh thần của chỉ thị mà Thường vụ Trung ương đã kết luận để về phổ biến, tiến hành. Chỉ thị sẽ được in gửi tới sau. Ngay sáng 10/3 anh Trường Chinh về ngay làng Viên Nội (Đông Anh) ngồi viết lại hoàn chỉnh văn kiện này. Cơ quan in báo Cờ Giải Phóng đóng ở Viên Nội và nơi in typô Trần Phú ở Tráng Việt (Phúc Yên) được huy dộng tập trung vào việc in cấp tốc hàng ngàn bản. Chỉ thị lịch sử đã ra đời như thế, đến ngày 12/3/1945. Đó cũng là ngày chính thức phát hành rộng rãi văn kiện này.
Tôi ở nội thành, qua các nguồn tin nắm được, biết các chiến sĩ lê dương chống phát xít như  E. Boocso, E. Phray và Srodơ bị kẹt ở Hà Nội, bị Nhật bắt giam. Còn Gốtvan một trung sĩ lê dương người Tiệp thì mất tích.”
Cũng chính ngày 12/3 đó, được sự đạo diễn của Nhật tại Hà Nội, bọn phản động Đại Việt Quốc gia liên minh (tập hợp phần tử thân Nhật) tổ chức một cuộc mít tinh không giống ai. Bọn diễn giả mặc áo mưa, đi bốt Nhật đứng dưới mái hiên quán rượu Tavéc Roayan (nay là nhà triển lãm đường Đinh Tiên Hoàng) tập tọng diễn thuyết chính trị. Cờ quạt không có. Người tò mò đến xem chứ không dự, đứng không hàng lối ở các ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay. Xe tay đứng lẫn người, thỉnh thoảng lại dạt ra khi có xe hơi nhà binh Nhật chạy qua.
Trong một khung cảnh ngược lại:
Chỉ thị đến đúng lúc học sinh, sinh viên Hà Nội tổ chức kỷ niệm Hai Bà Trưng, có tới năm vạn người tham gia biểu tình, tinh thần yêu nước đang rạo rực hơn bao giờ hết.
Nhưng lúc đó nạn đói khủng khiếp bắt đầu diễn ra. Hàng ngày, nông dân một vùng đồng bằng rộng lớn không có ăn, lũ lượt kéo về thành phố tìm đường sống. Xác người chết đói mỗi sớm mai nằm la liệt trên vỉa hè, trong vườn hoa, trong các hầm trú ẩn tránh máy bay xung quanh Hồ Gươm. “Chính mắt tôi trông thấy đồng bào đói, tay không xông vào cướp xe gạo của Nhật mặc cho có hiến binh đi áp tải, ngay trước đền Bà Kiệu. Trong tình hình đó, chủ trương “phá kho thóc giải quyết nạn đói” của Đảng đã đáp ứng và dấy lên một phong trào mạnh mẽ chưa từng thấy.”
Vào khoảng tháng 4 năm 1945, Mười Hương được lệnh từ nội thành ra An toàn khu để gặp đồng chí Trường Chinh. Có một việc cần giải quyết là Trung ương cần một bác sĩ với một số thuốc men để đưa lên chiến khu. Do công tác cơ sở nhiều ở trong thành Hà Nội nên Mười Hương quen biết các bác sĩ và sinh viên trường y như Trần Duy Hưng, Vũ Văn Cần, Nguyễn Xuân Bích. Họ là các thầy thuốc giỏi, có phòng khám bệnh tư. Có cả bác sĩ Lê Văn Chánh, người miền Nam, sống nhiều năm ở Lào nên còn biệt danh là Chánh Lào. Thuốc men thì có các cơ sở của ông Mười Hương xây dựng ở kho nhà Đoan và một số cơ sở khác sẵn sàng ủng hộ cách mạng, như các hiệu thuốc của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín, Đỗ Tất Lợi... Cũng từ đó, đồng chí Trường Chinh chỉ cho Mười Hương thấy các điều kiện tốt có thể vận động bác sĩ Lê Văn Chánh. Bác sĩ Chánh là một thanh niên trí thức yêu nước, đã chấp nhận từ bỏ đô thành, với một bộ đồ mổ gọn nhẹ và một số thuốc cần thiết đã thoát ly, đi lên Việt Bắc. Người cán bộ Công tác đội như Mười Hương lúc đó làm đủ mọi việc mà cách mạng cần, từ việc bảo vệ, tổ chức cơ sở, nắm thông tin, đôi khi triển khai công tác nội dung, vận động các giới, cho đến cả việc tổ chức những chuyến đi. Chính ông đã được giao việc tổ chức chuyến đi cho các đại biểu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đại biểu lúc đó rất nhiều thành phần tiêu biểu trong xã hội. Ông Hoàng Đạo Thúy lúc đó là một nhà sư phạm, thủ lĩnh phong trào Hướng đạo Việt Nam tại Bắc Kỳ. Lúc đó các tên tuổi như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu của Hội Văn hóa cứu quốc. Đại biểu của Đảng Dân chủ có Dương Đức Hiền, Thanh Thủy, Vũ Đình Hòe. Nhà thơ Huy Cận, đại biểu cho giới trí thức.
Đến tháng 7 năm 1945 thì đồng chí Trường Chinh và các ủy viên Trung ương Đảng lên đường đi Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng.
Ông Mười Hương kể: “Trước khi đi Tân Trào, anh Trường Chinh căn dặn tôi:
- Công việc của anh lúc này vẫn phải bám sát Hà Nội, giữ liên lạc chặt chẽ với anh Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Hà Nội. Mọi việc xảy ra ở Hà Nội đều tác động đến cả nước. Các cơ sở cách mạng của Trung ương ở Hà Nội có vai trò quan trọng. Công tác ở Hà Nội, phải lo củng cố và giữ vững những cơ sở đó. Ở Hà Nội, anh giúp được gì cho Thành ủy thì cố gắng mà làm cho tốt. Nhưng phải nhớ, anh là cán bộ của Trung ương cắm tại địa bàn Hà Nội, không được tham gia lãnh đạo Hà Nội. Để rồi đây còn tập trung vào làm công tác đột xuất của Trung ương trong bước ngoặt lịch sử sắp diễn ra nay mai.”
4.
Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc

Điều kiện công tác đã đưa đến cuộc đời của ông Mười Hương rất nhiều mảng sống khác nhau. Làm ở Đội công tác đặc biệt lo cho Trung ương Đảng thời kỳ trứng nước. Hoạt động văn hóa, quen rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức lớn. Và công việc cũng đưa ông gắn liền với sự ra đời của những tờ báo Đảng trong những năm đầu. Chính Tổng Bí thư Trường Chinh và ông Nguyễn Lương Bằng giao cho ông Mười Hương đi tìm địa điểm cho tờ báo, cho nhà in, tìm những nhà in nào có thể đưa in báo. Nhiều khi ông phải lo cơ sở vật chất mà không được giao một xu.
Báo chí ngày ấy là một dẫn chứng sinh động nhất cho việc đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến. Ngày 10 tháng 10 năm 1942 Thường vụ Trung ương quyết dịnh xuất bản số 1 báo Cờ Giải Phóng. Những tờ báo ban đầu có khi chỉ vài lãnh tụ trực tiếp viết. Những tên tuổi như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Lê Toàn Thư... không chỉ là cán bộ lãnh đạo của Đảng, mà còn là những cây bút đóng góp bằng tất cả sự sáng tạo, lòng yêu đất nước, cất lên tiếng nói sắc sảo của thời kỳ đấu tranh cách mạng. Họ dùng tờ báo làm vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh cách mạng.
Là một người có tham gia lo cho công việc ra báo của Đảng những năm đầu cách mạng - một nội dung của cán bộ Công tác đội, nên ông Mười Hương gần như “một người trong giới báo chí”. Ông biết khá rõ công việc ra báo Đảng như thế nào, vì cơ quan in ấn thường được Công tác đội bố trí ở sát bên Thường vụ Trung ương.
Cơ quan in bí mật của Trung ương được chuẩn bị từ khi Đảng còn hoạt động công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nhưng việc in ấn tài liệu từ thời bí mật không có hội nghị phổ biến nghị quyết mà chỉ do hệ thống giao thông bí mật chuyển đi, cho đến khi Đảng có cơ quan in ấn, nỗi khó khăn luôn chồng chất. Đảng không có tiền, cho nên ngay khi gọi là cơ quan in ấn có máy móc rồi cũng vẫn trông vào sự ủng hộ của nhân dân. Từ chỗ in bằng thạch, bằng đất sét, bằng đá hoặc giấy nến cho đến khi xuất bản số 1 các tờ Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng, “nhà in” báo Đảng phải chạy giặc bao phen. Báo Đảng năm 1943 lấy tên là Cứu Quốc - tờ báo là cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, do trực tiếp Tổng Bí thư phụ trách. Cơ quan in báo Đảng thời đó không có trụ sở tòa báo bao giờ, mà địa điểm của nó nghe thật khiêm nhường và rất đặc trưng cho hoạt động của Đảng trong lòng dân. Cơ quan in báo Đảng lúc đầu đặt tại nhà bà Hai Lân ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Nếu giở tờ báo Cứu Quốc hoặc Cờ Giải Phóng sẽ thấy ghi tên nhà in Phan Đình Phùng và Trần Phú. Nhưng ngày nay, với tất cả các phương tiện in ấn hiện đại, hoặc ngay những thời kỳ trước đây, không ai có thể hình dung ra “nhà in” của báo Đảng chỉ là một cơ sở gọn nhẹ có ba người. Phương cách kỹ thuật cũng chỉ in ly-tô như cách thời đó in các tài liệu, truyền đơn. Những phiến đá mỏng được mài sạch, viết chữ ngược bằng mực đặc biệt, rồi đặt từng tờ giấy nhỏ, hẹp lên trên, rồi dùng con lăn in ra từng tờ. “Hồi ký của anh Nguyễn Lương Hoàng có nói đến anh Nguyễn Văn Trân và Lê Viên là hai người đã in số báo Cờ Giải Phóng đầu tiên. Một thời gian sau, hai anh Trân và Viên bị bắt ở Hà Đông. Cơ quan bị vỡ, hai tờ báo cũng lao đao chạy hết chỗ này đến chỗ kia. Gần một năm sau mới thành lập được cơ quan mới do anh Phạm Đức Khiêm phụ trách. Sau đó báo đã tiếp tục ra số 2, số 3 và một số báo khác như Kèn Gọi Lính, Lao Động”... “Nhà in” chuyển liên tục, khi thì ở Thượng Cát, lúc chạy tới Võng La, lúc ở nhà anh Liễu ở Liễu Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh) lúc lại chuyển sang nhà anh Diêu. Thời kỳ ở nhà ông Khán Thủ, dịp Tết Giáp Thân 1944 đồng chí Trường Chinh đã về cơ quan in trực tiếp chỉ đạo làm báo Cứu Quốc số Tết với bài vở đặc sắc. Có lúc nhà in báo Đảng chuyển về Viên Nội (Đông Anh). Trong hồi ký của chị Trần Thị Sáu - một người tiền nhiệm lo “hậu cần” cho báo Đảng thì có những thời kỳ chị đi rất nhiều nơi để tìm địa điểm trú quân cho Công tác đội, nhà in báo Đảng và cơ quan Thường vụ Trung ương. Ở Viên Nội, cơ quan báo Đảng trụ tại nhà anh Tiệm, làm nghề đậu phụ. Phải một năm sau Cờ Giải Phóng mới có một cơ quan in dã chiến sắp chữ đúc chì, đặt trang và lên khuôn. Có lẽ đó là do các đội viên của Đội công tác làm công tác vận động các hội viên cứu quốc làm việc ở các nhà in lớn của tư sản Pháp ở Hà Nội giúp. Nhờ có máy móc, vật liệu này mà báo Đảng in theo lối thủ công mà đẹp không thua các ấn phẩm báo chí của bọn Pháp, Nhật. In đẹp tới mức các anh còn nhận in thêm danh thiếp để lấy tiền sống và hoạt động. Chiếc máy in ly-tô thủ công tự tạo này có sự đóng góp lớn của hai anh Phạm Đức Khiêm và Nguyễn Lương Hoàng, nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sáng kiến chế tạo của một anh đảng viên công nhân tên là Nguyễn Trọng Kiên (tức Long) làm việc tại nhà in Viễn Đông của tư sản Pháp (anh Kiên đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp). Theo lời đồng chí Trường Chinh sau này nhớ lại thì nhà in ty-pô của Đảng ra đời trong thời gian Đại chiến Thế giới lần thứ hai, nước ta dưới hai tầng áp bức của phát xít Nhật - Pháp. Nhà in đóng ở làng Tráng Việt, huyện Yên Lãng, Phúc Yên (nay là huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc), tại nhà cụ Ngô Văn Phán - một gia đình yêu nước do đồng chí Lê Quang Đạo phát hiện từ đầu những năm 1940. Cụ Phán là một lão nông nghèo, cả gia đình, con trai, con dâu, các cháu đều có ý thức bảo vệ bí mật và đã trở thành gia đình cơ sở cách mạng vững chắc. Nơi đây, đồng chí Trường Chinh đã qua lại nhiều lần. Công tác đội đã chọn nhà người con trai cụ Phán để làm nơi ở cho đồng chí Trường Chinh khi lui tới viết bài và làm công việc của một Tổng biên tập chăm lo cho cả số báo. Nếu chúng ta biết rằng nơi ở đó không phải trên rừng thẳm làng xa, mà đó chỉ cách Phủ Toàn quyền Đông Dương - hang ổ của toàn quyền Đờ-cu, và cách đại bản doanh của tướng Tsuchibashi Tư lệnh Tập đoàn quân 38 của Nhật ở Đồn Thủy, Hà Nội chỉ hơn chục cây số đường chim bay, mới hiểu hết lòng dân bảo vệ Đảng thế nào. Những tờ báo ngày càng đẹp và phong phú. Một trong những ấn phẩm công phu nhất: được in ty-pô là “Đặc san Cứu Quốc về vấn đề hải ngoại” có đăng thư của Tổng bộ Việt Minh gửi cho các đoàn thể cách mạng của Việt kiều ở hải ngoại. Tờ đặc san đó xuất bản vào cuối tháng 10 năm 1944 với bao công sức. Đặc biệt chẳng ở xứ nào có cảnh làm báo phải “dinh” cả nhà in lên gác chuồng trâu để đảm bảo an toàn. Những bài báo do chính đồng chí Trường Chinh viết chứa đầy nhiệt huyết của một Đảng có tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén. Lịch sử cách mạng cũng như lịch sử báo chí sẽ còn được đánh dấu bằng những bài xã luận do chính các lãnh tụ cao nhất viết. “Phải tiến gấp”, xã luận đăng trên số 6 báo Cờ Giải Phóng và “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ” xã luận trên số 7 có nhận định và định hướng chính xác cho phong trào vào những thời khắc quyết định. Nó giống như những bài hịch kêu gọi trước giờ xung trận.
Đó là những hoạt động của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mãi sau này báo vẫn ra hàng ngày cho đến khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thời kỳ 1946. Nhà nước cách mạng non trẻ bước vào kháng chiến, trong lúc gieo neo, Đảng Cộng sản phải rút vào bí mật và tuyên bố ngưng hoạt động. “Có một cuộc họp báo lần đầu tiên ông Trường Chinh ra mắt báo chí. Cuộc họp đó ở nhà Khai Trí Tiến Đức, nơi có câu lạc bộ của đám quan chức thường đến đó đánh tổ tôm. Lúc đó, anh Lưu Văn Lợi, Trưởng Ty Thông tin Bắc bộ, bảo tôi phát giấy mời. Tôi phải mời hết các đám có quan điểm không tốt như tờ báo của đám Việt Cách, Việt Nam Quốc Dân đảng. Lúc đó tờ Việt Nam của nhóm Việt Quốc in ở nhà in Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn ở Quan Thánh. Tờ Thiết Thực của nhóm Việt Cách in ở Ngũ Xá, ăn nói lời lẽ rất thô bỉ. Tôi cứ lo là họ sẽ nói năng như vậy tại cuộc họp báo nhưng may sao, cuộc họp báo cũng trót lọt”.
***
Sau khi ở Pháp dự hội nghị Fontainebleau về, Bác Hồ nhận định khi họp Thường vụ Trung ương: Ta đã cố níu kéo nhưng giặc Pháp không chịu. Nhân dân Pháp rất tốt nhưng nhà cầm quyền chắc chắn sẽ gây chiến tranh. Chính phủ sẽ phải dời đi, phải làm bí mật và từng bước. Bác cho hướng nên xây dựng căn cứ chính phủ ở đâu “Trước cách mạng chúng ta đã từ Việt Bắc mà thắng lợi, nay kháng chiến chính phủ ta cũng nên rút về Việt Bắc”. Bác dặn dò kỹ lưỡng hai việc. Thứ nhất, phải hết sức bí mật để giữ quyền chủ động, bảo đảm thế bất ngờ. Thứ hai, lên Việt Bắc bộ đội phải cùng dân tăng gia. Dân no mình cũng no. Nhưng muối mới là vấn đề gay go nhất. “Vàng bạc các chú có thể để lại. Nhưng muối thì nhất định phải mang đi. Chúng ta không biết sẽ đi bao lâu. Phải mang muối đủ cho năm năm, mười năm.” Bác giao ông Cả Nguyễn Lương Bằng là trưởng Ban Giao thông Liên lạc An toàn khu (GLA). Các thành viên khác có ông Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn và Mười Hương. Ban này lo việc “dời đô”: sơ tán nhà nước lên chiến khu Việt Bắc theo từng bước.
Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến. Chính phủ rút lên Việt Bắc, chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Ngày Chính phủ cách mạng bước vào thời kỳ kháng chiến ấy, ông Mười Hương lúc đó được giao nhiệm vụ giúp đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển hậu cần đưa muối, thuốc, máy móc lên Việt Bắc. Trước tiên phải lo dời đồ đạc, vật tư, kho tàng lên trạm trung chuyển. “Chúng tôi đưa các thứ ra Vân Đình để tìm cách lên Tuyên Quang, rồi Chiêm Hóa, vượt sông Lô. Lúc tôi đi pháo ở pháo đài Láng bắt đầu bắn ra Hà Nội. Lúc tôi dọn chuyến xe cuối cùng đưa máy in báo Nhân Dân hơn bảy giờ tối ra đến Ngã Tư Sở là pháo nổ gần chỗ chúng tôi vừa dọn đi. Tôi cũng vận chuyển lên Việt Bắc được 2.000 tấn muối. “Thời kỳ này ông Mười Hương có một kỷ niệm với Bác Hồ. Lần ấy ông dùng ô tô đưa ông Nguyễn Lương Bằng lúc này đang phụ trách Tổng bộ Việt Minh lên kiểm tra một kho trung chuyển ở Xuân Mai - Hòa Bình. 9 giờ đã kiểm tra xong, nhưng theo nguyên tắc an toàn tránh máy bay địch phát hiện, phải đợi trời tối mới được đi. Nhìn một ngày chờ đợi trong khi công việc quá khẩn trương, anh thanh niên Mười Hương bàn tính cứ đi về vào ban ngày, bởi con đường không xa lắm, lại chỉ có khoảng 5 km đi giữa cánh đồng, còn thì toàn đường rừng.
“Xe mới phóng khỏi rừng để xuống đoạn đường đi giữa cánh đồng thì anh lái xe kêu có máy bay và phanh lại. Hai máy bay của địch xuất hiện. Tôi mở cửa bên phải để ông Bằng chạy nhào xuống. Phần tôi cũng nhảy xuống rãnh bên đường liền ngay đó. Máy bay chúi xuống bắn chiếc ô tô của chúng tôi. Đám cháy lan ra cả lau sậy bên đông, nổ lép bép, khói bốc mù trời. Tôi hoảng quá, nhỏm dậy kêu “Anh Cả ơi anh Cả”, nhìn thấy nhau an toàn chúng tôi mừng vô cùng”
Mười Hương phải ở lại để giải quyết hiện trường nhưng trước tiên phải tìm cách đưa ông Nguyễn Lương Bằng về báo cáo Bác Hồ kẻo Bác trông. Lúc này anh em ở kho cách đấy mấy cây số thấy súng nổ, khói bốc thì chạy tới. Mười Hương lấy một xe đạp để đưa ông Bằng về. Đạp xe qua đê, tới sát căn cứ gặp người bảo vệ, anh giao đưa “Anh Cả” về tiếp, còn mình thì lộn trở lại. Hôm sau về tới cơ quan, anh thanh niên Mười Hương lo quá, gặp gỡ trước một số cán bộ để thăm dò trước. Anh Vũ Kỳ dọa đùa: “Mày chết. Bác rầy ông Cả. Bác hỏi: “Chú lớn hay Hương nó lớn?” Chết rồi, ý Bác trách “Anh Cả” lớn hơn mà không cẩn thận giữ nguyên tắc, để cho Hương nhỏ hơn lại quyết định mạo hiểm. Anh Kháng thì khuyên “Mày cứ vào đi, đừng sợ! Bác nói ông Cả rồi, sẽ không mắng mày đâu”.
Lúc gặp Bác Hồ, Hương chưa dám nói gì, Bác hỏi ôn tồn:
 - Sao anh Cả về hôm qua, nay chú mới về...
- Dạ thưa Bác, xe hư.
- Xe hư sao?
Chả hiểu sao tôi cứ nói loanh quanh, dù biết là Bác đã rõ mọi chuyện. Bác ôn tồn:
- Chú chủ quan quá, suýt nữa thì cái sảy nảy cái ung, chú vội về làm gì? Nhỡ không may, hai anh em chết cả thì làm sao?
Và từ đấy tôi có biệt hiệu là “Hương chủ quan”. Chi tiết này tôi nhớ đời. Đúng là vội vã một chút gặp cái chết trong gang tấc. Có lẽ Bác cũng nhớ chuyện này rất lâu, vì tới Đại hội Đảng lần thứ Hai tại Việt Bắc, tôi gặp lại Bác ở nơi ông Trường Chinh làm việc. Khi nghe ông Trường Chinh giới thiệu “Thưa Bác, đây cậu Hương”. Bác thân mật: “Hương chủ quan đấy phỏng?”. Mãi nhiều năm sau này khi ông Mười Hương trở thành một chỉ huy tình báo ở miền Nam, bị bọn mật vụ anh em họ Ngô bắt, sau khi ra tù, năm 1964, trở lại miền Bắc gặp Bác và Trung ương, Bác nhận ra, nhìn âu yếm và hỏi đùa: “Xem thật kỹ xem có gì chủ quan không”. “Không chỉ riêng tôi, ai cũng cảm thấy Cụ là người thân thiết. Như là một người Cha.”
Trước khi ông vào Nam, Bác đã khen và vỗ vai Mười Hương, dặn: “Chú nhớ đi sao về vậy”. Bây giờ ông đã thực hiện đúng để trở về.
***
 Chính phủ sẽ rút khỏi Hà Nội, lên Việt Bắc, nhưng phải đi dần từng bước, theo hướng đi Hà Đông - Sơn Tây - Hưng Hóa - Phú Thọ rồi mới lên Việt Bắc. Ông Nguyễn Lương Bằng lo huy động các địa phương để đưa muối lên miền cao. Từ khu 1, khu 10, muối, thuốc được đưa lên.
Sau này, khi cuộc kháng chiến đã thành công, đều trở thành cán bộ lãnh đạo cả, ông Mười Hương có lần hỏi đồng chí Nguyễn Lương Bằng về đánh giá lại tình hình ngày ấy, công việc ngày ấy.
Ông Bằng bảo: Hành động chiến lược, chuyển một lượng lớn như vậy mà giữ được bí mật là thành công lớn. Ngày ấy chúng tôi quân dân dốc sức, có bao nhiêu đưa lên cho Chính phủ để chỉ đạo kháng chiến. Những năm gian khổ đó, ông Mười Hương cùng anh em đã làm đủ mọi việc để củng cố An toàn khu - hay là chiến khu Việt Bắc lúc đầu kháng chiến.
Để củng cố An toàn khu, họ phải làm cả lán trại. “Chúng tôi làm lán trại, đầu tiên ở Phú Hộ, rồi Sơn Dương, Quảng Nạp. Chúng tôi đóng rải rác ở 10 km xung quanh Trung ương. Lúc ấy ngay Chính phủ và quân đội cũng không giúp được nhiều. Lực lượng vũ trang quân đội, công an phải tập trung cho công việc, lo cho mình thôi cũng đủ mệt. Công tác đội Trung ương lúc ấy cũng phải dựa vào Đảng bộ và nhân dân địa phương giúp đỡ. Cán bộ chiến sĩ xoay trần cùng dân phát rừng mở đường, xây dựng lán trại, dù chỉ là nhà tranh, tre nứa lá, hầm hào đơn giản. Tới sau này, tại chiến khu cũng có gara sửa xe hơi, anh em còn đóng được cả xe hơi lắp ghép mới. Cũng có xưởng đúc, làm ra máy in dập cho các khu. Nhiều máy móc sau này đưa về Hà Nội khi hòa bình lập lại trở thành tiền thân của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.”
Lực lượng kháng chiến ngoài việc làm nhà củng cố ATK (An toàn khu) còn bố trí giao thông. Báo Đảng, công văn vẫn đi các khu. Chủ yếu tới khu Bốn và một phần khu Năm. Bình Trị Thiên chưa có giao thông, nên liên hệ với Trung ương qua đài liên lạc. Bảo mật được thời kỳ đó chính là do dân. Gián điệp cũng ít, mà nếu chúng có thả lên Việt Bắc thì cũng chẳng thu thập được thông tin gì đáng kể, vì nhân dân rất cảnh giác, chấp hành tốt nguyên tắc ba không: Không nói, không biết, không làm.
Suốt thời kỳ đầu Chính phủ lên Việt Bắc vừa lo củng cố cơ sở, vừa lo đối phó với các trận càn quét của Pháp.
Ở Bắc Kạn, khi Chính phủ lên, nhân dân ai cũng biết đây là bộ đội, cán bộ các cơ quan tài chính. Vậy mà vẫn giữ được bí mật, rõ ràng là nhờ ở dân.
“Có một lần, vào thu đông năm 1947, giặc nhảy dù xuống Bắc Kạn. Ông Trường Chinh đang giảng bài cho một lớp cán bộ quân sự ở đó. Ông ở dưới hầm một ngôi nhà của Tây cũ bên sườn đồi, nó nhảy dù xuống ngay trên đầu. May mà ông bình tĩnh tìm cách thoát được. Ông chạy vào một cái hầm ở lưng chừng đồi. Trong hầm có một bà cụ và đứa cháu trai chừng khoảng bốn năm tuổi. Ông phải làm công tác trấn an để hai bà cháu yên tâm, nhất là thẳng bé đang tuổi nói. Tối chập choạng, ông mới bò xuống chân đồi, ra rừng. Gặp anh em du kích, họ đưa về. Thường vụ Trung ương lúc đó có anh Hoàng Quốc Việt và anh Lê Đức Thọ. Bác Hồ lúc đó ở một khu vực căn cứ cách cơ quan Chính phủ khoảng 5km. Trước cuộc nhảy dù ở Bắc Kạn, đồng chí Trường Chinh cũng gặp một trận bom của quân Pháp. Đó là ở dưới chân đèo Khế, ta mở trường ngoại ngữ đào tạo tiếng Anh, Pháp cho cán bộ làm ngoại giao sau này. Lớp ngoại ngữ học trong các nhà dân, đồng chí Trường Chinh đang lên lớp giảng về chính trị, nghe tiếng máy bay vội giải tán xuống hầm kịp. Máy bay ném xuống hai đợt bom.”
“Máy bay lúc đó không ghê gì, chưa hiện đại như máy bay siêu âm sau này trong chiến tranh chống Mỹ. Tuy ở khu kháng chiến gian khổ nhưng cũng no. Ăn măng rừng, rau tàu bay, tăng gia trồng thêm rau muống.”
Thời kỳ đầu kháng chiến, Đảng gặp nhiều khó khăn, Nhà nước không có tiền. “Rất may là lúc đó tôi bập được vào kho nhà đoan.” - Ông Mười Hương đã móc nối được cơ sở anh Lê Văn Đức, là xếp của kho 6 phố Hàng Vôi, vì thế có đủ cả muối, thuốc sốt rét, giấy và vải kaki may áo đội đoan. “Và ông Trường Chinh mặc quần áo may từ đó.” Bạc trắng cũng chở đi được. Anh Cả bảo đảm hậu cần cho bước đầu hoạt động của Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc. “Chúng tôi được giao một cách tin tưởng, đứng trên đống vàng mà không có ai tơ hào một đồng.”
Nghĩ lại ngày ấy làm hậu cần, lo kinh tế, đảm bảo sinh hoạt cho Trung ương, cán bộ ta có rất nhiều sáng kiến và cũng “lăn lộn thị trường” - nói theo ngôn ngữ bây giờ. Thời kỳ gieo neo của nhà nước non trẻ, phải lo đủ thứ chuyện, đâu chỉ phải chuyện hậu cần. Hậu cần cũng phải theo sát các biến động chính trị.
Ông Mười Hương đã từng đứng trong cuộc mít tinh sau khi chính phủ Cụ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3. Nhờ chiến lược khôn khéo, ta loại trừ một kẻ thù nguy hiểm là Tàu Tưởng, có chút hòa hoãn với Pháp. Bởi vì phải chống hai kẻ thù một lúc, Nhà nước Việt Nam non trẻ không đủ sức. Chính vì vậy mà tụi Quốc dân Đảng phao tin là Việt Minh bán nước cho Pháp (quân Pháp được lên những điểm phía Bắc, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Định). Cuộc mít tinh diễn ra trong sự lo lắng và căng thẳng. Ngay chính bản thân cán bộ ta cũng thấy đau lòng khi nhìn quân Pháp trở lại như vậy. “Tôi nhớ, ông Trần Huy Liệu lúc đó là Bộ trưởng Tuyên truyền, đi từ Hải Phòng lên Hà Nội đến cầu Long Biên thấy cờ Pháp “bay phành phạch, ông nói, nhìn ngứa cả mắt, gai mắt không chịu nổi”. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng mới ở miền Nam ra cũng băn khoăn nói: Cụ Hồ mời tôi tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến chống Pháp xâm lược, nay chính phủ lại đình chiến. Tôi đứng bên dưới cuộc mít tinh, nghe các ông Võ Nguyên Giáp rồi ông Trần Huy Liệu lên phát biểu, giải thích về Hiệp định Sơ bộ. Không khí quần chúng bên dưới vẫn rất lo lắng. Lúc này Bác Hồ bước ra. Tôi đã khóc khi nghe Bác nói hôm đó, Bác hỏi vọng xuống đồng bào. Nếu đánh, ta cũng phải mất dăm năm, trong khi nếu ta hòa thì Pháp phải công nhận nước Việt Nam tự do rồi năm năm sau sẽ có trưng cầu dân ý, thống nhất đất nước. Vậy đồng bào muốn sao? Tôi nhớ đại ý như vậy chứ không rõ nguyên văn. Có vài tiếng hô lẻ tẻ “Đánh” của bọn xấu cài vào. Chính ở cuộc mít tinh này Bác đã phải nói: Đồng bào hãy tin tưởng, Hồ Chí Minh thà chết chứ không bao giờ là người bán nước.”
Nhưng trong cảnh đó, ông Mười Hương còn phải nghĩ một chuyện khác, làm sao bảo đảm được an toàn cho các lãnh đạo. “Phải bỏ tiền ra mà mua một ngôi nhà kha khá mới bảo vệ được. Tôi nói với anh Cả Nguyễn Lương Bằng, rồi cố gắng tìm một căn nhà ở phố Hàng Chuối yên tĩnh. Nếu mua được ngôi nhà đó thì chúng tôi sẽ ở tầng trên. Có một phòng nhìn ra vườn sẽ để anh Trường Chinh ở, gần ngay phòng anh làm việc. Ngôi nhà đã được chúng tôi ưng ý, nhưng đến chuyện quan trọng nhất là tiền thì anh Cả bảo: Đảng làm gì có tiền. Tôi bèn nghĩ ra việc vận động anh Hà Độ lúc đó làm kinh doanh xay xát gạo. Anh đã tốt nghiệp trường bá nghệ và có lòng yêu nước, giúp kháng chiến. Anh đã bỏ ra một phần ba số tiền mua ngôi nhà.
Vì sao chúng tôi chọn cho anh Trường Chinh ở phố Hàng Chuối, một phố hầu như toàn Tây ở? Vì nhà Tây thường biệt lập riêng rẽ, có vườn cây, và cũng là vì ở như vậy chẳng kẻ địch nào ngờ. Cộng sản nào dám mua nhà ở cạnh các quan Tây? Tất nhiên chúng tôi điều tra kỹ. Tôi nhờ anh Trần Hiệu bên công an xem tụi Quốc dân Đảng có cơ sở nào ở quanh đó không. Nhờ trinh sát xung quanh, chúng tôi yên trí vì phố này cũng khá nhiều nhà tư sản Việt Nam và Tây công chức ở, có cả bác sĩ Tây làm việc ở nhà thương Đồn Thủy gần đó. Nếu có động, mình có thể vọt qua nhà xung quanh được. Cẩn thận hơn, tôi dẫn cả anh Trường Chinh đến xem nhà. Có một chi tiết nguy hiểm nhưng gặp may: anh Trường Chinh đến, gặp ngay thằng thông ngôn tòa thượng thẩm đã từng phiên dịch trong phiên tòa xử anh Trường Chinh. Nó không nhận ra anh, trong khi anh nhận ngay ra nó. Anh nói với tôi: Trước nó phiên dịch Tòa đề hình cậu ạ?
Nhớ lại về thời kỳ kháng chiến, ông Mười Hương khẳng định, giọng nhỏ nhẹ trầm ấm. “Cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ cách mạng lớn mạnh trên Việt Bắc. Chúng ta mới chỉ đánh giá lịch sử về mặt thắng lợi quân sự nhiều hơn tìm hiểu kỹ về các trận đánh. Nhưng một nét rất lớn, đặc trưng của thời kỳ đó là nhân dân rất tốt, rất gắn bó với đất nước và cách mạng như một sự chuyển động xã hội lớn lao.”
Xem tiếp: 
             5. Vào Nam
http://www.viet-studies.net/NTNgocHai_MuoiHuong_5.html