Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Giáo dục: đừng để triệt tiêu cực chưa xong đã lòi ấu trĩ

Bệnh sính bằng cấp không phải vì xếp loại trên bằng tốt nghiệp mà bởi những qui định vô lý của nhà nước ở cấp tuyển dụng. Việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp giống như tỉa bớt một lá vàng, trong khi gốc cây rỗng mục không lo chăm sóc, vun xới.
    Dư luận vẫn chưa thống nhất việc thay đổi cách chấm điểm, xếp loại học sinh tiểu học và phổ thông thì lại vừa tiếp tục tranh luận chuyện bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học, không ghi loại hình đào tạo là tại chức hay chính quy. Bên soạn thảo đưa ra nào là “Thay đổi tư duy giáo dục”, “Tiếp cận thông lệ các nước tiên tiến”, “Chống chạy đua bằng cấp”… Toàn tầm vĩ mô. Dư luận phân hóa thành ba phe. Phe ủng hộ thì ra sức bàn vô, phụ họa thêm cho bộ Giáo dục và đào tạo. Bên phản đối thì bàn ra, rằng: “Trong ngành giáo dục, mọi việc bắt đầu từ thầy cô, từ trường sư phạm”, “Học sinh, sinh viên không phải là “chuột bạch”…
    Phe đứng giữa, giữ thái độ “im lặng là vàng”, dù không ba phải. Bởi, có lẽ họ biết rõ là có nói cũng bằng thừa. Nội tên gọi của bộ chủ quản là đã có gì đó... tréo ngoe. Có giáo dục nào mà không đào tạo và ngược lại. Các nước chỉ có bộ Giáo dục, không gắn thêm mác “Đào tạo”. Việc gì cũng có hai mặt đối lập. Vấn đề là chọn việc nào phù hợp, nhiều mặt tích cực hơn.
    Những thầy cô, từng dạy học dưới hai chế độ, về hưu từ lâu, nhiều người chỉ biết lắc đầu, ước gì...
    2018 liệu có phải là năm đầu tiên và duy nhất có những gian lận thi cử kiểu này?. Ảnh biếm hoạ: Tuổi Trẻ
    Không phải ưu việt tuyệt đối nhưng rõ ràng trường học ở miền Nam trước 1975 được kế thừa tinh hoa của Pháp và Mỹ, những quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới. Trong nền giáo dục ấy, thầy cô tự chuẩn bị giáo án, không có chuyện kiểm tra, truy xét; không có thi “Sáng kiến kinh nghiệm” hay “Giáo viên dạy giỏi”… Cũng không có xếp loại thi đua A, B, C hay lao động tiên tiến, xuất sắc, chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi… Cũng không phải thu tiền học phí vì đó là việc của văn phòng. Thầy cô chỉ lo dạy. Lương giáo viên đủ nuôi cả nhà.
    Trường không có xếp đủ loại từ tiên tiến, trường điểm tới chuẩn các cấp. Phụ huynh không phải đi họp với giáo viên, tính chuyện thu chi của lớp; phải lo quà cáp cho thầy cô sao cho  phải đạo, hợp hầu bao.  Chính phụ huynh và học sinh thẩm định chất lượng và quyết định chọn trường. Học sinh phổ thông thường chọn thầy rồi mới chọ trường, thông qua danh sách thầy cô niêm yết. Không có cấp Phòng Giáo dục đào tạo trung gian mà chỉ có sở Giáo dục. Trường không phải thường xuyên đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra, thậm chí “ghé thăm” của cấp trên, không chỉ giáo dục mà của các đoàn thể. Cũng không có đủ thứ phong trào, đủ thứ chỉ tiêu như hiện nay.
    Học sinh kém mới tìm cách học thêm chứ không phải “Toàn trường phụ đạo, cả nước học thêm” như hiện nay. Học sinh tiểu học và phổ thông đều có chấm điểm, xếp hạng hàng tháng. Không báo về phụ huynh mà gắn ở bảng Thông báo của nhà trường. Từ hạng 1 đến hạng 3 hoặc 5 được lên Bảng Danh Dự riêng. Chẳng thấy ai phản đối. Cuối tháng, đứa nào cũng hồi hộp chờ xem kết quả xếp hạng, xem mình lên hay xuống. Chẳng đứa nào suốt năm hạng nhất hay đội sổ. Thứ hạng thay đổi hàng tháng. Không có xếp loại hạnh kiểm vì có qui định các mức kỷ luật riêng. Không có Sao đỏ hay “Đôi bạn cùng tiến”, “Truy bài đầu giờ”…
    Nếu cho xếp hạng gây mặc cảm cho các em học kém thì xếp loại cũng tương tự. Bỏ xếp hạng và xếp loại thì triệt tiêu động lực cố gắng từng em. Con người, ai chẳng thích khen, đặc biệt là trẻ em. Không chỉ khen học giỏi mà khen những em có thứ hạng tiến bộ, động viên những em học chưa giỏi. Chỉ có những phụ huynh xem “Con cái là đồ trang sức” mới muốn cào bằng mọi nỗ lực. Năm học lớp 9, con trai tôi năn nỉ ba vào xin thầy “Cho tự học ở nhà thay vì truy bài đầu giờ” trong lớp. Tôi rụt rè đề nghị, ngờ đâu thầy hoan nghênh, khuyến khích vì thầy khẳng định, tự học hiệu quả hơn phong trào cả lớp học chung.
    Bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp mà vẫn giữ bảng điểm và học bạ thì cũng vậy. Chỉ là một dạng “tự sướng”. Với các doanh nghiệp, bằng cấp chỉ để tham khảo, khả  năng thực tế mới quyết định vị trí và mức lương. Bệnh sính bằng cấp không phải vì xếp loại trên bằng tốt nghiệp mà bởi những qui định vô lý của nhà nước ở cấp tuyển dụng. Việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp giống như tỉa bớt một lá vàng, trong khi gốc cây rỗng mục không lo chăm sóc, vun xới. Giáo dục Việt Nam quá nhiều việc không bình thường, thậm chí quái dị, cấp bách phải thay đổi. Bắt đầu từ THẦY CÔ.
    Sư phạm không thể đào tạo đại trà, rồi bắt học thêm chứng chỉ nghề như hiện nay. Sư phạm chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội, có phụ cấp khi học và việc làm khi ra trường như bộ đội và công an, thậm chí cao hơn vì Sư phạm là máy cái của xã hội.
    Kết quả của học sinh là xếp loại của giáo viên. Bỏ các hình thức “Ngành tự làm khổ lẫn nhau”; từ giáo án, xếp loại, thi giáo viên dạy giỏi… đến đủ thứ chỉ tiêu thi đua. Xã hội chỉ muốn nhà trường là thánh đường đạo đức, là thành trì bảo vệ kỷ cương; chứ không phải là “chợ trời” chữ nghĩa, bằng cấp.
    Cần chấm dứt tình trạng loạn bằng cấp đào tạo. Học kiểu nào cũng được nhưng thi cần nghiêm túc, giống nhau và chỉ có 1 loại bằng chung.
    Đoạn tuyệt với chính sách cộng điểm ưu tiên. Kiến thức hay tình cảm không thể đong đo cụ thể rồi phân phối hoặc bố thí như của cải vật chất. Tất cả chân lý phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Hiệu quả công việc là bằng cấp xã hội chính xác nhất.
    Thay đổi - phải bắt đầu từ cấp cao nhất của ngành Giáo dục, từ các trường Sư phạm và chính các thầy cô rồi mới đến học sinh. Không thể đi tắt đón đầu được. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nhân nào thì quả đó. Tự giác phải đi liền với những biện pháp kỷ luật nghiêm minh.
    Chưa thể tiệm cận với các nước tiên tiến, nhưng học tập điều của giáo dục miền Nam trước 1975 đã từng, chắc là không khó.
    Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giảng viên thực tế Khoa Du lịch, đại học Nguyễn Tất Thành)