Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Nước Mỹ tôi yêu quý có kỳ thị chủng tộc không?

  • Tina Hà Giang
  • BBC News Tiếng Việt

  • Một gia đình người Việt tuyên thệ để trở thành công dân Hoa Kỳ

''Cuối tuần em rủ mấy đứa bạn đi biểu tình Anti-Asian Crime ở Irvine.'' D., cô em gái tôi nói.

''Hôm trước em với tụi nhỏ đi một lần rồi, lần này chắc đông hơn.'' Điện thoại tôi chợt hiện tấm hình ba mẹ con D. ở một công viên đầy người, tay mang biểu ngữ.

Chị ở Bangkok, em ở Nam Cali. Facebook với chúng tôi là chiếc cầu nối.

Facebook của D. dạo này tràn ngập tin về những người Á châu ở Mỹ bị hành hung, vụ thảm sát ở Atlanta, các cuộc biểu tình chống hành hung người Á đông, các lớp dạy học võ để tự vệ...

'Em mới ghi danh học lớp Taekwando và đặt mua 3 bình xịt hơi cay,' D. nói tiếp, nỗi bất an trong em rõ hơn.

''Chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho nước Mỹ. Chị không biết nên sợ Covid hơn hay sợ kỳ thị hơn.'' Tôi thở dài.

''Hồi mới qua, có lần em nghe chị nói chị không thấy nước Mỹ kỳ thị. Nhớ không?'' Nhắc nhớ của D. hôm ấy nghe như một lời trách nhẹ rằng chị nghĩ sai rồi.

Hay đó là một thắc mắc chưa thành lời?

Thú thực tôi cũng bao lần tự hỏi là nước Mỹ có kỳ thị không, để bối rối khi câu trả lời của mình đổi từ 'có' thành 'không' rồi lại 'có', theo dòng đời.


Người Việt tại buổi cầu nguyện cho người gốc Á bị giết chết tại Garden Grove, California

Phụ nữ ở quận Cam, California học võ để tự vệ

Lạc giữa rừng người da đen

Cảm nhận có sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ đến với tôi lần đầu tiên khoảng cuối năm 1975, lúc sống ở một thành phố nhỏ cạnh rừng thông, gần thành phố Richmond, tiểu bang Virginia.

Hôm ấy tôi và người bạn hí hửng tìm đường xe búyt vào Richmond để xem xi nê, sau khi biết có một rạp hát giá vé rẻ hẳn hơn những nơi khác, rất vừa với túi tiền nhẹ tênh của hai đứa.

Sau một tiếng rưỡi trên xe chúng tôi vào được trung tâm thành phố.

Đi gần đến rạp thì cả hai giật mình trước một cảnh tượng chưa từng thấy: Một rừng người Mỹ gốc Phi châu đang đứng xếp thành hàng chờ mua vé. Không một người da trắng hay da màu nào khác có mặt trong cái hàng dài ngoằn ngoèo ấy.

Lạc lõng và hơi ngại những cái nhìn tò mò, soi mói, chúng tôi líu ríu bước vào hàng, cố thu mình thật nhỏ cho đến khi vào hẳn bên trong rạp. Phim xong chúng tôi lẳng lặng ra về. Một kinh nghiệm không bao giờ lặp lại.

Hỏi ra mới biết là tại Mỹ lúc ấy có những thành phố toàn người da đen sinh sống và ở những nơi này, không người da trắng nào bén mảng.

Sau này làm thợ may tại một xưởng may lớn tại Richmond, cứ mỗi giờ ăn trưa nhìn cảnh cafeteria rộng mênh mông chia ra hẳn thành hai khu vực: khu da đen toàn dân thợ và khu da trắng của dân làm văn phòng, tôi lại được nhắc nhở thêm về sự phân biệt giai cấp và màu da rất rõ ràng ở nơi có tên là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Nhóm thợ da vàng chúng tôi ngồi với người da đen. Họ đối với chúng tôi khá thân thiện. Từ bên này nhìn qua bên kia, tôi băn khoăn về cảnh phân biệt màu da mình chưa bao giờ thấy.

Bảng chỉ nơi dành cho người da đen của cảnh sát ở Jackson, Mississippi năm 1961

Khoảng 200.000 người Mỹ gốc Phi biểu tình đòi bình quyền ở Washington, DC năm 1963

'Tina, cà phê đi chứ?'

Rời Virginia, tôi về California, vào đại học.

California là cả một thế giới khác. Khí hậu ôn hòa. Sinh viên đủ mọi sắc tộc đầy sân trường. Thức ăn Việt Nam không phải chỗ nào cũng có, nhưng tìm không quá khó.

Tốt nghiệp đi làm, tôi may mắn tiến nhanh trong sự nghiệp. Ở tuổi 29, tôi là người trẻ nhất, là người gốc Á, và cũng là phái nữ đầu tiên giữ chức Financial Controller của ITM, công ty có doanh thu 75 triệu đôla một năm.

ITM chuyên nhập cảng phụ tùng xe hơi ngoại quốc với 4 trung tâm bán sỉ và hơn 50 tiệm bán lẻ trên toàn quốc. Tôi quản l‎ý ban tài chánh và kế toán có 20 nhân viên, dưới trướng là 3 supervisors và một phụ tá, tất cả đều da trắng.

Tuổi trẻ mau quên. Đi làm một thời gian, bận tâm của tôi về sự phân biệt màu da ở Mỹ biến mất lúc nào không hay.

Nói như thế để giải thích tại sao có những thời kỳ tôi không những không thấy mình bị kỳ thị, mà còn không nghĩ rằng Mỹ là một nước kỳ thị.

Nếu nước Mỹ kỳ thị, thì đã không có Luật Nhập Cư năm 1965 nhờ đó tôi và biết bao người Việt tị nạn khác được vào định cư sau khi cuộc chiến VN kết thúc.

Nếu nước Mỹ kỳ thị, thì tôi, người có ba điểm bất lợi, nhỏ tuổi, gốc Á, lại là phái nữ, đã không được nắm chức vụ đang có, tôi lập luận.

Tôi thấy mình yêu nước Mỹ, thiết tha.

Yêu câu 'mọi người đều bình đẳng' trong bản tuyên ngôn độc lập.

Yêu cụm từ 'công l‎ý cho tất cả' trong lời Tuyên thệ Trung thành với lá Quốc kỳ.

Yêu chính sách EEOC (Cơ hội Việc làm Bình đẳng) của liên bang, chính sách quy định rằng phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính… với người xin việc hoặc nhân viên là bất hợp pháp.

'Giấc mơ Mỹ' với tôi đẹp, không chỉ vì ở đây dễ có được sự thành đạt, nếu muốn, mà vì nước Mỹ là nơi mà mọi người đều bình đẳng và được pháp luật bảo vệ.

Công việc của tôi bận rộn, khá thích thú, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Trông coi tài chánh và kế toán của ITM, tôi khám phá ra nhiều sai phạm sổ sách, lỗ hổng trong việc xét đơn cho khách hàng mua chịu, trả hoa hồng cho ban sales trong khi nợ xấu chồng chất, chi phí cho những chương trình tiếp thị vô bổ, và quyết định sửa đổi các chính sách liên quan để giải quyết.

Điều đó giảm được nhiều thất thoát cho ITM, và hội đồng quản trị khuyến khích tôi mở rộng việc kiểm tra và cải tổ. Nhưng việc tôi làm ảnh hưởng đến hầu bao của một số người trước giờ hưởng lợi từ những lỗ hổng này, và dần dà trở thành người bị họ ghét nhất trong ban quản trị.

Phụ tá của tôi một hôm bảo, chị ơi họ đang kháo nhau là 'an Oriental woman is taking over the company' kìa, (một bà phương Đông đang tiếp quản công ty). Họ xầm xì, nhưng hễ em đến gần thì im.

Tôi biết mình bị một số người ghét vì chạm đến quyền lợi không chính đáng của họ, nhưng không quan tâm lắm, vì lương tâm chức nghiệp không cho mình làm khác đi. Nhưng họ ghét tôi là một chuyện, dùng từ 'Oriental woman' lại là một điều khác.

Ở Mỹ, Luật cấm Dùng từ ''Oriental'' trong các văn bản của liên bang lúc ấy chưa ra đời, nhưng từ lâu chúng tôi đã được dặn là không nên dùng ''Oriental'' để nói về người gốc Á.

Giáo sư Erika Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Nhập cư tại Đại học Minnesota giải thích:

''Chữ Oriental thường được dùng để củng cố ý tưởng là người châu Á đã và mãi mãi sẽ là người nước ngoài, và không bao giờ có thể trở thành người Mỹ. Và như vậy giúp biện minh cho kỳ thị chủng tộc, tước quyền chính trị và phân biệt đối xử.

Ngoài ra Oriental cũng gắn liền với khuynh hướng chống đối và những đạo luật bài ngoại chống người gốc Á đã có ở Mỹ từ thế kỷ thứ 19.''

Người Mỹ gốc Nhật ở Nam California chờ được lên xe lửa đưa vào trại tập trung năm 1942

Hình minh họa tả cảnh thợ làm mỏ Trung Quốc ở tiểu bang Wyoming bị công dân da trắng tàn sát năm 1885

Một hôm, trước buổi họp mỗi ba tháng của hội đồng quản trị, tôi vừa bước vào phòng thì mấy ông da trắng đang lao nhao chợt im bặt. Họ cùng hướng về Don Peterson, giám đốc trung tâm phân phối lớn nhất của ITM ở Texas. Don, theo lời cô phụ tá, là người khởi xướng việc ''an Oriental woman...''

Nhìn tôi, Don nói: 'Hi Tina''

''Hi Don, hi everyone.''

''How about some coffee?' (Tina, cà phê đi chứ?') Don bỗng cao giọng.

Mọi cặp mắt đổ dồn về tôi. Trực giác bảo tôi họ đang chờ xem một vở kịch ngoạn mục.

Don với tôi ngang cấp, cùng trực thuộc tổng giám đốc. Tôi hiểu Don đang trịch thượng sai tôi mang cà phê cho hắn.

Cười rất tươi, tôi nói: 'Thank you, so kind of you to offer, but I prefer tea, please.' (Cảm ơn anh nhé, nhưng tôi thích dùng trà).

Thấy tôi biến câu ra lệnh của Don thành lời mời, và bảo him mang trà cho tôi thay vì cà phê, có tiếng cười lớn, vài cái hắng giọng, mặt Don đỏ lên.

Không khí nhẹ đi khi tôi nhờ thư k‎ý mang vào phòng họp một bình cà phê cho mọi người và một bình trà cho mình.

Không 'hạ' được tôi hôm đó Don càng 'căm', nhưng tôi làm việc chăm chỉ, và được cấp trên tuyệt đối tín nhiệm, hắn chẳng làm gì được.

Dẫu sao những va chạm lặt vặt kiểu đó làm tôi mệt mỏi, nên khi được mời gia nhập một công ty chuyên viết phần mềm cho ngành kế toán, tôi nhận lời ngay.

Kinh nghiệm đó khiến tôi suy nghĩ nhiều. Don và đồng nghiệp của hắn chắc là kỳ thị rồi. Nhưng suy nghĩ thêm, tôi vẫn giữ vững niềm tin là nước Mỹ không kỳ thị, một phần vì tại đa số công ty tôi làm việc, mỗi khi cần tuyển người, tôi đều được phòng nhân sự nhắc nhở về chính sách EEOC nói trên.

Tuy nhiên, một sự kiện vào khoảng cuối năm 2014 làm niềm tin của tôi bắt đầu nao núng.

Sổ tay của một người Việt tị nạn trên đường đến Mỹ tìm tự do

Người Việt tị nạn được đưa lên tàu chiến của Mỹ tháng Tư, năm 1975

'Tôi muốn mấy người cút khỏi nước này'

Tháng Mười năm 2014, tôi về trại ti nạn Indiantown Gap để làm phóng sự về những ngày đầu của người Việt tị nạn tại Mỹ.

Biết tôi từng ở đây năm 1975 với hàng chục ngàn người tị nạn khác, cụ thiện nguyện viên trong bảo tàng viện của trại thân hành đón tiếp. Ông cũng tụ họp một số người Mỹ từng làm việc ở trại cách đây gần 40 năm để tôi phỏng vấn.

Mọi người đa số khá ân cần. Người niềm nở cho tôi xem những tấm hình bạc màu họ chụp ở đây ngày xưa. Người khác kể kỷ niệm họ còn nhớ về những người Việt tị nạn ngơ ngáo cần họ giúp đỡ lúc đó. Duy có một ông da trắng to cao đứng yên một góc, tay khoanh trước ngực, lặng lẽ quan sát, mặt lạnh như tiền.

Khi tôi đến chào và bắt tay, ông không đáp ứng, nhìn tôi bằng ánh mắt ghét bỏ:

"I don't have anything to say to you, I was one of the people here who didn't want your people to come to our country then, and I still don't want your people here now..." (Tôi không có gì để nói cả, tôi là một trong những người lúc đó không muốn mấy người vào đất nước của tôi, và giờ tôi vẫn không muốn mấy người ở đây).

Sững sờ, tôi đứng im vài giây rồi cố nở nụ cười:

"Well, I just wanted to say that we are very grateful for the kindness the American people have shown us, and that we have all became US citizens. We have worked, paid tax and are contributing to this country; some even joined the US Army and became high ranking officers." (Vâng, tôi chỉ muốn nói là chúng tôi rất cảm kích về lòng tốt người Mỹ đã dành cho chúng tôi, và nhiều người Việt giờ đã trở thành công dân Mỹ. Chúng tôi đã đi làm, đóng thuế, và đóng góp cho đất nước này; có người đã gia nhập quân đội và trở thành những sĩ quan cao cấp.)

Phản ứng của tôi khiến ông khựng lại nhưng không bớt hằn học:

"Like I said, I did not like your people here then, and I still don't like your people here now. I wish you guys just up and leave our country..." (Như tôi đã nói, tôi trước đây đã không ưa mấy người, và bây giờ vẫn không ưa mấy người. Tôi chỉ mong sao mấy người cút khỏi nước này.)

Không kể chuyện này với ai, nhưng thái độ của người đàn ông đó làm tôi buồn và hết sức bất an.

'Your guys' (Mấy người) và 'our country' (nước của chúng tôi)? Ông ta rõ ràng cho đất nước này không phải là của những người di dân.

Phải mất rất nhiều ngày sau, khi thuyết phục được mình là những người kỳ thị như ông ta ở Mỹ rất hiếm, tôi mới dần dà tìm lại được cảm giác an bình và niềm tin là nước Mỹ vẫn đại diện cho những giá trị tôi yêu quý.

Niềm tin đó ít lâu sau bị lung lay tận cỗi rễ.

Kết quả cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 khiến tôi nhận thức rõ hơn bao giờ hết là rất nhiều người Mỹ kỳ thị, có ác cảm với người di dân.

Việc hàng chục triệu những người này bỏ phiếu cho Donald Trump cho thấy họ nghĩ rằng nước Mỹ cần sự lãnh đạo của một tổng thống có tinh thần bài ngoại, thích cổ súy sự phân biệt chủng tộc.

Nước Mỹ có kỳ thị chủng tộc không?

Với chế độ nô lệ, những bộ luật chống người da đen như Luật ĐenLuật Jim Crow, lẫn những luật chống người gốc Á như Luật Cấm người Trung Quốc Nhập cưLuật Di Dân năm 1917, không thể phủ nhận là lịch sử nước Mỹ từng đầy rẫy những chính sách kỳ thị.

Nhưng nước Mỹ hiện chúng ta đang sống có chủ trương kỳ thị chủng tộc không là một câu hỏi khác.

Câu hỏi này khó trả lời, một phần vì nhận định của mỗi cá nhân tùy theo họ thuộc sắc dân nào, từng chứng kiến hay va chạm với kỳ thị chưa, và có cái nhìn ra sao sau những va chạm đó.

Khó hơn nữa vì chúng ta thường trộn lẫn chính sách nước Mỹ với cách cư xử của người Mỹ, và gồm lịch sử với hiện tại.

Một số người Mỹ có thể rất kỳ thị nhưng nước Mỹ vẫn không hẳn vì thế mà là một quốc gia khuyến khích tinh thần kỳ thị.

Ngược lại, nhiều người Mỹ có thể không kỳ thị, nhưng nước Mỹ hiện vẫn tồn tại những mảnh vụn của một hệ thống trước kia từng nuôi dưỡng sự kỳ thị.

Nhưng nếu nước Mỹ chủ trương kỳ thị thì tại sao Hiến pháp Hoa Kỳ quy định là mọi người dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật, và cho phép tất cả mọi người sinh ra ở Mỹ, bất kể thuộc giống dân nào, được là công dân Mỹ.

Chắc chắn có một số người Mỹ phân biệt chủng tộc, nhưng họ không phải là đại đa số. Nếu họ chiếm đa số thì Joe Biden, người được cho là có cái nhìn 'thoáng' về người di dân đã không đắc cử tổng thống.

Nếu đa số người Mỹ kỳ thị thì tại sao Barack Obama lại đắc cử tổng thống hai lần, khi dân số Mỹ chỉ có 13% là người da đen, 62% người da trắng, 16% gốc Hispanic, và 6% gốc Á? Ắt hẳn đã có nhiều cử tri da trắng dồn phiếu cho ông.

Nếu đa số người Mỹ kỳ thị thì tại sao người dẫn chương trình truyền hình được ưa chuộng nhất qua mọi thời đại là Oprah Winfrey? Hẳn là một số lớn fan ái mộ bà phải là người da trắng.

Chắc chắn ở Mỹ hiện còn sót lại hệ quả của những bộ luật ra đời từ hàng trăm năm trước, tạo ra nạn kỳ thị có hệ thống. Nhưng qua nhiều năm đấu tranh, đa số những bộ luật kỳ thị đó đã bị hủy bỏ, hay được thay thế bằng những bộ luật nhân bản hơn.

Nhưng luật pháp (và Hiến pháp) của nước Mỹ là do người Mỹ làm ra.

Giả sử vì lý do gì đó hàng loạt người Mỹ kỳ thị bỗng được thay phiên nhau lên nắm quyền trong một thời gian dài, và thay đổi chính sách, thì việc Mỹ lại là một quốc gia kỳ thị chủng tộc như trước không phải là điều không tưởng.



Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Những đòi hỏi mới của thời cuộc

 Nhân kỷ niệm 45 đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu bài đăng trên Tuổi trẻ Online cách đây 15 năm, ngày 17/4/2005.

Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...


Nguyên thủ tướng  Võ Văn Kiệt

Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...

Tuổi Trẻ đăng lại bài trả lời phỏng vấn này từ tuần báo Quốc Tế (số ra ngày 31-3-2005).

* Thưa ông, thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày tiếp quản Sài Gòn, và ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo còn lại từ cuộc kháng chiến đó, ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?

- Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây ba chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.

* Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm?

- Không gì là không làm được! "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người VN. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người VN chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và VN sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp.

* Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để làm điều đó, thưa ông?

- Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao điều cần nói, biết bao việc cần làm.

* Theo ông, bây giờ việc cần làm tiếp là gì?

- Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.

* Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt?

- Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người VN cảm nhận được điều đó.

* Khó khăn nằm ở chỗ nào, thưa ông?

- Hồ Chủ tịch từng mong muốn khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn quốc tế. Sau năm 1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác làm việc này. Đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và cảm ơn là việc làm phù hợp đạo lý và truyền thống VN. Nhưng về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.

* Ông Minh đã tuyên bố đầu hàng?

- Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28-4-1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này.

* Theo ông, từ đâu ông Minh lại có quyết định như vậy?

- Thế thắng của ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của ông Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông. Ông Minh là vị tướng đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm, ông cũng là người sau đó đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông.

* Và, "lực lượng thứ ba" cũng đóng một vai trò đáng kể, thưa ông?

- Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc.

* Thưa ông, ở thời điểm này nhìn lại, ông có bằng lòng với những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua?

- Chúng ta đều có thể vui mừng khi có một VN thống nhất, quyết tâm vượt qua nghèo đói và quyết tâm hội nhập như ngày hôm nay. Nhưng nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985.

* Bài học về những năm bỏ lỡ cơ hội này là gì, thưa ông?

- Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích! Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục giữ được sự tăng trưởng khá, đó là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng với một nước mà GDP chỉ mới đạt trên dưới 40 tỉ USD như VN, mức tăng trưởng 6-7% chưa phải là đã đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nhu cầu hội nhập.

* Thưa ông, trong đối ngoại chúng ta nên tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới?

- Những kết quả đối ngoại vừa qua, trong một chừng mực nhất định, đúng là đã góp phần mở đường để giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhưng nội dung cụ thể của những khẩu hiệu ấy là gì? Và tới đây, với một thế giới đang thay đổi từng ngày như thế này, chúng ta lựa chọn và xây dựng vai trò và vị trí của mình như thế nào là điều hết sức quan trọng.

Sau sự kiện ngày 11-9-2001, những biến cố ở Trung Đông, những cải tổ chính trị tích cực từ bên trong của các nước ASEAN như Indonesia, sau sự kiện sóng thần tàn phá ở một số nước Đông Nam Á..., tất cả cho thấy thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thật sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc.

Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc.

* Xin cảm ơn ông.

Nguồn TTO: https://tuoitre.vn/nhung-doi-hoi-moi-cua-thoi-cuoc-74587.htm

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

30 THÁNG 4: TẢN MẠN NHÂN VẬT LỊCH SỬ DƯƠNG VĂN MINH

 Trần Văn Chánh  

           Trong lịch sử cận-hiện đại của Việt Nam nói chung và miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954 nói riêng, trường hợp nhân vật lịch sử Dương Văn Minh (1916-2001) có lẽ khá đặc biệt, và không ít người đã coi ông là một vị  tướng lãnh “có vấn đề”. Ông sống nói chung trong sạch, bề ngoài có vẻ luôn khiêm tốn hiền lành nhưng toàn tham gia những đại sự quân chính có tác dụng đảo chuyển hướng đi của lịch sử.

Vào thời kỳ đầu của Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh đã từng được coi là anh hùng trong thành tích đánh dẹp lực lượng Bình Xuyên (năm 1954) ở khu Rừng Sác (ngoại vi Sài Gòn) và dẹp tan quân đội của giáo phái Hòa Hảo (năm 1956), được thăng chức Trung tướng (5.1.1956). Hai đại sự khác trong đời ông là việc năm 1963 với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng ông cầm đầu nhóm tướng lãnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và việc năm 1975 với tư cách Tổng thống đã quyết định đầu hàng không điều kiện “đối phương” miền Bắc để kết thúc gọn nhẹ cuộc chiến tranh thảm khốc 30 năm, lập lại hòa bình cho dân tộc Việt.

Sở dĩ bị coi là vị tướng “có vấn đề” vì trong cả hai trường hợp vừa nêu trên, ông có những chỗ rất dễ bị chỉ trích bởi một số người khác biệt quyền lợi hoặc không đồng quan điểm. Đây cũng là một lẽ rất thường tình, bởi nếu ông Minh chỉ là một kẻ tầm thường vô dụng, không lý tưởng, chỉ biết sống “dĩ hòa vi quý” cho được vinh thân phì gia như bao người khác thì có lẽ chẳng ai cần nhắc gì tới ông, kể cả việc chỉ trích ông thậm tệ nhất đi nữa.

Liên quan cuộc đảo chánh 1.11.1963, trừ ra một số người sùng bái ông Diệm mà quyền lợi của họ vốn gắn chặt với chế độ Đệ nhất Cộng hòa, còn thì đa số nhân dân miền Nam lúc đó đều hoan nghênh ủng hộ. 

Về lịch sử/ diễn biến cuộc đảo chánh, đã có rất nhiều sách báo/ tài liệu đề cập chi tiết nên ở đây xin khỏi nhắc lại. Chỗ có vấn đề đang nói cho đến nay vẫn còn nhiều người thắc mắc, đó là việc ông Minh có phải hay không là người ra lệnh cho những người dưới trướng ông hạ sát Tổng thống Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu trên chiếc xe bọc sắt M 113 một cách thảm thiết quá, trên đường chở hai ông Diệm-Nhu về Bộ Tổng tham mưu ngày 2.11.1963 để xử lý, thay vì theo truyền thống văn hóa chính trị, phải để cho hai nhân vật lãnh đạo này được lưu vong sang xứ khác? Ngoài ra, nhắc lại việc này, một số người còn tố cáo ông Minh là kẻ phản bội tàn ác, vì con đường binh nghiệp của ông được thăng tiến nhanh chóng có một phần quan trọng là nhờ ở Tổng thống Ngô Đình Diệm…

Cho đến cuối đời, sống ở Pháp rồi ở Mỹ, vì là việc quá tế nhị, nhóm đảo chánh của ông Minh (gồm cả Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính…) không ai dám hé môi nói rõ việc này. Tuy nhiên, cũng có vài chi tiết được hé lộ trong hồi ký của một vài chứng nhân, qua đó chúng ta có thể đánh giá tương đối chính xác.

Hồi ký Tâm sự tướng lưu vong của Hoành Linh Đỗ Mậu (NXB Công An Nhân Dân, 1995, tr. 502-503), có đoạn kể, ngày 2.11.1963, ông Mậu thấy các tướng đảo chánh gồm Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm đang xầm xì bàn tán có vẻ bí mật, đến hỏi thì tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) trả lời rất nhỏ, “Anh em đang bàn định cách đối xử với ông Diệm, nên giết hay nên cho ông ta xuất ngoại”. Ông Mậu phát biểu không đồng ý giết ông Diệm[1] thì tướng Nguyễn Ngọc Lễ nói to lên: “Xin anh em đừng nghe lời anh Mậu, đã nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận rễ”. Thấy không ai phản đối tướng Lễ mà có vẻ im lặng đồng ý, Đỗ Mậu bèn nói thêm: “Việc tha hay giết ông Diệm là hành động lịch sử, vậy muốn tha hay giết ông ta, tôi đề nghị phải lấy quyết định tối hậu qua một cuộc bỏ phiếu kín, phải ghi vào biên bản đàng hoàng”. Đỗ Mậu cho biết tiếp: “Tất cả mọi người lại im lặng không có ai tỏ ra tán đồng ý kiến của tôi. Còn tướng Dương Văn Minh thì nhún vai tỏ thái độ bất mãn với tôi… Sau đó tướng Minh ra lệnh cho tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và Đại úy Nguyễn Văn Nhung đi đón hai ông Diệm-Nhu tại nhà thờ Cha Tam”.                 

Đỗ Thọ (cháu gọi Đỗ Mậu bằng chú ruột) lúc đó là sĩ quan tùy viên thân cận nhất của Ngô Đình Diệm, người đã theo sát đến phút chót bên cạnh hai ông Diệm-Nhu trên đường trốn từ Dinh Gia Long đến nhà thờ Cha Tam, trong một đoạn hồi ký cũng có nhắc lại sự kiện gần giống như trên: “Chú tôi (tức Đỗ Mậu- TVC) nói rằng luôn luôn kính trọng thương tiếc Tổng thống Diệm. Vụ 1.11.1963 chỉ cốt lật đổ ông bà Ngô Đình Nhu. Đưa Tổng thống Diệm lên Đà Lạt hoặc Côn Đảo trong một thời gian. Nhưng quyết định này đã có nhiều tướng lãnh không chịu. Trong đó có tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân” (Nhật ký Đỗ Thọ, Đồng Nai xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 158). Ở một đoạn tiếp theo, tác giả Đỗ Thọ còn cho biết, khi ông Nhu không chịu lên xe M 113 để chở về Bộ Tổng tham mưu, một sĩ quan phe đảo chánh đã gào lên: “Ông không còn là cố vấn… Và Tổng thống nữa. Hãy lên xe gấp. Chúng tôi được lệnh Trung tướng Chủ tịch phải thi hành” (tr. 177).

Theo mấy chi tiết dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể thấy, việc giết hai ông Diệm-Nhu, ông Minh không quyết định một mình, mà có sự họp bàn tập thể nhưng chỉ bàn kín hạn chế với vài tướng lãnh chủ chốt, trong đó có các tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm, chứ không đưa ra toàn thể Hội đồng Quân nhân Cách mạng lấy quyết định. Còn ở một vài tướng tá khác, tuy không thấy nhắc trong đoạn hồi ký trên kia của Đỗ Mậu, nhưng chắc chắn cũng đã được ông Minh tham khảo ý kiến trước đó theo một cách nào đó thôi.

Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận có vài năm sống tá túc hoạt động báo chí trong nhà của Dương Văn Minh (ở số 3 Võ Văn Tần bây giờ), “Có sách ngoại quốc nói rõ người điều khiển việc bắt giết Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là Trung tướng Mai Hữu Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tướng Xuân là người thân tín với Dương Văn Minh. Rất có thể tướng Xuân đã ra lệnh bắn chết Diệm, Nhu để tuyệt trừ hậu họa. Người thi hành lệnh bắn là thiếu tá Nhung, một trong những cận vệ của tướng Minh. Tướng Mai Hữu Xuân trực tiếp chỉ huy việc tiến chiếm Dinh Gia Long, ông chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm, Nhu với tư cách người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Nhưng một vấn đề chưa sáng tỏ là ông Xuân thi hành lệnh của Dương Văn Minh hay tự ý quyết định tại mặt trận. Giết Diệm, Nhu để tránh hậu họa, một giả thuyết hợp lý đối với con người mưu lược như ông Mai Hữu Xuân”. Rồi Dương Văn Ba kết luận: “Về phần Dương Văn Minh, ông chưa lần nào lên tiếng nói rõ vấn đề này. Dù có ra lệnh giết hay không, tướng Minh vẫn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về cái chết của Diệm, Nhu” (Hồi ký Những ngả rẽ, Bản thảo phổ biến nội bộ, tr. 26-27). 

Từ khi hai anh em ông Diệm-Nhu bị chết thảm (ngày 2.11.1963), ông Minh và đám tướng tá đồng sự của ông không ai công khai thừa nhận mình có tham gia quyết định giết Tổng thống, có thể vì 2 lẽ: (1) Việc giết nguyên thủ quốc gia có tiếng tăm lớn như ông Diệm là một việc quá sức tưởng tượng theo quan niệm của Việt Nam Cộng Hòa thời đó; (2) Các tướng tá tham gia đảo chánh trong chừng mực nào đó hầu hết đều có thọ ơn ông Diệm trên con đường thăng tiến binh nghiệp của mình, nhưng họ bất đắc dĩ phải hạ thủ là để “sát nhất miêu cứu vạn thử” (giết một con mèo để cứu muôn con chuột), và cần phải “nhổ cỏ tận gốc” đề phòng nhóm ông Diệm lưu vong nước ngoài sẽ có thể tái tập hợp lực lượng, kết hợp với ngoại bang hoặc thành phần trong nước tìm cách phục hồi.

Xét hai lẽ nêu trên thì thấy việc nhóm ông Minh trước sau vẫn kín tiếng không thừa nhận giết Tổng thống Diệm cũng là một sự cận nhân tình, hầu như ai cũng vậy, vì họ sợ dư luận nghĩ không tốt về mình. Còn việc bắt buộc phải giết Tổng thống như trong trường hợp ông Diệm thì đó thuộc về lý do chính trị mà theo cách nghĩ của họ ngay vào thời điểm đó, khó thể có một chọn lựa nào khác tốt hơn. Có thể rằng ông Minh và vài người khác sau này cảm thấy áy náy trong lòng khi nghĩ lại chuyện đã qua, nhưng đây thuộc trường hợp mâu thuẫn mà một chính khách có lương tâm dễ bị mắc phải khi phải đối đầu với những tình huống quá phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động của nhóm ông Minh đã có thể được biện minh khi kết quả cuộc đảo chánh như được biết đã mang lại lợi ích cho đại đa số dân chúng, bằng việc loại trừ được một chế độ có nhiều chỗ bất ổn cho dân, theo kiểu “sát nhất miêu cứu vạn thử!”.

Đại sự thứ hai trong cuộc đời ông Minh liên quan đến ngày 30.4.1975 lịch sử, khi đại quân miền Bắc ồ ạt tiến sát vào Sài Gòn, quân lính Việt Nam Cộng Hòa nhiều nơi đã bị tan rã. Khi ấy, với cương vị Tổng thống vừa được Quốc hội đưa lên trước đó chỉ 3 ngày, nhóm chấp chính Dương Văn Minh (gồm cả Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu…) đã quyết định “không chống cự” và sau đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự đầu hàng nhanh chóng này tất nhiên nhận được nhiều sự đánh giá trái ngược nhau. Đối với “bên thua cuộc”, mỗi lần nhắc đến Dương Văn Minh, không ít người Việt tị nạn ở nước ngoài vẫn còn oán trách, cho ông là “hàng tướng” đã hèn nhát đầu hàng CS, “trao nước cho giặc”, để đến nỗi đất nước phải như ngày hôm nay (theo họ là nghèo nàn lạc hậu, nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, mất dân chủ này khác…). Đây là một quan điểm đánh giá có nhiều phần vội vã, cực đoan, đơn giản, không thấy hết thực tế của hình thế thời cục lúc đó, cũng như nhu cầu bức thiết chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình phải là mối ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào biết thương dân, vì đó là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả hai miền Nam, Bắc, sau khi đã bị nếm trải cuộc chiến tranh kéo dài vô cùng khốc liệt, mà cuộc chiến tranh ấy, ai cũng biết, không hoàn toàn do mỗi bên chủ động vì còn chịu ảnh hưởng nặng nề của các cường quốc, trong đó cả hai bên chiến tuyến đều thường có những người là họ hàng ruột thịt với nhau. Là một quân nhân kinh qua nhiều chiến trận, hơn ai hết ông Dương Văn Minh là người thấu cảm với nỗi khổ của nhân dân vô tội trong chiến tranh, và ngay cả bản thân ông, cũng có người em ruột là sĩ quan cao cấp Dương Thanh Nhựt (Mười Tỵ) đang đấu tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa ở bên kia chiến tuyến.

Giả định, ngày 30.4.1975, Dương Văn Minh không chịu đầu hàng mà kiên quyết “tử thủ” thì khó thể suy đoán sẽ còn bao nhiêu dân và quân của cả hai bên chiến cuộc tiếp tục thương vong, đổ máu. Ngay cả những người chủ trương “tử thủ” cùng với gia đình vợ con họ vì thế còn chưa biết số phận rồi sẽ  đi đến đâu? Trong khi đó, tử thủ trong điều kiện cận kề ngày 30.4 như đã biết thì kết quả hầu như chắc chắn phải thua, nhưng cho dù có thắng, phía bên kia tiếp tục kháng chiến thì chiến tranh vẫn sẽ còn kéo dài lâu hơn, 5 năm hay 10 năm nữa chưa biết chừng. Cho nên có thể nói, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là một hành động sáng suốt tránh cho Sài Gòn và cả nước không bị đổ máu thêm vô ích, trước hết vì mục tiêu hòa bình và hòa giải hòa hợp dân tộc, vốn là chủ trương căn bản của ông, cho dù ông có chịu ảnh hưởng bởi những ý đồ chính trị phức tạp của người Mỹ, người Pháp, hay có bị CS móc nối hay không. Trong trường hợp này, cũng giống như trong cuộc đảo chánh năm 1963, có lẽ phải nghĩ ông Dương Văn Minh tuy không hoàn toàn độc lập hành động (làm sao có sự độc lập này được?), cũng không phải tiếp tay cho CS (tuy rằng về mặt tác dụng khách quan thì có), nhưng là người đã biết khéo nương theo diễn biến thời thế, khai thác những chỗ “ám hợp” (hợp ngầm) giữa ông với những thế lực chi phối khác để làm lợi cho dân tộc: năm 1963 xóa bỏ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, còn nay là để kết thúc cuộc chiến tranh đau khổ tái lập nền hòa bình. Giả định, nếu được cầm quyền lâu hơn, đường lối chính trị của ông Minh chắc chắn sẽ có nhiều điểm không giống hẳn với những người CS.              

Việc ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” trong thế thua để tránh bớt thương vong cho dân quân của cả hai phe xem ra cũng có khía cạnh hao hao giống với quyết định giao thành cho giặc rồi uống thuốc độc tự tử của Phan Thanh Giản, khi hùng binh của Pháp tiến đánh Vĩnh Long tháng 6.1867. Điểm khác biệt là ở đối tượng được giao, và ông Minh đã không tự tử như Phan Thanh Giản[2], vì hoàn cảnh lịch sử và tình huống cụ thể có khác, nhưng trong cả hai trường hợp của người xưa và người nay, đều rất dễ phát sinh dị nghị.

Có quan điểm khá phổ biến cho rằng ông Minh tuyên bố đầu hàng đơn giản chỉ vì bị lâm vào cái thế hoàn toàn thúc thủ, nhưng theo một số nhân chứng lịch sử lúc bấy giờ, tướng Dương Văn Minh nhận lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với phe cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông vốn chủ trương hoà bình, hòa giải hòa hợp dân tộc (xem Chánh Trinh, Hồi ký không tên, NXB Thời Đại, 2012).        

Một câu hỏi nữa cũng đáng để đặt ra: Là một tướng lãnh cấp cao nhất trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thông thường phải có khuynh hướng chủ chiến, nhưng tại sao Chính phủ do ông Minh đứng đầu lại có vẻ hiền lành chủ hòa với thiện ý cao nhất?

       Ngoài những lý do đương nhiên về chính trị, cũng như những đòi hỏi khách quan của lịch sử cùng nguyện vọng hòa bình của dân tộc, theo tôi chắc hẳn còn có một lý do sâu xa tiềm ẩn quan trọng nữa có thể giải thích nguồn gốc thái độ và chủ trương hòa bình-hòa giải hòa hợp dân tộc của Chính phủ Dương Văn Minh, từ đó đi tới quyết định đầu hàng nhanh chóng. Đó là lý do tôn giáo: Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đều theo Phật giáo, trong khi Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền là người rất mộ Kitô giáo. Đạo Phật là đạo của hòa bình, từ bi hỉ xả; Kitô giáo là đạo của lòng bác ái vị tha, lẽ tất nhiên các ông đứng đầu này đều có khuynh hướng chung không muốn cho sinh linh phải bị tàn sát, trong bất kỳ điều kiện nào còn có thể tránh được.

     Họ đều là những người nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, sống nghèo, chưa nghe có tai tiếng gì về đời tư, thậm chí có người còn sống khổ hạnh, như ông Huyền cả đời chỉ ở nhà cấp 4, không có xe hơi riêng, cuối đời chỉ chuyên lo việc tu hành. Riêng bản thân ông Dương Văn Minh theo đạo Phật, nhân từ, thương người, sợ sát sinh, sợ phải giết người. Thấy ai hoạn nạn thì ra tay can thiệp, cứu giúp, cả đối với một số người thuộc chiến tuyến đối lập.

Cả ba vị đứng đầu Chính phủ Dương Văn Minh đều đã hành động xuất phát từ lòng nhân đạo, đã kết hợp nhuần nhuyễn nhau trong sự đồng thuận chấp nhận ưu tiên đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc và giải pháp đầu hàng trong buổi hoàng hôn của chế độ để tránh cho thành phố Sài Gòn khỏi đổ nát và nhân dân vô tội cả nước khỏi phải chết thảm thêm nữa vì việc đánh nhau giữa hai bên vào giờ chót. Nếu không có sự đồng thuận giữa những con người cùng lý tưởng, được un đúc thấm nhuần bởi tinh thần từ bi hỉ xả và vị tha của các bậc giáo chủ, thì thật khó đi đến một quyết định mau lẹ, kịp thời và sáng suốt như vậy. Vì thế cho nên bây giờ bình tĩnh nhìn lại, có người còn đánh giá cuộc đầu hàng lịch sử nêu trên chẳng những không chút nhục nhã mà còn đáng ca ngợi là một hành vi anh hùng, đặc biệt hợp với lối hành xử bi-trí-dũng của nhà Phật.

Một số người thân cận với Dương Văn Minh (như các ông Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Thích Trí Quang…) đều cho rằng ông không phải là người làm chính trị sắc bén, có bản lĩnh[3], có lẽ họ nói theo nghĩa phàm đã xông pha vào chính trị thì phải khéo linh hoạt với rất nhiều thủ đoạn. 

Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba, một người thân cận từng ở nhờ thời gian khá dài trong tư gia của tướng Dương Văn Minh (số 3 đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần), cả trước và sau 30.4.1975, thì ông Minh là “loại người trầm lắng, suy tư dù gốc của ông là một quân nhân. Triết lý của ông là triết lý trầm lắng của Phật giáo, ông không đua chen, không sân si; ông thuộc vào loại thấy đủ biết đủ, thấy nhàn biết nhàn. Đó là một loại triết lý pha lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo. Ông sống khá bình dị, hòa mình với mọi người, đa số bạn bè bà con đều thương ông” (tldd., tr. 263).

Ông Ba còn cho biết tiếp: “Gia đình ông Dương Văn Minh thuộc vào loại thanh bạch, không có dư dả nhiều. Tài sản ông để lại trước khi ông đi Pháp là hàng ngàn chậu Hoa Lan, 3-4 con chó bẹc giê, 5-7 cái máy chụp hình loại chuyên nghiệp và lũ khũ những đồ đạc, vật dụng linh tinh không giá trị nhiều lắm của một vị tướng lãnh” (tr. 364).

     Rõ ràng, ông Dương Văn Minh đầu hàng “giặc” không phải để được vinh thân phì gia, vì ai cũng biết, sau khi hoàn tất trách nhiệm trước lịch sử và lui khỏi chính trường, ông đã sống cuộc đời ẩn dật nơi nước ngoài với con cái, không phát biểu về chính trị, không viết hồi ký để kiếm tiền, chấp nhận cuộc sống nghèo bình thường, từ chối mọi sự trợ cấp từ phía các chính phủ Pháp, Mỹ mà ông đã có thời gian từng phục vụ[4]. Ông không giống như một vài vị tướng khác, suốt ngày đeo cái lon tướng để được tiếp tục nhận sự vinh danh cho tới chết mới thôi, mặc dù nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành từ rất lâu.    

     Ngày nay, xét diễn biến các sự kiện, đa số người ta đều thừa nhận việc đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông chẳng những không nhục nhã mà còn là hành động sáng suốt thức thời vụ. Điều này về sau đã được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt công khai thừa nhận trong một lần trả lời cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề đang xét của tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) nhân dịp 30.4.2005. Có lần ông Kiệt chia sẻ với cựu dân biểu Lý Quý Chung: “Ông Minh là một con người tốt và có lòng yêu nước…” (Hồi ký không tên, sđd., tr. 447).

     Cho nên, liên quan đến một chi tiết về thủ tục tiếp quản tại Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975, khi ông Minh bảo rằng sáng nay đã có một tuyên bố trao quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời rồi thì người cán bộ tiếp quản nói “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng!”[5],  tôi cho câu nói vặn lại này là một câu hơi lố, rất dở, không thật sự cần thiết, không xứng với tầm nghĩ việc lớn cũng như với thiện chí rất đáng được trân quý của ông Dương Văn Minh.  


Con trai ông Dương Văn Minh, kỹ sư Dương Minh Đức, có lần được hỏi ý kiến nhận xét sự kiện lịch sử ngày 30.4.1975, và về người cha của mình, đã phát biểu: “Tôi rất yêu quý ba tôi…Thứ nhất, ông là vị tướng sống trong sạch, không chấp nhận chuyện tham nhũng; thứ hai, trong nguyên tắc tìm giải pháp hòa bình cho đất nước Việt Nam, theo ông phải do chính người Việt Nam tự giải quyết. Tôi hiểu quan điểm của ba tôi luôn đặt dân tộc và sinh mệnh nhân dân trên hết. Chính vì vậy, ông không ngại đứng ra đảm nhận vai trò Tổng thống trong buổi hoàng hôn của một chế độ…. Ba tôi là người luôn chủ trương hòa giải, hòa bình dân tộc và ông đã bác bỏ ý kiến của một số người yêu cầu “tử thủ” Sài Gòn. Tôi tin rằng đây là quan điểm xuyên suốt trong cuộc đời chính trị của ông “ yêu nước trước hết là phải cứu dân” (theo tạp chí Hồn Việt, 1.6.2009).

Đúng như vậy đó, khái niệm yêu nước rất rộng. Đánh giặc hăng say chỉ là một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước khi đất nước bị xâm lăng mất độc lập, nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là hành động bất đắc dĩ chứ chẳng nên lúc nào cũng cổ vũ thái quá, bởi lẽ đơn giản “phi nguy bất chiến” (lời trong Tôn Tử binh pháp, không kẹt vào thế nguy thì đừng đánh). Trong mọi trường hợp khác nhau, yêu nước không thể tách rời với thương dân/ cứu dân, mà thương dân/ cứu dân trước hết là phải bảo vệ tối đa và bằng mọi cách sinh mạng của dân, rồi sau đó mới tính tới chuyện để cho họ được hưởng đầy đủ các phúc lợi vật chất cũng như các quyền về tự do dân chủ. Thà chịu “thua” ngay tức khắc mà bảo vệ được sinh mạng của dân, sớm mang lại hòa bình cho dân tộc, còn danh dự hơn cố đánh trong cái thế tất bại mà để cho dân, quân phải hi sinh xương máu quá nhiều. Mặt khác, cho dù một bên có thắng mà nướng con dân trong lửa đỏ cũng không phải điều tốt. Hiểu được như vậy ta sẽ thấy ông Dương Văn Minh là một người có đức kiên trì tốt nhịn, có lòng nhân ái thiết tha, đã xử lý vấn đề hợp tình lý, đúng lúc đúng thời theo cái nghĩa “quân tử kiến cơ nhi tác” (người quân tử biết nương theo thời cơ mà hành động), “thức thời giả vi hào kiệt” (kẻ thức thời là hào kiệt), và sẽ là không quá đáng nếu chúng ta hôm nay coi quyết định đầu hàng ngày 30.4.1975 của ông là một hành động anh hùng.

23.4.2018                                                                                                       


[1] Đỗ Mậu tham gia đảo chánh chỉ vì muốn loại trừ sự lộng hành của vợ chồng Ngô Đình Nhu, còn đối với ông Diệm, Đỗ Mậu vẫn là người tâm phúc.

[2] Trong một bức thư ông Minh gởi cho tướng Nguyễn Chánh Thi (người từng đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1960 nhưng thất bại) đề ngày 15.4.1987, có đoạn viết: “Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Đôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có lẽ anh Đỗ Mậu (cũng như nhiều người) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng sau khi đã tham khảo ý kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại, với những anh em quân nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó thầy Trí Quang và Trí Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân” (xem Trương Võ Anh Giang, Máu chảy về tim, NXB Trẻ, 2016, tr. 311). 

[3] Xem Chánh Trinh, Hồi ký không tên, NXB Thời Đại, 2012, tr. 225, 305.

[4] Về cuộc sống đạm bạc của ông Dương Văn Minh trong thời gian ẩn dật ở Pháp và ở Mỹ, cũng như nhiều chi tiết khác liên quan cả cuộc đời ông, rất nhiều sách vở tài liệu đã ghi chép. Có thể xem: Trương Võ Anh Giang, sđd., “Viết tiếp bài ‘Ông Dương Văn Minh và tôi’”, NXB Trẻ, 2016, tr. 290-318.

[5] Xem Lý Quý Chung, sđd., tr. 410.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 23-4-18