LTS: Không còn dừng lại ở các cáo buộc, thực trạng Trung Quốc (TQ) trộm cắp công nghệ của Mỹ đã thể hiện qua nhiều vụ bắt giam chấn động quốc tế khi gián điệp công nghệ là những nhà khoa học nổi tiếng nhận tiền TQ để "chia sẻ thông tin nhạy cảm", tuồn bí bật công nghệ cho đất nước tỉ dân này. Thậm chí FBI đã bắt được khoa học gia Trung Quốc ăn cắp công nghệ lên đến hàng tỉ USD... Từ nhiều nguồn tài liệu chính thống cũng như các mối quan hệ nhờ vị thế là một giảng viên lâu năm tại một trường đại học ở Mỹ, tác giả Nguyễn Trung Dân (*) đã gửi tới Người Đô Thị loạt bài viết công phu về thực trạng này. Trong bài viết mở đầu, tác giả cho rằng để hiểu kỹ hơn làm thế nào Trung Quốc đã chiếm đoạn các tài sản trí tuệ của Mỹ và các nước khác, cần phải hiểu kỹ chương trình “Ngàn tài năng” – một chương trình chính của Trung Quốc nhằm đạt được mục đích này...
*
* *
Bài 1: Lợi dụng tối đa hệ thống đại học Âu, Mỹ
Cuối tháng 1.2020, người dân Mỹ bàng hoàng thấy cảnh trên tivi GS. Charles M. Lieber, trưởng khoa hóa của Đại học Harvard bị còng tay ra trình diện trước tòa án tại thành phố Boston. Là một trong số 26 giáo sư hiếm hoi và danh giá của Đại học Harvard (vào năm 2020), ông Lieber được coi là một ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Nobel, nghĩa là thuộc giới tinh hoa của nền khoa học Mỹ.
"Gián điệp công nghệ"
GS. Lieber bị cáo buộc nói láo với giới chức điều tra và che dấu mối quan hệ tài chính với chính quyền Trung Quốc (TQ), đặc biệt là về việc ông tham gia vào chương trình “Ngàn tài năng” (Thousand Talents Program) của TQ. Mặc dù GS. Lieber chưa bị cáo buộc tội “chia sẻ thông tin nhạy cảm” với TQ, nhưng chỉ với tội danh nói trên, đặc biệt là việc che dấu nhận tiền của TQ trong khi đang tiến hành các chương trình nghiên cứu với sự tài trợ của các cơ quan của chính phủ Mỹ như Bộ Quốc phòng, NIH (National Institutes of Health) thì mức án có thể lên đến 5 năm tù.
Cũng trong ngày 26.1.2019 Bộ Tư pháp Mỹ cũng truy tố hai nhà khoa học khác người TQ. Zaosong Zheng, một nhà khoa học từ một cơ sở nghiên cứu ung thư cũng trực thuộc Đại học Havard đã bị cáo buộc lấy cắp 21 ống nghiệm từ phòng thí nghiệm và tìm cách chuyển về TQ. Người thứ ba là Yanqing Ye, đang nghiên cứu ở Đại học Boston đã bỏ trốn về TQ khi việc cô là một sỹ quan quân đội TQ được cử đi học mà không khai báo cho nhà trường bị tiết lộ.
Giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber rời tòa án vào ngày 30.1.2020 ở Boston, Massachusetts. Ảnh: Charles Krupa/AP
Theo bản cáo trạng của bên công tố, từ năm 2011 GS Lieber đồng ý đóng vai trò hoặch định chiến lược cho Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) trong chương trình “Ngàn tài năng” với mức lương 50 ngàn USD mỗi tháng. Ngoài ra ông còn được cấp hơn 150 ngàn USD tiền trợ cấp sinh hoạt hàng năm. Năm 2013 ông đã tổ chức khánh thành việc thành lập Viện Công nghệ Nano liên kết WUT-Harvard. Cũng theo bản cáo trạng, việc ông nhận tiền của TQ mà không khai báo trong khi nhận tài trợ cho các chương trình nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng (trên 10 triệu USD) và từ NIH (trên 8 triệu USD) là một việc làm bất hợp pháp.
Hơn một năm qua FBI và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã truy tố nhiều vụ khác nữa, chẳng hạn như vụ một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của hãng nước ngọt Coca-Cola, cô Xiaorong đã ăn cắp công nghệ sơn tráng đặc biệt các lon nước uống. Giá trị thương mại công nghệ mà cô Xiaorong chuyển cho TQ lên đến 120 triệu USD, chưa kể giá trị khó tính thành tiền cho việc rút ngắn thời gian nghiên cứu của phía TQ.
Gần đây nhất, ngày 14.1.2021 GS. Gang Chen của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) cũng bị cáo buộc tương tự như GS. Lieber của Đại học Harvard – tham gia chương trình “Ngàn tài năng” và không khai báo tài trợ của Đại học Khoa học và công nghệ niền Nam TQ (Southern University of Science and Technology - SUSTech) với số tiền lên đến 19 triệu USD.
Trước đó, một nhà nghiên cứu khác cũng thuộc chương trình “Ngàn tài năng”, TS. Long Yu làm việc cho một công ty tư nhân ở tiểu bang Connecticut đang có hợp đồng nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng đã download thông tin liên quan đến thiết kế máy bay F22 và JSF-35 đã bị FBI bắt năm 2014 trong khi tìm cách chuyển thông tin về TQ.
Chương trình “Ngàn tài năng” không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và quốc phòng. Cũng trong năm 2019, ông Beng Meng giám đốc quĩ hưu trí công của tiểu bang California quản lý hơn 160 tỷ USD cũng bị tố cáo tham gia chương trình “Ngàn tài năng” mà không khai báo. Quỹ này do ông Meng điều hành đã đầu tư vào các công ty quốc phòng của TQ. Vô hình chung đã dùng tiền công của người Mỹ giúp cho công ty quốc phòng của TQ vv...
Chương trình “Ngàn tài năng” hay "bình phong" để ăn cắp công nghệ?
Điểm đáng chú ý là các vụ việc nói trên đều có một mẫu số chung – đó là chương trình “Ngàn tài năng” của chính phủ TQ. Trên đây chỉ là một vài ví dụ về các vụ việc đã bị lật tẩy thuộc một chương trình khổng lồ của TQ nhằm thu hút và chiếm đoạt công nghệ của Mỹ và các nước tiên tiến khác trong nhiều năm qua. Chương trình này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các đại học, viện nghiên cứu cho đến các hãng công nghệ và kỹ thuật.
Hơn thế nữa, chương trình này đã với tới giới khoa học đỉnh cao của Mỹ. Đó là chưa kể là hiện nay TQ đang có chính sách thu hút các nhà khoa học gốc TQ quay trở về làm việc với qui mô lớn chưa từng có. Chương trình “Ngàn tài năng” đã được mở rộng để thu hút cả các nhà khoa học nước ngoài. Theo báo cáo của tiểu ban An ninh Quốc nội và các vấn đề của Chính phủ (Homeland Security and Governmental Affairs) của Thượng Viện Mỹ vào tháng 11.2019 thì cho đến 2017 chương trình “Ngàn tài năng” đã tuyển dụng được 7.000 nhà khoa học cao cấp trong đó có các nhà khoa học nước ngoài và cả một số người được giải thưởng Nobel. Chính phủ TQ cho ban hành một loại thẻ xanh “Green Card” – thường trú nhân giống như của Mỹ dành cho các nhà khoa học nước ngoài tham gia chương trình này. Từ chỗ bị coi là chảy máu chất xám “Brain Drain’’ thì nay TQ đang chuyển sang “Brain Gain” – tạm dịch là “tăng cường hay là khuyếch đại chất xám”.
Hôm 13.1.2021, nhà khoa học cấp cao của NASA thừa nhận mối quan hệ của mình với một chương trình tài trợ từ Trung Quốc, cũng như các chức danh khác tại nước ngoài. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Meyya Meyyappan (66 tuổi) sinh sống ở Pacifica, California, đã nhận tội trước Thẩm phán quận Kevin Castel ở Manhattan, New York. Không chỉ Meyya Meyyappan, còn nhiều nhà khoa học tại Mỹ bị bắt hoặc phát hiện là có mối quan hệ với Trung Quốc thông qua chương trình Ngàn tài năng. Ảnh: Reuters
Hơn thế nữa, TQ cũng thu hút những nhà khoa học trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài quay trở về làm việc. Riêng năm 2018 có đến hơn 480 ngàn du học sinh tốt nghiệp ĐH hoặc cao học ở nước ngoài quay về TQ làm việc trên tổng số hơn 662 ngàn ra đi du học (tỷ lệ quay về là 78%). Tỷ lệ này chỉ là 30.6% năm 2007 và 5% năm 1987 mà thôi. Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong các phương cách khác nhau của TQ để chiếm đoạt tài sản trí tuệ và công nghệ của các nước khác. TQ đã thực hiện các biện pháp khác thô bạo hơn như bắt các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ mới cho vào sản xuất và kinh doanh trên đất TQ...
Bài viết này chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng” ở Mỹ mà người viết có một vài cơ hội biết đến ít nhiều một cách trực tiếp. Chương trình “Ngàn tài năng” đặt ra những thách thức lớn, nan giải đòi hỏi những giải pháp có tính chất đồng bộ và hệ thống cho các nước Âu, Mỹ. Như đã nói ở trên, trừ một vài vụ lẻ tẻ như ăn cắp thông tin, mẫu thí nghiệm bị bắt quả tang, các vụ việc khác đều chỉ bị cáo buộc tội khai láo với giới chức điều tra và che dấu tài trợ tài chính từ TQ. Các tội danh này dĩ nhiên không phản ánh đúng thực chất và vì vậy không thể trừng phạt thích hợp để răn đe và ngăn ngừa.
Điều đó cho thấy các nước phương Tây trong đó có Mỹ cần phải có các thay đổi rất căn bản từ việc áp dụng và sửa đổi luật hiện hành liên quan, cho đến chuẩn bị cho các tác động và ảnh hưởng của những thay đổi đó đến rất nhiều mặt của xã hội. Làm sao để vừa chống được các thủ đoạn chiếm đoạt sở hữu trí tuệ nhưng vẫn phải bảo đảm được tính chất mở ‘openess’ và tự chủ của hệ thống đại học vốn là nền tảng cho sự phát triển khoa học ở các đại học phương tây và Mỹ.
Hơn thế nữa, cần phải tránh sự lạm dụng luật dẫn tới phân biệt đối xử các sắc dân có nguồn gốc khác nhau. Đặc biệt khó là nguồn nhân lực có trình độ cao từ các du học sinh nước ngoài (trong đó từ TQ chiếm một tỷ lệ cao nhất) ở Mỹ đóng một phần quan trọng trong nền kinh tế, không thể một sớm một chiều thay đổi được. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, những vụ án liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng” nói trên chỉ góp phần đánh động dư luận nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về pháp lý và vì vậy khó có thể trừng phạt thích đáng.
Hơn thế nữa do thiếu chuẩn bị cẩn thận, các vụ này không chấm dứt được mà có phần giúp đánh động chính quyền TQ, giúp họ thay đổi một cách tinh vi hơn trong thời gian trước mắt. Chẳng hạn, từ năm 2019 các thông tin về chương trình “Ngàn tài năng” trên các mạng xã hội và cả từ các trang chính thức của các trường đại học đã bị xóa hết.
Hệ thống đại học mở và tự chủ
Sau đây là một vài phân tích dựa vào kinh nghiệm và thu thập của người viết liên quan đến chương trình “Ngàn tài năng”. Trước hết cũng nên điểm lại một vài đặc điểm quan trọng của hệ thống khoa học, từ trong đại học đến ngoài các công ty công nghệ cao, vốn là niềm tự hào của người Mỹ. Tuy vậy, phải thấy được rằng TQ đã biết cách khai thác những lỗ hổng trong hệ thống này một cách rất hiệu quả.
Ai cũng biết hệ thống đại học ở Hoa kỳ là rất mở ‘openess’ và có quyền tự chủ rất cao, nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm giáo sư và các nhà nghiên cứu trong các đại học là cực kỳ linh hoạt, trong đó các khoa, trường gần như có toàn quyền. Chính sách mở và tự chủ này là hai nền tảng quan trọng cho nền đại học ở các nước Tây Âu, đặc biệt là ở Mỹ phát triển vượt bậc.
Chúng ta đều biết rằng khoa học luôn phát triển và tốc độ phát triển liên tục gia tăng. Nhiều lĩnh vực khoa học mới chỉ được hình thành và phát triển gần đây như công nghệ trí tuệ nhân tạo – Artifitial Interligent (AI), Photonics (tạm dịch là quang tử), Machine Learning (ML)... Chỉ vài chục năm trước những cái tên đó còn rất xa lạ, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển như vũ bão, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các công nghệ mới và khoa học nói chung, cũng như cho nền kinh tế và xã hội.
Ảnh mang tính minh hoạ. Nguồn: VnReview
Ngay lúc này đây nhiều lĩnh vực mới khác cũng đang phôi thai như máy tính lượng tử (quantum computing), viễn thông lượng tử (quantum communication)... được dự đoán sẽ có thể tạo ra một cuộc cách mạng khoa học mới trong thời gian không xa lắm. Chính vì vậy, không có một trường đại học nào dù có đầy đủ phương tiện nhất, nhiều nhà khoa học ưu tú nhất cũng có thể bao quát hết được tất cả mọi lĩnh vực.
Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội cho tất cả các đại học. Do sự tự chủ cao, các đại học đều cố gắng tìm kiếm và đón bắt các cơ hội mới. Dựa vào các kết quả nghiên cứu, các đại học có thể hình thành các hướng nghiên cứu mới và nếu chọn đúng hướng, đúng người trong một thời gian rất nhanh có thể trở thành các các trung tâm nghiên cứu mũi nhọn, không chỉ đem lại uy tín cho đại học mà còn thu hút các nguồn tài trợ từ các cơ quan chính phủ và từ các công ty, doanh nghiệp. Để làm được điều này, điều kiện “mở” là cực kỳ quan trọng. Các đại học cho phép hợp tác nghiên cứu, trao đổi rộng rãi, tuyển dụng rất linh hoạt. Khi thực sự có nhu cầu, các khoa có thể trả tiền khá cao để "mua" các nhà khoa học mà họ đang cần mà không bị quá nhiều thủ tục phiền hà. Lắm khi chỉ sau một cuộc thảo luận khoa học, trình bày một báo cáo, seminar... là một thỏa thuận tuyển dụng có thể ký kết ngay.
Đây chính là một điểm sáng trong hệ thống đại học của Mỹ.
Một ví dụ đơn cử nơi người viết bài này làm việc gần 20 năm. Vào những năm 1960, Khoa Quang học ở đại học Arizona được tách ra từ Trung tâm Thiên văn học –với mục đích chính nhằm phục vụ cho trung tâm thiên văn thuộc loại lớn nhất này của Mỹ. Sang đến những năm 1980 khi các vấn đề quang học bán dẫn bùng nổ - nhóm nghiên cứu ở đây có những kết quả quan trọng, biến nơi đây trở thành một trung tâm lớn về lĩnh vực quang bán dẫn góp phần hình thành nên Trung tâm Quang học (Optical Sciences Center - OSC).
Vào những năm 1990s, OSC lại đón bắt được nhu cầu về viễn thông quang học (optical telecommunication) và thúc đẩy các nghiên cứu về hướng này và các lĩnh vực mới Photonics – biến nơi đây thành một trung tâm nghiên cứu và giáo dục lớn nhất của cả Mỹ về lĩnh vực quang học, trở thành College of Optical Sciences - trường đại học đầu tiên đào tạo tất cả các cấp từ kỹ sư đến tiến sỹ về các ngành quang học. Trường có đến ba nhà khoa học được giải Nobel về vật lý, trong đó GS. William Lamb Jr. và GS. N. Bloembergen là biên chế của trường còn GS. Glauber là giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor).
Đến năm 2019 nơi đây lại được NSF (National Science Foundation) quĩ khoa học cơ bản lớn nhất của Mỹ tài trợ thành lập thêm một trung tâm về viễn thông lượng tử đầu tiên của NSF (Center of Quantum Network). Sơ lược qua một ví dụ như vậy để thấy các đại học ở Mỹ rất chủ động phát triển, luôn tìm cách đột phá. Làm được như vậy chính là nhờ vào các đặc điểm quan trọng đã nêu lên ở trên. Tuy vậy, hệ thống này được “thiết kế” mà không hề chuẩn bị cho các âm mưu có quy mô quốc gia nào đó nhằm cạnh tranh thu hút chất xám với Mỹ. Điều này quả thực khá bất ngờ.
Trước nay, người Mỹ vẫn tự hào là họ có thể thu hút chất xám của mọi nơi trên thế giới vì không đâu có thể có nhiều tiền bằng họ. Có người còn nói toạc ra rằng họ có thể “mua” được bất cứ nhà khoa học nào nếu thực sự cần. Lối suy nghĩ này rất phổ biến ở Mỹ, coi “chất xám” cũng chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt, thuận mua vừa bán. Điều này không phải là không đúng.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các đại học ở Mỹ đã từng bê nguyên xi cả nhóm nghiên cứu nổi tiếng từ nhiều đại học, viện nghiên cứu của Liên Xô qua Mỹ. Không chỉ có ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ, các đại học ở Mỹ có rất nhiều người từ các cường quốc Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dĩ nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học Mỹ sang làm việc ở các nước khác nhưng chủ yếu vẫn theo xu hướng thu hút vào Mỹ là chính. Sự tự do trao đổi này trong môi trường đại học và trong giới khoa học vẫn luôn được coi là lành mạnh.
Nguy hiểm hơn nữa, chương trình “Ngàn tài năng” nhắm vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng và then chốt cho mục tiêu đưa TQ thành một cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050.
Ở đây cần phải nhấn mạnh trong khi các quốc gia đang phát triển luôn bị chảy máu chất xám, chính phủ của các nước này cũng có một số chính sách hạn chế nhưng về cơ bản là chấp nhận – coi đó như một qui luật "nước chảy chỗ trũng", không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế việc ra đi của một thành phần có trình độ cao. Điều ít người ở Mỹ sớm nhìn thấy là trong khoảng 10 năm trở lại đây, TQ đã chuyển từ trạng thái “Brain Drain” – chảy máu chất xám thành “Brain Gain” hay tăng cường chất xám thông qua chương trình đại qui mô “Ngàn tài năng” như sẽ trình bày dưới đây.
Điều khác biệt cơ bản của chương trình “Ngàn tài năng” với sự trao đổi thông thường của các nhà khoa học vốn đã xảy ra lâu nay: một bên “Ngàn tài năng” là chương trình của chính phủ một quốc gia (TQ) đứng ra tổ chức, trực tiếp chu cấp gần như toàn bộ tài chính; Một bên là di chuyển và trao đổi khá tự nhiên phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng cá nhân và của các tổ chức khoa học, kinh doanh và sản xuất, không có sự tài trợ của chính phủ cho các trao đổi đó. Như vậy, nếu chỉ dựa vào tài trợ, thì chương trình “Ngàn tài năng” đã tạo ra một sân chơi không công bằng – một bên là do một chính phủ của một quốc gia đứng ra tổ chức, một bên là giữa các cá nhân và các tổ chức đơn lẻ.
Nguy hiểm hơn nữa, chương trình “Ngàn tài năng” nhắm vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng và then chốt cho mục tiêu đưa TQ thành một cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050. Như đã nêu ở những ví dụ trên đây, có những hoạt động khá tinh vi trong chương trình “Ngàn tài năng” mà luật hiện hành không xử được. Khái niệm cổ điển về ăn cắp kỹ nghệ không còn áp dụng được nữa. Thay vì tìm cách chiếm đoạt các bản vẽ, các sơ đồ kỹ thuật, các mô hình công thức... như cách làm cổ điển, ngày nay người TQ đã phát minh ra một phương cách mới: mua phứt luôn người phát minh ra các kỹ nghệ mà họ cần.
Trong chương trình “Ngàn tài năng”, các khoa học gia gốc TQ còn được khuyến khích đưa các cộng sự của họ ở các nước về để xây dựng các phòng thí nghiệm, lập các nhóm nghiên cứu ở TQ. Nghĩa là không chỉ cần những người khoa học chính lãnh đạo, mà cả những người thực hiện các nghiên cứu cụ thể. Vậy để hiểu kỹ hơn làm thế nào TQ đã chiếm đoạn các tài sản trí tuệ của Mỹ và các nước khác, có lẽ cần phải hiểu kỹ chương trình “Ngàn tài năng” – một chương trình chính của TQ nhằm đạt được mục đích này.
Người viết bài này có những tìm hiểu và dựa vào các nguồn tài liệu chính thống, chủ yếu từ New York Times, Washington Post, Foreign Policy và một số tờ báo khác như Tạp chí Science có đăng các thông tin tuyển chọn các nhà khoa học trong chương trình “Ngàn tài năng”. Đặc biệt, người viết dùng khá nhiều số liệu từ bản báo cáo “Threats to the U.S. Research Enterprise: China’s Talent Recruitment Plans” (tạm dịch là “Các mối đe dọa với hoạt động nghiên cứu của Mỹ: Các chương trình tuyển mộ tài năng của TQ”) của tiểu ban An ninh Quốc Nội và các vấn đề của Chính phủ (Homeland Security and Governmental Affairs) của Thượng Viện Mỹ tháng 11. 2019. Ngoài ra, người viết có những thông tin từ mối quan hệ cá nhân liên quan trực tiếp đến chương trình “Ngàn tài năng”.
Còn tiếp
Nguyễn Trung Dân
_________
* Tác giả bài viết Phó Giáo sư nghiên cứu (Associate Research Professor) về lĩnh vực vật lý lý thuyết và quang tử tại Đại học Arizona từ năm 1998 đến năm 2.2017. Từ 2.2017 cho đến nay là nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị Giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona.