Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Tản mạn nhân ngày 30.4

 Thanh Thảo

Nếu chúng ta hiểu ngày 30.4.1975 là ngày hiện thực hóa khát vọng thống nhất của một dân tộc, thì chúng ta sẽ dịu lòng hơn với bao trắc trở ở phía trước. Nhưng con đường dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi và sẽ đi vẫn là con đường của thống nhất và hòa hợp dân tộc, không thể khác.

Trước mộ nhà văn Nguyễn Chí Trung
Trước mộ nhà văn Nguyễn Chí Trung
Sáng ngày 16.4.2021, tôi cùng em Liên-cháu ruột nhà văn Nguyễn Chí Trung, và cháu Mai Anh-trợ lý cho nhà văn Nguyễn Chí Trung những năm cuối đời của ông, ra nghĩa trang Thành phố HCM ở Thủ Đức viếng mộ ba người mà tôi và các cháu đều yêu quí. Đó là nhà văn Nguyễn Chí Trung, người anh tinh thần và là người thủ trưởng cũ của tôi ở Trại sáng tác văn học quân khu Năm; nhà thơ Thu Bồn, vừa là anh vừa là bạn thân thiết của tôi cũng ở Trại đó; và cuối cùng, là ông Bảy Dự (tên thật là Nguyễn Võ Danh), một thủ trưởng cũ của tôi ở Ban Binh vận TW Cục. Ông Bảy Dự hồi đó là phó ban thường trực Ban Binh vận TW Cục, và là một “trùm tình bảo” Việt Cộng. Họ là 3 Việt Cộng thứ thiệt, 3 VC thứ dữ luôn, và đều là những người đã vào sinh ra tử trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tôi yêu họ, như yêu những người thân thiết của mình, và tôi luôn lấy họ làm tấm gương để noi theo trong suốt cuộc đời mình.
Với tôi, ông Nguyễn Chí Trung là một tấm gương sáng chói của lòng yêu nước, yêu nhân dân, dám hy sinh vì Tổ quốc, và tuyệt đối trong sạch suốt cuộc đời mình. Chỉ như thế, ông Trung đã là người anh hùng trong lòng tôi.
Với nhà thơ Thu Bồn, thì cứ nhắc đến anh, lại vừa mắc cười vừa muốn khóc. Vì anh là một người lính-nhà thơ toàn tòng, một người dám sống bằng lòng tốt, bằng ý chí quyết sống, bằng tình nhân ái và bằng cả bản năng tuyệt vời của một người đàn ông chính trực biết yêu phụ nữ hết mình. Biết yêu phụ nữ hết mình, chẳng phải là một phẩm chất mà bất cứ người đàn ông nào cũng ngưỡng mộ, bất cứ người phụ nữ nào cũng rất dễ xiêu lòng đó sao ?
Còn với ông Bảy Dự-một thủ trưởng cấp cao của tôi hồi đánh Mỹ, thì tầm nhìn của ông, cách sống giản dị hơi ẩn mình của ông, những chiến tích ông đã làm trong lặng lẽ và rất ít người biết, đã đưa ông thành một idol mà tôi ngưỡng mộ, dù chưa hề thân thiết với ông. Nhưng ông Bảy Dự rất biết người, và ông quí tôi, điều ấy tôi biết. Ông quí nhưng không nói ra, chỉ thể hiện qua những cách ứng xử vào những lúc tôi gặp khó khăn nhất. Đó là khi bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” của tôi vào năm 1974 đã bị đánh tả tơi, lên bờ xuống ruộng. May mà lúc ấy tôi đang sống và làm công việc một nhà báo ở Ban Binh vận, chứ nếu tôi ở Ban Văn nghệ TWC, chắc tôi khó sống lắm. Ông Bảy Dự đã mời tôi lên ngôi nhà lợp lá trung quân nhỏ bé của ông ở giữa rừng, và đã trao đổi chân tình với tôi về…thơ tôi. Đó là điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi biết, ông Bảy Dự là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, chính trị chuyên nghiệp, nhưng không chuyên về thơ, và chúng tôi đã nói chuyện với nhau vừa thẳng thắn vừa chân tình. Tôi không nhận bất cứ “khuyết điểm” nào trong bản thảo tập thơ đầu tay “ Dấu chân qua trảng cỏ” của mình, nhưng tôi cảm ơn ông Bảy Dự vì tình cảm chân thành của ông đối với một người lính trẻ, một nhà thơ trẻ còn chưa được mấy ai biết tới như tôi.
Khi về Sài Gòn sau ngày 30.4.1975, có lần tôi gặp một người lái xe lam là người Bắc di cư bên chợ Cũ, được ngồi uống bia với anh, được anh kể mình có họ hàng với chị Phan Thị Quyên-vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tôi như được gặp tất cả những bà con người Bắc đã di cư vào Nam năm 1954, được lắng nghe những tâm tình của họ, đồng cảm với nỗi nhớ thương của họ về quê hương miền Bắc, nơi họ đã ra đi từ 21 năm trước. Có dân tộc nào như dân tộc chúng ta, đã bao lần chia ly rồi đoàn tụ, đã trải qua bao “cuộc bể dâu” mà lòng khôn nguôi nhớ về quê cha đất tổ. Một dân tộc như thế không thể không thống nhất, không thể không được sống trong hòa bình.
Có thể ở một nơi nào trên trái đất, có dân tộc phải chia ly hơn 60 năm và hơn thế, nhưng ở Việt Nam thì không. Chia ly 21 năm với dân tộc chúng ta đã là quá dài. Không một ai mong cảnh chia ly đau lòng ấy.
Nếu chúng ta hiểu ngày 30.4.1975 là ngày hiện thực hóa khát vọng thống nhất của một dân tộc, thì chúng ta sẽ dịu lòng hơn với bao trắc trở ở phía trước. Nhưng con đường dân tộc Việt Nam đã đi, đang đi và sẽ đi vẫn là con đường của thống nhất và hòa hợp dân tộc, không thể khác.
Và tôi nhớ, cái lần trong rừng được trò chuyện thân mật với ông Bảy Dự, ông Bảy đã có một phút trầm ngâm khi nói với tôi: “ Dù phải chờ đợi tới mấy thế hệ để thấy dân tộc chúng ta thực sự hòa hợp, chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ.”
Những năm ấy, tôi là phóng viên chiến trường thuộc ban Binh vận TW Cục, và chuyên viết về đề tài hòa giải, hòa hợp dân tộc cho hai Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng. Tôi nghe lời tâm tình của ông Bảy Dự, và tôi hiểu con đường đi tới thực sự hòa hợp dân tộc còn xa xôi và vô vàn khó khăn, nhưng chúng ta chọn con đường ấy, và chung thủy đi trên con đường ấy.
Những ngày tháng Tư của bất cứ năm nào sau năm 1975 đều khiến tôi có những phút bồi hồi khi nhớ lại. Nhiều lúc có cảm giác mình như một dề lục bình trôi trên sông Vàm Cỏ Đông, một dề lục bình bé nhỏ nhưng luôn biết anh em của mình, những ai thân thiết với mình, và những thanh thản khi mình trôi chảy cùng dòng sông.
Mùa Thống Nhất luôn là mùa xúc cảm nhất đối với tôi, một người đã phải xa cha mẹ để vượt Trường Sơn, và sống 5 năm ở chiến trường Nam Bộ. Biết bao là kỷ niệm với bạn bè, đồng đội. Có một người bạn thân của tôi ở chiến khu miền Đông, sau giải phóng anh và gia đình vượt biên sang định cư tại Úc. Nhưng không bao giờ anh quên bạn bè ở quê nhà, quên những tháng năm chúng tôi đã đồng cam cộng khổ với nhau. Mới đây, bạn tôi gọi điện về cho tôi, và nói: “ Những năm anh em mình ở Rừng miền Đông là những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình.” Tôi đã khóc khi nghe anh nói vậy. Đúng đó là những năm tuổi thanh xuân đẹp nhất của chúng tôi, “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (thơ Chế Lan Viên) đi chăng nữa. Chúng tôi đã sống đã dâng hiến và đã chịu đựng cùng với nhân dân với đất nước mình.
Mùa Thống Nhất với chúng tôi là khát vọng cao nhất trong những năm tháng chiến tranh.
Nhưng những ngày tháng tư năm 2021 này, trong khi dịch bệnh covid-19 chưa thôi lây lan trên toàn thế giới, khi số người chết vì dịch bệnh đã cao hơn số người chết trong một cuộc chiến tranh, tình cờ tôi đọc được bài viết như muối xát của một người trẻ gốc Việt sinh năm 1982 đang sống và làm việc tại Mỹ. Anh kể về cái cảm giác không thể chịu nổi khi bị một người đàn bà da trắng xa lạ đột nhiên chửi thẳng và nhổ thẳng vào mặt mình ngay tại một phi trường ở Mỹ vào tháng 3.2020. Cơ sự chỉ vì anh là người gốc Á, một người gốc Việt sinh ra tại Mỹ và bao năm qua đã chăm chỉ làm việc hết mình vì nước Mỹ, nơi anh nghĩ “giấc mơ Mỹ” của mình đang thành hiện thực. “Nhưng tôi đã sai khi nghĩ vậy.” Cơ sự, cũng chỉ vì anh là một thanh niên gốc Việt, dù đầy tâm huyết và không thiếu tài năng.
Tôi đã lặng người rất lâu khi nghĩ tới những người đồng bào của mình, những người không chỉ lớn lên trong chiến tranh, mà còn được sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong hòa bình, dù ở một đất nước cách xa Việt Nam tới nửa vòng trái đất. Nguồn gốc dân tộc là điều không một ai có thể phủ nhận. Nhưng người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, làm những công việc lao động lương thiện nhỏ nhoi nào, cũng là những người không dễ cho bất cứ ai có thể bắt nạt mình, kỳ thị mình. Người Việt luôn hiếu hòa, thậm chí luôn biết chịu đựng, luôn “chín bỏ làm mười” trong nhiều mối quan hệ với người ngoài, nhưng chảy sâu trong huyết quản của họ là dòng máu Việt của Trần Hưng Đạo, của Nguyễn Trãi, của Quang Trung Nguyễn Huệ. Họ bất khuất một cách tự nhiên, và hiếu hòa một cách còn tự nhiên hơn.
Có những điều do lịch sử để lại mà chúng ta luôn phải biết gìn giữ. Nhưng cũng có những điều mà chúng ta cần phải thay đổi, nhất là những điều người Việt cần thay đổi khi nhìn nhận về nhau. Vào ngày 30.4.1975, ngay tại dinh Độc Lập, tướng Việt Cộng Trần Văn Trà-một người đồng hương lẫm liệt của tôi-đã nói với tướng Dương Văn Minh khi ông đang là và sắp không còn là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa: “Người Việt Nam chúng ta không ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh này. Kẻ thua là Mỹ, và dân tộc chúng ta là một dân tộc phải được sống trong hòa bình và hòa hợp dân tộc.”
Đó là niềm tin của cả dân tộc Việt Nam chúng ta.