Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.
Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022
Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022
HỒI KÝ (1, 2) - Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình : Xuống đường đấu tranh, MỘT THẾ HỆ ẢO TƯỞNG
HỒI KÝ
Hành trình của một sinh viên Sài Gòn
từ chiến tranh đến hòa bình
Nguyễn Hữu Thái
Đôi lời giới thiệu
Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình (Nhà xuất bản Lao Động & Alphabooks, 2013, 496 trang) là hồi ký của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64). Tác giả kể lại nửa thế kỷ tham gia phong trào đô thị trước 1975 và công cuộc xây dựng đất nước đầy khó khăn sau đó.
Diễn Đàn cảm ơn tác giả đã vui lòng cho phép trích đăng hai chương của tập hồi ký. Mở đầu, xin giới thiệu với bạn đọc Chương 3 (thời kỳ 1963-64) :
XUỐNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH
1963-64 : Đây là giai đoạn đầy biến động ở miền Nam Việt Nam, khởi đầu với cuộc đấu tranh của Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1963. Hoa Kỳ can thiệp ngày càng sâu vào nội bộ Việt Nam, đưa tướng Nguyễn Khánh lên cầm quyền, ngụy tạo ‘Sự kiện Vịnh Bắc bộ’ mở rộng chiến tranh. Từ vị thế một người quan sát bên ngoài tôi trở thành người nhập cuộc đấu tranh. Đường phố đô thị trở thành nơi xung đột của các phe phái chống kháng nhau.
Ngọn lửa Quảng Đức, 11/6/1963
Ngọn lửa tự thiêu Quảng Đức (1) chống kháng chế độ Ngô Đình Diệm vào sáng 11 tháng 6 năm 1963 đã tác động làm thay đổi cuộc đời một sinh viên bình thường như tôi. Nghe phong thanh có một cuộc xuống đường lớn của Phật giáo, tôi chạy nhanh về phía ngã tư Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), vượt qua các phóng viên người nước ngoài, hướng về phía đám đông sư ni cùng đồng bào Phật tử đang tụ tập. Từ một chiếc xe du lịch sơn trắng bước ra một nhà sư cao gầy, nét mặt bình thản. Ông từ tốn bước về ngã tư, xếp bằng ngồi xuống, hai tay chắp lại và nhắm mắt tham thiền. Bỗng một đám lửa màu vàng cam bùng lên, nhận chìm toàn thân ông trong biển lửa. Mọi người đồng loạt quỳ xuống cầu nguyện.
Tôi vẫn còn nhớ như in người phóng viên hãng thông tấn UPI Mỹ Malcolm Browne la lớn : “Trời ơi! Trời ơi!” và tay anh bấm máy lia lịa. Anh ta bỗng chốc nổi tiếng khắp thế giới với các tấm hình nầy. Ngày hôm sau, hình ảnh nhà sư Việt Nam trong ngọn lửa có mặt trên hầu hết trang nhất báo chí thế giới và mọi người mới hay biết rằng đang có một cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do ở tại một đất nước nhỏ bé, xa xôi mang tên Việt Nam. Từ ấy, tấn bi kịch Việt Nam trở thành đề tài thời sự nóng bỏng của giới truyền thông quốc tế.
Sự căm ghét chế độ Ngô Đình Diệm trong lòng tôi bùng lên theo ngọn lửa tự thiêu Quảng Đức. Sự phản kháng quyết liệt của con người nhỏ bé đó đã có tác dụng tạo nên sức mạnh ghê gớm làm rung chuyển cả một guồng máy đàn áp khổng lồ cho đến nay tưởng không có gì có thể lay chuyển nổi. Nước mắt tôi trào ra theo bước chân đoàn người rước nhục thể cháy đen bọc trong tấm áo vàng, chầm chậm hướng về chùa Xá Lợi. Cảnh sát ngăn cản và xung đột xảy ra. Khói lựu đạn cay làm mắt tôi cay xè. Nước mắt ràn rụa, tôi cảm thấy bất lực và thất vọng. Tôi nhào về phía đống đá bên đường, vung tay ném như điên dại về phía cảnh sát. Họ xông lên, nện dùi cui tới tấp vào đầu vào cổ tôi đau điếng.
Bắt đầu, tôi như một người ngoài cuộc đứng nhìn. Rồi không thể thụ động mãi, tôi đã đứng về phía những người bị đàn áp. Tôi bắt đầu nhập cuộc đấu tranh như thế đó, vào những ngày mùa hè nóng bỏng năm 1963, khi nổ ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, có hàng chục vạn người thành phố xuống đường đòi tự do dân chủ, bình đẳng tôn giáo chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Về sau, tôi ghi lại trong nhật ký : “Tay không có một tấc sắt, cũng chưa học được kỹ thuật đấu tranh, chỉ có một trái tim chân thật, một tấm lòng biết phân biệt phải trái, tôi xuống đường đấu tranh, trước hết là để giải phóng cho chính bản thân mình khỏi nỗi bất lực trước nạn áp bức diễn ra hàng chục năm nay trên đất nước tôi”. Cuộc đấu tranh như vậy mà đã kéo dài trên mười năm, mãi cho đến ngày chấm dứt chiến tranh.
Từ vài năm nay, tại miền Nam đã nổ ra cuộc xung đột đẫm máu diễn ra chủ yếu ở nông thôn giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn. Cuộc chiến đó đang lan dần đến các đô thị, gia tăng theo đà bất mãn của quần chúng nhân dân. Tôi đã nghe nói có nhiều nhà trí thức bị bắt giam vì đã hội họp ở khách sạn Caravelle ký kiến nghị gửi lên tổng thống Ngô Đình Diệm đòi tự do dân chủ. Họ đã bị bắt. Bản thân tôi đã từng cùng người dân thành phố hiếu kỳ nhưng bàng quan, ùa về Dinh Tổng thống mục kích cuộc đọ súng qua lại giữa lực lượng quân dù của đại tá Nguyễn Chánh Thi (2) và vệ binh ngày 11 tháng 11 năm 1960. Cuộc đảo chính thất bại sau những bi hài kịch thương thảo và phản bội giữa hai bên. Lại thêm hàng loạt người bị bắt bớ giam cầm. Vào năm 1962, tôi cũng nhìn thấy 2 chiếc máy bay ném bom Dinh Tổng thống, nhưng cũng không đi đến đâu.
Cuộc đấu tranh của Phật giáo (3) lần nầy có quy mô to lớn và mang tính cách quyết liệt hơn, đã nổ ra suốt mùa hè năm 1963 để kết thúc là sự sụp đổ của chế độ Diệm. Khởi đi là việc chính quyền cấm treo cờ Phật giáo vào mùa Phật Đản tại Huế cùng vụ tàn sát học sinh ở đài phát thanh vào tháng tư, để tiến đến đỉnh cao là cuộc bố ráp chùa chiền, bắt bớ hàng nghìn sư sãi ở Sài Gòn và các tỉnh vào cuối tháng tám.
Linh hồn cuộc đấu tranh Phật giáo Thượng tọa Thích Trí Quang (bìa trái)
Ngày hôm sau, hàng nghìn sinh viên học sinh đã xuống đường, mặc cho lịnh giới nghiêm của tổng trấn Sài Gòn-Gia Định. Nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết ở Chợ Bến Thành và hơn 3.000 học sinh sinh viên bị bắt giam chật ních Nha Cảnh sát Đô thành và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Tôi chạy thoát, nhưng có hai đứa em bị bắt. Thành phố bị thiết quân luật và trường học đóng cửa. Cuộc đấu tranh chuyển vào bí mật. Hàng trăm tổ chức tranh đấu ra đời, như nấm sau cơn mưa.
Đồng bào Phật tử chống đàn áp trên đường phố Sài Gòn
Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ đô thị miền Nam tưởng như không ai hay biết gì trên thế giới. Không ngờ họ lại biết rất rõ. Chỉ về sau nầy, khi gặp Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Úc tôi mới nghe kể lại : “Việc chính quyền Diệm đàn áp sinh viên đã gây sự phẫn nộ của sinh viên khắp thế giới. Lúc đó đại biểu sinh viên các nước đang họp Đại hội Sinh viên Quốc tế ở Leysin, Thụy Sĩ. Tin tức cho biết hàng nghìn sinh viên Sài Gòn bị bắt giam vào ngày 25 tháng 8 gây sự xúc động mạnh trong chúng tôi. Tất cả đại biểu đồng loạt đứng lên, hướng nhìn về đất nước các bạn, giữ mấy phút im lặng bày tỏ tình đoàn kết quốc tế đối với sinh viên Việt Nam và khởi thảo ngay bảng kháng thư gửi chính quyền Ngô Đình Diệm, lên án sự đàn áp thô bạo phong trào quần chúng nhân dân và sinh viên đấu tranh đòi tự do dân chủ, bình đẳng tôn giáo”.
Từ đó, tôi mới biết rằng cuộc đấu tranh của ta không đơn độc, mà nối kết với phong trào đấu tranh khắp thế giới. Vậy mới hay là trong thế giới ngày nay, mọi sự kiện đều tác động qua lại lẫn nhau. Sự thật cuối cùng không thể bưng bít mãi. Kinh nghiệm đó giúp chúng tôi rất nhiều về sau nầy, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Lời nhà thơ sinh viên Thảo Nguyên (4) như vang vọng đâu đây:
Những bước công bình, những bước tự do
Những bước hòa bình, những bước ấm no
Bước lên những nấc thang đầy ước vọng...
Tình hình xáo trộn đô thị kiểu nầy không thể kéo dài mãi. Các tướng lãnh quân đội Sài Gòn đã làm đảo chính lật đổ Diệm vào ngày lễ các Thánh 1 tháng 11 năm 1963. Chúng tôi ùa ra đường nhảy múa reo hò, giống như những con thú được sổ lồng. Các tướng lãnh trong “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” cùng các lãnh tụ tôn giáo, đảng phái chính trị đều hứa hẹn làm “Cách mạng”, đem lại dân chủ tự do, cơm no áo ấm và công bằng xã hội cho mọi người. Lúc đó, chúng tôi tin tưởng vào tất cả những gì họ nói trên đài phát thanh, tại các buổi hội họp, viết ra trên báo chí, ghi trên biểu ngữ. Trong số chúng tôi có người còn nghĩ rằng đại sứ Mỹ Cabot Lodge là vị cứu tinh của người mình.
Chủ tịch ‘Hội đồng quân nhân cách mạng’ tướng Dương Văn Minh, 11/1963
Bản thân tôi lúc đó cũng suy nghĩ đơn giản rằng mọi việc rồi sẽ dược giải quyết dễ dàng: Nào chiến tranh, hòa bình, chủ quyền dân tộc, công bằng xã hội. Say men chiến thắng, chúng tôi vừa tự hào lẫn kiêu hãnh đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vừa qua. Tôi đã quên rằng những vấn đề sống còn của đất nước vẫn còn đó. Nào đất nước bị chia đôi, cuộc chiến có nguy cơ nổ lớn với sự trực tiếp tham chiến của quân Mỹ dưới chiêu bài “ngăn chặn Cộng sản bành trướng ở Đông Nam Á”. Chúng tôi cũng còn chưa nhìn thấy ra rằng các tướng lãnh Sài Gòn thực ra không phải là những nhà cách mạng mà chỉ là những quân nhân làm đảo chính trong một miền Nam Việt Nam biến thành tiền đồn chống Cộng của Mỹ ở châu Á.
Các tướng lãnh làm đảo chính tập họp trong “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” do Trung tướng Dương Văn Minh lãnh đạo (5). Người nước ngoài thường gọi ông là Minh Lớn ‘Big Minh’ do vóc người to lớn. Tuy tướng tá rất nhà binh, nhưng ông là một Phật tử có tâm, ăn nói điềm đạm, ôn tồn và chất phác kiểu một 'bon papa' (người cha dễ chịu). Nguyên là một sinh viên và phải thi hành nghĩa vụ quân sự vào hàng sĩ quan trừ bị của quân đội Pháp khi nổ ra Thế chiến II. Có lẽ ông không đồng chính kiến với người em đi theo Việt Minh vì quan niệm rằng Việt Nam có thể độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Ngô Đình Diệm sử dụng ông để diệt các nhóm chống đối vũ trang Bình Xuyên và giáo phái ở miền Tây Nam Bộ. Sợ ảnh hưởng của ông quá lớn, Ngô Đình Diệm sau đó không giao ông chức vụ gì quan trọng, chỉ phong quân hàm trung tướng và chức vụ hữu danh vô thực 'cố vấn quân sự của tổng thống', ngồi chơi xơi nước!
Tuổi trẻ Sài Gòn ùa ra đường hò reo vui mừng sau cuộc đảo chính 1/11/1963
Trong nhóm đảo chính, bên cạnh Dương Văn Minh còn có Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân... Tướng Đôn thường hãnh diện về gốc gác dân Tây và xuất thân Saint-Cyr (trường đào tạo sĩ quan lục quân Pháp) cũng như kiểu sống điệu nghệ của mình. Ông mang dáng dấp một công tử Nam Bộ pha chút đỏm dáng phương Tây, có lẽ là một con người không thâm độc. Người em rể của ông ta là tướng Lê Văn Kim, một người có kiến thức và đức độ, luôn ước mơ biến lớp sĩ quan quân đội thành cán bộ cách mạng canh tân đất nước theo gương những Mustapha Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nasser ở Ai Cập. Ông người mảnh khảnh, mang dáng dấp một nhà trí thức hơn là một tướng lãnh. Tướng Tôn Thất Đính rất võ biền, nóng nảy và cũng nổi tiếng là con người tráo trở, xuất thân là một cảnh sát ở Đà Lạt. Ông gốc người Huế, nịnh nọt rất khéo nên được Ngô Đình Diệm tin dùng giao cho trọng trách tổng trấn vùng Sài Gòn-Gia Định. Tuy vậy ông ta vẫn nghe lời quan thầy Mỹ hơn và đã trở cờ theo phe đảo chính vào giờ chót. Gặp ông ta nhiều lần, tôi vẫn không ưa con người cộc cằn này. Tôi chỉ nhìn thoáng thấy tướng Mai Hữu Xuân, nhận thấy ông ta ít nhìn ngay mặt ai, đúng là một cựu mật thám của thực dân Pháp. Nhân vật tướng Minh chọn để làm thủ tướng lại là cựu phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên là một đốc phủ sứ thời Pháp. Mấy lần tiếp xúc với ông do yêu cầu sinh viên, tôi nhìn thấy nơi ông một công chức gương mẫu chứ không phải một nhà chính trị phù hợp cho giai đoạn sau đảo chính nhiều xáo trộn này.
Lần đầu tiên, sau hàng chục năm dưới ách thực dân Pháp rồi độc tài Diệm, sinh viên mới có cơ hội tự do ăn nói và cử đại biểu tham dự Đại hội Sinh viên Sài Gòn nhắm tiến tới thành lập Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (6), để rồi cùng các tổ chức sinh viên cả nước lập Hiệp hội Sinh viên Quốc gia. Dưới thời Diệm, cũng có một 'Tổng hội Sinh viên Quốc gia Việt Nam', nhưng nhân sự lại do cơ quan của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến bố trí. Sinh viên nào khác chính kiến với chế độ thì bị gạt ra ngoài hoặc bị bắt giữ. Ở các trường đại học chỉ có ban đại diện sinh viên, giới hạn trong sinh hoạt nội bộ, tổ chức lễ lạc, in ấn bài vở.
Bản thân tôi, nhờ sớm tham gia sinh hoạt báo chí bên ngoài, nên có nhiều dịp tiếp xúc với nhiều giới trong xã hội cũng như được thông tin về phong trào sinh viên thế giới, nhất là trào lưu tiến bộ ở các nước thuộc Thế giới thứ ba. Nay chúng tôi quyết tâm tổ chức lại đoàn thể mình và tự hứa sẽ là những người tiền phong trên mặt trận dân chủ và công bằng xã hội.
Sĩ số sinh viên Sài Gòn vào lúc đó có khoảng 15.000 người, qui tụ trong 14 phân khoa và trường cao đẳng hoặc chuyên ngành. Sĩ số sinh viên chia ra không đồng đều, chỉ vài trăm ở các trường cao đẳng trực thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ, hoặc y, dược, kiến trúc, nông lâm súc, quốc gia hành chánh và hàng nghìn ở các phân khoa như Luật, Văn khoa, Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Thủ đô Sài Gòn chiếm 10% dân số toàn miền Nam nhưng lại chiếm đến 50% dân số đô thị cả nước, vì vậy mà tiếng nói của sinh viên ở đây luôn có trọng lượng hơn. Đà Lạt chỉ có một trường đại học tư Công giáo nhỏ với vài khoa. Sinh viên Đại học Huế tuy không nhiều, nhưng khá năng động và sớm có ý thức chính trị, tuy vậy họ cũng phải lắng nghe tiếng nói quyết định của đa số sinh viên ở Sài Gòn. Tiếng nói sinh viên thường được coi trọng, vì họ được xem như tinh hoa trí thức trong một đất nước nghèo và lạc hậu, cứ 1.000 người mới có 1 sinh viên, và được đào tạo để giữ các vai trò then chốt trong xã hội. Trong đấu tranh, tập thể đông đảo học sinh trung học luôn nghe theo lớp đàn anh sinh viên của họ.
Tôi lần lượt được cử làm đại biểu sinh viên trường Kiến trúc, rồi vào Ban Thư ký của Đại hội Sinh viên Sài Gòn, có nhiệm vụ tạm thời điều hành hoạt động sinh viên cũng như soạn thảo quy chế tổ chức sinh viên tương lai. Đại hội sẽ thảo luận và quyết định về hình thức tổ chức và nội dung hoạt động. Chúng tôi tiếp thu trụ sở 4 Duy Tân (nay là Câu lạc bộ Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Phạm Ngọc Thạch) do Hội đồng tướng lãnh giao. Nơi đây nguyên là khu trường thi thời Gia Định Thành, xây dựng thành câu lạc bộ thanh niên Pháp mang tên “Boule Gauloise” rồi biến thành trụ sở Thanh niên Cộng hòa thời Diệm, sau nầy nổi tiếng với các cuộc hội thảo, xuống đường của phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn.
Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Hữu Thái
sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, 12/1963
Đại diện sinh viên-học sinh các trường đại học và trung học vùng Sài Gòn - Gia Định
hội họp tại trường Gia Long, đầu năm 1964
Tôi trở thành chủ tịch đầu tiên của sinh viên Sài Gòn, một tháng sau ngày lật đổ Diệm. Số báo Sinh viên đầu tiên do tôi làm chủ biên cũng ra đời cùng lúc. Ban đầu, chúng tôi suy nghĩ đơn giản rằng tập thể sinh viên có thể thu hẹp hoạt động trong đoàn thể mình. Trong thực tế tập thể nầy cũng bị tác động của xã hội đầy xáo trộn bên ngoài. Nhiều mâu thuẫn xuất hiện, do cả bất đồng mang tính nội bộ lẫn tác động phe phái từ bên ngoài. Trước hết là vấn đề bầu bán trong Đại hội Sinh viên. Đã sớm nổ ra tranh chấp về vấn đề trường lớn trường nhỏ. Trường có đông sinh viên đòi cử nhiều đại biểu hơn, theo tỷ lệ sĩ số sinh viên. Các trường nhỏ vẫn chủ trương tất cả các trường nên bình đẳng, mỗi trường chỉ nên có một phiếu bầu. Vấn đề hoạt động chính trị cũng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Vào lúc đó, tổ chức đoàn thể nào cũng mong muốn nắm sinh viên, nào các tướng lãnh, lãnh tụ tôn giáo, đảng phái chính trị, và cả người Pháp, người Mỹ, Mặt trận Giải phóng. Sinh viên không chủ trương trực tiếp làm chính trị, nhưng rõ ràng không thể tránh né bày tỏ thái độ chính trị trước những biến cố quan trọng. Tập thể sinh viên luôn phản ánh sinh hoạt của xã hội bên ngoài, lúc đó rất xáo trộn, hoang mang và thường xuyên xung đột. Những cuộc đảo chính quân sự liên miên cùng những xáo trộn của chính trường miền Nam vào những năm tháng tiếp theo sẽ cho thấy những lời rêu rao về cách mạng, tự do dân chủ chỉ là những ảo tưởng.
Mới ba tháng sau ngày lật đổ Ngô Đình Diệm mà đã diễn ra cuộc 'Chỉnh lý', thực chất là cuộc đảo chính quân sự của tướng Nguyễn Khánh đang là tư lệnh Quân đoàn II trên cao nguyên. Biến cố này đến với tập thể sinh viên như một cú sốc. Tại Sài Gòn, tôi nhìn thấy những người lính Cộng hòa mệt mỏi, có lẽ rút vội từ một vài đơn vị đang hành quân ở vùng nông thôn về cùng vài chiếc xe tăng, xe bọc thép trấn giữ các điểm chốt trong thành phố. Khác với lúc đảo chính chống Diệm, dân chúng chỉ ngạc nhiên, lo lắng, không thấy ai vui mừng. Phần lớn họ chỉ hay biết đảo chính qua đài phát thanh và báo chí. Cuộc đảo chính này mở màn cho hàng loạt cuộc đảo chính quân sự về sau này mà dân Sài Gòn quá quen thuộc đến độ nhàm chán.
Như vậy là tướng Khánh đã hạ bệ các tướng lãnh chủ chốt chống Diệm, gán cho là 'trung lập' thân Pháp, muốn đẩy miền Nam vào con đường trung lập có lợi cho Cộng sản. Ông ta cất nhắc các sĩ quan trẻ lâu nay được người Mỹ đào tạo cùng nhiều người có chân trong đảng Đại Việt lên phụ trách các chức vụ chủ chốt. Cuộc đảo chính của tướng Khánh làm cho chúng tôi cảnh giác hơn và mất dần ảo tưởng về một xã hội tự do dân chủ ở miền Nam Việt Nam. Chúng tôi sớm nhìn thấy tương lai mờ mịt của một miền Nam đang xâu xé nội bộ, trong sự can thiệp ngày càng sâu của người Mỹ vào đất nước.
Với tư cách đại diện tập thể sinh viên, tôi phản ứng ngay và đứng ra tổ chức một cuộc tuần hành mang tính 'biểu dương lực lượng quần chúng' nhắm cảnh cáo nạn độc tài quân phiệt đang xuất hiện. Dư âm đấu tranh thời chống Diệm vẫn còn đó, nên tập thể sinh viên hăng hái hưởng ứng ngay lời kêu gọi xuống đường. Gần như hầu hết sinh viên Sài Gòn đã có mặt trong trật tự theo các khối trường, diễu qua các đường phố, hô vang các khẩu hiệu đòi tái lập tự do dân chủ.
Về đến Nhà hát thành phố, đứng trên thềm cao, tôi nhân danh tập thể sinh viên lên tiếng : “Sinh viên chúng tôi quyết tâm theo đuổi những lý tưởng của phong trào đấu tranh sinh viên học sinh chống độc tài Ngô Đình Diệm. Chúng tôi cảnh cáo những ai rắp tâm phục hồi lại chế độ độc tài cũ. Họ sẽ nhận lãnh số phận bi thảm của những kẻ độc tài bị chính nhân dân nguyền rủa. Chúng tôi long trọng hứa với đồng bào rằng sẽ không bao giờ lùi bước trước bạo lực và áp bức. Hoan hô tự do! Hoan hô dân chủ!”
Nhân lễ Tết năm đó, tôi được chính thức mời dự buổi tiếp tân Tất niên tại dinh Gia Long của Chủ tịch Hội đồng Quân nhân (xem như Quốc trưởng hoặc Tổng thống), chức vụ vẫn do tướng Dương Văn Minh đảm nhiệm, nhưng không có thực quyền. Quyền hành thực sự nay nằm trong tay tướng Nguyễn Khánh và nhóm tướng lãnh trẻ, người Mỹ gọi là 'Junta'. Cuộc đảo chính của tướng Khánh mới xảy ra, nên cuộc vui cũng không trọn.
Các tướng lãnh, chính khách, đại diện đoàn thể nhân dân, tôn giáo đều có mặt. Tôi phải đi mượn bộ complê trắng, chiếc cà vạt đen để đi dự cho đúng lễ nghi. Lần đầu tiên tôi gặp mặt hầu hết các tướng lãnh, trừ tướng Khánh. Hôm đó có mặt tướng Trần Thiện Khiêm, người tầm thước và ít nói, được xem như lá bài chủ chốt trong cuộc đảo chính vừa qua vì ông ta sử dụng Quân đoàn III đóng xung quanh Sài Gòn do ông chỉ huy giúp Khánh. Tôi đã từng quen biết ông ta khi còn là tham mưu trưởng thời Diệm, biết ông ta là một người kín đáo và khôn khéo. Có lẽ ông ta là một con bài chủ lực của Mỹ vì ông ta vẫn tồn tại và giữ chức vụ thủ tướng thời Nguyễn Văn Thiệu cho đến gần ngày giải phóng.
Tuy vậy, đây là lần đầu tôi gặp tướng Nguyễn Văn Thiệu. Khiêm và Thiệu là 2 người giữ vai trò hàng đầu suốt cuộc chiến, có lẽ họ là những quân bài ưng ý nhất đối với người Mỹ. Tướng Thiệu mới được phong quân hàm thiếu tướng nhờ công lao đích thân chỉ huy sư đoàn 5 đánh vào dinh Gia Long lật đổ Diệm. Tôi chỉ quen người anh của ông ta, Nguyễn Văn Kiểu (sau làm đại sứ ở Đài Loan) là một giáo viên trung học tư thục thời chống Diệm. Qua ông này mới biết Nguyễn Văn Thiệu là người Phan Rang, từng học trường dòng Pellerin ở Huế, thời Việt Minh cũng có tham gia chút đỉnh, rồi theo học khóa sĩ quan đầu tiên thời Bảo Đại, theo đạo Công giáo bên vợ, có chân bí mật trong đảng Đại Việt, khôn ngoan, kiên trì và nhiều tham vọng chính trị. Ông ta trẻ trung, nhanh nhẹn, nhưng tỉnh táo, tự tin, chỉ cười cười, ít nói. Thiệu đang đảm trách chức vụ tham mưu trưởng và được tướng Minh nhắc nhở, nửa đùa nửa thật: “Hãy coi chừng! Việt Cộng hoạt động dữ lắm trong mấy ngày Tết!”. Cuộc họp mặt cuối năm diễn ra khá hình thức và buồn tẻ. Tôi đứng chụp hình chung với một số tướng lãnh và Tổng giám mục Công giáo Nguyễn Văn Bình rồi rời dinh Gia Long, trong lòng không vui.
Tôi chỉ gặp Trung tướng Nguyễn Khánh về sau này trong một buổi chiêu đãi tại biệt thự của ông ta trong khu Tổng tham mưu, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Nhân đó tôi có dịp quan sát ông ta cùng nhóm người thân cận xung quanh ông. Có lẽ ông ta quá nhỏ con đối với một quân nhân, trông giống một chú hề với chòm râu cằm hóm hỉnh, trông giống một anh hề rạp xiếc, nhưng lại có cặp mắt rất sắc và dáng điệu nhanh nhẹn. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có ở miền Nam và có mẹ kế là nghệ sĩ Phùng Há nổi tiếng trong giới cải lương. Ông ta cùng tướng Khiêm tốt nghiệp khóa sĩ quan đầu tiên ở Đà Lạt thời chính quyền Bảo Đại vào đầu các năm 50. Nguyễn Khánh làm tham mưu trưởng và được Ngô Đình Diệm tin cậy nhờ dùng mưu kế giải nguy cho ông ta hồi quân dù của đại tá Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính vây dinh Độc lập năm 1960. Trong vụ khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ông ta chỉ huy Quân đoàn II và nằm yên ở Tây Nguyên chờ thời. Vào đỉnh cao quyền lực lúc đó, tôi thấy ông ít nói và tự tin. Chung quanh ông ta thấy nhiều khuôn mặt mới của đảng Đại Việt, như nhà lý luận Nghiêm Xuân Hồng và một số sĩ quan trẻ chỉ huy các binh chủng. Lúc đó tướng Khánh có vẻ như đã khống chế được các phe phái chính trị và tôn giáo, cũng như đám tướng lãnh trẻ đầy tham vọng, không ai phục ai.
Vào giai đoạn đầu nắm quyền, tướng Khánh khéo léo để yên, chưa vội can thiệp vào nội bộ sinh viên. Ông ta củng cố quyền lực bằng cách khai thác những mâu thuẫn vốn có trong các tổ chức quần chúng cũng như phe phái chính trị. Ông ve vãn lại khối Công giáo chống Cộng còn luyến tiếc Diệm, đưa họ về hợp tác với phe Phật giáo Bắc di cư của thượng tọa Thích Tâm Châu, đồng thời tìm cách cô lập nhóm Phật giáo đấu tranh miền Trung do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo nằm trong vùng I của tướng Nguyễn Chánh Thi. Hàng ngũ sinh viên cũng bị phân hóa. Xuất hiện ở Sài Gòn nhóm sinh viên Bắc di cư luôn mồm kêu gọi “Bắc tiến!”. Vào thời điểm đó trong nhân dân cũng như hàng ngũ sinh viên có hai xu thế, một đa số thầm lặng, mong muốn hoà bình nhưng thụ động và một thiểu số chống Cộng to tiếng, ồn ào.
Nay người Mỹ đã ra mặt công khai can dự vào chính trường miền Nam. Lúc đầu, viên đại sứ Mỹ nổi tiếng nhiều mưu mẹo Cabot Lodge (7) mong muốn biến Phật giáo thành lực lượng chống Cộng, nhưng có vẻ thấy khó thực hiện nổi nên nay tập trung vào việc củng cố phe chống Cộng Tâm Châu. Ông ta đang ở chức vụ Viện trưởng Viện Hoá đạo của Giáo hội Phật giáo Thống nhất đầy uy tín. Quá khứ chống Cộng của ông ta từ thời Pháp trở lại ở miền Bắc đã là một bảo đảm cho người Mỹ. Tôi không trực tiếp biết lập trường của ông ta, chỉ biết điều đó thông qua một người thân cận ông ta là đại đức Giác Đức. Vị sư trẻ bộc bạch: “Nếu người Mỹ đã diệt chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam là muốn lập một chính quyền thân Phật giáo. Phật giáo Việt Nam sẽ giữ vai trò lãnh đạo một mặt trận chống Cộng sản từ dãy núi Himalaya đến quần đảo Nhật Bản!”. Tôi biết đây rõ ràng là luận điệu tuyên truyền của người Mỹ. Có lẽ họ đã hy vọng sử dụng được lực lượng Phật giáo phục vụ cho sách lược chống Cộng của họ ở châu Á.
Tuy vậy, tôi nghĩ rằng người Mỹ chắc cũng sớm nhận ra là khó mà dung hòa sách lược mở rộng chiến tranh của họ với lập trường của phái Phật giáo ôn hòa và có khuynh hướng dân tộc hơn dưới sự lãnh đạo của Thượng tọa Thích Trí Quang nổi tiếng từ thời chống Diệm. Ông ta được xem như là 'linh hồn' của phong trào Phật giáo và luôn công khai chủ trương phải ưu tiên tái lập lại các cơ chế dân chủ và chủ quyền dân tộc ở miền Nam Việt Nam. Điều này rõ ràng là không phù hợp chút nào với sách lược của Mỹ và nhóm tướng lãnh của Khánh. Cho nên người Mỹ quay sang kết hợp với đồng minh tự nhiên của họ là phe Công giáo di cư chống Cộng.
Nhiều cuộc đụng độ đẫm máu đã nổ ra giữa phe đấu tranh Phật giáo và nhóm Cần lao Công giáo theo Diệm cũ tại miền Trung. Tại Sài Gòn, tuy đa số sinh viên vẫn còn ít nhiều mang ý thức chống Cộng nhưng cũng bất bình với thái độ ngày càng hung hăng và kiêu binh của các nhóm sinh viên Bắc di cư luôn mồm kêu gào Bắc Tiến. Xung đột giữa các phe chủ hòa và chủ chiến cũng không tránh khỏi ở thời điểm gay go này.
Chiến cuộc Việt Nam leo thang với tổng thống mới ở Mỹ là Johnson thay thế tổng thống Kennedy bị ám sát chết. Ông ta rõ ràng đã ngụy tạo “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ ném bom miền Bắc, gia tăng số cố vấn cùng lực lượng đặc biệt Mỹ, đưa thêm vũ khí vào miền Nam. Quyết tâm mở rộng chiến tranh của Washington được thực hiện rõ khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là Thống tướng Taylor được đưa sang làm đại sứ cùng với đại tướng Westmoreland làm chỉ huy quân đội Mỹ. Tướng Khánh được người Mỹ đưa lên nắm quyền với sách lược mở rộng chiến tranh đó. Trước tiên, Khánh một mặt phải dẹp tan những khuynh hướng gọi là 'thân trung lập' do Tổng thống Pháp De Gaulle (8) nêu lên mới rồi ở sát nách Sài Gòn khi viếng thăm thủ đô Phnôm Pênh của Kampuchia. Mặt khác phải vận động dư luận thuận lợi cho việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Người Mỹ phải tìm cách hạ uy tín của người Pháp. Đối với sinh viên, họ tìm ra được một điểm yếu nhất để chống Pháp lúc này, đó là vấn đề trường Tây. Đây là một vấn đề nhạy cảm nhất trong giới sinh viên phần lớn xuất thân từ trường Việt và không mấy khá giả. Trong khi đó chương trình Pháp ngang nhiên mở ra thu hút các tầng lớp được ưu đãi, giàu có. Sinh viên được nhiều thế lực chính trị đàng sau thúc đẩy xuống đường, vừa chống chính sách trung lập vừa lên án sự thống trị văn hóa của người Pháp, cụ thể qua vấn đề trường Tây. Sinh viên ùa đến đập phá tượng đài tưởng niệm quân Pháp hy sinh trong Thế chiến 1914-18 tại vị trí quảng trường Hồ Con Rùa hiện nay.
Tôi vẫn còn nhớ cuộc tranh luận sôi nổi giữa chúng tôi và viên tham tán văn hóa Pháp. Ông ta xin gặp chúng tôi ở trụ sở Tổng hội sinh viên, tỏ ra ngạc nhiên: “Tại sao các anh nói tiếng Pháp giỏi quá mà lại chống đối chúng tôi mạnh mẽ như vậy?”. Rồi ông ta kể ra một lô lốc những lợi ích mà nền văn hóa Pháp đã đem lại cho người Việt. Tôi trả đũa ngay: “Hệ thống giáo dục của một đất nước có chủ quyền không thể duy trì mãi sự tồn tại của chương trình học hoàn toàn theo lối Pháp, giống như ở một nước thuộc địa!”. Việc chống trường Tây khơi dậy ý thức của sinh viên Việt Nam về vấn đề chủ quyền dân tộc. Và “gậy ông rồi sẽ đập lưng ông”, sinh viên cũng sẽ quay sang chống đối người Mỹ về vấn đề chủ quyền dân tộc này. Sinh viên Sài Gòn còn đi xa hơn đòi phải sử dụng hoàn toàn tiếng Việt trong giảng dạy đại học ở miền Nam.
Vào mùa hè năm 1964, tướng Khánh tạo một cú sốc khác khi công bố bản “Hiến chương Vũng Tàu”. Lấy lý do tình hình chiến tranh toàn diện, chính quyền cần tập trung quyền lực vào một người đứng đầu Nhà nước mạnh, vừa là Chủ tịch Hội đồng Tướng lãnh vừa là quốc trưởng kiêm vai trò thủ tướng, đó là Nguyễn Khánh. Theo tin tức, thì bảng Hiến chương đã được các tướng lãnh họp tại Vũng Tàu đồng thanh ủng hộ và vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gửi điện mừng 'Chủ tịch Nguyễn Khánh', đó là tổng thống Mỹ! Trước nguy cơ tái lập chế độ độc tài, những lực lượng từng đấu tranh chống Diệm không thể ngồi yên. Phật giáo và sinh viên học sinh lại chuẩn bị xuống đường.
Kêu gọi sinh viên xuống đường (tác giả đứng bìa phải)
Tập thể sinh viên không thể tin tưởng vào ban chấp hành của Tổng hội Sinh viên, lúc đó có dấu hiệu hòa hoãn với chính quyền. Chủ tịch sinh viên các ban đại diện 14 trường họp lại, ra bản tuyên ngôn lên án độc tài quân phiệt và lập ra “Hội đồng Chỉ đạo Sinh viên Học sinh” nhắm tập trung điều khiển cuộc đấu tranh chống Khánh. Hội đồng trên nguyên tắc không phải là một tổ chức mới, chỉ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, mọi quyết định quan trọng sẽ do tập thể các chủ tịch sinh viên các trường đưa ra. Nay Hội đồng chỉ cử ra vài ủy viên thường trực điều hành công việc. Tôi trở thành ủy viên đối ngoại và người phát ngôn cho Hội đồng. Sinh viên không còn mấy ảo tưởng về người Mỹ và bắt đầu tố cáo họ đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Việt Nam trong vụ ủng hộ tướng Khánh.
Chính quyền không dễ dàng để sinh viên hành động, và bắt đầu ra tay phản công. Một nhóm Công giáo di cư Hố Nai quá khích được huy động kéo xuống đốt phá trụ sở Tổng hội sinh viên, trong khi đài phát thanh Sài Gòn lại ra rả nói rằng có nhiều nhóm sinh viên ủng hộ Hiến chương Vũng Tàu. Rõ ràng đây là một tính toán sai lầm của chính quyền. Các hành động trên tạo tác động ngược lại, làm cho sinh viên nhìn thấy sự tráo trở của tướng Khánh và siết chặt hàng ngũ, đoàn kết nhau hơn trong cuộc đấu tranh, chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là lật đổ nhà quân phiệt.
Đài phát thanh bị SVHS tấn công đập phá trước tiên. Sau cuộc hội thảo ở trụ sở sinh viên, theo lời đề xuất của tôi, ai nấy đều kéo rốc ra đài phát thanh Sài Gòn. Tôi hô một lệnh ngắn gọn: “Tiến lên!” Hàng trăm sinh viên học sinh lao vào đài phát thanh Sài Gòn. Trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt. Chúng tôi đều ướt sũng. Thời hạn chót cho viên giám đốc đài Nguyễn Ngọc Linh ra gặp chúng tôi đã qua. Chúng tôi muốn ông ta làm sáng tỏ những tin tức bịa đặt về sinh viên ủng hộ bản Hiến chương của tướng Khánh. Ông ta không dám ra gặp chúng tôi mà lẻn ra cửa sau trốn mất. Binh sĩ bảo vệ đài phân tán để mặc cho chúng tôi tự do ùa vào đài. Chúng tôi giáng nỗi căm giận của mình bằng cách đập phá điên cuồng những vật vô tri giác như máy móc, micrô, loa, các bản tin, bàn ghế... trong các phòng thu và phòng làm việc. Trong các ngày qua, chúng tôi rất bực bội về các buổi phát thanh ca ngợi 'Chủ tịch Nguyễn Khánh' và các bản tin bóp méo sự thật về các cuộc đấu tranh của Phật tử và sinh viên học sinh. Hành động đập phá đài phát thanh nhắm nói lên sự phản kháng của sinh viên đối với chính quyền quân phiệt mới. Chúng tôi muốn xác định rõ lập trường chống lại chính quyền độc tài, không phải do dân chọn ra mà do sức mạnh của súng ống và hỗ trợ của người nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên tôi bày tỏ thái độ chống Mỹ. Tôi tuyên bố: “Chúng ta phải lên án sự can thiệp của người Mỹ vào các vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Điều đó đã thể hiện rõ ràng qua sự ủng hộ trắng trợn của tổng thống Mỹ cho tướng Khánh”. Tôi nói tiếp: “Thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi cùng với nhân dân đấu tranh lật đổ một chế độ độc tài này mới năm trước, nay không thể lại để cho người ta dựng lên đầu lên cổ nhân dân ta một chế độ độc tài khác!”. Trong những ngày này, tôi bận rộn đi nói chuyện tại các cuộc tập họp lớn của sinh viên diễn ra tại các trường Khoa học, Luật, Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới. Chúng tôi cũng cử các sinh viên ăn nói giỏi đến các phân khoa và trường trung học lớn kêu gọi tập thể sinh viên học sinh tham gia vào cuộc đấu tranh mà chúng tôi nghĩ sẽ khó khăn và lâu dài.
Biểu tình phản đối người Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, 1964
Chúng tôi biết rõ tướng Khánh là một đối thủ đáng gờm và mưu mô, vì cho đến nay ông ta đã thành công luồn lách giữa mê hồn trận chính trị Sài Gòn. Về phía chính quyền, họ cũng dàn giá đưa cảnh sát dã chiến ra tập dượt công khai trên đường phố với ý đồ hăm dọa chúng tôi. Họ tìm kiếm sự ủng hộ của phe Phật giáo Tâm Châu và vài nhóm sinh viên nhắm làm suy yếu và chia rẽ phong trào đấu tranh. Họ tập trung vào việc kích động phe Công giáo di cư qua việc tung tin về các cuộc đụng độ đẫm máu Công giáo - Phật giáo ở Đà Nẵng, gán cho Phật giáo và sinh viên học sinh Sài Gòn là có Cộng sản giật dây. Thật vậy, với cách làm đó họ có thể thuyết phục những kẻ quá khích trong các họ đạo Công giáo nằm chung quanh Sài Gòn. Một số linh mục thực dụng nhân cơ hội này mặc sức mà yêu sách chính quyền mới để kiếm lợi. Riêng tôi không sợ phải đối đầu với phe tướng lãnh mà lại không muốn nhìn thấy cảnh tượng các tôn giáo xung đột đẫm máu giữa đường phố Sài Gòn, như đã từng xảy ra tại Đà Nẵng.
Phát động đấu tranh sinh viên chống tướng Nguyễn Khánh
Đã có một số dấu hiệu đe dọa đã xuất hiện nhắm vào tập thể sinh viên. Nhiều binh lính và cảnh sát mặc thường phục đi trên xe nhà binh, phát xuất từ các họ đạo Công giáo ở Hố Nai kéo về trụ sở sinh viên trên đường Duy Tân xông vào đốt phá. Rõ ràng là chính quyền đứng đàng sau vụ đó. Nhưng phải nói đây là một nước cờ sai lầm của chính quyền, vì hành động này đã tạo tác dụng ngược là đoàn kết và kích động được khối đa số sinh viên cho đến nay thụ động, lừng khừng chưa tham gia đấu tranh. Hành động đốt phá trắng trợn trên làm họ bất bình. Sinh viên nay đã quyết định tham gia vào cuộc đấu tranh nay chỉ còn tập trung vào một mục tiêu duy nhất lật đổ tướng Nguyễn Khánh. Tấn công đài phát thanh mới chỉ là bước đầu tiên.
Rừng người biểu tình chống tướng quân phiệt Nguyễn Khánh
và dựng tượng Quách Thị Trang, 1964
Cuộc xuống đường vĩ đại ngày 4 tháng 9 năm 1964 là một sự kiện đáng ghi nhớ khác. Tôi không thể tưởng tượng một lực lượng đàn áp nào có thể ngăn chặn nổi hàng chục vạn người xuống đường vào ngày đó. Tôi cứ ngỡ rằng hầu như cả thành phố Sài Gòn đã đồng loạt xuống đường bày tỏ sự bất bình của mình đối với tướng Khánh. Theo tôi thì đây có lẽ là một cuộc tập họp quần chúng quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ nhất từ trước đến nay trong lịch sử thành phố. Nó là kết quả của hàng chục cuộc mít tinh, hội thảo, nhiều đêm không ngủ ở chùa chiền, trường học mà chúng tôi góp phần thực hiện, đã diễn ra suốt cả tuần lễ qua.
Từ sáng sớm tinh mơ, hàng chục khối sinh viên học sinh đã tập họp tề chỉnh ở trường mình. Đông đảo nhất là hàng ngũ Phật tử, tiểu thương các chợ, công nhân, tư chức, thanh niên sinh viên học sinh. Phát xuất từ Viện Hóa đạo, đoàn người kéo xuống Chợ Bến Thành dựng tượng Quách Thị Trang, người nữ sinh đã ngã xuống hồi chống Ngô Đình Diệm năm ngoái, đọc các lời hiệu triệu và hô to các khẩu hiệu chống độc tài quân phiệt, rồi diễu qua các đường phố tụ về hội với tập thể sinh viên học sinh tại Dinh Thủ tướng (nay là Văn phòng II Thủ tướng trên đường Lê Duẩn, trước Thảo cầm viên). Tôi tách khỏi hàng ngũ, thử quan sát và ước lượng đoàn tuần hành: Toàn người là người, khúc đầu ở Sở thú mà đoạn đuôi còn chưa qua khỏi Dinh Độc lập (nay là dinh Thống Nhất).
Một chiếc xe lam có đặt loa phóng thanh dẫn đầu đoàn tuần hành. Xe ngừng trước cổng Dinh. Hai sinh viên đứng trên nóc xe, chĩa loa vào yêu cầu gặp thủ tướng. Một sĩ quan xuất hiện nhưng sinh viên yêu cầu gặp chính tướng Khánh để được giải thích về Hiến chương Vũng Tàu trước mặt quần chúng nhân dân. Hàng vạn con người cùng hô to các khẩu hiệu đả đảo độc tài, quân phiệt, đòi xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu!
Cuối cùng tướng Nguyễn Khánh cũng xuất hiện. Hai bên tranh luận. Tôi không biết, hoặc do bị ấn tượng và hoang mang trước đoàn người đông đảo, hoặc do một toan tính chiến thuật nào đó mà ông ta cũng vung tay cùng đồng bào hô lớn: “Đả đảo độc tài ! Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu!”.
Phải chăng nên xem đây là một hành động chối bỏ quyền lực. Một loại quyền lực không phải do nhân dân ủy nhiệm mà do người Mỹ đặt lên! Sự kiện đó có hàng vạn người chứng kiến không dễ dàng chối bỏ được. Nó cũng là biểu tượng sự đầu hàng của bạo quyền trước sức mạnh của nhân dân. Hành động đó đã làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của tướng Khánh. Nó cũng làm sụp đổ biết bao nỗ lực của guồng máy chiến tranh đế quốc, từ tổng thống Mỹ cho đến Lầu năm góc.
Chưa bao giờ sức mạnh của tập thể sinh viên lại to lớn như vậy. Phải chăng đây là thắng lợi của ý chí con người trên sức mạnh của vật chất. Đã từng có nhiều tiền lệ như vậy, ví như sự kiện sinh viên Nam Triều Tiên xuống đường lật đổ tổng thống độc tài Syng Man Rhee (Lý Thừa Vãn) vào cuối các năm 1950, sinh viên học sinh cùng đồng bào Phật giáo miền Nam chống Diệm mới năm ngoái. Sau khi tướng Khánh công khai rút lại Hiến chương Vũng Tàu. Đám đông cuồng nhiệt reo mừng thắng lợi và chủ quan rút về, cứ ngỡ rằng cuộc đấu tranh đã thắng lợi. Chắc ít ai biết rằng tướng Khánh là con người nổi tiếng tráo trở, một con thò lò nhiều mặt!
Thực tế diễn ra khác hẳn. Sau khi thực hiện vụ rút lui chiến thuật, tướng Khánh vẫn nắm chặt được phe quân sự và bày ra thế trận khác. Ông ta hứa sẽ trở lại Sài Gòn với thế mạnh. Không ai ngờ rằng Thành phố đã bị bỏ ngỏ, nghĩa là người ta cố tình thả nổi chính quyền, không còn một lực lượng giữ gìn trật tự nào nữa, để mặc cho các lực lượng chống đối xô xát nhau. Từ lâu nay, tôi vẫn e ngại xảy ra đụng độ giữa Phật giáo và Công giáo, như đã từng xảy ra ở miền Trung trong thời gian qua. Lúc nầy rõ ràng là chúng tôi đang thực sự làm chủ đường phố Sài Gòn, nhưng không biết phải làm gì và cũng chưa được chuẩn bị gì để đối phó với một cuộc xô xát đường phố. Mối đe dọa đang đến gần. Không phải từ lực lượng cảnh sát hoặc quân đội, mà từ những đồng bào Công giáo di cư, gồm cả ông bà già, phụ nữ, trẻ em với gậy gộc giáo mác, bị các linh mục kích động ùa về Sài Gòn gọi là để cứu các họ đạo đang bị những kẻ ngoại đạo bách hại! Xô xát đã xảy ra, và nhiều học sinh trường Nguyễn Trường Tộ, Cao Thắng đã bị thương tích.
Những lãnh tụ Phật giáo, các nhà chính trị từng thúc đẩy chúng tôi xuống đường nay đã biến mất, vào những giờ phút quyết liệt như thế nầy đây. Bản thân tôi cũng bất lực không thuyết phục nổi các chủ tịch sinh viên phân khoa và cả ban chấp hành Tổng hội Sinh viên đứng ra trực tiếp lãnh đạo phong trào. Qua kinh nghiệm đó, tôi nghĩ rằng phong trào sinh viên học sinh chỉ có thể đảm nhận vai trò ngòi nổ, chứ không thể làm lực lượng sống chết trong đấu tranh. Sinh viên chưa thể làm cách mạng trong khi họ luôn mồm nói đến cách mạng. Trừ phi họ tham gia vào một đội ngũ có kỷ luật, do một tổ chức cách mạng thực sự lãnh đạo, hướng về các mục tiêu cụ thể. Một tổ chức cách mạng như vậy, về sau tôi nhìn thấy không ai khác hơn ngoài Đảng Cộng sản.
Học sinh gan dạ đối mặt với cảnh sát đàn áp, 1964
Chính quyền dân sự Trần Văn Hương (9), với nào Thượng Hội đồng Quốc gia, Quốc trưởng chỉ là nhũng trò hề do người Mỹ vội vã dựng lên, không giải quyết được gì, mà còn làm cho tình hình xấu thêm. Tướng Khánh lại đảo chính, bắt giam đối lập. Tôi cũng bị bắt cùng nhiều sinh viên học sinh khác vào những ngày tháng cuối năm 1964.
Nguyễn Hữu Thái
____________
CHÚ THÍCH :
1. Hoà thượng Quảng Đức năm đó 66 tuổi, trụ trì chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận, Sài Gòn, đã tự nguyện tự thiêu để phản kháng bạo quyền Ngô Đình Diệm
2. Cuộc đảo chính mang tính cách hoàn toàn quân sự, thiếu phối hợp và kế hoạch vận động quần chúng nên đã nhanh chóng thất bại trong vòng một ngày
3. Cuộc vận động nhân dân đô thị đấu tranh chống chế độ độc đoán Ngô Đình Diệm, được sự ủng hộ cả trong lẫn ngoài nước, phát xuất từ Huế do Thượng toạ Thích Trí Quang lãnh đạo
4. Bút danh khác của nhà thơ Trần Quang Long, hoạt động trong phong trào văn nghệ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1967, ra chiến khu hồi Tết Mậu Thân và hy sinh ở đó
5. Dương Văn Minh là tướng lãnh cấp cao cũng như có uy tín nhất của Quân lực VNCH, lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963
6. Tổ chức đại diện tập thể sinh viên Sài Gòn, thường đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ và hòa bình, chủ quyền dân tộc trước 1975
7. Cabot Lodge, một trong các thủ lĩnh hàng đầu của đảng Cộng hoà Mỹ, chủ trương thay thế chính quyền Ngô Đình Diệm bằng các chính quyền phụ thuộc Mỹ nhiều hơn
8. Charles de Gaulle là người hùng lãnh đạo nước Pháp chống phát xít Đức, từng chủ trương chiếm lại Việt Nam sau Thế chiến II, nhưng vào các năm 1960 lại vận động cho chủ trương trung lập hoá toàn bộ bán đảo Đông Dương
9. Trần Văn Hương, nhà giáo bảo thủ kiểu “Nam kỳ quốc”, từng làm đô trưởng Sài Gòn, thủ tướng và sau được Nguyễn Văn Thiệu mời làm phó tổng thống thay thế Nguyễn Cao Kỳ năm 1971.
Hồi Ký (2)
HỒI KÝ
Hành trình của một sinh viên Sài Gòn
từ chiến tranh đến hòa bình
Nguyễn Hữu Thái
Đôi lời giới thiệu
Tiếp theo chương 3 XUỐNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH, chúng tôi xin giới thiệu chương 5 của tập hồi ký :
MỘT THẾ HỆ ẢO TƯỞNG
Suốt thời gian 1964-65, giai đoạn sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, không phải chỉ riêng bản thân tôi mà cả lớp tuổi trẻ trí thức thành thị miền Nam cũng rơi vào tình trạng lúng túng trong đường hướng hoạt động. Chúng tôi có khá nhiều ảo tưởng và tin tưởng vào lắm huyền thoại. Những người trong hàng ngũ Phật giáo đề xuất giải pháp đấu tranh bất bạo động, người trẻ phe quốc gia còn tin tưởng vào sự hợp tác với Hoa Kỳ, nhiều người khác cho rằng họ có thể tranh đua với Cộng sản trong công cuộc cách mạng xã hội. Nhưng mọi người rồi cũng nhanh chóng không còn ảo tưởng nữa khi quân Mỹ ngày càng có mặt đông đảo và cuộc chiến leo thang ác liệt.
Tình hình đã sáng sủa trở lại khi các tướng lãnh trẻ gây sức ép buộc tướng Nguyễn Khánh rời khỏi Việt Nam. Tôi rời nhà đại tá Wilson đến trú ngụ tại nhà giáo sư Ted Britton. Vào cuối năm 1964, ông về Washington vận động việc thành lập “Chương trình Thanh niên Công tác Hè” (Summer Youth Program). Ông yêu cầu tôi tiếp tay giúp ông.
Tôi ở đây với 2 mục đích : Trước hết là để biết thêm về giáo sư Britton, thứ hai là tìm cách bắt liên lạc với MTGP (sau quyết định ra chiến khu với bạn Nguyễn Xuân Lộc ở nhà đại tá Wilson).
Vào cuối năm ngoái, giáo sư Britton đã mời một nhóm người hoạt động thanh niên, đề nghị họ cùng hiệp lực nhau lên một phương án hoạt động xã hội phối hợp chung vào dịp Hè 1965.
Phải nhìn nhận rằng vào thời điểm này nhiều sinh viên đã chán ngán việc xuống đường đấu tranh và mong muốn làm một công tác gì cụ thể giúp ích xã hội, đến được với lớp người cùng cực. Phong trào làm công tác xã hội kiểu như đợt cứu trợ miền Trung vừa qua hấp dẫn lớp trẻ. Họ cảm thấy được trực tiếp tham gia vào một công cuộc to lớn mang tên “cách mạng xã hội” mà từ sau ngày lật đổ Diệm người ta nói đến rất nhiều.
Vì sao công tác xã hội lại hấp dẫn lớp trẻ thành thị lúc đó ? Thứ nhất là sinh viên luôn được thuyết phục đóng góp phần mình trong cuộc chiến đấu chống lại nạn đói nghèo và chậm tiến của người nghèo đô thị trong các khu nhà ổ chuột ngày càng xuất hiện nhiều theo đà leo thang cuộc chiến. Sau ngày lật đổ Diệm, người ta nói nhiều về “cách mạng xã hội”, xem như cơ hội cuối cùng của phe Quốc gia trong cuộc chiến tranh ý thức hệ này. Thanh niên thành thị mong muốn tham dự vào sách lược xã hội to lớn này. Thứ hai là sau hai năm xuống đường đấu tranh do Phật giáo lãnh đạo và kiểu tiến hành chiến tranh của nhóm tướng lãnh Sài Gòn rõ ràng không phải là giải pháp cho một cuộc chiến cách mạng. Đặc biệt vào năm 1964 xuất hiện rất nhiều nhà lý luận về đề tài này. Tất cả đều nhấn mạnh vào sự cần thiết phải tìm kiếm một đường lối chống Cộng hữu hiệu hơn, bằng cách kéo những người nghèo từ tay người Cộng sản về mình. Họ chủ trương “chiến đấu chống Cộng sản với người nghèo, cho người nghèo!”
Giáo sư Lý Chánh Trung
Các giáo sư Công giáo theo khuynh hướng tiến bộ của đại học Sài Gòn như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung (1) tuyên bố rằng trong 10 năm qua, chính quyền Sài Gòn là “chính quyền của người giàu”, kể từ Ngô Đình Diệm đến các tướng lãnh ngày nay. Các chính khách đảng phái Quốc gia lẫn tướng lãnh bất tài và tham nhũng kiểu cũ khó lòng mà chiến thắng Cộng sản. Hai ông Trung đều cho rằng : “Trong thế giới chậm phát triển, vấn đề cách mạng xã hội là một vấn đề sinh tử, một vấn đề danh dự”. Họ nói đến những mẫu hình cách mạng như Algeria, Ai Cập với các lãnh tụ cách mạng dân tộc vừa giữ được vị thế trung lập đối với với cả phương Tây lẫn phe Xã hội chủ nghĩa. Họ hô hào một dạng “Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc không Cộng sản”. Tuy vậy các ông cũng đang bối rối trước sự có mặt ngày càng đông đảo của quân Mỹ ở Việt Nam và còn rất mơ hồ trong việc đưa ra các giải pháp và hành động cụ thể.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung hôm nay
Bên phía Phật giáo cũng có Thầy Nhất Hạnh (2), tốt nghiệp đại học nổi tiếng Princeton ở Hoa Kỳ về, từng tích cực trong phong trào Phật giáo chống Diệm ở nước ngoài, cũng nhấn mạnh: “Nếu chiến tranh cứ kéo dài như kiểu này với các tướng lãnh thì trước sau gì người Cộng sản cũng chiến thắng!” Ông chủ trương lớp trẻ phải tham gia tích cực vào công tác xã hội. Ông đã thăm viếng Philippines và bị ấn tượng nhiều về Phong trào tái thiết nông thôn diễn ra ở đó, nên khi về Sài Gòn đã tập trung xây dựng một trường đào tạo cán bộ công tác xã hội Phật giáo. Nhưng phải chăng bản thân ông ta cũng hết ảo tưởng khi quân Mỹ ào ạt tràn lên đất nước. Vào cuối năm đó, Nhất Hạnh xuất bản tập thơ hòa bình đầu tiên mang tên : “Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện”!
Thượng toạ Thích Nhất Hạnh
Tôi cũng bị cuốn hút về hướng đó, từ những năm dưới thời Diệm. Trước hết, tôi bị ấn tượng sâu sắc về hình ảnh “những biên giới mới” do tổng thống Kennedy phát động cho giới trẻ Mỹ vào đầu các năm '60 và nghiên cứu hoạt động của Đoàn Hoà bình Mỹ tại các nước nghèo của Thế giới thứ ba. Tôi cũng thán phục các tổ chức 'Kibbutz' (làng sản xuất và chiến đấu) của thanh niên Do Thái quay về định cư trên vùng đất mới và cả Phong trào Tái thiết Nông thôn của Jimmy Yen tại Philippines trong những năm '50. Tôi đã viết nhiều bài báo kêu gọi sự tham gia thiết thực của thanh niên thành thị vào một phong trào có thể xóa đi các căn bệnh của chậm phát triển, đó là các nạn đói nghèo, lạc hậu, mù chữ và nền hành chính yếu kém. Ngay sau ngày lật đổ Diệm, tôi đã viết báo nói rằng thanh niên sinh viên Sài Gòn nên tổ chức thành nhiều nhóm đa ngành, cùng tham gia công tác xã hội cụ thể tại nông thôn, xem như một đóng góp tích cực của tuổi trẻ vào cuộc chiến đấu to lớn, làm cuộc 'cách mạng xã hội' do chính Hội đồng Quân nhân Cách mạng mới lật đổ Diệm đề ra.
Tuy vậy vào năm 1965, chính bản thân tôi lại rơi vào một tình trạng hoàn toàn mâu thuẫn. Với tư thế là chủ biên, tôi viết hai bài có lập trường trái ngược nhau trong số báo ra mắt Lên Đường, tiếng nói của Chương trình Công tác Hè (chương trình công tác xã hội phối hợp do giáo sư Britton đề xướng). Một bài thì kêu gọi thanh niên Sài Gòn “lên đường” làm “cách mạng xã hội”, còn bài kia lại lên án Hoa Kỳ xâm lăng Santo Domingo, một nước ở Trung Mỹ vào thời điểm đó.
Trong bài đầu, tôi đi xa hơn khi yêu cầu chính quyền giao trách nhiệm cho sinh viên tự tổ chức những đoàn người tình nguyện tấn công vào những căn bệnh xã hội của miền Nam. Tôi nêu lên những gương mẫu Đoàn Hoà bình Mỹ, thanh niên Kibbutz Do Thái, Phong trào Tái thiết Nông thôn Philippines. Tôi viết tiếp : “Chỉ sử dụng sức mạnh quân sự mà thôi thì không thể thắng trong cuộc chiến tranh này. Thanh niên phải tấn công vào những biên giới của đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật và hành chính yếu kém”. Tôi còn đề xuất việc thành lập các đội sinh viên hoạt động gồm nhiều ngành nghề khác nhau quay về nông thôn tham gia ‘ba cùng’ (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, nhắm nâng cao đời sống lẫn ý thức chính trị của người dân. Thanh niên thành thị sẽ giúp xóa đói nghèo với các kỹ thuật canh tác mới, xóa nạn mù chữ, cung ứng dịch vụ y tế, và đem đến cả những kiến thức cơ bản về pháp luật và quy định hành chính. Thanh niên trí thức phải trở thành cán bộ của xã hội mới. Và thật là nguy hại vì không biết là vô tình hay cố ý, chính những ý tưởng này trùng hợp với sự hình thành các đội 'Bình định nông thôn' ác ôn và biến các nhà giáo trẻ thành công cụ lùa sinh viên học sinh vào “Chương trình Thanh niên Phụng sự Sinh hoạt Học đường” (CPS) kiểm soát mọi cấp sinh hoạt học đường!
Các nhóm thanh niên trí thức tôn giáo còn đi xa hơn khi tiếp tay với nội các chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ. Nhóm thanh niên trí thức Công giáo với kỹ sư Võ Long Triều (người thân cận của giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình) xin đứng ra đảm trách luôn hoạt động của bộ Thanh niên. Còn nhóm thanh niên Phật giáo với tiến sĩ Trần Quang Thuận (cố vấn thân cận của thượng tọa Thiện Minh, người phụ trách lực lượng thanh niên của giáo hội Phật giáo thống nhất) thì phụ trách bộ Xã hội. Một nhóm bạn bè tôi quen biết đã được giao quản lý cả một quận 8 nằm ở giáp ranh Rừng Sát. Theo báo cáo mật của người Mỹ sau này thì quận 8 đã thành công xây dựng một quận hành chính gương mẫu về mặt hoạt động xã hội và sinh hoạt thanh niên cũng như triệt hạ được tổ chức hạ tầng Việt Cộng trong khu vực! Chính phó tổng thống Mỹ Humphrey khi thăm viếng Sài Gòn đã đến đó quan sát và khen ngợi.
Có lẽ bài báo thúc giục thanh niên lên đường làm 'cách mạng xã hội' đã làm hài lòng những quan chức Mỹ tài trợ cho Chương trình Hè. Nhưng họ rất bất bình về bài báo sau. Bài báo đã thực sự gây chấn động như một quả bom nổ trong giới quan chức Mỹ. Tôi viết về vụ quân đội Mỹ xâm lược nước Santo-Domingo tại vùng Trung Mỹ. Tôi lấy tài liệu trong báo sinh viên quốc tế mới gửi cho, nói rõ về việc người Mỹ nhân danh tự do dân chủ đã đưa quân lên hòn đảo để lật đổ một chính quyền do dân bầu lên nhưng bị gán là 'thiên tả' và thay thế bằng một chính quyền bù nhìn thân Mỹ. Tất cả màn kịch đẫm máu đó đều do một tay viên 'đặc sứ Bunker' (sau này làm đại sứ Mỹ ở Sài Gòn) dàn dựng. Đây là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền dân tộc của một quốc gia độc lập!
Bài báo gây cú sốc cho những người Mỹ liên quan đến Chương trình Công tác Hè, từ các thành viên IVS đến các quan chức USOM, vì lúc đó đúng là thời điểm quân Mỹ đang đổ quân lên Đà Nẵng trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Như vậy là cả người Mỹ lẫn người MTGP vào thời điểm đó không biết tôi là ai, đứng về phe nào nữa?
Mùa hè năm đó, tôi có nhiều dịp tham gia các trại công tác xã hội chung quanh Sài Gòn. Cảnh tượng trại tỵ nạn An Phú Đông làm tôi bi quan hơn và cảm thấy công tác xã hội rõ ràng là không có tác dụng gì trong cuộc chiến hủy diệt này. Chúng tôi đi xây dựng mấy ngôi nhà, đắp con đường, đào vài hố vệ sinh cho người dân quê bị bom đạn Mỹ lùa về đây. Chính các công việc đó càng khuyến khích quân Mỹ và Sài Gòn tiếp tục giết chóc và phá hủy. Tôi ghi lại trong nhật ký của mình : “Chúng ta không thể nói hời hợt rằng mình đã làm 'cách mạng xã hội' khi thực hiện một số việc trong một hai ngày, rồi ca hát, hớt tóc, phát bánh kẹo cho trẻ em, khám bệnh phát thuốc cho vài người. Những thanh niên thành thị như chúng ta chưa vượt qua cái ranh giới đi công tác 'từ thiện'...”.
Tôi đã nhìn thấy trong mắt người tỵ nạn chưa hết nỗi kinh hoàng bom đạn, họ thụ động nhìn chúng tôi làm việc, ai nấy đều quần jean áo thun kiểu đi picnic, như những kẻ xa lạ. Tôi biết không ít thanh niên đã lợi dụng các chương trình công tác xã hội kiểu này để lo cho cá nhân mình. Nhiều người nhờ công tác xã hội học đường mà được miễn đi lính hoặc có đi lính cũng sớm được biệt phái khỏi phải ra chiến trận. Người khác thì qua đó tìm cách xin học bổng du học, đi tham quan Hoa Kỳ. Sau này khi nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ thành lập các toán “Bình định nông thôn”, nguồn cán bộ đào tạo lấy từ các sinh viên công tác xã hội loại này.
Phong trào hoạt động mang danh nghĩa 'cách mạng xã hội' thật ra đã từng gây tranh luận trong hàng ngũ sinh viên và trí thức Sài Gòn. Giáo sư Nguyễn Văn Trung tỏ thái độ dứt khoát về ảo tưởng này khi cho rằng cách mạng xã hội là điều cần thiết cho xã hội miền Nam nhưng không thể làm với người Mỹ và kết luận: “Thực là một điều vô ích và mất thì giờ nói về cách mạng xã hội với những đảng phái Quốc gia hoặc người Mỹ. Cuộc chiến tranh của Mỹ hiện nay có những điểm giống với cuộc chiến tranh của Pháp lúc trước”. Ông khẳng định tiếp: “Chính nghĩa dân tộc ngày càng rơi vào tay MTGP. Làm 'cách mạng xã hội' với người Mỹ hoặc nói là 'lợi dụng' người Mỹ để thực hiện nó là một điều không tưởng!”
Vào mùa hè năm đó, bản thân tôi sẽ rơi vào ngõ cụt không lối thoát nếu còn tiếp tục theo đuổi những hoạt động mâu thuẫn kiểu này. Nguyễn Xuân Lộc lại ghé thăm tôi và chúng tôi cùng ngồi lại bàn thảo nghiêm chỉnh vấn đề. Cuối cùng đi tới kết luận là không thể nào đợi chờ gì nữa, đã đến lúc phải chọn một hướng đi mới cho các hành động của mình. Chúng tôi đồng ý rằng chỉ tạo thêm ảo tưởng khi tập trung vào công tác xã hội giữa lòng cuộc chiến tranh.
Chúng tôi nhìn lại quá khứ và xác định rõ hơn lập trường của mình: Chính sách đàn áp của Ngô Đình Diệm đã tạo ra sự phản kháng ở nông thôn và gây mất niềm tin nơi người dân thành phố là chỗ dựa của chế độ. Sự dính líu của người Mỹ càng làm trầm trọng thêm các mâu thuẩn trên. Sự can thiệp vũ trang trực tiếp của họ lúc này mang nhiều yếu tố của cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp, chỉ càng làm bùng lên ý thức chống Mỹ khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn. Cách mạng xã hội không thể thực hiện trong một nước không có chủ quyền, vì cách mạng xã hội không phù hợp chút nào với quyền lợi của người Mỹ. Và cũng là một điều phi lý khi đòi người Mỹ thực hiện tự do dân chủ và cách mạng xã hội.
Lộc có lối lập luận thật lô gíc của một nhà toán học: Lúc này chủ quyền dân tộc không còn, 'chính nghĩa dân tộc' không còn nằm bên phe Quốc gia nữa. Sinh viên chúng mình thì không thể lãnh đạo cách mạng, giỏi lắm chỉ làm được vai trò ngòi pháo đấu tranh, chứ không phải là những người làm cách mạng. Thực hiện được cuộc cách mạng chân chính ở Việt Nam, những người làm cách mạng thực sự lúc này là những người của MTGP. Chúng mình cũng không thể ngồi yên hoặc bình thản học hành vào lúc này, mà phải tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu, và phải chọn thế đứng về phía MTGP.
Tôi tìm cách liên hệ với phía MTGP. Một người bạn giúp tìm đầu mối và thăm dò khả năng chúng tôi có thể ra chiến khu. Tôi nhận được câu trả lời thuận lợi. Hình như phía MTGP cho rằng đây là một thắng lợi nếu lôi cuốn được những các thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn ra khu. Chúng tôi được lệnh sẵn sàng lên đường. Người ta dặn chỉ nên đem theo những gì thật cần thiết cho cá nhân mà thôi. Tôi chọn vài bộ quần áo, đồ dùng vệ sinh, hộp kim chỉ và mua luôn một chiếc xe đạp cũ. Bỗng nhiên vào giờ chót, không biết vì cớ gì mà chúng tôi được lệnh phải đợi và chờ tin mới. Không còn cách nào khác hơn là chờ đợi, nhưng tôi rất bối rối và lo lắng. Phải làm gì đây khi mà sự chờ đợi ngày càng kéo dài và những người móc nối chúng tôi cũng biệt tăm luôn? Một người bạn gợi ý thực hiện một chuyến thăm viếng miền Trung, tôi đồng ý. Tôi bay ra Huế vào tháng bảy năm 1965. Trên danh nghĩa chính thức, tôi đi một vòng quan sát sự phát triển của Chương trình Công tác Hè cùng các công tác xã hội khác tại khu vực Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong thực tế, người bạn đã dàn xếp cho tôi tham quan một vùng Giải phóng ở Quảng Nam. Vậy là bảy năm đã trôi qua nay tôi mới trở lại Huế. Cách đây hai năm, chính Huế là nơi khởi động phong trào phản kháng đưa đến việc lật đổ Ngô Đình Diệm, viên tổng thống người Công giáo mà gốc gác cũng ở đây. Từ đó, Huế bỗng nhiên trở thành căn cứ địa của phe Phật giáo đấu tranh. Theo truyền thống thì Huế hướng nội và giữ gìn bản sắc dân tộc hơn là một Sài Gòn thường hướng ngoại và bị ảnh hưởng của phương Tây nhiều hơn. Nhiều bạn học cũ của tôi ở Huế nay giữ các vị thế quan trọng trong phong trào thanh niên sinh viên Phật giáo đấu tranh.
Thành phố vẫn còn sôi động với một đợt chống kháng nội các chiến tranh của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Hàng trăm nhà giáo đại học ở tuổi thanh niên cả miền Nam đã tụ tập về đây. Họ đến Huế để tiếp tay với giới giáo chức đại học địa phương chống lại ý đồ của nội các chiến tranh kiểm soát đại học bằng cách 'động viên' lùa tất cả thanh niên giáo chức đại học vào quân đội. Họ vừa tụ tập tại đây thì chính quyền nhượng bộ, tuyên bố tạm thời đình chỉ lệnh động viên. Vậy là mạnh ai về nhà nấy. Phải chăng đó là cách đấu tranh của giới trí thức. Một khi mà quyền lợi được thoả mãn thì họ dễ dàng thỏa hiệp! Tuy vậy, tập thể sinh viên Huế nhân đó tấn công luôn chính quyền quân sự Sài Gòn, đòi họ phải tiến hành tổ chức bầu cử quốc hội, lập lại các định chế dân chủ như đã hứa hẹn từ ngày lật đổ Diệm.
Nhân có mặt một thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn, họ mời tôi lên phát biểu tại một cuộc họp đông đảo sinh viên ở giảng đường trường khoa học (rạp chiếu bóng Morin cũ). Tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải để cho nhân dân miền Nam được tự do thể hiện quyền của mình thông qua bầu cử tự do. Chủ quyền dân tộc trước tiên phải được tái lập. Chính nhân dân Việt Nam có quyền quyết định về chiến tranh hoặc hoà bình, chứ không phải do ai khác! Cho đến nay, chính quyền luôn rơi vào tay một nhóm tướng lãnh hoặc phe phái chính trị không tên tuổi nào đó, không biết từ đâu tới và hoàn toàn do ngoại bang điều động. Sinh viên Việt Nam chúng tôi quyết không chấp nhận kéo dài một tình hình như vậy.
Ngay tối hôm đó, đài phát thanh BBC của Anh mà nhiều người mình rất thích nghe, đã nói về sự có mặt và lập trường chính trị mới của tôi ở Huế, đặt vấn đề phải chăng đây là dấu hiệu của một đợt phản kháng mới đang hình thành. Họ cũng suy đoán rằng đang có một sự phối hợp hành động chặt chẽ hơn giữa sinh viên Sài Gòn và Huế, một sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong các năm gần đây. Bản tin này chắc chắn là không làm hài lòng người Mỹ và các tướng lãnh Sài Gòn.
Ở Huế, tôi đã gặp gỡ nhiều bạn cũ lẫn bạn mới. Nào các bạn học cũ như: Vĩnh Kha, Chủ tịch Đoàn sinh viên Phật tử kiêm luôn Chủ tịch Tổng hội sinh viên đại học Huế; Hoàng Văn Giàu, chủ tịch Đoàn giáo chức trẻ đại học thân Phật giáo. Đó là các lực lượng nòng cốt cho cuộc đấu tranh Phật giáo miền Trung bấy lâu nay. Trong số các bạn mới có Nguyễn Đắc Xuân, một sinh viên Phật tử năng động trong phong trào đấu tranh đồng thời là một nhà thơ có tiếng. Hai anh em họ Hoàng Phủ, một người là nhà giáo dạy triết ở trường Quốc Học tên là Ngọc Tường và người kia là Ngọc Phan, một sinh viên y khoa rất hoạt động (3).
Tôi dự buổi họp mặt tại 'Thảo lư', ngôi nhà vườn nhỏ trong thành nội của anh em họ Hoàng. Đây phải nói là một buổi thảo luận phản ánh được tâm tư nguyện vọng của giới trẻ miền Nam lúc đó. Tôi quyết định không nói gì nhiều, cốt lắng nghe lập luận các bên. Tôi nhìn thấy sự có mặt của mấy thanh niên hoạt động ở Sài Gòn. Nào Thế Uyên và nhóm biên tập tờ tạp chí Văn học. Uyên đang ở trong quân đội, chủ bút một tạp chí nhỏ mang tên Thái Độ. Anh là cháu của nhà văn Nhất Linh, một tên tuổi lớn trong nhóm Tự lực Văn đoàn thời tiền chiến và lãnh tụ Quốc Dân Đảng đã từng giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao chính phủ Hồ Chí Minh năm 1946. Ông ta đã tự sát phản kháng chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoàn giáo chức, sinh viên Huế thách thức chính quyền Sài Gòn
Uyên thành thật thú nhận rằng các đảng phái Quốc gia lẫn tướng lãnh thân Mỹ không thể nào đương đầu nổi cuộc chiến tranh cách mạng. Anh ta đề xuất giải pháp thực hiện một “cuộc cách mạng thực sự do chính những người trẻ lãnh đạo”. Anh ta nói thao thao bất tuyệt về các lập luận làm cách mạng xã hội trong vòng tay người Mỹ đang thời thượng ở Sài Gòn, một ảo tưởng lớn! Tôi có thể dễ dàng bác bỏ từng điểm một của lập luận đó, nhưng không nói ra. Ngọc Phan nóng mặt phản pháo ngay: Một cuộc cách mạng thực sự đòi hỏi phải có chủ quyền dân tộc và một chính quyền độc lập. Đó là những cái mà hiện tại chúng ta đâu có. Người Mỹ thì có mặt ngày càng nhiều trên đất nước. Vấn đề chính yếu bây giờ là phải có chủ quyền dân tộc.
Ngọc Tường thì ôn hòa hơn, còn tin tưởng vào một số giải pháp nhân văn mang tính bất bạo động Phật giáo cho cuộc xung đột nhưng cũng thất vọng về leo thang chiến tranh của người Mỹ và sự kiện chính quyền tướng lãnh Sài Gòn ngày càng nhượng quyền cho người Mỹ.
Khi bàn về vấn đề Phật giáo đấu tranh đòi thực hiện dân chủ qua bầu cử. Ngọc Phan cho rằng đó là biện pháp 'nửa vời' của những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong Phật giáo. Nhiều anh em thất vọng về diễn tiến đấu tranh của phong trào Phật giáo hiện nay. Nếu khởi đầu chống Diệm, Phật giáo đã được tổ chức, đoàn kết và lãnh đạo tốt bao nhiêu thì nay đã chia năm xẻ bảy. Nhất là ở Sài Gòn, họ chia phe phái xung đột lẫn nhau, người Phật tử không biết hướng về đâu. Tôi chỉ đồng ý với ý kiến của Thế Uyên cho rằng cuộc chiến Việt Nam đã rẽ sang một bước ngoặt mới khi người Mỹ trực tiếp đổ quân lên. Cuộc chiến Việt Nam đã biến thành một phần của xung đột quốc tế không dễ dàng giải quyết giữa người mình với nhau, như Phật giáo mong muốn. Nhưng tôi lại cho rằng Ngọc Phan có lý khi nói rằng cần đặt lại vấn đề từ gốc rễ, khởi đầu với chủ quyền quốc gia dân tộc.
Nhóm thanh niên từ Sài Gòn đến thì cho rằng phải đánh Cộng sản trước, nhưng cuộc chiến đấu phải do những người lãnh đạo tốt hơn là nhóm tướng lãnh hiện nay. Họ cho rằng nay vẫn còn nhiều lãnh tụ quốc gia có năng lực có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc gia. Có lẽ họ muốn nói đến những người Quốc Dân Đảng, Đại Việt được gài vào guồng máy các cấp. Họ hy vọng 'lợi dụng' được người Mỹ để thực hiện cuộc 'cách mạng xã hội' đồng thời chiến đấu chống Cộng sản. Phải chăng đây lại là một ảo tưởng khác của thế hệ mới của phe Quốc gia Sài Gòn. Tôi không muốn gây nghi ngờ khi bày tỏ công khai ở nơi đây những điều mình thực sự suy nghĩ, chỉ thấy mình tán đồng với ý kiến của Ngọc Phan là: “Ưu tiên của mọi cuộc đấu tranh lúc này là 'chủ quyền dân tộc', trước khi chúng ta muốn đặt các vấn đề khác”.
Cuối cùng, chúng tôi bàn về tình trạng Phật tử đấu tranh Huế. Tuy lập trường của tôi khác biệt với người Phật giáo tin tưởng vào giải pháp bầu cử, tôi vẫn nhìn thấy họ là một lực lượng quần chúng đô thị đáng chú ý. Dẫu sao cho đến nay họ vẫn còn ý thức đặt vấn đề chủ quyền dân tộc cũng như chưa liên hệ nhiều với quyền lợi Mỹ, không giống như các chính khách hoặc phe Phật giáo Tâm Châu người Bắc di cư ở Sài Gòn. Tuy vậy, phong trào đấu tranh Phật giáo ở Huế đang thực sự đứng trước ngã ba đường.
Sau ngày Diệm bị lật đổ, nhân dân không mấy hy vọng vào đám tướng lãnh đảo chính mà nhìn về phía phong trào Phật giáo miền Trung, với vị thượng toạ bí ẩn và uy tín Trí Quang cùng những đồ đệ của ông ở đại học Huế (4). Cơ quan ngôn luận của họ là tuần báo Lập trường, mà ai cũng muốn đọc và theo dõi. Tuy vậy, lập luận của nó nhiều lúc rất mâu thuẫn nhau, có lẽ vì lý do chiến thuật, nặng về lập trường dân tộc, nhưng cũng tỏ ra chống Cộng và thân thiện với Mỹ. Ban biên tập gồm toàn các giảng viên Phật tử trẻ ở đại học Huế như Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Hoàng Văn Giàu...
Họ rất tự hào về vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh chống Diệm và chủ trương phục hồi bản sắc dân tộc Việt Nam. Họ thường phê phán Sài Gòn, cho rằng thành phố này chịu ảnh hưởng quá nhiều của phương Tây và họ còn đi xa hơn khi gợi ý nên chuyển chính quyền trung ương miền Nam về cố đô Huế. Những điều đó đã từng gây nên trận bút chiến giữa Sài Gòn và Huế. Trong thực tế, họ có đầy đủ lý do để mà hãnh diện vì họ thuộc thế hệ những người Quốc gia trẻ tuổi hơn ở miền Nam không dính dáng gì đến quá khứ thuộc địa Pháp hoặc Mỹ giống như hầu hết những lãnh tụ Quốc gia già nua hoặc tướng lãnh Sài Gòn. Họ ý thức được vai trò mới của họ trong tình hình hiện tại của miền Nam. Tuy vậy, một khi cần phải đưa ra các giải pháp cho cuộc chiến, họ lại chỉ đưa ra được giải pháp kinh điển, nào là bầu cử quốc hội, lập lại các định chế dân chủ, điều mà cả Mỹ, Sài Gòn và cả MTGP đều không mong muốn vào giai đoạn này. Ví như tờ Lập Trường vào tháng 4 năm 1964 phải chăng đã ngây thơ khi kêu gọi: “Nước Mỹ phải làm hết sức mình để giúp người Việt Nam thành lập một chế độ thực sự dân chủ”!
Vào lúc tôi ra Huế giữa năm 1965, Thượng tọa Thích Trí Quang còn là nhà lãnh đạo nổi bật. Ông từng là một nhà lãnh đạo trẻ cách tân Phật giáo Việt Nam từ những năm 1940 và năng nổ trong phong trào đấu tranh chống Diệm. Ông cũng là một người yêu nước nhiệt thành thường bị các phe phái chống đối cho là có tham vọng muốn biến Phật giáo thành quốc giáo và luôn chủ trương đòi tái lập chủ quyền quốc gia. Một nhà báo Pháp đã đưa ra nhận xét: “Trí Quang là một người Việt chân chính, đó cũng là điểm mạnh lẫn điểm yếu của ông ta!” Có vẻ như nhà báo Pháp muốn nói đến nhiệt tình của một người yêu nước lẫn tầm hiểu biết giới hạn của một con người chỉ ở trong nước về chính trường quốc tế thời Chiến tranh Lạnh.
Thượng tọa Thích Trí Quang, 1965
Trong thực tế, tình hình chính trị ngày càng tồi tệ hơn sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Vào năm ngoái, Phật giáo thất bại trong việc chống lại những kẻ theo Diệm còn rơi rớt lại, gồm phần lớn là người Công giáo và cả việc đòi thực hiện bầu cử dân chủ ở các cấp địa phương với phong trào thiết lập các 'Hội đồng Nhân dân Cứu quốc'. Đó là các tổ chức mang tính quần chúng cơ sở do Phật giáo chiếm đa số tại các tỉnh thành lớn ở miền Trung. Tuy vậy, phong trào không thể lan rộng đến Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long. Các hội đồng cứu quốc bị tố cáo là đầy dẫy Cộng sản xâm nhập, thù nghịch Công giáo, gây rối loạn và có hành động chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Phải nhìn nhận sinh viên Huế có lẽ là những người đầu tiên ở các đô thị miền Nam Việt Nam dám ngang nhiên kéo tới phòng thông tin Mỹ công khai đốt phá để phản đối những tin tức xuyên tạc bôi nhọ phong trào đấu tranh Phật giáo của đài Tiếng nói Hoa Kỳ 'VOA'. Tiếp theo là việc săn đuổi tàn dư đảng Cần lao Nhân vị còn trung thành với Diệm và đã từng xảy ra đổ máu. Tại Đà Nẵng, các nhóm Công giáo di cư được người Mỹ vũ trang và huấn luyện để tung ra miền Bắc, phản ứng lại và gây thương tích nhiều người biểu tình Phật giáo. Tình hình diễn ra trông giống như một cuộc chiến tranh tôn giáo đã xuất hiện tại các đô thị miền Trung. Quân đội phải can thiệp để tránh đổ máu thêm nữa.
Lúc này thì những thủ lĩnh Phật tử trẻ tuổi tôi quen biết ở Huế đang bận rộn với chiến dịch vận động bầu cử tự do. Họ thực sự đang rơi vào ảo tưởng nắm chính quyền vào lúc mà Mỹ leo thang chiến tranh và củng cố nội các chiến tranh do tướng không quân 'cao bồi' Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu. Tuy vậy, nếu tôi thất vọng với đường lối lãnh đạo Phật giáo chính thống bao nhiêu thì tôi lại lạc quan bấy nhiêu với phần lớn anh em trong phong trào sinh viên Huế, khi nhìn thấy họ tự tin và tràn đầy nhiệt huyết yêu nước. Có lẽ họ đang chờ đợi một thời cơ khác để dấn thân quyết liệt hơn.
Tôi rời Huế sau một đêm thức trắng nói chuyện với hai anh em nhà Hoàng Phủ. Tôi nghĩ rằng Ngọc Phan có lẽ đã đứng hẳn về phía MTGP rồi. Nhưng Ngọc Tường thì vẫn còn trăn trở trong việc tìm kiếm một hướng đi mới. Anh bối rối trước các giải pháp cho miền Nam Việt Nam và có lẽ cũng đang trải qua quá trình “nhận dạng kẻ thù” cam go như chúng tôi ở Sài Gòn suốt cả năm qua. Lớp tiểu tư sản thành thị chúng tôi lúc đó dẫu sao cũng còn e dè về chủ nghĩa và con người Cộng sản. Dù sao anh vẫn là một nhà triết học, không dễ dàng chấp nhận các giải pháp làm sẵn. Tuy vậy, tôi nghĩ hiện nay anh đang bối rối trước sự kiện có mặt ngày càng đông đảo của binh lính Mỹ. Lúc này tình hình không còn êm ả của những năm trước khi ta còn có thể ngồi cân nhắc các giải pháp. Tôi nhớ Ngọc Tường từng chủ trương một lập trường Phật giáo mang tính nhân văn và ôn hòa trong việc giải quyết chiến tranh Việt Nam. Tình hình hiện nay không còn cho phép một giải pháp 'đứng trên' hoặc 'đứng giữa' tương tự xuất hiện. Đối với những thanh niên trong phong trào đấu tranh đô thị như chúng tôi, trước mắt nay chỉ còn rất ít sự lựa chọn, hoặc chính quyền Sài Gòn hoặc MTGP.
Ngày hôm sau, tôi rời Huế cùng mấy thanh niên IVS Mỹ (5) tham quan vài điểm công tác xã hội trong vùng. Phong trào công tác xã hội do người Mỹ yểm trợ đang hình thành. Các giáo viên đưa học sinh đến công tác tại mấy trại dân tỵ nạn ở ngoại ô Hội An, lúc đó là tỉnh lỵ Quảng Nam. Họ dựng các căn nhà khung sườn bằng gỗ lợp tôn, vần cót tre, rồi đào vội vã mấy cái hố vệ sinh cho những người nông dân bị bom đạn lùa về từ các vùng nông thôn chung quanh. Lính Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu các cuộc hành quân 'Lùng và Diệt' chung quanh Đà Nẵng. Bom đạn đang lùa người nông dân về thành phố, vào các trại tỵ nạn, trong chiến dịch ‘Tát cá khỏi nước’ của Mỹ.
Trại tỵ nạn này dựng trên một khu đồi cát khô cằn không có một bóng cây, kẽm gai rào chung quanh giống như các trại tập trung, trông thật thê lương. Tôi nhìn thấy rõ những khuôn mặt mệt mỏi và sợ sệt. Không biết họ nghĩ gì về chúng tôi? Có lẽ họ cho rằng đây là mấy quan chức Mỹ và đám thông dịch người Việt đi kiểm tra công tác của nhóm thanh niên học sinh vô công rỗi nghề, sinh sống yên lành trong vùng thành thị không có chiến tranh.
Các thanh niên IVS Mỹ cũng không nói gì nhiều. Phần lớn họ là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học và tình nguyện làm công tác xã hội ở nước ngoài, đáp lại lời kêu gọi của tổng thống Kennedy tiến về các 'biên cương mới' của đói nghèo và lạc hậu. Khi đã bắt tay vào một việc gì thì họ làm cật lực theo như tính cách Mỹ, hoàn thành tốt công việc được giao. Đó là công tác trung gian điều phối giữa các nhóm công tác xã hội địa phương và phòng đại diện USOM trong khu vực. Tuy họ giữ thái độ im lặng, nhưng tôi nghĩ rằng trong đầu óc họ đã bắt đầu xuất hiện những điều nghi vấn về tình trạng phi lý và mâu thuẫn mà họ đang dính dáng vào. Một mặt thì họ đi cứu trợ những người dân tỵ nạn, mặt khác, bom đạn Mỹ tạo ra người tỵ nạn cho họ chăm sóc!
Chúng tôi phải lên xe về Đà Nẵng sớm vì đoạn đường ngắn chỉ có 20 km từ Hội An về Đà Nẵng thường không mấy an toàn cho xe Mỹ. Xe có thể bị du kích bắn tỉa. Về đến Đà Nẵng mà trời vẫn còn sáng. Tôi chào từ giã họ đi tìm một người cần gặp, theo như sự sắp đặt từ Sài Gòn.
Nguyễn Hữu Thái
CHÚ THÍCH :
1. Hai ông Trung đều là trí thức Công giáo tiến bộ, giảng dạy ở khoa Triết tại đại học Văn khoa Sài Gòn, có các bài viết gieo ý thức cách mạng xã hội, giải phóng dân tộc cho lớp sinh viên miền Nam thời chiến tranh Việt-Mỹ
2. Nhất Hạnh: nhà tư tưởng lớn theo hướng chấn hưng Phật giáo, đưa đạo vào đời, chủ trương hòa bình, hòa hợp hòa giải dân tộc, hoạt động tích cực ở hải ngoại
3. Tường và Phan là hai anh em hoạt động rất tích cực trong phong trào giáo chức và sinh viên đấu tranh ở Huế, sau sự kiện năm 1966 đều thoát ly ra chiến khu
4. Nhóm ‘Lập Trường’ bị cả phe Quốc gia lẫn Cộng sản không tán đồng nhưng đều phải lắng nghe trong các năm 1963-1966
5. “International Voluntary Services”: tổ chức thanh niên tình nguyện Mỹ, hoạt động theo mẫu Đoàn Hòa bình (Peace Corps) do tổng thống Mỹ Kennedy chủ xướng vào đầu các năm ’60, chủ yếu tập trung về các lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp