Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Sân trường kỷ niệm

 

- Kỳ 1: Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền

MINH TỰ

TTO - Đó là mùa hè năm 1985 - năm có những sự kiện không thể quên của đất nước. Năm đó, chúng tôi 16 tuổi, vừa học xong lớp 10 và bước vào một mùa hè đầy nhọc nhằn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1:  Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền - Ảnh 1.

Thẩn thơ tìm lại kỷ niệm xưa trên sân Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng - Ảnh: M.TỰ

Sân trường rộn ràng tiếng cười đùa một thời hoa niên và rực màu phượng đỏ. Trong mỗi chúng ta ai cũng có những sân trường kỷ niệm trong trái tim mình, dù đó là sân trường đẫm bùn đất miệt bưng biền hay dày dặn lịch sử, danh giá như trường Petrus Ký, Quốc học, Văn khoa Sài Gòn...

Đó là mùa hè năm 1985 - năm có những sự kiện không thể quên của đất nước. Năm đó, chúng tôi 16 tuổi, vừa học xong lớp 10 và bước vào một mùa hè đầy nhọc nhằn.

"Ta lớn lên bối rối một sắc hồng"

Năm đó, học sinh khối chuyên văn và Anh văn tỉnh Bình Trị Thiên vẫn còn học ở Trường phổ thông trung học Hai Bà Trưng, tức là Trường nữ trung học Đồng Khánh trước 1975. 

Khối chuyên toán và vật lý thì học ở Trường phổ thông trung học Quốc học, nguyên là trường nam trung học từng mang tên vị vua Khải Định, nằm ngay sát cạnh. Học sinh từ bắc đèo Ngang vào đến nam đèo Hải Vân trúng tuyển kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi thì được về đây học. 

Vì vậy, trường dành dãy nhà trệt ở phía sau làm khu nội trú cho học sinh ở xa. Biết bao buồn - vui, sướng - khổ đã diễn ra với chúng tôi ở cái góc nội trú lặng lẽ cuối trường ấy.

Kết thúc năm học lớp 10 đầy thú vị và không ít gian khổ vì thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi trở về quê nghỉ hè. Sau một tháng hè ở quê, nỗi nhớ trường, nhớ phố, nhớ những hiệu sách báo cứ cồn cào trong lòng. 

Tôi đón xe đò lên phố và hối hả tìm đến ngôi trường màu hồng của mình. Bước chân qua cánh cổng trường và trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ lạ chưa từng thấy. 

Sân trường đỏ rực bởi một rừng phượng vĩ đang trổ hết màu đỏ của mình. Trên các tán cây là những quầng hoa đỏ, dưới mặt đất cũng là một thảm đỏ.

Ánh mặt trời rọi xuyên qua tán hoa tạo nên một thứ ánh sáng đỏ lung linh. Chiếc áo trắng của tôi đã thành chiếc áo hồng. Cả người tôi cũng hồng rực lên như ai đó dùng cả thùng nước màu đỏ giội lên. 

Cái không gian đã quen thuộc với lũ học trò nội trú chúng tôi qua mỗi ngày nắng đêm mưa, sao giờ trở nên lạ lẫm như cõi nào đó trong cổ tích. 

Tôi đứng im trong sân trường vắng lặng chỉ có mình tôi và dặn lòng phải lưu vào bộ nhớ phút giây và khung cảnh thần tiên này. Đó là một ngày đầu tháng 7-1985.

Phút giây đó tôi liền nhớ tới những câu thơ của một nhà thơ xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm: "Ta lớn lên bối rối một sắc hồng/Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi/ Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội/ Ta nhận ra mình đang lớn khôn". Những câu thơ dường như không thể thiếu trong sổ tay của rất nhiều đứa học trò thuở ấy.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1:  Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền - Ảnh 2.

Những tấm ảnh kỷ niệm của các thế hệ Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được trưng bày trên sân trường - Ảnh: M.TỰ

Khát chữ và khát nước

Học sinh phổ thông thì nghỉ hè ba tháng, còn khối chuyên thì chỉ nghỉ hai tháng, nên đầu tháng 8 là khu nội trú chúng tôi lại đông đúc trở lại. 

Đó cũng là lúc cao điểm của nắng nóng và hạn hán. Nước mặn từ Biển Đông tràn vô phá Tam Giang, xâm nhập vào sông Hương và chảy ngược lên đến tận bến Tuần. 

Nhà máy nước không thể xử lý được nên thứ nước lợ đó theo đường ống chảy đến tất cả các gia đình. Không thể quên được vị mặn của muối biển pha lẫn nước sông tạo thành một thứ nước lờ lợ, rất khó nuốt trôi.

Người dân cả thành phố phải chạy lên các chùa, về các làng vùng ven để chở nước giếng về uống và nấu cơm. Mọi việc tắm giặt đều phải dùng nước máy nhiễm mặn. Tắm xong là cái đầu tóc rối bù và rít rát vì muối biển. 

Lũ học trò nghèo nội trú chúng tôi vì không có tiền mua nước ngọt để uống nên đành ngửa cổ mà nuốt cái thứ nước lờ lợ đó. Càng uống càng khát hơn. Lại thêm cái nóng như bức của cao điểm mùa hè. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thèm khát nước ngọt như lúc đó. 

Không đủ nước uống mà lại phải gặm một khối chữ nghĩa quá lớn dành cho học sinh chuyên, nên cái đầu đứa nào cũng khô rốc như đá ong. Đó là một mùa hè khắc nghiệt, càng khắc nghiệt hơn với lũ học trò nghèo xa nhà như chúng tôi.

Sân trường thành bãi sắt vụn

Học được hai tuần thì nhà trường triển khai chiến dịch thu gom sắt vụn. Đó là thời điểm mà "phong trào" thu gom sắt vụn để xuất khẩu đang rầm rộ. Sau chiến tranh, sắt thép phế liệu ngổn ngang khắp nơi. 

Nhưng chỉ vài năm xuất khẩu, sắt thép phế liệu đã trở nên khan hiếm. Vì vậy, giá sắt vụn tăng cao, và nhiều cơ quan đã kiếm thêm được một cục tiền từ thứ phế phẩm chiến tranh này để giúp cho nồi cơm của cán bộ - công nhân viên bớt độn khoai sắn thời đó.

Mỗi học sinh Trường Hai Bà Trưng tham gia phong trào bằng 30kg sắt vụn. Chỉ chừng đó thôi mà chúng tôi lục lọi suốt mấy ngày vẫn không tìm ra đủ. Cả thành phố đều săm soi sắt vụn thì thứ rác ấy còn đâu nữa mà tìm. 

Các xí nghiệp cơ khí, nhà ga, bến xe... là mục tiêu tìm kiếm sắt vụn của lũ học trò. Chúng tôi xin được một thanh ray mà bảo vệ trường trung cấp cơ điện dùng làm gác chắn cổng trường. Thanh ray nặng đến mức giúp chúng tôi... thở phào nhẹ nhõm vì đã kiếm đủ chỉ tiêu sắt vụn cho cả mấy đứa.

Sân Trường Hai Bà Trưng thơ mộng hôm nào đã trở thành một bãi sắt phế liệu. Những chiếc xe tải vào chở đi, những chuyến tàu phế liệu xuất cảng, và mang về cho trường một nhà in hiện đại nhất Huế bấy giờ. Xưởng in Hai Bà Trưng đặt tại dãy nhà trệt đối diện khu nội trú, nay là chỗ nhà tập luyện thể thao của trường. 

Lúc đó, cả thành phố Huế chỉ có một xí nghiệp in và in bằng kỹ thuật typo rất lạc hậu. Xưởng in Hai Bà Trưng in bằng kỹ thuật offset với máy móc hiện đại nên chất lượng in rất cao. 

Tạp chí Sông Hương những số báo nóng hổi gắn liền với cuộc đổi mới được in tại đây, với bìa và phụ bản màu in trên giấy láng đẹp long lanh. Chẳng mấy chốc "xưởng in Hai Bà" đã trở nên nổi tiếng cả vùng.

Đổi tiền

Mùa hè 1985 của chúng tôi kết thúc khi chiến dịch thu gom sắt vụn bước vào đợt hai, sau đợt một rất thành công. Sáng sớm ngày 14-9, chúng tôi thức dậy trong khu nội trú thì nhận được thông báo: đổi tiền. 

Cả lũ học trò nội trú vét túi gom tiền lại để nhà trường đổi giúp, cũng chỉ đổi được vài chục đồng. Vài ngày sau đó, chúng tôi đi ăn bánh đúc chợ Bến Ngự, đưa tờ bạc mới ra các dì còn không dám tin là tiền thật.

Mãi sau này, chúng tôi mới biết đó là cuộc thu đổi tiền quy mô trong lịch sử trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Trước đó, vào giữa mùa hè tháng 6, khi mà chúng tôi đang thả hồn mình theo những cánh phượng rơi trên sân trường thì đã có một chính sách mới ban ra liên quan đến đời sống của những đứa học sinh có "hưởng phụ cấp". 

Đó là nghị quyết 8 về giá - lương - tiền ngày 17-6-1985, nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang nền cơ chế hạch toán. 

Trong đó có việc bãi bỏ chế độ bao cấp về sinh hoạt phí đối với học sinh, và định lại bằng chế độ học bổng theo hướng khuyến khích học sinh giỏi, quan tâm con liệt sĩ và người thiểu số.

Cứ tưởng là khối chuyên sắp giải tán thì cuối tháng 9 năm đó, chúng tôi được chuyển sang Trường Quốc học, nhằm gom toàn bộ các khối chuyên về một mối, học chung một chỗ, ở chung một nơi. 

Mùa hè 1985 khắc nghiệt kết thúc và mùa thu tiếp nối bằng trận bão số 8 với sức tàn phá lớn chưa từng có trong lịch sử vùng đất này. 1985 - năm của những con số 8 không thể quên ...

Lớn khôn qua thử thách gian nan

Bây giờ mỗi khi nhớ lại năm tháng đó, tôi lại càng thấy yêu hơn những câu thơ trong trang vở học trò thuở ấy: "Ta lớn lên bối rối một sắc hồng/Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi/ Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội/ Ta nhận ra mình đang lớn khôn". Đúng vậy, lũ trẻ chúng tôi đã lớn khôn lên qua những thử thách gian nan và biến cố của đời sống...

- Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền

QUỐC VIỆT

TTO - Hằng năm cứ vào đợt những trận mưa đầu mùa tầm tã giội xuống miệt đất bưng biền nghèo khó huyện Đức Huệ, Long An là tôi biết hè đã đến rồi.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền - Ảnh 1.

Nhóm bạn học trò nghèo năm nào. Tấm hình hiếm hoi vì chụp hình thuở đó là “quá xa xỉ” - Ảnh: THANH TUẤN

Mùa học trò phập phồng chờ những con số chấm điểm màu đỏ trên bài thi. Mùa của hồn nhiên chơi đùa suốt cả ba tháng hè mà không hề bận bịu chuyện học thêm như bây giờ. Nhưng đó cũng là mùa của xa cách, nhớ nhung trường lớp, bạn bè và cả cái sân trường quê đẫm bùn đất.

Sân trường đất rộn tiếng cười vui

Đó là năm 1989, đất nước sang trang đổi mới nhưng cái nghèo vẫn hiện diện ở khắp mảnh đất phèn chua, cây lúa còi cọc giữa ngút ngàn rừng tràm quê tôi. Ngôi trường cấp II tôi học có cái tên ngồ ngộ Bình Hòa Bắc trùng với tên xã, mà sau tôi biết chữ Bắc được đặt là để phân biệt với một ngôi trường và xã khác mang tên Bình Hòa Nam.

Sau này được lên TP.HCM học cấp III, đại học ở trường xây khang trang, rồi nghề nghiệp cầm bút cho tôi nhiều dịp vào các trường học trên các miền đất nước, nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngôi trường thân thương của mình. Ngôi trường đúng nghĩa bằng đất với đường đất, sân đất, nền đất và cả vách lớp cũng bằng đất. Ban đầu, một số mái lớp còn lợp bằng lá cỏ bàng, dần mới được thay mái tôn.

Có biết bao ký ức về ngôi trường của thời hoa niên nghèo khó, nhưng hình ảnh tôi không thể quên được chính là sân trường. Vì ở quê nên trường tôi ngày ấy có đến hai cái sân. Một cái sân bóng rộng mênh mông phía sau trường và một cái sân trung tâm giữa các dãy lớp. Và tất nhiên sân nào chỉ là nền đất, thậm chí sân bóng còn có cả những... vũng trâu đằm vì mùa hè vắng học sinh, người dân thả trâu vào ăn cỏ. 

Tôi còn nhớ những trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 như thế này, thi thoảng những đứa học sinh tinh nghịch như chúng tôi còn bắt được cả con cá rô lội ngược nước lên bãi cỏ sân bóng. Trò chơi bắt cá như không thể có gì thú vị hơn với đám học trò miệt bưng biền.

Khi tôi vào lớp 1 năm 1981, ngôi trường Bình Hòa Bắc đã có rồi. Tôi chỉ được nghe kể lại trường được dựng lên sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 để dạy chữ cho con em dân địa phương và dòng người thành phố đi kinh tế mới như gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, chẳng biết từ bao giờ mà sân trường quê ấy đã có những cây điệp cổ thụ rất to, phải to bằng cả vài vòng tay học trò chúng tôi, tỏa bóng xanh mát rượi sân trường.

Học sinh thành phố ngày nay có nhiều thứ hiện đại để giải trí, có lẽ khó trải nghiệm được cái sân trường quê ngày ấy là "trung tâm" với đám học trò nghèo chúng tôi như thế nào. Giờ ra chơi, các lớp túa hết ra sân trường. Học sinh lớp nhỏ có thú lò cò, bắn bi, búng vòng thun, ném hạt điều của tuổi nhỏ. Lứa lớn hơn mải mê bóng đá, bóng chuyền, hoặc đơn giản là túm tụm trò chuyện, nô đùa tự do quanh các gốc cây. 

Kể cả những đôi mắt nam, nữ e ấp nhìn nhau mà không dám nói nên lời. Tình cảm nhẹ nhàng, xao xuyến đầu đời của tuổi học trò. Có đôi giấu kín được, nhưng nhiều đôi thường bị bạn bè trong lớp phát hiện. Thế là đầy những lời chọc ghẹo vô tình và cố ý làm cho bạn trong cuộc mắc cỡ đến đỏ mặt, thậm chí ngại cả vào lớp.

Năm tôi học lớp 9 đã thích chơi bóng chuyền và sân trường rợp tán xanh là cả một bầu trời đam mê. Học trò nghèo miệt bưng biền, đến trái bóng cũng là thứ vô cùng quý giá. Ngày nay, mấy bạn trẻ tin được hồi đó cả năm chúng tôi chỉ có một trái bóng mà vẫn chơi "máu lửa" đến mức đứt chỉ, sút da làm quả bóng tròn biến dạng như quả bóng... bầu dục.

Thế mà chúng tôi vẫn vui vẻ đánh bóng chuyền, đánh cho đến khi không thể đánh được nữa thì hè nhau lấy dây cước cần câu vá tạm lại để đánh tiếp. Thật khó quên cảm giác những đứa trai mới lớn được "biểu diễn" trước các bạn nữ vui vẻ ngồi dõi theo chúng tôi chơi bóng chuyền.

Sau này, bạn bè trưởng thành mỗi đứa một phương. Thi thoảng tụ họp được, chúng tôi vẫn nhắc nhớ kỷ niệm trường lớp năm xưa. Quanh đi quẩn lại toàn ôn những chuyện "nghèo mà vui, vui mà nghèo". Những năm cuối thập niên 1980 đó, hầu hết học trò quê chúng tôi đều bụng đói đến trường mỗi sáng. 

Ít đứa có ăn thì cũng chỉ là củ mì, củ khoai lang luộc hoặc chén cơm nguội với muỗng nước mắm, muối ớt hay ngon lắm là tí cá kho của ngày trước thừa lại. Ấy vậy mà chẳng biết chúng tôi vẫn lấy đâu ra sức để đùa giỡn tưng bừng. Cái sân trường bùn đất trước giờ vào học, giờ ra chơi, tan lớp lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Ngoài học hành, đám học trò năm tháng đó còn có một thú vui "rất lớn" là thỉnh thoảng có ngày "lao động xã hội chủ nghĩa" vào chủ nhật. Ôi thôi, được rời quyển vở, đứa cầm cái cuốc, đứa vác cái liềm, đeo bao bố đi làm việc "người lớn" ở sân trường mà vui như hội hè. Học sinh cấp III thì có thể tham gia đào ao, đào kênh. 

Còn lứa cấp II thì dọn cỏ, trồng cây quanh trường. Tiếng nói cười như vỡ tung lồng ngực và cả những đôi mắt len lén nhìn nhau khi lao động. Cái thuở thiếu miếng ăn mà không hiểu năng lượng học trò đâu ra vẫn lắm thế.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền - Ảnh 2.

Ngôi trường đất ngày xưa nay đã được xây khang trang nhưng những gốc cổ thụ vẫn còn đó - Ảnh: THANH TUẤN

Trò nghèo, thầy cũng khổ

Trò nghèo, thầy cô ngày ấy cũng rất khổ. Giáo viên trường tôi hầu hết là người địa phương khác đến dạy, phải ở lại "ký túc xá" là dãy nhà vách đất xập xệ, tối om om sau trường. Cái thuở lương giáo viên ba cọc ba đồng. Tôi không quên ngày tôi và người bạn được tập trung về huyện để thi học sinh giỏi văn tỉnh Long An. Thầy giáo mời chúng tôi cùng ăn sáng với một món duy nhất là trái khổ hoa kho mặn với nước mắm ớt. 

Sau này, đời nghề rong ruổi cho tôi nhiều dịp bên những mâm cơm đạm bạc miền núi hay ê hề thức ăn ngon ở nhà hàng sang trọng, nhưng tôi vẫn nhớ mãi bữa cơm của thầy trò trong một buổi sáng cách đây 32 năm ấy. Bữa cơm nghèo mà vô cùng ngon miệng, ấm áp nghĩa tình thầy trò. Những kỷ niệm đó khiến hình ảnh thầy cô không bao giờ phai nhạt trong tôi!

Ngày nay, hầu hết học trò thành phố tan trường đều về nhà ngay để tiếp tục "chạy sô" với học thêm hoặc không thì vùi đầu với các thú vui điện tử. Còn đám học trò quê chúng tôi thuở ấy tìm nụ cười hồn nhiên trên bàn chân đẫm bùn. Ở lại chơi bóng trong sân trường đến quá trưa, chúng tôi về lại mải mê câu cá, tát đìa. 

Nó vừa là thú vui tuổi thơ quê nghèo không có điều kiện gì khác để giải trí, vừa cũng là cách giúp thêm miếng ăn cho gia đình. Những đứa trẻ cứ chân trần phăm phăm bước trên đồng ruộng, bưng biền để kiếm con cá, con cua. Chuyện chân giẫm phải gai hay xóc gốc cây, miểng chai "nhỏ xíu" như bị kiến cắn, cứ để vậy tự cho nó lành.

Mùa hè năm 1989, tôi chuẩn bị rời trường để về thành phố học cấp III. Kỷ niệm cuối cùng của tôi với bạn bè và trường lớp là hai ngày cắm trại không thể nào quên. Học trò mỗi đứa đóng một chút tiền để góp nhau nấu bữa cơm chung, nhưng nhiều đứa vẫn không có tiền để đóng. Tôi được bà nội nói mang vài lít gạo ra chợ đổi lấy ít đồng đóng tiền cắm trại.

Bà chủ quán thường ngày rất thương tôi do là học sinh giỏi của địa phương, nhưng hôm đó đã nhìn tôi bằng cặp mắt rất khác lạ. Mãi sau tôi mới hiểu thời nghèo khổ đó hay có chuyện các ông lén vợ, vác gạo nhà đi bán lấy tiền mua rượu uống. Tôi cũng vô tình cầm bọc gạo nhà đi bán...

Tình cảm học trò lãng đãng như hoa phượng đỏ

Ngày ấy ở quê nghèo, sách báo khan hiếm, điện đuốc, tivi cũng không. Nhiều học sinh cuối cấp II và cấp III đã lãng đãng tình cảm hoa niên đầu đời. Bạn trai này thầm thích bạn nữ kia hoặc chỉ từ những lời trêu ghẹo "ghép đôi" làm mắc cỡ rồi đến ngày thầm mên mến nhau.

Lớp 9 tôi học cũng có vài đôi như thế, tình cảm hồn nhiên, trong sáng như màu hoa phượng đỏ ở sân trường. "Sâu đậm" nhất cũng chỉ là lá thư tay lén nhét vào quyển vở học trò. Đường đời sau này, mỗi người một phương, các bạn gặp lại vẫn đùa nhau: "Sao hồi đó bạn không thử nắm tay tui một lần?".

- Kỳ 3: Sân trường ngát xanh giữa thành phố

NGUYỄN HỮU THANH TÂM

TTO - Ngồi xem lại tấm hình cổng trường hiện tại mà bạn gửi, tôi vẫn bồi hồi nhớ như in cánh cổng cũ, mảnh sân xưa của ngôi trường thân thương ấy - Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 3: Sân trường ngát xanh giữa thành phố - Ảnh 1.

Sân trường Nguyễn Thượng Hiền ngày nay - Ảnh website Trường Nguyễn Thượng Hiền

Ký ức thuở hoa niên

Cảnh cổng ký ức như mở ra, sân trường trải rộng đưa tôi về miền nhớ xa xưa hơn 30 năm ngày ấy...

Bây giờ, cổng trường mới đã được dời thụt vào bên trong vài mét nhường cho tuyến metro qua đường Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh. Cái phòng giám thị rêu phong cũ mốc bên phải cổng chính ở sân trước của trường ngày xưa ấy giờ không còn nữa. 

Căn phòng rộng chừng 40m2 là nơi chứng kiến những gương mặt học trò như dài ra chờ... "án" kỷ luật vì áo không phù hiệu, đi dép hoặc cặp táp không đúng quy cách...

Đôi mắt trở về ký ức của tôi như bất chợt nhìn về dãy nhà ngang, phía sau cột cờ cao phấp phới, nơi đó không phải là lớp học mà là khu vực ban giám hiệu và hội trường.

Buổi đại hội Đoàn trường vừa kết thúc. Những tà áo trắng dịu dàng như tan trong nắng trưa. Người đi xe máy, bạn dắt xe đạp, thưa dần rồi vắng lặng. Tôi như ra về sau cùng...

Ngay sát hội trường, cạnh phòng hiệu trưởng là một cây ngọc lan hoa trắng muốt. Bất giác tôi nói: "Giữa trưa mà sao ngọc lan thơm quá?". 

Nói vậy thôi mà nhanh thiệt, bạn Trung, lớp 11A4 (niên học 1989-1990), đã leo thoắt lên cây, đưa tay với những cành hoa trong ngần ấy thảy xuống cho cô bé lớp 10 năm ấy đang ngơ ngẩn vì hương hoa. 

Hoa rơi vào chiếc nón lá, nhẹ nhàng như buổi trưa ấy. Tiếng cười trong vắt như quyện với nắng hanh vàng giữa sân trường yên ắng. Hương hoa tưởng chừng vẫn thơm ngát đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm trong ký ức của kẻ ly hương như tôi...

Chuyến đi Melbourne gần đây, thăm lại thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi của chúng tôi năm nào, anh bạn Nguyễn Hà, lớp 12A13 (niên học 1991-1992), khi giới thiệu về mình với thầy, bạn ấy vẫn nhắc: "Thầy còn nhớ ngày xưa thầy gọi tên con với Dũng lên phạt dưới cột cờ không thầy?". 

Thầy trò cười rổn rảng vì kỷ niệm xưa. Sao thầy nhớ nổi. Bao thế hệ học trò đi qua, thầy kỷ luật nhiều đứa trò non dại ngày ấy. Thầy cũng đã động viên biết bao cô cậu trò tuổi vừa lớn ngày ấy. Lúc nào thầy cũng kịp thời dù khen hay chê, dù nghiêm khắc hay ân cần. 

Sân trường thân thương dù ngập nước những ngày mưa, hay nắng lung linh đều chứng kiến những khoảng khắc rất thầy rất trò dưới những tán lá bàng vẫn lặng lẽ thay màu mỗi khi mùa đến...

Sân trường ấy cũng chứng kiến nhiều lần khóc cười của đám đang tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Những tiếng pháo bất ngờ nổ đùng đùng ngày cận tết phá tan không khí nghiêm túc của học đường. Lại bị phạt và lại được thầy khoan dung. Sân trường ngày ấy chứng kiến hết, ghi nhớ hết, giận cũng nhiều và cũng bỏ qua hết!

Hai hàng cây bàng thuở tôi cắp cặp đến trường ấy giờ đã cao tới tầng thượng của ngôi trường, chứ ngày ấy chỉ mới quá đầu bọn tôi một chút, dưới tán lá là những băng ghế đá. 

Thỉnh thoảng có "cặp" nào đấy chỉ là ngồi trò chuyện bâng quơ thôi là thầy Thịnh kỷ luật lại đến nhẹ nhàng nhắc khéo để chúng tách ra về lớp. Nên chắc cũng chẳng có mấy những chuyện tình cảm học đường lãng mạn để mà những cây bàng có cơ hội lắng nghe và cười khúc khích qua kẽ lá.

Nhưng hình như tiếng guốc nữ sinh ngày xưa vẫn vang lóc cóc đâu đó trong sân trường làm xuyến xao những chàng thư sinh một thuở.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 3: Sân trường ngát xanh giữa thành phố - Ảnh 2.

Nữ sinh lớp 12A1 (niên khóa 1989-1992) chụp hình lưu niệm với giáo viên toán, cô Trần Thị Thanh Thủy, ở sân sau trường - Ảnh tư liệu

Sân trường thướt tha tà áo dài

Giờ ra chơi, sân trường như bừng tỉnh. Thời chúng tôi là năm đầu tiên khối trung học thực hiện nữ sinh mặc lại áo dài trắng để giữ nét đoan trang, nữ tính. Sân trường vừa rộn ràng, vừa dịu dàng thanh lịch theo từng bước chân, mềm mại với đôi vạt áo thướt tha đan lượn trong sân trường...

Nếu sân trước là nơi tập hợp cho những buổi lễ trang nghiêm thì sân sau của trường lại là nơi chúng tôi thường đi lao động và thực hành giờ thể dục. 

Đám con gái chúng tôi hay viện cớ này nọ để tập ít hơn đám con trai, chưa kể đến những chiêu trò "ăn gian" núp sau mấy cây tràm chờ gần hết vòng chạy thì về báo cáo ghi điểm. 

Mà nào có qua mắt được các thầy dạy thể dục, nhất là thầy Hiếu: "Hỏi nó trong sân này có mấy gốc cây, nó đếm đủ hết đó!". Thầy cười, khẽ cốc đầu nhỏ Mỹ Đức, 12A10 của niên học 1991-1992.

Sân sau của trường rậm rạp cây cối, thậm chí hồi đó còn hơi vắng vẻ, âm u như cảnh quê. Nhưng hầu hết đứa học trò nào ra đó cũng sẽ nhớ có lần "vượt rào", nếu không về nhà một chút ở khu chăn nuôi bên hông trường thì cũng lẻn đi đâu đó thiệt nhanh rồi quay lại.

Giờ toán, thầy Quảng thường đến trễ vì công việc của gia đình hay sao đó. Mỗi lần thầy đến lại mồ hôi nhễ nhại, tay cầm cái quạt giấy vừa quạt vừa giảng bài. 

Lợi dụng quy định của trường "giáo viên trễ 15 phút thì học trò tự động trật tự xuống sân sau, ra thư viện ôn bài hoặc chơi trong im lặng để các lớp khác tập trung học, không được lảng vảng ở sân trước".

Lớp 10A8 năm đó rất nhiệt tình trong việc canh giờ, thậm chí có lúc "ăn gian" chưa đủ 15 phút là lớp trưởng đã "lệnh di tản" rồi. Đứa ngồi thư viện, đứa vào hội trường ôn bài cho mát, đứa gác cẳng ở những băng ghế đá phía sau hội trường tán dóc. 

Riêng nhóm nghịch hơn một chút lại lén chui rào, đi luồn các con hẻm ra khu Đệ Nhất ăn vặt rồi canh đúng giờ quay về. Cái hàng rào kẽm gai cũng cào rách áo vài đứa rồi, áo dài, áo ngắn gì cũng không chừa.

"Lệnh di tản sau 15 phút" ấy được tụi nhỏ thực hành "nghiêm chỉnh" lắm. Đến nỗi thầy Quảng phải năn nỉ tụi nó: "Các em ráng ngồi chờ thầy một chút, chứ tụi bay cứ y lệnh vầy kẹt cho thầy quá!". 

Nhưng thầy ơi, giờ xa trường lớp rồi, những khoảnh khắc ngày ấy mãi là kỷ niệm mà tụi em giờ vẫn nhắc hoài, nhắc hoài với một tình cảm không gì thay thế được.

ƯỚC GÌ...

Trống trường vừa điểm sáng nay,

Môt đàn bướm trắng còn say nắng vàng

Đưa tay nhặt chiếc lá bàng

Nghe lòng sao bỗng mênh mang nhớ về

Phượng rơi đỏ thắm sắc hè

Tiếng thầy, tiếng bạn vọng về đâu đây

Hàng cây trong sắc nắng đầy

Như dâng bao nỗi niềm này vấn vương...

30 năm đã xa trường,

Bồi hồi nhớ lại, thân thương tháng ngày

Bên thầy, bên bạn cùng bay

Những ngày nắng đẹp, những ngày đầy mưa

Ước chi trở lại ngày xưa

Nhớ về một thưở sớm trưa cô, thầy

Ước chi gom hết được mây,

Cho niềm thành kính phủ đầy trời cao

Ước chi trở lại ngày nào

Cho yêu thương mãi thấm vào trong tâm

Cuộc đời những lúc thăng trầm,

Dừng chân, trở lại thâm trầm - trường xưa

Bình yên đong mãi cho vừa

Sao nghe tiếng gió bỗng đưa trên cành

Ngước nhìn lên khoảng trời xanh

Mỉm cười mà mắt long lanh lệ nhòa...

Thanh Tâm (8-2020)

Khu rừng" sau trường

Qua thập niên 1990, khoảnh sân sau rộng lớn của Trường Nguyễn Thượng Hiền được xây dựng dần thêm các khu học.

Nhưng hồi nửa đầu thập niên 1980 về trước, nó vẫn còn như khu rừng um tùm, vắng vẻ có cả các gốc cây cổ thụ lớn bằng vài vòng tay học trò lẫn các cây nhỏ mới được trồng thêm.

Hồi năm 1983-1985, nhà tôi sát bên tường rào nên chiều chiều hay trèo vào chơi. Cả một trời ký ức với tuổi thơ nghịch ngợm như trèo cây tìm tổ chim, bắt ốc, mò cua ở các vũng cỏ đọng nước tù vào mùa mưa.

Nhớ nhất là góc sân sau của Trường Nguyễn Thượng Hiền ngày ấy vẫn còn các dãy nhà tôn được kể là của "lính Đại Hàn" dựng trước năm 1975.

Một số phòng được tận dụng làm lớp học tình thương, còn lại thì bỏ hoang cho đám nhóc tụi tôi tha hồ chơi trò trốn tìm, dọa ma, thậm chí nghịch dại đến mức leo lên mái tôn xem đứa nào dám "phi thân" xuống đất.

QUỐC VIỆT

Hồi đó có "câu thiệu" lan truyền trong lứa tuổi học trò vào trung học "Nam Petrus Ký, nữ Gia Long". Ước mơ của bao người.

- Kỳ 4: Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi

LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Bắt đầu những ngày hè của năm tiểu học cuối cùng là bọn học sinh lớp nhất năm 1965 (nay là lớp 5) bỗng trở nên căng thẳng. Những mùa hè về trước, bắt đầu một mùa hè thì 'ta chỉ có một mùa hè thôi' để chơi đùa.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 4: Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi - Ảnh 1.

Cổng trường Petrus Ký năm xưa - Ảnh tư liệu

Một mùa hè đúng nghĩa của mùa hè là để nghỉ cho qua cơn mùa nắng tuổi thơ. Chơi cho hết mùa hè để chuẩn bị sang năm vào lớp cao hơn.

Mong ngày tựu trường

Nhưng mùa hè năm cuối cùng tiểu học, chúng tôi phải chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng của đời học sinh từ bước chuyển tiếp tiểu học lên trung học. Một bước chuyển tiếp của sự ngố tiểu học để trở thành những thằng ngáo của các lớp đầu tiên bậc trung học. 

Phải thi đậu vào đệ thất trường công! Một mệnh lệnh cho tất cả các thằng, đứa con gái nhỏ ước mơ ngôi trường thật oách. Hồi đó có "câu thiệu" trong lứa tuổi chọn trường vào trung học của bọn học trò lớp nhất "nam Petrus - nữ Gia Long".

Trường Petrus Ký là trường nam số 1 khắp Nam Kỳ lục tỉnh mà học trò con trai nào cũng mơ được mài quần 7 năm trước khi vào đại học. Nghe nói là trường này có kỷ luật khó khăn số 1. Tụi học sinh đồn rằng các thầy giám thị bắt học sinh quỳ trên vỏ sầu riêng trong những ngày bị phạt "cồng xin" (cấm túc) để học bài, khi nào thuộc bài như cháo mới hết bị bắt quỳ. 

Càng nghe đồn về uy danh, về sự khó khăn, về kỷ luật sắt máu cũng như sự uy nghiêm, cổ kính lại càng khiến tụi tui không cần biết sức tới đâu, lao đầu vào chiến đấu với bài vở để lọt cho được vào ngôi trường này. 

Còn một lý do nữa mà má tui không hề biết là tui cần thi đậu vào trường này để... con nhỏ cùng xóm biết đến uy danh của tui. Đừng ỷ là con nhà giàu, thi vào Trường Gia Long để lên mặt với tui ha. Em Gia Long thì tui sẽ học Petrus Ký!

Mùa hạ đầu tiên tụi tui mong đợi ngày nhập học để lên đời trai học sinh là mùa hè đầu tiên vào năm đệ thất. Sau khi thấy bảng kết quả đánh máy đã đề danh thì tụi tui đếm từng ngày để được nhập học vào ngôi trường mới đến nôn nao. 

Chưa đến trường nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đủ vật dụng cho ngày nhập học. Quan trọng nhất của tụi học sinh lớp đệ thất mới đậu là phải có bộ đồng phục trắng trong ngày nhập trường. Một bộ quần áo chỉ mặc duy nhất một buổi trong suốt quãng đời học sinh tại Trường Petrus Ký. 

Mùa tựu trường năm 1965, đó là những đứa trẻ, tóc hớt cao, áo trắng, quần trắng, giày bố và vớ trắng của những gương mặt hớn hở vinh hạnh bước chân vào thánh đường trung học. Nhưng rồi bỗng chốc ngạc nhiên khi khám phá ra rằng những học sinh đàn anh không ai mặc đồ trắng như "mấy thằng thổi kèn đám ma" mới thấy mình là thằng ngố. 

Để rồi những năm sau, tụi nó nhìn những thằng tân sinh đệ thất vừa bước qua cánh cổng trường màu xanh trong bộ quần áo trắng với cặp mắt đàn anh đầy tha thứ.

Lớn lên qua những mùa hè

Tui nhập trường không như cảm nghĩ của cậu học sinh trong bài "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh. "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi". 

Vì ngày đầu tiên trở thành học sinh trung học của tôi là một buổi chiều tháng 9, dầu cuối hè nhưng cũng còn hâm hấp nóng nhẹ nhàng. Nhưng may quá, tôi còn nhớ kỹ buổi sáng trời lại đổ cơn mưa, tưới mát đất để đón chào những thằng nhỏ học buổi chiều cho mát mẻ. 

Con đường tôi đi đến Trường Petrus Ký của tôi hoàn toàn xa lạ với con đường đến Trường tiểu học Bình Tây nhưng đúng là cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì "chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học" với tư cách là học sinh trung học. Ôi, vô cùng cà la oách.

Rồi 20, 30 năm sau kể từ cái ngày tựu trường đó, những mùa hè đã trôi qua đời học sinh chúng tôi một cách êm ả nhiều kỷ niệm. 

Quay về kỷ niệm lúc còn học sinh khi tụi tui có dịp về Trường Petrus Ký vào buổi sáng trời mát trong, tiếng hót của những con chim sẻ đậu trên những cành cây dầu véo von trong không khí lặng lẽ. Ký ức xưa được dịp bỗng bừng trỗi dậy. 

Hình như tối qua trời mưa nên trên những cành cây dầu vẫn còn lấp lánh những giọt nước trong veo. Những mảng tường nâu vàng với mái ngói đã ngả màu xám xanh rêu. Rêu bám đầy trên những mái ngói của dãy nhà để xe phía sau sân trường. Những ngọn cỏ mọc xanh rì trên lối đi mà ngày thường tụi tui không bao giờ để ý.

Nhớ lại năm đầu tiên vào trường, bọn tui không dám bén mảng vào "khu vực trung tâm", nơi có đặt bức tượng cụ Trương Vĩnh Ký chính giữa sân cột cờ, nhìn thẳng vào dãy hành lang giáo sư hoặc gọi là hành lang danh dự vô cùng thâm nghiêm đến nỗi lạnh lẽo. 

Học sinh được gọi lên phòng giám thị thường đi bên ngã hành lang của các lớp đệ ngũ, nằm phía bên tay trái từ trong khuôn viên nhà trường nhìn ra đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ bây giờ). 

Từ hành lang, học sinh có thể đến thư viện của nhà trường, một căn phòng nằm ở trên lầu, mà đứng ở đây học sinh có thể nhìn ra đường, nơi có xe bán nước rau má của ông già mặc quần soóc rộng thùng thình, trên đầu hay đội cái nón cối bằng rơm và một xe bán trái cây ngâm cũng của một bà người Tàu. 

Muốn ngắm các chị sinh viên đại học khoa học đường, đại học sư phạm thì không gì bằng đứng nhìn từ thư viện của trường. Không thằng nào khám phá ra điều này chỉ trừ tui. Và tui không hề chia sẻ cái bí mật nho nhỏ, dễ thương này cho thằng bạn nào biết.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 4: Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi - Ảnh 2.

Những thầy trò “danh giá” ở Trường Petrus Ký trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Mùa hè của những ước mơ thần tượng

Mỗi thằng trong lớp đều có một giáo sư là thần tượng của mình. Ở bậc tiểu học, mỗi lớp chỉ có một thầy hoặc một cô dạy tất cả các môn nên tụi nó coi thầy còn hơn cha mẹ. Thầy cô là số 1. Chuyện gì trên đời thầy cô cũng có thể biết và giải quyết được.

Khi đặt chân vào lớp đệ thất, điều ngỡ ngàng đầu tiên của tụi tui là có quá nhiều môn học. Mỗi môn do một giáo sư phụ trách. Lớp đệ thất tụi tui được học sáu giáo sư chăm sóc cho bảy môn học. 

Và từ đó mỗi thằng học trò lại có những thần tượng riêng chứ không phải tất cả học sinh đều có chung một thần tượng như học sinh tiểu học. Nhưng thần tượng này sẽ thay đổi theo từng năm học, từng lớp như đánh dấu sự trưởng thành, sự phát triển tâm sinh lý của bọn chúng. 

Thần tượng của thằng A, ước mơ của nó là được như thầy Cam Duy Lễ. Nó mong muốn được trở thành một giáo sư dạy toán cho học sinh Petrus Ký. Riêng thằng học sinh B, dù nó chưa được học với thầy Phạm Mạnh Cương nhưng thầy là thần tượng của nó vì những lời nhạc thầy viết làm nó mê mẩn vô cùng.

Mùa xuân làm người ta lớn. Mùa xuân người ta sẽ được mừng thêm một tuổi. Mùa hè chỉ có chia tay. Nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà không cần mùa xuân đến, không cần được mừng tuổi.

Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký.

Đứng bâng khuâng, nhìn các dãy lớp đệ thất 6, 7, 8 gần cổng hậu qua khu Lam Sơn một lúc, những phòng học mà tui không hề đặt chân tới từ khi trở thành những lớp đàn anh, chỉ trừ những khi cúp cua.

Nhớ lại những ngày leo tường qua cổng hàng rào, khi nhìn dáo dác, không thấy bóng dáng của các thầy giám thị hành lang, tụi tui liền trổ tài "phi thân" lên bức tường ngăn cách khuôn viên trường và sân vận động Lam Sơn.

Từ trên bức tường, tụi tui nhảy xuống đất và nơi đây có con đường hẻm đi thẳng ra đường...

 - Kỳ 5: Những 'lớp học treo' ngày đầu hòa bình

LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Tháng 4-1972, tỉnh Quảng Trị chỉ mới giải phóng đến Thành cổ Quảng Trị, còn phía nam tỉnh, huyện Hải Lăng vẫn thuộc chính quyền Sài Gòn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 5: Những lớp học treo ngày đầu hòa bình - Ảnh 1.

Người dân và giáo viên dựng lại trường học cho con em ở Quảng Trị sau chiến tranh - Ảnh: tư liệu

Phải đến tháng 3-1975, Quảng Trị mới được hoàn toàn giải phóng. Và phải đến khi đó bọn học trò chúng tôi mới theo cha mẹ hồi hương sau ba năm (1972 - 1975) phiêu dạt tránh né bom đạn.

"Treo" tuổi học trò giữa mùa hè

Về quê, nhìn những đứa bạn đồng trang lứa đi học, còn chúng tôi không biết sẽ học hành thế nào. Nhưng cũng không buồn bởi thời điểm ấy là cuối xuân đầu hạ, quê tôi đó là mùa thần tiên của lũ nhóc bởi những bãi bồi bên sông đang mùa thu hoạch bắp, thân bắp xếp thành từng đụn.

Sáng sáng, chúng tôi đi lật tung đám thân bắp ấy lên bởi bên dưới là cả một vương quốc của dế chọi. Bãi sông sẽ là nơi đêm đêm chúng tôi chơi đánh trận giả. Cứ sống đời thần tiên không lo học hành được vài tuần rồi thì chúng tôi cũng được thông báo: Tất cả số học sinh đang học dang dở ở miền Nam nay về quê theo cha mẹ sẽ tập trung lên trường tiểu học của xã để được học tiếp.

Những ngôi trường vùng mới giải phóng được dựng vội với mái tranh vách đất cho con em học hành, nay tiếp nhận thêm số học sinh hồi hương này. Trường lớp đâu đủ chỗ cho chúng, vì thế thời gian biểu các lớp đang ổn định bị xáo trộn. 

Các lớp học buổi sáng sẽ học sớm hơn, từ 6h cho đến 10h, các lớp buổi chiều học từ 1h30-17h30. Còn khoảng thời gian 10h-13h30 là dành cho những đứa trẻ hồi hương. Và không hiểu sao những lớp học vào khung giờ đặc biệt dành cho bọn trẻ vừa hồi hương như chúng tôi được gọi là lớp treo. 

Có lẽ gọi là lớp "treo" bởi chúng tôi học trong cái tầm lơ lửng buổi trưa đó. Trường có lớp 3A, 3B, thay vì gọi lớp chúng tôi là 3C thì chúng tôi được gọi là "lớp 3 treo".

Năm đó, Trường tiểu học Cam Mỹ (nay là thị trấn Cam Lộ) có ba lớp treo thuộc ba khối lớp 3, 4, 5. Tôi học tiếp ở lớp 3 treo như đã kể. Khỏi phải nói học vào khung giờ đó thì bọn nhóc chúng tôi phải vất vả như thế nào. Đi học vào tầm đó, bữa sáng đã không còn gì trong bụng, mà bữa trưa lại chưa đến. 

Gần 10h đã lo chầu chực giữa sân trường, chờ các lớp "chính quy không treo" tan học là bọn lớp "treo" chúng tôi xông vào "chiếm" phòng học. Vì học vào giờ đó, nhiều phụ huynh thương con đã bảo chúng gói thêm vào lớp vài củ khoai để đến tầm quá ngọ đói quá có gì bỏ bụng. Bởi thế, có khi đang giờ tập đọc, cô giáo kêu đứng lên đọc bài mà có đứa miệng đang lúng búng miếng khoai.

Thầy cô giáo dạy chúng tôi hồi ấy hầu hết gọi là "giáo viên đi B". Các cô thầy từ miền Bắc vào, tăng cường cho vùng giải phóng Quảng Trị. Số lượng thầy cô đã thiếu, nay gánh thêm cái nhóm lớp "treo" này càng thiếu hơn. 

Cũng may đang cấp tiểu học, hồi đó mỗi thầy cô dạy nguyên lớp tất tần tật các môn từ toán, văn, tập đọc, lịch sử, địa lý chứ không phân giáo viên bộ môn như khi lên cấp II. Và các thầy cô sau buổi dạy sáng, lại ôm luôn ca lớp "treo" một lèo tới chiều. Hôm thì cô Hằng, hôm thì cô Làn...

Đầu giờ chiều, chúng tôi lại nhấp nhổm chờ tan học cho ca học buổi chiều vào khi nhìn qua cửa sổ thấy các bạn học sinh lớp chiều đứng ngoài nhìn vào xem tụi học trò "trong Nam ra" học hành thế nào.

Kể cũng vui, hầu hết học trò các lớp "treo" đều học rất khá. Sau này khi xong giai đoạn lớp "treo" từ năm học sau (1975 - 1976), chúng tôi được "hòa nhập cộng đồng", được học cùng đội "chính quy không treo" thì thành phần nòng cốt của các đội tuyển đi thi học sinh giỏi huyện, tỉnh đều từ các thành viên của lớp "treo", thậm chí thành viên lớp "treo" chúng tôi có bạn còn đoạt học sinh giỏi toán quốc gia năm lớp 5 như anh Phan Văn Vĩnh (nay là giám đốc Điện lực Quảng Trị).

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 5: Những lớp học treo ngày đầu hòa bình - Ảnh 2.

Một lớp học ở vùng giải phóng Cam Lộ, Quảng Trị năm 1973

Chùa làng thành lớp học

Khó quên nhất trong giai đoạn "học treo" này là có những ngày thầy cô bận việc gì đột xuất không thể dạy vào buổi trưa, chúng tôi phải chuyển sang học buổi chiều. Mà học buổi chiều thì không có phòng học bởi phòng đã dành cho các lớp "chính quy", chúng tôi được chuyển qua học ở chánh điện ngôi chùa làng sát cạnh bên trường tiểu học.

Đó là ngôi chùa nhỏ, có bóng cây bồ đề rợp mát. Không hiểu vì sao bom đạn chiến tranh tan nát làng mạc như thế mà ngôi chùa làng lại không hề hấn gì. Những buổi được ngồi chánh điện ngôi chùa làm lớp học là những ngày hạnh phúc nhất của bọn nhóc chúng tôi. 

Bởi ngược với phòng học ở ngôi trường mái tranh vách đất, nền nhà bụi mù, ở chánh điện ngôi chùa bọn học trò lớp "treo" được ngồi trên nền ximăng mát lạnh. Chúng tôi không phải chen chúc bàn ghế gì, cứ trải cuốn vở học lên nền ximăng, ngồi khom lưng chép bài, có đứa mệt quá nằm lăn ra thầy cũng không la mắng.

Càng sung sướng hơn khi trong cái nền ximăng chánh điện ngôi chùa ấy tôi hay nhớ đến mấy tháng trước đó vào tầm cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi đang học trên ngôi trường của vùng đồi Câu Nhi (Hải Lăng), chúng tôi vẫn nghe tiếng pháo ì ầm dội về từ phía núi, lâu lâu có trái pháo "đi lạc" bay về giữa xóm nghèo. 

Sau giờ học, chúng tôi lại về nhà nằm trong căn hầm đào dưới gầm giường, lo nhỡ đâu có trái pháo đi lạc rơi trúng căn nhà của mình. Giờ thì chúng tôi học "treo", vất vả đâu không biết nhưng vui và không còn lo đạn pháo "đi lạc"!

Chúng tôi đã trải qua một mùa hè "treo" như thế. Chương trình học của những đứa trẻ từ trong Nam về quê và những bạn đang học ở vùng giải phóng cũng không chênh nhau là mấy. 

Năm đó, các lớp "chính quy" nghỉ hè muộn tầm giữa tháng 7, thì bọn lớp "treo" chúng tôi vẫn đi học tiếp để hoàn thành chương trình vào cuối tháng 8. Có điều lúc này nhờ các lớp "chính quy" nghỉ hè nên chúng tôi không phải học "treo" giữa buổi trưa như thế nữa. Hóa ra tuổi thơ vẫn thú vị với những gì không bình thường.

Rồi mùa hè năm 1975 với nhiều biến động cũng qua mau, sau này khi lớn khôn chúng tôi mới hiểu thêm một chút. Còn mùa hè và những ngày tháng "học treo, học đuổi" trở thành một mảnh ký ức tuyệt vời trong tôi khi nhớ về những ngày thơ ấu. Chúng tôi chỉ được nghỉ hè chừng đâu hai tuần thì đã đến năm học mới.

Ngày 5-9-1975, chúng tôi tựu trường chào mừng năm học 1975 - 1976. Những đứa lớp "chính quy" và những đứa học trò lớp "treo" được ngồi chung một lớp học mới. 

Không còn cảnh nhìn ngó nhau qua cửa sổ trong khi chờ tan học để coi nhau học hành thế nào. Và tôi, đứa bé 9 tuổi sau mấy năm học đầu đời phải lưu lạc tránh vùng chiến trận, đã biết đến cái lễ khai giảng hòa bình, đông vui như thế.

Hơn bốn thập niên trôi qua, ngôi trường mái lá cũ nay không còn vết dấu sau nhiều lần di chuyển vị trí. Ngôi chùa làng nay đã được kiến thiết thành một trung tâm Phật giáo to đẹp nhất vùng. Nhưng mỗi lần ngang qua đó, trong tôi vẫn hiện ra cái nền ximăng mát lạnh và mùa hè năm 1975 "học treo" không thể nào quên...

Một mảnh của lịch sử

Sau này khi lớn khôn, đọc bài thơ của Eptouchenko "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử", tôi hay nhớ về những đứa trẻ "lớp treo" của chúng tôi 46 năm trước.

Đó cũng là một mảnh của lịch sử, chứa một phần lịch sử, treo trong ký ức của từng đứa trẻ sinh ra trong một đất nước đằng đẵng bao năm chiến tranh, ly loạn. Và khi hiểu biết hơn, chúng tôi cảm ơn vì bao người đã ngã xuống để hòa bình đã kịp đến với tuổi thơ chúng tôi trước khi chúng tôi - những đứa trẻ chỉ dăm bảy năm nữa biết cầm súng!


- Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Ngay năm đầu của thời sinh viên, hoàn cảnh thiếu thốn khiến tôi loay hoay với những tính toán thực tế nhiều hơn là chăm chút cho sự lãng mạn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói - Ảnh 1.

Một lối đi dưới tán thông trong khuôn viên Đại học Đà Lạt - Ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Ngày ấy, khuôn viên Trường đại học Đà Lạt có dốc đồi, rừng thông, sương khói, lối mòn quanh co như một Đà Lạt thu nhỏ. Điều đầu tiên mà những tân sinh viên cần rèn luyện là làm sao cho thùy đỉnh của não định vị được chính xác nơi chốn các giảng đường để không bị lạc lối.

Từ giấc mơ rơi xuống

Sau cơn mưa dài của một buổi chiều cuối tháng 6, "thành phố buồn" ẩm ướt, ủ dột và thụ động. Trên con đường quanh co đi qua các khu giảng đường, có một cậu thí sinh ốm nhom, ướt lạnh, bước đi liêu xiêu. Tâm trí cậu đang băn khoăn với câu hỏi nếu được đậu vào trường đại học này thì sẽ nằm trên đồi cỏ nào để đọc sách, chọn ghế đá nào để hẹn hò? Tuyệt nhiên viễn cảnh ấy không có chỗ cho áp lực của học phần, tín chỉ phải hoàn thành, cũng không có chỗ cho cái đói mãn tính sẽ xảy đến.

Tôi bỏ giấc mơ thi vào Nhạc viện và khoa báo chí tại TP.HCM để chỉ đánh cược tương lai cho kỳ thi vào sư phạm Đại học Đà Lạt. Hay không bằng hên, tôi vừa đủ điểm đậu trong khi ngành sư phạm chính quy được hưởng chế độ miễn giảm học phí, hứa hẹn có việc khi ra trường nên thí sinh các tỉnh nghèo miền Trung thi vào rất đông, tỉ lệ chọi rất cao.

Tôi không sao quên được cảm giác lâng lâng hạnh phúc trong cái buổi sáng mùa thu mát dịu, cánh cổng sơn xanh được mở ra, phía trước là vùng trời trong, con đường trải nhựa sạch sẽ len dưới hai hàng tùng và liễu rũ thẳng tắp như đội lễ binh hoàng gia đón chào các tân sinh viên bước vào ngôi giảng đường trầm mặc. 

Khung cảnh buổi khai trường ở một đại học xứ cao nguyên như một thánh đường được điểm tô thêm bởi những rào hoa hồng tỉ muội nở rộ từng chùm ven lối đi, những bờ dã quỳ thắp lên những đóa vàng tươi đầu tiên cho một mùa thu mới. 

Dưới những tán thông cổ thụ, tôi nghe những giọng nói sinh viên từ các vùng miền làm quen, hỏi thăm, những lời mời mọc chia nhau một suất phòng ký túc xá, những lời rủ rê chia nhau một gian phòng trọ...

Trong nỗi vui, cái lãng mạn của buổi sáng đầu tiên ở giảng đường, đã nhen nhóm những lo âu áo cơm thực tế của bốn năm đèn sách.

Chúng tôi thuộc thế hệ sinh cuối thập niên 1970 khi chiến tranh đã đi qua, ngày ấu thơ đa phần còi cọc trong đói kém của thời bao cấp, thời trưởng thành trong sự trở mình của đổi mới và còn biết bao dịch biến phía thời cuộc trước, nhưng chung quy mỗi người được hoàn cảnh bù đắp cho một năng lực cao trong thích ứng, xoay xở để sinh tồn.

Ngay năm đầu của thời sinh viên, hoàn cảnh thiếu thốn khiến tôi loay hoay với những tính toán thực tế nhiều hơn là chăm chút cho sự lãng mạn. Khi "gói viện trợ" gia đình ngày càng eo hẹp, tôi thường xuyên đến giảng đường trong tình trạng bụng rỗng. 

Nhiều bạn bè đến từ các tỉnh nghèo miền Trung cũng chung số phận. Tóc dài không dám cắt vì cái ăn thì quan trọng hơn vẻ bề ngoài. Buổi sáng nhịn ăn sáng (cho nên mùi bánh mì xíu mại Đà Lạt thơm đến tận giấc mơ tôi hôm nay), buổi trưa khẩu phần cơm không có gì ngoài rau trộn và canh "đại dương" (nước nhiều hơn cái), buổi tối có mì tôm Miliket lót dạ đã là sang, thế mà theo đuổi mộng văn chương.

Tôi phải cắt xén giờ học để đạp xe đi lấy tin cộng tác cho các báo Sài Gòn kiếm thêm thu nhập. Cứ mười tin gửi đi chỉ được đăng một. Các bạn tôi, đứa dạy thêm (tìm được chỗ dạy thêm là may mắn), đứa gói nông sản cho các công ty thu mua (nhiều bạn gái ngâm tay trong nước lạnh nhiều giờ, đến lóc cả móng), đứa chạy bàn cho quán cà phê...

Tất cả là để những buổi chiều đi học về không đói đến mức phải lén lút leo rào đi nhổ cà rốt, bắp cải hay hái su su... của những nhà vườn ăn cho qua bữa.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói - Ảnh 2.

Bút nhóm Phượng Tím đi đóng phim - Ảnh tư liệu

Thư viện, giảng đường, yêu đương

Tôi né tránh các cô gái học cùng khoa. Con gái học văn với tôi thì quá "rắc rối", không nên dây vào. Vậy là những ghế đá, bãi cỏ dưới tán thông bên các giảng đường đã chứng kiến bao cuộc hẹn giữa một cậu sinh viên khoa văn lãng đãng với những tiểu thư Đà Lạt đến từ khoa quản trị kinh doanh hay ngoại ngữ (phải nói là nữ sinh hai khoa này hồi ấy đa phần là đẹp và hiện đại!). 

Các cuộc hẹn hò thường là kết quả của một quá trình thăm dò theo môtíp truyền thống: "chung một đường kẻ trước người sau" khá lâu mới đi đến gặp gỡ chuyện trò. Nhưng buồn thay, hầu hết thì không thể có cuộc hẹn thứ hai, chỉ vì nam chính trong câu chuyện chẳng có gì chinh phục người đẹp ngoài những bài thơ cắt ra từ trang báo. 

Chỉ biết tự an ủi rằng thôi thì trước đó, mỗi bài thơ tình đã làm xong sứ mệnh: nhuận bút đủ trả một tháng phòng trọ ở ghép hay nửa tháng tiền bánh mì xíu mại buổi sáng.

Trong cái thế giới được phủ lên bởi sự lãng mạn, đầy khát vọng và có chút hoang tưởng của những sinh viên khoa văn thời đó, không thể không nhắc đến sinh hoạt của những bút nhóm. Một phần cũng bởi chẳng có gì phân tán tâm trí chúng tôi ngoài việc học, đọc sách, tập tành viết lách và tìm hội nhóm để cùng nhau chia sẻ đam mê.

Khung cảnh thơ mộng, cuộc sống bình lặng, các sinh viên yêu văn chương Đà Lạt ưa thích tụ tập trong các bút nhóm nho nhỏ. Ngày đó, trong sinh viên ngữ văn có bút nhóm Phượng Tím. Tôi rón rén dò tìm địa chỉ và gửi... đơn xin gia nhập, được trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất và các chị rất cưng. 

Mỗi tuần chúng tôi tụ họp ở bãi cỏ trước khu giảng đường trung tâm A25 để đọc những bài thơ, truyện ngắn mới, khoe những bài đăng báo hoặc ra quán cà phê nói chuyện văn chương say sưa mặc cho quyển... sổ ký nợ của chủ quán dày lên từng ngày.

Riêng việc đọc sách thư viện thì vào cuối thập niên 1990, thế hệ chúng tôi vẫn còn được thừa hưởng khá nhiều sách cũ từ thư viện Viện Đại học Đà Lạt trước 1975. Ngoài đói ăn, sinh viên Đà Lạt còn lo đói sách. Tôi cứ chực chờ những cuốn sách văn chương gây dư luận thời ấy được về tới thư viện và đến lượt mình mở ra đọc ngấu nghiến. 

Sau những giờ học văn chương và sư phạm với những bộ giáo trình gây buồn ngủ đến muồi người, thì thật may, một thư viện sách báo phong phú đã cho tôi hình dung về thế giới sống động bên ngoài.

Tôi đã không để cho mình rơi vào cơn đói sách và đói thông tin.

Ngày ngày, trụ tháp chuông cao 38m hình khối tam giác với khu giảng đường trung tâm theo lối kiến trúc tân kỳ, những khu nhà khối ngũ giác như những viên kim cương đính trên những ngọn đồi xanh đổ bóng lên cuộc sống của một lũ sinh viên thiếu thốn, ảo tưởng và ngác ngơ khát vọng. Câu chuyện về cây thập tự ẩn trong ngôi sao của tháp trung tâm, hình ảnh vệt sơn ở giảng đường Thống Nhất hay bánh xe tri thức của Viện đại học Thụ Nhân trước 1975 còn lại... là những dấu vết tiền thân của một thời kỳ giáo dục vàng son đã qua. Chúng lặng lẽ dẫn dắt những cuộc khám phá về phần lai lịch bị lãng quên của ngôi trường và thành phố.

Hơi thở trong trẻo và cả vẻ u hoài của chúng đã âm thầm thắp lên trong chúng tôi ngọn lửa ấm áp, vô tư và nhiệt huyết của lòng hiếu tri, định hình tương lai của những kẻ vào đời với giấc mộng văn chương trỗi vượt trên những đời riêng thiếu thốn...

Niềm vui ngắn ngủi

May mắn, có lúc cả bút nhóm được mấy ông đạo diễn Sài Gòn lên rủ rê đi đóng vai quần chúng trong các bộ phim. Ít ai biết rằng chúng tôi, những cô cậu sinh viên ốm đói nhưng thừa mơ mộng của khoa văn, từng góp mặt trong các phim như: Những đứa con thành phố, Mùa phượng tím... Cátsê đủ một phiếu cơm tháng và có khi vinh dự được mấy ông chủ nhiệm phim từ Sài Gòn lên đãi đi ăn nhà hàng hay gặp gỡ những diễn viên nổi tiếng. Rồi đâu vào đó, nền điện ảnh đã gọi tên và bỏ rơi chúng tôi như thế.



- Kỳ 7: 'Trường làng' trong phố

PHÚC TIẾN

TTO - Ai cũng có quê nhà, ai cũng có trường học đầu tiên. Nhưng mấy ai có được niềm vui ngỡ ngàng khi thấy những ngôi trường đầu đời của mình sau hơn 50 năm bể dâu vẫn còn đó.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: Trường làng trong phố - Ảnh 1.

Thầy và trò Trường tiểu học Phan Đình Phùng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Những chú "gà con" đi học

Có lẽ "đám trẻ" U-60 xóm Bàn Cờ của tôi đều được hưởng may mắn ấy! Bởi hai ngôi trường "ngày xửa ngày xưa" là Trường mẫu giáo Minh Tâm và Trường tiểu học Phan Đình Phùng đến nay vẫn hoạt động. Cả hai ngôi trường cách nhau không xa và là một phần ký ức liền lạc, không thể thiếu của một xóm bình dân trong lòng một Sài Gòn nguy nga từ thế kỷ trước.

Tôi là chú "gà con", mỗi sáng ôm lưng mẹ trên yên xe đạp đến trường. Tôi có cái cặp nhỏ xíu đeo chéo áo, thích lắm. Bọn nhỏ xóm tôi cũng có những chiếc cặp tí hon bằng giấy cứng đủ màu như vậy. 

Chúng giống y chang cái hình trong sách dạy đánh vần: vẽ con gà be bé đeo cặp, đội lá sen vào lớp. Thay cho lá sen, tôi có chiếc nón mềm của mẹ cho nhưng thường quên đội. Nhà tôi trong hẻm 549 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), cứ sáng ra lại nghe chíu chít tiếng đàn "gà con" ở nhà này nhà kia: "Chào nội, chào ngoại, chào ba má, con đi học".

Ngày ấy, nhà phố hai bên đường phần lớn là "nhà cây" - nhà gỗ nhỏ hẹp, vừa là nơi ở vừa là cửa tiệm các loại. Còn Trường Minh Tâm lại là khu nhà lớn giữa phố Nguyễn Thiện Thuật, ngay sát một con hẻm dẫn vào chợ Bàn Cờ. 

Tôi nhớ lúc đầu phần lớn trường là nhà gỗ, nhưng vài năm sau đã hóa thành nhà xây mấy tầng. Cổng vào của trường có hai cánh cửa sắt sơn màu xanh lá cây luôn mở rộng khi đón học trò vào.

Các cô giáo mặc áo dài đủ màu, vẻ mặt tươi vui đứng bên cửa tiếp nhận lũ "gà con". Sân trường, trong mắt chúng tôi thuở ấy, rộng mênh mông và "ăn đứt" đường đi trong các con hẻm. Dường như sân trường ban đầu lót gạch Tàu, về sau tráng ximăng láng coóng, là nơi lũ trẻ tha hồ chạy nhảy và giành nhau cái xích đu.

Tôi nhớ đám "gà con" có đủ con trai, con gái, phải đến 20 đứa. Ấn tượng nhất là một chàng "cao kều" hay mặc bộ bà ba trắng, trông như "ông hội đồng" trong kịch trên tivi. Thêm một bạn nữa "phì lũ", dáng to mập nhưng hiền khô. Lớn lên đi chợ Bàn Cờ, tôi vẫn thấy "phì lũ" trông hàng tạp hóa cho nhà mình. 

Thời đó, đám "gà con" đến lớp đều đi guốc, ai sang lắm mới đi dép nhựa. Con trai mặc áo vải cộc tay và quần "xà lỏn". Bọn con gái phần nhiều mặc áo bà ba hay áo cổ lá sen, quần vải bông hay quần đen bóng như các bà, các chị trong xóm. Hết thảy học trò của trường đều là dân chợ Bàn Cờ hay quanh đấy.

Tôi rất tiếc chỉ nhớ mài mại cô mẫu giáo của mình có lẽ bằng tuổi mẹ tôi cỡ 40, mập mạp và phúc hậu. Cô dạy chúng tôi học vần, làm toán, tô màu, tập hát và cả chơi bóng ngoài sân nữa. Tuy nhiên, người tôi nhớ nhất ở Trường Minh Tâm lại là "Bà Đốc"! (mọi người đều gọi bà đầy kính trọng như thế). 

Chắc bà là hiệu trưởng hoặc là người quản lý trường. Bà có mái tóc hoa râm, người nhom nhom, gương mặt nghiêm nghị. "Bà Đốc" luôn mặc áo dài màu sáng, thường đứng ở sân trường chào đón và quan sát đám "gà con" vào học hay ra chơi. Học trò lười biếng hoặc gây lộn nhau, làm lỗi gì đấy, đều phải lên gặp "Bà Đốc". 

Không cần roi vọt, nhìn dáng vẻ đầy "uy quyền" của bà, bọn "gà con" chúng tôi lập tức trở nên ngoan ngoãn.

Trường Minh Tâm chính ra là trường tiểu học tư thục nhưng mở thêm mẫu giáo. Học phí của trường thuộc loại "bình dân", thua xa trường tư kiểu Tây như Aurore (Rạng Đông) hay Collete trong quận ba. Trường còn nổi tiếng về kỷ luật, có lẽ qua truyền thuyết về "Bà Đốc"! Cho nên, bà con khu lao động Bàn Cờ, Vườn Chuối, Ngã Bảy đều ưng gởi con cháu vào học.

Sau tháng 4-1975, Trường Minh Tâm trở thành trường công. Hiện trường là một trong nhiều cơ sở của Trường Mầm Non 3. Bây giờ mỗi lần đi qua trường, đám "gà con" ngày ấy chắc không khỏi bùi ngùi khi không còn thấy cái tên Minh Tâm. Không biết "Bà Đốc" và thầy cô xưa, bạn bè cũ bây giờ ở đâu rồi?

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: Trường làng trong phố - Ảnh 2.

Đàn "gà con" hồn nhiên, ngoan học ngày ấy - Ảnh tư liệu

Ngôi trường tung cánh bướm

Sau mẫu giáo Minh Tâm, chúng tôi chuyển lên bậc tiểu học ở Trường Phan Đình Phùng. Nói vui, không hiểu vì sao "số phận" trường gắn với số 3?

Đầu tiên, đó là trường học "3 ca" - vì sỉ số rất lớn nên trường phải chia học sinh làm 3 nhóm để đi học vào 3 khoảng thời gian khác nhau trong ngày. Kế đến, trường có đến 3 khu phòng học riêng rẽ. Khu chính bao gồm 3 dãy phòng học một tầng, lợp mái tôn fibro, vây quanh sân cờ hình chữ U. 

Đến khoảng năm 1972, dãy phòng học bên trái được xây cất mới thành nhà 3 tầng (lại số 3) khang trang hơn hẳn. Khu phòng học cuối có vẻ "ọp ẹp" nhất vì là nhà gỗ hai tầng, nằm trong một con hẻm nhỏ bên hông trường chính. 

Trường nằm trong hẻm lớn số 491 đường Phan Đình Phùng, phía đối diện với đường Bàn Cờ. Gần đây, xem báo cũ, tôi mới biết Trường Phan Đình Phùng và đường Bàn Cờ đều có chung "khai sanh" vào năm 1957, nghĩa là sắp 65 năm rồi đó!

Tôi học lớp một ở khu thứ 2, còn lớp nhì - ba - tư đều ở khu thứ 3. Tại khu này, tôi có một năm lớp ba nếm mùi "ca trưa" - đi học từ 10 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Học ca này, học trò vừa dễ đói bụng vừa hay buồn ngủ. 

Lại thêm hơi nóng từ mái tôn tỏa xuống nên học trò ở các phòng trên lầu đều bị gọi đùa là dân "heo quay". Nói thế nhưng ba năm học ở khu "ọp ẹp" vẫn đem cho tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, trong đó có chuyện cái lan can của cầu thang gỗ dẫn lên lầu. 

Đấy là nơi bọn tôi biến thành "cầu tuột" để thi nhau trượt nhanh nhất, vào giờ ra chơi hay giờ về! Và rồi sau đấy cả bọn thường xuyên bị thầy giáo và bác lao công đét roi đến phát khóc.

Các thầy ở lớp hai và lớp ba đều lớn tuổi, cử chỉ khoan thai nhưng lời nói rắn rỏi. Nhất là khi dạy chúng tôi về Việt Sử, Cách Trí ( môn khoa học và vệ sinh phổ thông ). Tôi không quên thầy lớp hai là người đầu tiên dạy chúng tôi về quan niệm quân - sư - phụ của Khổng giáo. 

Thầy còn giảng giải nguồn gốc miền Nam xưa, tên Sài Gòn do đâu, Phan Đình Phùng và Cao Thắng là ai? Còn thầy lớp ba luôn nhắc học trò ra đường phải mặc quần áo tề chỉnh, đi đường gặp đám tang phải đứng lại, bỏ nón, tỏ lòng cảm thông.

Sang lớp năm là lớp chót, chúng tôi được ưu tiên chuyển qua học ở khu nhà ba tầng mới xây, "oách nhất". Lúc này, chúng tôi đã lớn ti tí, bắt đầu "thẹn thùng" với con gái. Mỗi lần thầy lớp Năm la rầy, kể cả phạt roi, học trò không làm bài hay "đánh lộn" mà có nữ sinh của lớp con gái bên cạnh bước vào hay đi ngang qua thì "đương sự" cảm thấy "quê một cục"! 

Trường Phan Đình Phùng là tiểu học công lập, nhà nào có con đến tuổi đều được đi học miễn phí. Thuở lớp một, lớp hai thỉnh thoảng lại có xe nhà nước đem sữa cho học sinh uống tại chỗ.

Viết đến đây, tôi lại nhớ bài hát Kìa con bướm vàng quen thuộc ở mẫu giáo và tiểu học (bài hát phỏng theo bài Frere Jacques của Pháp ). Ôi chao, những ngôi trường đầu đời, dù trong cảnh sắc nào cũng cần thực sự là một không gian hay đẹp cho học trò - những cánh bướm "xòe đôi cánh" tung bay cả trong hiện tại và tương lai.

Trường chúng tôi chỉ là "trường làng", không có nhà cửa và phương tiện giàu sang. Vậy mà năm nào học sinh Trường Phan Đình Phùng cũng trúng tuyển khá nhiều vào các trường trung học lớn nhất nhì Sài Gòn như Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương… Có lẽ đó chỉ là một trong những điều mà thầy cô và học trò chúng tôi hãnh diện.


- Kỳ 8: Cái đập vai nhớ đời trên sân trường

TÂM LÊ

TTO - Một lần ra chơi, tôi đang thơ thẩn bên bồn hoa sân trường thì bị một cú đập vai từ phía sau của hai cậu con trai cùng lớp. Hóa ra là muốn cô bạn đi học thêm cho đỡ dốt chứ không phải trêu ghẹo gì, nhưng cú đập đó rất nhớ đời.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 8: Cái đập vai nhớ đời trên sân trường - Ảnh 1.

Lâm gắn bó, giúp đỡ người bạn khuyết tật - Ảnh: TÂM LÊ

Thoáng một cái đã 20 năm, trường làng quê THCS Đông Hoàng ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) thân yêu của chúng tôi giờ đã đổi khác nhiều.

Học hành sa sút

Sân trường là hàng cây thẳng tắp có gạch bao dưới chân, chứ không còn những cây xà cừ cổ thụ mọc lộn xộn nhưng tỏa rợp bóng mát cho chúng tôi chơi đùa như xưa.

Lớp học giờ cũng là những dãy nhà cao tầng thay cho nhà mái ngói lụp xụp. Học trò trong bộ đồng phục đẹp đẽ chứ không còn áo quần nhàu nhĩ nhiều màu như xưa. Nhiều thứ đã đổi thay, nhưng những kỷ niệm ở sân trường của chúng tôi ngày đó thì không bao giờ thay đổi.

Nhớ nhất những lần tổng kết học kỳ được xướng tên, được lên xếp hàng dưới cột cờ uy nghi để nhận giấy khen trước hàng trăm bạn bè và thầy cô. Tiếng trống trường đập bồi hồi trong lồng ngực, học trò ra chơi như đàn ong vỡ tổ. Những trò chơi đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm làm từng nhóm cười râm ran.

Thập niên 1990, ở trường mới manh nha phong trào học thêm. Thầy cô bắt đầu nhắc học thêm giúp kiến thức chuyên sâu và giải toán nâng cao. Nhưng lời bổ ích đó được mấy đứa học trò ham vui hơn ham học lắng nghe?

Khoảng đầu năm lớp 8, tôi học ngày càng tụt dốc môn toán. Sau tổng kết học kỳ, hóa ra không chỉ mình tôi mà hơn nửa lớp cũng tụt dốc thê thảm môn này. Nhưng một số khác thành tích học lại bất ngờ vượt trội, trong đó có hai cậu đã nện vào lưng tôi là Thạch và Lâm.

Ký ức còn nguyên vẹn, giờ ra chơi năm đó tôi không đá cầu với đám bạn mà thơ thẩn bên bồn hoa sân trường một mình. Bất chợt cú đập vai mạnh làm tôi tỉnh cả người, vừa đau, vừa bực. Khi quay lại thì hai cậu con trai đang ôm nhau cười, tôi không biết ai là thủ phạm để đáp trả.

Về sau nghe giọng hai cậu bạn loáng thoáng rủ: "Đi học thêm ở nhà cô Tú đi!". Cơn giận của tôi lúc đó mới tạm lắng, coi như sự quan tâm bạn bè dù hơi bị... mạnh tay. Cô Tú là giáo viên phụ trách môn toán lớp chúng tôi, một giáo viên dạy giỏi, dễ hiểu. Nhưng bài giảng của cô trên lớp ngày càng nhanh và khó.

Tôi dần không theo kịp bài cô giảng, trong khi rất nhiều bạn trong lớp thấy dễ ợt, nhất là nhóm bạn đi học thêm. Lâm là đứa nổi bật trong số đó, cậu ta thông minh, học giỏi và được cô giáo cưng chiều.

Giờ toán thì hắn học vật lý hoặc có khi ngồi chơi, câu nào cả lớp không giải được thì hắn giơ tay giải. Khi nào cần lời giải hay, phương pháp lạ cô lại gọi hắn làm bài mẫu cho lớp.

Tôi bắt đầu thấy xấu hổ khi học tập sa sút, ý định đi học thêm đã nung nấu trong đầu. Cái đập vai của cậu bạn giúp tôi quyết tâm hơn và đem dự định này bàn với nhóm bạn cùng làng:

- Này, mấy đứa có đi học thêm nhà cô Tú không?

Một trong bốn bạn nữ phản bác ngay:

- Nhà cô ấy xa thế, đường lại nhiều ôtô, bị tai nạn thì sao?

- Nhỡ bị lạc đường, bị bắt cóc thì sao? - một bạn khác dọa.

Cuối cùng là câu phản đối đi học của cô bạn và được cả nhóm đồng tình. Nghe xong, tôi bị dọa cho tái mặt, phải mất nhiều hôm các bạn nam mới giúp giải tỏa tâm lý, tôi mới có thể đến nhà cô Tú học thêm.

Mẹ là giáo viên cấp I, khi biết tôi đi học thêm toán mẹ không phản đối. Mẹ dành cho tôi một chiếc xe đạp, không còn mới nhưng đó là cái duy nhất tôi có thể đi học thêm.

Nhà cô giáo cách nhà tôi hơn 5km, đi xuôi về phía thành phố. Buổi sáng làng quê mát lành, tôi đạp xe qua con sông ra quốc lộ, cái cảm xúc khó tả. Như mình đang ra khỏi lũy tre làng để đến một nơi xa, có điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 8: Cái đập vai nhớ đời trên sân trường - Ảnh 2.

Trường THCS Đông Hoàng ngày nay - Ảnh: Website Trường THCS Đông Hoàng

Học thêm, cấy lúa, khiêng mạ

Rất nhanh, nhóm bạn hẹn nhau của chúng tôi tụ lại 4-5 đứa, cứ thẳng quốc lộ chạy xe tới nhà cô Tú. Tôi chạy chậm vì nhớ lời mẹ dặn, đường ngày càng nhiều ôtô, tôi không sợ mà thích thú quan sát, nhưng đôi lúc bị giật mình vì tiếng còi xe.

Cô Tú đón chúng tôi và phân chia lớp, tôi phải học lớp 6 bạn, đều mới ở vạch xuất phát. Cô động viên "học tốt sẽ được nâng bậc", ý là học cùng số đông đã học trước.

Gần cô giáo, tôi để ý hơn về ngoại hình của cô. Cô cao, gầy, dáng cứng như đàn ông. Giọng khàn khàn và hơi thở mạnh, về sau tôi mới biết cô bị bệnh tim. Nhưng cô hiền lành và dạy toán tốt nhất trong các giáo viên tôi từng học.

Ngày thứ 4 của buổi học, cô nói tôi nhỉnh hơn nên được nâng bậc lên lớp đông người. Từ đó, chuỗi ngày đi học thêm nhiều niềm vui của tuổi học trò mà tôi không thể nào quên. Chúng tôi có thể ăn, ngủ tại nhà cô giáo để học bài, vui nhất là đến mùa gặt, mùa cấy.

Lũ học trò chúng tôi giúp cô cấy lúa, con trai nhổ mạ, con gái cấy. Cánh đồng nước trắng xóa mênh mông nhưng chỉ có nhà cô đông nghịt người. Đông vậy chứ hiệu quả thì không cao, vì chúng tôi còn bận trêu đùa hơn cấy lúa. Những gia đình xung quanh lấy làm lạ nên thi thoảng lại đứng dòm mấy đứa nhóc.

Vui học, môn toán của tôi điểm số cũng khá dần. Tới giờ học toán không còn khó khăn, sợ sệt như trước. Năm cuối cấp cũng đến, môn thi vượt cấp dự báo sẽ khó và nhiều môn. Lâm không học cùng chúng tôi nữa mà chuyển xuống trường năng khiếu gần thành phố học, cậu ta luôn dẫn top đầu lớp.

Mùa thi năm ấy, tôi đã dành thời gian ôn luyện một cách nghiêm túc. Vì một linh cảm đặc biệt, nếu không đỗ thì xấu hổ đã đành mà tôi còn không biết sẽ ở nhà làm gì. Trong khi các bạn sẽ được đi học tiếp, rồi lên đại học, sẽ có một tương lai phía trước.

Ngày thi đầu tiên, mẹ dậy sớm nấu một nồi xôi đỗ đen cho tôi ăn để thi. Tôi đạp xe đi một mình nhưng ngày thi thứ hai thì được mẹ đèo. Chúng tôi phải thi 6 môn tất cả, đường xa, trời nắng như đổ lửa.

Ba ngày thi cũng trôi qua, thời gian chờ đợi một tháng để biết kết quả còn dài hơn một năm. Nhưng tin vui đến thật bất ngờ, tôi thừa điểm để đậu chính quy, cả làng cũng chỉ một mình tôi đỗ. Các bạn khác ở làng học bán công, bổ túc hoặc xin học ở trường khác huyện, khác tuyến với tôi.

Chúng tôi bịn rịn chia tay thầy cô, bạn bè và cô giáo Tú kính yêu. Dù không còn được học cùng cô, nhưng mỗi dịp tết hoặc nghỉ hè về thăm, cô đều động viên, "tiếp lửa" cho chúng tôi.

Lên cấp III, tôi bất ngờ biết Lâm cũng học cùng trường nhưng khác lớp. Cậu ấy vẫn học giỏi nhất nhì trường, nhưng chúng tôi hầu như không trò chuyện với nhau. Lâm còn giúp đỡ một cậu bạn phải ngồi xe lăn đi học, hằng ngày đẩy bạn đến trường, cả hai học đều giỏi.

Hình ảnh Lâm đẩy xe giúp bạn khuyết tật đi giữa sân trường rất được chú ý, ai cũng ngưỡng mộ bạn. Hình ảnh đẹp đó trở thành biểu tượng cho việc học và tình bạn của tuổi học trò đối với chúng tôi.

Sau nhiều năm lập nghiệp, tôi gặp Lâm ở Hà Nội, giờ bạn ấy đã là chủ của hai cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và ăn uống. Nhắc lại thời học sinh, Lâm chỉ nhớ hồi đó giục nhiều bạn đi học chứ không nhớ đã "giục" tôi... mạnh tay thế nào. 

Chúng tôi ngồi nhớ lại những ký ức học trò thật đẹp, riêng tôi thầm cảm ơn Lâm vì cú đập vai nhớ đời đó. Nhớ cả bồn hoa trên sân Trường Đông Sơn thân yêu...

Tôi cấy được một lúc thấy con đỉa thì sợ, bỏ lên bờ đòi đi chuyển mạ với đám con trai. Buổi trưa về ăn cơm, cô giáo đãi chúng tôi món thịt gà. Cơm chưa dọn, có đứa đã xuống bếp ăn vụng chân gà mà còn khoe.

Mấy đứa khác leo cây dâu, vặt hết chùm trái chín lẫn xanh. Cô mua một bó mía về, vèo một cái cả đám học trò đã cho ra bã, đúng là "nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" mà.

*****************

- Kỳ 9: Ngôi trường 2K ở núi rừng

LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Nếu có ai hỏi kỷ niệm thời học trò, tôi sẽ nói về nỗi nhớ ngôi trường cấp III mình từng gắn bó 3 năm (2000 - 2003). Trường bấy giờ nằm ở khu vực miền núi phía tây huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nay là huyện Nông Sơn.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 9: Ngôi trường 2K ở núi rừng - Ảnh 1.

Bằng lăng khóa chúng tôi trồng nở rộ mỗi tháng 5 thương nhớ - Ảnh: ĐẶNG THỊ MINH HẰNG

Thường những gì khó khăn và vui vẻ nhất sẽ để lại ký ức lòng người lâu nhất. Có lẽ vì vậy mà thuở học trò đầy mộng mơ ở Trường THPT Nông Sơn ngày ấy lưu trong tôi nỗi nhớ tràn đầy. Chỉ cần nghĩ tới đã ngồn ngộn hình ảnh thân thương.

Nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương

Nhiều người sẽ khó hình dung về hai ký hiệu đặc biệt dành cho "đặc sản" Trường THPT Nông Sơn của chúng tôi ngày ấy: 2K chính là 2 không (không có cổng, tường rào và không có nhà vệ sinh); ngoài ra còn 2B là bùn và bụi. Con đường đến trường với học trò thời tôi đi học quả là nỗi ám ảnh.

Ấy thế mà những ngày cuối tháng 5 như thế này, khi tiếng ve râm ran, phượng vĩ đua nhau nở, bạn bè nhóm lớp 12/3 ngày đó lại nhắc về trường xưa, lớp cũ. Phan Công Ân, bạn chung lớp, mới gọi điện thoại đã nhắc về Nông Sơn, trong đó có trường cũ khiến tôi nhớ... chính mình.

Là con nhà nghèo đi học trường nghèo, đa số học sinh đều thiếu thốn. Tôi năm nào cũng lo tìm mượn sách cũ của anh chị đi trước hoặc mua lại để không tốn nhiều tiền. Còn vở do là học sinh khá giỏi nên phần thưởng của năm cũ tôi dùng dư cho cả năm học mới.

Chiếc xe đạp cọc cạch tôi đến trường là do má vay mượn của Nhà nước, diện hộ nghèo để sắm cho khi tôi bước vào cấp II. Con đường đến trường của tôi dài hơn 7km đầy đá lởm chởm nên xe cứ hư liên tục. Xin má 500 - 1.000 đồng để bơm, sửa hay vá xe cũng thật khó khăn vì ngày công của người lớn bấy giờ cũng chỉ có 7.000 - 8.000 đồng.

Do vậy, rất nhiều ngày trong túi tôi không có một đồng, tan trường khát nước phải chạy cho nhanh về giữa trưa nắng gắt của xứ Quảng. Có hôm ruột bánh xe lủng do dính gai hoặc đá dăm bén quá thì phải dắt bộ về. Dù vậy, tôi chưa bao giờ nản lòng trong chuyện học. Thầy cô quý mến, động viên tôi cũng chính vì "thương hiệu" học trò nghèo vượt khó ấy.

Năm tôi học lớp 10, thầy Nguyễn Ngọc Sáng, giáo viên trẻ mới ra trường, dạy văn làm chủ nhiệm. Do tôi cũng thích học văn nên thầy vui lắm. Trong lớp, ngoài tôi còn có bạn Đặng Thị Minh Hằng cùng học giỏi văn. Chúng tôi cùng một bạn nữa được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Ngoài học với thầy Sáng, năm đó và cả các năm sau, tôi được dạy nâng cao để đi thi văn cấp tỉnh với các thầy cô như thầy Vinh, thầy Thu, cô Hà... Ai dạy bồi dưỡng cũng hay, rút ruột chia sẻ với học trò. Đặc biệt, thầy Sáng là người thường cho tôi mượn các cuốn sách văn chương mà thầy đem về khi còn học ở Đại học Đà Lạt. Mỗi lần được mượn sách, tôi ngấu nghiến đọc cho thật nhanh để sau đó có thời gian đọc lại bận nữa cho thấm nhuần, rồi trả thầy để mượn thêm quyển khác.

Thực ra, trường tôi không phải chỉ một 2K mà còn 2K khác - không có thư viện và phòng thí nghiệm. Nói đúng hơn là có nhưng bị "đóng băng", chỉ để trang trí cho có chứ học sinh chưa bao giờ được đặt chân vào huống chi mượn sách. Cổng trường ngày ấy để trống không, tường rào nhiều đoạn làm đỡ vỉ gai tre để rào, tránh các con vật hay người ngoài đi vào là chính.

Dù vậy, chúng tôi xa trường 18 năm, vẫn thấy nhớ trường, nhớ lớp cũ của ngày ấy, một khoảng thời gian êm đềm cắp sách. Riêng tôi còn nhớ cả thành tích đoạt giải khuyến khích môn văn cấp tỉnh cùng với Minh Hằng năm lớp 10. Đó là món quà lớn nhất tôi đem về tặng cho má và bà ngoại, hai người đã luôn động viên tôi cố gắng...

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 9: Ngôi trường 2K ở núi rừng - Ảnh 2.

Ngôi trường giờ đã khang trang hơn theo sự phát triển chung của huyện miền núi Nông Sơn - Ảnh: NGÔ ĐÌNH TUYẾN

Thanh xuân đó ai còn nhớ không?

Nếu nói về trường cũ, bạn sẽ nhớ gì? Nhớ con đường đến trường đầy bùn và bụi (như mình)? Thời đó, cô Lài dạy địa trường tôi vẫn hay "nhấn nhá" về con đường từ ngã ba Cây Mùn lên đến trường là đường 2B. Thương nhất là mùa mưa, bùn đen sền sệt từ bụi than đá vương lên áo dài trắng. Còn bữa nắng, những chiếc xe tải chở đầy than đá từ mỏ than Nông Sơn cách trường chừng 5km khiến học trò áo trắng trầm mình trong thứ bụi đen ngòm ấy.

Hồi đó, ngoài học sinh xã Quế Trung - địa bàn trường tọa lạc - thì hầu như học sinh các xã khác đều có một chỗ trọ. Các xã miền núi xa xôi hơn, cách trở phải đi canô, vượt đèo trong nguy hiểm để đến trường như Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh. Các bạn phải xuống gần trường ở trọ hẳn cả tuần mới về. Hành trình tìm chữ thật gian nan.

Còn học sinh Quế Lộc như tôi, trọ chỉ là chỗ để ở tạm thời vài ba bữa khi có mưa lụt lớn, con nước lên xâm xấp mặt đường - không thể lưu thông. Giờ thi thoảng có về thăm quê, tôi vẫn hay đến thăm người chủ trọ với lòng biết ơn vì cho tá túc miễn phí mùa lụt. Có khi còn cho tôi và mấy bạn khác ăn cơm ké khi chưa kịp chở gạo theo.

Bây giờ, đường đến trường đã bon bon, nhất là kể từ khi tách 5 xã miền tây huyện Quế Sơn (từ đèo Le ra) để thành lập huyện mới mang tên Nông Sơn (năm 2008). Trường phổ thông chúng tôi ngày đó nay đã khác nhiều: khang trang hơn, cổng rào đàng hoàng, hai tầng và đặc biệt có nhà vệ sinh dành riêng cho nam nữ.

Thời tôi đi học, sợ nhất là cứ đến giờ chơi - lũ học sinh nam chúng tôi túa lên đồi phía sau trường để "giải quyết". Chuyện nói nghe có vẻ hơi "kinh dị" này thực ra là chuyện quan trọng nhất liên quan đến sức khỏe học trò nhưng lại ít được coi trọng. Có lẽ do trường nghèo. Thành ra, học trò đa số ráng nhịn cả buổi học (nếu mắc cỡ) cũng là chuyện thường.

Nhắc về trường cũ lớp xưa, bạn sẽ nhớ gì? Một vị thầy khả kính, một đứa bạn dễ thương, tình yêu học trò... hay những lần bị ghi tên vào sổ đầu bài? Kỷ niệm nào cũng vui, cũng là ký ức đáng trân trọng, tôi nghĩ thế. Trong tôi còn một nỗi nhớ khác chính là những gốc cây bằng lăng - học sinh 12 khóa 2000 - 2003 được huy động trồng mỗi lớp 1-2 cây - bây giờ đã trổ bông tím cả góc trời.

Minh Hằng - bây giờ về làm giáo viên văn ở chính trường xưa - từng ghi tặng tôi mấy câu thơ của ai không biết, nhưng tôi thuộc lòng đến giờ: "Bằng lăng ơi tím chi mà tím quá/ Màu hoa buồn ở lại nhé tôi đi". Đó là cảm xúc bâng khuâng của học trò cuối cấp. Chúc nhau an lành và hẹn gặp lại. "Giờ chia tay đã đến/ Mới hôm qua ta cùng với nhau/ Tay trong tay vai sát vai ta chung đường...". Hồi đó, có đứa nghe bài hát này của ca sĩ Quang Vinh đã giấu nước mắt, viết vội mấy dòng lưu bút giúi vào tay tôi.

Năm nay, bằng lăng đã nở. Tháng 5 đã trôi hết, hè đã về rồi. Năm nay lại thêm một năm học đặc biệt, hy hữu. Mươi năm sau, học trò các khóa từ 2020 sẽ nhớ trường xưa lớp cũ và chắc không chỉ ký ức có mỗi hoa phượng, hoa bằng lăng tím góc sân mà còn có những thông báo nghỉ học bất ngờ, hè sớm, hoãn thi do dịch giã, chắc cũng bâng khuâng nhiều lắm đây...

Tình yêu học trò và "nhà tư vấn"

Lớp tôi có hai bạn yêu nhau từ năm lớp 11, cũng là bạn thân của tôi. Đó là Văn và Tâm. Hai bạn thường chia sẻ chuyện tình với tôi và nhờ tôi... tư vấn. Thường tôi giúp hai bạn làm hòa với nhau. Vậy đó, nhưng tôi thương người khác thì không dám nói, đến lúc nói thì đã xa vì cuối cấp III. Chúng tôi tạm biệt trong tiếc nuối, dở dang vì thời gian xa cách và những mối bận tâm khác. Có lẽ như Hồ Dzếnh nói: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở".

Văn và Tâm bạn tôi sau đó vài năm đã kết hôn, vẹn tròn được tình yêu, con gái đầu nay đã trở lại ngôi trường xưa của ba mẹ, theo học lớp 10. Nhờ làm tư vấn cho hai bạn mình, sau này tôi bén duyên với vai trò làm "chuyên gia tâm lý" cho Góc tâm tình, xuất hiện trên tập san Áo Trắng gần 10 năm với bút danh Anh Long Alô.

*******

 - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng

VŨ TUẤN

TTO - Ngày hội khóa, hai đứa bồi hồi đứng lặng dưới gốc phượng già góc sân trường. Cây phượng đã chứng kiến bao lá thư trao tay của thế hệ 7X, 8X. Những lá thư rất ngắn được gấp gọn trong một mẩu giấy và kẹp trong cuốn vở...

Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng - Ảnh 1.

Chiếc xe đạp gắn với rung động đầu đời của thế hệ học trò 8X - Ảnh: VŨ TUẤN

Xe đạp ơi!

Hơn 20 năm, chúng tôi mới gặp nhau nhân ngày hội khóa ở Trường trung học phổ thông Hàm Yên (Tuyên Quang). Ngôi trường nằm dưới chân đồi, căn nhà hiệu trưởng cũ kỹ vẫn như xưa, chỉ có dãy lớp học xộc xệch ngày ấy đã được thay bởi dãy nhà 4 tầng mới khang trang.

Mấy đứa U40 háo hức gặp lại bạn học cũ. Nhóm chúng tôi, cả thằng Dương, thằng Hoàng kéo xềnh xệch đứa lớp trưởng lớp ra gốc phượng, bắt ôm hoa chụp ảnh. Hồi học phổ thông, ba đứa này dính nhau như sam, nhiều hôm chúng nó gửi xe để cả ba đứa đi chung một chiếc xe đạp.

Năm 2000 chúng tôi vào lớp 12, cả huyện chỉ có một trường THPT, ký túc xá trường chỉ chứa được vài chục người, phần lớn học sinh phải ở trọ. Nhiều đứa khác sáng đạp xe 20 cây số đến trường, trưa lại đạp về. Đường miền núi toàn dốc, về đến nhà cũng hơn 13h chiều.

Chủ nhật, đứa nào cũng kỳ cạch đèo sau xe đạp nào củi, nào gạo đến nhà trọ. Đứa nào "xôm" thì có thêm lọ thịt mắm, vài con cá đánh ở ao nhà. Tôi ở trọ với ông chú rể trong căn tập thể cũ cách trường ba cây số. Nhóm bạn cùng lớp chúng tôi quanh đó rất đông. Cả nhóm, thằng Hải có xe đạp Mifa là xịn nhất, còn lại toàn xe tồng tộc (xe cũ nát, thiếu phụ kiện).

Ngày ấy xe đạp "xịn" nhất trường là chiếc "cào cào" nhập khẩu Nhật Bản. Chiếc thứ hai là chiếc "địa hình Tàu" lốp to, lại có "đề". Lũ chúng tôi nhìn mà ghen tị: "Thằng đó học khá, lại đi con xe kia, sao bọn con gái chả thích?".

Xe đạp của Hải luôn được người trong nhóm trưng dụng để ra oai với bạn gái. Người mượn nhiều nhất là Dũng. Hắn mơ mộng cô bé học lớp kế bên. Tối nào cũng mượn xe Hải đạp qua nhà cô bé ấy, lượn qua lượn lại nhưng không dám vào.

Cô bạn nhà xa, phải ở trọ trong một căn nhà cũ cách trường một cây số. Căn nhà nằm trong xóm sát chân đồi, trước nhà là ao cá, chung quanh là ruộng lúa. Lượn nhiều lần rồi hai đứa cũng quen nhau, thỉnh thoảng Dũng mang sách vở đến nhà giải bài tập vật lý cho cô bạn. Đương nhiên, lần nào cũng đạp chiếc Mifa xịn xò... đi mượn.

Tối thứ bảy lần ấy, chúng tôi tập trung tại nhà Hải thì Dũng lại mượn xe đi. Gần 23h mới thấy nó thất thểu về. Cả người lẫn xe đầy bùn, tanh ngòm, trên tóc vẫn còn dính gốc mạ mới cấy. Dũng vừa cười vừa hậm hực "Trả xe mày này, phanh hỏng không nói...". Cả lũ cười vang. Ấy là lần đầu tiên Dũng chở cô bạn đi ăn sữa chua, trên đường về nó vừa đi vừa hát rồi lao cả xe xuống ruộng.

Tin thằng Dũng đi chơi với bạn gái lao xuống ruộng được bàn tán ầm ĩ ở trường. Cô bạn học trò ấy qua cửa lớp tôi là rảo bước thật nhanh để tránh bị trêu. Còn Dũng mỗi lần bị bạn bè chọc lại lẩm bẩm: "Tại cái xe thằng Hải". 

Sau hôm đó, Dũng và cô bạn không dám nói chuyện với nhau, chỉ thỉnh thoảng vẫn mượn sách. Lần nào trả sách cũ hay mượn cuốn sách mới, hai đứa vẫn đưa cho nhau dưới gốc phượng già. Sau này mỗi đứa một nơi, Dũng kể ngày ấy nó với cô bạn viết thư tay. Nó không gửi qua bưu điện vì có thư đến là "lũ quỷ sứ" chúng tôi giành lấy đọc trước.

Ngày hội khóa Dũng không về, nhiều đứa khác đến gốc phượng. Lúc đó, chúng tôi mới biết rất nhiều đôi thư qua thư lại bên gốc phượng già này chứ không chỉ có Dũng.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng - Ảnh 2.

Đôi bạn thân ngày ấy bồi hồi dưới gốc phượng kỷ niệm sau 20 năm gặp lại - Ảnh: VŨ TUẤN

Tình cảm học trò năm 2000

Lớp tôi, Hải là thằng thông minh, hài hước và liều lĩnh. Nó nghĩ ra đủ trò quậy trên lớp, nhưng gặp mặt một cô bé lớp dưới là "đứng hình". Cô bạn gái tên Thủy, học lớp 10 rất xinh, nhà kế bên đường chúng tôi đi học về. 

Ngày nào thằng Hải đạp xe qua cổng ấy cũng cố tình đi chậm lại. Khi thì như tuột xích, khi rơi sách, có khi trời nắng chang chang, xe chẳng làm sao cũng nhảy xuống dắt bộ. Miễn qua nhà cô bạn càng chậm càng tốt.

Dịp 8-3 năm ấy, cả nhóm bảy đứa con trai, bốn đứa thương thầm nhớ trộm mấy "hoa khôi" lớp dưới lên kế hoạch tỏ tình. Chúng tôi "họp" bốn lần ở nhà Hải rồi thống nhất ý tưởng: Sáng sớm gài hoa và bưu thiếp trước cửa để gây bất ngờ cho các cô bạn.

Bốn thằng có người để mơ mộng thì Hải và Mẫn nhất sẽ tặng hoa vào sáng sớm. Hai thằng còn lại đồng ý nhưng chỉ tủm tỉm cười bí hiểm, chúng có kế hoạch riêng.

Trước ngày tỏ tình học trò lãng mạn, chúng tôi đi cùng Dương chọn bưu thiếp. Dương khéo tay, vẽ giỏi, chữ đẹp được giao luôn nhiệm vụ viết lời chúc cho "hoành tráng". Chúng nó lôi tiền tiết kiệm trong cặp ra đặt mỗi thằng một bông hồng. Mà phải là hồng Đà Lạt, vừa to, vừa đẹp, giá đắt bằng mấy bát phở.

Bốn giờ sáng 8-3, chuông đồng hồ kêu inh ỏi, chúng tôi vùng dậy xỏ giày ra sân khởi động cùng các bác hàng xóm chuẩn bị tập dưỡng sinh. Trời tối om, cả nhóm hí hửng vừa đi vừa chạy, cười nói rôm rả suốt quãng đường hai cây số.

Gần đến nhà Thủy thì chúng tôi dừng lại, thở hổn hển núp vào ven đường. Lúc đó trời vẫn tối, cả xóm chưa nhà nào sáng đèn. "Vào đi, vào đi... tí nữa em í dậy thì mày mất cơ hội" - Hoàng, một thằng trong nhóm, giục. 

Hải đi trước, lưng thẳng, ngực ưỡn, miệng cười, tay cầm đóa hồng có gài bưu thiếp điệu nghệ, lãng mạn như diễn viên trong phim Titanic. Chúng tôi bám theo sau cách vài chục bước chân, cố bảo nhau im lặng nhưng vẫn có thằng bật ra tiếng cười hí hí!

Cái bóng Hải lờ mờ bước vào đến sân, bất ngờ "hộc hộc! Gâu gâu gâu!" - con chó bécgiê từ đâu lao ra muốn vồ lấy kẻ lạ mặt. Hải hét lớn: "Chó! Chó! Chạy đi chúng mày ơi!". Rồi nó quăng cả bưu thiếp, cuống quýt cầm đóa hồng làm... vũ khí chống trả con chó to lớn.

Chúng tôi co giò chạy, đàn chó trong khu vực sủa inh ỏi, nhiều người bật dậy mở cửa vì tưởng bắt trộm. Tôi với Mẫn nhảy xuống bờ ruộng chạy ra bờ suối. Lúc đó trời tang tảng sáng. Trên tay Mẫn, đóa hồng đã bị giập một vài cánh.

Cả hai đi vòng bờ suối ra đường cái để tìm đến nhà "người thương" của Mẫn. Trong nhà, đèn đã sáng nhưng chưa có ai mở cửa. "Mày xem có chó không?" - Mẫn huých vai tôi. "Không có đâu, vào đi" - tôi giục Mẫn rồi ngồi xuống buộc lại dây giày bata, nhỡ có chó thì... tẩu cho lẹ.

Mẫn lấy hết can đảm rón rén mang đóa hồng đến gài trước cửa. Cái bưu thiếp đã rơi đâu mất. Nhìn bộ dạng của nó giống một tay thích khách trong phim chưởng, khác hẳn vẻ tự tin, lãng mạn của Hải lúc trước.

Mẫn gài hoa thành công rồi quay ra. Chuẩn bị rút thì nó quay lại. "Không được, nhỡ ai mở cửa, rơi hoa, giẫm vào thì hỏng bét" - hắn nói rồi lại rón rén tiến vào lấy bông hoa cắm lên khe của mặt bàn gỗ đặt trước sân.

Chúng tôi vờ tập thể dục, đi bộ vào con ngõ cách nhà "người thương" của Mẫn một đoạn. Mẫn muốn xem "nàng" nhận được hoa sẽ phản ứng thế nào. 

Nó chắc đang tưởng tượng... như phim khi nàng cầm hoa lên sẽ ngắm nghía, rồi nhẹ nhàng nâng lên mũi hít nhận sự ngọt ngào của Mẫn. Và Mẫn sẽ cười, chạy ra trước cửa để cho "nàng" nhận ra nó là người tặng hoa, rồi lặng lẽ quay lưng, mặt kệ cho "nàng" ngỡ ngàng hạnh phúc... y như trong phim.

Cửa mở, chiếc bóng mảnh mai của nàng bước ra hè, Mẫn nắm chặt tay, mặt gân lên căng thẳng. Cô bạn học trò mở rộng cửa, hai người đàn ông khiêng con lợn mới mổ quẳng uỵch lên mặt bàn, đè nát đóa hồng của Mẫn.

"Úi trời! - Mẫn thất vọng đập tay vào nhau - Về thôi mày". Tôi nhịn cười đi bộ theo Mẫn. Về đến nhà Hải, đã thấy mấy thằng vẫn ngồi ngoài cửa mồ hôi nhễ nhại. Thấy chúng tôi, chúng nó phì cười, lật mông quần thằng Hải khoe "chiến tích" đi tặng hoa cho bạn gái bị chó cắn rách quần mà không chảy máu.

Nhiều năm qua rồi, chúng tôi về thăm lại trường xưa. Bồi hồi đến bên gốc phượng, nơi thư tình học trò trao tay ngày ấy mà có đứa phì lên cười nhớ chuyện vui tặng hoa bị chó đuổi, lợn đè.