Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ngày nào?

 Sách báo lâu nay vẫn ghi rõ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939. Từ nhiều năm qua, cứ đến ngày này, người yêu mến nhạc Trịnh vẫn đều đặn tổ chức mừng sinh nhật của ông. Vậy thì sao lại còn thắc mắc: Trịnh Công Sơn sinh ngày nào?

Vào hai năm trước (2022), trong một “tài liệu mật” từ trước 1975 được báo chí “giải mật”, có một bản lý lịch do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khai: sinh ngày 10.6.1940. Một số người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn đã thắc mắc: vậy thì Trịnh Công Sơn sinh ngày tháng năm nào?

28.2.1939, hay là 10.6.1940?

“Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28.2.1939 tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)”. Đó là dòng thông tin đầu tiên trong bản tiểu sử Trịnh Công Sơn do gia đình nhạc sĩ cung cấp. Trong hàng chục cuốn sách, hàng ngàn bài báo viết về nhạc sĩ họ Trịnh, ngay từ khi ông còn sống cho đến sau này, cũng ghi như thế. Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939, nhằm ngày 10 tháng giêng, tức ngày mùng 10 tết con mèo Kỷ Mão. Từ lâu nay, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người hâm mộ vẫn đều đặn tổ chức sinh nhật của ông vào ngày đó: 28.2.  

Tờ phiếu trình của Bộ Thông tin VNCH, kèm giấy cam kết có lý lịch do Trịnh Công Sơn khai và ký tên. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên chụp lại tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP.HCM.


Thế nhưng, vào ngày 28.6.2022, báo Thanh Niên đã khởi đăng loạt bài Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn, với những thông tin về tiểu sử của ông khác hẳn như lâu nay mọi người vẫn biết. Theo lời của tòa soạn, vào đầu năm 1969, Tổng trưởng Văn hóa - Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra về Trịnh Công Sơn. Sau hai tuần, Bộ Thông tin có một phiếu trình đóng dấu “Mật”, báo cáo về “lý lịch, thân thế sự nghiệp, quá trình hoạt động trong quá khứ, hiện tại cùng xu hướng chính trị của đương sự”. Nhà văn kiêm nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên đã tìm thấy bộ tài liệu này tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP.HCM (Phông Phủ Tổng thống, Hồ sơ 16689) và thực hiện loạt bài này.

Trong hồ sơ đó có một phiếu lý lịch và một bản giấy cam kết, do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khai: sinh ngày 10.6.1940 tại phường Phú Nhơn, Thành nội Huế, tỉnh Thừa Thiên. Các văn bản này được khai vào ngày 23.1.1969, lúc đó Trịnh Công Sơn đang cư ngụ tại 21 Phan Thanh Giản, Sài Gòn; và gia đình của ông (gồm mẹ và các em) vẫn còn cư ngụ tại nhà số 11/3 đường Nguyễn Trường Tộ, Huế. Lời khai với nét chữ và chữ ký bay bướm quen thuộc của Trịnh Công Sơn; vì vậy, nhiều người tin chắc rằng: đây mới đúng là ngày sinh của ông.

Bản tiểu sử do Trịnh Công Sơn tự thuật vào năm 1969. Ảnh tư liệu của gia đình nhạc sĩ.


Chứng minh nhân dân: ngày 28.2.1939

Chúng tôi đã liên hệ với gia đình nhạc sĩ, và được khẳng định: ngày 28.2.1939 là ngày tháng năm sinh chính xác của Trịnh Công Sơn. Tất cả các anh chị em trong gia đình đều khẳng định như thế.

Gia đình cho biết vẫn còn lưu bản khai sinh đầu tiên bằng tiếng Pháp, do ông thân sinh của nhạc sĩ làm tại Ban Mê Thuột, nơi nhạc sĩ chào đời. Do văn bản này hiện đang nằm trong kho lưu trữ của gia đình nên phải có thời gian mới có thể tìm ra. Gia đình cũng cung cấp cho chúng tôi bản chụp Chứng minh nhân dân của Trịnh Công Sơn, với ngày sinh: 28.2.1939. Do tôn trọng giấy tờ tùy thân nên chúng tôi không đăng lên đây những hình ảnh này.

Trịnh Công Sơn lúc còn bé và cha. Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp.

Trịnh Công Sơn năm lên 1 tuổi (1939). Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp.


Trong số hiện vật mà nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chuyển cho gia đình nhạc sĩ vào tháng 4.2021, có bản tiểu sử do chính nhạc sĩ viết tay bằng tiếng Việt cùng hai bản đánh máy bằng tiếng Anh và Pháp, ghi: Tên thật Trịnh Công Sơn, sinh ngày: 28 Fevrier 1939 (tức 28 tháng 2.1939). Tiểu sử của ông được khai đến thời điểm năm 1968. Tức là bản tiểu sử này được Trịnh Công Sơn thực hiện một năm trước khi có bản khai với Bộ Thông tin VNCH trong hồ sơ trên đây (năm 1969).

Sinh nhật vào đầu mùa xuân

Với nhan đề Nhật ký tuổi 30, báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 8.4.2001 đã trích đăng một đoạn nhật ký của Trịnh Công Sơn viết vào năm 1969, khi ông vừa tròn 30 tuổi. Ông viết: “Vào đầu mùa xuân này tôi có ba mươi tuổi chẵn... Bây giờ là mùa xuân của một năm mới. Mùa xuân mà tôi vừa đến tuổi ba mươi. Tôi đã dự định sẽ tổ chức sinh nhật của mình thật lớn để mừng tuổi khởi đầu cho sự trưởng thành thật sự. Tôi có nói điều đó với mấy đứa em, cả với mẹ tôi nữa. Những đứa em gái có vẻ mừng, nhắc nhở luôn và chờ đợi...”. Đoạn nhật ký này cho thấy ông sinh ra vào mùa xuân năm 1939, chứ không phải là tháng 6 - mùa hạ năm 1940, như trong bản khai của ông (cũng vào thời điểm đầu năm 1969) với Bộ Thông tin VNCH.

Trang báo báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 8.4.2001 trích đăng nhật ký của Trịnh Công Sơn viết vào năm 1969.


Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm trong đống tư liệu đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và lại tìm thấy thêm một chứng cứ nữa về ngày sinh của ông. Trong những lá thư Trịnh gửi cho người yêu Ngô Vũ Dao Ánh, sau này đã được in thành sách Thư tình gửi một người (Nhà xuất bản Trẻ 2012), có lá thư gửi viết đúng vào ngày 28.2.1967. Trịnh viết: “Sáng nay thức dậy muộn. Ngày mở ra cùng giá rét. Anh chưa biết sẽ làm gì để nhắc lại một khởi điểm mà từ đó mình đã vào đời. Chắc anh sẽ khui champagne để nghe tiếng nổ cho đỡ buồn. Đốt thêm cây nến mà Ánh đã cho anh đầu năm... Anh Lê Văn Hảo (dạy ở Văn khoa) vừa đến thăm... Anh Hảo đòi tổ chức sinh nhật để mừng anh”.

Trong các bài viết về Trịnh Công Sơn, những người bạn thân của ông như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Đinh Cường, dịch giả Bửu Ý... đều viết về ngày sinh của ông là 28.2.1939, tuổi con mèo, năm Kỷ Mão. Tính đến mùa xuân năm nay, Trịnh Công Sơn vừa tròn 85 tuổi.

Vậy sao lại có ngày 10.6.1940?

Trong lời khai của Trịnh Công Sơn với Bộ Thông tin VNCH, cả ngày sinh (10.6.1940) và nơi sinh (tại phường Phú Nhơn, Thành nội Huế) đều không đúng với thông tin thật. Theo chúng tôi, lời khai này được thực hiện trong cuộc thẩm vấn của Bộ Thông tin VNCH, chắc hẳn ông phải chịu một áp lực nặng nề từ chính quyền. Vì vậy, trong phần “Xin cam kết” của bản khai này có một dấu gạch chéo trên các điều khoản: “Tuyệt đối trung thành với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa”; “Tuyệt đối không cung cấp tin tức cho một cá nhân nào khác ngoài cơ quan mà tôi đang phục vụ trừ khi có lệnh trên”; “Tuyệt đối giữ tất cả những tin tức mà tôi được biết trong khi thừa hành phận sự...”. Dấu gạch chéo này là của chính Trịnh Công Sơn, người ký tên.

Google vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với biểu tượng Doodle vào ngày kỷ niệm sinh nhật của nhạc sĩ vào ngày 28.2.2019.


Chúng tôi cũng được gia đình nhạc sĩ cung cấp một bản sao chụp tờ “Chứng thư thay giấy khai sinh" của Trịnh Công Sơn, trong đó ghi: sinh ngày mười tháng sáu năm 1939. Bản chứng thư này được làm tại phường Phú Nhơn, Thành Nội Huế, ngày 29.3.1950, do Bang tá Kinh thành nội xác nhận. Chứng thư này được lưu tại Tiểu học Vụ (thuộc Bộ Giáo dục VNCH), là cơ quan đã điều động Trịnh Công Sơn lên dạy học và làm trưởng giáo Trường sơ học Bảo An (B’Lao, Lâm Đồng) từ năm 1964. Phải chăng, Trịnh Công Sơn phải khai “sinh ngày 10.6.1940 tại phường Phú Nhơn, Thành nội Huế”, để khớp với bản lý lịch ông đang sử dụng và đang lưu ở Bộ Giáo dục?

Câu hỏi này nếu được làm sáng tỏ thì sẽ củng cố thêm căn cứ để bác bỏ ngày sinh không thực của Trịnh Công Sơn. Còn với những chứng cứ mà chúng tôi đã trình bày trên đây, cũng đã đủ để khẳng định: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28.2.1939, nhằm ngày 10 tháng Giêng Kỷ Mão, tại làng Lạc Giao, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong sách Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài (Nhà xuất bản Văn học 2017),  tác giả Bửu Ý viết về “những dấu mốc, một đời người”: “28.1.1939, Trịnh Công Sơn chào đời tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk” (trang 19)... “28.2.2001. Sinh nhật cuối cùng của Trịnh Công Sơn. Anh ngồi xe lăn, chân trái khỏe, chân phải yếu và bị mẻ xương” (trang 46).

Trong sách Trịnh Công Sơn 1939-2001 Cuộc đời - Âm nhạc - Thơ - Hội họa & Suy tưởng (NXB Văn nghệ TP.HCM 2001), họa sĩ Đinh Cường viết: “Tôi và Sơn cùng tuổi Kỷ Mão. Sơn sinh ngày 28 tháng 2 (hai năm mới có ngày 29)”.

Minh Tự



Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Nhà làm việc của bác sĩ sáng lập viện Pasteur ở Việt Nam

 Nơi làm việc của bác sĩ Alexandre Yersin, người thành lập viện Pasteur ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, được xây khoảng 100 năm trước, trên núi cao hơn 1.500 m.

Ngôi nhà của bác sĩ Alexandre Yersin nằm trên núi Hòn Bà thuộc xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), cách TP Nha Trang, Khánh Hòa, khoảng 60 km.

Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaud, hạt Vaud, Thụy Sĩ. Năm 1891, ông đến Nha Trang sinh sống và làm việc ở đây cho đến ngày mất 1/3/1943. Thời gian ở đây, ông có nhiều công trình y học giá trị, trong đó đáng chú ý là phát hiện bệnh dịch hạch.

Ông là người sáng lập Viện Pasteur ở Nha Trang (1895), Hà Nội (1925, hiện là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Đà Lạt (1936, hiện là Công ty vaccine Pasteur Đà Lạt). Trước đó, Viện Pasteur Sài Gòn được bác sĩ Albert Calmette thành lập năm 1891. Đây là các đơn vị y tế, khoa học hàng đầu trong nghiên cứu phòng chống dịch, dịch tễ học...

Trước
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Ngôi nhà được bác sĩ Yersin xây dựng khoảng năm 1914 sau khi đi khảo sát đỉnh Hòn Bà để nghiên cứu địa hình trồng thuốc chữa bệnh. Căn nhà sau đó bị bỏ hoang nhiều năm, được chính quyền phục dựng năm 2004.

Sau cải tạo, ngôi nhà có hai tầng tương tự căn nhà cũ. Tầng một trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên qua cuộc đời và sự nghiệp của Yersin. Tầng hai chia làm ba buồng, gồm phòng ngủ, phòng khách và bàn thờ tưởng niệm. Ngày 20/3/2023, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Phía trước căn nhà, tượng bán thân bác sĩ Alexandre Yersin được Hội Ái mộ bác sĩ Yersin dựng lên tháng 10/2023.

Bên trong tầng một tòa nhà treo nhiều hình ảnh, tư liệu về bác sĩ.

Trước
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Tủ nội thất trong căn nhà. Trước đây tủ trưng bày những hiện vật gắn bó cuộc đời bác sĩ như máy ảnh, đèn dầu, song hiện trống trơn.

Ông Lê Kim Hoàn Vũ, Phó hạt kiểm lâm Hòn Bà, cho biết khu nhà này đã lâu chưa khai thác du lịch nên có dấu nhiều xuống cấp. Thời gian tới, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà phối hợp công ty, doanh nghiệp khảo sát để khai thác du lịch cùng với bảo tồn.

Lối cầu thang lên tầng 2 của ngôi nhà bị hoen gỉ.

Khu vực ban công căn nhà. Các nhân viên tại khu bảo tồn thường dọn dẹp, lau dọn nhiều vật dụng ở đây.

Trước
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Phòng khách tại tầng hai trống trơn đồ đạc. Trước đây nơi này được bố trí hai bộ bàn ghế gỗ tái hiện không gian sống của bác sĩ Yersin.

Trước
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Phòng ngủ của bác sĩ Yersin hiện trống rỗng so với có giường, tủ như lúc mới phục dựng.

Người dân lên thắp hương tại bàn thờ tưởng niệm bác sĩ Yersin sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép tham quan khu vực từ ngày 6/2.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, hiện khách có thể lên quan quan đỉnh Hòn Bà, di tích nhà làm việc của bác sĩ. Tuy nhiên, do mới giai đoạn thử nghiệm (trong ba tháng), cơ sở vật chất ở đây chưa được hoàn thiện.

Hồ chứa nước được bác sĩ dùng để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, tưới tiêu trồng trọt.

Trước
Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Cách căn nhà khoảng 100 m là khu vực chuồng ngựa, nay chỉ còn một số máng bằng đá. Bác sĩ Yersin nuôi ngựa để thồ hạt giống, cây dược liệu đưa lên đỉnh Hòn Bà trồng thử nghiệm, phục vụ nghiên cứu.

Tháng 7/2010, Công ty cổ phần Yasaka Sài Gòn - Nha Trang được chính quyền giao quản lý, tôn tạo khu di tích nhà làm việc của bác sĩ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Tuy nhiên, công ty để xảy ra sai phạm trong xây dựng nên bị xử phạt, mất quyền quản lý dự án.

Bùi Toàn