Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

45 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Sự kiện không chỉ diễn ra năm 1979

Tiến sĩ Phạm Minh Thế

Thực tế, cuộc chiến tranh biên giới mà Trung Quốc đã gây ra với Việt Nam tiến hành trong bao lâu? Là một cuộc chiến tranh hay 2 cuộc? Cuộc chiến chỉ diễn ra trong năm 1979 hay còn kéo dài về sau? Và khi nào thì nó chính thức kết thúc?

LỜI TÒA SOẠN

Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.

45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.

VietNamNet khởi đăng loạt bài 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu tới quý độc giả, để mọi người cùng ghi nhớ, không thể lãng quên.

Cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam diễn ra ở vùng biên giới hai nước đã trôi qua 45 năm. Có nhiều nghiên cứu được công bố, nhưng vẫn còn không ít góc khuất của cuộc chiến này. 

Trong hầu hết dịp kỷ niệm, các bài viết đều sử dụng tiêu đề niên đại/mốc thời gian 1979. Điều này làm cho độc giả nghĩ rằng cuộc chiến này diễn ra và kết thúc trong năm 1979. 

Vậy thực tế, cuộc chiến tranh biên giới mà Trung Quốc đã gây ra với Việt Nam tiến hành trong bao lâu? Là một cuộc chiến tranh hay 2 cuộc? Cuộc chiến chỉ diễn ra trong năm 1979 hay còn kéo dài về sau? Và khi nào thì nó chính thức kết thúc?

Thực tiễn đã cho thấy, cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc tiến hành đối với Việt Nam ở vùng biên giới trên bộ phía Bắc và trên biển, đảo đã diễn ra có tính liên tục trong vòng 10 năm, từ 1979 đến 1989. Về cơ bản, có thể chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự Việt Nam

Từ 17/2 - 18/3/1979, ngày 17/2/1979, lấy lý do thực hiện một cuộc “phản kích tự vệ”, giới cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn công quân sự đối với Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.000km.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã xua quân đánh thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam (có những nơi quân đội Trung Quốc đã vào sâu từ 15-20km) ở nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, tiến hành các cuộc sát hại nhân dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc.

Hướng tiến công chủ yếu của quân Trung Quốc xâm lược là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); và hướng nghi binh là Quảng Ninh và Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay). Với hành động đó, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được quốc tế công nhận.

Quyết định tổng động viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước được đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 6/3/1979. Ảnh tư liệu

Đáp lại hành động gây chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân dân Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng, tiến hành cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược ở vùng biên giới phía Bắc. Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra “Lời kêu gọi” đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 446-NQ/QHK6 quyết định Tổng động viên trong cả nước. Căn cứ ra Quyết định được nói rõ là: “Căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp năm 1959; Trước cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc đối với nước ta. Để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước; Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ”.

Điều 1 của Quyết định này nêu rõ: “Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do Luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu cần thiết của cuộc kháng chiến cứu nước”. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 29 Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Các văn kiện này đã được đăng trên Báo Nhân dân số 9036 ra ngày 6/3/1979.

Trước sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước cũng như tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân Việt Nam, trưa ngày 5/3/1979, giới cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu rút quân. Và chiều cùng ngày, quân đội Trung Quốc bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Thể hiện thiện chí hòa bình, khi Trung Quốc rút quân, Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố không truy kích. Song, từ ngày 6/3/1979, trong quá trình rút lui về nước, quân đội Trung Quốc đã vừa rút vừa đánh phá, gây thêm nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam ở vùng giáp biên giới.

Trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh kéo dài ở biên giới phía Bắc, ngày 11/3/1979, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra Chỉ thị số 84 về chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc mới rút hầu hết quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận quân chủ lực Trung Quốc “vẫn chiếm đóng trái phép một số nơi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu trong nội địa Việt Nam từ 200-600m; thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên giới tiếp tục căng thẳng kéo dài”.

Giai đoạn 2: Cuộc chiến tranh chuyển từ diện rộng toàn tuyến sang diện điểm

Từ sau ngày 18/3/1979 cho đến cuối năm 1985, đây là giai đoạn cuộc chiến tranh chuyển từ diện rộng toàn tuyến sang diện điểm, cục bộ. Sau khi rút một bộ phận lớn quân đội khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa “dạy cho Việt Nam bài học thứ hai”, tiếp tục có những động thái gây hấn, sử dụng quân sự để tấn công, phá hoại tiềm lực quốc phòng, cơ sở vật chất - kỹ thuật ở biên giới các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. 

Từ sau ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên toàn tuyến biên giới; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tấn công lấn chiếm nhiều điểm trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm. “Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.

Chỉ tính từ tháng 4/1979 đến tháng 12/1980, Trung Quốc bắn pháo 282 lần, xâm nhập vũ trang 157 vụ. Bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên đánh trả 45 lần, trong đó 44 lần đánh trả bằng pháo binh, tiêu diệt 477 tên địch, bắt sống 34 tên địch. Ngày 31/3/1981, 1 đại đội quân Trung Quốc tiến công biên phòng Săm Pun, huyện Mèo Vạc. Ngày 7/5/1981, Trung Quốc sử dụng 2 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh tiến công lấn chiếm điểm cao 1800A, 1800B xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên.

Lực lượng vũ trang Việt Nam có 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 313, Quân khu 2 tổ chức phòng ngự. Ngày 25/5/1981, Trung Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh đánh chiếm điểm cao 1688 xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Trong 2 năm 1982-1983, phía Trung Quốc đã tung biệt kích, thám báo để phục kích bắt các chiến sĩ Việt Nam để khai thác thông tin và tiếp tục dùng pháo, cối bắn sang lãnh thổ Việt Nam. Năm 1984 là năm chiến sự xảy ra ở huyện Vị Xuyên và huyện Yên Minh (Hà Tuyên) - “điểm nóng” nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh tư liệu

Từ tháng 4/1984, quân Trung Quốc dùng pháo binh bắn phá toàn tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên, kéo dài dai dẳng, ác liệt trong gần 1 tháng; và mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm vào lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên). Sau nhiều ngày dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam; đây là cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc vào Việt Nam.

Trung Quốc đã lần lượt huy động nhiều đơn vị, tổng số khoảng 50 vạn quân từ 8 trong 10 đại quân khu để tấn công vào Việt Nam, chủ yếu ở Vị Xuyên, Hà Giang ngày nay. “Với một chính diện khoảng 20km, sâu khoảng 10km; mục tiêu là lấn tới bắc suối Thanh Thủy, để vẽ lại đường biên giới sâu vào đất Việt Nam khoảng 5km”.

Cho đến cuối tháng 4/1984, "quân Trung Quốc đã chiếm được tất cả các điểm cao trên tuyến biên giới: 1509, 772, 685, 266, 233 - Tây Sông Lô. Quân ta thương vong lớn phải lui về tuyến thấp tổ chức phòng ngự để ngăn chặn quân Trung Quốc không cho chúng lấn sâu vào đất ta”. Để chiếm lại các vị trí đã mất, đẩy lui quân xâm lược, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chủ trương tổ chức chiến dịch phản công mang tên mật danh MB84.

Ngày 12/7/1984, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 2 (Mặt trận Vị Xuyên) tổ chức trận đánh mở màn cho chiến dịch “MB84” nhằm thu hồi một số vị trí bị phía Trung Quốc chiếm giữ trong các ngày 28/4 và 15/5/1984 ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông Sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên. Tuy nhiên, do bất lợi về địa hình và hỏa lực nên “việc thực hiện chiến dịch “MB84” ngày 12/7/1984 của 3 sư đoàn: 356, 316, 312 tấn công đánh chiếm lại các cao điểm 772, 233, 1030 đều không thành công.

Quân ta thương vong nặng, có thể nói đây là ngày “đẫm máu nhất”, thương vong nhiều nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm, bảo vệ biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên từ năm 1984 đến năm 1989. Do đó, cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên gọi ngày 12/7/1984 là ngày “Giỗ trận” các liệt sĩ đã hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.

Từ sau thất bại này, nhất là từ khi Thiếu tướng Hoàng Đan được cử lên làm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, sau khi điều tra thực tiễn chiến trường, ông đã thay đổi chiến thuật tác chiến của quân ta, chuyển từ “công đối công” sang chiến thuật đánh “phòng ngự và lấn dũi”. 

Con trai ông cho biết: “Việc đầu tiên ba tôi làm khi lên đến Vị Xuyên là thay đổi toàn bộ cách đánh trước đó. Không cho quân dàn hàng ngang đấu tay đôi với Trung Quốc nữa, ông yêu cầu bộ đội quay trở về chiến thuật thời Điện Biên Phủ. Ông lệnh cho bộ đội đào hầm để tránh pháo kích của địch; đào hào sát đến tận công sự địch, sử dụng tất cả các hang hốc để bố trí lực lượng, rồi tổ chức những nhóm nhỏ cấp trung đội, tiểu đội để tấn công bất ngờ. Thực tế là những tổn thất về con người từ đó đến năm 1985 cộng lại cũng không nặng nề bằng vài tuần đầu của chiến dịch”.

Trung tướng Đặng Quân Thụy -  nguyên Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) - nhận định: “Như vậy, mặt trận Vị Xuyên lúc đầu là điều quân ồ ạt, đánh chớp nhoáng giành lại điểm cao trên biên giới bị đối phương lấn chiếm, nhưng công tác chuẩn bị gấp gáp nên chưa thành công. Sau đó ta chủ trương đánh lâu dài, củng cố công sự trận địa, kiên quyết giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức đánh trả đích đáng, gây cho chúng tổn thất. Chúng bị tổn thất nhiều, lại không đạt được ý đồ đẩy ta xuống phía Nam suối Thanh Thủy, vẽ lại đường biên giới, ý chí bị lung lay. Cuối cùng đến năm 1989, cùng với những yếu tố chính trị, họ phải rút quân về”.

Thay đổi chiến thuật tác chiến như vậy đã giúp quân và dân ta đẩy lui các đợt tấn công lớn của địch vào đầu và giữa năm 1985. Việc thay đổi chiến thuật tác chiến cũng đã làm cho cục diện của cuộc chiến tranh có sự thay đổi dần và chuyển sang một một giai đoạn mới, giai đoạn vừa đánh, vừa đàm.

Giai đoạn 3: Vừa đánh vừa đàm, chấm dứt chiến tranh

Từ 1986 đến tháng 10/1989, giai đoạn cầm cự, vừa đánh, vừa đàm và chấm dứt chiến tranh. Chiến trường chủ yếu vẫn diễn ra ở Vị Xuyên, Hà Giang. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên) thì “Sang năm 1986, ta với địch chủ yếu sử dụng pháo, súng cối đánh phá các trận địa phòng ngự, sát thương sinh lực của nhau. Đến tháng 10/1986, sau một thời gian dùng pháo binh, súng cối bắn phá vào trận địa phòng ngự của ta, quân địch đặc biệt tập trung bắn vào bình độ 1100, 1000, Nậm Ngặt”.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công của địch đã lần lượt bị ta bẻ gãy. Đây cũng là lúc mà ta bắt đầu thực hiện chiến thuật “tâm lý chiến”, đẩy cao công tác binh vận, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân địch ở mặt trận. Cùng với đó, Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI tháng 12/1986 cũng đã thể hiện rất rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam khi đưa ra tuyên bố:

“Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trước sau như một, quý trọng và nhất định làm hết sức mình để khôi phục tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, và đã đưa ra nhiều đề nghị nhằm sớm bình thường hóa quan hệ giữa nước ta và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lập trường của chúng ta là lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của hai nước làm trọng. Chúng ta cho rằng đã đến lúc hai bên cần ngồi lại cùng nhau thương lượng để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài trong quan hệ giữa hai nước. Một lần nữa, chúng ta chính thức tuyên bố rằng: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.

Với quan điểm này, cục diện vừa đánh, vừa đàm đã dần hình thành và thúc đẩy cuộc chiến tranh chuyển sang tình trạng mới, bớt căng thẳng hơn. Sang năm 1987, tình hình cuộc chiến ở chiến trường Vị Xuyên hầu như chỉ căng thẳng vào đầu năm khi địch thay quân.

Để thể hiện thiện chí hòa bình “ngày 26/6/1987, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thông điệp miệng cho ông Đặng Tiểu Bình đề nghị có cuộc gặp riêng Việt Nam - Trung Quốc nhằm hợp tác trong việc thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia”.

Và “năm 1988, Trung Quốc không tổ chức một đợt tấn công quy mô lớn nào vào các trận địa phòng ngự của ta, mà chủ yếu dùng pháo bắn phá các trận địa phòng ngự và sát thương sinh lực của ta”.

Vì thiện chí hòa bình, Việt Nam đã không làm phúc tạp thêm vấn đề mà tìm cách tháo gỡ trong thương lượng, đàm phán. “Ngày 15/7/1988, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với Trung Quốc hàng loạt biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước”.

Ta cũng đã chủ động rút quân chủ lực khỏi đường biên 40km. Do đó, từ cuối năm 1988, giới cầm quyền Trung Quốc cho quân dừng hoạt động pháo kích sang đất Việt Nam. Bước sang năm 1989, Trung Quốc ngừng bắn pháo vào Mặt trận Vị Xuyên. Ngày 15/5/1989, kẻ địch bắt đầu nổ mìn phá công sự ở điểm cao 233 và một số nơi khác, bắt đầu rút quân. Cũng từ đó, hai bên đã ngừng bắn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Đến tháng 10/1989, Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đến đây, cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung mới thật sự chấm dứt. Và sau cuộc Hội nghị cấp cao không chính thức giữa Việt Nam và Trung quốc tại Thành Đô (Trung Quốc) từ ngày 3-4/9/1990, quan hệ giữa hai nước bắt đầu có chiều hướng phát triển tích cực hơn. Năm 1991, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

Như vậy, nhìn lại các diễn biến có thể thấy rằng, nếu xét trên bình diện chiến tranh thì cuộc chiến đã kết thúc vào tháng 10/1989, khi mà quân đội chủ lực của hai bên đều đã rút khỏi đường biên giới hai nước, các hoạt động chiến tranh đã chấm dứt.

Cuộc chiến tranh này đã diễn ra trong một quá trình liên tục từ tháng 2/1979 cho đến tháng 10/1989, nếu tính theo năm thì 10 năm, nhưng tính đến tháng thì đã hơn 10 năm. Trong thời gian đó, đã có hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Việt Nam ngã xuống, anh dũng hy sinh để kháng chiến, chặn đứng âm mưu xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia dân tộc.

Nghiên cứu về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung (1979-1989) không phải để khơi lại, gây chia rẽ thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, mà nhằm tôn vinh những quân nhân Việt Nam đã tham gia chiến đấu, hy sinh và từ đó biết trân quý nền hòa bình hiện tại.



45 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Để lịch sử không lặp lại đau thương

45 năm trôi qua kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), thời gian đủ dài để cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ, chân thực.

LỜI TÒA SOẠN

Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.

45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.

VietNamNet khởi đăng loạt bài 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu tới quý độc giả, để mọi người cùng ghi nhớ, không thể lãng quên.

Thời gian lùi xa nhưng không làm thay đổi sự thật và bản chất

Mờ sáng 17/2/1979, dưới chiêu bài “Phản kích tự vệ”, 60 vạn quân Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế “cuộc chiến đấu mới” này phải kéo dài tới 10 năm (1979-1989) đầy ác liệt, mất mát, đau thương.

 Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được 5 mục tiêu cơ bản sau :

Một là, cứu bọn Pol Pot. Ý đồ của họ là chiếm một số khu vực đất đai của Việt Nam ở gần biên giới, nếu thuận lợi sẽ tiến sâu vào sâu, buộc ta phải đàm phán, ép ta phải rút quân khỏi Campuchia.

Hai là, thông qua chiến tranh chống Việt Nam để tranh thủ Mỹ và các nước đồng minh giúp họ thực hiện “Bốn hiện đại hóa”.

Ba là, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, làm Việt Nam suy yếu. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là bộ đội chủ lực, phá hoại kinh tế, tàn sát dân thường, gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân, kích động bạo loạn, hạ uy thế của Việt Nam sau khi thắng Mỹ năm 1975.

Bốn là, uy hiếp Lào từ phía Bắc, buộc Lào phải trung lập hoặc theo họ chống lại Việt Nam, uy hiếp Việt Nam từ phía Tây; gỡ thể diện trước các nước Đông Nam Á sau thất bại ở Campuchia.

Năm là, thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận quốc tế để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu tiếp theo.

Tổn thất lớn lao

Cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ biên giới phía Bắc trong giai đoạn đầu chỉ diễn ra khoảng một tháng, thực chất là 17 ngày (từ 17/2/1979 đến khi Trung Quốc tuyên bố rút quân 5/3/1979) nhưng sự tổn thất về người và của lại không thua kém một cuộc chiến tranh dài ngày.

Trung Quốc là bên chịu tổn thất không hề nhỏ. Theo tác giả Trường Sơn, “Chiến tranh biên giới 1979 : Cuộc chuyển quân thần tốc” đăng trên Infonet ngày 18/2/2015 thì trong tuần đầu tiên của chiến tranh, lực lượng vũ trang 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân Trung Quốc. Con số này tiếp tục tăng lên 27.000 quân vào ngày 28/2 và 45.000 quân vào ngày 5/3/1979. 

Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về tổn thất, mới chỉ có con số ước tính là: Có 320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, trạm xá, 38/42 lâm trường, 41/41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ ở khu vực chiến sự bị tàn phá.

Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới phía Bắc Việt Nam bị mất nhà cửa, tài sản, phương tiện sinh sống.

Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Đường gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa bị quân Trung Quốc cố ý phá hoại như hang Pắc Bó (Cao Bằng), động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)...

Mặt trận Hà Giang từ 1979-1989 có 4.760 liệt sĩ, trong đó khu vực chiến trận Vị Xuyên từ 1984-1989 có hơn 4.000 chiến sĩ thuộc 9 sư đoàn chủ lực hy sinh, riêng Sư đoàn 356 có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Trung Quốc thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt

Sau chiến trận toàn tuyến biên giới đầu năm 1979, Trung Quốc thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống lại Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang như phục kích, tập kích, pháo kích, tấn công lấn chiếm... gây rất nhiều tổn thất về người và của cho quân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 1984 - 1989, Trung Quốc quay lại và duy trì trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) với cường độ cao, mật độ dày tạo ra tình trạng căng thẳng, bất ổn ở khu vực biên giới Việt - Trung, gây ra nhiều tổn thất và hậu quả nghiêm trọng cho quân dân Việt Nam.

Đi đến đâu, quân đội Trung Quốc cũng phá phách, phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng, tàn sát người dân vô tội. Vụ thảm sát tàn bạo nhất mà quân đội Trung Quốc gây ra ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ngày 9/3/1979, 4 ngày sau khi tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, lính Trung Quốc đã tấn công vào một trại nuôi lợn ở bản Tổng Chúp, giết chết 43 người gồm phụ nữ, trẻ em và vùi xác dưới giếng. Từ ngữ trên tấm bia xi măng còn sót lại ở Tổng Chúp là không đủ và không bao giờ là đủ để diễn tả hết sự bạo tàn bởi  những tội ác mà quân Trung Quốc đã gây ra khi đang trên đường rút quân về nước.

Thắp hương tưởng nhớ những nạn nhân vụ thảm sát ở Tổng Chúp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vào những ngày Tết của xuân Giáp Thìn 2024, Cao Bằng đã khánh thành công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm tại nơi xảy ra vụ thảm sát tàn bạo đó 45 năm về trước.

Bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, sau thời gian băng giá, với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc : Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm phạm lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Cuối năm 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. 

Việt Nam và Trung Quốc đã vượt qua nhiều ngáng trở, thách thức để trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác và phát triển trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.

Nhắc lại cuộc chiến này để tôn trọng những sự thật lịch sử, để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì cuộc chiến và điều quan trọng nhất là rút ra những bài học lịch sử quý giá từ quá khứ cho hiện tại và tương lai.

Cảnh giác luôn là bài học đầu tiên và lớn nhất 

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn là thực tiễn sinh động khẳng định một nguyên lý : trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn đề cao cảnh giác trước sự dòm ngó và xâm lược từ bên ngoài. 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và chống đế quốc Mỹ và tay sai (1954-1975), vấn đề kẻ thù đã rất rõ ràng. Tinh thần và ý thức cảnh giác luôn được đề cao. Nhưng chính sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã có những bất ngờ về đối tượng tác chiến mới. 

Với tinh thần chiến đấu cao, với tư duy quân sự dày dạn, sau những bất ngờ đầu tiên khi cuộc chiến vừa diễn ra, chúng ta đã có những quyết định đúng đắn ở cả tầm chiến thuật và chiến lược để đem lại chiến thắng. Từ bài học này, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nhất là về kinh tế, chúng ta đã đổi mới trên lĩnh vực quốc phòng, trong đó nổi bật nhất là quan điểm về đối tác và đối tượng trong thực tiễn. 

Có cảnh giác mới giữ được thế chủ động trong mọi ứng xử.

Bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 1979-1989 mà chúng ta đã giành thắng lợi, trước hết là vì chính nghĩa, vì hành động xâm lược của đối phương đã “kích hoạt” lòng yêu nước mãnh liệt của quân và dân ta. 

Bài học vô giá cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Thế giới đang trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vận hội và thách thức cho các quốc gia. Hòa đồng với lợi ích chung của thế giới trong lợi ích của từng quốc gia dân tộc là điều cốt lõi của đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày càng lùi xa nhưng thắng lợi và cả những sự hy sinh, tổn thất to lớn của quân dân Việt Nam đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đan xen những thuận lợi và khó khăn, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác, nhận rõ bản chất của đối tác và đối tượng, từ đó có ứng xử phù hợp, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển. 


Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2024): Biên giới mùa xuân - Bài 1: Pha Long anh hùng

Cái khó khăn, nghèo đói nơi vùng cao này đang dần được thay bằng cuộc sống mới, no đủ hơn. Pha Long, vùng đất nơi biên ải ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), đã thấm đẫm máu đào của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 45 năm trước, đang thay đổi, vươn lên từng ngày.

LTS: Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vừa qua, phóng viên Báo SGGP trở lại những chiến trường ác liệt, vùng đất đau thương năm xưa để ghi nhận sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ sau cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả dân tộc.

“Bức điện mật” cuối cùng

Từ TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), chúng tôi theo quốc lộ 4D lên huyện Mường Khương. Con đường nhựa phẳng phiu quanh co, uốn lượn qua những dãy núi cao. Ruộng nương, bản làng thấp thoáng sau lớp sương bảng lảng của đất trời biên cương. Từ thị trấn Mường Khương, đi thêm khoảng 20 phút, Pha Long hiện ra với chập chùng núi đá uy nghi, hùng vĩ, tạo thế vững chãi cho một vùng biên ải. Theo nhiều người cao tuổi nơi đây, vùng đất Pha Long còn được người xưa gọi là “Rồng Hoa”, bởi vùng núi đá nơi đây có hình thù như con rồng đang vươn lên trời. Cái tên đó cũng thể hiện khát vọng, mong ước về một cuộc sống hòa bình, phát triển của bà con các dân tộc nơi đây.

o5b-5447.jpg
Nhà bia tưởng nhớ 41 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Lịch sử luôn thăng trầm với vùng đất “Rồng Hoa” này. Dù từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, địch họa nhưng vùng đất vẫn kiên cường vươn lên thẳng tắp như cây sa mộc nơi vùng cao Tây Bắc. Trong khuôn viên Đồn Biên phòng Pha Long đang ngổn ngang công trình xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, những cây đào rừng rực rỡ, thắm đượm sắc xuân bên vườn rau xanh mướt nhờ sự chăm sóc của những người lính biên phòng.

Nhấp chén trà nóng, trong cái lạnh se sắt với mưa xuân vùng núi cao biên ải, Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pha Long, trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng chiến đấu vô cùng oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ đồn 45 năm trước…

Lịch sử truyền thống của Đồn Biên phòng Pha Long ghi: Từ 5 giờ 30 phút ngày 17-2-1979, hai trung đoàn lính Trung Quốc bao vây Đồn Biên phòng Pha Long với ý định cắt rời đồn khỏi thế trận trên toàn biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái). Suốt 4 ngày đêm bị bao vây với hỏa lực mạnh và quân số đông hơn rất nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ Pha Long vẫn kiên cường bám đồn, bám chốt chiến đấu mưu trí, kiên cường bẻ gãy hàng loạt đợt tấn công, tiêu diệt nhiều tên địch, bảo vệ lãnh thổ, biên cương Tổ quốc tới viên đạn, hơi thở cuối cùng…

Phòng truyền thống của đồn hiện có nhiều hiện vật, tư liệu thể hiện quá trình chiến đấu anh dũng của đồn, trong đó “Bức điện mật” của Thượng úy Trần Xuân Ngọc (Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng Pha Long thời đó) được treo trang trọng. Bức điện được đánh về hậu phương vào lúc 11 giờ ngày 19-2-1979 với nội dung: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Ngày nay, ngay phía trước cổng đồn, phía bên phải là tấm bia trấn ải bằng đá hoa cương trên đó có khắc 5 câu thơ như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ (tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi Nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Ngàn ngàn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm. Rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).

Phía bên trái là Nhà bia tưởng nhớ 41 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương (trong đó, cuộc chiến đấu năm 1979 có 26 đồng chí) như muốn nhắc nhở các thế hệ mai sau về trách nhiệm trong việc cùng đồng bào các dân tộc nơi đây chung tay gắng sức xây dựng mảnh đất thêm giàu đẹp, ổn định biên cương, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước.

“Rồng Hoa” vươn mình

Vùng đất Pha Long hôm nay dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự phát triển đáng kể. Cuộc sống của bà con nơi đây đã ổn định, ấm no hơn. Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý 2 xã là Pha Long và Tả Ngải Chồ với 18 thôn bản, trên 1.330 hộ dân và khoảng 7.400 nhân khẩu; 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 86%. Trong số 2 xã mà đồn quản lý, Pha Long đã đạt được tiêu chuẩn Xã nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, xã vẫn còn thua xa các xã ở đồng bằng và Tả Ngải Chồ vẫn là 1 trong 5 xã rất nghèo của huyện Mường Khương.

Nếu muốn người dân ổn định cuộc sống, gắn bó với quê hương, phải giúp người dân phát triển kinh tế. Chính vì thế, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều hình thức, như: hỗ trợ heo giống, bò giống, hỗ trợ trồng cây sa nhân (là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong đông y - PV); sửa chữa nhà cửa.

Để chuẩn bị Tết Giáp Thìn 2024, đồn đã vận động được một số đơn vị, cá nhân hỗ trợ xây dựng được ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình bà Lù Trần Mín (ở thôn Ma Chóa Sủ, xã Tả Ngải Chồ). Đây cũng là gia đình có một liệt sĩ hy sinh vào năm 1979. Bên căn nhà mái bằng rộng chừng 50m2 đang hoàn thiện, vợ chồng anh chị Sùng Minh Hải, con bà Mín, bày tỏ vui mừng khi gia đình sắp có nhà mới.

“Nhà cũ bằng gỗ rất chật, lại bị mối mọt nên ở khổ lắm! Bây giờ sắp có nhà mới rồi, gia đình mình thấy vui lắm, sẽ cố gắng làm ruộng và trồng cây sa nhân nhiều hơn để có của ăn, của để”, chị Hải chia sẻ.

Cách nhà chị Hải khoảng 5-6 nóc nhà là gia đình ông Vàng Tèo Phỏng (70 tuổi). Trong căn nhà của con trai mới xây khang trang, ông Phỏng nhớ lại: Thời chiến tranh biên giới, cuộc sống người dân rất khó khăn, bữa ăn hàng ngày chủ yếu là mèn mén (bột bắp hấp - PV), nhà cửa bằng gỗ, hoặc đắp đất nên mỗi khi mưa bão, gió mùa chỉ sợ sập nhà. Đường sá đi lại cũng rất vất vả, từ xã lên trung tâm huyện Mường Khương chỉ có đi bộ băng rừng, vượt núi, mất nửa ngày đường. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà cuộc sống của bà con khá hơn.

Sự thay đổi đáng mừng nhất là đường sá đi lại rất dễ dàng, với đường nhựa, đường bê tông và người dân muốn ra chợ huyện chỉ mất 15-20 phút đi xe máy. Bà con cũng được chính quyền, bộ đội giúp cây giống, con giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên nhiều gia đình có thêm thu nhập, không còn lo nhiều tới cái ăn, cái mặc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, chia sẻ, thực tế Pha Long chỉ thay đổi, phát triển là từ năm 2005 tới nay khi hệ thống “điện, đường, trường, trạm” được hoàn thiện và sự nỗ lực, tích cực lao động, sản xuất của bà con để đẩy lùi đói nghèo. Từ năm 2010, Pha Long có những thay đổi lớn, phát triển hơn. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Pha Long tới 80% thì nay chỉ còn 7,5%.

Đến nay, 100% đường thôn, liên thôn được đổ bê tông và rải cấp phối; 80% đường ngõ xóm được cứng hóa, toàn bộ các hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pha Long đã giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165ha ruộng nước; trồng hơn 700ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; trồng mới 30ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy và vận động được 50 hộ dân lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như: gạo Séng Cù, heo đen Mường Khương... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào.

Cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, Đảng ủy, chính quyền xã Pha Long còn tập trung nhiều giải pháp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với sự quan tâm của các cấp, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, không lâu nữa, vùng đất Pha Long sẽ “hóa rồng” nơi biên ải.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong mọi nhiệm vụ, Đồn Biên phòng Pha Long được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần: lần thứ nhất vào ngày 16-12-1979 và lần thứ hai vào ngày 23-11-2012.


Chiến tranh biên giới phía Bắc: Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù

Ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới Việt -Trung. Hôm nay sự kiện đó đã tròn 44 năm.

Đã có nhiều sự thay đổi tích cực sau việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung năm 1991. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển nhưng không có nghĩa lãng quên những gì đã xảy ra. 

Sự thật lịch sử

Thứ nhất, sự kiện ngày 17/2/1979 và nhiều năm sau, đó là một cuộc chiến tranh xâm lược có tính toán nằm trong tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Họ đã hạ quyết tâm, chủ động vạch kế hoạch, tổng động viên lực lượng để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc đã tìm cách lý giải và biện minh cho hành động này chỉ là “cuộc phản công tự vệ”, bất chấp đạo lý và pháp lý.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thứ hai, với Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn  lãnh thổ, vì khát vọng hòa bình của nhân dân. Dân tộc Việt Nam luôn trân quý hòa bình và yêu chuộng nền hòa bình nhưng sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ hành động xâm lược nào, dù kẻ thù hung hãn tới đâu.

Thứ ba, ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc xâm lược và đến ngày 18/3/1979, họ tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến, nhưng cuộc chiến không chỉ dừng lại 1 tháng mà nó còn kéo dài dai dẳng đến năm 1989, tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.

Thứ tư, suốt 10 năm đó, quân đội Trung Quốc đã gây cho Việt Nam sự tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Họ đã tiến hành nhiều vụ thảm sát tàn bạo, tàn phá nhiều làng mạc, nhà cửa, cơ quan trường học, công trình dân sinh của quân và dân dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

Thứ năm, về phía Trung Quốc, xét về mặt quân sự, đây là thất bại nặng nề. Trên phương diện ngoại giao, đa số các nước trên thế giới phản đối hoặc biểu thị thái độ không đồng tình, yêu cầu Trung Quốc ngưng cuộc chiến.

Chủ quyền thiêng liêng

Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng khi đã nổ ra vì bất kỳ lý do gì thì không thể lãng quên. Thời gian dần xóa đi những vết tích đau thương, nhưng sự thật của cuộc chiến tranh đó cần nhắc lại đầy đủ, không thêm bớt và cũng không nên che giấu, càng không nên khoét sâu, thổi bùng thù hằn dân tộc.

Hãy nói đúng lịch sử và bản chất của sự kiện! Cần phải đối xử công bằng với lịch sử. Thời thế, quan hệ bạn- thù đổi thay, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi.

Nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là cách tri ân người đã ngã xuống, là cách nhắc nhở với thế hệ trẻ, cho hậu thế những bài học lịch sử và cũng là cách chúng ta thể hiện vị trí đàng hoàng, đĩnh đạc của một quốc gia có chủ quyền trước các cường quốc.

Tác giả cùng cuốn sách ông biên tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - Hà Giang. Ảnh: tác giả cung cấp

Ôn lại cuộc chiến không phải để “gặm nhấm quá khứ” mà để rút ra bài học cho hiện tại, hướng tới tương lai - một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng nhau phát triển. Từ cuộc chiến bùng nổ 44 năm trước, cho đến hôm nay, chúng ta đều phải thẳng thắn thừa nhận: Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù.

44 năm qua, thời gian đủ dài để 2 bên có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề tồn tại. Nhắc lại cuộc chiến một cách khách quan, khoa học là cách tốt nhất để đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời là cách tốt nhất giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm công dân với Tổ quốc.

Bài học từ lịch sử

Lịch sử bản chất là luôn sòng phẳng, khách quan. Cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trước hết là để rút ra bài học cho chính mình: Cái gì lẽ ra có thể tránh được và cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau. Giữ được hòa khí, hòa hiếu nhưng không được nhu nhược, hèn nhát. Hiểu lịch sử để không ngộ nhận, mơ hồ và bị động, chủ động đối phó những bất trắc trong tương lai.

Nhắc đến cuộc chiến để gửi gắm thông điệp hòa bình, đồng thời để chúng ta đều thấy có phần trách nhiệm xây dựng, thúc đẩy và phát triển truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân 2 nước nói chung và nhân dân vùng biên Việt - Trung nói riêng.

Xét về góc độ lịch sử thì cuộc chiến bùng nổ 44 năm trước giống như một vết hằn, một cái hố ngăn cách quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách tốt nhất là làm thế nào để “cái hố” ấy không bị đào sâu thêm, khoét rộng ra, để rồi mỗi khi đi qua trên cái cầu hữu nghị được bắc qua “cái hố” ấy vẫn nhìn thấy bài học đắt giá.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can dự vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi là tất yếu. Không được lãng quên sự thật nhưng không nên dùng nó để khơi gợi, khoét sâu hận thù trong quá khứ.

Quan hệ ngày một phát triển hiện nay giữa Việt Nam với các cựu thù như Pháp, Nhật, Mỹ luôn cho chúng ta thấy rõ điều đó. Đó cũng là bài học lịch sử quý giá, là kinh nghiệm lịch sử thiết thực phục vụ cho đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.

Trần Trung Hiếu

44 năm chiến tranh biên giới phía Bắc

44 năm chiến tranh biên giới phía Bắc

Cách đây 44 năm, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động khoảng 60 vạn quân cùng trên 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo các loại...mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh.