Tác giả bài viết này là Nguyễn Chánh Sắt, đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn số đầu xuân năm 1935. Nguyễn Chánh Sắt từng là chủ bút của tờ báo này từ năm 1906, sau đó còn làm chủ nhiệm của tờ nhựt báo quốc ngữ nổi tiếng khác nữa là Nông Cổ Mín Đàm. Vì vậy có thể nói Nguyễn Chánh Sắt chính là một nhà báo uy tín bậc nhất của báo chí quốc ngữ Việt Nam thời kỳ hơn 100 năm trước. Sau đây là bái báo được ông viết 90 năm trước, nêu rõ chủ trương bảo tồn lễ Tết cổ truyền, miễn là tránh được sự lãng phí và lược bỏ các loại tệ nạn, mê tín trong ngày Xuân.
Năm Giáp Tuất (1934) vừa qua, năm Ất Hợi (1935) hầu tới, cảnh tượng vẫn y nhiên, nhơn vật đều đổi mới, cái thời gian nó xây đổi, thì ta cũng nương theo đó mà trải qua, một năm dài đăng đẳng, ba trăm sáu chục ngày, mà ta mới gặp được một lần là 3 ngày Tết; thì ta nên mừng, nên vui chơi thong thả với ba ngày Nguyên đán của tổ tiên ta di truyền lại cho ta. Nước Nam ta từ ngày lập quốc đã trải mấy ngàn năm, mà cứ mỗi năm, ta lại được gặp một lần xuân mới, thì ta lại hẹp gì mà không vui vẻ với xuân; ngày xuân vẫn còn hoài, lớp trước đã qua, lớp sau lại tới, không bao giờ hết. Nay nhơn năm cũ bước qua năm mới, ta cũng nên mừng, cũng nên cầu chúc cho nòi giống ta cũng còn lâu dài, cũng còn tiền tấn hậu kế mãi mãi như ngày xuân kia vậy. Ta chẳng nên hờ hững với cái Tết, ta chẳng nên bỏ cái Tết của ta, mà ta chỉ cầu cho cái tinh thần và văn hóa của ta được nương theo cái thời gian mà đổi cũ thay mới để duy trì với nhơn tâm thế đạo đó thôi, chớ cái phong tục, cái cổ lễ của tổ tiên ta, thật là không nên bỏ. Ta không nên bỏ cái Tết của ta, vì các dân tộc ở bên Âu, Mỹ, trong một năm là 365 ngày, mà họ được nghỉ 52 ngày chúa nhựt, ngoài ra họ lại còn được nhiều ngày lễ khác mà nghỉ ngơi, nhứt là lao động, khỏi phải làm việc cực nhọc vất vả như ngày thường. Còn dân tộc Việt Nam ta, một nàm dài đăng đẳng, chỉ lo cặm cụi làm ăn, nhờ có ba ngày Nguyên đán là ngày lễ đầu năm mà thôi; nhưng đó là ra đã bớt đi hết bốn ngày rồi, chớ hồi xưa, lễ Tết tới 7 ngày, từ ngày mồng một, thì đã nghỉ ngơi ăn chơi thong thả cho đến ngày mồng 7 là ngày hạ nêu; bước qua ngày mồng 8 mới khởi công bắt dần làm việc lại. Thế thì một năm dài đăng đẳng, nghỉ ngơi chỉ có ba ngày mà vui vẻ với Xuân cũng không phải là quá. Học thuật của Tây thì ta cứ học, lễ giáo của tổ tiên ta thì ta vẫn giữ; cái Tết nó có ngăn trở gì đến cái sự tấn hóa của ta chút nào đâu mà ta phải bỏ, miễn là đừng có rượu trà cờ bạc, đừng xa hoa lãng phí, đừng bo bo theo cái lệ tục, đốt giấy má cho tốn tiền, gánh vàng đem đổ sông Ngô, ấy là một điều ta nên chừa nên bỏ đó. Trong một quãng đường từ mười mấy hai chục năm mà trở lại đây, mỗi năm hễ tới gần tới Tết, các nhà ngôn luận vẫn thường bài trừ tệ tục, thường hay chỉ trích những điều lãng phí vô ích của anh em trong ba ngày Nguyên đán. Nhưng lúc bấy giờ lúc một đồng, hoặc một đồng ngoài một giạ; dầu cho ai mà có cái miệng rộng tựa sông treo, cái lưỡi dài như gươm bén đi nữa, cũng không tài nào mà nói cho họ nghe theo được. Thời gian đã qua, thế cuộc đã đổi, trong khoảng ba bốn năm trời, lúa chỉ còn có hai ba cắc một giạ; dầu không bảo họ cũng thôi, không khuyên họ cũng dẹp. Cho nên cái Tết ngày nay, nào có thấy ai ăn xài lãng phí, nhà cửa chưng dọn linh đình, rượu Tây rượu Tàu như trước, nào có nghe tiếng Pháp đì đùng vang tai điếc óc trong ba ngày Tết nữa đâu. Ấy cũng chẳng qua cái thời gian nó bắt buộc, chớ nào có phải ai dễ hầu khuyên bảo được ai. Cái Tết nó đã chẳng ngăn trở gì tới cái bước đường tấn hóa của ta, thì việc gì mà ta phải bỏ; ta phải có cái cảm tình đối với ba ngày Tết để làm một chút kỷ niệm của tổ tiên ta di truyền còn sót lại có bấy nhiều lễ giáo đó mà thôi. Non sông còn, nói giống ta vẫn còn, thì cái Tết của tổ tiên ta để lại, ta cũng nên gìn giữ cho còn; cây cội nước nguồn, ta không nên hững hờ mà phụ phàng cái Tết. Một năm dễ có mấy lần xuân, Cái Tết nhà, ta há chẳng mừng, Cổ lễ di tuyền nòi giống Lạc Bao đành hờ hững dấu tiền nhiên. Tác giả: Nguyễn Chánh Sắt Đôi nét về tác giả – nhà báo Nguyễn Chánh Sắt: Từ năm 1890, Nguyễn Chánh Sắt đã cộng tác với tờ Nông cổ mín đàm và bắt đầu dịch nhiều truyện Tàu (truyện dịch đầu tiên là truyện Tây Hớn, gồm 3 quyển, do nhà xuất bản J. Viết ấn hành). Năm 1906 ông làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn và cộng tác với Trần Chánh Chiếu lập Nam Kỳ kỹ nghệ công ty, để vừa cạnh tranh với tư bản nước ngoài, khuếch trương công nghệ trong nước, vừa bí mật ủng hộ phong trào Đông du của chí sĩ Phan Bội Châu. Năm 1908 hội Minh Tân đổ vỡ, Trần Chánh Chiếu bị bắt, riêng ông may mắn thoát được. Năm 1912 Nguyễn Chánh Sắt lại xuống Bạc Liêu làm ruộng. Bị thất mùa nhiều vụ, năm 1916, ông trở lại Sài Gòn, tiếp tục làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm và cùng với ông Nguyễn Văn Của lập Nam Kỳ nhựt báo ái hữu hội. Trong thời gian này, ông sáng tác tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920), mang nhiều tình tiết éo le, gay cấn nên rất lôi cuốn đông đảo độc giả; và người ta đã lấy tên một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết này để đặt cho ông biệt danh “Monsieur Chăng Cà Mum”. Năm 1920, nhân chuyến về thăm quê nhà, ông được nhân dân địa phương cử giữ chức hương quản xã Long Phú (thuộc Tân Châu). Năm 1921 ông được cử Phụ thẩm Tòa án Sài Gòn. Năm 1922 Canavaggio mất, ông Sắt kiêm luôn chức chủ nhiệm báo Nông cổ mín đàm. Tuổi già, ông Sắt về ẩn dật tại quê nhà Tân Châu. Ông mất ngày 6 tháng 6 năm 1947, hưởng thọ 78 tuổi. Hiện mộ phần ông và vợ tại Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Nguyễn Chánh Sắt tự Bá Nghiêm, hiệu Tân Châu, bút hiệu: Du Nhiên Tử và Vĩnh An Hà. Ông là nhà văn kỳ cựu, một tiểu thuyết gia tiên phong, một dịch giả sung sức trong giai đoạn chữ Quốc ngữ mới phát triển tại Việt Nam. Nguyễn Chánh Sắt sinh ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Cha ông là Nguyễn Văn Tài, một nông dân nghèo. Thuở nhỏ, Nguyễn Chánh Sắt đến làm con nuôi ông Nguyễn Văn Bửu và bà Trần Thị Nghiêm, một gia đình khá giả trong xóm nhưng không có con để nối nghiệp. Đến tuổi đi học, ông theo học chữ Hán với thầy Trần Hữu Thường, rồi trường tiểu học Pháp-Việt Châu Đốc. Đỗ xong bằng tiểu học thì cha nuôi cưới vợ cho ông. Vợ ông tên là Văng Thị Yên (1872-1944), người cùng làng, và bà với ông có cả thảy 2 trai, 7 gái. Khi cha mẹ nuôi đều mất, để kiếm sống, vợ ông phải làm nghề mua bán nhỏ ở chợ Tân Châu, còn ông thì ở nhà trông nom gia đình và tự học thêm chữ Hán, chữ Pháp. Trong thời gian này, Nguyễn Chánh Sắt quen được viên thiếu tá người Pháp tên là De Colbert, có sở Kén (nuôi tằm lấy tơ) tại Tân Châu. Vì làm ăn thất bại, De Colbert được nhà cầm quyền Pháp cử làm giám đốc nhà lao Côn Lôn (Côn Đảo), và ông Sắt được mời đi theo làm thông ngôn. Ở đảo, ông có dịp gần gũi các sĩ phu yêu nước bị lưu đày và học thêm chữ Hán. Bốn năm sau, De Colbert bị bệnh phải đưa về Sài Gòn chữa trị, nhưng không khỏi nên qua đời. Mất chỗ dựa, Nguyễn Chánh Sắt xin nghỉ việc ở Côn Lôn, về Sài Gòn lần lượt làm ở các sở Canh nông, Công chánh, Địa chánh, rồi chuyển sang dạy chữ Hán tại Trường trung học Taberd. Đi dạy, ông Sắt quen được ông Canavaggio rồi nhận lời xuống Bạc Liêu, trông coi việc khai thác ruộng muối cho ông này, trước khi trở lại Sài Gòn làm báo như kể ở bên trên.