Miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975 đôi khi được ví von một cách hình ảnh “như một nhà tù lớn”. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi trong thời kỳ này, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng cả một hệ thống nhà tù để đàn áp phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta
Sau Hiệp định Geneva, đất nước chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Hoa Kỳ từng bước thay chân Pháp với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, ngăn chặn cách mạng xã hội chủ nghĩa lan xuống Đông Nam châu Á.
Ngày 7/7/1954, Hoa Kỳ đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam, lập chính phủ thân bù nhìn. Được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Ngô Đình Diệm tiến hành thiết lập, củng cố bộ máy thống trị và đàn áp vào phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam.
Từ tháng 6/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu thực hiện chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng" trên quy mô toàn miền Nam, thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo với những người kháng chiến cũ, những người yêu nước, các tổ chức dân chủ.
Từ giữa năm 1955 đến cuối năm 1958, qua nhiều chiến dịch tố cộng, nhân dân bị phân loại, bị khủng bố, tàn sát, bị cưỡng ép tập trung để học tập tố cộng. Nhiều gia đình kháng chiến cũ, nhiều thân nhân, bè bạn cũng những người yêu nước, những người bị tình nghi là "có hại cho an ninh quốc gia" đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam giữ, tra hỏi, bị nhục hình, hoặc bị giết hại.
Thực hiện chính sách khủng bố theo phương châm "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", "tiêu diệt Việt cộng không thương tiếc", những phần tử tay sai ác ôn đã điên cuồng tàn sát những người yêu nước miền Nam. Từ năm 1954 đến 1959, đã có 466.000 người cộng sản và yêu nước bị bắt, 400.000 người bị tù đày và 68.000 người bị giết[1].
Với số lượng tù nhân quá lớn, hệ thống nhà tù do Pháp để lại không đủ chỗ giam cầm những người yêu nước, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành lập thêm một số nhà tù và trại giam mới ở 22 tỉnh trên toàn miền Nam.
Ngày 11/1/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành "Đạo dụ số 6", ra lệnh xây cất thêm trại tập trung ở miền Nam để giam giữ lượng người chống đối đông đảo, nhằm thực hiện mưu đồ cốt lõi là tách nhân dân ra khỏi cách mạng. Năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm thống nhất quy định: Các danh từ "Trại cải huấn" và "Trung tâm huấn chính" được bãi bỏ, thay thế bằng danh từ "Trung tâm cải huấn"[2]. Trung tâm Cải huấn thực chất là các nhà tù của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn để giam giữ những người cách mạng và những người yêu nước ở miền Nam.
Dưới thời Ngô Đình Diệm, toàn miền Nam có 4 nhà tù cấp Trung ương là Côn Sơn, Thủ Đức, Sài Gòn, Tân Hiệp và 37 nhà tù cấp tỉnh[3]. Ngoài còn có 176 nhà tù cấp huyện[4].
Một nhà tù tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, mang tên
Trung tâm cải huấn Phú Hải
Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục chính sách đàn áp, khủng bố, bắt bớ những người yêu nước ở miền Nam đưa vào giam giữ tại các Trung tâm cải huấn, các trại giam tập trung.... đến tháng 2/1964, toàn miền Nam có 6 Trung tâm cải huấn trực thuộc Trung ương và 40 Trung tâm cải huấn trực thuộc tỉnh được phân theo vùng như sau[5]:
I. Trung tâm cải huấn trực thuộc Trung ương
1. Trung tâm cải huấn Sài Gòn
2. Trung tâm cải huấn Tân Hiệp
3. Trung tâm cải huấn Phú Lợi
4. Trung tâm cải huấn Côn Sơn
5. Trung tâm cải huấn Thủ Đức
6. Trung tâm cải huấn Thành Nội Huế
II. Các Trung tâm cải huấn thuộc vùng chiến thuật.
Vùng 1 chiến thuật
1. Trung tâm cải huấn Quảng trị
2. Trung tâm cải huấn Thừa Thiên
3. Trung tâm cải huấn Đà Nẵng
4. Trung tâm cải huấn Quảng Nam
5. Trung tâm cải huấn Quảng Tín
Vùng 2 chiến thuật
1. Trung tâm cải huấn Quảng Ngãi
2. Trung tâm cải huấn Bình Định
3. Trung tâm cải huấn Phú Yên
4. Trung tâm cải huấn Kontum
5. Trung tâm cải huấn Pleiku
6. Trung tâm cải huấn Phú Bổn
Vùng 3 chiến thuật
1. Trung tâm cải huấn Khánh Hòa
2. Trung tâm cải huấn Ninh Thuận
3. Trung tâm cải huấn Bình Thuận
4. Trung tâm cải huấn Gia Định
5. Trung tâm cải huấn Darlac
6. Trung tâm cải huấn Quảng Đức
7. Trung tâm cải huấn Tuyên Đức
8. Trung tâm cải huấn Lâm Đồng
9. Trung tâm cải huấn Long Khánh
10. Trung tâm cải huấn Bình Tuy
11. Trung tâm cải huấn Phước Tuy
12. Trung tâm cải huấn Bình Long
13. Trung tâm cải huấn Tây Ninh
14. Trung tâm cải huấn Bình Dương
15. Trung tâm cải huấn Biên Hòa
16. Trung tâm cải huấn Long An
17. Trung tâm cải huấn Kiến Hòa
18. Trung tâm cải huấn Định Tường
Vùng 4 chiến thuật:
1. Trung tâm cải huấn Kiến Phong
2. Trung tâm cải huấn Kiến Tường:
3. Trung tâm cải huấn Vĩnh Long
4. Trung tâm cải huấn Vĩnh Bình
5. Trung tâm cải huấn An Giang (Long Xuyên)
6. Trung tâm cải huấn An Giang (Châu Phú)
7. Trung tâm cải huấn Kiên Giang
8. Trung tâm cải huấn Phong Dinh
9. Trung tâm cải huấn Chương Thiện
10. Trung tâm cải huấn Ba Xuyên
11. Trung tâm cải huấn An Xuyên
Hình ảnh tái hiện một góc trại giam tù binh Phú Quốc trong giai đoạn 1967-1975
Ngoài ra, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn cho xây dựng dày đặc các trại tập trung tại xã, các nhà tù từ huyện đến tỉnh. Thông thường, một tỉnh hay một thị xã có ít nhất hai nơi giam giữ chủ yếu là Trung tâm thẩm vấn và trung tâm cải huấn quy mô nhỏ. Ở Sài Gòn, ngoài các nhà tù trung tâm còn có một số nơi giam giữ và tra tấn khác như: Nha cảnh sát đô thành, Trung tâm thẩm vấn thuộc Tổng nha cảnh sát, an ninh quân đội, trại Lê Văn Duyệt, cơ quan thẩm vấn hỗn hợp Việt - Mỹ…[6]
Tại một số tỉnh còn có loại hình "nhà tù trong nhà tù", hễ ai bị xem là đối tượng nguy hiểm thì được nhốt riêng, gọi là "trại biệt giam". Ở Biên Hòa, ngoài nhà tù Tân Hiệp, chính quyền Sài Gòn dựng thêm một số nơi giam giữ nữa như: Chi khu Đức Tu (nay thuộc phường Tam Hiệp), chi khu Xuân Lộc, chi khu Định Quán, chi khu Công Thanh (nay là huyện Vĩnh Cửu), thành Kèn, Ty cảnh sát Biên Hòa, Nha cảnh sát miền Đông…[7]
Từ giữa năm 1965, tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", Hoa Kỳ trực tiếp đưa quân vào tham chiến tại miền Nam, thực hiện chiến lược "tìm diệt và bình định", mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967[8].
Chiến trường miền Nam ngày càng trở nên ác liệt, số cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng bị giặc bắt ngày càng đông, vượt quá sức chứa của các trại tù. Một lần nữa, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn xây bổ sung 6 trại giam tù binh: Hố Nai (Biên Hòa, 5/1966), Pleiku (Gia Lai, 9/1966), Đà Nẵng (Quảng Nam,12/1966), Phú Quốc (Kiên Giang, 7/1967), Trà Nóc (Cần Thơ, 4/1967) và trại giam tù binh nữ Phú Tài (Quy Nhơn, 6/1967).
Sau ngày 2/5/1972, trước những đòn tiến công và nổi dậy quyết liệt của quân và dân Qui Nhơn, Bình Định, chính quyền Sài Gòn thấy Qui Nhơn không còn là nơi an toàn nữa, cho nên, ngày 7/5/1972, toàn bộ nữ tù binh của nhà tù Phú Tài được chuyển vào nhà tù Cần Thơ. Các trại giam tù binh cộng sản có quy chế riêng và thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.
Đặc biệt, đầu năm 1971, chính quyền Sài Gòn thành lập Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt[9]. về mặt hình thức, đây không phải là Trung tâm cải huấn mà là Trung tâm giáo huấn. Sự điều chỉnh này không đơn thuần là chuyện câu chữ mà là một chính sách mỵ dân, bởi qua cách gọi này, chính quyền Sài Gòn muốn chứng minh trước dư luận về nhận thức, chính sách đối với các tù nhân nhỏ tuổi, rằng đây chỉ là nơi tập trung để học tập, giáo huấn chứ không phải là nhà tù. Chính quyền Sài Gòn gấp rút gom tù chính trị thiếu niên từ các nhà tù miền Nam về giam giữ nơi đây. Đầu tiên vào ngày 23/4/1971, chúng tập trung 126 tù thiếu niên từ Nhà lao Kho Đạn Đà Nẵng vào Đà Lạt. Sau đó, tù thiếu niên các nhà lao tỉnh như Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre…tiếp tục được chuyển đến. Vào khoảng tháng 8-9/1971, địch tập hợp gom các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi bị bắt tù tại các nhà lao Côn Đảo và các tỉnh còn lại dồn hết về Chí Hòa. Đến đầu tháng 11/1971, chúng chuyển toàn bộ các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi từ Chí Hòa này ra Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt. Cộng với tất cả các tù nhân từ nhiều nơi, con số tù thiếu nhi tại đây có lúc nhiều nhất lên đến trên 600 người.
Trong suốt cuộc chiến tranh, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã chú ý xây dựng và trang bị cả một hệ thống hơn 1.000 nhà tù lớn nhỏ với những kiểu giam người khét tiếng tàn ác. Chỉ tính riêng từ năm 1967 đến 1972, Hoa Kỳ đã chi 3.000.378.200 đô la cho việc xây cất, trang bị các nhà tù lớn nhỏ tại miền Nam Việt Nam. Từ 1967 đến 1973, riêng số tiền viện trợ cho cảnh sát nhà tù lên tới 74.267.000 đô la[10]. Theo Tờ Tin sáng Hải ngoại số 25, ra ngày 13/9/1973, số tù nhân bị giam giữ tại các nhà tù ở miền Nam đến ngày 1/6/1973 như sau: Bốn trại giam đặc biệt, gồm 13.200 người (Côn Sơn 8.200 người, Thủ Đức 1.500 người, Tân Hiệp 2.500 người, Đà Lạt 1.000 người (thiếu niên làm chính trị); 37 khám đường các tỉnh, giam khoảng 50.000 người và các nhà giam quận, xã giam 68.000 người[11].
Mỗi nhà tù có từ 1 đến 5 cố vấn Hoa Kỳ. Nhiều dụng cụ tra tấn, giam giữ được đưa từ Hoa Kỳ sang như dùi cui, còng số 8… Ngoài việc tra tấn, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn còn hủy diệt những người yêu nước bằng một chế độ lao tù cực kỳ vô nhân đạo, chưa từng thấy trong bất cứ nhà tù nào. Ngoài giam người trong chuồng cọp, chúng còn “sáng tạo” ra nhiều kiểu giam cầm quái ác như “hầm trống", "rọ gai”..[12].
Như vậy là, từ năm 1954 đến năm 1975, để chống lại các phong trào yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn liên tục xây dựng và củng cố hệ thống các nhà tù, trại giam trên toàn miền Nam. Mỗi tỉnh có ít nhất một Trung tâm cải huấn cấp tỉnh để giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Tại các Trung tâm cải huấn, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man kết hợp với các thủ đoạn chính trị thâm độc, xảo quyệt, để tiêu diệt sinh mạng chính trị, khống chế các hành động yêu nước, triệt hạ uy thế cách mạng của người tù, buộc họ phải ly khai, đầu hàng… Để chống lại âm mưu thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù, tại các nhà tù, trại giam của địch, ta đã thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể, thành lập các Ban lãnh đạo, tổ chức chính trị… để lãnh đạo tù nhân đấu tranh bảo vệ khí tiết cách mạng, chống chế độ nhà tù tàn bạo. Cuộc đấu tranh trong các nhà tù, trại giam của địch thực sự là một bộ phận quan trọng cuộc đấu tranh oanh liệt của đồng bào, chiến sĩ yêu nước tại miền Nam, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuấn Đạt
[1] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 98.
[2] Trích yếu: v/v bãi bỏ các danh từ "Trại cải huấn" và "Trung tâm huấn chính". Lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, Ký hiệu LT2/43.
[3] Nguyễn Thị Hiển Linh: Phong trào đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam (1954-1975), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 25
[4] Theo Nguyến Tiến Thịnh: Vấn đề cải huấn tại Việt Nam, Luận văn cao học hành chánh khóa 3, Học viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, 1969. Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, số ký hiệu: 1398.
[5] Phiếu trình về tình hình can phạm tại các trung tâm cải huấn toàn quốc, Lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, ký hiệu: LT2/334
[6] Nguyễn Thị Hiển Linh: Phong trào đấu tranh của nữ tù chính trị tại các nhà tù của Mỹ ngụy ở miền Nam (1954-1975), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
[7] Sở Văn hóa thông tin Đồng Nai: Công văn 138/NBT "Xác định nhà tù và nhưng nơi được coi là nhà tù", ngày 28/1/2002.
[8] Bước vào mùa khô 1965-1966, với lực lượng 720.000 quân, trong đó quân viễn chinh Hoa Kỳ gần 220.000, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất. Cuộc phản công bắt đầu từ tháng 1/1966 và kéo dài 4 tháng, với tất cả 450 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó có 5 cuộc hành quân tìm diệt then chốt. Mùa khô 1966-1967, với lực lượng tăng lên 980.000 quân, trong đó quân viễn chinh 440.000, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc hành quân chiến lược lần thứ hai với 895 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó ba cuộc hành quân then chốt vào hướng chính Đông Nam Bộ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
[9] Theo Điều 2 của Nghị định Thành lập Trung tâm thiếu nhi Đà Lạt ngày 20/10/1970. Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi sẽ giữ những thiếu nhi phạm pháp về chính trị dưới 17 tuổi, bị an trí trong suốt thời gian từ 6 tháng trở lên do phán quyết của Tòa án hoặc do quyết định của Bộ Nội vụ chiến Sắc luật số 4/66 ngày 15/2/1966.
[10] Trần Thanh Phương: Đây các nhà tù Mỹ-Ngụy, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1995, tr. 235.
[11] Trần Thanh Phương: Đây các nhà tù Mỹ-Ngụy, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, TP. Hồ Chí Minh, tr. 231-232.
[12] Hầm trống: Đó là những hầm lộ thiên, không có mái che, đào sâu dưới đất, bên trên có rào dây kẽm gai. Người tù nằm trên đất ẩm ở đáy hầm, tiểu tiện tại chỗ ngày đêm phải dãi nắng dầm mưa. Hằng ngày, cai ngục ác ôn ném chút thức ăn xuống. Rọ gai” hoặc “lòng kẽm” là những rọ tương tự như những rọ heo, nhưng man rợ hơn vì nó được đan bằng dây kẽm gai vừa đủ cho một người ngồi phải cúi đầu. Nạn nhân không nằm được vì rất hẹp. Loại rọ này thường nhốt tù nhân đem phơi nắng, dầm mưa.