Xuân Ba
Chuyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Tôi chợt nhớ đến một người.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Năm 2003, thực hiện loạt bài về những cây viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Báo Tiền Phong, tôi xuống Hải Phòng.
Trưởng Văn phòng đại diện Tiền Phong khi đó là nhà báo Vũ Tiến (nay là Phó TBT Tiền Phong) hào phóng tạo điều kiện để tôi với nhà văn Bùi Ngọc Tấn có đêm rảnh rang ở một nhà nghỉ Đồ Sơn.
Bùi Ngọc Tấn khi ấy là một nhà văn nổi tiếng đương cư trú ở Hải Phòng.
Bùi Ngọc Tấn, trước cuộc xuống Đồ Sơn, chuyện mình thì lờ lớ đi nhưng lại rất nhiệt thành tha lôi tôi đi gặp và kể cho nghe về những người bạn viết chí cốt ở đất Cảng. Những người bạn văn sĩ họ Bùi, có mẫu số chung đều có tài viết lách. Mà ai cũng nghĩa khí hào hiệp. Từng là chỗ dựa chả ít thì nhiều tinh thần cùng chút vật chất cho Bùi Ngọc Tấn quãng thời gian anh ở tù ra. Mà lạ, số phận ai cũng lận đận kém hanh thông. Người nào cũng xác xơ nghèo, nếu không muốn nói là túng đói.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn |
Đêm nằm với nhà văn, chợt giật thột khi nghĩ đến câu thơ của thi sĩ Dương Côn.
Hải Phòng, thành phố ăn nằm với biển
Đẻ ra những người cần lao.
Tiện mồm đọc cho nhà văn nghe lại. Nhà văn cần lao Bùi Ngọc Tấn, thuở tôi chưa về Tiền Phong thì ông đã có 6 năm nằm ở gác 2 Khu Tập thể của Báo chỗ 128 Hàng Trống…
Ông không cười vẻ tư lự. Rồi nối thêm một điếu thuốc.
Như để lấy đà thuật tiếp chuyện về một cô bạn gái làm thơ ở đất Cảng mà hồi chiều chúng tôi ghé nhà nhưng không gặp.
Một cần lao thứ thiệt.
… Thuở ấy, cô thợ trẻ Nguyễn Thị Hoài Thanh làm thợ điện ở Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Hạ Long. Mà gọi là thợ điện cho sang, chứ công việc chính của Thanh là công nhân chuyên súc sạc ắc quy của xí nghiệp này.
Trước khi về đây, Hoài Thanh đã bập vào vô số nghề. Từng là công nhân nhà máy xi măng. Thợ điện Công ty Điện khí Hải Phòng. Thợ điện Công ty xây lắp. Bốc vác công ty xuất nhập khẩu. Đứng máy bào ở một xí nghiệp gỗ. Cấp dưỡng ở công ty Kiến thiết… Ấy là chưa kể nghề tay trái đi giao bánh mì, bánh rán, kẹo lạc làm và bán nước mắm.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh và tập thơ Tôi ở Hải Phòng. |
Bùi Ngọc Tấn nhận xét thế này. Hoài Thanh hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn. Hai lần ly dị. Vẻ đẹp của cái tuổi đang chín. Nhưng sắc đẹp không chủ ấy ấy đã gây cho chị bao khốn khổ phiền toái. Và nguy hiểm.
Chị Thanh cười bộc bạch với bạn văn Bùi Ngọc Tấn người ta cứ coi em như con Hến anh ạ.
Con Hến Hoài Thanh bị nhiều đám Nghêu Sò quây, vờn. Không đạt được mục đích, có người còn dọa vu khống chị, dọa đuổi việc và mấy lần giở trò tịch thu căn buồng tập thể tí hin, đẩy mấy mẹ con ra đường.
Hình như Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và phải vượt qua những rắc rối ấy. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh không kêu ca như cuộc đời nó vốn vậy!
Khí chất như con trai nhưng Hoài Thanh, nói như ông Tấn là cực kỳ đa cảm. Chị làm thơ! Hoài Thanh làm thơ như một nhu cầu nội tâm. Để trải nỗi lòng. Lạ cái cuộc đời khốn khổ xô bồ nhưng thơ chị trong trẻo ấm áp...
Ông Tấn nói thêm, chịu đựng chưa hẳn là cái tài mà là tâm hồn của chị. Độ lượng và hướng tới cái đẹp. Đọc lại những bài thơ của chị trên Báo Văn Nghệ Văn Nghệ Quân đội, Cửa Biển… mình chợt ngộ có một người yêu Hải Phòng đến khủng khiếp! Một Hải Phòng với những thành kiến, trù dập, mưu mô, thô bỉ. Một Hải Phòng nhọc nhằn kiếm sống. Hải Phòng với những cuộc ly hôn. Nhưng là Hải Phòng của thời ấu thơ tuổi trẻ trong trẻo, của khát vọng vươn tới cái đẹp. Hải Phòng có 4 chiếc cầu và bốn cửa thành phố thì những vật như vô tri ấy đã có chỗ đứng vững chãi sinh sắc trong thơ Hoài Thanh.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đương nói về bài thơ Cầu xi măng của Hoài Thanh.
"Anh đã xa cầu Xi Măng/ Ba mươi năm từ đó/ Xa con sông quê nước lợ/ Anh có mơ một lần sóng vỗ giấc mơ anh".
Để rồi "Nếu anh trở về anh thấy cây cầu bé như một thứ đồ chơi/ Anh bỏ túi mang đi bốn phương trời xa lạ" (Cầu Xi Măng)
Những bâng quơ, nhung nhớ ấy như những dòng của một bức thư. Thư gửi cho ai?
Và thế là òa ra những đồn thổi xì xào. Có người đồn Nguyễn Thị Hoài Thanh là em ruột của ông Nguyễn Cao Kỳ!
Đó là năm 1982, cái thời bao cấp khốn khó!
Nguyễn Thị Hoài Thanh nín lặng. Chị không phân bua, thanh minh. Mà cũng chẳng phản đối.
Một gia tộc không thường
Hóa ra đúng là Nguyễn Thị Hoài Thanh có một người anh ruột là phi công phía bên kia chiến tuyến!
Nhưng không phải là Nguyễn Cao Kỳ như lời đồn thổi.
…
Chắp nối từ câu chuyện của nhà văn Bùi Ngọc Tấn và những tài liệu mà tôi có được, tạm hình dung câu chuyện như thế này.
Có một chàng trai thông minh quê ở Hải Phòng con nhà máu mặt sinh năm 1904. Thuở nhỏ mọi người quen gọi là Nhinh, sau đổi thành Nhiên.
Bắt đầu tuổi 18, chàng trai Nguyễn Xuân Nhiên theo học ở các trường Thành chung Nam Định (College Nam Định), Thành chung Bonnal (nay là Trường Ngô Quyền) Hải Phòng.
Từ năm 1926, Nguyễn Xuân Nhiên đảm chức Thông phán ở Sở bưu điện Yên Bái. E ngại ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học lây lan đến người nhà nước, sau 1930 Phán Nhiên bị đổi về Sở Bưu điện Hải Phòng.
Từ 1941-1943, ông Nhiên là chủ sự Bưu điện huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Rồi đổi từ mạn ngược về xuôi làm chủ sự bưu điện Cảng Vạn Hoa, Quảng Ninh thời gian một năm.
Vốn là viên chức xuất sắc, mẫn cán nên trước tháng 8/1945, ông Nguyễn Xuân Nhiên được triều đình Huế phong chức “Hàn lâm biên tu” - phẩm hàm chánh lục phẩm văn giai theo hệ thống quan chế triều Nguyễn.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Phán Nhiên như nhiều đồng sự khác đã tự nguyện, tích cực tham gia chế độ mới. Ông Phán Nhiên, từ 1945-1950 hoạt động trong kháng chiến chống Pháp với các chức vụ: Trưởng Ty Bưu điện tỉnh Kiến An. Phó Trưởng ty Bưu điện liên tỉnh Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An hợp nhất).
Kháng chiến gian khổ, nguy hiểm nhưng ông vẫn cùng anh em Ty Bưu điện vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Năm 1950, Pháp mở trận càn Combunal ác liệt vào vùng tự do. Một trận đánh không cân sức đã diễn ra tại làng Khuốc ( Khuất) thuộc địa phận xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình.
Phó Trưởng Ty Bưu điện Hải Kiến Nguyễn Xuân Nhiên và nhiều đồng chí đã bị giặc Pháp sát hại. Đó là ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần, tức là ngày dương lịch 13/03/1950.
Trận đánh quả cảm cùng sự hy sinh anh dũng ấy về sau này đã được các nhân chứng và Sở Bưu điện Hải Phòng xác nhận. Nhưng đáng buồn là vì nhiều lý do, đến tận thời điểm này, năm 2022, danh hiệu Liệt sĩ cho Phó Ty Bưu Điện Kiến Hải Nguyễn Xuân Nhiên vẫn đương để ngỏ!
Cụ Nguyễn Xuân Nhiên có 2 vợ. Độc đáo hai bà là hai chị em ruột.
Bà cả là Đỗ Thị Thảo, sinh năm Kỷ Dậu (1909). Quê bà ở Tổng Trình Xuyên, Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Bà lập gia đình từ năm 1924 về nhà chồng ở Hải Phòng.
Bà là người có nhan sắc lại rất tháo vát, hay lam làm. Từng mở hiệu bán thuốc lào ở cổng sau chợ Sắt (Hải Phòng), rồi mở cửa hàng vừa cắt tóc, tắm gội kèm thêm đại lý thuốc lào Tiên Lãng.
Từ 1947-1950, gia đình bà phải chạy tản cư về Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Thời gian này bà buôn vải tấm.
Rồi dần dà có vốn. Bà mở xưởng nấu cao Hổ Cốt, cao Ban Long, cao Quy Bản ở Nam Định và Hải Phòng rất được người mua ưa chuộng
Trong số những người con trai con gái 11 người cả thảy của ông bà Nhiên, có người con trai nhân vật chính của chúng ta.
Đó là người con trai thứ, Nguyễn Xuân Vinh, sinh năm 1930. Và người con gái, em ruột ông Vinh là Nguyễn Thị Hoài Thanh, bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn!
Người anh trai của Nguyễn Thị Hoài Thanh
Gia đình có điều kiện, năm 1950, Nguyễn Xuân Vinh tốt nghiệp Trung học phổ thông 2 cấp chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài toàn phần.
Từ nhỏ tí, cậu bé Nguyễn Xuân Vinh đã nổi trội phát lộ năng khiếu toán. Khó tin nhưng là sự thật, ở tuổi 15 (có tài liệu nói là 12 tuổi?) đang là học sinh, Nguyễn Xuân Vinh đã có sách được xuất bản. Đó là với cuốn Bài tập hình học không gian do Bộ Giáo dục Quốc gia xuất bản năm 1942.
Nhà bác học, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh |
Rồi Nguyễn Xuân Vinh vào lính, trong hệ thống của chính quyền cũ. Theo học tại trường Sĩ quan Dự bị Nam Định. Giữa năm 1952, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy được phân bổ vào ngành Công binh. Cuối năm, Vinh xin chuyển sang ngành Không quân và được đi du học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp.
Đầu năm 1954, Nguyễn Xuân Vinh tốt nghiệp bằng phi công 2 động cơ và bay phi cụ, được thăng lên cấp thiếu úy. Sau đó được lưu trú và phục vụ chuyên ngành tại Pháp và Maroc. Cũng thời gian này chàng thanh niên Nguyễn Xuân Vinh ghi danh học Đại học và thi đậu bằng Cử nhân toán ở Đại học Aix-Marseille.
Đầu năm 1955, Vinh trở về Việt Nam. Tháng 10 năm 1956, được thăng cấp thiếu tá với chức tham mưu phó, rồi năm 1958, Nguyễn Xuân Vinh được thăng cấp đại tá, bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Không quân trong quân đội của chế độ Ngô Đình Diệm, ở tuổi 28.
Năm 1962, Nguyễn Xuân Vinh vĩnh biệt nghiệp nhà binh ngoặt cuộc đời sang một hướng khác. Ở tuổi 32.
Nguyễn Xuân Vinh tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B.Johson năm 1961. |
Bên cạnh binh nghiệp, Nguyễn Xuân Vinh còn sở hữu một văn nghiệp đáng chú ý. Với bút danh Toàn Phong, ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng một thời ở miền Nam Việt Nam, và từng đạt Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961 của Việt Nam Cộng hòa.
Và không thể không tính đếm đến thành tựu của Nghiệp giáo!
Xứ Cờ Hoa lý tưởng để tài năng và nghị lực của Nguyễn Xuân Vinh nảy nở. Năm 1965, ông là người đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ về Khoa học Không gian tại Đại học Colorado. Đó là thời điểm ông thực hiện xuất sắc công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên được Mặt trăng thành công. Công trình đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về Trái đất an toàn.
Ba năm sau, ông được làm giảng sư (Associate Professor) tại Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Năm 1972, được phong hàm giáo sư (Professor) tại Viện Đại học Michigan. Cũng trong năm này ông lấy tiếp bằng Tiến sĩ Quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.
Năm 1982, ông là giáo sư (Chair Professor) của ngành Toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa ở Đài Loan.
Năm 1984, GS Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba và là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp. Năm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế.
Trong nhiều năm, ông đã được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều Đại học lớn và các Hội nghị Quốc tế. Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Những công trình khoa học về hàng không và vũ trụ của Nguyễn Xuân Vinh đương hiện diện tại hơn 200 thư viện lớn trên thế giới.
Năm 1999, nghỉ hưu, GS. Nguyễn Xuân Vinh đã được Hội đồng Quản trị Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Tại phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Trung tâm điều khiển bay (Flight Control Center) của NASA ở Houston, bang Texas, bảng tên của một người Việt được trưng trang trọng: Giáo sư - tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh.
Thời mà đại đa số dân Việt còn di chuyển bằng xe đạp thì những nghiên cứu của Nguyễn Xuân Vinh đã vạch đường bay cho phi thuyền lên mặt trăng.
Vĩ thanh
May nhờ được ông bạn già Nguyễn Văn Lượng, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Hải Phòng, cùng nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh - giúp đỡ, mà tôi đã may mắn nối mạng được với nhà thơ Trần Thị Bảo Thư đang làm việc ở Hội văn nghệ Đồng Nai.
Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư |
Bảo Thư, con gái mẹ Nguyễn Thị Hoài Thanh, cái cô bé mảnh khảnh nhút nhát nhiều lần xuất hiện trong tập thơ Hải Phòng, thành phố tôi ở của Nguyễn Thị Hoài Thanh. Chao ôi, cái quạt điện nhỏ tí lại mang cái tên gọi quạt tai voi, niềm mơ ước của bao gia đình thời khốn khó.
"Thư vẽ cái quạt tai voi/ Trên tường bên song cửa sổ/ Đêm Thư nằm mơ thấy gió/ Thổi vù làm cánh quạt quay/ Tỉnh dậy gió còn phảng phất/ Quạt nan mẹ phẩy trên tay" (Cái quạt).
Nhà nghèo, làm sao dám nghĩ mua quạt? Con gái nhỏ Bảo Thư của nhà thơ Hoài Thanh chỉ tưởng tượng và vẽ cái quạt điện lên tường. Trong giấc ngủ, nó mơ cái quạt trên tường thổi mát cho mình. Bé Thư đâu biết, cả đêm mẹ Thanh phải sà sã cái quạt nan phảy cho con. Bài thơ, như tạo bao sóng gió cho hậu thế?
Bảo Thư vô Nam đón mẹ Nguyễn Thị Hoài Thanh từ Hải Phòng vào Đồng Nai. Mẹ con, bà cháu quấn túm nhau may cũng được ít năm. Nhà thơ đất Cảng Nguyễn Thị Hoài Thanh đã bỏ con gái cùng mấy cháu ngoại đi hai năm nay…
Tôi đương chợt mường tượng, cái tên nhà thơ nữ Bảo Thư như toát yếu của việc bảo trọng gìn giữ? Như tiếp nối cái thiên chức, sứ mệnh và cũng là cái duyên để phát lộ cho bạn đọc những gì còn khuất lấp, đứt gãy về người bác ruột tài hoa, nhà bác học, nhà văn và thi sĩ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh?
Hà thành đêm tháng 7 năm 2022
Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng
Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1930) nguyên là Đại tá tham mưu trưởng kiêm tư lệnh của Không quân Việt Nam Cộng hòa. Ông là giáo sưtiến sĩ, viện sĩ chuyên ngành kỹ thuật không gian người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trên thế giới. Năm 1962, ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian[1] sau khi ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất an toàn.[2] Ông còn là nhà nhà văn với bút danh Toàn Phong với nhiều tác phẩm nổi tiếng được xuất bản.
Nguyễn Xuân Vinh sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại Yên Bái, Việt Nam. Mẹ ông là người Nam Định. [3].
Từ khi còn nhỏ Nguyễn Xuân Vinh là một người có năng khiếu toán. Ông tham gia viết sách từ rất sớm. Khi đang là học sinh, ông đã có sách được xuất bản với cuốn sách giáo khoa Bài tập hình học không gian. Cuốn sách đã trở thành tài liệu tham khảo và học vấn quan trọng thời bấy giờ.
Năm 1951 ông nhập ngũ theo lệnh động viên và tham gia khóa I Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức. Năm 1952, ông theo học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l'Air) cho đến năm 1955. Sau đó ông lưu trú tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông đồng thời lấy bằng cử nhân toán ở Đại học Máeille.
Năm 1957, Nguyễn Xuân Vinh được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không lực Việt Nam Cộng hòa. Cho đến tháng 2 năm 1958, ông được giao chức Tư lệnh Không quân. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1962 rồi đi du học ở Hoa Kỳ.[1]
Năm 1962, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh đến Hoa Kỳ để bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình khi ông 32 tuổi. Năm 1965, là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học không gian tại Đại học Colorado.[2] Ba năm sau, Tiến sĩ Vinh làm giảng sư (associate professor) tại Đại học Michigan. Năm 1972, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh được phong hàm giáo sư (professor) tại viện đại học Đại học Michigan. Cũng trong năm này ông lấy tiếp bằng tiến sĩ quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.[1]
Năm 1982, Nguyễn Xuân Vinh là giáo sư (chair professor) của ngành toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University) ở Đài Loan.[4] Hai năm sau, năm 1984, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba và là người Châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace). Đến năm 1986, Giáo sư Vinh trở thành viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).[5]
Trong nhiều năm Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn và các hội nghị quốc tế nhiều nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.[5]
Năm 1999, Giáo sư viện sĩ Nguyễn Xuân Vinh nghỉ hưu, ông đã được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự ngành kỹ thuật không gian (professor emeritus of aerospace engineering) vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.[1]
Ngày 19 tháng 10 năm 2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Giám mục Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám mục Công giáo người Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, làm phép Thanh Tẩy gia nhập Đạo Công giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California. Ông lấy tên Thánh là Anphongsô. Ông Anphongsô Nguyễn Xuân Vinh cũng được lãnh nhận bí tích Thêm Sức do giám mục Đa Minh Mai Thanh Lương ban trong Thánh lễ với sự hiện diện của gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông. [6]
Giải thưởng
Năm 1994: "Mechanics and Control of Flight" của American Institute of Aeronautics and Astronautics.
Năm 1996: "Excellence 2000 Award" của Pan Asian American Chamber of Commerce
Năm 2006: "Giải thưởng Dirk Brouwer" về Cơ học Du hành Không gian của Hội Du hành Không gian Hoa Kỳ (American Astronautical Society)
Năm 2007: Dirk Brouwer Award do the American Astronautical Society tặng
Năm 1994: Mechanics and Control of Flight Award presented do American Institute of Aeronautics and Astronautics tặng.[1]
Năm 2000: Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc tế du hành vũ trụ và Viện Hàn lâm Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp. Ông được chọn là một trong những người xuất sắc của Hoa Kỳ Pan Asian American Chamber of Commerce tại Washington, DC.[1]
Hội Khuyến Học ở Saint Louis, Missouri, đề ra giải thưởng hàng năm tên là giải thưởng "Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh" để khuyến khích học sinh ở địa phương.[7]
Tác phẩm
Tác giả Nguyễn Xuân Vinh đã xuất bản ba cuốn sách và hơn 100 bài báo kỹ thuật trong lĩnh vực toán học, astrodynamics, và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Ông Vinh cũng từng là biên tập viên trong khoảng thời gian dài 20 năm cho tạp chí lưu trữ cho Học viện vũ trụ Quốc tế (the archival journal for the International Academy of Astronautics). Giáo sư Vinh nguyên là chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ (chaired the doctoral committees) cho 30 nghiên cứu sinh, nhiều người trong số họ hiện nay đang là giáo sư của các Hiệp hội uy tín của Hoa Kỳ, các trường Đại học các trường học hoặc các hiệp hội nhà khoa học hàng đầu trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.[1]
Khoa học
Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:
Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X[8]
Văn chương
Gương Danh Tướng, 1956.
Đời Phi Công, 1959. Truyện dài, Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961 (Việt Nam Cộng hòa)
Theo Ánh Tinh Cầu, 1991. Truyện ký sự.[5]