Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Trần Viết Ngạc: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và niềm cảm hứng của hậu thế

 

Năm 43 Hai Ba Trung đánh đuổi giặc Hán

Trong cuốn hồi ký Những năm tháng ở Nhà Trắng, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã có một tổng kết khá sâu sắc về truyền thống lịch sử dân tộc ta:

“Đất nước Việt Nam là một dải màu xanh hiền hòa, màu xanh của rừng núi, của ruộng đồng hòa cùng màu xanh của biển.

Hàng nghìn năm, đã như một thứ nam châm thu hút anh hùng tứ xứ đến đó để tìm vinh quang nhưng chỉ gặp niềm thất vọng. Họ nghĩ có thể áp đặt những nguyên tắc, trật tự của họ lên những cánh rừng, những ruộng đồng… nhưng nếu không nằm lại vĩnh viễn ở đó thì cũng ra đi với niềm thất vọng cay đắng mà thôi!

Điều gì đã khơi lên nơi dân tộc đó những ngọn lửa hào hùng và bền bỉ đến thế? Người Việt Nam không bao giờ cam đành số phận như những người phương Tây thường nghĩ về những nguời châu Á. Họ đã chiến đấu trong nhiều thế kỷ, chống lại những kẻ thù xâm lược để khẳng định vận mệnh của dân tộc mình. Người Việt Nam sinh ra với lòng tự trọng bẩm sinh và biết từ chối một cách đáng khâm phục sự cúi mình trước kẻ thù”.

(White House Year – bản dịch tiếng Pháp “A la Maison Blanche”, Nxb. Fayard, 1979. Dẫn theo  Hồ Ngọc Nhuận, Kissinger trả lời, Đặc san kỷ niệm 10 năm giải phóng, trang 68-69).

Lòng tự trọng bẩm sinh, tinh thần bất khuất đã được hun đúc, rèn luyện, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử, thấm vào trong dòng máu của mỗi chúng ta. Tinh thần bất khuất, không chịu cúi đầu trước kẻ thù đã được khởi đầu từ Hai Bà Trưng.

Kể từ khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc (179 TCN) cho đến khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi (938), thiết lập nền tự chủ, dân tộc Việt Nam đã trải qua một đêm trường nô lệ hơn một ngàn năm. Ai đã đốt lên ngọn đuốc bất khuất đầu tiên?

– Hai Bà Trưng!

Phải hơn hai thế kỷ, kể từ khi bị Nam Việt thôn tính rồi nhà Hán đô hộ, dân tộc ta mới lần đầu tiên quật khởi, dựng nên một nhà nước độc lập, tồn tại được 3 năm (40-43).

Chỉ duy trì được nền độc lập trong 3 năm, nhưng ngọn cờ của Hai Bà Trưng là niềm hy vọng của dân tộc trong trường kỳ kháng chiến để dành lại tự do. Ngọn đuốc bất khuất vẫn cháy sáng mãi trong tâm linh dân tộc. Người anh hùng giải phóng đầu tiên của nước ta cũng khiến kẻ thù phải khâm phục. Tác giả Hậu Hán thư chẳng những gọi Bà là Vương, mà còn ghi nhận tinh thần dũng cảm của Bà: Vương thậm hùng dũng!

Sau Kissinger, tháng 5/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama cũng nhắc đến Hai Bà Trưng:

“Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp đất nước Việt Nam tiến lên về phía trước…”.

Người Mỹ thứ ba nhắc đến Hai Bà Trưng là tổng thống Donald Trump. Ngày 10/11/2017, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Ariyana, Đà Nẵng, ông phát biểu:

“Người Việt Nam đã có tinh thần độc lập dân tộc không chỉ trong 200 năm mà suốt hàng nghìn năm qua, tiêu biểu nhất là Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40.”.

Phan Bội Châu đánh giá rất cao công nghiệp của Hai Bà đối với dân tộc:

“Thử nghĩ hơn một nghìn năm ở trong lịch sử đến bà Trưng Nữ Vương, mới thấy có một người bắt đầu chống cự với nước Tàu, mà khiến cho chúng ta có được cái vinh dự độc lập. Từ đó sắp đi noi theo mới có Triệu Quang Phục, Lý Bí, Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… mà nước ta mới có chủ quyền một nước…

… Chứng cứ như thế thời bảo Bà Trưng… có công đức lớn với nước Nam ta,… tôi nhất định nhận bà Trưng Nữ Vương là thủy tổ. Các nhà sử học trong nước nghĩ sao?”.(“Ai là tổ nước ta?” Tiếng Dân số 656, 6/1/1934).

Trong bài “Vịnh Hai Bà Trưng” đăng trên Tiếng Dân ngày 24/2/40, Sào Nam viết:

Sáu chục thành trì, riêng Hán, Việt,

Ba năm đường bệ cùng Thương, Chu.

Năm canh thức dậy thời oanh liệt,

Sóng gợn hồ Tây, bóng nguyệt thu!

Cần nhắc lại rằng, lúc còn cày ruộng ở Bạn Thầm (Xiêm) năm 1911, Phan Bội Châu đã sáng tác tuồng Trưng Nữ Vương để:

“Cổ võ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Tôi đem những bài ấy ra dạy cho những người trong sở – ruộng học thuộc lòng, sớm tối họ thường nghêu ngao ca hát làm vui. Ấy là tôi muốn gieo hạt giống cách mạng ở giữa khoảng nước biếc non xanh vậy.”.

(Phan Bội Châu, Ngục Trung thư, bản dịch của Đào Trinh Nhất, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1950, trang 66).

Không chỉ với Phan Bội Châu ở Xiêm, Huỳnh Thúc Kháng lúc ở Côn Đảo cũng soạn tuồng Trưng Nữ Vương bình ngũ lãnh để cùng Phan Thúc Duyện, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh… diễn ở trong sân nhà tù Côn Đảo vào dịp Tết Canh Tuất (1910). Bà Phan Thị Minh nhận ra người thủ vai Thi Sách là ông ngoại Phan Hy Mã!

Ngọn cờ bất khuất của Trưng Nữ Vương cũng gây cảm hứng cho Nguyễn An Ninh viết nên tuồng Hai Bà Trưng.

Tuồng Hai Bà Trưng, vào tháng 8/1928, được nhà in Bảo Tồn in đến 4.000 cuốn, được đánh số từ 1 đến 4.000. Sách không bán ra ngoài mà để làm tài liệu học tập cho tổ chức Thanh Niên Cao Vọng.

Điều lý thú là Nguyễn An Ninh đã hư cấu một nhân vật không có trong lịch sử là Lý Định, người yêu của Trưng Nhị và Trưng Nhị là lý thuyết gia chính trị của cuộc khởi nghĩa. Tuồng không dừng lại khi cuộc khởi nghĩa thành công, đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi mà còn tiếp giai đoạn xây dựng nhà nước độc lập! Trưng Nhị cảnh báo chính quyền mới thiết lập coi chừng rơi vào thói kiêu ngạo, tự mãn… Nguyễn An Ninh viết: “Thắng trận rồi, đuổi được quân xâm lược nhà Hán rồi coi chừng chúng ta kiêu ngạo. Chúng ta kiêu ngạo thì còn có kẻ kiêu ngạo hơn và bọn giặc đã đô hộ nước ta sẽ hông bao giờ quên cái nhục bị đánh đuổi và tìm cách trả thù! Chúng ta không được ngủ quên trên niềm vui chiến thắng”.

Trong tuồng còn có những vai chỉ có trong hiện tại như án sát, tuần vũ… cùng với những nhân vật bình dân như ông chủ quán, anh nông phu, chị bán gánh, anh thợ mộc!

May mắn hơn Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng được nhìn thấy hoài bão của cả cuộc đời đấu tranh thành hiện thực. Xuân Bính Tuất (1946), mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc, Huỳnh Thúc Kháng như được Cách mạng Tháng Tám tiếp thêm sức sống:

Nêu phất phơ bay, cờ độc lập,

Rượu xuềnh xoàng rót máu quân thù!

Trong bóng cờ độc lập hiện tại, ông thoáng thấy trong tâm tưởng ngọn cờ độc lập đầu tiên của đất nước: Ngọn cờ Trưng Vương!

Gươm báu Thánh Trần mài sáng quắc,

Ngọn cờ Trưng Nữ gió bay cao!

Thánh Trần củng cố nền độc lập với ba lần chiến thắng quân Nguyên, nhưng phất cờ độc lập đầu tiên chính là sự nghiệp lớn lao của Trưng Nữ Vương! Sử gia Huỳnh Thúc Kháng đã trả lời cho câu hỏi của Phan Bội Châu.

Gần đây, khi đọc Thực nghiệp Dân báo, tôi phát hiện hai tư liệu mới về Hai Bà Trưng.

Đó là bài của cử nhân Mai Đăng Đệ viết nhân dịp giỗ Hai Bà vào 6/2 Âm lịch Nhâm Tuất (1922). Ông cho rằng Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là một sự kiện lớn không phải chỉ đối với nước ta mà là đối với lịch sử thế giới. Ông dẫn chứng là trong cuốn Thế giới đại sự niên biểu, xuất bản năm 1922 ở Trung Quốc, những người biên soạn ghi nhận năm 40 Công nguyên chỉ có một sự kiện lớn trên thế giới là: Cuộc khỏi nghĩa Hai Bà Trưng và năm 43 có hai sự kiện là Bà Trưng mất và Đế quốc La Mã đánh Anh quốc. Vậy, Bà Trưng được suy tôn là anh hùng thế giới. Cuộc khởi nghĩa năm 40 đã ảnh hưởng một vùng Ngũ Lãnh rộng lớn phía nam Trung Hoa.

Người thứ hai xem Bà Trưng là Nữ anh hùng thế giới là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.

Chúng ta không phải ai cũng biết cây bút tài hòa Nhượng Tống đã viết đến 4 cuốn Trưng Vương, Thế giới đệ nhất nữ anh hùng. Cuốn thứ nhất do Nam Đồng thư xã in 4.000 cuốn vào đầu năm 1927.

Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân (19061949), nhà văn, nhà cách mạng Việt Nam

Cuốn thứ hai do Quốc Hoa thư quán in vào tháng 4/1927. Ở cuốn cuốn II có quảng cáo đang in cuốn III và IV.

Nhượng Tống viết:

“Ai nói gì thì nói, có bảo tôi là mèo khen mèo dài đuôi thì tôi cũng chịu nhưng mà tôi nói rằng Bà Trưng là Thế giới Đệ nhất nữ Anh hùng là có lý, có cơ sở.”.

Ông so sánh sự nghiệp của hai nữ anh hùng trên thế giới là bà Jeanne d’Arc của  Pháp và Nữ Thiên hoàng Trì Thống của Nhật (Thiên hoàng thứ 41).

Jeanne d’Arc tức bà Trinh Đức, được phong Thánh và tên được đặt cho các trường nữ học Công giáo ở nước ta. Sự nghiệp lớn lao của bà tuy khó nhưng không khó bằng Bà Trưng của ta.

Còn Nữ Thiên hoàng thứ 41 của Nhật là Trì Thống thì sự nghiệp còn lẫy lừng hơn. Bà là người đổi tên  nược Nhật từ Hòa quốc sang Nhật Bản, thiết kế lại nền hành chính của Nhật Bản, đặt ra pháp luật… Người Nhật gọi bà là Người Mẹ của Nhật Bản.

Nhượng Tống cho rằng gộp cả hai sự nghiệp của bà Trinh Đức và bà Trì Thống thì họa chăng mới bằng sự nghiệp của Bà Trưng.

Việt Nam sau thời kỳ được lập đầu tiên thời Hùng Vương và An Dương Vương thì rơi vào ách đô hộ của nhà Hán khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc vào năm 179 BC. Trong khoảng 219 năm (179 BC – 40 AD) gần chín thế hệ người Việt chưa một lần quật khởi.

Thời kỳ độc lập tưởng đã bị xóa mờ trong ký ức của con Rồng Tiên, vậy mà Bà Trưng đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa thành công không chỉ trên đất nước Âu Lạc mà lan rộng ra cả miền phía nam Ngũ Lĩnh. Nền độc lập tuy chỉ duy trì được 3 năm (40 – 43) nhưng ngọn cờ Trưng Nữ không bao giờ phai mờ trong ký ức dân tộc. Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đúc kết lịch sử hào hùng của dân tộc chỉ bằng hai hình ảnh: Ánh gươm giúp nước của Đức Thánh Trần và Ngọn cờ Trưng Nữ:

Gươm báu Thánh Trần mài sáng quắc,

Ngọn cờ Trưng Nữ gió bay cao!

Phạm Việp (Hậu Hán thư – Mã Viện truyện) xưng tụng “Vương thậm hùng dũng”.

Còn Sào Nam, Mính Viên, Nguyễn An Ninh, Mai Đăng Đệ, Nhượng Tống… đều cảm hứng từ sự nghiệp lẫy lừng của Hai Bà để nuôi dưỡng, giáo dục… lòng yêu nước cho đồng chí, đồng bào.

Nên chăng, để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, để tưởng nhớ đến công nghiệp phất cờ độc lập đầu tiên, chúng ta nên chọn ngày 6 tháng 2 Âm lịch truyền thống thay vì kỷ niệm ghép vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 Tây lịch.

Voi diễu hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng 7 tháng 3 năm 1957 tại Sài Gòn

Và, hẳn vào ngày đó, toàn dân tộc sẽ giương cao “ngọn cờ Trưng Nữ” để “gió bay cao”, bồi dưỡng cho lòng tự trọng bẩm sinh và tinh thần bất khuất, biết từ chối một cách đáng khâm phục sự cúi đầu trước kẻ thù của tất cả con cháu Hai Bà.

Mong thay.

Trần Viết Ngạc