Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Tản mạn chuyện 10 năm

Y2K. Ảnh: Internet
Trong thập kỷ qua điều gì đáng chú ý: Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil nổi lên, cao bồi Mỹ phi ngựa…tại chỗ, vì dính vào hai cuộc chiến tốn kém, dù có sự thay đổi lớn, Tổng thống da đen lãnh đạo Nhà Trắng. Gấu Nga vẫn luẩn quẩn bên rừng Taiga kiếm ăn. Việt Nam đang trên đà phát triển, dân ta bắt đầu tìm kiếm sự may mắn ở xứ người.
Theo bạn, những sự kiện quan trọng nhất của VN trong 10 năm qua là gì? Và hãy cùng nhau dự đoán trong 10 năm tới sẽ ra sao? Biết về 10 năm trước để sống cho 10 năm sau cũng là một ý hay.
Một thập kỷ không dài trong đời người và khá ngắn trong lịch sử của một đất nước, nhưng cũng đủ thời gian cho số phận bước sang một nẻo đường khác, nếu biết vượt lên chính mình.

Y2K năm 2000
Nhiều người còn nhớ sự kiện Y2K, sự chuyển giao thế kỷ, làm cho bao dân IT đau đầu. Vào cái đêm giao thừa Tây (1-1-2000), chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả các máy tính chạy loạn xạ, do giờ giấc và ngày tháng bị sai.
Lần đó, HM trực đêm ở tòa nhà 53 Trần Phú, sợ Y2K mò vào hệ thống của WB. Nghe đồn villa đó có ma vì chánh cẩm thời Pháp ở. Tầng hầm tra tấn tù và có người chết trong nhà.
Năm 1995, WB thuê làm văn phòng, tầng hầm biến thành phòng mạng máy tính, tay IT ngủ cả ngày lẫn đêm khi thành phố cắt điện.
Lúc bé từng sống ở mom đầu sông Chanh, nối với sông Hoàng Long, trên một bãi tha ma đầy tiểu sành. Đi làm cho quốc tế cũng ở chung phòng với những linh hồn oan uổng. Có lẽ ở hiền gặp lành nên được các cụ phù hộ, độ trì, cho đi khắp đây đó, HM thành người của…thế giới.
Đêm Y2K đó đi qua, chàng IT ngáy khò khò trong cái phòng giam tù nhân xưa mà chả thấy gì. Chỉ có sếp gọi điện nói là sẽ khen bằng email trên mạng. Có tiếng mà không có miếng. Mẩu bánh mỳ của thế giới cũng khác lắm.
Y2K cũng báo hiệu thời kỳ bong bóng dotcom. Một người bạn bên Mỹ tin vào “đôt” còm (.com), “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” nên anh “đốt – dot” luôn $200K.

Sự kiện 11-9 thay đổi thế giới
Nhớ lúc đang giặt tã cho Luck được 4 tháng thì Hoài Linh váy ngắn nhất cơ quan gọi điện khẩn cấp. Tưởng hẹn hò gì. Hóa ra “Anh đến ngay văn phòng vì WB bên Mỹ có thể bị khủng bố Bin Laden tấn công. Nhớ xem lại hệ thống máy tính cho cẩn thận”. Vụ khủng bố 11-9-2001 làm thay đổi nước Mỹ và thế giới.

Khủng bố 11-9-2001. Ảnh: AP
Milosevic bị truất ngôi bên Nam Tư và bị bắt, cuối cùng chết thảm trong tù. Nam Tư biến mất khỏi bản đồ thế giới. Thay vào đó là các nước nhỏ hơn xưng hùng xưng bá.
Cu Bin ra đời trong bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Mấy lần đưa vào đó khám định kỳ, rồi hơi hu hi chút cũng cho nằm viện, vì mẹ cháu thấy thảm trải cả mấy tầng, như khách sạn 5 sao. Mãi tháng sau mới biết có mấy ông SARS bị chết trong đó. Bệnh viện phải đóng cửa, và từ đó thì cạch luôn Việt Pháp.
Vụ 11-9 cũng báo trước là Afganistan và Iraq sẽ không tránh khỏi cuộc tấn công của liên quân bao gồm Mỹ và Hoa Kỳ. Vừa chiếm được Batda thì Bush lên tầu chiến tuyên bố “Mission accomplished”. Dù đã sắp qua 10 năm, Mỹ đang muốn rút lui trong danh dự mà chưa xong.
Khi Mỹ lún sâu vào cuộc chiến Iraq, Afganistan thì Trung Quốc trỗi dậy lúc nào không biết. Từ một nước có thu nhập 100$ tiến lên 1000$ và nay là 6850$/GDP at PPP trên đầu người. Họ đang về nhì trong nền kinh tế thế giới với GDP khoảng 5000 tỷ đô la. Để tiện so sánh, Hoa Kỳ có 14.100 tỷ, châu Âu cộng lại 12.500 tỷ và VN ta có khoảng 91 tỷ nên dự định chi 56 tỷ cho đường sắt cao tốc.
Chưa biết cuộc chiến tranh dầu lửa và dân chủ mang lại những gì cho Hoa Kỳ, nhưng việc Trung Quốc nổi lên trong lúc các siêu cường khác suy thoái, đã chứng minh rằng, khi anh mải mê trong hào quang chiến thắng thì người khác dễ truất ngôi vào lúc không ngờ nhất.
Cơn bão Katrina vào năm 2005 đã tàn phá khủng khiếp mấy bang của Mỹ cũng không nguy hại bằng trận cuồng phong tài chính đã kéo theo cả thế giới đi vào cơn đại khủng hoảng. Từ đó Hoa Kỳ cứ lùi dần và nếu đứng im đã là may lắm, ra roi mãi mà ngựa không phi nổi nước kiệu.

Trung Quốc tiến lên, nước Nga đứng im
Chính lúc ấy, hàng giá rẻ tại Trung Quốc bỗng trở thành phao cứu sinh cho người nghèo. Xuất khẩu của Trung Quốc bỗng tăng đột ngột. Nguy của người này lại là cơ của kẻ khác, rất đúng với hoàn cảnh của người phương Bắc. Trong lúc các nước rơi vào thảm họa tài chính thì GDP của Trung Quốc vẫn tăng vù vù.
Cho dù năm 2006 đã treo cổ Saddam, chủ Lầu Năm Góc từ chức, nhưng trận chiến mang dân chủ cho dân theo đạo Hồi không mang lại kết quả như mong muốn. Bất động sản Mỹ nằm bất động. Trong một đêm thị trường chứng khoán sụp đổ đã kéo theo bao ngân hàng cá mập đổ vỡ.
Tại nước Nga, Putin tìm cách ôm ghế bằng cách thay đổi hiến pháp, cho phép ông từ chức tổng thống để làm thủ tướng, kiểu tham quyền cố vị một cách…hợp hiến. Đứng sau Medvedev trẻ trung, đầy quyền bính, nhưng đấu sỹ karate đai đen với tài lái máy bay phản lực đi Chesnia đã một lần nữa chứng tỏ “ai là người lãnh đạo nước Nga”.
Kết thúc thập kỷ này là một tổng thống da đen Barack Obama làm chủ Nhà Trắng. Chính sách cái gậy và củ cà rốt của ông và Hillary đang có hiệu quả. Ít nhất là trong thời kỳ hai năm, chưa có quả tên lửa nào được bấm nút, dù ông cử tầu chiến sang thăm hữu nghị biển Đông.

Việt Nam vui hơn thế giới
Với thế giới thì thập kỷ qua, buồn nhiều hơn vui. Việt Nam ngược lại, GDP luôn tăng trưởng ở mức 7-8%. Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới.
Từ một nước nghèo nay đã là nước trung bình (>1000$/người/năm). Có lẽ chẳng ai muốn quay về những ngày xưa “tem phiếu”, dù có bao nhiêu mỹ từ.

Hội nhập: sữa bò kèm dịch vụ PC. Ảnh: HM
Từ tỷ lệ nghèo 60 % nay chỉ còn khoảng 10%, một thành tựu được cả thế giới thừa nhận. Ông Bob Zoelick, Chủ tịch WB, đi đâu cũng kể về một quốc gia thoát nghèo một cách ngoạn mục, cho dù tham nhũng, hối lộ đang làm đau đầu và suy vong chế độ.
Có của ăn của để nên vùng đất bùn lầy, khỉ ho cò gáy, bỗng biến thành bờ xôi ruộng mật, là vàng, là đô la. Mới có chuyện, hôm qua là anh hùng, hôm nay thành tội đồ của sự phát triển. Biển Đông xưa kia êm đềm nay bỗng sủi tăm vì có khí đốt tự nhiên và dầu hỏa, chưa kể vị trí chiến lược “tiền đồn”. Giỏi buôn như Do Thái thì có thể biến thành “đồn tiền”.

Sự hội nhập đang tiếp tục
Dân chúng có nhiều lựa chọn hơn, kể cả việc đi tìm một miền đất hứa khác. Hàng chục ngàn sinh viên trẻ đã sang du học bên Mỹ. Khác với thời chiến tranh, hàng vạn học sinh sang Đông Âu và Liên Xô. Thời thế đã hoán ngôi các quốc gia một cách thú vị.
Trong đám bạn bè, bằng cách này hay cách khác, nhiều gia đình hội nhập lặng lẽ. Ảnh gia Nguyễn Vinh Quang đã sang DC với vợ, ở chơi vài tháng lại sang xứ Kangaroo để trông cháu ngoại cho con gái đi làm. Tam giác Úc-Mỹ-Việt Nam đã kết nối gia đình anh.
Giáo sư Trần Cao Sơn, đồng nghiệp cũ ở Viện Tin học, hiện ở xứ New Mexico, đã thành người của quốc tế. Gia đình định cư bên Mỹ, hai con gái đến tuổi lấy chồng.
Gần chục các cô bạn của WB từ Hà Nội đã sang DC với gia đình mở rộng. Cộng đồng còn lớn mạnh. Chuyện du học, làm ăn và cả định cư bên phương Tây không còn xa vời như cách đây 10 năm trước.
Luck và Bin “tản cư” sang Mỹ vào năm 2004, được 6 năm tròn. Bảo chúng là người Mỹ thì không phải, gọi là người Việt Nam cũng không. Virginia không phải là tổ quốc, về Ninh Bình làm khách, ở Hà Nội được gọi là nhà quê.
Thôi thì chúng lớn lên thành người của hội nhập, dù lý lịch không cơ bản, thành phần không rõ ràng, ở Mỹ không được làm Tổng thống, về VN không được vào UVTW.

Đường về mười năm tới
Trong 10 năm tới, hai đứa con sẽ trưởng thành, xa rời tổ ấm của cha mẹ. Giấc mơ Mỹ của chàng IT làm cao bồi (cowboy) miền Tây hoang dã sẽ chấm hết. Dự định quay về Ba Vì, lão già sẽ lọ mọ chọn cùng nghề với con cháu anh Hồ Giáo.

Sữa bò Hồ Giáo. Ảnh: HM.
Chợt nhớ bài thơ “cua” của Tố Hữu mà đám học trò thời đó phải thuộc lòng “Lần trước gặp anh//Chăn bò trên Tam Đảo//Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo//Chăn bò ở Ba Vì//Hỏi anh: Có thú vui gì?//Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò//Cách mạng cần, việc nhỏ việc to//Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý”.
Xưa anh Hồ Giáo đánh Mỹ bằng cách chăn bò. Nay HM theo Mỹ cũng bằng cách nuôi bò. Có lần đi Hòa Bình (7-2010) thấy ”Kim Dung sữa quán” định bắt chước. Sinh thời lão từng chăn trâu hung dữ nên cưỡi bò là cái đinh gì.
Sữa xuất khẩu sang Mỹ, Mỹ uống nhiều, Mỹ thấy ngon, Mỹ quen mùi, Mỹ lại mua, Mỹ thấy lời, Mỹ quên luôn bài “dân chủ và nhân quyền”. Thế là vui lắm, sợ gì tuổi già cô độc.
Nếu không, mở quán bên đường “Hiệu Minh: Chuyên sửa PC, thịt dê núi Hoa Lư, cày tơ bảy món, viết blog về nước Mỹ”. Toàn cầu hóa là đó đó, đi đâu xa cho mệt.
Chúc các bạn đầu Xuân đi làm vui và may mắn.

Hiệu Minh. Khai bút đầu xuân Tân Mão 2011.

Kim Dung sữa quán. Ảnh: HM