Truyện trò bên hàng quà ngoài chợ.
Tranh vẽ trích trong sách “Kỹ thuật của
người An Nam”, Henri Oger.
Lịch sử chế độ quan liêu Việt Nam là lịch sử của bọn ăn không ngồi rồi, không dám chịu trách nhiệm, việc nào có đút lót thì sốt sắng, việc nào khó thì đùn lên quan trên, quan trên lạ đùn lên quan trên nữa, quan trên nữa thì đùn lên vua. Quá trình hành chính này sinh ra cách ăn nói vu vơ, không chết ai, không được việc gì, đầy sự cảm thông, cũng như đầy sự vô trách nhiệm. 1. Ngôn ngữ của một dân tộc là một quá trình rất lâu dài từ hàng vạn năm đến hàng ngàn năm phát triển. Tôi luôn nghi ngờ các nhà khảo cổ học và lịch sử quy định sự phát triển của một dân tộc với thước đo vài ngàn năm. Để có được một tiếng mẹ đẻ một tộc người cần xuyên qua quãng thời gian không ngắn như thế. Ngôn ngữ không phải là các ký hiệu chỉ vật chất hay ý thức nào đó, nếu thế chúng ta đã học ngoại ngữ rất dễ dàng, trái lại ngoài tiếng mẹ đẻ của mình ra không ai có thể thạo một tiếng mẹ đẻ thứ hai, mà chỉ có thể giỏi một hoặc nhiều ngoại ngữ. Ngôn ngữ chính là biểu cảm tâm hồn và trời đất quy định tâm hồn ta thuộc về một dân tộc nhất định. Ngay cả một đứa trẻ lớn lên với nhiều tiếng nói xung quanh, nó vẫn thường nằm mơ bằng một ngôn ngữ, và trong thầm thì và im lặng của tâm thức chỉ có duy nhất một tiếng mẹ đẻ.
Tiếng mẹ đẻ của bà tôi và của tôi là tiếng Việt, hay có lúc người ta gọi là tiếng Kinh. Bà bảo: Có củ khoai cho cháu, chạy sang hàng xóm mượn cho bà cái kéo, tiên sư anh lúc nào cũng ỉa non đái ép, ăn nhanh lên còn đi học không thằng bố mày lại gào lên, lậy Thánh mớ bái cho chúng con rộng đường làm ăn... Tôi thuộc lòng tất cả những lời lẽ này, nhưng lại không nói như thế nữa. Tôi có cách ăn nói của thế hệ mình. Như vậy cứ vài mươi năm tiếng mẹ đẻ lại thay da đổi thịt một lần, lớp nọ chồng lên lớp kia, cái cũ chưa mất đi, cái mới đã nẩy sinh, đó là sự sinh động của một ngôn ngữ. Sự thay đổi đó bây giờ còn diễn ra nhanh hơn, có khi vài năm, nhưng trước thế kỷ 19, một trăm năm ngôn ngữ mới đổi mới một lần. Do đó con người bây giờ có cái lợi thế của một xã hội năng động, nhưng người ngày xưa có cái lợi thế của người luôn có gốc rễ.
Khi một đứa trẻ lớn lên đầu tiên nó sẽ được học chào và mời. Gặp ai lớn hơn mình đều phải chào cả: chào ông chào bà, chào bố chào mẹ, chào anh chào chị, chào bác chào cô. Thông qua lời chào đứa trẻ sẽ phân biệt được các đại từ nhân xưng phức tạp của tiếng Việt, nó sẽ phải gọi mọi người bằng ngôi thứ đấy, theo tuổi tác, không thể nào chỉ có nỉ và wo hay you và I như tiếng Tầu và tiếng Anh. Thế là một tư duy phán đoán và một thứ lễ nghĩa hình thành đi theo đứa bé trong quan hệ phức tạp của người Việt. Sau đó là học mời: mời bác vào chơi, mời bà xơi cơm, bà mời cơm, mời anh chị lại nhà, quý hóa quá, mời ông uống trà, mời sếp rửa tay. Rất sáo rỗng, nhưng tập tục lời chào cao hơn mâm cỗ, không thể không mời nhau. Khi ăn cơm người ta sẽ mời, nhưng không có nghĩa là bạn được ăn, cái đó gọi là mời rơi.
Chào mời, rồi đến chửi. Người Việt xưa coi chửi là một tập tục rất bình thường khi họ bất bình và rất yêu thương, nhưng họ không hay văng tục, trừ một lớp người gọi là giang hồ tứ chiếng. Văng tục và nói đệm tục là một lối ăn nói dân dã đang có xu hướng phổ biến, mà thực ra nó chỉ phát triển từ cuối thế kỷ 19 đầu 20 trở lại đây. Mẹ mày, Đ mẹ mày, Đ.. L... mẹ mày, tiên sư mày, tiên sư cha mày, bố mày, Đ...cả lò nhà mày, đồ con đĩ, đồ con chó, đồ chó, chó cái liếm L..., đồ mặt L..., đồ gái đĩ già mồm, ngu như bò, ngu như chó, tham như lợn, nhẵn như cầu hàng thịt...
Có thể nói, người Việt chửi rất chua ngoa và tục tĩu, trong đó toàn dùng các quan hệ tính dục với bậc trên của đối phương để sỉ nhục. Nó thể hiện sự bất lực của họ trong cuộc sống thường nhật và những ức chế không được giải tỏa. Xong tập tục chửi đổng có vần điệu và có bài bản lại là một nét sinh hoạt khác rất lâu đời. Chúng phần nhiều được các bà già mù chữ dùng để thóa mạ một đối thủ có quyền có chức hay ức hiếp dân lành, hoặc bọn trộm cắp trong làng. Ví dụ một bà già ở Bương Cấn, Quốc Oai, Hà Tây chửi khi mất gà: Cờ xanh cắm ngõ, cờ đỏ cắm nhà, bắt lấy tên, biên lấy tuổi, lên trình Nam tào sao Bắc đẩu, đứa nào ăn cắp con gà của bà. Con gà ở nhà bà là con công, con phượng, về nhà mày là con cú, con cáo. Nó mổ mắt cả lò nhà mày, mày hộc máu răng, mày văng máu mép, mày vật đống rơm, mày đơm đống rạ... Bài ca đó có thể kéo dài đến hai ba ngày, cho đến khi đối phương không thể chịu đựng được đành thả con gà ra. Rất buồn cười là kẻ ăn cắp được một con gà, về nhà thường lại thịt một con gà của nhà mình trước, đợi khi câu chuyện êm xuôi mới chén hoặc nuôi con gà ăn cắp. Người ta gọi đó là kẻ cắp nhà quê.
Làng xã là một xã hội khác so với những gì ta quan niệm. Đàn bà ở đó không được đi học, họ được yêu nhưng lấy ai lại do cha mẹ quyết định, có thời họ được thừa kế một phần tài sản của cha mẹ, nhưng đại thể là không. Họ có nghĩa vụ yêu thương chồng con vô điều kiện, cấy cầy và buôn bán. Như vậy phụ nữ Việt hoàn toàn khác với phụ nữ phương Đông nói chung và phụ nữ Hồi giáo, những người về cơ bản không phải ra chợ bán hàng, hay lao động nặng ngoài đồng ruộng. Nhưng vì thế mà người phụ nữ Việt có vai trò lớn trong gia đình, họ có đời sống tinh thần riêng bởi Phật giáo và các truyện thơ dân gian. Cái lời ăn tiếng nói của đàn bà trong làng là một phần rất phong phú trong ngôn ngữ tiếng Việt. Thân em như giếng giữa đàng / Người khôn rửa mặt người quàng rửa chân, Ước gì sông rộng tầy gang / Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi; Người khôn ăn nói nửa chừng / Làm cho người dại nửa mừng nửa lo; Thà mất nửa sào trước cửa / Còn hơn mất nửa con đầu buồi... đều là tiếng nói của nữ nhi cả. Trẻ con Việt trước tuổi đi học (bẩy, tám tuổi) luôn ở cạnh mẹ và bà, nên mới có câu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Như vậy đời sống tâm thức của chúng hoàn toàn từ kiến thức dân gian và tâm hồn thiên về cái tình của người phụ nữ. Rất ít người Việt có đời sống lý trí mạnh, mọi việc đều phải giải quyết theo cái tình trước.
Tiếng nói thường nhật và tiếng nói văn học đôi khi lẫn lộn vào nhau. Có thể nói mỗi bà già Việt xưa đều là một kho cổ tích, tiếu lâm, ca dao dân ca, hát ru, thành ngữ tục ngữ thuần Việt, trong khi đàn ông chạy theo văn tự của Thánh hiền, những lời cao siêu trong Tứ thư Ngũ kinh trang trọng. Bẩm hoàng thượng, muôn tâu bệ hạ, học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ (học lại được hành, chẳng vui sao), đại nhân lâu nay vẫn an khang đấy chứ, nhân tứ tuần khánh thọ, cung hỉ các ngài, mời các ngài dùng trà, mời quan khách lên mâm trên, chúc thượng lộ bình an... Nghĩa là có một lối ăn nói khác ảnh hưởng sâu sắc từ văn ngôn tiếng Hán, cách thức và lễ nghĩa phong kiến Trung Hoa và Việt Nam.
Đôi khi sự thay đổi của ngôn ngữ lại phụ thuộc vào vài cá nhân nhà văn, đó thực sự là các văn hào. Từ sau khi tác phẩm của họ được truyền tụng, tiếng mẹ đẻ được mở rộng thêm một bước. Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Ngâm nga buổi trưa và buổi tối, lẩy thơ, và nói năng ví von bằng nguồn thơ có sẵn... là cách thức phổ thông nhất. Tôi thấy một ông già vác rá đi vay gạo. Ông hàng xóm bảo: Nếu cụ lẩy Kiều được về việc hết gạo, thì tôi biếu không một rá. Ông vay gạo đọc luôn: Đói lòng vừa ghé tới nơi / Thì đà gạo vãi cơm rơi bao giờ / Bếp kia lạnh ngắt như tờ / Nồi kia rêu đã lờ mờ phủ xanh. Nguyên văn trong Kiều như sau: Thuyền tình vừa ghé tới nơi / Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ / Phòng không lạnh ngắt như tờ / Dấu xưa rêu đã lờ mờ phủ xanh, đó là đoạn một người khách tìm đến nàng Đạm Tiên thì nàng đã xanh cỏ đỏ mồ từ lâu.
Ăn nói hàng ngày là một biểu hiện của tính cách dân tộc, ngay từ cách dùng từ ăn nói, mà không dùng là tiếng nói, lời nói. Ăn và nói là hai việc khác nhau, ghép với nhau chúng thể hiện phong cách sinh hoạt. Người Việt nói: ăn nói, ăn nằm (tình yêu thắm thiết đã có sinh hoạt tình dục), ăn trông nồi, ngồi trông hướng, trồng lúa ăn nằm, chăn tằm ăn đứng... chứng tỏ ăn là hành vi quan trọng, khởi thủy, vì vậy mới nói nhân chi sơ là sờ tí mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn. Nhưng khi nói riêng về ăn, thì người Việt có không biết bao nhiêu từ tương tự: ăn, đớp, hít, chén, nhậu, nhắm, hốc, bớp, đả, đánh, húp, nhôm, quạc, sực... cũng giống như những từ chỉ việc đánh nhau nhiều vô kể: đạp, đấm, đá, thụi, bốc, túm, quăng, quật, tát, béo, thoi, ục, chưởng, đả, đánh, cốc, gõ, chém, bổ, húc, quạt... tất nhiên là mỗi từ đắc địa trong một hành vi cụ thể, nhưng có lẽ so với các ngôn ngữ khác là quá phong phú. Từ ngữ diễn đạt các trạng thái tình cảm còn giầu có gấp bội, nhưng ngược lại các từ chỉ vật chất lại khá nghèo nàn, nhất là những sản phẩm công nghiệp, người Việt hầu như hoàn toàn vay mượn từ ngôn ngữ Hán và Anh, Pháp.
Khi trò chuyện, người Việt thường khen ngợi người khác sung sướng hơn mình và bản thân mình thì ôn nghèo kể khổ, dường như chỉ có họ là người khổ nhất trên đời. Bác xây nhà mới to quá, dễ đến vài trăm triệu, con cháu lại đề huề cả, anh ấy làm cho người nước ngoài ối tiền, bác cứ gọi là ngồi mát ăn bát vàng, tiền nhiều như thế để đâu cho hết, cái áo này chắc mua tận Mỹ đây... Và Khốn nạn cái thân tôi, khổ thân em quá, sao mà em cơ cực thế này, cay đắng lắm chị ơi, nào có vui vẻ gì, chồng với con gì toàn một lũ ăn bám, ông giời không có mắt thôi, kỳ này thì cứt cũng không có mà ăn, đú đởn cho lắm vào rồi ít nữa mốc mép, giời ôi, cái lồn mà để ngoài da / một ngày mất bẩy mươi ba cái lồn...
Cho đến nay toàn bộ đời sống tinh thần của người Việt vẫn dành cho làm ăn và quan hệ tình cảm, tất nhiên điều này cũng thuộc về con người nói chung, nhưng ngoài cái đó ra lại không có chỗ nào cho văn hóa nghệ thuật và khoa học. Những quan tâm đến môi trường và cộng đồng cũng chưa có một vị thế trong tâm hồn, và tâm hồn ấy cũng không có một đấng tối cao nào ngự trị. Trước nền kinh tế thị trường, Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, thu nhập không cao, tích lũy không nhiều, người dân không có ước vọng cao xa ngoài đủ ăn đủ mặc, rồi đến nhà ngói sân gạch. Nền kinh tế thị trường bắt đầu, người ta lao vào guồng máy kiếm tiền như con thiêu thân, tham vọng của từng cá nhân đều là cái thùng không đáy.
2. Khi tư duy lý trí không mạnh, ăn nói ví von là cách tốt nhất để diễn tả. Ví von luôn gắn với đời sống vật chất cụ thể và các trạng thái tâm sinh lý. Ôi dào, dậu đổ bìm leo, nhà em có gì, toàn chổi cùn rế rách, kẻ cắp bà già gặp nhau, sâu bọ lên làm người, chó cắn áo rách hay hớm gì, miệng nam mô bụng một bồ dao găm, tâm xà khẩu Phật, mật ngọt chết ruồi... Trên cơ sở này ca dao dân ca cũng dùng toàn ví von so sánh: Ước gì anh hóa ra dưa / Để anh được tắm nước mưa chậu đồng; Ước gì sông rộng tầy gang / Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi; Một vung một chĩnh chẳng mong / Một vung hai chĩnh còn nong tay vào; Chồng người đánh giặc sông Lô / Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần; Chồng người buôn ngược bán xuôi / Chồng em ngồi bếp để buồi chấm gio... Như vậy nếu tìm trong kho tàng văn học truyền miệng Viêt Nam cũng đủ hết những hình thức vật chất thường dụng. Đồ dùng do con người chế tạo, sử dụng hàng ngày, các trạng thái của nó phản ánh các trạng thái tinh thần. Ví dụ: lợn cưới áo mới (đồ tốt), chổi cùn rế rách (đồ tồi), già được bát canh, trẻ được manh áo mới (khát vọng), nhẵn như cầu hàng thịt (sự thớ lợ, trơ trẽn).
Nhà thơ Nguyễn Khuyến viết:
Đã bấy lâu nay bác đến nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò nói chuyện trầu không có,
Bác đến chơi nhà, ta với ta.
Một khung cảnh rất đặc trưng cho căn nhà người nông dân, có đủ ao cá, gà qué, vườn rau, cải, bầu, cà, mướp, và trầu cau, nhưng cuối cùng là chẳng có gì ngoài tình người.
Tiếng Việt từng được thử thách với tiếng Hán trong một quá trình lịch sử lâu dài. Cách chúng ta một ngàn ba trăm năm, mà Lý Bạch, Đỗ Phủ đã viết hàng ngàn bài thơ tinh tế về nhân gian thế sự và tình cảm của con người đủ mọi trạng thái góc độ. Cũng thời gian đó, người Việt không thể nào mà dùng tiếng Việt diễn tả như vậy được, và thực ra tất cả các thứ tiếng khác trên đời lúc đó cũng thế. Ta có thể thấy điều đó trong văn học Trung cổ phương Tây. Muốn diễn đạt sâu sắc điều gì, nhà Nho Việt lại phải dùng Hán văn. Tám trăm năm sau Lý Đỗ, Nguyễn Trãi làm thơ Nôm thế này: Góc thành Nam, lều một gian / Bụt chẳng phải, ở chẳng phải / Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn. Ba trăm năm sau Nguyễn Trãi, đến Hồ Xuân Hương tiếng Việt đã trở nên tinh vi sinh động ngóc ngách lạ thường: Trời đất sinh ra có một vòm / Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Nhưng cái khí vị nửa Nôm nửa Hán vẫn còn phảng phất cho đến Bà huyện Thanh Quan: Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn / Tiếng mõ xa đưa tiếng ốc dồn / Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Tôi tin chắc rằng cái rổ, cái rá hoàn toàn do người Việt làm ra không nhất thiết phải học người Trung Quốc và từ rổ rá cũng hoàn toàn thuần Việt. Nhưng tôi lại thất vọng vô cùng khi biết cái khố lại là một từ Hán, chỉ cái quần ngắn, chả lẽ không có người Trung Quốc thì người Việt cởi truồng, khi mà xưa kia rất nhiều người Việt chỉ có độc cái khố che bộ hạ. Tại sao chúng ta lạ nói là bông hoa, khi bông chính là hoa trong tiếng Hán. Người Việt nói rằng đâm bông kết trái, học tiếng Hán, ta nói rằng đơm hoa kết quả, bông trái ta có thể nói là hoa quả. Quá trình này tất nhiên không thiệt gì, mà tiếng Việt lại thêm phong phú và sinh động gấp bội. Tiếng Hán đã có mặt trong tiếng Việt tới 60 %, có thể chỉ là lượng từ, nhưng nó đã vào như thế nào và nó làm thay đổi hay phong phú thêm tâm hồn của người Việt như thế nào, chúng ta cũng thường không để ý. Ở một số tỉnh miền nam Trung Quốc như Quảng Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, nhiều từ gốc Hán được phát âm không khác gì tiếng Việt phát âm. Ví dụ chu sa, xạ kích, mục tiêu, mục lục... Trong khi đó tiếng Hà Bắc (Bắc Kinh) ngày nay là khác hẳn. Tất nhiên người Việt không thể nói chuyện thẳng với người Quảng Đông bằng tiếng Hán Việt và ngược lại, nhưng chắc chắn trong lịch sử có lúc ngôn ngữ vùng phía nam sông Dương Tử rất gần gũi với ngôn ngữ Việt. Ở Hồng Kông tôi đi khắc một con dấu cho họa sỹ Trương Hạnh, tôi nói với ông thợ rằng khắc cho tôi con dấu tên Zhangxing, ông ta bảo tôi viết ra, rồi đọc nguyên văn là Trương Hạnh. Âm Hán Việt nhuần nhuyễn với nhau trong hai ngàn năm qua làm cho tiếng Việt trở nên lóng lánh uyển nhã lạ thường. Ví như ta đọc thơ Đường bằng âm Hán Việt là hay vô cùng, đến mức Lý Bạch, Đỗ Phủ chắc phải trầm trồ sao thơ mình lại có thể uyển chuyển đến thế. Đại loại:
Bất hướng Đông sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia
(Núi Đông lâu không về
Tường vi hoa mấy độ
Mây trắng tan ra mãi
Trăng sáng lọt nhà ai)
Từ đây các nhà thơ Việt Nam có thể làm:
Lởn nhởn mấy hàng tỏi
Lơ thơ mấy nhánh khương
Vẻ chi là cảnh mọn
Thế mà cũng tang thương
(Nguyễn Gia Thiều)
Đỗ Phủ viết Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ / Bất tận Trường Giang cổn cổn lai. (Vô hạn lá rơi ào ào rụng / Chẩy mãi Trường Giang lớp lớp dồn). Nguyễn Khuyến viết Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo / Lợi trục thời thường lãnh nhãn khan (Bể hoạn chỉ nên chèo với lòng nương nhẹ / Cuộc lợi lộc nhìn với con mắt lạnh lùng). Bà huyện Thanh Quan viết Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Ở thế kỷ 15, trong văn bản Cổ châu lục chùa Dâu, nhà sư Khâu đà la nói với đệ tử Man Nương rằng: Mày ở trong phép của tao. Nếu diễn đạt đúng tiếng nói của chúng ta ngày nay phải thế này: Đệ tử, cô đang theo học đạo của thầy. Chúng ta nhận ra một điều khác, có thời người Việt cũng dùng phổ biến hai ngôi mày và tao thôi, nhưng rồi một quá trình gia đình hóa xã hội nào đó đã diễn ra, người Việt bê toàn bộ danh từ chỉ ngôi thứ trong gia đình làm đại từ nhân xưng ngoài đường, từ đây ta phải gọi người xung quanh ta là cụ, ông, bà, bác, chú, dì, anh, chị... một cách phiền toái nhất trên đời. Thế nhưng khi Đặng Trần Côn viết: Tương cố bất tương kiến / Thanh thanh mạch thượng tang / Mạch thượng tang, Mạch thượng tang / Thiếp ý quân tâm thùy đoạn tràng, mà Đoàn Thị Điểm dịch là: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy / Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu / Ngàn dâu xanh ngắt một mầu / Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai, lại chẳng tuyệt vời khi chúng ta có cả hai thứ tiếng hay sao. Có những lúc tiếng Hán gần tiếng Việt đến lạ lùng, ví dụ: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất bất năng khuất (Mạnh Tử). Được dịch là: Giầu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục, có khác nào một sự chuyển tiếp giản đơn.
3. Tiếng Việt là một ngôn ngữ ý tượng hay cảm giác còn chưa chắc chắn. Tay cầm bán nguyệt xênh xang, bán nguyệt ở đây có thể hiểu là cái liềm, cái hái, nhưng cũng không hẳn như thế, cô gái này đung đưa với mặt trăng lưỡi liềm trong tay, cô cầm cái nón mà ta chỉ trông thấy một nửa, hay cô chẳng cầm gì cả, mà cổ tay, cánh tay tròn lẳn trắng ngà như mặt nguyệt. Rõ ràng mọi thứ không chính xác, không nhất quyết bề nào, đó chính là tiếng Việt. Một thứ tiếng không chính xác, khi nói không xác định được thì, và hành động kết thúc hay chưa, hay còn tiếp diễn, chủ ngữ là ai, ai nói với ai... Được bù lại, nó lại là ngôn ngữ rất văn chương và có chất thơ. Nó đòi hỏi ta phải cảm nhận, thay vì nhận biết một thông tin gì. Người Việt nói chuyện với nhau hàng ngày nhưng nghe kỹ nội dung rất vu vơ, chẳng ra đâu vào đâu, đụng đến việc cụ thể là giải thích hàng tràng dài mà càng không chính xác.
Đêm qua ngồi tựa song đào
Hỏi người quân tử ra vào có thấy vấn vương
Đêm qua gió lạnh đông trường
Nửa chăn nửa chiếu mà nửa giường để đó đợi ai
Tay du ngắt nhụy hoa nhài
Tay giơ đón gió, tay chòi ghẹo trăng
Rủi may cũng bởi chị hằng.
(Ca dao và Quan họ Bắc Ninh)
Thật chẳng có gì cụ thể, nhưng đầy những thông tin người tình trong lời ca rất đẹp. Cô gái không thể nói ra, không thể bày tỏ trước, nhưng chàng cứ quan sát, cảm nhận, còn mọi chuyện có tốt hay không còn phụ thuộc vào số phận. Nhưng nếu ta hỏi đáp với một người: Mày đi đâu đấy? Tao đi đằng này. Việc có tốt không? Cũng hòm hòm? Kiếm được nhiều không? Cũng tàm tạm. Con cái thế nào? Có giời lo. Chuyện ruộng làng ta thế nào? À lý trưởng còn hỏi quan trên, quan trên lại phải tâu lên đức kim thượng. Chiều nay có khao ở đình? Ờ có lẽ, rỗi thì ra. Đã lấy mạ chưa? Đã gieo đéo đâu mà nhổ... Rất nhiều thông tin, cũng như chẳng có gì. Cách ăn nói này của người Việt cho đến nay chẳng thay đổi là mấy, thậm chí nó còn ngày càng vu vơ và trừu tượng hơn, do công việc luôn khúc mắc với nhiều hủ tục hành chính rườm rà, dù người Việt đã và đang học tiếng Pháp, tiếng Anh hàng ngày. Tư duy và tâm hồn của một tộc người có cái gì đó cố hữu dù nói tiếng gì cũng vậy thôi.
Lời ăn tiếng nói xuất phát từ hoàn cảnh lao động cụ thể. Bước vào một xã hội nông nghiệp, người nông dân biết mình phải làm gì với thời vụ và ruộng đồng. Tháng giêng trồng khoai, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà, tháng tư cầy vỡ ruộng ra... cứ thế với xuân hạ thu đông, rồi lại xuân hạ thu đông, ông vua này hay ông vua kia, ông quan này hay ông quan kia, thì nhà nông vẫn một nắng hai sương trên đồng. Chuyện đồng áng họ bàn bạc rất cụ thể và hoàn toàn tin vào kinh nghiệm của mình chứ không nghe theo nhà Nho nào cả. Triều đình sẽ thu thuế đinh và thuế điền thông qua bộ máy lý dịch ở làng, tốt nhất là không sưu cao thuế nặng. Như vậy cuộc sống tự hình thành hai lối ăn nói, một đằng rất cụ thể với lao động sản xuất nông nghiệp và một đằng rất cao siêu với đạo lý của Nho giáo. Trong trường hợp họ cần đến lý thuyết Nho Lão Phật mà khó hiểu thì sẽ tìm cách dân gian hóa tam giáo ấy. Cho nên các học giả nhận định rằng: Nho giáo vào Việt Nam thì biến thành luân thường lễ nghĩa, Phật giáo vào Việt Nam thì biến thành mê tín dị đoan. Nói Phật là giác ngộ thì cao siêu quá, tốt nhất là Phật có nhiều mắt nhiều tay, nhiều quyền năng phép lạ, cứu vớt và phù hộ chúng sinh. Âm dương bát quái của Đạo giáo cũng trừu tượng nốt, nên vẽ lên cái gương treo trước cửa nhà để trừ tà ma.
Lịch sử chế độ quan liêu Việt Nam là lịch sử của bọn ăn không ngồi rồi, không bao giờ dám chịu trách nhiệm một cái gì, việc nào có đút lót thì sốt sắng, việc nào khó thì đùn lên quan trên, quan trên thì đùn lên quan trên nữa, quan trên nữa thì đùn lên vua. Ông vua sẽ phải bàn bạc từ chuyện ăn mày ăn xin, đê điều, giống má, thuế khóa đổ đi, dù có đủ các quan chức trách. Quá trình hành chính này sinh ra cách ăn nói vu vơ, không chết ai, không được việc gì, đầy sự cảm thông, cũng như đầy sự vô trách nhiệm. Kết thúc là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Dư luận xã hội thì không bao giờ được coi trọng và trở thành nghị sự trong triều đình, nên biến thành chuyện tiếu lâm và hò vè chế riễu, mặt khác lại có khả năng chụp mũ giết người không dao bằng các lời đồn thổi. Cuối cùng là để cười, vui vui ấy mà, cũng nhì nhằng thôi, lo chi chuyện trời sập, kệ mẹ nó nói mãi cũng thế, ai có thân người ấy lo, việc quan đâu đến đàn bà trẻ con, ôi dào bói ra ma quét nhà ra rác, số nó giầu có cho nó giầu, nhà mình bạc phúc còn kêu ai, chết ngay đâu mà phải sợ, có phải nhịn bữa nào đâu mà kêu lắm thế, cho ông làm quan cũng vậy thôi, độc mồm độc miệng vừa phải còn để phúc đức về sau, con gà tức nhau tiếng gáy làm gì, của đi thay người, của thiên trả địa, rồi sẽ có quả báo nhãn tiền... Khi tất cả cách nói năng trên còn chưa tắt trên mồm người Việt tức là nền hành chính còn có vấn đề.
2010