Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Tượng đài Remember Them: Champions for Humanity có Thiền sư Nhất Hạnh

 Bùi Văn Phú
Tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity” vinh danh những người tranh đấu cho dân quyền và nhân bản trên thế giới đã được khánh thành tại Fox Square Park ở thành phố Oakland, California
 
Lễ khánh thành đã diễn ra vào trưa ngày thứ Ba 6/9/2011 với sự tham dự của đại diện chính quyền liên bang, thành phố và các tổ chức bảo trợ. Bà dân biểu liên bang Barbara Lee đang giới thiệu điêu khắc gia Mario Chiodo sau khi tượng đài được mở ra

Trên tượng đài là 25 nhân vật, còn sống và đã qua đời, đã tranh đấu cho những lý tưởng nhân bản trong đó có Mục sư Martin Luther King Jr. (thứ hai từ bên phải) và phu nhân là bà Coretta Scott King luôn ở bên cùng nhiều người khác như Frederick Douglass, Cesar Chavez, Maya Angelou, Rosa Park, Elie Wiesel, Oskar Schindler…

Thánh Gandhi là một nhà tranh đấu trong tinh thần hoà bình được tạc tượng

Tổng thống Franklin Deleno Roosevelt (bên trái), Mẹ Teresa, Thiền sư Nhất Hạnh và Tộc trưởng da đỏ Joseph

Thiền sư Nhất Hạnh được vinh danh là người vận động cho những giải pháp hoà bình trong chiến tranh Việt Nam và sau biến cố 11/9/2001 đã thỉnh cầu Hoa Kỳ dùng ngoại giao thay vũ khí ở Afghanistan và Iraq

Trên 500 quan khách và cư dân thuộc đủ mọi sắc dân đã đến dự lễ khánh thành có trình tấu của giàn nhạc giao hưởng Oakland Symphony, ban hợp ca học sinh và phần đọc thơ của các thi sĩ. Điêu khắc gia Chiodo có ý tưởng thực hiện tượng đài sau khi chứng kiến biến cố 11/9.

© 2011 Buivanphu
________






   6 phản hồi


Trần Đình Hoành, on Tháng Chín 12, 2011 at 11:20 chiều said:

Thiền sư Nhất Hạnh đúng là trường hợp bụt nhà không thiêng. Ở hải ngoại thì mấy chục năm nay luôn luôn có phong trào chửi bới thiền sư từ các nhóm chống cộng cực đoan, vì thiền sư luôn giảng dạy hòa bình. Về nước thì chỉ lập Thiền Viện Bát Nhã một thời gian là bị đóng cửa.
Nhưng thế giới mấy mươi năm nay vẫn xem thiền sư là vị thầy về Thiền và hòa bình của thế giới.
Điều đó nói gì về trí tuệ của chúng ta?
Chúa Giêsu cũng bị chính dân Do thái giết và cho đến ngày nay Kitô giáo vẫn rất thiểu số ở Do Thái.
Phật Thích Ca thì cũng như thế. Tại Ấn Độ ngày nay, phật giáo vẫn rất thiểu số.
Hình như người nhà không thể chấp nhận được một người trong nhà mình có thể là thánh.

haixuanhxh, on Tháng Chín 13, 2011 at 1:26 sáng said:

Tôi được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng về thiền ở chùa Quán Sứ, Hà Nội hình như vào năm 2005 hồi ông về nước để xuất bản một số đầu sách. Được đọc một hai tác phẩm ông viết về đạo Phật, về thiền… nhưng tôi thích nhất bài tuỳ bút “Bông hồng cài áo” ông viết về mẹ, với những câu mở đầu: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được. Cằn cỗi , héo mòn…”. Nay ông được tạc tượng xếp ngang hàng với những Gandhi, Mẹ Teresa Calcutta
Martin Luther King… Chúc mừng thiền viện Làng Mai.

Quỳnh Linh, on Tháng Chín 13, 2011 at 5:30 sáng said:

Dear anh Hoành,
Em nghĩ về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, cũng không đến nỗi bụt nhà không thiêng đâu ạ. Vì em thấy ở Việt Nam lưu truyền nhiều sách, đĩa giảng bài của ông. Và với một kẻ “ngoại đạo” như em thì ông là thiền sư duy nhất em … nhớ tên.

Trần Đình Hoành, on Tháng Chín 13, 2011 at 6:44 sáng said:

Hi QL,
Thiền sư Nhất Hạnh và anh cũng có một chút duyên.
Vào khoảng nhưng năm 1997-2000 anh, thỉnh thoảng trên VNForum do anh sáng lập và quản lý, viết bài khuyến khích nhà nước VN cho in sách của thiền sư Nhất Hạnh ở VN và mời thiền sư về nước, vì thiền sư là vị sư nổi tiếng số 2 trên thế giới về Phật giáo, là một viên ngọc rất quý cho VN. (Người số một là Đạt Lai Lạt Ma 14).
Loạt bài đó có vẻ như có hiệu quả vì khoảng năm 2000 bắt đầu có một vài sách của Thiền sư in ở VN.
Cũng vào khoảng đó, có thể là 1998, 1999, nhóm của thiền sư Nhất Hạnh có lẽ là có liên lạc với chính phủ VN để thiền sư trở về VN, nhưng sao đó mà việc không thành, và trên New York Times anh đọc được một bài nói về nhóm của thiền sư Nhất Hạnh chỉ trích chính phủ VN vị phạm tự do tôn giáo và nhân quyền, blah blah… Lúc anh đọc bài báo đó, anh nghĩ là có lẽ bài báo đó do các đệ tử ngớ ngẩn của thiền sư, nhất là đệ tử hàng danh gia ở Mỹ, hơn là do thiền sư, vì tác phong như vậy rất là “cao bồi Mỹ”, chẳng phải Thiền.
Khoảng chừng một năm sau đó (có lẽ cuối 1999 ) ni cô Chân Không (cánh tay phải của thiền sư Nhất Hạnh) gia nhập VNforum của anh và đặt một câu hỏi cho Forum: Thiền sư Nhất Hạnh muốn về VN giảng đạo, nhưng chính phủ VN kiểm soát tất cả mọi vấn đề: thời gian, nơi chốn, người tham dự… Thiền sư hoàn toàn không có quyền chủ động gì hết, vậy thì mọi người trogn VNForum nghĩ là Thiền sư nên phản ứng thế nào?
Có một hai bạn, và người chính là anh trả lời, đại khái thế này: Việc của sư ông là giảng dạy giáo pháp tại Việt Nam, vì nước Việt rất có lợi khi nghe được sư ông giảng dạy. Còn dạy ở đâu, giờ nào, ai nghe, chính phủ VN (và hệ thống an ninh run lập cập) của chính phủ quan tâm, sao sư ông lại có thể để chuyện đó thành vấn đề của sư ông?
Cũng nói thêm là ở hải ngoại lúc đó, chỉ có một group của người Việt duy nhất–ngoài Làng Mai của sư ông–công khai khuyến khích và ủng hộ việc sư ông về Việt Nam là VNForum.
Sau đó khoảng hơn một năm, 2001 thì phải, thiền sư Nhất Hạnh và tùy tùng về VN lần đầu tiên.
Các chi tiết anh viết trên đây có thể sai lạc thời gian một chút xíu. Nhưng anh muốn ghi lại đây làm tài liệu lịch sử vì archive điện tử của VNForum hình như đã bị hư hại và mất mát khá nhiều.
Không biết là Kiều Linh (Caroline Valverde) có nhắc đến việc này trong luận án tiến sĩ 2003 (và quyển sách mới sắp in) của Kiều Linh không, vì luận án TS đó và quyển sách đang in một phần lớn là ảnh hưởng của Vnforum về các chuyển biến chính trị Vn thời đó. (Anh có đọc luận án đó, nhưng quên rồi. Kiều Linh hiện đang dạy Asian Studies tại University of California–Davis).

phonglan, on Tháng Chín 14, 2011 at 5:54 sáng said:

Dear Anh Hòanh !
Theo em biết thì thiền sư Nhất Hạnh được khá nhiều dân Việt nam mến mộ, và luôn gọi là Sư ông,em cũng ngộ tính không từ tác phẩm ”con đường của Bụt” của thiền sư.Tuy nhiên thật buồn là vụ việc ở làng Mai đã làm cho nhiều người đau lòng ,có lẽ vì Phật giáo ở VN vẫn còn mang tính lễ hội ,cầu cúng,chưa hướng cho con người quay thực lại bên trong để sửa đổi bản thân.Em cũng có thời gian thâm nhập vào đời sống của các sư trong các chùa ở VN ,giao tiếp với các thầy và có biết một số sư có quan điểm :giải thóat chứ không cầu cúng,buôn thần bán thánh lại bị coi là nổi dậy , và bị phản ứng từ chính những người có cấp sắc trong hội Phật giáo .Nên việc thiền sư Nhất Hạnh không thành công ở VN ,đúng như anh Hòanh đặt câu hỏi: Điều đó nói gì về trí tuệ của chúng ta ?


Nhưng thật may là vẫn còn những sư chân tu, đem sự nghiệp giải thóat của con người lên hàng đầu chứ không chú trọng cầu cúng,lễ bái ,những người mà em thấy cực kì dũng cảm ,em thấy cũng mừng nữa là hầu hết lớp trẻ, thậm chí có nhiều em còn đang học phổ thông ,đều ủng hộ những sư có tư tưởng giải thóat và các sư này đã có ảnh hưởng rất tích cực đến các em.Em hi vọng là giới trẻ với tâm huyết và sức lực mạnh mẽ có thể làm thay đổi đất nước trong tương lai.
Tuy nhiên em thấy cách tư duy tích cực của Đọt chuối non vẫn tòan diện hơn lại phù hợp với xã hội hiện đại so với cách chỉ đi đến chùa.

Thiện Châu, on Tháng Chín 14, 2011 at 1:42 chiều said:

Mình là một người Công giáo, nhưng kể từ khi được nghe các bài giảng của Thiền sư Nhất Hạnh, mình hiểu sâu sắc hơn và rất tâm đắc với một số triết lý Phật giáo. Có thể chính quyền không welcome Thiền sư, nhưng mình tin là fan hâm mộ và đệ tử của Thiền sư ở VN không hề ít đâu nha. Thật hãnh diện khi thấy gương mặt VN của Thiền sư trên tượng đài!