Hồ Chí Minh
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.
Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên.
Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông - Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không bảo hộ được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.
Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mưới thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Nguồn: http://www.cpv.org.vn/
Chẳng biết cách gọi ngày Quốc khánh là tết Độc lập có tự lúc nào, nhưng ngày lễ đặc biệt này không chỉ dừng ở phạm vi một ngày kỉ niệm lịch sử. Nó còn là ngày hội, là dịp để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sum họp gia đình. Nó trở thành một ngày tết kết hợp được cả hai yếu tố cổ truyền và hiện đại.
Còn nhớ thời chiến tranh và cả thời bao cấp sau này, cuộc sống dù rất gian khổ thiếu thốn, nhưng đến ngày Tết Độc lập, ai cũng có quà, gọi là tiêu chuẩn tết. Những món quà ấy so với thời nay thật bé mọn nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ nó ý nghĩa biết bao. Người nhà nước thì là gói trà, bao thuốc. Ở thôn quê, hợp tác xã cũng đã chuẩn bị cho dân ăn tết bằng việc mổ trâu, mổ bò. Chẳng nhiều nhặn gì đâu, cả đội sản xuất chỉ mổ có mỗi một con bò thì lấy đâu ra làm nhiều nên phải chia theo định suất, mỗi suất hai ba lạng gì đó. Thế là trưa mồng 2-9, nhà nào cũng đụng dao đụng thớt, đầu làng cuối xóm râm ran, kể cũng vui thật. Trẻ con chơi ngoài đường, ngày thường thì mê mải quên hết tất cả nhưng hôm nay ở đâu cũng phảng phất mùi thịt bò kho thơm nức cho nên vừa chơi, vừa ngóng đợi người lớn gọi về ăn cơm. Quanh năm nhút với cà, chỉ có ngày tết như thế này hay giỗ chạp mới biết đến tí thịt, nên không chỉ bọn trẻ mà cả người lớn cũng thấy háo hức.
Tết Độc lập bây giờ đã khác, không còn cảnh chia thịt, phân quà nữa. Có lẽ vì đời sống đã khá hơn chăng? Vì không còn cảnh quanh năm đợi tết để được ăn ngon, mặc đẹp? Người ta dành ngày nghỉ lễ cho gia đình, vui chơi giải trí hoặc đi du lịch.
31-8-2011
Nguyễn Duy Xuân
Lễ kỷ niệm. Ảnh: HM
Nhân ngày 2-9, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC đã mở tiệc chiêu đãi. Tổng Cua từng dự nhiều lần và lần nào cũng giống nhau tại khách sạn Marriot Wardman Park. Có lần thấy cả biểu tình chống người tham dự. Xe mình đi qua còn bị “đả đảo Tổng Cua”.
Mấy năm nay các bác mải làm ăn nên chả ai tới nữa. Hay là do có visa dài hạn về VN mánh mung, du lịch, bồ bịch nên không tụ tập đông người.
Chương trình thường bắt đầu bằng bài phát biểu của đại sứ bằng tiếng Việt, có phiên dịch ra tiếng Anh. Đó là một sự dập khuôn buồn tẻ và chán ngắt.
Ngày xưa ông Nguyễn Tâm Chiến ít nói, thỉnh thoảng đá vài câu tiếng Mẽo. Bác Lê Công Phụng (Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn) khá hơn, hay đọc diễn văn bằng tiếng Anh, tuy nghe đằng sau lưng cũng biết là người Việt chính hiệu.
Kiểu vừa nói vừa dịch rất mất thời gian, bà con đến dự đang đói nên ít người nghe. Hội trường ồn ào, mất hết sự nghiêm trang của buổi chiêu đãi, dù được tổ chức trong khách sạn 5 sao ở DC.
Nhưng hôm nay thật khác, nên Tổng Cua mới viết entry này.
Đại sứ và phu nhân đón khách. Ảnh: HM
Ông Đại sứ mới Nguyễn Quốc Cường phang tiếng Anh lầu lầu. Bài diễn văn ngắn gọn và giọng Đại sứ khá truyền cảm nên người nghe rất chăm chú. Nếu có tiếng rì rầm chỗ nào đó thì đích thị là bà con ta, vốn không thích nghe đít-cua.Bọn trẻ vốn hiếu động mà cũng ngồi im để nghe xem bác ấy nói gì. Nói tiếng Anh mà trẻ con hiểu là thành công rồi.
Lần đầu tiên mình thấy một buổi lễ chào mừng 2-9 được tổ chức trang trọng và người nghe hiểu được thông điệp chính của buổi lễ. Đại sứ và cả phu nhân dùng tiếng Anh lưu loát, rõ là dân ngoại giao được đào tạo bài bản.
Sinh năm 1959, tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ có bằng cử nhân Đại học Ngoại giao, Việt Nam khóa 1976 – 1981. Ông có bằng thạc sỹ Quan hệ quốc tế tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ (1996 -1997).
Đại sứ Cường từng công tác tại Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (9/1990 – 12/1993). Như vậy ông Cường vừa hiểu Mỹ và rõ cả Trung Quốc.
Trong bối cảnh quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Việt có nhiều điều tế nhị thì đây là một nước cờ cao của ông Bộ trưởng Phạm Bình Minh khi cử một vị Đại sứ có lý lịch trích ngang như thế sang DC.
Người tới dự tin là quan hệ Mỹ-Việt sẽ được nâng lên như người tiền nhiệm Lê Công Phụng từng mong rằng, sau 15 năm phát triển, đã đến lúc hai nước Việt – Mỹ phải tính đến việc nâng quan hệ lên một đỉnh cao hơn, đó là quan hệ đối tác chiến lược.
Diễn giả đã thu hút người nghe. Ảnh: HM
Của đáng tội, Tổng Cua mải chụp ảnh linh tinh nên không nhớ Đại sứ nói gì mà chỉ nghe được hai từ “strategic partnership – đối tác chiến lược”.Trong bài phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Sanchez cũng nhắc tới hai từ quan trọng này. Như vậy, thông điệp mà vị tân Đại sứ mang tới Hoa Kỳ đã hoàn toàn rõ.
Trong giờ chiêu đãi, Tổng Cua có mon men đến chào vị đại sứ và phu nhân. Bà phu nhân nhỏ nhắn, ăn mặc sành điệu của dân ngoại giao, chào khách bằng tiếng Anh trôi chảy. Mình phang tiếng Việt thì bà cứ nói tiếng Anh rất tự tin.
Mình khen thật lòng cả hai ông bà còn khá trẻ, giỏi ngoại ngữ, thì bà phu nhân cười “We are making a difference – Chúng tôi mang đến sự khác biệt”, rất thú vị. Đúng là buổi lễ hôm nay đã tạo ra sự khác biệt.
Hỏi Đại sứ Cường là trong nhiệm kỳ ba năm ông cho cái gì là quan trọng nhất. Ông Cường nói “Thì tôi nói rồi, ông Sanchez cũng nhắc lại, đó là strategic partnership”.
Hỏi làm thế nào và như thế nào là “đối tác chiến lược”, nhà ngoại giao kỳ cựu không nói gì. Người ngoại giao im lặng nghĩa là câu trả lời rồi. Đúng lúc ấy có vị khách tới chào xã giao và cuộc “phỏng vấn” kết thúc.
Chợt nhớ ra vị tân Đại sứ Vũ Quang Minh tại Anh quốc, sinh năm 1964, cũng giao tiếp tiếng Anh với Nữ Hoàng trôi chảy, được BBC viết hẳn một bài khen hết lời.
Trong lịch sử sứ quán tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tâm Chiến xong nhiệm kỳ cũng hưu. Lê Công Phụng cũng không ngoại lệ. Nghe nói rất nhiều vị đi làm Đại sứ nghĩa là CIO – Career Is Over, sự nghiệp coi như kết thúc.
Trưởng phân xã TTXVN tác nghiệp. Ảnh: HM
Hy vọng ông Bộ trưởng trẻ Phạm Bình Minh, con trai Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, sẽ giải quyết dứt điểm chuyện cử Đại sứ đi công cán như một phần thưởng trước khi hạ cánh. Vì rằng, sắp hưu nên người già giữ mình hơn lớp trẻ, ít để lại dấu ấn cá nhân của mỗi nhiệm kỳ.Cán bộ trẻ bao giờ cũng mong thăng tiến nên họ sẽ làm khác. Riêng điều này thì tôi hoàn toàn đồng ý với bà phu nhân Đại sứ “We are making a difference”. Tổng Cua cho đó là tín hiệu tốt lành của ngành ngoại giao Việt Nam.
Nghe nói phía Việt Nam đang tác động để Barack Obama thăm Hà Nội trong năm 2011.
Bây giờ là tháng 9. Còn 3 tháng nữa để ông Nguyễn Quốc Cường làm nên sự khác biệt đầu tiên.
Xin chúc Đại sứ thành công.
Vài hình ảnh khác
Bà con VK tới dự. Ảnh: HM
Cây nhà lá vườn. Ảnh: HM
Nụ cười hạnh phúc mừng ngày độc lập. Ảnh: HM