Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Chuyên đề: Đầu tư vào y tế - khi nào tách bạch?

Đầu tư vào y tế - khi nào tách bạch?

TTCT - 65.000 cơ sở y dược tư nhân, 110 bệnh viện tư xuất hiện trong hơn một thập kỷ qua đã góp phần biến đổi đáng kể diện mạo và bản chất của hệ thống y tế Việt Nam.
Liệu đã tới lúc cần có đánh giá tách bạch câu chuyện đầu tư vào y tế trên cả ba lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư tư nhân vào bệnh viện công để ngăn chặn những hệ lụy trầm trọng như đã thấy mà người bệnh phải gánh?

Bệnh nhi nằm chen chúc trên giường, dưới đất ở khoa nhiễm Bệnh viện
Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Công - tư biến hóa

Nếu chỉ tính ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, từ năm 2006 đến nay đã có khoảng 700 tỉ đồng đầu tư tư nhân, với tên gọi “xã hội hóa”, vào các bệnh viện công. Có người nói nếu không có máy móc thiết bị từ hình thức xã hội hóa này, bệnh viện nào cũng “bó tay” trong hoạt động điều trị. Nhưng cũng đã nghe không ít kêu ca từ các chỉ định vô lối nhằm nhanh chóng thu hồi vốn từ thiết bị y tế đã được đầu tư.
Câu chuyện công - tội của đầu tư tư nhân vào khu vực y tế có lẽ được đặt ra từ đây.

Hào hứng nhờ xã hội hóa
Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Hiền kể lại chuyện gần mười năm trước, khi Bệnh viện Bạch Mai mua chiếc máy chụp cộng hưởng từ đầu tiên. “Mất bốn năm làm thủ tục, đủ loại thủ tục: có chủ trương mua máy thì phải làm kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, xét thầu, ký hợp đồng, đợi có tiền... Có máy rồi, làm thủ tục để có tiền sửa máy cũng mất 3-6 tháng, trong khi máy xã hội hóa tối đa 15 ngày là sửa xong” - ông than thở.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Hiền cho biết tất cả những máy móc hiện đại nhất như máy chụp mạch máu, máy chụp cắt lớp PET/CT, dao Gamma... đều từ nguồn xã hội hóa.
Từ các dịch vụ sử dụng thiết bị xã hội hóa, nhiều bệnh viện cho hay họ được lợi do bệnh viện tăng được nguồn thu, kinh phí hoạt động được bổ sung, cán bộ viên chức tăng thu nhập. Trên 1.000 bệnh viện toàn quốc có thống kê thu nhập, có 33 đơn vị (3%) có thu nhập tăng thêm lên đến 2-3 lần lương theo ngạch bậc (năm 2010 Bệnh viện Bạch Mai lương bình quân 6,1 triệu đồng/người/tháng, Bệnh viện Phụ sản trung ương 8,4 triệu đồng/người/tháng...). 126 đơn vị (11,4%) thu nhập tăng thêm từ 1-2 lần lương theo ngạch bậc...
Thiết bị y tế xã hội hóa cũng được đánh giá là “góp phần thúc đẩy kỹ thuật phát triển, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhóm có khả năng chi trả”. Theo Bộ Y tế, từ năm 2006-2010, hầu hết các bệnh viện trực thuộc bộ đã thực hiện xã hội hóa (bệnh viện cùng nhà đầu tư tư nhân liên doanh lắp đặt trang thiết bị cùng khai thác).
Ba bệnh viện lớn là Việt - Đức, Bạch Mai và Chợ Rẫy cho biết hình thức “công - tư hợp doanh” này mang lại 15 máy chụp CT, 5 hệ thống cộng hưởng từ, 3 hệ thống gia tốc tuyến tính, thiết bị phá sỏi ngoài cơ thể, mổ phaco, máy chụp mạch, hệ thống dao Gamma, máy chụp PET/CT (trị giá từ 3-6 triệu USD/máy).
Tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện có tới 90% dịch vụ của khoa sinh hóa, 70% dịch vụ của khoa chẩn đoán hình ảnh, 90% dịch vụ của khoa y học hạt nhân, 50% dịch vụ của khoa thận nhân tạo, và 100% dịch vụ của khoa khám bệnh theo yêu cầu sử dụng trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Lộ diện mặt trái
“Nên tư ra tư, công ra công” - ông Dương Huy Liệu, nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), nêu quan điểm. “Tạo điều kiện phát triển bệnh viện tư minh bạch vẫn hơn là để đầu tư tư nhân vào bệnh viện công - ông nói - Chủ trương xã hội hóa là tốt, nhưng phải có quy định rõ ràng, đảm bảo định hướng đầu tư vào y tế là có yếu tố phục vụ xã hội, mang tính nhân văn, phục vụ người bệnh là trên hết. Trong khi đầu tư tư nhân rõ ràng phải đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu”.
Cũng báo cáo của Bộ Y tế về số thu của hệ chữa bệnh từ năm 2006-2010 (thời điểm thực hiện nghị định 43 về tự chủ tài chính tại bệnh viện công lập và cho phép đầu tư tư nhân vào bệnh viện công) cho biết: năm 2010 thu viện phí và thu bảo hiểm y tế đều tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2006. Điều đó chứng tỏ việc giao quyền cho bệnh viện và cho phép các nhà đầu tư tư nhân và bệnh viện liên doanh, cùng khai thác thiết bị y tế đã mang lại những “niềm vui thu nhập” cho các bệnh viện.
Nhưng cơ chế này ngày càng lộ ra nhiều “mặt trái” mà điển hình là tình trạng lạm dụng thiết bị, lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ từng có trường hợp bệnh nhân đang phải thở oxy, bác sĩ yêu cầu “đi làm thủ thuật” và gia đình phải viết cam kết không khiếu kiện nếu có tai biến trong quá trình làm thủ thuật, mà thủ thuật này chính là đi chụp... loãng xương! Sau khảo sát mới đây tại 18 bệnh viện có dịch vụ xã hội hóa, Bộ Y tế đã thừa nhận: có tình trạng lạm dụng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có mức thu cao.
Cơ chế liên doanh đầu tư như vậy đã khiến một số bệnh viện trở thành doanh nghiệp, lợi nhuận trên hết, với hình thức... khoán thu/bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Bảng tổng hợp để xét bổ sung thu nhập tháng 2-2011 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khoa chấn thương báo cáo: bình quân thu/bệnh án 3,58 triệu đồng, đạt 113% kế hoạch, bình quân đơn thuốc là 773.000 đồng, đạt 154,6% kế hoạch.
Ở khoa da liễu, báo cáo “phấn khởi” nêu: bình quân thu mỗi bệnh án 1,77 triệu đồng, đạt 104,5% kế hoạch, bình quân đơn thuốc đạt 359.000 đồng, đạt 119% kế hoạch. Khoa răng hàm mặt: bình quân thu mỗi bệnh án đạt tới 6,58 triệu đồng, đạt tới... 274% kế hoạch. Một bác sĩ ví von thu nhập tăng thêm như... chất gây nghiện, bác sĩ phải kê đơn, chỉ định dịch vụ làm sao đạt kế hoạch thu cho bệnh viện, rồi cuối tháng sẽ được xét... thu nhập tăng thêm.
Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) Phạm Lương Sơn nói với TTCT: “Lạm dụng dịch vụ khiến người bệnh tưởng được tiếp cận nhiều dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng thực chất làm tăng chi phí y tế và dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế”. Trên thực tế, chuyện “lạm dụng dịch vụ” này còn đặt nhiều người bệnh và gia đình họ - vốn khó có thể làm khác khi bác sĩ yêu cầu làm thêm xét nghiệm - vào tình cảnh quẫn bách mỗi khi đau ốm.
Hình thức phối hợp công - tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh vẫn thường được minh chứng hiệu quả trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội VN, các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập không mặn mà với bảo hiểm y tế.
Cả nước chỉ có 276 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 12,7%). Còn theo Viện Chiến lược và chính sách y tế, loại hình dịch vụ mà các cơ sở y tế tư nhân cung cấp khi khám bảo hiểm y tế chủ yếu là dịch vụ ngoại trú, chiếm đến 90%, trong khi nội trú chỉ chiếm khoảng 10%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây thừa nhận việc xác lập mô hình phối hợp công - tư phù hợp trong hệ thống y tế vẫn đang còn nhiều “lúng túng, vướng mắc”.

“Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai.
Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế”.
(Trích bài văn đang gây xúc động cộng đồng của Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội)

“Trong lĩnh vực y tế, tôi cho rằng nên tạo điều kiện phát triển bệnh viện tư minh bạch hơn là để đầu tư tư nhân vào bệnh viện công. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn, bệnh viện công có thể vay từ ngân hàng phát triển với lãi suất ưu đãi. Đã có một số bệnh viện vay và phát triển khá tốt, như Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Hiện Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản T.Ư... cũng là vay vốn, nhưng bệnh viện vẫn là chủ sở hữu, có trách nhiệm quản lý và thu hồi vốn trả cho quỹ đầu tư. Đây là một hướng tốt.
Bệnh viện Chợ Rẫy trước đây một số khoa phòng cũng cho đầu tư tư nhân, nay họ ưu tiên vay từ Quỹ vay vốn kích cầu để có thể kiểm soát được giá cả, lành mạnh hóa mối quan hệ thầy thuốc - nhà đầu tư. Nhà đầu tư tư nhân thì cái gốc là tìm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt, chấn chỉnh kiểu gì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn”.
Ông Dương Huy Liệu (nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế)
__________

Bệnh viện tư:

Loay hoay tự lớn

Tạo điều kiện minh bạch và hấp dẫn là một trong những điều quan trọng mà chính sách cần có để phát triển hệ thống bệnh viện tư. Tuy nhiên, sau hơn một thập niên, sự chia sẻ của khu vực này đối với gánh nặng quá tải của ngành y tế VN vẫn ở mức khá thấp, hướng đầu tư sắp tới lại thiên về khu vực bệnh viện cao cấp.
Các bác sĩ, y tá Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.HCM kiểm tra bệnh toàn thân cho bệnh nhân
 bằng máy MSCT64 - Ảnh: Thuận Thắng
Năm 1999 tại TP.HCM, bệnh viện (BV) đa khoa tư nhân đầu tiên là Hoàn Mỹ ra đời. 12 năm sau, con số BV tư lên đến 33, trong đó có ba BV được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài. Tổng vốn đầu tư ban đầu của các BV tư nhân ước tính khoảng 4.000-5.000 tỉ đồng.

Những cách làm riêng

BV Pháp Việt (FV) tại TP.HCM là một trong số hiếm hoi BV có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ông Jean-Marcel Guillon - tổng giám đốc Công ty TNHH y tế Viễn Đông Việt Nam - cho biết BV mở cửa đầu năm 2003, với gần 200 giường nội trú. Tổng vốn đầu tư BV ban đầu là 40 triệu USD, trong đó 1/3 số tiền đầu tư được huy động từ 499 nhà đầu tư nước ngoài, phần còn lại vay của Ngân hàng Thế giới và một số ngân hàng khác. Hoạt động thành công nên mới đây FV đã đầu tư thêm 3,5 triệu USD để xây khu điều trị ngoại trú 2.000m2.

Tại TP.HCM, tư nhân đầu tư làm BV theo nhiều cách. BV tim Tâm Đức là một trong những BV chuyên khoa tư nhân có mặt bằng lớn nhất với 25.000m2 sử dụng. Tâm Đức bắt đầu với việc xin thuê 1,5ha đất của Nhà nước trong vòng 50 năm. Vốn giai đoạn đầu 150 tỉ đồng được huy động từ nhiều người, phần lớn là cán bộ ngành y tế và những người ủng hộ ngành y tế (hiện có 226 người tham gia góp vốn đầu tư).
Sau năm năm hoạt động, BV tim Tâm Đức phẫu thuật và thông tin can thiệp cho hơn 11.000 bệnh nhân, chữa trị gần 1.000 ca bị rối loạn nhịp tim - căn bệnh mà trước đây hầu hết người mắc phải qua Singapore điều trị. BV này đang xúc tiến đầu tư giai đoạn hai, cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động 8.000m2 diện tích sử dụng cho khu khám điều trị ngoại trú.
Cuối năm 1999, BV đa khoa Hoàn Mỹ ra đời với 30 giường bệnh, theo mô hình công ty TNHH. Ông Nguyễn Hữu Tùng - tổng giám đốc Công ty CP Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ - cho biết ông bắt đầu với việc thuê mặt bằng hoạt động và vay vốn của bạn bè. Mọi việc thuận lợi cho đến năm 2004-2005, BV bắt đầu phải vay lớn (22 triệu USD) vì “nóng” vấn đề đầu tư phát triển.
Suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến VN, lãi suất ngân hàng lên cao, Hoàn Mỹ điêu đứng vì nợ ngân hàng và chỉ thoát khỏi nguy cơ phá sản khi công ty đầu tư tài chính VinaCapital và Ngân hàng Dut Deutz đứng ra trả nợ, mua lại cổ phần. VinaCapital về sau lại thoái vốn khỏi dự án này. Gần đây, Tập đoàn Fortis của Ấn Độ đã mua lại BV này với giá 65 triệu USD.
Trong vòng 12 năm đó, Hoàn Mỹ đã có trong tay 10 cơ sở BV và phòng khám đa khoa tại TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ và Cà Mau với 1.500 người, trong đó có 400 bác sĩ, mỗi ngày tiếp nhận trên 4.000 lượt bệnh nhân. Cuối năm nay, BV Hoàn Mỹ mới (200 giường bệnh) sẽ khánh thành với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.
Khác với Hoàn Mỹ, BV đa khoa Vạn Hạnh chọn hình thức đầu tư mang tính gia đình. Bà Huỳnh Thị Kim Dung - tổng giám đốc BV Vạn Hạnh - cho biết để có vốn đầu tư BV, ba chị em bà đã bán một số căn nhà cho thuê, nhà hàng để mua gần 2.000m2 đất xây dựng BV. Năm 2000, khi khánh thành BV có 60 giường. Ba năm sau, họ mở rộng, tăng thêm 75 giường. Vạn Hạnh hiện có 80 bác sĩ, mỗi ngày khám chữa bệnh 1.100-1.200 bệnh nhân, công suất giường bệnh đạt 85-100%.
“Do nhát nên chúng tôi đầu tư BV theo dạng cuốn chiếu, tích cóp vốn được tới đâu đầu tư tới đó, không dám mạnh dạn vay ngân hàng. Quan điểm của BV là làm việc thoải mái, không tạo áp lực cho bác sĩ. Nếu đầu tư máy móc lớn mà phải vay ngân hàng sẽ tạo áp lực cho bác sĩ, khiến họ phải chỉ định cận lâm sàng nhiều” - bà Dung kể.
Triều An - một BV đa khoa tư nhân thành lập năm 2001 - cũng khởi đầu với mô hình công ty TNHH bằng nguồn vốn điều lệ 104,5 tỉ đồng, do một “đại gia” là giám đốc một ngân hàng cổ phần đầu tư. Năm 2007, BV này chuyển thành công ty cổ phần, nâng vốn lên 590 tỉ đồng, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp MSCT 64 lát cắt, máy MRI (cộng hưởng từ), máy xạ trị trong suất liều cao (HDR), thành lập khu điều trị cấp cao, lập khoa ung bướu theo mô hình một trung tâm điều trị ung thư hoàn chỉnh... Hoạt động thuận lợi, Triều An đã phát triển từ quy mô 150 giường bệnh lên 380 giường.
Tại Bình Dương, đầu năm 2011, BV phụ sản - nhi quốc tế Hạnh Phúc - một BV chuyên khoa “sinh sau đẻ muộn” - ra đời từ nguồn vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, đều là vốn đầu tư trong nước. BV này có tổng diện tích sử dụng lên đến 40.000m2, 260 giường bệnh với 200 phòng đạt tiêu chuẩn cao và có cả một bãi đáp trực thăng phục vụ các trường hợp khẩn cấp.
Các BV tư đang tiến đến tự chủ nguồn nhân lực bằng việc tự bỏ tiền đào tạo bác sĩ. BV tim Tâm Đức trước khi đi vào hoạt động đã tuyển nhiều bác sĩ, điều dưỡng và trả lương cho họ trong thời gian học tập chuyên khoa sâu về tim mạch với số tiền hàng tỉ đồng. Một số BV khác như Hoàn Mỹ, Triều An cũng lên kế hoạch thành lập trường đại học y khoa tư nhân nhằm chủ động nguồn nhân lực.

Chưa đủ lớn
Kể từ khi chính thức thực hiện xã hội hóa trong khu vực y tế, Chính phủ đã sửa đổi nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế chỉ là 10%, thay vì 28%; miễn thuế tới bốn năm cho doanh nghiệp mới thành lập và giảm 50% thuế trong năm năm tiếp theo. Một số loại dự án đầu tư, mở rộng, xây mới BV cũng được ưu đãi với mức vốn vay tối đa tới 70% tổng vốn dự án.
Theo cam kết của VN khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài dễ dàng tham gia cung cấp dịch vụ thông qua thành lập BV 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác VN.
Tuy nhiên, những ưu đãi này hoặc chưa đủ hoặc chưa sát nhu cầu thực tế, nên không chỉ số lượng ít, các cơ sở y tế ngoài công lập chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, hầu hết là các phòng khám. Đa số BV tư nhân mới chỉ thực hiện khám và chữa các bệnh thông thường, chủ yếu vẫn là khám chữa bệnh ngoại trú, công suất sử dụng giường bệnh khá thấp, chưa kể một số BV hoạt động theo mô hình “BV khách sạn” mà chỉ một số ít người khá giả mới có thể tiếp cận.
Bộ Y tế đã nhìn nhận sự khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Khu vực này cũng chưa được đối xử bình đẳng trong đào tạo cán bộ hay công nhận các danh hiệu cao quý.
Trong kế hoạch của Chính phủ (đề ra năm 2006) có chỉ tiêu “đến năm 2010 có hai giường bệnh của BV tư nhân cho 1 vạn dân, đến năm 2020 có năm giường bệnh của BV tư nhân cho 1 vạn dân”. Mục tiêu là vậy, song hiện nay khu vực này mới cung cấp 6.000 giường bệnh (khoảng 3% giường bệnh của toàn hệ thống y tế), tương đương mức 0,7 giường cho 1 vạn dân.

Héo hon vốn ngoại
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), hơn 20 năm qua, chỉ có 73 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội. 10 tháng qua, cả nước có hai dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký 22 triệu USD); năm 2010 cũng chỉ thu hút được năm dự án (vốn đăng ký 1,5 triệu USD); năm 2009 có năm dự án (vốn đăng ký 7,4 triệu USD). Thống kê này bao gồm cả những dự án đầu tư y tế và trợ giúp xã hội, vì thế nếu tách riêng ra, cả vốn và số dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế còn thấp hơn nữa.
Louie Nguyễn, giám đốc bộ phận đầu tư Công ty quản lý đầu tư Soledad, cho biết công ty ông cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá “về dài hạn, VN là địa chỉ rất tốt để đầu tư vào y tế” nhưng lĩnh vực mà họ quan tâm là “những BV cao cấp phục vụ cho đối tượng là người nước ngoài làm việc ở đây”.
Số lượng cũng như chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào y tế hạn chế được lý giải là do đầu tư cho y tế đòi hỏi nguồn vốn lớn, thu hồi vốn chậm, lại có thể gặp nhiều rủi ro do thiếu đảm bảo về điều kiện hạ tầng, đất đai và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là tình trạng còn nặng tính bao cấp, phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp của nền y tế VN, cộng thêm các chiến lược, định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế thiếu rõ ràng; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế còn nhiều rắc rối...
__________

Bệnh viện ra bệnh viện

Bệnh viện (BV) tư thì cho một thiểu số có tiền, tới đây BV công sẽ “thu đúng, thu đủ”. Chuyện đó không thành vấn đề, nếu công cho ra công, tư cho ra tư.
Phòng bệnh ở Bệnh viện tim Tâm Đức, TP.HCM. Khi nào thì bệnh nhân các bệnh viện đều được yên ổn nằm giường riêng như thế này mỗi khi không may bệnh tật? - Ảnh: Thuận Thắng
Cho dù theo trường phái y tế công cộng và bảo hiểm y tế nào đi nữa thì nói chung trên thế giới cũng phân biệt hai loại BV: (1) BV công mà đặc tính là không vì lợi nhuận (non - profit) và (2) BV tư mà đặc tính là vì lợi nhuận (for-profit). Ngoài ra, còn có những BV không phải là công nhưng cũng tự xác định là không vì lợi nhuận, thường là của các hội đoàn từ thiện.

Khác biệt nền tảng
Sự xác định “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” này chính là ý nghĩa tồn tại của mỗi loại BV. Một BV công không thể hoạt động chăm chăm theo hướng “vì lợi nhuận”, ngược lại không thể đòi một BV tư hãy hảo tâm, đừng “vì lợi nhuận”.
Ở Mỹ hay ở Pháp, dù chế độ y tế công cộng và bảo hiểm y tế hoàn toàn khác nhau, song BV công đều đảm bảo sứ mệnh của mình là một dịch vụ công, tức một dịch vụ mà chính phủ cung ứng cho các công dân của mình, đổi lấy tiền thuế mà các công dân đã đóng cho chính phủ. Chính vì thế mà BV công là không vì lợi nhuận. Một người khi chọn trở thành nhân viên BV công cũng là đã toàn tâm toàn ý chọn đó là sứ mệnh của mình, và họ tự hào vì điều đó.

Việc BV này chọn giải pháp “hẹn giờ khám, đóng 20.000 đồng”, BV kia “khám dịch vụ chọn bác sĩ, đóng 80.000 đồng”... không những không giải quyết được bài toán “nhân mãn” mà trái lại còn tạo thành một hố ngăn cách giữa người có tiền “khám chữa bệnh theo yêu cầu” để được khám sớm, lãnh thuốc sớm với đại đa số chỉ có mỗi tấm thẻ bảo hiểm y tế trên tay. Đi khám ngoại trú bất quá phải chịu cảnh giàu/nghèo trong một ngày, có nhập viện điều trị nội trú mới thật sự kinh qua phân biệt giàu/nghèo trong từng giờ, từng phút.

Những gì nhắc lại ở trên thật ra cũng không xa lạ gì đối với y tế Việt Nam. Sứ mệnh phục vụ và niềm tự hào chất lượng đỉnh cao cũng là của các BV công ở Việt Nam. Vấn đề là: ý thức về sứ mệnh cùng niềm tự hào đó còn lại được bao nhiêu phần trăm nơi mỗi BV, mỗi cá nhân làm việc trong BV? Và tại sao ý thức đó bị giảm hay mất đi?
Một trong những điều bệnh nhân ta thán nơi BV công là sự phân biệt đối xử “dịch vụ hay bảo hiểm y tế?”. Thành thật mà nói, từ khi các BV công phải “tự cứu” bằng loại hình dịch vụ thì cũng là lúc mà BV công xa rời tôn chỉ, sứ mệnh của mình. Những ta thán về sự sách nhiễu, o ép bệnh nhân phải bỏ tiền chụp cả lô hình ảnh, làm hàng loạt xét nghiệm... chẳng qua chỉ là những “tác dụng phụ” của những vụ mua sắm thiết bị đắt tiền bằng cái gọi là vốn “xã hội hóa”.
Khi chọn giải pháp “tình thế” này, từ cấp BV đến cấp có thẩm quyền cao hơn đều đã bỏ quên nguyên tắc cơ bản khi cho toa thuốc là kiểm tra xem chống chỉ định hoặc tác dụng phụ của loại thuốc đó là gì để còn tránh. Người ta đã quên tính đến các tác dụng phụ của cái gọi là mua sắm “xã hội hóa”, mà có khi chính một số “người nào đó” trong BV cùng bỏ vốn, là phải chóng thu hồi vốn và thu lợi nhuận. Đây chính là điều tối kỵ đối với mọi BV mà định nghĩa ở đâu cũng chỉ là và phải là “không vì lợi nhuận”.
Một trong những ta than khác là chầu chực chờ khám bệnh. Thật ra, đây là hậu quả của nạn “nhân mãn” (tình trạng dân số quá đông so với điều kiện một khu vực, một vùng) trong BV mà chìa khóa giải quyết lại không nằm trong tay các BV. Dân số cả nước đang đến gần con số 90 triệu người nhưng không rõ trong mọi dự án của Bộ Y tế từ 25 năm qua, khi mà dân số sắp đến ngưỡng 80 triệu người, có tính toán nào đến việc xây mới thêm BV cho đủ đà tăng dân số này hay không?

Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn
Giải pháp cho vấn nạn này không gì ngoài tăng ngân sách nhà nước cho việc xây dựng thêm nhiều BV, trang cấp cho các BV. Trong tình hình trình độ còn chênh lệch giữa một số BV trung ương, thành phố hoặc chuyên ngành, không nên đầu tư dàn trải chừng đó tỉnh thành, như đã làm với các chương trình khu công nghiệp, cảng biển hay sân bay..., chỉ cần tập trung nhân rộng gấp hai, gấp ba các BV “mục tiêu” đó.
Ở TP.HCM, các BV đứng đầu bảng “Nhân dân” như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định những năm qua đã tăng được bao nhiêu giường bệnh khi đây hầu như là nơi tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đến? Viện Tim TP.HCM năm xưa ra đời nhờ sự trợ giúp của Hiệp hội Alan Carpentier, chữa trị cho ít nhất phân nửa bệnh nhân tim mạch cả nước (bên cạnh Viện Tim trung ương), may mắn nhất đây vẫn là một BV không vì lợi nhuận.
Sau Viện Tim, Nhà nước “nhường” cho một BV tư nhân là Tâm Đức chia bớt số bệnh nhân tim mạch. BV này ra đời được năm năm đã thấy chật, phải xây thêm một tòa nhà thứ hai để giải quyết nạn “nhân mãn”. Cũng thế, thật khó hiểu nổi sao vẫn chỉ có Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chật chội như thế khi thành phố này đã xấp xỉ 10 triệu dân với 5,5 triệu xe cộ.
10 năm qua, đầu tư xây dựng, lập BV tư được khuyến khích. Song vì người nghèo, công chức, công nhân, người ít tiền vẫn chỉ trông cậy vào thẻ bảo hiểm y tế, tức vào BV công, và họ chính là đa số nhân dân. Cố gắng tập trung xây dựng thêm hay mở rộng một số BV đa khoa và chuyên khoa, chu cấp cho đủ, cùng với “thu đúng, thu đủ” nhằm khôi phục bản chất “không vì lợi nhuận” của những BV ấy, cũng đã là một cải thiện đáng kể cho người bệnh rồi.
Cuối cùng, trong số BV công, có thể thí điểm một vài “nhà thương” cho những ai cơ nhỡ. Không biết từ bao giờ danh từ “nhà thương” biến mất khỏi tiếng Việt, trong khi đó không chỉ là nơi người ta chạy đến khi bị bệnh mà còn hàm ngụ nghĩa tình nhân đạo.

Đầu tư cho bệnh viện công:
Nỗi lo “một đi không trở lại”


Tại hội nghị về cải tiến viện phí được tổ chức tháng 9 vừa qua ở Hà Nội, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương đã ví von tình cảnh của các bệnh viện công hiện nay là “tự ăn thịt mình”. Theo ông Dương, ngân sách thiếu thốn, viện phí thấp, bệnh viện phải dành phần lớn số thu được chi lương và các thu nhập khác cho nhân viên, không còn tiền bảo dưỡng thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất. “Thiết bị y tế mua về khai thác liên tục, có bảo dưỡng thì dùng được 5-7 năm, không bảo dưỡng thì chỉ 2-3 năm là đắp chiếu” - TS Dương cho hay.
Theo Bộ Y tế, ngân sách nhà nước đầu tư cho bệnh viện công từ năm 2006 đến nay tăng về số tuyệt đối, nhưng giảm về tỉ trọng (từ 55% năm 2006 xuống còn khoảng 40% năm 2010), trong khi nhu cầu mua thiết bị y tế, mở rộng bệnh viện, cải tạo hệ thống xử lý chất thải, tăng thu nhập cho cán bộ y tế... lại tăng nhanh. Các chi phí tăng này đều phải được bù đắp bằng tăng thu viện phí từ tiền túi người dân, khiến bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe càng tăng, người nghèo không thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tâm đắc với đề xuất mới đây của chuyên gia Bộ Nội vụ về “cấp vốn một lần cho bệnh viện công kèm yêu cầu bảo toàn vốn”, vì “lúc đó ai cũng phải làm tốt, phục vụ bệnh nhân tốt, nếu không người bệnh không đến. Cơ chế cấp vốn hiện giờ là cấp xong là... mất, nên rất khó khăn khi xét cấp. Chưa kể nơi nào “khéo xin” thì được cấp nhiều, chứ không căn cứ trên nhu cầu đầu tư”.
Một trong những bất hợp lý trong chi tiêu y tế là có đến 60% chi cho thuốc, phần chi cho con người chỉ chiếm chưa đầy 20% (ở nhiều nước, chi cho thuốc chỉ 40%, còn lại chi lương và các chi phí khác).
Năm ngoái, Hội Khoa học kinh tế y tế VN khi bàn về đổi mới tài chính y tế đã kêu gọi chuyển sang chi trả theo trường hợp bệnh, không chi trả theo dịch vụ - vốn dễ dẫn đến chuyện lạm dụng xét nghiệm hiện nay. Đồng thời nghiên cứu tìm thêm các nguồn vốn cho phát triển toàn diện bệnh viện thay vì chỉ chú trọng xã hội hóa ở các dịch vụ dễ kiếm tiền.
Cơ chế cấp tài chính cho cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay bao gồm: cấp từ ngân sách nhà nước, từ quỹ bảo hiểm y tế và chi trả viện phí trực tiếp của người bệnh. Về bản chất, hầu hết các nguồn cấp tài chính này đều do người dân đóng góp.

LAN ANH - LÊ THANH HÀ - DANH ĐỨC - LÊ NGUYÊN MINH
thực hiện