Từng là giáo viên dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cách nhìn sâu sắc, toàn diện về vai trò và sức mạnh tiềm ẩn của giáo dục. Theo Đại tướng, giáo dục là mục đích của cuộc sống, vì con người, không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài mà còn có sức mạnh tạo ra những giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhắc nhở: “Mục tiêu cao nhất của giáo dục là chuẩn bị những người chủ hiện tại, những người quyết định vận mệnh của đất nước và của bản thân mình”. Vì vậy chúng ta dễ hiểu sự lựa chọn của Đại tướng “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn làm nghề dạy học”. Thời gian đang còn sinh viên trường Luật, Đại tướng được nhiều Giáo sư người Pháp đánh giá cao về tài - trí.
Năm 1938, Người đã thi đỗ ngoại hạng về môn kinh tế - chính trị, Giáo sư người Pháp là Kherian và Ông Gaetor Pirou (Đổng lý văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer) đã bàn bạc để đưa Đại tướng sang Pari học tập. Nhưng đó không phải là sự lựa chọn của Đại tướng với lý do thật đơn giản "Không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”. Sau khi ra trường, Võ Nguyên Giáp dạy học môn lịch sử tại Trường trung học Thăng Long.
Ở cương vị là nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng góp rất lớn cho ngành Giáo dục nói chung - cho cán bộ, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử nói riêng với những kinh nghiệm hay, một số phương pháp dạy học có giá trị. Đại tướng đề cao tinh thần tự học và tự nghiên cứu của giáo viên, học sinh. Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học sinh, ông không những diễn giảng rất giỏi về các đề tài lịch sử mà còn có phương pháp sư phạm tốt.
Họ vẫn còn nhớ hình ảnh của Đại tướng đang đứng trên bục giảng: "Đứng thẳng trước lớp, ông nhìn thẳng vào đám học trò và dõng dạc nói: Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp, nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi chỉ nói với các em 2 chủ đề: cuộc cách mạng và Napoleon”. Sự hấp dẫn của bài giảng bắt đầu từ việc nêu vấn đề và hướng người học tập trung vào sự kiện, từ sự kiện rút ra bản chất và bài học lịch sử. Trong giảng dạy lịch sử, Người luôn coi trọng tính khách quan của sự kiện, đề cao phân tích nhân vật lịch sử để học sinh hiểu lịch sử, biết được thời đại mà họ đang sống.
Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm thời đó là cậu bé 13 tuổi, vẫn không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của Đại tướng: "Sự miêu tả chi tiết về sự tàn tạ của vương triều cũng như đồi bại của Mari Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp; học trò như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp, về những nhân vật nổi bật của thời đại đó.... Ông muốn học trò hiểu tại sao một đội long kỵ binh lại được bố trí chính xác như thế hay đội cận vệ của Napoleon đã nổ súng đúng lúc như thế nào để giành thắng lợi”.
Người hiện lên trong tâm trí của chúng ta là một người thầy tâm huyết, giản dị, gần gũi với học sinh. Những người được học với Thầy là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử Việt Nam như các ông Lê Đức Thọ, Nguyễn Thành Lê.... Một số trong số họ đã từng nói: “ Chúng tôi rất thích Ông. Ông đã dạy rất hay cho chúng tôi nghe về cách mạng Pháp. Ông không nói với chúng tôi quan điểm của Ông nhưng Ông dẫn lời của Danton bằng giọng sang sảng và say sưa”.
Mặc dù Đại tướng được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự nhưng hình ảnh vị tướng “văn võ song toàn” còn ghi dấu ấn rõ nét trong ký ức của người dân Việt Nam với tư cách là nhà giáo dục. Đại tướng mang cốt cách của một nhà giáo ưu tú và thật sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đại tuớng không khi nào hết lo lắng, trăn trở vì sự nghiệp giáo dục.
Người nhấn mạnh: “Giáo dục rất quan trọng. Muốn chấn hưng đất nước, muốn đào tạo con người có ích cho xã hội thì phải coi giáo dục là ưu tiên bậc nhất. Hiện giờ, giáo dục có nhiều thành tích nhưng kém hơn so với các nước trong khu vực”. Đánh giá thẳng thắn của Người về giáo dục là một dịp để cán bộ giáo viên nhìn nhận lại trách nhiệm của chúng ta với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn của cả dân tộc và ngành Giáo dục đã mất đi “Người Thầy vĩ đại”. Nhưng với chúng tôi, Thầy giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn sống mãi.
Mai Thị Diệu(Giáo viên Trường THPT Chuyên Quảng Bình)
Mai Thị Diệu(Giáo viên Trường THPT Chuyên Quảng Bình)
Theo BÁO QUẢNG BÌNH
______________________________
Thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp qua hồi kí của cựu Đại sứ Bùi Diễm
Ông Bùi Diễm sinh năm 1923, là thứ nam của học giả Bùi Kỷ, là cháu của học giả - chính trị gia Trần Trọng Kim (em gái cụ Bùi Kỷ là phu nhân của cụ Trần Trọng Kim). Ông là người theo dõi hội nghị Genève 1954; ở Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam), ông là Bộ trưởng Phủ thủ tướng (1965), Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ (1967-1972), quan sát viên đặc biệt tại Hòa đàm Paris 1968, Đại sứ lưu động 1973-1975. Sau đó ông định cư tại Hoa Kỳ.
Cựu Đại sứ Bùi Diễm và bản hồi kí In the Jaws of History |
Trong tập hồi ký chính trị của Bùi Diễm với tựa đề Gọng Kìm Lịch Sử (bản tiếng Việt 2000, bản tiếng Anh 1987: In the Jaws of History) có một đoạn kể lại thời tác giả còn đi học trung học ở trường tư thục Thăng Long (quãng từ năm 1936 trở đi), trong đó tác giả mô tả ấn tượng rất sâu đậm về thầy giáo dạy môn sử: Võ Nguyên Giáp. Qua lời Bùi Diễm, có thể thấy hai đặc điểm rất rõ về thầy giáo trẻ Võ Nguyên Giáp: (1) đặc biệt ham thích chủ đề lịch sử quân sự, binh pháp, (2) say mê cách mạng, đấu tranh và chủ nghĩa xã hội. Lúc ấy thầy Võ Nguyên Giáp chưa đến 30 tuổi, ông dạy sử tại trường Thăng Long từ khoảng giữa năm 1939 đến giữa năm 1940 (?). Vậy là, những thành tựu quân sự vang dội sau này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nhìn thấy trước, ngay từ hồi ông còn trẻ.
Thiết nghĩ, đây là một tư liệu kí ức đáng lưu ý để tìm hiểu về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn ông còn dạy sử, từ góc nhìn của một học trò cũ, người mà sau đó trở thành đối lập chính trị với thầy. Sau đây xin trích lại toàn văn đoạn hồi ký kể trên.
-----
[trích hồi kí]
"Ở cấp tiểu học, tôi học trường Hàm Long gần nhà tôi phố Nhà Rượu, và đến năm 13 thì lên trung học. Thời đó, vào trường công phải thi, lại thêm bố tôi đang dạy tại trường tư thục Thăng Long, nên tôi xin ghi tên tại đây. Có lẽ lúc đó tôi còn nhỏ quá nên chưa biết rằng chính tại trường này, cũng có nhiều người như tôi đang mơ ước về một thế giới bên ngoài, khác hẳn với thế giới gò bó của xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Nếu có khác thì ở chỗ giấc mơ của tôi hãy còn mông lung quá, hay chỉ là những giấy mơ phiêu lưu nơi đất lạ, trong khi đó thì những người ở đây, đặc biệt là trong hàng ngũ những người giảng dạy, đang mơ về những thay đổi chính trị và xã hội cho một dân tộc đang cố vươn mình ra ánh sáng độc lập và tự do. Thực ra, khi tôi vào trường Thăng Long, nơi đây đã sục sôi với những ý chí chống Pháp và những cuộc tranh luận về một tương lai cho xã hội Việt Nam...
Ban giáo sư hồi đó gồm những người như ông Phan Thanh, sáng lập viên của đảng Xã Hội Việt Nam, ông Đặng Thái [Thai] Mai, sau này làm Bộ Trưởng Giáo Dục, ông Hoàng Minh Giám, sau này làm Bộ Trưởng Ngoại Giao của miền Bắc, ông Trần Văn Tuyên, sau này làm Phó Thủ Tướng ở miền Nam. Tất cả những giáo sư trên đây đều là thầy dạy tôi, nhưng trong tất cả những nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người mà tôi khó quên: đó là ông Võ Nguyên Giáp, người dạy tôi về môn Sử. Dáng người nhỏ nhắn, song nhìn vào ông thì thấy cả một bầu nhiệt huyết. Mặc dầu mãi về sau này ông mới nổi tiếng là tướng đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ, nhưng ngay thời đó, ông như người bị quyến rũ bởi cách mạng và đấu tranh. Phần chương trình của lớp đã được ấn định là giai đoạn từ cuối thế kỷ 18 cho đến cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Pháp, nhưng ông Giáp nhất định chỉ giảng về hai thời kỳ, là cuộc cách mạng Pháp 1789 và những trận đánh dưới thời Nã Phá Luân (Napoléon) rồi còn ngoài ra ông bảo học trò có thể tự tìm hiểu trong sách sử.
Những gì về ông Giáp hồi ấy thật là đặc biệt, vì vậy mà lúc này, hơi nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Ông nói về đời sống xa hoa của Marie Antoinette, về công bằng xã hội và Công Xã Ba Lê, về số phận của Danton và Robespierre. Qua phần trình bầy của ông người ta cảm thấy rõ ông không phải là một giáo sư Sử học, nhưng là một người say mê cách mạng. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân thì lại càng ly kỳ hơn nữa. Đi đi lại lại trước bảng đen với một cái thước gỗ để chỉ rõ các chiến địa, ông trình bầy tường tận chiến thuật và chiến lược của Nã Phá Luân bằng cách tả rõ từng trận nhỏ một. Hình như ông đã in tất cả vào trong đầu và sử đã biến thành một phần của con người ông. Trong lúc nói về những trận đánh (tỉ dụ như tại sao Nã Phá Luân ra lệnh cho Ngự Lâm Quân chọn một địa điểm này mà không chọn một địa điểm khác) ông như chìm đắm vào thế giới của mình, ông lôi kéo học sinh vào thế giới đó, vì vậy mà trong giờ ông giảng dạy, học sinh thường in lặng như tờ. Ông tỏ vẻ kính phục Danton và Robespierre nhưng rõ ràng là ông ngưỡng mộ Nã Phá Luân, ông nói về Nã Phá Luân như chẳng bao giờ muốn dứt.
Tôi lớn lên trong bầu không khí đó, và dần dần ý thức được rằng dưới bộ mặt phẳng lặng của đời sống học đường, là những đợt sóng ngầm đang chuyển động mạnh. Một đôi khi cùng với ông thân sinh trên đường về ghé qua nhà ông Giáp, tôi có nhìn thấy quyển Tư Bản Luận của Karl Max [Marx] bằng tiếng Pháp và một số sách khác về chủ nghĩa Xã Hội. Ông bảo tôi lấy về mà đọc. Thực ra thì do một người (có lẽ đã là đảng viên Cộng Sản rồi mà tôi không biết) đến nhà tôi để kèm thêm tôi học toán, tôi cũng đã có khá đầy đủ những tài liệu về thế giới Cộng Sản. Anh ta đưa cho tôi những tạp chí đầy hình ảnh, in thật đẹp ở Mạc Tư Khoa làm cho tôi quen dần với những tên mà hồi đó những người Cộng sản sùng bái như Tổng Bí Thư Staline, Thống Chế Vorochilov, v.v..."
[hết trích]
-----------
Nguồn: Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Paris, 2000, tr. 21-23.
Xem thêm:
>> Tướng Giáp và ba bức chân dung trên bìa tạp chí Time |