Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia nhằm thúc đẩy nỗ lực cứu trợ nhân đạo từ quốc tế cho các nạn nhân bão Haiyan tại đây.
Ông Aquino cho biết hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão Haiyan, Leyte và Samar, đã hứng chịu tổn thất nặng nề về cả vật chất và nhân mạng.
Hàng trăm nghìn người sống sót vẫn đang cần được cứu trợ khẩn cấp.
Ít nhất 10 nghìn người bị cho là đã thiệt mạng.
Tacloban là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cơn bão. Phóng viên BBC tại đây, Jon Donnison, nói cho đến nay, vẫn chưa có một hoạt động hiệu quả nào được thực hiện để hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, ông cũng nói điều này có thể sẽ thay đổi trong những ngày tới.
Hàng trăm nghìn người đã rơi vào cảnh vô gia cư sau khi nhà của họ bị gió lớn và nước lũ tàn phá.
Thiệt hại nặng nề đối với nhiều tuyến giao thông và sân bay cũng khiến công tác cứu trợ hiện nay gặp phải nhiều khó khăn.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết Liên Hiệp Quốc sẽ khởi động một chiến dịch cứu trợ nhân đạo trên quy mô lớn vào thứ Ba, 12/11.Ông cũng kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thể hiện sự đùm bọc đối với người dân Philippines.
"Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến những hình ảnh đau thương của hậu quả mà cơn bão để lại," ông nói.
Là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đất liền, Haiyan, còn được biết đến với tên gọi Yolanda ở Philippines, đã quét qua các tỉnh ven biển Leyte và Samar vào thứ Sáu, 8/11.
Cơn bão sau đó tiến theo hướng Tây và tiếp tục quét qua sáu đảo miền Trung Philippines.
Vật lộn
Hơn chín triệu người Philippines đã chịu ảnh hưởng từ cơn bão. Nhiều người đang phải sống trong cảnh vô gia cư, thiếu lương thực, nước uống.
Trong khi đó, một số thống kê ban đầu về thiệt hại do cơn bão gây ra đã được công bố:
- Phần lớn thị trấn Guiuan, tỉnh Samar, với dân số khoaảng 40.000 người, đã bị phá hủy.
- Ba trăm người đã thiệt mạng ở thị trấn Basey, cơ quan phòng chống thiên tai địa phương cho biết.
- Thành phố Tacloban, tỉnh Leyte, phần lớn đã bị san phẳng. Thi thể các nạn nhân nằm la liệt hai bên các con đường và đã bắt đầu bị mục rữa, làm bốc lên mùi tanh nồng nặc. Hằng trăm người đã đổ đến sân bay để xin nước uống và lương thực, nhiều người khác đang tìm cách đáp máy bay ra khỏi đây.
- Nhân viên cứu trợ thiên tai Dennis Chong nói với BBC rằng đánh giá ban đầu cho thấy phía Bắc tỉnh Cebu bị tàn phá đến 80-90%.
- Baco, thành phố với 35 nghìn dân ở tỉnh Oriental Mindoro, bị chìm 80% trong nước.
Jane Cocking, giám đốc chuyên trách vấn đề cứu trợ nhân đạo của Oxfam, nói các đồng nghiệp của bà đã chứng kiến "sự hủy diệt toàn diện".
Người phát ngôn quân đội Philippines nói 942 người bị xác nhận là đã thiệt mạng, tuy nhiên ông cũng cho biết con số này sẽ còn gia tăng rất nhiều trong những ngày tới.
Khoảng 660 nghìn người trong số 9,8 triệu người bị cơn bão ảnh hưởng đã rơi vào tình trạng vô gia cơ, thông kê của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Giám đốc cơ quan viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos, đang trên đường đến Philippines.
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các đội ứng cứu từ Liên Hiệp Quốc, là chôn cất các thi thể để đảm bảo vệ sinh, ông John Ging, quan chức phụ trách vấn đề cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, cho biết.
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất," ông nói. "Càng tiếp cận nhiều khu vực hơn, chúng tôi càng phát hiện ra thêm nhiều nạn nhân thiệt mạng vì cơn bão."
'Chưa từng có trước đây'
Hiện nay, nhiều câu hỏi đã được đặt ra rằng liệu chính phủ Philippines đã có thể làm những gì để phòng chống cơn bão.
Nhà chức trách trước đó đã sơ tán hàng trăm nghìn người trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên nhiều trường học, nhà thờ và trụ sở chính phủ đã không thể đứng vứng trước siêu bão này.
Cơn bão mang theo sức gió khoảng 235km/h, gió giật với vận tốc 275km/h, sóng cao 15m và lượng mưa 400mm ở nhiều nơi.
Các nhà chức trách cũng cho biết hiện trình trạng hôi của đang diễn ra ở khắp nơi, và họ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự.
Ở một số khu vực, những người thiệt mạng bị chôn trong những mộ tập thể.
Máy bay và tàu quân sự của Mỹ đã được triển khai để giúp cho công tác cứu trợ. Hàng hóa cứu trợ đang được dưa tới sân bay quốc tế duy nhất trong khu vực ở thành phố Cebu. Hiện nay, nỗ lực cứu trợ đang được ưu tiên cho thành phố Tacloban.
Nhiều nước khác cũng đã đóng góp hàng triệu đôla để giúp đỡ. Anh tuyên bố sẽ ủng hộ khoảng 15 triệu đôla. Úc đã thông qua khoản cứu trợ nhân đạo trị giá 9 triệu đôla cho Philippines, trong khi New Zealand nói sẽ ủng hộ một triệu đôla.
Những hình ảnh đau lòng về Philippines sau bão Hải Yến
Hôm 8/11/2013, siêu bão Hải Yến (Haiyan) đã đổ bộ miền Trung Philippines. Đây là cơn bão khủng khiếp, tồi tệ nhất mà nước này phải hứng chịu trong nhiều năm qua.Theo ước tính, cơn bão đã khiến 10.000 thiêt mạng chỉ tính riêng tại tỉnh Leyte, Philippines đồng thời phá hủy khoảng 70 - 80% ở những khu vực nằm trên đường đi của bão.
Bão Hải Yến với sức gió mạnh 275km/h tạo ra những cột sóng cao 5-6 m nhấn chìm toàn bộ những ngôi làng nằm cách bờ biển khoảng 1km, để lại những xác người nổi lềnh bềnh, cây cối nhà cửa đổ nghiêng ngả làm tắc nghẽn nhiều con đường.
Thành phố Tacloban - nơi cơn bão đổ bộ phải hứng chịu sức gió lên đến 314 km/h, còn gió trong tâm bão di chuyển với tốc độ tới 380 km/h. Khi đến thành phố Tacloban, nơi hơn 20.000 dân sinh sống, bão gây mưa lớn khiến các đường phố ngập dưới nước.Sân bay ở Tacloban gần như bị phá hủy khi những dòng nước biển điên cuồng quét qua thành phố, phá vỡ cửa kính tòa tháp sân bay, san bằng sảnh chờ và lật đổ nhiều xe ở gần đó.
Đây là một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử đất nước Philippines.
Một số hình ảnh về hậu quả của bão Hải Yến tại Philippines:
T.H
Xem thêm: