Những người am hiểu và gắn bó với nền tân nhạc Việt Nam, hẳn vẫn còn nhớ về một thế hệ nữ ca sĩ cách đây hơn 60 năm. Đó là những giọng ca: Mộc Lan, Tâm Vấn, Châu Hà, Kim Tước... Thời may, tôi được gặp một người trong số họ: danh ca Mộc Lan.
Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.
Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.
* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?
- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...
* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?
- Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...
* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?
- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.
*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?
- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).
* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?
- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...
* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?
- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...
...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê!
Hương sắc 60 năm trước
Khi biết tôi có ý định viết về nữ ca sĩ một thời vang bóng Mộc Lan, nhà văn Trần Áng Sơn không nói gì nhưng trao cho tôi bộ Những trang sách khép mở (3 tập). Để bạn đọc hình dung được một Mộc Lan hương sắc của 60 năm về trước, xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào... Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi - anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài - nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn...
Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan - PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh...
Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách - một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi - vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc - Trung - Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm...
Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng...
Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể - đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan - Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt...
Anh rể tôi - nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện...
Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi - Mộc Lan.
Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện...”.
Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan
Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.
Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.
Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...
Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và... ô tô! Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...
Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.
Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.
Châu Kỳ - Mộc Lan dìu nhau vào mộng
Nàng là chim họa mi với tiếng hát lảnh lót, chàng là con bướm đa tình gieo rắc giọng hát tiếng đàn và cả những mối tình trên chặng đường lưu diễn...
Những năm đầu thập niên 1950, khởi đầu ở Sài Gòn và sau đó là ở Huế nổi lên một đôi uyên ương rực rỡ trên sân khấu ca nhạc, đó là đôi Châu Kỳ - Mộc Lan.
Người viết có được may mắn là chơi rất thân với nhạc sĩ Châu Kỳ khi ông đã gần... 80 tuổi. Tình bạn vong niên này kéo dài được khoảng 10 năm thì nhạc sĩ mất. Quen nhau bên những ly bia ở Hội quán Văn nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM - gọi tắt là 81 TQT), người viết thuộc rất nhiều những ca khúc của Châu Kỳ và thường hát cho ông nghe (say mới dám hát). Ông ngồi im gật gù, đôi lúc “nhắc tuồng”. Dạo ấy, nhà ông ở tuốt bên Tân Quy Đông (Nhà Bè). Hằng ngày, ông đạp xe hơn 20 km đến 81 TQT chỉ để uống vài ly bia, nhìn mặt bạn bè, người quen cho đỡ nhớ rồi lại đạp xe về nhà. Có lẽ nhờ “hoạt động thể thao” này mà sức khỏe của ông khá dẻo dai, 80 tuổi vẫn còn minh mẫn. Ông cũng lập một “kỷ lục” ngồ ngộ: mất 18 chiếc xe đạp chỉ vì ham vui với bạn bè. Bạn bè sau đó cũng gom góp mua lại chiếc khác cho ông, nhưng ít bữa sau... lại mất! (nên họ nhại bài Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa của ông để trêu: “Mất xe này ta sắm xe kia...”). Đến khi nhà ông chuyển về phường Phước Bình (Q.9) xa đến 50 km ông mới giã từ chiếc xe đạp để chuyển qua đi xe ôm. Dăm bữa lại thấy ông đi xe ôm đến 81 TQT gặp bạn bè...
Châu Kỳ sinh năm 1923 tại làng Dưỡng Mong (Thừa Thiên-Huế). Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế. Chị ruột là Châu Thị Minh, được xem là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung trong “Ngũ nữ minh tinh” (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ, miền Trung: Châu Thị Minh, miền Bắc: Ái Liên, Bích Hợp). Ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Pière Thiều - giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Vị này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường hát những bài do danh ca Pháp Tino Rossi thể hiện như J’ai deux amours, Tant qu’il aura étoiles, Òu vous étiez... đến nỗi bạn bè gọi ông là “Deuxième Tino Rossi”. Khi người chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn và nghiệp cầm ca khoác lên đời ông từ đấy.
Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savanakhet rồi Thakhet (Lào). Ở Thakhet khi đang diễn vở kịch Hồn lao động thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Rời nhà giam trở về Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa...”. Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó với âm hưởng buồn man mác, càng nghe càng thấm thía. Từ đó cho đến cuối đời, Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc phẩm. Về ca từ, ông đã viết được những câu “xuất thần”, chẳng hạn để tả nét đẹp của cô gái Huế, ông chỉ cần 3 câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa...” (Huế xưa)...
Tài hoa như thế nên Châu Kỳ cũng là khách đa tình. Từ những cô gái Lào gặp trên đường lưu diễn, rồi cô tiểu thư con quan thượng thư triều đình Huế (nhân vật chính trong ca khúc Giọt lệ đài trang) đến cô nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang đã vì tình mà quyên sinh bởi bị bố dượng ngăn cấm (mối tình này được nhạc sĩ viết thành nhạc phẩm Nha Trang, sau này bà Kha Thị Đàng - vợ ông sửa tựa thành Nha Trang hoài nhớ). Bi kịch này xảy ra khi Châu Kỳ đang đi diễn ở Phan Rang. Nghe tin cô Sum tự tử, Châu Kỳ cũng quyết hủy mình theo, nhưng bà chị Châu Thị Minh khóc lóc, khuyên giải nên Châu Kỳ bỏ vào Sài Gòn (năm 1947) để tìm quên.
Sài Gòn chính là nơi định mệnh đã chọn để tạo nên một hiện tượng của làng ca nhạc thời đó với sự xuất hiện của cặp uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan. Chàng là ca sĩ - nhạc sĩ tài hoa, nàng là con họa mi giọng ca vang khắp Bắc - Trung - Nam. Chính nàng đã cho chàng nếm trải hạnh phúc và cũng chính nàng đã cứa vào tim chàng những vết thương đớn đau tưởng chừng không bao giờ nguôi...
Gần 60 năm sau (tức những năm 2000 - NV), mối tình này được nhạc sĩ Châu Kỳ nhiều lần kể riêng với người viết. Rằng khi vào Sài Gòn, ông ở đậu nhà nhạc sĩ Mạnh Phát. Hai người thành lập nhóm “Thần Kinh nhạc đoàn” (sau này là ban nhạc Tiếng Thùy Dương). Một năm sau, nàng ca sĩ gốc Hải Phòng cũng có mặt tại Sài Gòn. Những ngày “chân ướt, chân ráo” ở Sài thành, nàng được nữ ca sĩ Minh Diệu (vợ nhạc sĩ Mạnh Phát) cưu mang. Vậy là tài tử và giai nhân gặp nhau trong căn nhà của một cặp nghệ sĩ cũng rất ư “tài tử, giai nhân”. Tiếng sét ái tình đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi chàng dắt dìu nàng đi hát ở các rạp Văn Cầm (gần cầu chữ Y), Aristo (đường Lê Lai), Thanh Bình (đường Phạm Ngũ Lão), Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), Khải Hoàn (đối diện chợ Thái Bình)... Chỉ chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng. Rồi chàng đưa nàng về Huế ra mắt gia đình. Cả hai vợ chồng sau đó được ông Thái Văn Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế là chỗ thân tình tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng - một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ.
Ở Huế, danh tiếng của đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan nhanh chóng nổi như cồn, mặc dù ở đất Thần Kinh lúc đó cũng có một đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng không kém, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm (song thân của ca sĩ Hồng Hạnh bây giờ). Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi - một kỷ niệm đẹp nhưng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ...
Khúc ly ca
Chàng là nhạc sĩ tài hoa, nàng là ca sĩ nổi tiếng - định mệnh đã đưa họ đến với nhau, yêu nhau ngay lần gặp đầu tiên.
Rồi họ nên duyên vợ chồng, trở thành đôi uyên ương đẹp đôi và nổi tiếng một thời. Tiếc rằng, họ đã không dìu nhau đi hết con đường nghệ thuật cũng như đường đời, để cho nhạc sĩ Châu Kỳ phải đau đớn viết nên Khúc ly ca...
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Châu Kỳ và Mộc Lan gặp nhau ở Sài Gòn qua “nhịp cầu” của cặp vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu. Chỉ ít tháng sau, họ tổ chức lễ cưới và đưa nhau về Huế ra mắt gia đình chồng. Tại Huế, họ được ông Thái Bá Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế nâng đỡ, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn thường xuyên trước công chúng cũng như trên sóng phát thanh với mức lương khá hậu hĩ. Tuy nhiên, cái “tổ uyên ương” của họ chỉ là “... một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh...” (trích trong Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn). Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của họ mau chóng đổ vỡ?
Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhiều lần tâm sự với người viết: Chung sống ở Huế được 6 năm thì nàng “phải lòng” và đi lại với một người bạn học cũ của Châu Kỳ - người này là con một bà chúa (hoàng tộc), chủ sòng xóc đĩa ở Kim Long (Huế). Vì chuyện đau lòng này mà Châu Kỳ đành đưa vợ trở vào Sài Gòn để giấu không cho gia đình mình biết và cũng để ngăn trở đôi tình nhân. Tuy nhiên, Châu Kỳ vẫn không ngờ tình địch vẫn bám theo. Ở Sài Gòn, đôi nhân tình vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau... Lời ong tiếng ve râm ran nên Châu Kỳ quyết theo dõi vợ. Ông nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và nàng) chở đi bằng xe hơi bám theo nàng vào tận Chợ Lớn. Châu Kỳ không đủ can đảm chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng tay người khác nên nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình ngồi lại trong xe. Khi ông Nhân trở ra kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ có ông Nhân ôm ghì lại. Người viết hỏi: “Rồi ông có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Đó là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996 - NV), cô ấy đi cùng ca sĩ Tâm Vân đến phúng điếu. Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì nhiều. Chuyện cũ cũng đã vời xa quá rồi!”.
Chuyện trên là do đích thân nhạc sĩ kể với người viết. Ông không nói tên tình địch, nhưng trong tập sách Những trang sách khép mở, nhà văn Trần Áng Sơn cũng có đề cập đến nhân vật này. Đó là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng có ngoại hình rất thu hút, khuôn mặt quyến rũ, được mọi người kính trọng gọi là Mệ Phủ (“mệ” là tước hiệu chỉ người thuộc hoàng tộc). Mệ Phủ là trung úy Ngự lâm quân bảo vệ hoàng cung. “Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người, nhất là các chị tôi. Ông tự lái chiếc xe jeep hiệu “Lăng-Rô-vơ”, tiếng máy nổ rất êm... Mỗi lần ông đến, chị Ngọc tôi mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quà lớn nhất, đẹp nhất. Sau đó, ông còn lái xe đưa cả nhà khi thì đi nhà hàng, khi xem phim ở rạp Morin, cũng có lúc ông đưa cả nhà đi thăm khắp các di tích, dinh thự các đời vua Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc nhưng người ông chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi chung với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc... Rồi, anh Châu Kỳ đã công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ Phủ. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể. Cuộc xung đột đi đến kết quả đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau” (Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn).
Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của Châu Kỳ: Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Đàn không tiếng hát, Biệt kinh kỳ, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Hương giang tôi còn chờ, Đừng nói xa nhau, Tiếng ca đó về đâu (thơ Nguyễn Tiến Thịnh) và nhất là ông đặt lời cho ca khúc Mưa rơi của anh bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang, lúc đó ở Huế đi đâu cũng nghe thanh niên hát: “Mưa rơi chiều nay vắng người. Bên thềm gió lơi. Mơ bóng ngàn khơi... Mưa rơi màn đêm xuống rồi. Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy vơi... Ai đi như xóa bao lời thề. Thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng lòng ai não nề, riêng chốn phòng khuê... Mưa rơi đìu hiu dưới trời. Đêm dài vắng ai. Thương nhớ nào nguôi...”.
Nhạc sĩ Ưng Lang (sinh năm 1919, lớn hơn nhạc sĩ Châu Kỳ 4 tuổi), cũng vốn là chỗ thân thiết với người viết (ông từ trần ngày 17.8.2009 tại TP.HCM). Khi tôi hỏi ông về chuyện nhạc sĩ Châu Kỳ đặt lời cho bài Mưa rơi, ông nói: “Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình! Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy...”.
Đôi uyên ương rẽ cánh, mỗi người bay đi một ngả kể từ lúc ấy...
Hậu Châu Kỳ - Mộc Lan
Họ đã từng có một thời gian chung sống rồi chia tay... Dòng đời cuốn mỗi người về một phía, ở đó họ lại gặp ý trung nhân của riêng mình sau những trải nghiệm về hạnh phúc lẫn khổ đau.
Khoảng năm 1954, đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan từ Huế vào Sài Gòn thì chia tay nhau. Mộc Lan trở về với nếp sống độc thân. Lúc này Mộc Lan đã rất thăng tiến trong lĩnh vực ca hát, tên tuổi của cô nổi như cồn. Cô thuê một căn phòng ở khách sạn Viễn Đông trên đường Phạm Hồng Thái mà hầu như lúc nào cũng nườm nượp khách ra vô. Khách của Mộc Lan phần đông là người trong giới nghệ thuật: nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, họa sĩ, kịch tác gia... Hầu hết họ đến là để liên hệ công việc nghề nghiệp nhưng cũng có những người tự nguyện đến “trồng cây si” trước người phụ nữ “ngọt ngào như một thỏi sô-cô-la” (chữ dùng của Trần Áng Sơn).
Trong số những người ái mộ này có một “ông vua”. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Trọng - Trưởng ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Mộc Lan đang là ca sĩ chính. Kể cũng lạ, số phận đưa đẩy để Mộc Lan luôn là đối tượng say mê của những ông vua, ông hoàng... không ngai. Hết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn “ông hoàng slow” lại đến nhạc sĩ Hoàng Trọng “vua tango” (chưa kể nhạc sĩ Châu Kỳ cũng xứng đáng được gọi là “vua nhạc trữ tình”). Họ được giới mộ điệu xưng tụng và thừa nhận là “vua” của một thể loại âm nhạc nào đó, rồi nghiễm nhiên “lên ngôi” mà không một ai tranh chấp. Hoàng Trọng có nhiều ca khúc nổi tiếng như Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ, Ngàn thu áo tím..., nhưng những bài hát viết theo điệu tango mới được coi là “thương hiệu” của ông (Mộng lành, Mộng ban đầu...). Nhà văn Trần Áng Sơn nói về Hoàng Trọng như sau: “Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi... hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “knock-out” ngay ngưỡng cửa nhà tôi” (Những trang sách khép mở).
Điều đáng nói là Châu Kỳ và Hoàng Trọng có một tình bạn thâm giao. Họ từng đứng tên chung trong vài tác phẩm (nhạc Hoàng Trọng, lời Châu Kỳ) như: Nhắn người giang hồ, Tiếng nhạc trong sương, Hững hờ (bài Hững hờ chính là món quà tỏ tình của Châu Kỳ với người vợ sau của ông).
Riêng về Châu Kỳ, sau khi chia tay Mộc Lan, ông sống u uất một thời gian dài. Rồi số phận run rủi cho ông gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng ở nhà một người bạn. 18 tuổi, cô hoa khôi của trường Nữ trung học Gia Long đẹp e ấp như một đóa hoa hàm tiếu (liệt sĩ Kha Vạng Cân là con ông bác ruột, nhưng do cha mất sớm nên được thân phụ Kha Thị Đàng đem về nuôi, sau tham gia cách mạng). Trong hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà Kha Thị Đàng (nay đã 73 tuổi) nhớ lại: “Có vài lần tôi gặp anh Châu Kỳ tại nhà Hương (bạn cùng lớp), anh được ba má và anh Triệu (anh của Hương) rất quý trọng. Riêng tôi cũng chào hỏi dăm ba câu chuyện nhỏ, dửng dưng và vô tư. Rồi một ngày định mệnh đã đến, anh tìm gặp riêng tôi và tặng tôi bài nhạc Hững hờ do anh mới sáng tác (thực ra là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Châu Kỳ), với lời tặng “Trách ai khéo hững hờ...”. Sự xúc cảm đột ngột của đứa con gái mười tám tuổi đời như một sức mạnh an bài số phận cho tôi sau này. Tôi biết gia đình, tía má, anh chị đều không vui với tình duyên của chúng tôi nhưng với tình thương con, thương em, dù rất miễn cưỡng cũng có một tiệc cưới nhỏ trong gia đình và giúp chúng tôi tổ chức một tiệc cưới khá linh đình với hơn một trăm khách tại nhà hàng lớn ở đường Tản Đà. Bạn bè, khách yêu nhạc cùng tất cả nghệ sĩ tân nhạc và cả nghệ sĩ cải lương của thành phố đều có mặt. Đây là một đám cưới nghệ sĩ được tổ chức trong tình thương mến thương...”.
Là con gái một gia đình vọng tộc họ Kha, tổ tiên gắn bó với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời khai hoang mở cõi, truyền thống gia đình thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh cho nên việc cô nữ sinh 18 tuổi yêu và quyết định lấy một anh chàng nghệ sĩ lớn tuổi, dở dang một đời vợ quả là một quyết định quá khó khăn với cô. Sau khi cưới, cô Đàng phải thích nghi với kiểu sống “lang bạt kỳ hồ” của đời nghệ sĩ: ăn cơm quán, ngủ nhà mướn. Sáng ngủ, trưa ăn sáng, chiều ăn trưa, tối đi hát, khuya ăn chiều. Thời gian này, Châu Kỳ vừa viết nhạc, vừa làm ca sĩ, rồi viết kịch kiêm luôn diễn viên. Rất nhiều nơi mời ông đến hát, nhất là các rạp chiếu bóng (dạo đó, trước khi chiếu phim, người ta thường tổ chức chương trình phụ diễn văn nghệ: hát vài bài tân nhạc hoặc diễn một vở kịch ngắn). Rồi Châu Kỳ thành lập đoàn Cổ kim hòa điệu Tiếng Thùy Dương. Có thể nói trên sân khấu Sài Gòn, Châu Kỳ là người đầu tiên đem các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt hòa tấu cùng guitar, piano, violon... Người giới thiệu chương trình (bây giờ gọi là MC) cho Tiếng Thùy Dương chính là Kha Thị Đàng, cô luôn xuất hiện trong trang phục toàn trắng: bộ áo dài lụa trắng, tay mang găng trắng, đi giày trắng... hết sức duyên dáng.
Khi Châu Kỳ bước vào thời kỳ đỉnh cao cũng là lúc ông lao vào những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng với bạn bè và những người đẹp. Lúc đó, bà Kha Thị Đàng như sống ẩn mình, không thường xuất hiện bên ông nữa, cũng “không thèm” ghen với những bóng hồng luôn vây quanh ông. Để không bị mang tiếng là sống nhờ vào danh tiếng, tiền bạc của chồng, bà xin vào làm kế toán trong nhà máy giấy Tân Mai (Cogivina - Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai)... Nhạc sĩ Châu Kỳ tuy đang “hư” như vậy nhưng vẫn có những điểm dễ thương: mỗi đêm dù về khuya đến mấy ông cũng vẫn mang về một món ngon cho vợ con. 6 giờ sáng ông chở vợ ra trạm đợi xe đến rước bà đi làm, 4 giờ rưỡi chiều lại có mặt tại trạm đón bà về hoặc chở vợ ra xa lộ hóng mát...
Những xa hoa, phù phiếm cũng tan sau ngày 30.4.1975, bà Kha Thị Đàng lại phải vừa nuôi 4 đứa con (3 trai, 1 gái) vừa “chăm sóc” chồng. Khi những khó khăn của cuộc sống qua đi thì ông bà cũng đã ở vào ngưỡng xế chiều, người viết vui mừng khi thấy họ luôn tay trong tay một cách hạnh phúc. Ông vẫn minh mẫn sáng tác cho đến cuối đời... Ông nằm liệt giường gần 2 tháng, khi người viết cùng ông Nguyễn Tiến Toàn (chủ doanh nghiệp xe lăn tay Kiến Tường) đến thăm, ông còn bảo bà mua bia về đãi khách... 6 giờ sáng ngày 6.1.2008, người viết đang leo đến lưng chừng núi Bà Rá (khi đi ghi nhận giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá) thì nhận được điện thoại của bà Kha Thị Đàng: “Nguyên ơi, anh Kỳ đã ra đi lúc 4 giờ sáng nay rồi!”. Tôi ngồi sụp xuống, không thể leo núi được nữa...
Hà Đình Nguyên
Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.
Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.
* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?
- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...
* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?
- Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...
* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?
- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.
*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?
- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).
* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?
- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...
* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?
- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...
...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê!
Hương sắc 60 năm trước
Khi biết tôi có ý định viết về nữ ca sĩ một thời vang bóng Mộc Lan, nhà văn Trần Áng Sơn không nói gì nhưng trao cho tôi bộ Những trang sách khép mở (3 tập). Để bạn đọc hình dung được một Mộc Lan hương sắc của 60 năm về trước, xin trích từ những trang viết của Trần Áng Sơn:
“Khi tôi chưa đầy một tuổi thì mất cha. Mẹ tôi, người đàn bà chân quê không đủ sức nuôi dưỡng, dạy bảo 8 đứa con đang sức ăn sức lớn. Tình cảnh gia đình thật bi đát, 8 anh chị em tôi ở trong tình trạng xẻ nghé tan đàn bất cứ lúc nào... Cuối cùng người lãnh trách nhiệm hy sinh để cứu những đứa em còn quá nhỏ dại là anh hai tôi - anh Long. Anh phải từ bỏ trường học, từ bỏ võ đài - nơi anh ấy đang nổi lên như một võ sĩ quyền Anh trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Anh dắt theo hai chị tôi: chị Ngọc, chị Ngà từ Hải Phòng vào Sài Gòn tha phương cầu thực. Cảnh chia ly ấy diễn ra khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ lẫm chẫm tập đi. Tôi lớn dần lên trong cơ cực, trong đạn bom Thế chiến thứ hai, và khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổi lên cũng là lúc gia đình tôi hoàn toàn bị đứt liên lạc với các anh chị tôi ở Sài Gòn...
Ngày các anh chị rời xa gia đình, tôi còn quá nhỏ nên không hình dung được họ ra sao, nhưng qua lời mẹ tôi kể lại thì các anh chị tôi đều rất đẹp: anh Long cao lớn, đẹp như thầy chúng tôi. Còn chị Ngà (sau này là nữ danh ca Mộc Lan - PV) đẹp như tranh vẽ, mẹ kể da của chị trắng như trứng gà bóc, răng đều tựa như hạt cườm, tay cứ như tay tiên. Tóm lại trong 5 chị gái, chị Ngà tôi đẹp nhất. Tôi giữ hình ảnh đẹp như tranh vẽ của người chị trong tâm hồn như một niềm kiêu hãnh...
Một hôm vừa đi học về, tôi ngạc nhiên thấy nhà có khách - một người phụ nữ sang trọng, rất đẹp, cái đẹp sắc như dao cau. Tôi ngỡ ngàng ngộ nhận đó là chị Ngà tôi ở Sài Gòn mới về. Nhưng không phải, người ấy là chị Thanh, chị dâu tôi - vợ anh Long. Đúng là chị về từ Sài Gòn để tìm lại gia đình sau hơn 10 năm thất lạc. Mẹ tôi rất mừng, cơn ác mộng những đứa con thất lạc trong chiến tranh không còn phủ cái bóng ảm đạm lên gia đình tôi nữa. Mẹ tôi còn cho biết chị Ngà tôi bây giờ đã trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp Bắc - Trung - Nam. Chị ấy đang lưu diễn ở Hà Nội theo lời mời của Đài phát thanh Hà Nội cùng với nữ ca sĩ số một của Hà Nội bấy giờ là Minh Đỗ. Tin này đối với tôi thật bất ngờ. Thời thơ ấu khổ cực nhưng tôi luôn giữ hình ảnh người chị đẹp như tranh trong ký ức, chị ấy đã phải rời xa tổ ấm để chia bớt phần ăn cho những đứa em. Thế mà cô gái nghèo ấy sau hơn 10 năm xẻ nghé tan đàn đã trở thành ca sĩ danh tiếng. Tuy chưa biết khi hát chị tôi lấy nghệ danh là gì nhưng tôi tin chắc cái tên phải xứng với sắc đẹp và giọng hát của chị ấy. Vào thời điểm này (1952), tôi sắp bước sang tuổi mười lăm...
Sau chuyến lưu diễn ở Hà Nội, chị Ngà tôi và anh Long về Hải Phòng thăm mẹ và các em sau hơn 10 năm đứt liên lạc. Đúng như mẹ tôi nói, chị tôi đẹp thật, đẹp hơn cả lời miêu tả với tất cả niềm âu yếm của mẹ tôi. Các anh chị tôi nhìn thấy cảnh mẹ và các em sống quá cơ cực đã đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Cuối năm 1952, các anh chị tôi về thăm mẹ lần thứ hai và chuyến bay của hãng Air France cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến Huế có tôi bay cùng...
Những ngày đầu ở Huế, tôi sống chung với chị và anh rể - đôi vợ chồng ca nhạc sĩ Mộc Lan - Châu Kỳ trong một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp và hát hay như chị tôi thì phải ở trong lâu đài khuê các. Vậy mà thực tế lại như thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi. Tiếng hát của chị tôi nâng tâm hồn tôi bay theo cánh diều căng gió trên bầu trời xanh ngắt...
Anh rể tôi - nhạc sĩ Châu Kỳ khá đẹp trai, giỏi nhạc hát hay, không cao lớn nhưng đứng trên sân khấu không đến nỗi bị khuất lấp bởi sự rực rỡ của chị tôi. Giọng hát của anh chị tôi là một sự tô điểm cho nhau, khi họ song ca, cảnh vật trở nên tưng bừng, lòng người rộn rã. Mặc dù lúc đó ở Huế có cặp song ca nổi tiếng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nhưng họ thuộc về một lớp khán giả riêng biệt, khác hẳn với đôi uyên ương Mộc Lan - Châu Kỳ, họ thuộc về mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhưng trước hết là giới trẻ bởi sự trẻ trung của mình và cũng vì nghệ thuật ca hát mới mẻ mà họ cống hiến mỗi khi xuất hiện...
Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau. Tôi rất buồn vì cuộc chia ly này. Người chị đẹp như tranh của tôi bước chân xuống đời cũng vấp váp như bất kỳ cô gái nào, vì yếu đuối, vì ảo vọng. Thế là Huế để lạc mất con chim họa mi của mình. Liệu có còn ai nhớ đến bản nhạc Đi chơi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, Trần Văn Khê phổ nhạc) khi duy nhất thời đó chỉ một ca sĩ hát thành công, đó là chị tôi - Mộc Lan.
Mấy năm sau tôi cũng từ biệt Huế vào Sài Gòn. Tôi lại về sống chung với chị tôi đang trong tình trạng phòng không chiếc bóng. Trên bước đường công danh, chị tôi đã tiến một bước dài. Khác với Thái Thanh, Tâm Vấn, chị tôi bước lên sân khấu như một nữ hoàng. Không sân khấu đại nhạc hội nào vắng bóng chị tôi. Các ban nhạc trên đài phát thanh, các câu lạc bộ, phòng trà, nơi nào cũng muốn có ca sĩ Mộc Lan hiện diện...”.
Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan
Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.
Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.
Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...
Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và... ô tô! Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...
Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.
Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.
Châu Kỳ - Mộc Lan dìu nhau vào mộng
Nàng là chim họa mi với tiếng hát lảnh lót, chàng là con bướm đa tình gieo rắc giọng hát tiếng đàn và cả những mối tình trên chặng đường lưu diễn...
Những năm đầu thập niên 1950, khởi đầu ở Sài Gòn và sau đó là ở Huế nổi lên một đôi uyên ương rực rỡ trên sân khấu ca nhạc, đó là đôi Châu Kỳ - Mộc Lan.
Người viết có được may mắn là chơi rất thân với nhạc sĩ Châu Kỳ khi ông đã gần... 80 tuổi. Tình bạn vong niên này kéo dài được khoảng 10 năm thì nhạc sĩ mất. Quen nhau bên những ly bia ở Hội quán Văn nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM - gọi tắt là 81 TQT), người viết thuộc rất nhiều những ca khúc của Châu Kỳ và thường hát cho ông nghe (say mới dám hát). Ông ngồi im gật gù, đôi lúc “nhắc tuồng”. Dạo ấy, nhà ông ở tuốt bên Tân Quy Đông (Nhà Bè). Hằng ngày, ông đạp xe hơn 20 km đến 81 TQT chỉ để uống vài ly bia, nhìn mặt bạn bè, người quen cho đỡ nhớ rồi lại đạp xe về nhà. Có lẽ nhờ “hoạt động thể thao” này mà sức khỏe của ông khá dẻo dai, 80 tuổi vẫn còn minh mẫn. Ông cũng lập một “kỷ lục” ngồ ngộ: mất 18 chiếc xe đạp chỉ vì ham vui với bạn bè. Bạn bè sau đó cũng gom góp mua lại chiếc khác cho ông, nhưng ít bữa sau... lại mất! (nên họ nhại bài Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa của ông để trêu: “Mất xe này ta sắm xe kia...”). Đến khi nhà ông chuyển về phường Phước Bình (Q.9) xa đến 50 km ông mới giã từ chiếc xe đạp để chuyển qua đi xe ôm. Dăm bữa lại thấy ông đi xe ôm đến 81 TQT gặp bạn bè...
Châu Kỳ sinh năm 1923 tại làng Dưỡng Mong (Thừa Thiên-Huế). Cha ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế. Chị ruột là Châu Thị Minh, được xem là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung trong “Ngũ nữ minh tinh” (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ, miền Trung: Châu Thị Minh, miền Bắc: Ái Liên, Bích Hợp). Ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Pière Thiều - giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Vị này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường hát những bài do danh ca Pháp Tino Rossi thể hiện như J’ai deux amours, Tant qu’il aura étoiles, Òu vous étiez... đến nỗi bạn bè gọi ông là “Deuxième Tino Rossi”. Khi người chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn và nghiệp cầm ca khoác lên đời ông từ đấy.
Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savanakhet rồi Thakhet (Lào). Ở Thakhet khi đang diễn vở kịch Hồn lao động thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Rời nhà giam trở về Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa...”. Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó với âm hưởng buồn man mác, càng nghe càng thấm thía. Từ đó cho đến cuối đời, Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc phẩm. Về ca từ, ông đã viết được những câu “xuất thần”, chẳng hạn để tả nét đẹp của cô gái Huế, ông chỉ cần 3 câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa...” (Huế xưa)...
Tài hoa như thế nên Châu Kỳ cũng là khách đa tình. Từ những cô gái Lào gặp trên đường lưu diễn, rồi cô tiểu thư con quan thượng thư triều đình Huế (nhân vật chính trong ca khúc Giọt lệ đài trang) đến cô nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang đã vì tình mà quyên sinh bởi bị bố dượng ngăn cấm (mối tình này được nhạc sĩ viết thành nhạc phẩm Nha Trang, sau này bà Kha Thị Đàng - vợ ông sửa tựa thành Nha Trang hoài nhớ). Bi kịch này xảy ra khi Châu Kỳ đang đi diễn ở Phan Rang. Nghe tin cô Sum tự tử, Châu Kỳ cũng quyết hủy mình theo, nhưng bà chị Châu Thị Minh khóc lóc, khuyên giải nên Châu Kỳ bỏ vào Sài Gòn (năm 1947) để tìm quên.
Sài Gòn chính là nơi định mệnh đã chọn để tạo nên một hiện tượng của làng ca nhạc thời đó với sự xuất hiện của cặp uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan. Chàng là ca sĩ - nhạc sĩ tài hoa, nàng là con họa mi giọng ca vang khắp Bắc - Trung - Nam. Chính nàng đã cho chàng nếm trải hạnh phúc và cũng chính nàng đã cứa vào tim chàng những vết thương đớn đau tưởng chừng không bao giờ nguôi...
Gần 60 năm sau (tức những năm 2000 - NV), mối tình này được nhạc sĩ Châu Kỳ nhiều lần kể riêng với người viết. Rằng khi vào Sài Gòn, ông ở đậu nhà nhạc sĩ Mạnh Phát. Hai người thành lập nhóm “Thần Kinh nhạc đoàn” (sau này là ban nhạc Tiếng Thùy Dương). Một năm sau, nàng ca sĩ gốc Hải Phòng cũng có mặt tại Sài Gòn. Những ngày “chân ướt, chân ráo” ở Sài thành, nàng được nữ ca sĩ Minh Diệu (vợ nhạc sĩ Mạnh Phát) cưu mang. Vậy là tài tử và giai nhân gặp nhau trong căn nhà của một cặp nghệ sĩ cũng rất ư “tài tử, giai nhân”. Tiếng sét ái tình đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rồi chàng dắt dìu nàng đi hát ở các rạp Văn Cầm (gần cầu chữ Y), Aristo (đường Lê Lai), Thanh Bình (đường Phạm Ngũ Lão), Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), Khải Hoàn (đối diện chợ Thái Bình)... Chỉ chưa đầy nửa năm, họ chính thức trở thành vợ chồng. Rồi chàng đưa nàng về Huế ra mắt gia đình. Cả hai vợ chồng sau đó được ông Thái Văn Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế là chỗ thân tình tạo điều kiện cho được hát thường xuyên trên đài với mức lương 3.800 đồng/tháng - một mức lương khá hậu hĩnh vào thời điểm bấy giờ.
Ở Huế, danh tiếng của đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan nhanh chóng nổi như cồn, mặc dù ở đất Thần Kinh lúc đó cũng có một đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng không kém, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm (song thân của ca sĩ Hồng Hạnh bây giờ). Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi - một kỷ niệm đẹp nhưng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ...
Khúc ly ca
Chàng là nhạc sĩ tài hoa, nàng là ca sĩ nổi tiếng - định mệnh đã đưa họ đến với nhau, yêu nhau ngay lần gặp đầu tiên.
Rồi họ nên duyên vợ chồng, trở thành đôi uyên ương đẹp đôi và nổi tiếng một thời. Tiếc rằng, họ đã không dìu nhau đi hết con đường nghệ thuật cũng như đường đời, để cho nhạc sĩ Châu Kỳ phải đau đớn viết nên Khúc ly ca...
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Châu Kỳ và Mộc Lan gặp nhau ở Sài Gòn qua “nhịp cầu” của cặp vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu. Chỉ ít tháng sau, họ tổ chức lễ cưới và đưa nhau về Huế ra mắt gia đình chồng. Tại Huế, họ được ông Thái Bá Kiểm - Giám đốc Nha Thông tin và Đài Phát thanh Huế nâng đỡ, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn thường xuyên trước công chúng cũng như trên sóng phát thanh với mức lương khá hậu hĩ. Tuy nhiên, cái “tổ uyên ương” của họ chỉ là “... một căn phòng nhỏ phía sau Ty Thông tin Huế dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần Kinh...” (trích trong Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn). Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của họ mau chóng đổ vỡ?
Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhiều lần tâm sự với người viết: Chung sống ở Huế được 6 năm thì nàng “phải lòng” và đi lại với một người bạn học cũ của Châu Kỳ - người này là con một bà chúa (hoàng tộc), chủ sòng xóc đĩa ở Kim Long (Huế). Vì chuyện đau lòng này mà Châu Kỳ đành đưa vợ trở vào Sài Gòn để giấu không cho gia đình mình biết và cũng để ngăn trở đôi tình nhân. Tuy nhiên, Châu Kỳ vẫn không ngờ tình địch vẫn bám theo. Ở Sài Gòn, đôi nhân tình vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau... Lời ong tiếng ve râm ran nên Châu Kỳ quyết theo dõi vợ. Ông nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và nàng) chở đi bằng xe hơi bám theo nàng vào tận Chợ Lớn. Châu Kỳ không đủ can đảm chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng tay người khác nên nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình ngồi lại trong xe. Khi ông Nhân trở ra kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ có ông Nhân ôm ghì lại. Người viết hỏi: “Rồi ông có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Đó là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996 - NV), cô ấy đi cùng ca sĩ Tâm Vân đến phúng điếu. Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì nhiều. Chuyện cũ cũng đã vời xa quá rồi!”.
Chuyện trên là do đích thân nhạc sĩ kể với người viết. Ông không nói tên tình địch, nhưng trong tập sách Những trang sách khép mở, nhà văn Trần Áng Sơn cũng có đề cập đến nhân vật này. Đó là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng có ngoại hình rất thu hút, khuôn mặt quyến rũ, được mọi người kính trọng gọi là Mệ Phủ (“mệ” là tước hiệu chỉ người thuộc hoàng tộc). Mệ Phủ là trung úy Ngự lâm quân bảo vệ hoàng cung. “Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người, nhất là các chị tôi. Ông tự lái chiếc xe jeep hiệu “Lăng-Rô-vơ”, tiếng máy nổ rất êm... Mỗi lần ông đến, chị Ngọc tôi mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quà lớn nhất, đẹp nhất. Sau đó, ông còn lái xe đưa cả nhà khi thì đi nhà hàng, khi xem phim ở rạp Morin, cũng có lúc ông đưa cả nhà đi thăm khắp các di tích, dinh thự các đời vua Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc nhưng người ông chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi chung với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc... Rồi, anh Châu Kỳ đã công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ Phủ. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể. Cuộc xung đột đi đến kết quả đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau” (Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn).
Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của Châu Kỳ: Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Đàn không tiếng hát, Biệt kinh kỳ, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Hương giang tôi còn chờ, Đừng nói xa nhau, Tiếng ca đó về đâu (thơ Nguyễn Tiến Thịnh) và nhất là ông đặt lời cho ca khúc Mưa rơi của anh bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang, lúc đó ở Huế đi đâu cũng nghe thanh niên hát: “Mưa rơi chiều nay vắng người. Bên thềm gió lơi. Mơ bóng ngàn khơi... Mưa rơi màn đêm xuống rồi. Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy vơi... Ai đi như xóa bao lời thề. Thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng lòng ai não nề, riêng chốn phòng khuê... Mưa rơi đìu hiu dưới trời. Đêm dài vắng ai. Thương nhớ nào nguôi...”.
Nhạc sĩ Ưng Lang (sinh năm 1919, lớn hơn nhạc sĩ Châu Kỳ 4 tuổi), cũng vốn là chỗ thân thiết với người viết (ông từ trần ngày 17.8.2009 tại TP.HCM). Khi tôi hỏi ông về chuyện nhạc sĩ Châu Kỳ đặt lời cho bài Mưa rơi, ông nói: “Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình! Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy...”.
Đôi uyên ương rẽ cánh, mỗi người bay đi một ngả kể từ lúc ấy...
Hậu Châu Kỳ - Mộc Lan
Họ đã từng có một thời gian chung sống rồi chia tay... Dòng đời cuốn mỗi người về một phía, ở đó họ lại gặp ý trung nhân của riêng mình sau những trải nghiệm về hạnh phúc lẫn khổ đau.
Khoảng năm 1954, đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan từ Huế vào Sài Gòn thì chia tay nhau. Mộc Lan trở về với nếp sống độc thân. Lúc này Mộc Lan đã rất thăng tiến trong lĩnh vực ca hát, tên tuổi của cô nổi như cồn. Cô thuê một căn phòng ở khách sạn Viễn Đông trên đường Phạm Hồng Thái mà hầu như lúc nào cũng nườm nượp khách ra vô. Khách của Mộc Lan phần đông là người trong giới nghệ thuật: nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, họa sĩ, kịch tác gia... Hầu hết họ đến là để liên hệ công việc nghề nghiệp nhưng cũng có những người tự nguyện đến “trồng cây si” trước người phụ nữ “ngọt ngào như một thỏi sô-cô-la” (chữ dùng của Trần Áng Sơn).
Trong số những người ái mộ này có một “ông vua”. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Trọng - Trưởng ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Mộc Lan đang là ca sĩ chính. Kể cũng lạ, số phận đưa đẩy để Mộc Lan luôn là đối tượng say mê của những ông vua, ông hoàng... không ngai. Hết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn “ông hoàng slow” lại đến nhạc sĩ Hoàng Trọng “vua tango” (chưa kể nhạc sĩ Châu Kỳ cũng xứng đáng được gọi là “vua nhạc trữ tình”). Họ được giới mộ điệu xưng tụng và thừa nhận là “vua” của một thể loại âm nhạc nào đó, rồi nghiễm nhiên “lên ngôi” mà không một ai tranh chấp. Hoàng Trọng có nhiều ca khúc nổi tiếng như Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ, Ngàn thu áo tím..., nhưng những bài hát viết theo điệu tango mới được coi là “thương hiệu” của ông (Mộng lành, Mộng ban đầu...). Nhà văn Trần Áng Sơn nói về Hoàng Trọng như sau: “Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi... hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “knock-out” ngay ngưỡng cửa nhà tôi” (Những trang sách khép mở).
Điều đáng nói là Châu Kỳ và Hoàng Trọng có một tình bạn thâm giao. Họ từng đứng tên chung trong vài tác phẩm (nhạc Hoàng Trọng, lời Châu Kỳ) như: Nhắn người giang hồ, Tiếng nhạc trong sương, Hững hờ (bài Hững hờ chính là món quà tỏ tình của Châu Kỳ với người vợ sau của ông).
Riêng về Châu Kỳ, sau khi chia tay Mộc Lan, ông sống u uất một thời gian dài. Rồi số phận run rủi cho ông gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng ở nhà một người bạn. 18 tuổi, cô hoa khôi của trường Nữ trung học Gia Long đẹp e ấp như một đóa hoa hàm tiếu (liệt sĩ Kha Vạng Cân là con ông bác ruột, nhưng do cha mất sớm nên được thân phụ Kha Thị Đàng đem về nuôi, sau tham gia cách mạng). Trong hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà Kha Thị Đàng (nay đã 73 tuổi) nhớ lại: “Có vài lần tôi gặp anh Châu Kỳ tại nhà Hương (bạn cùng lớp), anh được ba má và anh Triệu (anh của Hương) rất quý trọng. Riêng tôi cũng chào hỏi dăm ba câu chuyện nhỏ, dửng dưng và vô tư. Rồi một ngày định mệnh đã đến, anh tìm gặp riêng tôi và tặng tôi bài nhạc Hững hờ do anh mới sáng tác (thực ra là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Châu Kỳ), với lời tặng “Trách ai khéo hững hờ...”. Sự xúc cảm đột ngột của đứa con gái mười tám tuổi đời như một sức mạnh an bài số phận cho tôi sau này. Tôi biết gia đình, tía má, anh chị đều không vui với tình duyên của chúng tôi nhưng với tình thương con, thương em, dù rất miễn cưỡng cũng có một tiệc cưới nhỏ trong gia đình và giúp chúng tôi tổ chức một tiệc cưới khá linh đình với hơn một trăm khách tại nhà hàng lớn ở đường Tản Đà. Bạn bè, khách yêu nhạc cùng tất cả nghệ sĩ tân nhạc và cả nghệ sĩ cải lương của thành phố đều có mặt. Đây là một đám cưới nghệ sĩ được tổ chức trong tình thương mến thương...”.
Là con gái một gia đình vọng tộc họ Kha, tổ tiên gắn bó với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời khai hoang mở cõi, truyền thống gia đình thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh cho nên việc cô nữ sinh 18 tuổi yêu và quyết định lấy một anh chàng nghệ sĩ lớn tuổi, dở dang một đời vợ quả là một quyết định quá khó khăn với cô. Sau khi cưới, cô Đàng phải thích nghi với kiểu sống “lang bạt kỳ hồ” của đời nghệ sĩ: ăn cơm quán, ngủ nhà mướn. Sáng ngủ, trưa ăn sáng, chiều ăn trưa, tối đi hát, khuya ăn chiều. Thời gian này, Châu Kỳ vừa viết nhạc, vừa làm ca sĩ, rồi viết kịch kiêm luôn diễn viên. Rất nhiều nơi mời ông đến hát, nhất là các rạp chiếu bóng (dạo đó, trước khi chiếu phim, người ta thường tổ chức chương trình phụ diễn văn nghệ: hát vài bài tân nhạc hoặc diễn một vở kịch ngắn). Rồi Châu Kỳ thành lập đoàn Cổ kim hòa điệu Tiếng Thùy Dương. Có thể nói trên sân khấu Sài Gòn, Châu Kỳ là người đầu tiên đem các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt hòa tấu cùng guitar, piano, violon... Người giới thiệu chương trình (bây giờ gọi là MC) cho Tiếng Thùy Dương chính là Kha Thị Đàng, cô luôn xuất hiện trong trang phục toàn trắng: bộ áo dài lụa trắng, tay mang găng trắng, đi giày trắng... hết sức duyên dáng.
Khi Châu Kỳ bước vào thời kỳ đỉnh cao cũng là lúc ông lao vào những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng với bạn bè và những người đẹp. Lúc đó, bà Kha Thị Đàng như sống ẩn mình, không thường xuất hiện bên ông nữa, cũng “không thèm” ghen với những bóng hồng luôn vây quanh ông. Để không bị mang tiếng là sống nhờ vào danh tiếng, tiền bạc của chồng, bà xin vào làm kế toán trong nhà máy giấy Tân Mai (Cogivina - Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai)... Nhạc sĩ Châu Kỳ tuy đang “hư” như vậy nhưng vẫn có những điểm dễ thương: mỗi đêm dù về khuya đến mấy ông cũng vẫn mang về một món ngon cho vợ con. 6 giờ sáng ông chở vợ ra trạm đợi xe đến rước bà đi làm, 4 giờ rưỡi chiều lại có mặt tại trạm đón bà về hoặc chở vợ ra xa lộ hóng mát...
Những xa hoa, phù phiếm cũng tan sau ngày 30.4.1975, bà Kha Thị Đàng lại phải vừa nuôi 4 đứa con (3 trai, 1 gái) vừa “chăm sóc” chồng. Khi những khó khăn của cuộc sống qua đi thì ông bà cũng đã ở vào ngưỡng xế chiều, người viết vui mừng khi thấy họ luôn tay trong tay một cách hạnh phúc. Ông vẫn minh mẫn sáng tác cho đến cuối đời... Ông nằm liệt giường gần 2 tháng, khi người viết cùng ông Nguyễn Tiến Toàn (chủ doanh nghiệp xe lăn tay Kiến Tường) đến thăm, ông còn bảo bà mua bia về đãi khách... 6 giờ sáng ngày 6.1.2008, người viết đang leo đến lưng chừng núi Bà Rá (khi đi ghi nhận giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá) thì nhận được điện thoại của bà Kha Thị Đàng: “Nguyên ơi, anh Kỳ đã ra đi lúc 4 giờ sáng nay rồi!”. Tôi ngồi sụp xuống, không thể leo núi được nữa...
Hà Đình Nguyên
Để tưởng niệm giọng ca một thời đã làm say mê giới thưởng ngoạn nhạc vàng của tiền chiến, mời nghe:
Tống biệt:
Suối tóc:
Chuyển bến:
Hoài cảm:
Khi ánh chiều rơi: