Viết cuối tuần cho nhẹ đầu về trường cu Luck, khai trường và hoài niệm thời gian khó.
Trường trung học Washington Lee
Chiều tối ngày 30-9-2015, Tổng Cua dự lễ khai trường cho Luck nay đã vào lớp 9 tại trường côngWashington Lee (viết tắt là W-L). Được thành lập từ năm 1924 tại quận Arlington (Virginia), trường mang tên hai vị tướng George Washington (1732-1799) và Robert Lee (1807-1870) nổi tiếng của Virginia.
Khóa 2014-2015, trường W-L được xếp hạng thứ 20 trong tiểu bang trong số 327 trường và xếp thứ 527 trong khoảng 21.000 trường công tại Hoa Kỳ. Khóa 2015-2016 có 2155 học sinh, 51% là nam, 49% là nữ, với 125 thầy cô.
Học sinh có gốc Á chiếm 12%, gốc Phi chiếm 11%, da trắng chiếm 41%, latin 30%. 19% các em được ăn trưa miễn phí do gia đình nghèo (lương 1 người khoảng 1200$/tháng), 7% chỉ trả ½ tiền bữa trưa (từ 1200-1800/tháng), còn lại là các gia đình khá giả (lương trên 1800$/tháng/người) phải trả 100% tiền ăn. Hướng dẫn ở đây.
Tuy là năm đầu của trung học, học sinh đã làm quen với môi trường như các trường đại học, không có giáo viên chủ nhiệm, không có lớp cố định, học sinh tự chọn môn và tìm đến các lớp có các môn đó trong khuôn viên trong tòa nhà 4 tầng đầy đủ tiện nghi như giảng đường, lớp học, sân chơi, phòng thể thao, phòng học nhạc, ngoại ngữ…
Buổi tối ngày khai trường
Không có xe hơi, Tổng Cua lóc cóc xe đạp cà tàng tới trường trong khi cha mẹ khác xe pháo rầm rầm như họp Quốc hội. Khóa mấy vòng vào cột cấm parking, ôm cái mũ bảo hiểm và rón rén vào trường.
Qua cửa mới thấy trường rộng mênh mông, học sinh nữ mặc váy cộc xinh như mộng chỉ dẫn lên các phòng. Tìm đến chỗ in thời khóa biểu của cu Luck, nói họ và tên, in cái roẹt, thế là thấy ông Minh Công Giang với đầy đủ các môn, thầy cô và các phòng.
Đi tìm thầy cô ngồi đợi sẵn ở một phòng, khi loa trần kính coong, giáo viên giới thiệu 10 phút về môn dạy, yêu cầu đối với học trò, phụ huynh và trả lời vài câu hỏi ngắn.
Chả hiểu sao các môn của Luck toàn cô giáo hay ông ấy mê gái. Cách giới thiệu rất bài bản, chạy đua với thời gian. Có người dặn “no late home work – không chấp nhận trả bài muộn” . Cô khác lại qui định phải có laptop được charge đầy đủ. Mỗi học sinh được phát một Mac Book, đem về nhà sử dụng.
Các bài giảng, tài liệu, thời khóa biểu, bài tập trên lớp và về nhà…đều được lưu trữ trên Google Docs. Cha mẹ login vào hệ thống của trường để xem con học hành ra sao, ngoài chuyện trao đổi email, phone với thầy cô. Mới thấy Google quan trọng như thế nào đối với nền giáo dục Hoa Kỳ. Trang thiết bị giảng dạy được nối mạng và điện tử hóa hoàn toàn kể cả cái bảng thông minh đa chức năng. Vẽ xóa, rồi làm màn chiếu, dùng tay để điều khiển.
Mỗi học sinh có một ghế gắn với bàn con trước mặt, không có gầm bàn kín. Dưới ghế là cuốn sách dầy cộp cho môn đó trên lớp. Các em có tủ riêng để đồ cá nhân, khá tiện lợi. Giờ ra chơi lang thang từ lớp này sang lớp kia cũng như thầy cô không có phòng riêng mà chạy sô như trò.
Khi họp mới biết con tự chọn các môn nào dù lão bố chẳng bao giờ khuyên con. Thời khóa biểu của từng học sinh khác nhau. Cháu A chọn toán, lý, hóa, nhưng cháu B chọn toán, sinh, tiếng Đức. Muốn gặp cô giáo dạy Sinh vật thì lên tầng 3 nghe 10 phút, có 5 phút để chạy từ tầng 3 xuống tầng 1 nghe về âm nhạc, rồi vội vàng trèo lên tầng 4 để nghe về môn toán.
Trong hai tiếng đồng hồ đi lại như con thoi, Tổng Cua dự tất cả 8 môn (80 phút nghe + 40 phút đi lại =120 phút) mà Luck chọn, trong đó có cả tiếng Trung. Chẳng hiểu sao ông tướng chọn ngoại ngữ này. Hay là yêu cô nào bên Trung Quốc rồi làm gián điệp thì khổ đời. Back to school night tổ chức như cái máy. Phụ huynh chạy lên xuống các tầng giữa các session tựa như dân ta chen lấn mua hàng thời bao cấp.
Thích nhất trên tường của lớp Toán của cô Timica Shivers có mấy câu xuống dòng kiểu thơ Haiku “Tell me and I forget, Teach me and I learn, Involve me and I remember – Bảo em thì em quên, Dạy em thì em biết, Cho em làm cùng em sẽ nhớ”
Chạy bở hơi tai, đói meo, ra về đã 9 giờ tối, cái xe đạp vẫn còn, mừng húm. Ra khỏi cổng trường cứ nghĩ mình đang ở thiên đường khỉ gió nào.
Nhớ chuyện xưa
Hồi 1967-1968, bố của Luck cũng ngần ấy tuổi vào lớp 8 của cấp III Lương Văn Tụy (Ninh Bình), một trong 7 trường tốt nhất miền Bắc khi đó. Đây cũng là trường mang tên anh hùng của quê mình ngang ngửa tướng Lee dù chả nhớ anh Tụy làm gì mà nổi tiếng.
Học lớp 7 của thầy Hà (anh trai của bạn Nguyễn Văn Hành) tại Trường Yên, đi học xa tới 4km, ngày nào Cua cũng bò đi về qua cánh đồng. Do phải sơ tán các lớp được dựng bằng vách đất, mái rạ cạnh núi Trại.
Đi học trong cảnh máy bay Mỹ đánh phá thị xã, pháo đại cao bắn lên trời, một lúc sau mảnh đạn to bằng cổ tay, miếng bé bằng ngón tay, rơi bũm bũm xuống ruộng nước, nhìn phát hãi. Chẳng hiểu sao không ai chết hay bị thương, thỉnh thoảng vỡ viên ngói, như đạn tránh người.
Dù quê nghèo nhất nhì tỉnh nhưng học sinh Trường Yên nổi tiếng giỏi và hay…cãi thầy. Khóa 1967-1968, thi vào lớp 8 (ngang lớp 9 của Luck bây giờ vì hồi đó hệ 10 năm), Trường Yên đỗ trọn một lớp 60 học sinh (8G), chỉ có vài bạn ở làng khác, do thầy Nghị dạy Sử làm chủ nhiệm.
Hai làng Áng Sơn và Áng Ngũ cách nhau sông Chanh, theo đạo Thiên Chúa. Áng Sơn có nhà thờ lớn cổ kính rất đẹp, nghe nói bộ đội mang đạn đại cao giấu trong đó vì máy bay Mỹ không bắn nhà thờ.
Nghe chuông nhà thờ đổ biết giờ học, ra chơi hay đi về. Thiếu nữ làng này xinh và hiền, hình như làng Thiên chúa nào cũng thế. Trong lớp có bạn Thực, ở gần nhà thờ nên được gọi là Thực “boong”. Sau này Thực đi chiến trường và không bao giờ trở về.
Lớp 8G ở làng Áng Sơn (Ninh Hoà) nằm trong một bụi tre rất kín đáo để ngụy trang. Xung quanh là tường đất, có hầm chữ A, mỗi khi có báo động lại chạy ra trú ẩn. Về mùa mưa hay lũ lụt, lớp học như ở giữa sông. Mái lợp rạ nên mưa to thầy trò chui vào một xó.
Hồi cấp 2 do chữ đẹp, Tổng Cua và vài bạn như Lê Lập, Đặng Hiếu, Nguyễn Hành được các thầy đến nhà trọ nhờ chép giáo án, danh sách học sinh và phụ huynh. Lũ trẻ chửi nhau nếu không biết tên bố mẹ thì réo không sướng. Bọn viết chữ đẹp nắm được hết tên các bậc cha mẹ, thích ai thì gà cho bạn đó biết tên cúng cơm mà chửi.
Trường bắt ăn mặc nếp sống văn minh, áo bỏ trong quần, đi giầy dép. Khổ bọn nhà quê quen đi chân đất, áo nâu làm sao theo được. Năm đó mình được bầu làm bí thư chi đoàn nên phải gương mẫu. Về nằn nì mẹ mua cho quần phăng (France?), áo trắng có thắt lưng để bỏ trong quần. Bà nghiến răng bán vài thùng thóc cũng sắm đủ bộ.
Cả đời có dùng dép bao giờ nên đi xa 7-8km đường đất rất khó chịu. Dép cao su lại hay tuột quai, hoặc trời mưa dính đất thịt có khi đứt bung. Đành lê chân đất từ nhà tới gần trường, dép bỏ trong túi rết, gần trường xỏ vào chân, bỏ áo trong quần, thành ra người…văn minh.
Cả lớp xếp hàng, bí thư Cua kiểm tra ai không có giầy dép, không bỏ áo trong quần, bắt đứng ngoài và làm kiểm điểm. Nhiều đứa nghèo đến lớp vẫn quần nâu bỏ áo kiểu gì, chả lẽ dùng dải rút (dây thắt lưng quần). Mắng mỏ, van xin, cuối cùng lớp cũng đi vào nền nếp, được xếp nhất nhì trường vì nếp sống…văn minh.
Có cậu Phượng ngọng, con Phó trưởng ty Giáo dục, rất ngang, dù mặc quần áo đẹp nhất lớp nhưng nhất định không chịu theo lệnh bí thư. Có lần cậu còn vạch chim đái luôn trong lớp. Báo thầy Nghị chẳng thấy thầy nói gì. Phượng học giỏi toán nhưng dốt văn, vẫn tiên tiến đều. CCCC từ thời đó đã manh nha.
Vác dép một thời gian, phát hiện ra cả lớp toàn giấu dép trong bụi tre gần lớp rồi đi chân đất 6-7km. Mình bắt chước nhưng một thời gian sau trẻ trong xóm phát hiện, trộm hết. Thế là đành van mẹ mua đôi khác, lóc cóc dép khoác trên vai với túi sách ngày ngày đi học.
Thế mà lũ trò ấy nhiều người làm nên. Một số bạn nằm lại chiến trường, số trở về đều thành đạt, có người làm giám đốc, lên thượng tướng CA, đại tá, bét ra như anh Cua làm blogger chính trị pha sex.
Vĩ thanh
Thăm trường cu Luck về cứ bâng khuâng, chẳng biết có nên nói với con, ngày xưa bố không có giầy Nike, quần Levis hay iPhone, chẳng biết máy tính hay đèn điện, giấu dép trong bụi tre nay con có tủ để đồ tại trường.
Ông nội của Luck chẳng biết con học ở đâu, lớp mấy. Cuối năm hỏi mỗi một câu, lên lớp không. Dạ có. Giỏi lắm, cả nhà trông vào mỗi con đó. Bố đi xem bói, thấy bảo nhà mình có thằng đi cùng trời cuối đất, ngồi trong trướng nhìn ra vạn dặm.
Hôm đi nước ngoài (7-1970) bà con tới chơi, người vài đồng, vài bác dúi 5 hào, có người cho bơ gạo, nải chuối làm quà ra Hà Nội. Giơ đôi bàn tay làm đồng chai sạn, bố bảo chẳng có gì cho con, cố học nên người.
Rồi cụ mang theo đôi bàn tay lam lũ suốt một đời về với tiên tổ, chưa từng biết internet, smartphone ra sao, con có tivi bố đã lòa. Ông cũng không hay con trai đi học chưa bao giờ để bạn réo tên cha mẹ giữa làng.
Chả hiểu sao đêm qua mơ không qua môn toán lớp 8, xin thầy mãi mà không được, khóc hết nước mắt, sợ về bố mắng. Tỉnh dậy mới biết Tổng Cua đã nghỉ hưu rồi.
HM. 2-10-2015