Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Võ Thị Kim Loan: Đáng quý nhất là giữ được phẩm giá


[143286]chi_Loan0001
Làn sóng các bác sĩ giỏi của Việt Nam tìm đường sang Mỹ ngày một nhiều. Chuyên viên hô hấp Võ Thị Kim Loan, người phụ nữ đã vượt qua mọi rào cản của ngôn ngữ, kỳ thị, sự khắc nghiệt của môi trường nghề nghiệp, để viết nên những trang sách thấm đẫm nước mắt và nụ cười với tác phẩm Tìm lại giấc mơ – Hành trình trên nước Mỹ vừa xuất bản.
Ngoài lý do “theo chồng bỏ cuộc chơi”, điều gì khiến một người phụ nữ của đồng bằng Nam bộ yêu nghề, yêu sinh viên như chị phải ra đi?
Cần Thơ là nơi tôi chọn, đã mua nhà, có nghề nghiệp ổn định, lại được đứng trên bục giảng, điều mà tôi rất đam mê. Mục đích sâu xa của tôi là học hỏi thật nhiều để truyền bá kiến thức cho sinh viên, cùng các đồng nghiệp xây dựng khoa y mạnh lên.
Phụ trách Y6 chuyên ngành hồi sức, một ngày đẹp trời, khi biết tôi có chồng quốc tịch Mỹ, không hiểu vì sao mình lại không được chấm điểm và hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp cho sinh viên nữa. Họ ngang nhiên mời một giáo viên khoa khác về chọn bệnh án cho sinh viên thay tôi, trong khi chỉ có mình là chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Không được cống hiến, điều đó đau lắm, tôi quyết định ra đi.
Phụ nữ Việt Nam bước ra thế giới “mang tiếng” quá nhiều, với riêng chị, làm thế nào để có thể sống bằng ước mơ, năng lực?
Nhiều bác sĩ đã chọn con đường ra đi, dù là bác sĩ rất giỏi, nhưng qua đó chịu nhiều thiệt thòi. Người Việt giờ bị mang tiếng quá rồi, sống bằng đôi chân, năng lực, phẩm chất của mình cũng vô cùng khó khăn. Để làm được phải trả bao đắng cay và nước mắt. Giờ ngồi nghĩ lại, viết lại mà nước mắt vẫn chảy dài…
Với tôi, sang đó giống như con cá không có nước. Khủng hoảng lớn nhất về y khoa mình dự đoán trước rồi, nhưng kéo dài thời gian học, sự khác biệt về văn hoá, quan hệ người và người rất lạnh lùng, kỳ thị sắc tộc ngấm ngầm trong mọi hoạt động xã hội còn dữ dội hơn. Mình luôn phải thông minh gấp đôi, làm việc chăm chỉ gấp đôi, nhưng chỉ được hưởng bằng một nửa những gì của người bản xứ. Tôi vượt qua hết nhờ động lực lớn nhất của tôi lúc ấy là phải trở lại ngành y.
Khó khăn lớn nhất với chị là gì khi hoà nhập vào môi trường y khoa chính thống của Mỹ?
Hạnh phúc nhất là được làm ở hai hệ thống y khoa khác nhau Việt Nam và Mỹ để có sự so sánh công bằng… Ở Mỹ họ giỏi điều trị dạng bệnh đặc biệt, còn mình thì bệnh nhiễm trùng nhiều, bác sĩ được lăn lộn thực tế nên có kinh nghiệm hơn.
Như tôi đã chia sẻ trong cuốn sách, ở tuổi 40 mà học một ngoại ngữ thì khó vô cùng dù mình được sống ngay trong cộng đồng ấy, đã bao nhiêu lần tôi cứ nghĩ mình sẽ không thể tiếp tục con đường y khoa của mình khi không nói được tiếng Anh tốt. Và dù chuyên môn của tôi có đạt điểm cao cỡ nào, đôi lúc cũng chỉ vì tiếng Anh mà tôi suýt bị đuổi.
Thời điểm tôi chọn ngành hô hấp tại đại học cộng đồng Foothill (kết nối trường đại học De Anza và đại học Stanford), nhiều kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp nhảy vào học ngành mình rất nhiều. Thú vị nhất với tôi là các lớp giáo dục tổng quát về kỹ năng sống, họ dạy từ cách nghe điện thoại, ngôn ngữ âm nhạc, lịch sử nước Mỹ, vi tính, cách sống và làm việc đội nhóm đến thể dục, để hình thành con người một cách toàn diện.
Tạo dựng tương lai, lẽ sống cho những đứa con với một người mẹ trẻ trên đất khách quê người vất vả thế nào?
Học trong điều kiện một nách hai con, con đầu mới vô mẫu giáo, con thứ hai vừa sinh mấy tháng, nhiều khi tâm trạng rối bời vì phải làm sao kiếm tiền trả thuê nhà, làm sao đủ tiền nuôi con ăn học… Nhiều đêm không ngủ, bị bệnh viện hăm đuổi dù chỉ còn một năm thực tập. Cuộc đời tôi có cái gì đó lạ lắm, vừa ngã xuống có người vực mình dậy liền. Tôi tin có gì đó không giải thích được. Là người làm khoa học, nhưng tôi vẫn hay dẫn các con đi chùa, thắp nén nhang cho tổ tiên ông bà.
Mình và ông xã không tương đồng, nhưng cũng phải gìn giữ để tạo niềm tin cho con. Con gái lớn của tôi giờ đã 20 tuổi, đang dự định làm tiến sĩ y khoa. Con trai 15 tuổi, cũng lo lắm, đang hướng cháu theo khoa học tự nhiên. Thế hệ con trẻ thì hội nhập rất nhanh. Ở Mỹ coi trọng tính độc lập, nhưng tôi vẫn cho con ngủ chung với mình để giữ tình gia đình. Giờ hai đứa thân nhau còn hơn thân với mẹ nữa. Tôi luôn dạy con giữ gìn tiếng Việt, văn hoá Việt dù đôi lúc con đặt câu hỏi về văn hoá hai nước có chênh lệch nhiều.
Vậy là chị đã tìm thấy “giấc mơ Mỹ” của riêng mình?
Hạnh phúc nhất là được làm ở hai hệ thống y khoa khác nhau Việt Nam và Mỹ để có sự so sánh công bằng. Tôi thấy mỗi nơi có cái hay, cái dở. Nền y khoa Mỹ kỹ thuật rất cao. Ví dụ như mổ tim thấy họ đem cả trái tim ra ngoài lồng ngực, sau vài ngày bệnh nhân ngồi chơi tỉnh bơ, thật kỳ diệu. Ở Việt Nam học lý thuyết nhiều, không được thực tập. Ở Mỹ họ giỏi điều trị dạng bệnh đặc biệt, còn mình thì bệnh nhiễm trùng nhiều, bác sĩ được lăn lộn thực tế nên có kinh nghiệm hơn. Một điều đặc biệt nữa là người Việt ở Mỹ rất nhiều, vô bệnh viện như có rào cản vậy, rất tội nghiệp. Nhiều người nhịn đói, mắc tiểu cũng không biết kêu ai. Gặp được bác sĩ Việt Nam mừng ghê lắm, giống như quen thân từ hồi nào.
Động lực nào khiến chị viết cuốn sách này?
Tiếp xúc với nhiều bạn bè muốn gửi con đi học nước ngoài và có ý định qua bên đó học, tôi muốn giúp họ ít nhiều biết thế nào là nước Mỹ để quyết định xem có chịu nổi không.
Tôi cũng muốn chia sẻ với những người mẹ, người chị khi phải sống ở xứ người. Một cán bộ giảng dạy ra đi mà không làm được gì thì làm sao tiếp tục đứng trên bục giảng, được học trò tôn trọng. Với nghề, thành công của mình chẳng có gì lớn lao, người bình thường cũng làm được. Nhưng đối với mình, vừa có hai con, vừa khó khăn về gia đình, để trở thành người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, giữ được phẩm giá mới là điều đáng quý nhất. Phải chống chọi tới khi nào không chống chọi được nữa.
Vì sao chị lại lấy tên nhân vật chính là Lúa?
Có lẽ vì hồi nhỏ mình cấy giỏi lắm, vì chân mình dài, đi nhanh, hay đi ngoài bìa để làm mẫu cho người đi sau cấy được thẳng hàng. Mình cấy cháy lưng. Mình cũng đã quyết tâm đi học để không phải cấy lúa nữa. Nhưng không còn cấy nữa, mình bỗng nhớ lúa, và Lúa cũng chính là mình, có là gì thì cũng sinh ra từ ruộng cày, để lớn lên có ngày hôm nay.
Kim Yến (thực hiện) – Hoàng Tường (hoạ chân dung)