Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Nhạc trẻ Sài Gòn và những mùa hè vô tận

Mùa hè Sài Gòn với tuổi học trò tụi tôi ngày ấy, những năm nửa cuối thập niên 1980, không chỉ có điệp vàng phượng đỏ và mưa, những chuyện tình mùa hè giấu diếm dưới cánh poncho, những nụ hôn trong rạp cine, và những buổi dạ vũ “chui” cùng những bản nhạc trẻ của những tuổi hoa niên dang dở tiếp nối từ thập niên trước đó...
Bản hoan ca của những biệt ly lộng lẫy…
Năm 1973, giữa cao trào hippie phản chiến của triết thuyết hiện sinh, Patricia Lavilla xoã dài mái tóc màu rơm úa, thò đầu ra khỏi toa tàu hoả xuyên qua vùng xanh thôn dã và nghêu ngao “L’amour est toujours en vancances…”, về mùa hè yêu đương, về những chuyến rong ruổi la cà của những tình nhân trên đường thiên lý, và lập tức gây sốt chao đảo từ Âu châu đến Hoa Kỳ và lan dư chấn sang tận Hòn ngọc Viễn Đông.
Chỉ một năm sau đó, vào mùa hè năm 1974, giữa những chấn động của tin tức thời sự, hãng đĩa Kỳ Phát tung ra ấn phẩm Thế giới nhạc trẻ với những bản ca ngoại quốc thịnh hành được chuyển ngữ, trong đó, L’mour Est Toujours được giới thiệu với tiếng hát Thanh Lan và phiên bản Việt Ngữ có tênMùa hè vô tận.
Chính những bản sao lưu về sau của nó cũng đã vang lên trong ký ức những buổi dạ tiệc đầu đời của tôi, và gần nửa thế kỷ sau, vào một buổi sáng Chủ Nhật, đã lại vang lên, bồng bột và điên cuồng lãng mạn trong căn phòng của tôi như vậy, tươi tắn như chưa bao giờ quên lãng. Những con người hồn nhiên trẻ tuổi ấy, những tín đồ cuối kỷ Flower Power ấy, hào hoa và trí thức, sành tiếng Pháp, mê nhảy đầm và say yêu, say sống ấy, họ đã không hề biết đó đã là mùa hè cuối cùng trước khi địa đàng tắt ngấm dưới cơn sóng đỏ, trước khi họ tan tác lấp vùi ngoài đại dương hay dưới kiếp di tản chung thân.
Như một đoạn ribbon băng cassette bị đứt tung khi chỉ vừa tấu lên, mà phải mất đến hơn một thập niên sau đó, như thể được nối lại mối đứt bằng một mẩu băng dính, lại cất lên như chưa từng gián đoạn, cho một mùa hè ly biệt khác của thế hệ tôi, những đứa trẻ của Sài Gòn thập niên 80.
Khi này, Sài Gòn như cô gái trẻ bị đánh thức đột ngột, vẫn là một hợp thể kì diệu lơ mơ giữa những luyến lưu giấc du miên dài hoàng kim và những cựa quậy thức tỉnh giữa thời thế mới. Những nếp sống cũ chưa lụi tàn và tuyệt tích, những thị dân còn sót lại dựng lên những buổi tiệc kín trốn công an. Chúng tôi rắc bột phấn lên sàn, đặt cây thông trang kim óng ánh giữa phòng dù đang giữa đêm hè của thị thành nhiệt đới không giới nghiêm. Chúng tôi đóng kín cửa sổ và tổ chức những bal de famille dã chiến, đã trở thành dấu ấn hoa đèn tuổi mới lớn của tôi giữa lòng thành đô đang cựa mình trong cuộc chuyển vần thế cuộc.
Bọn tôi, tụi nhóc 13, 14 tuổi theo chân anh chị buông mình vào những vòng xoay chạy chơi giữa các bal de famille như vậy. Trong đó, phòng khách nhà cô Thanh Lan luôn là một dạ tiệc mà không phải con nhóc nào cũng được tham gia. Những người đàn ông và đàn bà thanh lịch còn rơi rớt lại của giới thượng lưu, nghệ sĩ gặp gỡ nhau tại đó, nơi quý ông vẫn nuôi những bộ ria tài tử, hút thuốc trong mấy cái tẩu cũ còn giữ lại được, uống những chai Martell đắt đỏ được mua lén lút, và các bà các cô ướp mình trong dentelle đen hoặc cheongsam kim tuyết rất thịnh thời 80, sực nức hương phấn sáp, dầu thơm Opium được sử dụng khắp nơi…
Tôi theo chân người lớn, dựa lưng vào một góc tường và sắm vai nhân chứng bất đắc dĩ của những vảy trang kim rơi rớt đang lóng lánh những tia sáng hấp hối cuối cùng, miên man nghĩ đến một ngày nào đó, khi tôi đã được phép thoa son đỏ thắm vào buổi tối, và một quý ông nào đó trong đám đông hào nhoáng kia sẽ tiến đến trước mặt tôi, ve áo cài cẩm chướng và chìa tay thỉnh cầu một điệu vũ.
Mãi 30 năm sau, trong một đêm tại vũ trường Majestic’s, khi đứng trong vòng tay cựu ảnh đế, tài tử Trần Quang trong độ tuổi về chiều, sực nhớ lại ước mơ trẻ con ngày cũ, không khỏi bật cười một mình khiến quý ông lịch duyệt sau cặp kiếng mát màu trà và hàm ria Garble không khỏi hiếu kỳ thắc mắc, mà tôi thì không thể kể cho ông nghe về con bé trong góc phòng khách đã từng ngắm nghía ngưỡng mộ bước dìu lả lướt của chính ông ngày xưa.
Sài Gòn những năm cuối thập niên 1980. Ảnh Doi Kuro
Nhưng các vũ hội dã chiến của tụi con nít thì vui hơn, cũng nhạc tour, dây đèn lấp lánh, cây Noel giữa nhà đủ để che khuất một nụ hôn chóng vánh trên má trong mấy bản slow mùi mẫn tối hù. La Plus Belle Pour Aller Danser, Poupee De Cire Poupee De Son, Tu Es Le Soleil, Sans Elle, và L’amour Est Toujours On Vacances sẽ vang lên, và váy hoa sẽ xoay, đèn sẽ lấp lánh, và những lưng áo chemise sẽ đẫm mồ hôi… Cho đến tận bây giờ, tôi như vẫn còn hình dung ra được những tiếng huýt sáo ngưỡng mộ sau mỗi cú terre điệu nghệ.
Một phần bởi tính thời trang hợp mốt, và phần nữa bởi sự an toàn để phổ cập so với những bản bolero bản địa bị cấm lưu hành, những Vào hạ, Tuyết rơi và Trưng Vương khung cửa mùa thu được bật vang thoải mái công khai hơn hẳn so với dòng nhạc bản địa sáng tác cùng thời kỳ.
Cùng với cơn sốt của những I just call to say i love you  Self control ở khắp nơi, bọn con trai huýt sáo sau lưng bọn con gái véo von bản Cô Em Tân Thời được Truyền Kỳ chuyển ngữ cũng trong đĩa Thế Giới Nhạc Trẻ, từ nguyên bản La Petite Fille của C.Jerome năm 1973:
Nàng thường hay đi cine sáng hay trưa
Nàng thường đi dancing cho tới đêm khuya
Nàng hay lang thang khi mưa gió lưa thưa
Nàng hay đi lang bang không thấy xa vừa…
Và rồi tôi cũng bắt đầu đủ lớn để nghe văng vẳng vài tiếng huýt sáo bản La Petite Fille hướng về mình trên phố…
Tôi gặp anh – chủ nhân nụ hôn thứ 2 trong đời, vào một buổi dạ vũ như vậy tại nhà nhỏ Mai Anh bạn cùng lớp, cũng là buổi dạ vũ đầu tiên tôi dắt chị tôi theo chứ không phải ngược lại. Anh đứng trong đám thanh niên bạn bè của anh trai nhỏ Mai Anh, tôi thì ríu rít trong xó với con bạn mình. Đương nhiên hầu như cả buổi hai đứa tụi tôi, hai đứa con nít duy nhất, nhảy nhót nhố nhăng với nhau, cho đến gần cuối party, khúc intro của Mùa Hè Vô Tận vang lên, đèn lại lấp lánh và cô Thanh Lan giục giã, tôi đứng tim thấy anh tiến về phía mình.
Đó chưa bao giờ là một ca khúc mùi mẫn để người ta tắt hết đèn đóm, nhưng không hiểu sao khi ấy, từng câu rộn rã “Mais dans tes yeux je retrouve le ciel bleu quand tu souris…” đã tình tứ quá chừng!

Mùa hè năm ấy, Sài gòn đã tiễn biệt những đợt thị dân di tản cuối cùng. Họ hối hả, trong một thứ trật tự âm thầm. Mùa hè biển động, nhưng không ít người chọn thời gian nguy hiểm này, để sự vắng mặt lâu ngày của những đứa trẻ tại trường sẽ không dấy nên những hoài nghi đầy bất trắc. Mỗi mùa tựu trường, chúng tôi vẫn lướt mắt để điểm danh những khuôn mặt quen đã lẳng lặng biến mất, và lặng thầm cầu nguyện cho những đứa bạn được an toàn về “đất hứa”.
Mối tình thơ của tôi cũng đã lẳng lặng biến mất vào mùa hè năm ấy. Tôi không nhớ anh nhiều lắm, ngoài một cái tên cụt lủn, một tấm hình kỷ niệm, và chiếc chemise trắng cộc tay của anh.
Tôi nhớ không nhiều.

Nhưng với tôi nữa, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ ngờ trước rằng đó đã là những mùa hè cuối cùng của những chiếc chemise trắng cộc tay sẽ vĩnh viễn tuyệt tích ngoài đại dương, hay theo từng đoàn di dân hợp lệ cuối cùng vẫn ngày ngày xếp hàng đứng ngồi phía ngoài sở gì đó ở đường Pasteur.
Vài mùa hè sau đó, toà biệt thự Pháp trên đường Tú Xương không còn nhấp nháy ánh đèn màu lọt qua khe cửa đóng chặt của những vũ hội bí mật. Thanh Lan âm thầm sang Mỹ, chỉ đến khi coi thấy cô trên băng video hải ngoại, tôi mới tin điều này.
Tôi lớn lên, vẫn đi coi cine, nhảy đầm, và hôn rất nhiều chàng trai sau đó, như thể mùa hè của Sài Gòn những năm 80 ấy vẫn kéo dài vô tận.
…và điệu luân vũ hoa ngọc sau cùng
Mùa hè đi qua như làn gió,
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe.
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy,
Lửa thiêu cháy đất này…
Gần ngót nghét nửa thế kỷ trước, băng nhạc Shotguns số 33 đã tung vào giữa bể lửa của mùa hè li loạn 1972 điệu luân vũ tang tóc với giọng hát Duy Quang ban The Dreamers như vậy: “Mùa hè mưa rơi cũng đỏ máu, và nhuộm hồng trăng sao…”.
Chẳng bao giờ tôi biết được đã có bao nhiêu cuộc tình học trò chết non vào mùa hè năm đó, hay bao nhiêu dòng lưu bút đã thành di chúc học trò, chỉ biết rằng hơn một thập niên sau đó, giữa mùa hè của những năm 80, chúng tôi đã thả xuôi dốc Đồng Khởi ngang công viên Chi Lăng, vòng bánh xe nhuộm điệp vàng đã quay cuồng theo điệu luân vũ của những mùa hè li loạn tiếp theo.
     
Mùa hè năm ấy, Sài gòn đã tiễn biệt những đợt thị dân di tản cuối cùng. Họ hối hả, trong một thứ trật tự âm thầm. Mùa hè biển động, nhưng không ít người chọn thời gian nguy hiểm này, để sự vắng mặt lâu ngày của những đứa trẻ tại trường sẽ không dấy nên những hoài nghi đầy bất trắc.
      
Mùa hè thập niên 80 của chúng tôi, những đôi mắt đỏ hoe không còn vì lửa đỏ, mà vì nước, thật nhiều nước, của mưa, nước mắt và cả nước biển nữa…
Mùa hè sưởi ấm ta rồi
Dù rằng lửa tắt ngày mai…
Mùa hè Sài Gòn với tuổi học trò tụi tôi ngày ấy, những năm nửa cuối thập niên 80, không chỉ có điệp vàng phượng đỏ và mưa, những chuyện tình mùa hè giấu diếm cưới cánh poncho, những nụ hôn trong rạp cine, và những buổi dạ vũ “chui” cùng những bản nhạc trẻ của những tuổi hoa niên dang dở tiếp nối từ thập niên trước đó…
Cũng có thể bởi chỉ có những tháng hè, sách vở ngủ yên trong cặp-táp và những cây bút Hero đã khô mực trong suốt những ngày tháng bãi trường. Mùa hè thuở đó của lũ chúng tôi còn chưa bị tước đoạt bởi những lớp học phụ đạo. Lũ choai choai cần ngơi nghỉ, chơi đùa, rong ruổi trên những vòng bánh xe nan hoa xoa tít xác điệp vàng, và tập tành trò chơi tình ái giữa những ngón tay còn lem mực và những đôi môi còn hôi sữa.
Mùa hè của lũ chúng tôi ngày ấy, trời đất thiên nhiên thị thành cũng thành kẻ đồng loã của trò chơi tình ái trẻ con, với những cơn mưa đủ để làm ẩm vạt áo bọn con gái, để có cớ đội chung một tấm poncho và cứ vậy loanh quanh đạp xe đi dưới mưa không muốn về.
Cũng những mùa hè thập niên ấy, chúng tôi rỉ tai nhau những chuyện kín động trời. Người ta, khi thể lý còn chưa đầy đặn chức năng tìm bạn của mùa trống mái trong đời, đã vội vàng vồ vập sống vội, đốt cháy tuổi ngây thơ ngà ngọc trong thứ lửa hiện sinh của dự cảm mùa hè cuối cùng và cuộc tình mà kẻ trong cuộc nào cũng tưởng là duy nhất.
Trong những buổi dạ vũ nhảy đầm “chui” sau cuối của những mùa hè năm ấy, trên sàn nhà đã được rắc bột cho trôi tuột xoay vòng những điệu luân vũ lâm li, những đôi trẻ con mới lớn tập tành những động chạm vô hại đầu đời trong lời ca đầy dự cảm li biệt âm dương
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang,
Trần truồng yêu nhau trong trời đất,
Mùa hè của uyên ương…
Nhưng những mùa hè thập niên 80 ấy, mùa biển động, lại cũng là mùa của những dòng trăn trối trẻ con nắn nót cho nhau lần cuối trong lưu bút, hình ảnh cánh buồm trên sóng được thuê khắc trên những cây thước nhựa trước khi một trong hai đứa, một ngày biển lặng, lẳng lặng biến mất theo những con sóng dữ ngoài biển, để lại lũ bạn học ngẩn ngơ trước khung cửa khoá trái.
Những mùa hè năm ấy, chúng tôi chia tay nhau không một lời giã biệt bởi những đợt di cư vong thân lén lút khiến tụi con nít phải thề độc với gia đình “không hở răng cho ai biết” để bảo an cho những cuộc đào tẩu trong đêm.
Cũng vào những năm đó, trong khắp các trường trung học, người ta truyền tai nhau bản Trên đỉnh mùa đông đầy ẩn ý xa xôi “chuyện một lần yêu ai như chuyện một đời con gái…”
Những cô gái, chỉ sau một mùa hè, thốt nhiên nẩy nở mặn mòi và phơn phớt những vệt son sầu muộn. Họ trở thành đàn bà và quả phụ trẻ con chỉ sau một mùa hè, như vậy.
Thiếu nữ Sài Gòn 1990. Ảnh Doi Kuro
Những mùa hè thuở ấy, khoảng cách địa lý giữa Sài Gòn và những miền đất hứa xa lạ kia xa xôi như thể khoảng cánh sinh tử âm dương. Để lại trên bờ những người tình xí hụt tuổi ô mai bần thần khóc suốt mùa nhập học để tang một mùa hạ sau cùng
Đôi ta chỉ có một mùa hè thôi,
Đôi ta chỉ có một lần đời vui…
Hàng chục năm về sau, đôi khi tôi vẫn gặp lại, trên Facebook hay giữa trung tâm thành phố, những “hồn ma” đã biệt ly từ những mùa hè năm cũ, những bạn bè thời áo trắng mà đã có lần, chúng tôi đã chẳng hề nghĩ sẽ có ngày trở về.
Tất cả chúng tôi đã lớn và trở thành những công dân của những quốc tịch khác nhau, bọn trẻ của chúng tôi, cũng đang có những mùa hè riêng của chúng. Tất cả chúng tôi rồi cũng xoay sở được với những cuộc tình về sau để biết những chuyện tình “cún con” ngày xưa đã không hề là duy nhất.
Một buổi sáng, ở Ciao Cafe’s, tôi đã gặp lại mùa hè sau cùng của mình như vậy. Người đàn ông trung niên với những đứa trẻ cắm mặt vào Ipad nói giọng đặc sệt âm sắc Hoa Kỳ.
Quang không thể nhận ra tôi, chúng tôi đã đi qua gần nửa cuộc đời kể từ một mùa hè sau cùng nào đó.
Hoá ra, đã chẳng có cuộc tình nào ngày xưa của lũ trẻ chúng tôi là duy nhất.
Từ phía sau màn hình máy tính, tôi lướt qua nhạc mục trên youtube và lần đầu tiên sau sau hàng chục năm có lẻ, The Dreamers lại hát “Mùa hè đi qua như làn gió…”
Bên ngoài cửa sổ tiệm cafe, Sài Gòn đang vớt vát có lẽ một trong những đợt mưa cuối hạ,
… Trong này, chỉ cách một lớp cửa kính, có một hạ của Sài Gòn 80 đã vĩnh viễn trở thành những ngọc ngà sau cuối.
Trác Thúy Miêu