TTO - Đêm nhạc Gọi tên bốn mùa diễn ra tại sân vận động Hoa Lư, TP.HCM vào tối 30-3 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 (28-2-1939 - 28-2-2019) và 18 năm ngày mất (1-4-2001 - 1-4-2019) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
0:00
Ca sĩ Đồng Lan hát Này em có nhớ bằng tiếng Pháp - Video: GIA TIẾN
Thời tiết oi bức tại TP.HCM không làm giảm đi sự nồng nhiệt của khán giả yêu nhạc Trịnh khi từ 17h đã có vài trăm khán giả đến sớm để tham gia các hoạt động của buổi lễ kỷ niệm. Họ đăng ký lên hát nhạc Trịnh trên 2 sân khấu nhỏ đặt ở 2 góc của sân vận động, xem các hình ảnh, tư liệu và các kỷ niệm của cố nhạc sĩ.
Ca sĩ Đức Tuấn hát Xin cho tôi với ánh sáng được thắp lên bởi hàng ngàn khán giả - Video: GIA TIẾN
Đến 19h, các con đường xung quanh sân Hoa Lư đông kín người, bãi xe của sân vận động không đủ sức chứa cho hàng ngàn chiếc xe nên khán giả phải đem đi gửi ở các cơ quan, nhà dân gần đó.
Tuy lượng khán giả tràn ngập nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy mà mọi người xếp hàng từ từ tiến vào bên trong để theo dõi chương trình chính bắt đầu lúc 20h.
Các ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cất lên bởi các ca sĩ chuyên nghiệp và phần "bè" của khoảng 20.000 khán giả ngồi dưới sân. Hầu như bài hát nào cũng được vang lên bởi dàn "đồng ca" đông đảo của khán giả yêu nhạc Trịnh.
Chú Nguyễn Văn Hòa Bình, 66 tuổi, đi cùng với vợ con từ Thủ Đức lên sân Hoa Lư từ 18h để được ngồi hàng đầu tiên. Chú Bình tâm sự rằng chú nghiên cứu tính văn học trong ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn nên hầu hết các ca khúc chú đều hiểu điều nhạc sĩ gửi gắm.
0:00
Ca sĩ Đồng Lan hát Thành phố mùa xuân bằng tiếng Việt và tiếng Pháp - Video: GIA TIẾN
Ca sĩ Đồng Lan trình bày 2 bài Này em có nhớ và Thành phố mùa xuân, đặc biệt với phần ca từ được dịch sang tiếng Pháp bởi nhà thơ người Pháp Francois Brunetta. Đây là hai bài hát nằm trong album nhạc Trịnh Này em có nhớ được hát theo phong cách nhạc jazz, sẽ phát hành vào ngày 1-4-2019, đúng ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online phía sau sân khấu, nhà thơ Francois Brunetta cho biết ông sống ở Việt Nam đã 7 năm. Ông yêu nhạc Việt Nam lắm nên đã viết lời tiếng Pháp cho gần 100 bài hát Việt Nam, trong đó có khoảng 40 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Bằng Kiều từ Mỹ về Việt Nam lần này để lần đầu tiên tham gia trình diễn trong đêm nhạc thường kỳ tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh thể hiện 3 bài Mưa hồng, Biển nhớ và Chiếc lá thu phai.
0:00
Ca sĩ Bằng Kiều hát Biển nhớ - Video: GIA TIẾN
Đức Tuấn - ca sĩ "nhẵn mặt" trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn - xuất hiện bằng lời mời khán giả cùng hát với anh các bài hát mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cho thiếu nhi như Em là hoa hồng nhỏ, Như một hòn bi xanh...
Anh là ca sĩ hát nhiều nhất trong đêm nhạc khi tiếp tục trình diễn các ca khúc Xin cho tôi, Hành hương trên đồi, Ta đã thấy gì trong đêm nay.
0:00
Ca sĩ Lệ Quyên hát Sóng về đâu - Video: GIA TIẾN
Ca sĩ Quang Dũng xuất hiện trong chiếc áo dài đỏ do em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Trịnh Hoàng Diệu thiết kế cho anh. Anh đã biểu diễn hai ca khúc Chiều một mình qua phố và Ru đời đi nhé.
Là giám đốc âm nhạc của chương trình, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng tham gia biểu diễn saxophone ca khúc Em đi bỏ mặc con đường, còn con gái anh là An Trần cũng biểu diễn saxophone ca khúc Còn tuổi nào cho em.
0:00
Ca sĩ Quang Dũng hát Ru đời đi nhé - Video: GIA TIẾN
Chương trình còn có sự góp mặt của Lệ Quyên (Ru mãi ngàn năm, Sóng về đâu, Ru ta ngậm ngùi), Lân Nhã (Hoa vàng mấy độ, Đêm thấy ta là thác đổ), Hồng Vy (Gọi tên bốn mùa, Như cánh vạc bay), Tấn Sơn (Tình xót xa vừa)...
Khi các nghệ sĩ cùng đồng ca bài Hãy yêu nhau đi để chào kết thúc chương trình, hàng ngàn khán giả vẫn không muốn ra về. Họ đứng vỗ tay và hát theo làm các nghệ sĩ phải hát thêm ca khúc Nối vòng tay lớn như để kết lại những vòng tay của những người yêu nhạc Trịnh, yêu con người, yêu cuộc sống.