Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Mấy hằng số để quy tụ nhân tài

  • Tác giả: G.S Hồ Sĩ Vĩnh

Xưa nay nói đến việc trị dân đều lấy việc dùng hiền tài làm gốc. Thời nào cũng vậy, được kẻ sĩ thì nước thịnh và thịnh rất chóng.
Âm hưởng của Bình Ngô đại cáo hào sảng là vậy, hùng tráng là vậy, thế mà Nguyễn Trãi vẫn canh cánh nỗi lo: Nhân tài lác đác như lá mùa thu; tuấn kiệt lưa thưa như sao buổi sáng. Thời đại Quang Trung, vua ban Chiếu lập học, Chiếu cầu hiền kêu gọi người hiền tài ra giúp nước, giữ gìn công cuộc thái bình. Đó chính là tiền để của đại chính sách quy tụ sĩ phu Bắc Hà của Quang Trung về sau. Các vua triều Nguyễn cũng có trăm ngàn phương kế để chấn hưng văn hóa, mà nổi bật là chính sách “Thượng hiền”, bởi vua mà bất tài, thiếu lễ, thì nhân tài khó tựu về.
Trong Thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ là người lo rất sớm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Sức mạnh Hồ Chí Minh chính là ở lực lượng đội ngũ cán bộ tài năng do Người tạo dựng, giáo dục, rèn luyện trong hơn 70 năm qua. Chính sách lựa chọn hiền tài trong thời kỳ công nghiệp hòa, hiện đại hóa được ghi trong văn kiện Đại hội Đảng IX: “Có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng người có đức có tài”. Bài này nêu ba hằng số được coi là ba quy trình tương đối bền vững, trong công tác lựa chọn hiền tài. Đó là việc phát hiện tài năng, sử dụng tài năng và bảo vệ tài năng trong thời Kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

PHÁT HIỆN TÀI NĂNG
Không phải ai cũng có thể phát hiện tài năng. Phải là người hữu tài, hữu lễ mới có sức cám dỗ, thu phục được người tài. Dưới thời Nguyễn, trong sách Nam Sơn tùng thoại, Nguyễn Đức Đạt viết: “Ông vua trước hết phải tự mình có cái gì giỏi thì những người khác sẽ kéo tới đầy triều… kẻ sĩ là chim, cá của vua chúa… Vua muốn được người hiền tài phải lấy lễ làm mồi, làm lưới…”
Người lãnh đạo ở cấp vĩ mô hay ở một ngành, một tỉnh phải là người có kiến văn tổng hợp, có nhãn quan xa rộng, có phương pháp tư tưởng, cởi mở, khoáng đạt mới phát hiện được tài năng và quy tụ nhân tài. Phải thừa nhận rằng, một trong những nhược điểm của người tài là “khó tính” theo nghĩa có cá tính, mà cá tính thường định hình từ trong bụng mẹ. Đừng vì tật nhỏ mà bỏ tài cao. Họ chỉ phục những người trung chính, những ai hơn họ, dù là hơn về tài hay đức. Về phương diện này, V.I. Lenin là tấm gương lớn. Đối với những văn nghệ sĩ có thế giới quan đầy mâu thuẫn, kể cả những nhà văn bạch vệ có tài năng, những nhà triết học tư sản, bao giờ Lenin cũng đặt câu hỏi có lợi cho ai? Và được giải quyết trong hoàn cảnh cụ thể, không thiên kiến. M.Gorki ít nhất là ba lần chống lại đường lối của Lenin, thể hiện trên báo Đời sống mới, khước từ không in những tác phẩm của Lenin khi làm Giám đốc Nhà xuất bản Cánh buồm, thì Người vẫn tỉnh táo thuyết phục, phân biệt những sai lầm trong chính trị khác với trong triết học, trong quan điểm mỹ học khác với những vấn đề thuộc thị hiếu cá nhân. Trước sau Lenin vẫn đánh giá rất cao nhân cách và tác phẩm của Gorki. Không có Lenin, thì không có M.Gorki như chúng ta đã biết: “Người đại biểu vĩ đại nhất của nghệ thuật vô sản”, “Một bậc thầy vô cùng lỗi lạc của nghệ thuật”.
Ở nước ta, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước sớm có ý thức phát hiện tài năng. Đến với giới văn nghệ sĩ, điều đồng chí nhắc đầu tiên là phải tạo cho từng người một cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, vì nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt. Ông viết: “Một thiên tài, một khả năng lớn mà mình không nhận thấy, không phát hiện, không giúp đỡ thì rất có thể thiên tài đó cũng mai một đi. Ta cần phát hiện tài năng trẻ. Đội ngũ của ta lớn mạnh là do lực lượng trẻ mới, gắn bó với sự nghiệp cách mạng, hơn ai hết đó là tương lai”. Từ quan điểm ấy, đầu hè năm 1966, giữa lúc máy bay Mỹ đang ném bom ồ ạt xuống nhiều vùng dân cư Hà Nội, trong đó có cầu Long Biên, thì cách cầu chừng một cây số đường chim bay, tại Viên Văn học, đường Lý Thái Tổ, theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một lớp học Hán Nôm được khai giảng trong tiếng gầm rú của máy bay địch. Đó là một nghịch cảnh, một hiện tượng lạ ngay cả đối với người trong cuộc. Giáo sư Đặng Thai Mai, Viện trưởng kiêm chủ nhiệm lớp. Giáo sư Cao Xuân Huy giảng viên chính thức. Lớp học đã đào tạo được khoảng 50 sinh viên, hầu hết là cử nhân xuất sắc về Hán Nôm vào năm 1968… Nếu không có tầm nhìn xa đối với việc bảo tồn tài sản văn hóa dân tộc và giữ gìn bản sắc dân tộc của người lãnh đạo, thì làm gì có một đội ngũ chuyên gia Hán Nôm hàng đầu vào những năm 80-90 thế kỷ trước và cho đến nay họ vẫn là lực lượng của yếu của các trường, các viện khoa học xã hội, đang nghiên cứu có hiệu quả và đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực này…

“DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC”
Người xưa nói vậy. Bác Hồ cũng dạy như vậy, và nó được xem như chân lý trong công tác cán bộ. Người thợ giỏi thì gỗ to, gỗ nhỏ, gỗ lỏi hay gỗ dát đều tùy chỗ mà dùng. Nhưng xem ra hiện nay việc sử dụng nhân tài ở nước ta có nhiều chuyện đáng bàn. Hiện tượng “Chảy máu chất xám” là một thực trạng kéo dài nhiều năm. Các sinh viên xuất thân từ nông dân, ra đi từ nông thôn, nhưng tốt nghiệp xong không ai muốn về quê mình, tỉnh mình, nói chi chuyện đến miền núi, vùng xa, vùng sâu? Thậm chí có em cố “chơi sang”, chọn ngành nghề của người thành phố, có dính một tí “ngoại” (ý nói ngoại giao, ngoại ngữ, ngoại thương), chê ngành nông nghiệp. Số đông sinh viên tốt nghiệp có các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nhiều người là tiến sĩ, khi về nước cũng không dễ dàng gì có việc làm; hoặc có thì bố trí, điều động “ép”. Từ đó, người tài năng tìm mọi cách đi làm với các công ty nước ngoài. Ở đó, họ được trả lương đúng người, đúng việc, không có chuyện trù úm, đấu đá phe phái, họp hành liên miên v.v…
Hiện nay, nhiều gia đình khá giả, trong đó có nhiều con cái cán bộ cấp cao, được gia đình đầu tư cho đi học ở nướcngoài. Xa thì ở Mỹ, Anh, Canada, Australia; gần thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc với ý nghĩa: đầu tư tốt nhất là đầu tư cho tương lai con em chúng ta. Tất nhiên khi đại đa số gia đình đã bỏ kinh phí đào tạo thì việc gì khi các em về nước chịu sự phân công của các ngành giáo dục (!?) Hiện nay, kinh phí đầu tư cho mỗi em đi học ở nước ngoài, mỗi năm ở Anh khoảng trên dưới 500 triệu Việt Nam, Ở Trung Quốc khoảng 100 triệu. Sau 5 năm, có đến trên 70% trong số đó hoặc ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các hãng, các công ty, các tổ chức nước ngoài. Còn ở Singapore, một đất nước có nền giáo dục tiên tiến, có chế độ học bổng khá đã giành cho sinh viên Việt Nam, nhưng bắt buộc theo một quy định của họ: sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này phải làm việc cho chính phủ Singapore 3 năm trước khi lựa chọn nơi làm việc. Còn em nào muốn về nước làm việc cũng chẳng dễ dàng gì để vào một cơ quan nào đó, nếu như tình hình cải cách hành chính ì ạch như hiện nay. Tôi được nghe một số em nữ sinh tốt nghiệp Đại học Báo chí niên khóa 2003-2004 kể nghiêm túc rằng, khi đó muốn được biên chế ở một tỉnh như Hà Tây thôi cũng đã phải chịu “thuế phong bì” 40 triệu đồng… Thực sự chúng ta đã bị “chảy máu chất xám” dẫn đến “chảy màu ngoại tệ”. Tình hình tồi tệ của nước Nga vào năm 1990-1994 vẫn còn là bài học cho chúng ta, khi hàng loại trí thức Nga do nhiều lẽ, chạy ra nước ngoài làm việc và không hy vọng ngày về… Nếu như ta cứ tính mỗi cán bộ khoa học “chạy” ra nước ngoài đã làm thiệt hại cho đất nước khoảng 200.000 -250.000 USD, thì con số “Chảy máu ngoại tệ là không hề nhỏ.
Nói chuyện lựa chọn và sử dụng nhân tài, chúng tôi xin nêu hai vấn đề mà Đảng và Nhà nước đang thử nghiệm vận dụng để tuyển chọn cán bộ.
Một là, giữa cơ cấu người có đức có tài với cơ cấu các thành phần khác, thì cái thứ nhất phải được coi là thành phần gốc, còn cái thứ hai như dân tộc, phụ nữ, địa phương, đoàn thể, độ tuổi, chức vụ… nên gọi là thành phần bổ sung. Việc lựa chọn hiền tài ở cấp Trung ương (nhà chính trị giỏi, nhà quân sự tài ba, nhà chuyên môn thông tuệ…) thì hàng đầu phải là nhân vật có lí tưởng chính trị sáng suốt, có bản lĩnh vững vàng, có ý chí kiên định, có tư duy chiến lược, có tri thức lý luận và năng lực tổ chức thực tiễn. Còn những phẩm chất khác như lòng trung thành, tinh thần yêu nước, đức hy sinh, ý thức tổ chức, lối sống lành mạnh… thì ở họ cũng giống như ở công dân bình thường khác. Vì vậy, khi cơ cấu người hiền tài ở cấp trung ương không nên thiên lệch hiều về các thành phần bổ sung.
Hai là, việc thuyên chuyển cán bộ lãnh đạo từ Trung ương xuống các địa phương, và ngược lại; từ ngành này sang địa phương kia v.v… cũng không nên giản đơn, mà cần tính đến phép biện chứng của nhiều yếu tố: giữa cái bất biến và cái vạn biến; giữa Trung ương và địa phương, giữa truyền thống, tâm lý của địa phương này với truyền thống, tâm lý của địa phương khác. Nhưng tất cả các yếu tốt đó đều phải quy tụ vào một điểm chuẩn là chọn được người thực tài. Ví dụ: muốn điều động một ủy viên Trung ương là người quê của một tỉnh này về làm bí thư tỉnh khác, vốn gặp không ít khó khăn trong lãnh đạo kinh tế và văn hóa, thì người được điều động phải hơn hẳn về đức và tài so với những thành viên trong cấp ủy hiện có ở tỉnh đó. Khác đi, tình hình đoàn kết nội bộ sẽ không khá hơn mà còn có chiều hướng tồi tệ.

BẢO VỆ NHÂN TÀI
Nhân tài là con người, chứ không phải là một lực lượng tự nhiên vô tận chỉ biết khai thác. Khai thác tài năng phải đi đôi với bảo vệ tài năng. Có nhiều phương thức để bảo vệ tài năng: Người xưa nói: “Tri nhân thiện nhiệm”. Giao đúng việc, giao đúng quyền thì mới hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Tạo môi trường thuận lợi để người tài có đất “dụng võ”; chính sách tiền lương họp lý tương xứng với tài năng cống hiến, tránh thiên lệch về hai phía: hoặc không đủ sống, bắt buộc phải tìm kiếm tiền ngoài đồng lương; hoặc chạy theo những ưu đãi ngoài tiền lương, dễ phát sinh kiểu hưởng thụ đặc quyền, đặc lợi (đó là chưa nói đến những hành vi bất chính về tham nhũng của công, hối lộ của dân); tôn vinh, khen thưởng nhân tài, công việc này cần tránh ba khiếm khuyết: bỏ sót, không công bằng và không kịp thời. Ở các hội đồng bình bầu chức danh khoa học, danh hiệu giáo dục, nghệ thuật, y học, các hội đồng giải thưởng quốc gia… cũng cần được cải tổ thường xuyên để đạt được mục tiêu công bằng đối với tài năng. Khi công bằng được thực hiện, thì không còn sự may rủi, hạn chế sự đố kỵ, sự lọc lừa của các thành viên hội đồng. Các chuẩn mực bình bầu cũng cần được cân nhắc, có thay đổi theo giai đoạn, có tính đến tính lịch sử của vấn đề, của đối tượng bình xét, miễn là cuối cùng đủ tổng số điểm quy định, đặc biệt phải tính đến hiệu quả xã hội. Trong khoa học, văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo, các tài năng không phủ định lẫn nhau. Ở đó có đủ chỗ cho mọi người, miễn họ có tài năng. Các nhà tổ chức, các cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước chính là bà đỡ đầu cho những hiền tài.
Nói bảo vệ tài năng mà quên không nói bảo vệ tài sản tinh thần và của cải vật chất của họ là một thiếu sót. Lịch sử đã có nhiều bài học. Một nhà khoa học Xô Viết nổi tiếng, nhà luyện kim tài ba D.K.Secnôp nguyên là vị quan thị vệ của Nga hoàng; khi tướng bạch vệ Vơrăngghen thua trận, bỏ chạy ra nước ngoài. Ông đã không theo Vơrăngghen mà ở lại Crưm. Lenin đã chỉ thị cho chính quyền địa phương bảo vệ tính mạng an toàn cho vị trí thức yêu nước và giữ toàn bộ tài sản tinh thần, biệt thự, vườn tước của ông. Về sau, Secnôp đã có những đóng góp quan trọng cho ngành luyện kim trong quá trình cơ khí hóa và hiện đại hóa ở Liên Xô.

NHÂN TÀI VĂN HÓA TRONG THỜI TOÀN CẦU HÓA
Toàn cầu hóa trong văn hóa là con dao hai lưỡi, nó đã và đang tạo ra xu hướng đối nghịch: trao thêm quyền (dân chủ hóa các sản phẩm văn hóa, thông tin) vừa tước bỏ quyền (thu hẹp văn hóa đọc, thờ ơ đối với những giá trị truyền thống) dân chủ hóa và độc quyền hóa v.v… Vì vậy khi nói đến toàn cầu hóa, cần ý thức sâu sắc toàn cầu hóa nhân văn. Để kết luận bài viết, chúng tôi xin nói đôi điều về nhân tài trong văn học, nghệ thuật của nước ta ở nước ngoài đã cảm nhận sâu sắc sự đổi mới to lớn của đất nước, nên đã có những tác phẩm thành công trong nhiều lĩnh vực: văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật v.v… Lòng yêu nước, nỗi lòng đau đáu với quê hương, những thành tựu sáng tạo của những văn nghệ sĩ xa xứ đã được nhân dân thông cảm, chia sẻ, được Đảng và nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách hào phóng, biệt đãi nhằm động viên, quy tụ văn nghệ sĩ thật lòng cống hiến cho Đất nước. Ngay từ năm 2006, văn kiện Đại hội Đảng ghi nhận: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phần không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Có chính sách khuyến khích người Việt Nam, tri thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước, khen thưởng những người có thành tích đóng góp cho Tổ quốc…”.
Trong bối cảnh Toàn cầu hóa, dòng văn nghệ của Việt Kiều vừa góp phần tô đậm bản sắc Việt Nam, vừa khắc phục những phi giá trị do mặt trái của Toàn cầu hóa đưa lại.  Xin nêu mấy tên tuổi vừa có tâm, vừa có tài như Tiana Thanh Nga (quê Quảng Nam) ở Mỹ với bộ phim Từ Holywood đến Hà Nội, họa sĩ Lê Bá Đảng (quê Quảng Trị), nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (quê Thừa Thiên Huế) là những nghệ sĩ tài ba, có uy tín trong nước và nước ngoài, học giả Hoàng Xuân Hãn, giáo sư, tiến sĩ âm nhạc học Trần Văn Khê; sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Pháp, đã trở về nước, tham gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đặc biệt “gia tài âm nhạc” với hơn 420 hiện vật quý, giáo sư đã dâng tặng Viện âm nhạc Việt Nam… Đó là chưa kể hàng nghìn nhà văn, nghệ sĩ yêu nước tài hoa đã làm rạng danh Đất nước tại các cuộc liên hoan phim, các tổ chức âm nhạc quốc tế, các hình thức, những tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc tại các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Nga, các nước Đông Âu,…
Sau hàng chục năm định cư ở nước ngoài, văn nghệ sĩ Việt Nam, dù tài năng khác nhau, và tác phẩm hay và chưa thật hay…. nói chung đều ổn định duy trì ngôn ngữ: Tiếng Việt phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên, duy trì và phát huy bản sắc van hóa dân tộc, cái hồn, cái gốc dân tộc cho các thế hệ trẻ nơi đất người, xứ lạ. Rõ rệt nhất là trong lĩnh vực điện ảnh và văn học. Tài năng của họ chính là nhờ cái tâm, từ cái tâm hoài niệm về Đất Mẹ sinh ra cái đẹp trong văn chương, nghệ thuật.
Tài năng hình thành là nhờ năng khiếu phát triển. Năng khiếu thường là mầm non, đòi hỏi xã hội chăm bón, vun trồng. Ở nước ta, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ chính là bà đỡ, là nguồn khai sinh lớp văn nghệ sĩ kiểu mới, là người ủng hộ tài năng một cách có hệ thống.