Cao Thanh Bình
Trên tạp chí Xưa & Nay số 423 tháng 3-2013, tác giả Nguyễn Phúc Nghiệp đã có bài viết về ba con rạch liên quan đén chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Muát. Bài viết cũng đã tái hiện lại diễn biến trận đánh oanh liệt này, nhưng vai trò của thủy triều trong tận thủy chiến chưa được đề cập một cách thấu đáo, chưa làm nổi bật về thiên tài quân sự Nguyễn Huệ trong việc lợi dụng thủy triều trên sông nước đồng bằng miền Tây Nam Bộ để đánh thắng kẻ thù.
Trở lại với cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVII, sau khi quân chúa Nguyễn Ánh phải trôi dạt sang các đảo ở vịnh Thái Lan. Năm 1783, Nguyễn Ánh chạy sang Thái Lan ra mắt vua Xiêm là Chakri, xin cầu viện. Vua Xiêm lúc bấy giờ vừa khôi phục sức mạnh, đã hướng mắt sang vùng đất của vương quốc Udon (Cambot) và Đồng Nai (Đàng Trong của Đại Việt). Dịp may đến, vì trước khi Nguyễn Ánh ra mắt thì Chakri cũng vừa tiếp Châu Thủy Biện từ vương triều Udon chạy sang, xin vua Xiêm giúp đưa hắn về giành ngôi báu với người cùng hoàng tộc.
Với toan tính chủ quan, Chakri một mặt cử một cánh quân do hai tướng Sa Uyên và Lục Côn chủ huy đi đường bộ có đội tượng binh mạnh vượt biên giới thẳng hướng kinh đo Udon giúp Châu Thủy Biện để rồi sau đó tiến sang Đàng Trong của Đại Việt. Mặt khac, Chakri tập trung một đạp thủy binh hơn 300 chiến thuyền dưới quyền chỉ huy của Chiêu Tăng và Chiêu Sương (cháu của Chakri) đưa Nguyễn Ánh và đám tàn quân ồ ạt đổ bộ vào miệt Rạch Giá.
Đạo quân thủy tiến quân hết sức hung hăng vào đóng ở ngả ba sông Cái Bè – Trà Tân. Chúng tha hồ giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, làm cho nhân dân khắp vùng vô cùng căm giận.
Sau khi thực hiện cuộc nghi binh chiến thuật, Nguyễn Huệ đã làm tê liệt tham vọng của các tướng quân trịnh, buộc Trịnh phải giữ ba vạn quân án binh bất động ở phía Bắc đèo Hải Vân, Nguyễn Huệ đưa một đạo thuyền chiến đến Mỹ Tho đối mặt với thủy binh Xiêm.
Nguyễn Huệ đã chọn khúc sông giữa căn cứ Trà Tân của quân Xiêm và căn cứ Mỹ Tho của ta làm điểm quyết chiến. Khúc sông đó có ba con rạch: Rạch Gầm, Rạch Rau Răm và rạch Xoài Mút đổ ra sông Tiền. Tại đây, Nguyễn Huệ bố trí phục binh với hỏa lực rất mạnh trên bãi đất và giồng đất xã An Đức và trên cù lao Thới Sơn. Đêm mùng 9 tháng CHạp năm Giáp Thân (tức 19-1-1785), thủy binh Xiêm ào ạt tiến thẳng đến Mỹ Tho.
Nguyễn Huệ cho quân cầm cự và rút lui từ từ, nhử quân địch vào trận địa mai phục. Khi toàn bộ đại quân địch lọt vào khúc sông đã bố trí sẵn, Nguyễn Huệ mới phát lệnh cho phục binh đánh dữ dội. Ba trăm chiến thuyền lớn và hàng ngàn thuyền nhỏ của địch như con rắn khổng lồ bị chặt ra từng khúc mà tiêu diệt. Thủy quân Tây Sơn phục sẵn từ các on rạch lao ra chặn đầu, khóa đuôi và đánh tạt sường. Trận thủy chiến diễn ra vào đem 19-1 rạng ngày 20-1-1785.
Về thủy triều, Rạch Gầm – Xoài Muát thuộc sông Tiền, cách cửa Tiểu khoảng 70km. Tháng Giêng ở miền Tây Nam bộ thuộc bộ mùa khô, nên ảnh hưởng thủy triều có vai trò quan trọng trên đoạn sông này. Căn cứ vào số liệu thực đo mực nước tại Vũng Tàu và Mỹ tho cũng như về dòng chảy tại Rạch gầm hiện nay, kết hợp với tư liệu tương ứng về điều kiện thiên văn, ta có thể biết được các đặc trưng về mực nước triều, dòng triều tại khu vực Rạch gầm – Xoài Mút và những diễn biến thủy triều tại cách đây hơn 200 năm về trước.
Trước đây hơn 2 thế kỷ, đoạn sông từ của Tiểu đến Rạch Gầm không khác biệt so với ngày nay (có thể sâu hơn và rộng hơn). Do đó, thủy triều từ biển vào cũng không khác nhiều. Căn cứ vào điều kiện thiên văn và khí tượng thủy văn được cho vào các ngày 19 và 20 -1- 1785, kết hợp với các đặc trưng thủy triều từ số liệu thực đo tại khu vực Rạch Gầm và vùng lân cận hiện nay, ta co thể biết diễn biến mực nước triều và dòng triều tại thời điểm diễn ra trận chiến ở đây như sau:
– Triều lên cao nhất khoảng nửa đêm 19 rạng ngày 20-1-1785, sau đó triều xuống ở mức thấp nhất vào khoảng 5-7 giờ sáng ngày 20-1-1785. Chênh lệc lúc cao nhất và lúc thấp nhất là khoảng 1,9-2,0m.
– Dòng nước trong sông chảy xuôi từ khoảng 7 giờ tối ngày 19 cho tới khoảng 1 giờ ngày 20 với tốc độ lớn nhất khoảng 2,5km/giờ.và sau đó dòng triều lên, chảy ngược dòng sông với tốc độ lớn nhất cũng khoảng 2,5km/giờ.
Đối chiếu với tư liệu lịch sử, ta có thể rút ra một só nhận xét xác đáng về diễn biến của trận đánh:
- Trong giai đoạn đầu của trận đánh, khi thuyền chiến địch đang xuôi dòng về khu vực trận địa mà quân ta đã bố trí sẵn, quân Tây Sơn giả vờ thua, rút dần về phía Rạch Gầm. Việc này xảy ra vào đêm 19 rạng ngày 20, ứng với thời đoạn triều rút, thủy binh địch ở thế xuôi dòng sông và xuôi nước.
- Vào giai đoạn thứ hai của trận đánh mà Vũ Thế Dinh đã ghi lại tron Mạc Thị Gia Phả: “Đầu canh năm nghe tiếng đại bác nổ liên tục”, quân ta bất ngờ công kích trở lại với sự phối hợp chặt chẽ giữa thủy quân và pháo binh với quân mai phục trên bờ sông và các cù lao. Giai đoạn này trùng với thời đoạn dòng triều lên, tạo lợi thế cho thủy quân ta từ phía hạ lưu tiến lên nược sông nhưng thuận dòng (dòng triều chảy ngược). Trong sử sử liệu có ghi lại rằng quân ta đánh địch nhờ “xuôi nước và thuận gió”.
Với chiến thuyền chèo tay cách đây hơn hai thế kỷ, thuyền quân ta được tăng thêm tốc độ khoảng trên dưới 1 hải lý/ giờ và thuyền quân địch tuy xuôi nhưng lại bị ngược nước là yếu tố khá quan trọng về chiến thuật, tạo lợi thế cho đợt phản công mãnh liệt và bất ngờ của quân ta, dẫn đến chiến thắng nhanh chóng và triệt để.
Tiếp theo những chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền nă 938 và Trần Hưng Đạo năm 1288, chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785 đã chứng tỏ nhân dân Việt Nam có truyền thống dùng binh giỏi trên sông nước, biến khôn khéo, sáng tạo lợi dụng thủy triều đánh thắng giặc.
Với chiến thắng lẫy lừng Rạch Gầm – Xoài Mút, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của vị tướng trẻ 32 tuổi Nguyễn Huệ đã đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm La. Chính sử của triều Nguyễn sau này cũng phải thừa nhận: ‘Người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”. Chiến thắng đó thể hiện thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ cả trong việc dùng quân bộ lẫn quân thủy và yếu tố thủy triều có một vai trò quan trọng trong ý đồ tác chiến của ông.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay,
số 432, tháng 7, 2013