Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Giáo dục: đừng để triệt tiêu cực chưa xong đã lòi ấu trĩ

Bệnh sính bằng cấp không phải vì xếp loại trên bằng tốt nghiệp mà bởi những qui định vô lý của nhà nước ở cấp tuyển dụng. Việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp giống như tỉa bớt một lá vàng, trong khi gốc cây rỗng mục không lo chăm sóc, vun xới.
    Dư luận vẫn chưa thống nhất việc thay đổi cách chấm điểm, xếp loại học sinh tiểu học và phổ thông thì lại vừa tiếp tục tranh luận chuyện bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học, không ghi loại hình đào tạo là tại chức hay chính quy. Bên soạn thảo đưa ra nào là “Thay đổi tư duy giáo dục”, “Tiếp cận thông lệ các nước tiên tiến”, “Chống chạy đua bằng cấp”… Toàn tầm vĩ mô. Dư luận phân hóa thành ba phe. Phe ủng hộ thì ra sức bàn vô, phụ họa thêm cho bộ Giáo dục và đào tạo. Bên phản đối thì bàn ra, rằng: “Trong ngành giáo dục, mọi việc bắt đầu từ thầy cô, từ trường sư phạm”, “Học sinh, sinh viên không phải là “chuột bạch”…
    Phe đứng giữa, giữ thái độ “im lặng là vàng”, dù không ba phải. Bởi, có lẽ họ biết rõ là có nói cũng bằng thừa. Nội tên gọi của bộ chủ quản là đã có gì đó... tréo ngoe. Có giáo dục nào mà không đào tạo và ngược lại. Các nước chỉ có bộ Giáo dục, không gắn thêm mác “Đào tạo”. Việc gì cũng có hai mặt đối lập. Vấn đề là chọn việc nào phù hợp, nhiều mặt tích cực hơn.
    Những thầy cô, từng dạy học dưới hai chế độ, về hưu từ lâu, nhiều người chỉ biết lắc đầu, ước gì...
    2018 liệu có phải là năm đầu tiên và duy nhất có những gian lận thi cử kiểu này?. Ảnh biếm hoạ: Tuổi Trẻ
    Không phải ưu việt tuyệt đối nhưng rõ ràng trường học ở miền Nam trước 1975 được kế thừa tinh hoa của Pháp và Mỹ, những quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới. Trong nền giáo dục ấy, thầy cô tự chuẩn bị giáo án, không có chuyện kiểm tra, truy xét; không có thi “Sáng kiến kinh nghiệm” hay “Giáo viên dạy giỏi”… Cũng không có xếp loại thi đua A, B, C hay lao động tiên tiến, xuất sắc, chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi… Cũng không phải thu tiền học phí vì đó là việc của văn phòng. Thầy cô chỉ lo dạy. Lương giáo viên đủ nuôi cả nhà.
    Trường không có xếp đủ loại từ tiên tiến, trường điểm tới chuẩn các cấp. Phụ huynh không phải đi họp với giáo viên, tính chuyện thu chi của lớp; phải lo quà cáp cho thầy cô sao cho  phải đạo, hợp hầu bao.  Chính phụ huynh và học sinh thẩm định chất lượng và quyết định chọn trường. Học sinh phổ thông thường chọn thầy rồi mới chọ trường, thông qua danh sách thầy cô niêm yết. Không có cấp Phòng Giáo dục đào tạo trung gian mà chỉ có sở Giáo dục. Trường không phải thường xuyên đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra, thậm chí “ghé thăm” của cấp trên, không chỉ giáo dục mà của các đoàn thể. Cũng không có đủ thứ phong trào, đủ thứ chỉ tiêu như hiện nay.
    Học sinh kém mới tìm cách học thêm chứ không phải “Toàn trường phụ đạo, cả nước học thêm” như hiện nay. Học sinh tiểu học và phổ thông đều có chấm điểm, xếp hạng hàng tháng. Không báo về phụ huynh mà gắn ở bảng Thông báo của nhà trường. Từ hạng 1 đến hạng 3 hoặc 5 được lên Bảng Danh Dự riêng. Chẳng thấy ai phản đối. Cuối tháng, đứa nào cũng hồi hộp chờ xem kết quả xếp hạng, xem mình lên hay xuống. Chẳng đứa nào suốt năm hạng nhất hay đội sổ. Thứ hạng thay đổi hàng tháng. Không có xếp loại hạnh kiểm vì có qui định các mức kỷ luật riêng. Không có Sao đỏ hay “Đôi bạn cùng tiến”, “Truy bài đầu giờ”…
    Nếu cho xếp hạng gây mặc cảm cho các em học kém thì xếp loại cũng tương tự. Bỏ xếp hạng và xếp loại thì triệt tiêu động lực cố gắng từng em. Con người, ai chẳng thích khen, đặc biệt là trẻ em. Không chỉ khen học giỏi mà khen những em có thứ hạng tiến bộ, động viên những em học chưa giỏi. Chỉ có những phụ huynh xem “Con cái là đồ trang sức” mới muốn cào bằng mọi nỗ lực. Năm học lớp 9, con trai tôi năn nỉ ba vào xin thầy “Cho tự học ở nhà thay vì truy bài đầu giờ” trong lớp. Tôi rụt rè đề nghị, ngờ đâu thầy hoan nghênh, khuyến khích vì thầy khẳng định, tự học hiệu quả hơn phong trào cả lớp học chung.
    Bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp mà vẫn giữ bảng điểm và học bạ thì cũng vậy. Chỉ là một dạng “tự sướng”. Với các doanh nghiệp, bằng cấp chỉ để tham khảo, khả  năng thực tế mới quyết định vị trí và mức lương. Bệnh sính bằng cấp không phải vì xếp loại trên bằng tốt nghiệp mà bởi những qui định vô lý của nhà nước ở cấp tuyển dụng. Việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp giống như tỉa bớt một lá vàng, trong khi gốc cây rỗng mục không lo chăm sóc, vun xới. Giáo dục Việt Nam quá nhiều việc không bình thường, thậm chí quái dị, cấp bách phải thay đổi. Bắt đầu từ THẦY CÔ.
    Sư phạm không thể đào tạo đại trà, rồi bắt học thêm chứng chỉ nghề như hiện nay. Sư phạm chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội, có phụ cấp khi học và việc làm khi ra trường như bộ đội và công an, thậm chí cao hơn vì Sư phạm là máy cái của xã hội.
    Kết quả của học sinh là xếp loại của giáo viên. Bỏ các hình thức “Ngành tự làm khổ lẫn nhau”; từ giáo án, xếp loại, thi giáo viên dạy giỏi… đến đủ thứ chỉ tiêu thi đua. Xã hội chỉ muốn nhà trường là thánh đường đạo đức, là thành trì bảo vệ kỷ cương; chứ không phải là “chợ trời” chữ nghĩa, bằng cấp.
    Cần chấm dứt tình trạng loạn bằng cấp đào tạo. Học kiểu nào cũng được nhưng thi cần nghiêm túc, giống nhau và chỉ có 1 loại bằng chung.
    Đoạn tuyệt với chính sách cộng điểm ưu tiên. Kiến thức hay tình cảm không thể đong đo cụ thể rồi phân phối hoặc bố thí như của cải vật chất. Tất cả chân lý phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Hiệu quả công việc là bằng cấp xã hội chính xác nhất.
    Thay đổi - phải bắt đầu từ cấp cao nhất của ngành Giáo dục, từ các trường Sư phạm và chính các thầy cô rồi mới đến học sinh. Không thể đi tắt đón đầu được. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nhân nào thì quả đó. Tự giác phải đi liền với những biện pháp kỷ luật nghiêm minh.
    Chưa thể tiệm cận với các nước tiên tiến, nhưng học tập điều của giáo dục miền Nam trước 1975 đã từng, chắc là không khó.
    Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giảng viên thực tế Khoa Du lịch, đại học Nguyễn Tất Thành)

    Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

    Những đòi hỏi mới của thời cuộc

    17/04/2005 21:55 GMT+7

    Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...

    2yGvY2gs.jpglbQyiPeg.jpg
    Nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt
    Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...
    Tuổi Trẻ đăng lại bài trả lời phỏng vấn này từ tuần báo Quốc Tế (số ra ngày 31-3-2005).
    * Thưa ông, thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày tiếp quản Sài Gòn, và ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo còn lại từ cuộc kháng chiến đó, ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?
    - Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây ba chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.
    * Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm?
    - Không gì là không làm được! "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người VN. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người VN chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và VN sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp.
    * Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để làm điều đó, thưa ông?
    - Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao điều cần nói, biết bao việc cần làm.
    * Theo ông, bây giờ việc cần làm tiếp là gì?
    - Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.
    * Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt?
    - Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người VN cảm nhận được điều đó.
    * Khó khăn nằm ở chỗ nào, thưa ông?
    - Hồ Chủ tịch từng mong muốn khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn quốc tế. Sau năm 1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác làm việc này. Đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và cảm ơn là việc làm phù hợp đạo lý và truyền thống VN. Nhưng về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.
    * Ông Minh đã tuyên bố đầu hàng?
    - Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28-4-1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này.
    * Theo ông, từ đâu ông Minh lại có quyết định như vậy?
    - Thế thắng của ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của ông Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông. Ông Minh là vị tướng đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm, ông cũng là người sau đó đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông.
    * Và, "lực lượng thứ ba" cũng đóng một vai trò đáng kể, thưa ông?
    Nếu chúng ta không tự khắc phục được những lực cản, không phát huy được nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài để có được mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới thì khoảng cách của sự tụt hậu so với khu vực, với thế giới là không thể nào thu hẹp được. Tôi muốn lưu ý rằng làm được một chiến thắng kỳ vĩ như 30-4-1975 mà say sưa, như tự mãn nguyện thì cũng đã từng phải trả giá. Thế giới đã đi rất xa, chúng ta phải nhanh chân chứ đừng tự ru ngủ mình để rồi sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.
    - Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc.
    * Thưa ông, ở thời điểm này nhìn lại, ông có bằng lòng với những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua?
    - Chúng ta đều có thể vui mừng khi có một VN thống nhất, quyết tâm vượt qua nghèo đói và quyết tâm hội nhập như ngày hôm nay. Nhưng nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985.
    * Bài học về những năm bỏ lỡ cơ hội này là gì, thưa ông?
    - Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích! Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục giữ được sự tăng trưởng khá, đó là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng với một nước mà GDP chỉ mới đạt trên dưới 40 tỉ USD như VN, mức tăng trưởng 6-7% chưa phải là đã đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nhu cầu hội nhập.
    * Thưa ông, trong đối ngoại chúng ta nên tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới?
    - Những kết quả đối ngoại vừa qua, trong một chừng mực nhất định, đúng là đã góp phần mở đường để giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhưng nội dung cụ thể của những khẩu hiệu ấy là gì? Và tới đây, với một thế giới đang thay đổi từng ngày như thế này, chúng ta lựa chọn và xây dựng vai trò và vị trí của mình như thế nào là điều hết sức quan trọng.
    Sau sự kiện ngày 11-9-2001, những biến cố ở Trung Đông, những cải tổ chính trị tích cực từ bên trong của các nước ASEAN như Indonesia, sau sự kiện sóng thần tàn phá ở một số nước Đông Nam Á..., tất cả cho thấy thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thật sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc.
    Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc.
    * Xin cảm ơn ông.
    Tuổi Trẻ chúng tôi không quên quá khứ!
    Hoa Kỳ, 29-4-2005
    Kính gửi chú Sáu Dân
    Kính gửi chú Sáu Dân! Xin phép chú trước vì đã gọi chú bằng chú Sáu Dân, vì cháu nghĩ đây là tên gọi có thể biểu lộ được sự quý mến cũng như sự thân mật giữa người thân trong gia đình.
    Từ năm 1976, khi ấy cháu mới có 13 tuổi! Ngày đó cháu rất xúc động khi thấy chú trao lá cờ đỏ sao vàng đến thanh niên VN. Sau đó đọc những lời phát biểu của chú trên báo chí, cháu rất tâm đắc với câu: "Kính chào thế hệ thứ tư!" (mặc dù lúc ấy ba cháu - một cựu sĩ quan của chính quyền Sài Gòn, đang học tập cải tạo).
    Càng tìm hiểu sâu hơn về những năm tháng khi mà đất nước vẫn còn bị cấm vận của Mỹ, rồi khó khăn về kinh tế... và những gì đã đi qua khi chú là Bí thư Thành Ủy của TP.HCM, rồi đến khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới tư duy kể từ ĐH Đảng lần thứ VI, và những đóng góp tích cực của chú qua những năm tháng làm Thủ tướng chính phủ nước CH XHCN Việt Nam, những cuộc chạy đua Marathon của chú về ngoại giao từ Châu Âu sang các nước Châu Á vào những năm cuối của thập niên 80 và đầu 90... cháu càng cảm phục chú thật nhiều!
    Tiếp theo, cháu đã được chứng kiến những dấu hiệu tươi sáng đến với VN: Kinh tế dần dần hồi phục, người dân đã tương đối có gạo ăn và đủ để xuất khẩu. Bộ mặt xã hội, đường phố, con người... khắp nơi đã phần nào dịu đi những lo âu thường ngày... Không khí đổi mới đã dấy lên mọi nơi.
    Mọi người hăng hái làm việc với một tinh thần tự giác cao hơn. Đó là một trong vô số những thành tựu mà đất nước đã có được sau 30 năm kể từ ngày 30-4-1975. Cho đến nay, một thế hệ trẻ VN đã và đang lớn lên trong một xã hội thanh bình. Nhũng khắc khoải, lo sợ về chiến tranh đã không còn nữa! Họ đã và đang cố gắng làm việc, học tập để mong ổn định và phát triển hơn nữa để phát triển chính mình và cũng là để đóng góp cho xã hội, đất nước VN đi lên trên con đường hội nhập vào thế giới hiện nay.
    Khắp nơi đã và đang vang lên những lời ca tiếng hát, những tiếng hát xuất phát từ tình yêu đất nước, yêu chính bản thân mình. Vì họ cũng đã và đang hiểu cái giá trị có được ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có mà là do sự hy sinh của bao người đã ngã xuống từ ngày hôm qua.
    Thế hệ hôm nay là hình ảnh mơ ước của cha anh họ ngay trong cảnh hoang tàn đổ nát chiến tranh. Lớp người trẻ hôm nay hẳn luôn tự hào về cha anh mình. Dù đứng ở phía bên này hay phía bên kia cuộc chiến, dù là con của Cộng Sản hay con của người Quốc gia, nhưng hôm nay, họ đang cùng nhau đứng chung một bóng cờ mà chú đã trao cho họ ngày hôm nào.
    Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Thống Nhất, kính chúc chú Sáu Dân vui và trẻ mãi với Tuổi Trẻ Việt Nam.
    PHAN LẠC ĐÔNG QUÂN
    Cảm ơn những lời tâm huyết của cựu thủ tướng
    Rất cảm ơn cựu Thủ tướng đã có những lời rất tâm huyết, thật sự vì dân vì nước chứ không "sáo rỗng" như mọi người thường nghe hàng ngày. Cầu mong những điều đó sớm được những người đương chức hãy thực sự vì dân, vì nỗi nhục nghèo hèn của dân tộc Việt mà thực sớm hiện.
    Xin Báo Tuổi Trẻ cho tôi chuyển tình cảm chân thành và sự kính trọng, cảm phục đến Bác Võ Văn Kiệt, và chúc Bác mạnh khỏe để còn tiếp tục đóng góp cho đời. Chào trân trọng.
    Một vòng tay lớn của tất cả người dân VN cho ngày giải phóng quê hương 30/4?
    Trong những hoạt động kỷ niệm ngày vui mừng 30 thống nhất đất nước này, tôi thật xúc động khi nghĩ đến hàng triệu người dân trên toàn đất nước của 3 miền Bắc - Trung - Nam đang dành những cảm xúc thiêng liêng và hân hoan để hoà mình vào ngày vui thống nhất đất nước lần thứ 30.
    Chợt nghĩ đến một vòng tay nối liền đất nước như trong lời bài ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "... bàn tay ta nắm, nối liền một vòng Việt Nam". Vòng tay mà nhạc sĩ tài ba đã kỳ vọng thành một bài hát trong những tháng ngày đấu tranh để đón chờ một ngày thống nhất. Trong ngày vui vẹn toàn này, hình ảnh về một "Vòng tay lớn" đó lại hiện lên trong tôi như một ý tưởng cho một hoạt động, sự kiện thực tế để kỷ niệm cột mốc lịch sử 30/4, ngày non sông vẹn toàn, ngày đất nước nối liền một dải.
    Đất nước chúng ta có hơn 80 triệu dân. Mỗi một người sẽ có một sải tay khoảng 1 mét. Chúng ta cũng có con đường thiên lý (QL 1A) nối Sài Gòn với Hà Nội khoảng hơn 2000 km. Như vậy nếu một người dân cùng dang tay ra để nắm lấy nhau trên con đường dọc trục Bắc Nam của đất nước thì khoảng cách của những sải tay ấy sẽ sẽ đủ bao phủ dọc chặng đường này. Sải tay ấy sẽ nối liền một đất nước Việt Nam thanh bình tươi đẹp.
    Một vòng tay dài đan kết đó sẽ là một vòng nối kết từ lịch sử hào hùng đến tương lai tươi rạng. Vòng tay nối lại đó là một tổ quốc thân thương được ôm trọn cùng nhau. Vòng tay lớn đó sẽ truyền lan đến nhau sự đoàn kết và hân hoan trong một niềm vui của quê hương, dân tộc...và trong phút giây kỳ diệu tuyệt vời đó, mọi người trong vòng tay cùng bắt nhịp bài hát: Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
    Tôi đã nghĩ về điều này thật nhiều, và trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước này, hình ảnh một vòng tay lớn đó đã thôi thúc tôi đề xuất một ý tưởng: "Vòng Tay Lớn Việt Nam" như là một hoạt động văn hoá hoặc là một sự kiện kỷ niệm có tính quốc gia để trong mỗi chúng ta sẽ có một ấn tượng xúc động và trân trọng về một ngày lễ lớn.
    Vòng tay lớn đó có thể là ý tưởng nhưng không thể là hoang tưởng vì hôm nay, chúng ta đã có được một nền độc lập tự do trọn vẹn từ một cuộc đấu tranh kiên cường với sức mạnh của dân tộc quật khởi. Chúng ta đã ngăn sông, phá núi để xây dựng lại đất nước bằng ý chí kiên cường. Chúng ta cũng bằng một nội lực phát triển đã đưa đất nước Việt Nam vươn lên, hội nhập với thế giới... thì việc thực hiện một vòng tay dọc theo đường thiên lý của đất nước của mọi người dân trong một ngày lễ lớn của dân tộc là điều có thể thực hiện được.
    Tôi mong sao từ ý tưởng trên này (có thể không khả thi) sẽ có thể có những ý tưởng khác bằng những hoạt động và cách tổ chức trên cơ sở Nối vòng tay lớn này sẽ ra đời để mọi người dân Việt Nam sẽ có được một dịp kỷ niệm ấn tượng và đầy cảm xúc tự hào dân tộc.
    Hy vọng đến một dịp kỷ niệm ngày 30/4 gần nhất hoặc là vào dịp kỷ niệm 35, 40 hoặc 50 năm ngày thống nhất đất nước, Vòng Tay Lớn Việt Nam sẽ Nối liền một vòng Việt Nam.
    NGUYỄN HUY QUÂN
    Tuổi trẻ chúng tôi xin gửi lời tri ân!
    Sinh ra và lớn lên trong thời bình, thế hệ trẻ chúng tôi thật may mắn khi không phải trải qua bom lửa chiến tranh, không phải sống những tháng ngày khốc liệt đầy những đau thương mất mát ấy.
    Nhưng với những trang lịch sử được học, những lời giảng được nghe từ thầy cô... chúng tôi vẫn phần nào hiểu được chiến tranh là như thế nào, dẫu rằng sự cảm nhận ấy không thật sự trọn vẹn. Nhưng không như mọi người vẫn hoài nghi rằng dường như giới trẻ chúng tôi đang ngày càng "mất gốc lai căn", ngày càng quên đi "lòng tự hào, tự tôn dân tộc "... thực tế là không phải như vậy.
    Chúng tôi chưa từng quên và sẽ không bao giờ dám quên đi lịch sử hào hùng của dân tộc, và niềm tự hào mình là người Việt Nam. Làm sao chúng tôi dám quên đi những hy sinh mà thế hệ đi trước đã dành trọn cho chúng tôi hôm nay!
    Thế nên, ngày nay vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đã rơi nước mắt khi được xem những hình ảnh về những cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, về những câu chuyện "hai quả bom không bao giờ rơi tại một chỗ...". Hay hôm nay vẫn còn bao đôi mắt trẻ đã phải đỏ lên khi được nghe kể về những người chiến sĩ ngã xuống trước thời khắc đất nước giải phóng nhưng trên môi vẫn nở nụ cười hạnh phúc...
    Xúc động nhiều lắm! Nhưng chúng tôi đã chưa có cơ hội được nói lên những tình cảm, suy nghĩ của mình... Chưa một lần nói ra, nhưng không có nghĩa là chúng tôi lãng quên. Thời gian trôi thật nhanh, nhưng hàng ngày, hàng giờ thế hệ trẻ chúng tôi vẫn không ngừng phấn đấu, không ngừng học tập vươn lên để góp tay xây dựng đất nước Việt Nam. Dẫu thế nào, tôi vẫn luôn tin rằng, thế hệ trẻ vẫn luôn trân trọng những gì mình đang có, và sống xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông đã hy sinh cho chúng tôi...
    Hôm nay, sau 30 năm đất nước được hoàn toàn độc lập thống nhất, thế hệ trẻ chúng tôi xin được một lần nói lời "tri ân" đến những người chiến sĩ năm xưa, những người đã đi qua chiến tranh cho màu xanh đất nước được nảy mầm!
    HOÀNG THỊ CẨM TÚ
    Cảm ơn “lão tướng” Võ Văn Kiệt!
    Những lời tâm huyết của một người đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như “lão tướng” Võ Văn Kiệt đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm. Cái nhìn khoan dung và sự thực tâm hòa hợp là điều cần thiết nhất trong lúc này. Nguyên thủ tướng đã nói: “Muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
    Sự khoan dung và hòa hợp chỉ có thể có khi chúng ta thật sự coi nhau là đồng bào, khi chúng ta thực tâm lo cho dân, cho nước. Chúng tôi hiểu rằng: đằng sau tất cả những biến động của thời cuộc là tinh thần dân tộc, là nghĩa đồng bào, là sự khoan dung, độ lượng của chúng ta với chính mình và người khác. Lấy vụ kiện chất độc da cam làm ví dụ. Chúng ta đã bước đầu thực hiện sự hòa hợp ấy khi nhìn nhận nạn nhân chất độc da cam mà không phân biệt chiến tuyến.
    Chúng ta vui mừng với chiến thắng, nhưng chúng ta cũng đừng quên cái giá rất đắt mà dân tộc của chúng ta đã và đang phải trả. Hãy đau với những mất mát, với những vết thương của dân tộc mà hiện nay chúng ta đang nỗ lực hàn gắn. Để đất nước VN là một, dân tộc VN là một!
    Cảm ơn ông, “lão tướng” Võ Văn Kiệt! Cảm ơn sự thẳng thắn, dũng cảm, chân thành của ông!
    Những lời tâm huyết chờ đợi từ lâu
    Bằng những cảm nghĩ chân tình và sâu sắc, ông đã nói lên được nỗi trăn trở của hàng triệu gia đình sống ở miền Nam trong những năm tháng dài đất nước bị chia cắt, nhất là khi ông nhắc đến cuộc chiến đã kết thúc cách đây 30 năm: “...
    Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu...”, bởi vì “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn...”. Thật vậy, hoàn cảnh lịch sử của đất nước 50 - 60 năm về trước đã khiến nhiều bộ phận trong cộng đồng dân tộc không đi cùng với nhau trên một con đường và điều này chính là nỗi đau mà hàng chục triệu người đã phải đối mặt trong những thăng trầm lịch sử đã qua.
    Xin cảm ơn nguyên thủ tướng, tôi tin rằng những người VN hôm nay, dù ở hoàn cảnh nào, trong hay ngoài nước, sau khi đã đọc những lời phát biểu “tự đáy tâm can” của ông, họ sẽ cảm thấy ấm lòng khi có người nói lên những lời tâm huyết mà họ đã chờ đợi từ lâu.
    Cũng là suy nghĩ của hàng triệu người VN
    Là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, cho nên tôi rất tâm đắc và xúc động với bài trả lời của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi trộm nghĩ những lời ông nói phải chăng chính là những suy nghĩ của hàng triệu người VN, một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm, nhưng lòng khoan dung, nhân hậu chưa bao giờ mai một.
    "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo", ông cha ta ngày xưa đã làm được điều đó đối với thế lực xâm lăng, vậy thì cớ gì chúng ta, những hậu sinh thời nay 30 năm sau chiến tranh, không thể dang tay đón nhận những người anh em từ khắp phương trời trở về chung tay xây dựng mái nhà VN thân yêu của mình.
    THẠCH ANH thực hiện

    Con đường hòa giải và hòa hợp dân tộc: Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta

    Quốc Phong

    VietTimes -- Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước ta. Không chỉ bằng những quyết sách, lời nói mà bằng những hành động cụ thể, làm cho người Việt ở cả "hai phía"  đoàn kết xây dựng đất nước mẹ thân yêu. Tuy nhiên con đường để đi đến hòa giải, hòa hợp không hề đơn giản và suôn sẻ. Những câu chuyện mà Nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó TBT báo Thanh niên kể ra dưới đây là một minh chứng.

    "Phải nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta..."- Lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
    "Phải nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta..."- Lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

    Ngay từ năm 1995, khi đất nước Việt Nam Thống nhất mới được 20 năm, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã luôn đau đáu suy nghĩ đến vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc (HGHHDT). Và chúng ta nên biết quan điểm sáng suốt này của ông được bày tỏ vào thời điểm khi ông là Cố vấn BCH TƯ Đảng ta (1986-1997), sau 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ (1955-1987). Đó cũng là bối cảnh nước nhà chuẩn bị tiến tới Kỷ niệm 20 năm ngày Việt Nam Thống nhất . 
    Sự khác biệt về ý thức hệ có ở nhiều gia đình
    Chuyện như cái tít của bài viết này, nghe tưởng như xóa bỏ là không quá khó ấy, đến nay đã 45 năm vẫn chưa xong.  Đảng, Nhà  nước chúng ta dù đã hết sức kiên trì đeo đuổi và đạt được một số thành quả nhất định rất đáng mừng, nhưng xem ra vẫn gian nan và cũng khó thật. 
    Chúng ta cũng chưa thật sự đạt được khát vọng này như mong muốn từ các nhà lãnh đạo tiền bối. Tôi cho rằng, đó là một điều rất đáng tiếc mà lẽ ra không nên thế bởi chúng ta có thể làm tốt hơn nếu người người, nhà nhà đều có chung mong muốn. 
    Quê tôi ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, ngôi làng vốn có truyền thống khoa bảng và ở mọi thời kỳ lịch sử đều có nhiều người tham gia trong triều chính. Đến khi đất nước chia làm 2 miền, làng tôi có cả trăm gia đình di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài sinh sống. Họ đều trưởng thành không khác gì nhau mấy. 
    Số người ở miền Bắc, được học hành và trưởng thành với gần 200 giáo sư, tiến sĩ (riêng GS và PGS cũng có khoảng gần 70 người). Làng tôi cũng có đến 7-8 vị giữ trọng trách từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên cho đến cỡ Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng có. Làng tôi còn có hơn chục vị tướng lĩnh nhưng hầu hết là tướng làm khoa học.
    Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta - ảnh 1
    Đây là tấm hình đặc biệt của phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành (TTXVN) ghi lại rất đẹp. Bức hình được ông chụp tại vùng giáp ranh Long Quang, Triệu Phong, Quảng Trị tháng 4/1073, khi Hiệp định Paris  về Việt Nam vừa được ký kết, mang lại hòa bình cho đất nước. 
    Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta - ảnh 2
    Ông Phạm Thế Duyệt,Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam thời kỳ 2004 tiếp gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ.
    Trái lại, cũng vẫn trong chính những gia đình đó ở làng tôi, có biết bao người di cư do họ từng chứng kiến tận mắt Cải cách ruộng đất với nhiều nỗi mất mát, đau xót để rồi đành phải ra đi, sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tôi  biết, số trí  thức, quan chức cấp cao cũng không hề ít. 
    Vì thế, sự mâu thuẫn trong ý thức hệ ngay trong một gia đình là chuyện không thể không xảy ra. 
    Tôi là người sinh ra trong một gia đình cũng như không  ít gia đình Việt Nam trong một đất nước từng chia cắt như vậy nên đã mục kích cảnh cha, chú của mình, là những cán bộ và sỹ quan quân đội Cách mạng tham gia 2 cuộc kháng chiến nhưng cũng có nỗi đau riêng. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, họ cũng từng phải tìm đến các trại học tập cải tạo thăm các em ruột mình đang ở đó. Họ vốn tham gia trong quân đội, trong cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa. 
    Vì thế nên tôi càng thấu hiểu hơn ai hết nỗi niềm day dứt này và mong sớm được hàn gắn. Đó chính là khát vọng HGHHDT trong mỗi gia đình, trong đó có gia đình chúng tôi.
    Muốn vậy, mọi người trước hết cần phải thực tâm và cả hai phía cần có sự chân thành, vị tha, gác lại quá khứ. Muốn vậy, hãy tăng cường đối thoại để từ đó có thể hiểu nhau hơn, tránh bất đồng chính kiến, mâu thuẫn về ý thức hệ kéo dài.
    Chuyện đúng 25 năm trước 
    Tôi được trực tiếp nghe chuyện này từ nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong cái ngày gần cuối của kỳ họp Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) kết thúc. Số là bữa đó, ông Tư Sang cho mời anh em chúng tôi đến nhà công vụ tại đường Phan Đình Phùng để gặp gỡ, chia tay cánh bạn học cũ của Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc trước ngày bế mạc Quốc hội để ông chủ động trở về thành phố Hồ Chí Minh với cuộc sống đời thường.
    Chúng tôi từng gắn bó với nhau trong suốt 2 năm khó khăn, thiếu thốn vật chất của một thời kỳ đầu Đổi mới nhưng chưa được hưởng thụ. Cũng vì khổ cho nên đầy ắp kỷ niệm khi học cùng. Ông Trương Tấn Sang từng là Trưởng đoàn học viên Khóa 15 (1988-1990) của tụi tôi, là học viên duy nhất của Học viện được cử tham gia BCH Đảng ủy Học viện bởi lúc đi học, ông đã là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
    Sau nhiều câu chuyện khác, ông có nhắc đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với tấm lòng thành kính, xem “Ông Già” như bậc cha chú .
    Ông Tư Sang (tên thường gọi theo lối Nam bộ) kể: "Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Ông thực sự là một triết gia. Tầm nhìn ở ông đặc biệt lắm và rất đáng kính nể. 
    Hồi ông còn khỏe, ông cũng từng đến nhà tôi ở trong TP. Hồ Chí Minh. Ông đến căn nhà gia đình tôi ở đường Thạch Thị Thanh, quận Bình Thạnh. Đây là ngôi nhà nhỏ, chằn chặn có diện tích chỉ có trên 50 mét vuông mà tôi vẫn ở trước cả hồi ra Hà Nội học cho đến bây giờ. Ông đến thăm nhà tôi không phải để nói chuyện riêng tư hay căn dặn chuyện gì. Ông đến là để qua đó quan sát xem một anh lãnh đạo thành phố như tôi thì  hiện ăn ở ra sao. Không phải đơn giản đâu các anh chị nhé!
    Tôi ra Hà Nội công tác, biết tin, ông cũng hay kêu tôi lại nhà trong Phủ Chủ tịch để hỏi chuyện. Qua đó, ông muốn có thêm thông tin mới về một thành phố lớn và thuộc loại đông dân nhất nước hiện ra sao? Hiện đang có vấn đề gì không? Ông rất quý tôi sau những dịp tiếp xúc đó.
    Với tôi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng ghê gớm. Nhiều lúc, ông chỉ hỏi bâng quơ rằng: "Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài này chưa? Cậu đọc cuốn sách mới vừa xuất bản A,B,C... này kia chưa?". Rồi ông nhắc tôi nên lưu ý tìm đọc nếu chưa đọc hoặc nếu tôi đã đọc thì cả hai cùng đàm đạo"
    "Quả thật, ông là một triết gia rất đáng nể trọng!- Ông Tư Sang nhận xét, rồi kể tiếp câu chuyện mà tôi vừa nêu ở ngay phần mở đầu bài viết: "Hồi tôi làm Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh năm 1995, đó cũng là lúc thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn và Thống nhất đất nước. Thường vụ Thành ủy giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm này. Tôi ra gặp anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để xin ý kiến chỉ đạo. Anh Sáu bảo cậu sang hỏi Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tôi sang gặp Tổng Bí thư thì ông Mười bảo: "Thôi, cậu sang tham khảo anh Tô (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thì hay hơn".
    Khi đó, ông Phạm Văn Đồng là Cố vấn BCH TƯ Đảng. Tôi thưa chuyện với ông: "Cháu mong chú góp ý cho một việc quan trọng mà cháu được Thường vụ Thành ủy phân công dịp này. Cháu lo lắm chú à!".  "Ông Già" cười vang "kha , kha, kha...", giọng đầy hào sảng, rồi nói: "Cậu muốn viết gì thì viết, nhưng tinh thần của bài phát biểu đó phải toát ra được cái ý cần khép lại quá khứ hướng tới tương lai.
    Nói như thế nào đó để cả dân tộc này thấy được niềm tự hào vô biên về sự nghiệp giải phóng đất nước. Tự hào vì dân tộc ta đã đánh bại được một đội quân xâm lược nhà nghề mạnh bậc nhất thế giới. Viết thế nào để cho thế giới thấy được chúng ta đang đứng ở đỉnh cao của thời đại Hồ Chí Minh mà chú cháu mình đang sống...."
    Dừng một lúc Cụ nói tiếp: “Tư tưởng chủ đạo của bài diễn văn này, theo tôi, cậu phải làm sao thể hiện cho được tính nhất quán, đó là chúng ta thực lòng mong sớm HGHHDT. Phải nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta..."
    Thời điểm này, thực ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta cũng đã có ý đó. Nó cũng không phải là quá mới mẻ gì nhưng rõ ràng,  tôi có cảm nhận là ông luôn suy nghĩ đau đáu về nó.
    Quay trở lại câu chuyện tôi đến xin ông ý kiến chuẩn bị bài phát biểu. Tôi xin phép ông sau khi viết xong thì quay lại để ông tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện thì bị ông gạt ngay: "Tôi đã già, sắp chết rồi. Cậu viết thì cậu phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại lại bắt ông già này xem qua ?" (Nói đến đó, ông lại cười lớn "kha, kha, kha...) và động viên tôi: "Làm Cách mạng là phải tự lực như vậy! Sau này, rồi cậu sẽ còn làm lớn hơn thế !"
    Chính vì ông Tô  đã nói vậy cho nên ông Tư Sang cũng  không dám quay lại xin ông Tô góp ý thêm. Song, ông Tư Sang cũng không bao giờ quên được những ấn tượng đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chú Tô kính mến của mình .
    Nói câu chuyện này là để thấy chúng ta, ngay từ 25 năm trước đã rất có ý thức công việc này bởi chỉ có vậy thì hai chữ HÒA BÌNH thực sự mới có trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó phải là điều được thực hiện cả bằng tấm lòng và từ trong tâm khảm của những người đứng đầu đất nước và chúng ta có muốn như vậy thật không? Có dồn tâm, dồn sức để thực hiện ý nguyện đó không?
    Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta - ảnh 3
    "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... "- Cố THủ tướng Võ Văn Kiệt- Ảnh internet.
    Những chuyện từ 15-17 năm trước
    1. Năm 2005, cố Thủ tướng  Võ Văn Kiệt, từng có một lời phát biểu khiến nhiều người  bừng tỉnh khi nói về ngày 30/4. Ông trải lòng trên tuần báo Quốc tế (của Bộ Ngoại giao) trong bài phỏng vấn vào ngày 30/3/2005. Bài báo có tựa đề “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”. Ông bày tỏ :
    "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...". 
    Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập tờ báo này từng kể cho biết số phận đặc biệt của bài báo đó từ khi thực hiện cực kỳ nghiêm cẩn và công phu từ cuối 2004 để đăng vào số báo Tết.
    Với  bao câu chữ được gửi gắm vào trong đó có lẽ là những gì “gan ruột” nhất của ông Võ Văn Kiệt cũng như những người có trách nhiệm trong tờ báo muốn bày tỏ sau 30 năm đất nước thống nhất về vấn đề HGHHDT. 
    Thế  rồi  báo thì chưa ra nhưng rồi bỗng có mật lệnh yêu cầu không được đăng. Ông Võ Văn Kiệt bất ngờ và tỏ ra bực mình đến độ phải gửi thư yêu cầu lên cấp rất cao trong Bộ Chính trị cho biết ai ra lệnh ngừng đăng ? 
    Và đến lúc một cái lệnh miệng khác lại ban ra cho báo: "Phải đăng!” thì chính lúc đó ông Kiệt lại không đồng  ý nữa, để rồi lãnh đạo Bộ Ngoại giao phải đi thuyết phục rất vất vả thì ông mới nguôi ngoai và để cho đăng. Sau đó, các báo trong nước và quốc tế dồn dập đăng lại như một sự kiện đặc biệt quan trọng bởi quá nhiều người quan tâm. Nó thể hiện rất rõ một cái nhìn nhân văn của một nhà cách mạng lão thành được nhiều người quý trọng, tin yêu.
    Rồi tiếp đó, đến 30/4/2007, trả lời phỏng vấn BBC, ông Võ Văn Kiệt lại phát biểu: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được... Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình... Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào... ". 
    Ông Võ Văn Kiệt cho rằng đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ và "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng... Chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta...”
    2. Tôi là người có dịp được gặp Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Hà Nội từ ngay lần đầu ông đặt chân về thăm quê hương đất nước (2004) kể từ trước ngày 30/4/1974.
    Hôm đó, bất chợt tôi nhận được cú điện thoại của ông Đào Hồng Tuyển,"Chúa Đảo Tuần Châu" gọi. Ông nói: “Tôi có chút việc cần trao đổi gấp với Quốc Phong”.
    Khi tôi đến Nhà hàng nổi tiếng Paris Deli ở phố Phan Chu Trinh, (nằm chếch bên Nhà hát Lớn Thành phố) thì bất ngờ thấy ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đang ngồi đó. Trong bàn còn có cả ông Đào Trọng Cường, ông chủ về ngành khai thác đá quý với Công ty đá quý Thần Châu Ngọc Việt nổi tiếng. 
    Tôi rất bất ngờ vì không biết trước có ông Cao Kỳ ngồi đó. Nhưng do lúc ở tòa soạn, tôi cũng đang phải xử lý đôi chút "kỹ thuật” của cái gọi là “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến câu nói gây sốc trong cộng đồng người Việt ta ở hải ngoại lúc sáng hôm đó trên mặt báo Thanh niên. Vì thế, tôi đã thầm hiểu ngay ra vấn đề. Họ muốn bàn với tôi cách “tháo bớt hơi cho trái bóng” đang có nguy cơ nổ thành “bom” hôm đó.
    Là chuyện khá nhạy cảm cho nên trong bài viết này tôi xin phép không nhắc lại bởi nó không phù hợp với chủ đề mà tôi muốn đề cập. Báo Thanh niên chúng tôi ngày đó đã phạm phải sai lầm trong công tác tuyên truyền HGHHDT dù ông Cao Kỳ không hề cường điệu khi phóng viên chúng tôi hỏi ông về chuyện tham nhũng xưa và nay ở “hai bên", ở nước ngoài mà ông biết. 
    Vốn tính ông Cao Kỳ là người nói không bóng bảy mà cứ thẳng băng. Kiểu nói  của cánh tướng đánh trận cho nên đã bị sự phản ứng quyết liệt của cánh cựu quân nhân cũng như viên chức trong chính quyền Sài Gòn cũ. Đây có lẽ là bài học không chỉ với chúng tôi mà cho cả báo chí của chúng ta nói chung. Không nên tranh thủ chớp được ý tứ gì cảm thấy “đắt” trong đó rồi khai thác thiếu tính toán dù với nghiệp vụ báo chí thì đó là chi tiết cực kỳ “đắt”. 
    Chúng tôi đã phải dừng không đăng tiếp một phần nữa đã khai thác mà ông nói với phóng viên Lưu Quang Phổ của chúng tôi  và quả thật chúng tôi rất lấy làm tiếc.
    Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta - ảnh 4
    Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng hòa kể từ 2006 đã được đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
    Phải làm sao để những ai còn chưa là bạn chúng ta thành bạn chúng ta - ảnh 5
    Tôi vừa tìm ra trong đống lưu trữ bài phỏng vấn này. Tiếc rằng hôm nay ông đã khuất núi. Thế nhưng, để góp thêm cho bạn đọc hiểu đôi chút, ông Nguyễn  Cao Kỳ đã tâm sự rất thật lòng ngay từ những ngày đầu đặt chân trở về đất Mẹ Việt Nam, về thăm Thành cổ Sơn Tây, nơi ông từng gắn bó với gia  đình thời tuổi trẻ của ông. 
    PV TN hỏi :- Động cơ nào khiến ông trở về Việt Nam? Và vì sao hôm trước ở Sơn Tây, ông có nói sẽ còn tiếp tục trở về Việt Nam ?
    Ông Nguyễn Cao Kỳ: Mấy tháng trước thì ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Đình Bin có sang Mỹ. Ông  ấy có gặp tôi, có đánh golf, rồi ăn cơm. Ông ấy nói rằng chủ trương của lãnh đạo  chúng tôi là muốn cả trong lẫn ngoài cùng nhau xây dựng đất nước. Thế thì tôi về.
    Thành thực mà nói, tôi cũng đã bảy lăm tuổi rồi, chẳng còn tham vọng gì. Tôi chẳng đặt vấn đề vinh nhục, thắng thua gì nữa, tôi muốn bỏ dĩ vãng đi. Nếu mình thành thực muốn phục vụ đất nước thì phải hướng tới tương lai. Cả trăm ngàn người Việt đã về nước nhưng tôi là người mà dư luận hải ngoại quan tâm nhất. Vậy thì có lẽ tên tuổi tôi vẫn còn một chút gì để cho người ta chú ý. 
    Ý thức được điều ấy nên tôi nghĩ phải làm việc gì đó cho quê hương. Về chuyện trở về, tôi nghĩ mình còn nhiều bạn bè, họ có tiềm lực, dư sức đầu tư về góp phần xây dựng đất nước. Thế thôi, tôi chẳng đặt điều kiện gì...”
    Thực tế, chuyện mà ông có ý muốn đưa một vài tỷ phú Mỹ đến đầu tư tại Việt Nam là có thật. Tuy ông rất thiện chí nhưng sau đó kế hoạch này bị trục trặc cho nên không thành. Trong làm ăn thì đó cũng là câu chuyện rất bình thường . Dù sao thì chúng ta vẫn đánh giá cao  sự thực lòng đó của ông, đặc biệt nhất là những mong mỏi chính đáng của ông, luôn luôn muốn dân tộc ta sớm khép lại quá khứ và sớm HGHHDT thông qua những dịp ông phát ngôn, những dịp ông trở về nguồn.
    Có lẽ cái mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã làm được cho tiến trình HGHHDT  theo tôi, đó là ngay từ 2006, ông đã viết một lá thư tâm huyết gửi cho Chủ tịch nước ta ngày đó là ông Nguyễn Minh Triết về việc nên sớm gỡ bỏ hạn chế chuyện chăm nom tu  sửa mộ phần của Nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa, xem đây như một nghĩa trang dân sự như bao nghĩa trang khác. Chính từ lá thư này, nó được nhờ qua ông Đào Trọng Cường mang về, chuyển tới những nơi cần đến để rồi sau một năm, việc này được nhà nước ta mở cửa bình thường, tạo nên tâm lý rất hoan hỉ cho người thân của họ còn sống, tránh đi mặc cảm rất không đáng có. 
    Thứ hai, ông Cao Kỳ luôn luôn can gián  những ai tụ tập biểu tình  chửi chế độ Cộng sản với lời nói: "Mình là người Việt, mình đã giúp gì cho đất nước lúc khó khăn này chưa mà còn làm phức tạp thêm tình hình trong nước".
    Chuyện của dăm ba năm trước 
    Những tưởng cuộc chiến tranh càng lùi xa, mọi thứ càng  đều là quá khứ thì vấn đề HGHHDT sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, dù đã 45 năm rồi, nó cũng không hẳn như vậy.
    Chúng ta đều biết, liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đều khẳng định: HGHHDT cần phải tôn trọng sự khác biệt, không trái với lợi ích quốc gia, xóa bỏ những khoảng cách còn có, thu hẹp những bất đồng.
    Thế nhưng nhiều khi, những việc làm, những quan điểm cá nhân một ai đó lại vô tình làm sứt mẻ những gì Đảng và Nhà nước đang hết sức cố gắng làm. Những mong muốn của các bậc tiền bối lại bị hậu thế làm chậm đi một cách đáng tiếc. 
    Năm 2016, ngành xuất bản và nói rộng hơn là trong ngành sử học nước nhà có vinh hạnh được 2 tác phẩm đồ sộ là "Lịch sử Việt Nam" và "Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam" nằm trong số 4 công trình sách được giải thưởng cao nhất của Hội Xuất bản Việt Nam -“Sách Vàng 2015”.
    Thế nhưng, bộ sử đồ sộ 15 tập do Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện  Lịch sử  thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam làm Tổng chủ biên đã vấp phải một số ít chỉ trích ở một chi tiết tưởng như nó phải được xem là tư tưởng mới, đáng ghi nhận sau những gì trong quá khứ, đâu đó người viết sử vẫn chịu cảnh “viết sử theo định hướng” trong nhiều chục năm trước và nay thì đã cởi mở hơn, khoa học hơn .
    GSTS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KH Lịch sử Việt Nam có lần tâm sự với tôi về chuyện này. Ông kể rằng, khi bộ sách công phu hàng chục ngàn trang này ra đời, báo Tuổi trẻ có thông tin tới bạn đọc, trong đó họ có nhắc tới một chi tiết rằng cái mới đáng chú ý là cái cách mà lâu nay chúng ta gọi quân đội ngụy và chính quyền  ngụy Sài Gòn đã chỉnh lại. Do thực ra, đây chỉ là một trong rất nhiều cái mới và tiến bộ, nó chỉ là một nét nhỏ. Thế nhưng do đề cập kỹ quá đến một vấn đề vẫn còn nhạy cảm cho nên trong dư luận mới rộ lên một vài phản ứng .
    Cá nhân tôi cũng có theo dõi khá kĩ vụ này thì thấy có gì đó không ổn khi trong số họ còn dùng những từ ngữ rất lạ, nào là “ngụy sử", là bọn phá hoại sử sách, là phản động vô chính trị...
    Rồi nhẹ hơn thì bày tỏ thái  độ không đồng tình khi bộ sử bỏ từ “chính quyền/chế độ ngụy quân Sài Gòn” bằng “chính quyền/ chế độ/ Chính phủ  Việt Nam Cộng hòa” ở những ngữ cảnh cần thể hiện cho đúng mực dưới góc độ của người chép sử khoa học mà không thể tùy tiện. Hồi Hiệp định Paris được ký kết thì Chính phủ chúng ta đã ký với ai nếu không phải là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa? 
    Có một chuyện khá bất ngờ mà GSTS Nguyễn Quang Ngọc kể cho tôi, đó là ông được nghe từ  Thượng tướng, PGSTS  Võ Tiến Trung từng bày tỏ phản ứng này khi họ gặp nhau tại một cuộc họp trong Đà Nẵng. GS Nguyễn Quang Ngọc nghe xong có hỏi tướng Trung, “xin hỏi thực  anh, anh đã đọc Bộ Quốc sử đó chưa?". Tướng Trung thú thật chưa đọc mà chỉ nghe nói qua báo chí đề cập nên tỏ rõ bức xúc.
    Cũng may, trong cặp của GS Nguyễn Quang Ngọc hôm đó lại mang theo đúng cái tập lịch sử có giai đoạn 1954-1975. Tướng Võ Tiến Trung đọc chăm chú có đến 25 -30 phút lúc ngồi trong khán phòng. Sau đó thì trả ông Ngọc sách rồi gật đầu: "Ờ nhỉ, cũng có vấn đề gì đâu”.
    Thật bất ngờ đối với GS Ngọc qua chi tiết này. GS Nguyễn Quang Ngọc nói luôn: "Giá như các anh muốn phê phán người ta thì các anh phải đọc trước đã chứ".
    Theo GS Quang Ngọc, trong nhiều cuốn sách của NXB Quân đội Nhân dân, cũng như nhiều NXB khác từng ấn hành, chuyện gọi chế độ Sài Gòn/ Việt Nam Cộng hòa thì đâu có phải chuyện không có. Vấn đề là cách gọi đó được thể hiện khi nào, ngữ cảnh nào mà thôi. Ngay cả những vị tướng, cỡ cục trưởng trong Tổng cục Chính trị cũng từng phản ứng như vậy trong khi chính ông ấy cũng có những bài viết dùng từ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì lại không làm sao. Ông Quang Ngọc được các học trò của mình sưu tầm giúp đưa cho ông để chứng minh chính người đó, dù chỉ trích nhưng cũng từng viết rất nhiều (đó là chưa tính số sách, tài liệu của Bộ Quốc phòng viết) thì không ai phản ứng.
    Ngày 25/8/2016, Phái đoàn Thường trực Nước CH XHCN Việt Nam tại Trụ sở Liên hợp quốc  có gửi Công hàm của mình tới Liên hợp quốc khi có chuyện tranh chấp biển đảo của Việt Nam với Trung Quốc, chúng ta cũng đã thể hiện trong văn bản đó có đoạn như sau: 
    "... Từ năm 1954 đến 1975, Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai phần. Do vị trí địa lý của mình, vào thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam, Việt Nam). Do đó, việc Việt Nam Cộng hòa thực hiện quyền quản lý lãnh thổ với hai quần đảo trong giai đoạn đó là tuân theo thực tiễn và luật trong bối cảnh giai đoạn đó. Thông lệ quốc tế cho thấy, trong “Chiến tranh Lạnh”, tồn tại một số quốc gia bị chia cắt như Việt Nam, ví dụ như Đức, Yemen. 
    Do đó, lập luận của Trung Quốc dựa trên sự chia cắt của Việt Nam vào thời điểm đó là hoàn toàn vô hiệu. 
    Năm 1975, sau khi Trung Quốc dùng đến vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa (tháng 1/1974), chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Sách Trắng thể hiện bằng chứng lịch sử từ các văn bản chính thức của nhà nước, khẳng định một cách rõ ràng và thuyết phục về chủ quyền lâu dài của Việt Nam với hai quần đảo...”
    Tác giả bài viết này chỉ xin nêu một ví dụ như vậy cũng đã cho thấy, đâu phải Nhà nước ta không khi nào thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng hòa trên văn bản trao đổi mang tính quốc tế. Đó là tôi thấy cũng không cần thiết phải nêu thêm ví dụ như khi chúng ta tham gia hội đàm 4 bên trên bàn thương lượng tại Hội nghị Paris năm xưa. Một việc mà ai cũng đã biết . 
    Tiếc rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, nhiều chuyện rất đỗi bình thường cũng trở thành chuyện lớn. Buồn hơn nữa là rất nhiều người nói đến việc nào đó chỉ vì hiệu ứng đám đông. Thế  nhưng thực tế lại chưa hề đọc và bình tĩnh phân tích nó cho thật khoa học, khách quan nhưng lại lên tiếng chỉ trích nặng lời dù người đó thực sự vẫn là những người yêu nước. 
    Nếu như rồi đây, trong tiến trình để đi đến HGHHDT, thi thoảng lại có những ví dụ tương tự xảy ra thì quả thật, cái đích mà chúng ta mong mỏi cũng rất khó có thể thực hiện nhanh và trọn vẹn. Đó là điều liệu có nên không nếu tất cả chúng ta đều mong mỏi trên thế giới này sẽ có một Việt Nam mới, thịnh vượng, hùng cường, có uy tín cao trong lòng bạn bè quốc tế thì trước hết, CHÚNG TA PHẢI LÀ ANH EM MỘT NHÀ, CÓ CHUNG MỘT MÁI NHÀ VIỆT NAM YÊU QUÝ !
    Vâng, không thể khác nếu chúng ta mong muốn và có khát vọng HÒA GIẢI VÀ HÒA HỢP DÂN TỘC .