Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Những đòi hỏi mới của thời cuộc

17/04/2005 21:55 GMT+7

Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...

2yGvY2gs.jpglbQyiPeg.jpg
Nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt
Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...
Tuổi Trẻ đăng lại bài trả lời phỏng vấn này từ tuần báo Quốc Tế (số ra ngày 31-3-2005).
* Thưa ông, thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày tiếp quản Sài Gòn, và ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo còn lại từ cuộc kháng chiến đó, ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?
- Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây ba chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là tôi mong chiến tranh thật sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.
* Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm?
- Không gì là không làm được! "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người VN. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người VN chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và VN sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp.
* Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để làm điều đó, thưa ông?
- Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao điều cần nói, biết bao việc cần làm.
* Theo ông, bây giờ việc cần làm tiếp là gì?
- Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.
* Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt?
- Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người VN cảm nhận được điều đó.
* Khó khăn nằm ở chỗ nào, thưa ông?
- Hồ Chủ tịch từng mong muốn khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn quốc tế. Sau năm 1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác làm việc này. Đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và cảm ơn là việc làm phù hợp đạo lý và truyền thống VN. Nhưng về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.
* Ông Minh đã tuyên bố đầu hàng?
- Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28-4-1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này.
* Theo ông, từ đâu ông Minh lại có quyết định như vậy?
- Thế thắng của ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của ông Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông. Ông Minh là vị tướng đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm, ông cũng là người sau đó đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông.
* Và, "lực lượng thứ ba" cũng đóng một vai trò đáng kể, thưa ông?
Nếu chúng ta không tự khắc phục được những lực cản, không phát huy được nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài để có được mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới thì khoảng cách của sự tụt hậu so với khu vực, với thế giới là không thể nào thu hẹp được. Tôi muốn lưu ý rằng làm được một chiến thắng kỳ vĩ như 30-4-1975 mà say sưa, như tự mãn nguyện thì cũng đã từng phải trả giá. Thế giới đã đi rất xa, chúng ta phải nhanh chân chứ đừng tự ru ngủ mình để rồi sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.
- Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc.
* Thưa ông, ở thời điểm này nhìn lại, ông có bằng lòng với những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua?
- Chúng ta đều có thể vui mừng khi có một VN thống nhất, quyết tâm vượt qua nghèo đói và quyết tâm hội nhập như ngày hôm nay. Nhưng nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985.
* Bài học về những năm bỏ lỡ cơ hội này là gì, thưa ông?
- Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích! Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục giữ được sự tăng trưởng khá, đó là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng với một nước mà GDP chỉ mới đạt trên dưới 40 tỉ USD như VN, mức tăng trưởng 6-7% chưa phải là đã đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nhu cầu hội nhập.
* Thưa ông, trong đối ngoại chúng ta nên tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới?
- Những kết quả đối ngoại vừa qua, trong một chừng mực nhất định, đúng là đã góp phần mở đường để giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhưng nội dung cụ thể của những khẩu hiệu ấy là gì? Và tới đây, với một thế giới đang thay đổi từng ngày như thế này, chúng ta lựa chọn và xây dựng vai trò và vị trí của mình như thế nào là điều hết sức quan trọng.
Sau sự kiện ngày 11-9-2001, những biến cố ở Trung Đông, những cải tổ chính trị tích cực từ bên trong của các nước ASEAN như Indonesia, sau sự kiện sóng thần tàn phá ở một số nước Đông Nam Á..., tất cả cho thấy thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thật sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc.
Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc.
* Xin cảm ơn ông.
Tuổi Trẻ chúng tôi không quên quá khứ!
Hoa Kỳ, 29-4-2005
Kính gửi chú Sáu Dân
Kính gửi chú Sáu Dân! Xin phép chú trước vì đã gọi chú bằng chú Sáu Dân, vì cháu nghĩ đây là tên gọi có thể biểu lộ được sự quý mến cũng như sự thân mật giữa người thân trong gia đình.
Từ năm 1976, khi ấy cháu mới có 13 tuổi! Ngày đó cháu rất xúc động khi thấy chú trao lá cờ đỏ sao vàng đến thanh niên VN. Sau đó đọc những lời phát biểu của chú trên báo chí, cháu rất tâm đắc với câu: "Kính chào thế hệ thứ tư!" (mặc dù lúc ấy ba cháu - một cựu sĩ quan của chính quyền Sài Gòn, đang học tập cải tạo).
Càng tìm hiểu sâu hơn về những năm tháng khi mà đất nước vẫn còn bị cấm vận của Mỹ, rồi khó khăn về kinh tế... và những gì đã đi qua khi chú là Bí thư Thành Ủy của TP.HCM, rồi đến khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới tư duy kể từ ĐH Đảng lần thứ VI, và những đóng góp tích cực của chú qua những năm tháng làm Thủ tướng chính phủ nước CH XHCN Việt Nam, những cuộc chạy đua Marathon của chú về ngoại giao từ Châu Âu sang các nước Châu Á vào những năm cuối của thập niên 80 và đầu 90... cháu càng cảm phục chú thật nhiều!
Tiếp theo, cháu đã được chứng kiến những dấu hiệu tươi sáng đến với VN: Kinh tế dần dần hồi phục, người dân đã tương đối có gạo ăn và đủ để xuất khẩu. Bộ mặt xã hội, đường phố, con người... khắp nơi đã phần nào dịu đi những lo âu thường ngày... Không khí đổi mới đã dấy lên mọi nơi.
Mọi người hăng hái làm việc với một tinh thần tự giác cao hơn. Đó là một trong vô số những thành tựu mà đất nước đã có được sau 30 năm kể từ ngày 30-4-1975. Cho đến nay, một thế hệ trẻ VN đã và đang lớn lên trong một xã hội thanh bình. Nhũng khắc khoải, lo sợ về chiến tranh đã không còn nữa! Họ đã và đang cố gắng làm việc, học tập để mong ổn định và phát triển hơn nữa để phát triển chính mình và cũng là để đóng góp cho xã hội, đất nước VN đi lên trên con đường hội nhập vào thế giới hiện nay.
Khắp nơi đã và đang vang lên những lời ca tiếng hát, những tiếng hát xuất phát từ tình yêu đất nước, yêu chính bản thân mình. Vì họ cũng đã và đang hiểu cái giá trị có được ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có mà là do sự hy sinh của bao người đã ngã xuống từ ngày hôm qua.
Thế hệ hôm nay là hình ảnh mơ ước của cha anh họ ngay trong cảnh hoang tàn đổ nát chiến tranh. Lớp người trẻ hôm nay hẳn luôn tự hào về cha anh mình. Dù đứng ở phía bên này hay phía bên kia cuộc chiến, dù là con của Cộng Sản hay con của người Quốc gia, nhưng hôm nay, họ đang cùng nhau đứng chung một bóng cờ mà chú đã trao cho họ ngày hôm nào.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Thống Nhất, kính chúc chú Sáu Dân vui và trẻ mãi với Tuổi Trẻ Việt Nam.
PHAN LẠC ĐÔNG QUÂN
Cảm ơn những lời tâm huyết của cựu thủ tướng
Rất cảm ơn cựu Thủ tướng đã có những lời rất tâm huyết, thật sự vì dân vì nước chứ không "sáo rỗng" như mọi người thường nghe hàng ngày. Cầu mong những điều đó sớm được những người đương chức hãy thực sự vì dân, vì nỗi nhục nghèo hèn của dân tộc Việt mà thực sớm hiện.
Xin Báo Tuổi Trẻ cho tôi chuyển tình cảm chân thành và sự kính trọng, cảm phục đến Bác Võ Văn Kiệt, và chúc Bác mạnh khỏe để còn tiếp tục đóng góp cho đời. Chào trân trọng.
Một vòng tay lớn của tất cả người dân VN cho ngày giải phóng quê hương 30/4?
Trong những hoạt động kỷ niệm ngày vui mừng 30 thống nhất đất nước này, tôi thật xúc động khi nghĩ đến hàng triệu người dân trên toàn đất nước của 3 miền Bắc - Trung - Nam đang dành những cảm xúc thiêng liêng và hân hoan để hoà mình vào ngày vui thống nhất đất nước lần thứ 30.
Chợt nghĩ đến một vòng tay nối liền đất nước như trong lời bài ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "... bàn tay ta nắm, nối liền một vòng Việt Nam". Vòng tay mà nhạc sĩ tài ba đã kỳ vọng thành một bài hát trong những tháng ngày đấu tranh để đón chờ một ngày thống nhất. Trong ngày vui vẹn toàn này, hình ảnh về một "Vòng tay lớn" đó lại hiện lên trong tôi như một ý tưởng cho một hoạt động, sự kiện thực tế để kỷ niệm cột mốc lịch sử 30/4, ngày non sông vẹn toàn, ngày đất nước nối liền một dải.
Đất nước chúng ta có hơn 80 triệu dân. Mỗi một người sẽ có một sải tay khoảng 1 mét. Chúng ta cũng có con đường thiên lý (QL 1A) nối Sài Gòn với Hà Nội khoảng hơn 2000 km. Như vậy nếu một người dân cùng dang tay ra để nắm lấy nhau trên con đường dọc trục Bắc Nam của đất nước thì khoảng cách của những sải tay ấy sẽ sẽ đủ bao phủ dọc chặng đường này. Sải tay ấy sẽ nối liền một đất nước Việt Nam thanh bình tươi đẹp.
Một vòng tay dài đan kết đó sẽ là một vòng nối kết từ lịch sử hào hùng đến tương lai tươi rạng. Vòng tay nối lại đó là một tổ quốc thân thương được ôm trọn cùng nhau. Vòng tay lớn đó sẽ truyền lan đến nhau sự đoàn kết và hân hoan trong một niềm vui của quê hương, dân tộc...và trong phút giây kỳ diệu tuyệt vời đó, mọi người trong vòng tay cùng bắt nhịp bài hát: Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tôi đã nghĩ về điều này thật nhiều, và trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước này, hình ảnh một vòng tay lớn đó đã thôi thúc tôi đề xuất một ý tưởng: "Vòng Tay Lớn Việt Nam" như là một hoạt động văn hoá hoặc là một sự kiện kỷ niệm có tính quốc gia để trong mỗi chúng ta sẽ có một ấn tượng xúc động và trân trọng về một ngày lễ lớn.
Vòng tay lớn đó có thể là ý tưởng nhưng không thể là hoang tưởng vì hôm nay, chúng ta đã có được một nền độc lập tự do trọn vẹn từ một cuộc đấu tranh kiên cường với sức mạnh của dân tộc quật khởi. Chúng ta đã ngăn sông, phá núi để xây dựng lại đất nước bằng ý chí kiên cường. Chúng ta cũng bằng một nội lực phát triển đã đưa đất nước Việt Nam vươn lên, hội nhập với thế giới... thì việc thực hiện một vòng tay dọc theo đường thiên lý của đất nước của mọi người dân trong một ngày lễ lớn của dân tộc là điều có thể thực hiện được.
Tôi mong sao từ ý tưởng trên này (có thể không khả thi) sẽ có thể có những ý tưởng khác bằng những hoạt động và cách tổ chức trên cơ sở Nối vòng tay lớn này sẽ ra đời để mọi người dân Việt Nam sẽ có được một dịp kỷ niệm ấn tượng và đầy cảm xúc tự hào dân tộc.
Hy vọng đến một dịp kỷ niệm ngày 30/4 gần nhất hoặc là vào dịp kỷ niệm 35, 40 hoặc 50 năm ngày thống nhất đất nước, Vòng Tay Lớn Việt Nam sẽ Nối liền một vòng Việt Nam.
NGUYỄN HUY QUÂN
Tuổi trẻ chúng tôi xin gửi lời tri ân!
Sinh ra và lớn lên trong thời bình, thế hệ trẻ chúng tôi thật may mắn khi không phải trải qua bom lửa chiến tranh, không phải sống những tháng ngày khốc liệt đầy những đau thương mất mát ấy.
Nhưng với những trang lịch sử được học, những lời giảng được nghe từ thầy cô... chúng tôi vẫn phần nào hiểu được chiến tranh là như thế nào, dẫu rằng sự cảm nhận ấy không thật sự trọn vẹn. Nhưng không như mọi người vẫn hoài nghi rằng dường như giới trẻ chúng tôi đang ngày càng "mất gốc lai căn", ngày càng quên đi "lòng tự hào, tự tôn dân tộc "... thực tế là không phải như vậy.
Chúng tôi chưa từng quên và sẽ không bao giờ dám quên đi lịch sử hào hùng của dân tộc, và niềm tự hào mình là người Việt Nam. Làm sao chúng tôi dám quên đi những hy sinh mà thế hệ đi trước đã dành trọn cho chúng tôi hôm nay!
Thế nên, ngày nay vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đã rơi nước mắt khi được xem những hình ảnh về những cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, về những câu chuyện "hai quả bom không bao giờ rơi tại một chỗ...". Hay hôm nay vẫn còn bao đôi mắt trẻ đã phải đỏ lên khi được nghe kể về những người chiến sĩ ngã xuống trước thời khắc đất nước giải phóng nhưng trên môi vẫn nở nụ cười hạnh phúc...
Xúc động nhiều lắm! Nhưng chúng tôi đã chưa có cơ hội được nói lên những tình cảm, suy nghĩ của mình... Chưa một lần nói ra, nhưng không có nghĩa là chúng tôi lãng quên. Thời gian trôi thật nhanh, nhưng hàng ngày, hàng giờ thế hệ trẻ chúng tôi vẫn không ngừng phấn đấu, không ngừng học tập vươn lên để góp tay xây dựng đất nước Việt Nam. Dẫu thế nào, tôi vẫn luôn tin rằng, thế hệ trẻ vẫn luôn trân trọng những gì mình đang có, và sống xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông đã hy sinh cho chúng tôi...
Hôm nay, sau 30 năm đất nước được hoàn toàn độc lập thống nhất, thế hệ trẻ chúng tôi xin được một lần nói lời "tri ân" đến những người chiến sĩ năm xưa, những người đã đi qua chiến tranh cho màu xanh đất nước được nảy mầm!
HOÀNG THỊ CẨM TÚ
Cảm ơn “lão tướng” Võ Văn Kiệt!
Những lời tâm huyết của một người đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như “lão tướng” Võ Văn Kiệt đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm. Cái nhìn khoan dung và sự thực tâm hòa hợp là điều cần thiết nhất trong lúc này. Nguyên thủ tướng đã nói: “Muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
Sự khoan dung và hòa hợp chỉ có thể có khi chúng ta thật sự coi nhau là đồng bào, khi chúng ta thực tâm lo cho dân, cho nước. Chúng tôi hiểu rằng: đằng sau tất cả những biến động của thời cuộc là tinh thần dân tộc, là nghĩa đồng bào, là sự khoan dung, độ lượng của chúng ta với chính mình và người khác. Lấy vụ kiện chất độc da cam làm ví dụ. Chúng ta đã bước đầu thực hiện sự hòa hợp ấy khi nhìn nhận nạn nhân chất độc da cam mà không phân biệt chiến tuyến.
Chúng ta vui mừng với chiến thắng, nhưng chúng ta cũng đừng quên cái giá rất đắt mà dân tộc của chúng ta đã và đang phải trả. Hãy đau với những mất mát, với những vết thương của dân tộc mà hiện nay chúng ta đang nỗ lực hàn gắn. Để đất nước VN là một, dân tộc VN là một!
Cảm ơn ông, “lão tướng” Võ Văn Kiệt! Cảm ơn sự thẳng thắn, dũng cảm, chân thành của ông!
Những lời tâm huyết chờ đợi từ lâu
Bằng những cảm nghĩ chân tình và sâu sắc, ông đã nói lên được nỗi trăn trở của hàng triệu gia đình sống ở miền Nam trong những năm tháng dài đất nước bị chia cắt, nhất là khi ông nhắc đến cuộc chiến đã kết thúc cách đây 30 năm: “...
Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu...”, bởi vì “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn...”. Thật vậy, hoàn cảnh lịch sử của đất nước 50 - 60 năm về trước đã khiến nhiều bộ phận trong cộng đồng dân tộc không đi cùng với nhau trên một con đường và điều này chính là nỗi đau mà hàng chục triệu người đã phải đối mặt trong những thăng trầm lịch sử đã qua.
Xin cảm ơn nguyên thủ tướng, tôi tin rằng những người VN hôm nay, dù ở hoàn cảnh nào, trong hay ngoài nước, sau khi đã đọc những lời phát biểu “tự đáy tâm can” của ông, họ sẽ cảm thấy ấm lòng khi có người nói lên những lời tâm huyết mà họ đã chờ đợi từ lâu.
Cũng là suy nghĩ của hàng triệu người VN
Là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, cho nên tôi rất tâm đắc và xúc động với bài trả lời của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi trộm nghĩ những lời ông nói phải chăng chính là những suy nghĩ của hàng triệu người VN, một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh chống ngoại xâm, nhưng lòng khoan dung, nhân hậu chưa bao giờ mai một.
"Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo", ông cha ta ngày xưa đã làm được điều đó đối với thế lực xâm lăng, vậy thì cớ gì chúng ta, những hậu sinh thời nay 30 năm sau chiến tranh, không thể dang tay đón nhận những người anh em từ khắp phương trời trở về chung tay xây dựng mái nhà VN thân yêu của mình.
THẠCH ANH thực hiện