Quốc Phong
VietTimes -- Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước ta. Không chỉ bằng những quyết sách, lời nói mà bằng những hành động cụ thể, làm cho người Việt ở cả "hai phía" đoàn kết xây dựng đất nước mẹ thân yêu. Tuy nhiên con đường để đi đến hòa giải, hòa hợp không hề đơn giản và suôn sẻ. Những câu chuyện mà Nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó TBT báo Thanh niên kể ra dưới đây là một minh chứng.
Ngay từ năm 1995, khi đất nước Việt Nam Thống nhất mới được 20 năm, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã luôn đau đáu suy nghĩ đến vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc (HGHHDT). Và chúng ta nên biết quan điểm sáng suốt này của ông được bày tỏ vào thời điểm khi ông là Cố vấn BCH TƯ Đảng ta (1986-1997), sau 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ (1955-1987). Đó cũng là bối cảnh nước nhà chuẩn bị tiến tới Kỷ niệm 20 năm ngày Việt Nam Thống nhất .
Sự khác biệt về ý thức hệ có ở nhiều gia đình
Chuyện như cái tít của bài viết này, nghe tưởng như xóa bỏ là không quá khó ấy, đến nay đã 45 năm vẫn chưa xong. Đảng, Nhà nước chúng ta dù đã hết sức kiên trì đeo đuổi và đạt được một số thành quả nhất định rất đáng mừng, nhưng xem ra vẫn gian nan và cũng khó thật.
Chúng ta cũng chưa thật sự đạt được khát vọng này như mong muốn từ các nhà lãnh đạo tiền bối. Tôi cho rằng, đó là một điều rất đáng tiếc mà lẽ ra không nên thế bởi chúng ta có thể làm tốt hơn nếu người người, nhà nhà đều có chung mong muốn.
Quê tôi ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, ngôi làng vốn có truyền thống khoa bảng và ở mọi thời kỳ lịch sử đều có nhiều người tham gia trong triều chính. Đến khi đất nước chia làm 2 miền, làng tôi có cả trăm gia đình di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài sinh sống. Họ đều trưởng thành không khác gì nhau mấy.
Số người ở miền Bắc, được học hành và trưởng thành với gần 200 giáo sư, tiến sĩ (riêng GS và PGS cũng có khoảng gần 70 người). Làng tôi cũng có đến 7-8 vị giữ trọng trách từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên cho đến cỡ Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng có. Làng tôi còn có hơn chục vị tướng lĩnh nhưng hầu hết là tướng làm khoa học.
Ông Phạm Thế Duyệt,Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam thời kỳ 2004 tiếp gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ.
|
Trái lại, cũng vẫn trong chính những gia đình đó ở làng tôi, có biết bao người di cư do họ từng chứng kiến tận mắt Cải cách ruộng đất với nhiều nỗi mất mát, đau xót để rồi đành phải ra đi, sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tôi biết, số trí thức, quan chức cấp cao cũng không hề ít.
Vì thế, sự mâu thuẫn trong ý thức hệ ngay trong một gia đình là chuyện không thể không xảy ra.
Tôi là người sinh ra trong một gia đình cũng như không ít gia đình Việt Nam trong một đất nước từng chia cắt như vậy nên đã mục kích cảnh cha, chú của mình, là những cán bộ và sỹ quan quân đội Cách mạng tham gia 2 cuộc kháng chiến nhưng cũng có nỗi đau riêng. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, họ cũng từng phải tìm đến các trại học tập cải tạo thăm các em ruột mình đang ở đó. Họ vốn tham gia trong quân đội, trong cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Vì thế nên tôi càng thấu hiểu hơn ai hết nỗi niềm day dứt này và mong sớm được hàn gắn. Đó chính là khát vọng HGHHDT trong mỗi gia đình, trong đó có gia đình chúng tôi.
Muốn vậy, mọi người trước hết cần phải thực tâm và cả hai phía cần có sự chân thành, vị tha, gác lại quá khứ. Muốn vậy, hãy tăng cường đối thoại để từ đó có thể hiểu nhau hơn, tránh bất đồng chính kiến, mâu thuẫn về ý thức hệ kéo dài.
Chuyện đúng 25 năm trước
Tôi được trực tiếp nghe chuyện này từ nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong cái ngày gần cuối của kỳ họp Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) kết thúc. Số là bữa đó, ông Tư Sang cho mời anh em chúng tôi đến nhà công vụ tại đường Phan Đình Phùng để gặp gỡ, chia tay cánh bạn học cũ của Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc trước ngày bế mạc Quốc hội để ông chủ động trở về thành phố Hồ Chí Minh với cuộc sống đời thường.
Chúng tôi từng gắn bó với nhau trong suốt 2 năm khó khăn, thiếu thốn vật chất của một thời kỳ đầu Đổi mới nhưng chưa được hưởng thụ. Cũng vì khổ cho nên đầy ắp kỷ niệm khi học cùng. Ông Trương Tấn Sang từng là Trưởng đoàn học viên Khóa 15 (1988-1990) của tụi tôi, là học viên duy nhất của Học viện được cử tham gia BCH Đảng ủy Học viện bởi lúc đi học, ông đã là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Sau nhiều câu chuyện khác, ông có nhắc đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với tấm lòng thành kính, xem “Ông Già” như bậc cha chú .
Ông Tư Sang (tên thường gọi theo lối Nam bộ) kể: "Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Ông thực sự là một triết gia. Tầm nhìn ở ông đặc biệt lắm và rất đáng kính nể.
Hồi ông còn khỏe, ông cũng từng đến nhà tôi ở trong TP. Hồ Chí Minh. Ông đến căn nhà gia đình tôi ở đường Thạch Thị Thanh, quận Bình Thạnh. Đây là ngôi nhà nhỏ, chằn chặn có diện tích chỉ có trên 50 mét vuông mà tôi vẫn ở trước cả hồi ra Hà Nội học cho đến bây giờ. Ông đến thăm nhà tôi không phải để nói chuyện riêng tư hay căn dặn chuyện gì. Ông đến là để qua đó quan sát xem một anh lãnh đạo thành phố như tôi thì hiện ăn ở ra sao. Không phải đơn giản đâu các anh chị nhé!
Tôi ra Hà Nội công tác, biết tin, ông cũng hay kêu tôi lại nhà trong Phủ Chủ tịch để hỏi chuyện. Qua đó, ông muốn có thêm thông tin mới về một thành phố lớn và thuộc loại đông dân nhất nước hiện ra sao? Hiện đang có vấn đề gì không? Ông rất quý tôi sau những dịp tiếp xúc đó.
Với tôi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng ghê gớm. Nhiều lúc, ông chỉ hỏi bâng quơ rằng: "Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài này chưa? Cậu đọc cuốn sách mới vừa xuất bản A,B,C... này kia chưa?". Rồi ông nhắc tôi nên lưu ý tìm đọc nếu chưa đọc hoặc nếu tôi đã đọc thì cả hai cùng đàm đạo"
"Quả thật, ông là một triết gia rất đáng nể trọng!- Ông Tư Sang nhận xét, rồi kể tiếp câu chuyện mà tôi vừa nêu ở ngay phần mở đầu bài viết: "Hồi tôi làm Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh năm 1995, đó cũng là lúc thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn và Thống nhất đất nước. Thường vụ Thành ủy giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm này. Tôi ra gặp anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để xin ý kiến chỉ đạo. Anh Sáu bảo cậu sang hỏi Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tôi sang gặp Tổng Bí thư thì ông Mười bảo: "Thôi, cậu sang tham khảo anh Tô (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thì hay hơn".
Khi đó, ông Phạm Văn Đồng là Cố vấn BCH TƯ Đảng. Tôi thưa chuyện với ông: "Cháu mong chú góp ý cho một việc quan trọng mà cháu được Thường vụ Thành ủy phân công dịp này. Cháu lo lắm chú à!". "Ông Già" cười vang "kha , kha, kha...", giọng đầy hào sảng, rồi nói: "Cậu muốn viết gì thì viết, nhưng tinh thần của bài phát biểu đó phải toát ra được cái ý cần khép lại quá khứ hướng tới tương lai.
Nói như thế nào đó để cả dân tộc này thấy được niềm tự hào vô biên về sự nghiệp giải phóng đất nước. Tự hào vì dân tộc ta đã đánh bại được một đội quân xâm lược nhà nghề mạnh bậc nhất thế giới. Viết thế nào để cho thế giới thấy được chúng ta đang đứng ở đỉnh cao của thời đại Hồ Chí Minh mà chú cháu mình đang sống...."
Dừng một lúc Cụ nói tiếp: “Tư tưởng chủ đạo của bài diễn văn này, theo tôi, cậu phải làm sao thể hiện cho được tính nhất quán, đó là chúng ta thực lòng mong sớm HGHHDT. Phải nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta..."
Thời điểm này, thực ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta cũng đã có ý đó. Nó cũng không phải là quá mới mẻ gì nhưng rõ ràng, tôi có cảm nhận là ông luôn suy nghĩ đau đáu về nó.
Quay trở lại câu chuyện tôi đến xin ông ý kiến chuẩn bị bài phát biểu. Tôi xin phép ông sau khi viết xong thì quay lại để ông tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện thì bị ông gạt ngay: "Tôi đã già, sắp chết rồi. Cậu viết thì cậu phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại lại bắt ông già này xem qua ?" (Nói đến đó, ông lại cười lớn "kha, kha, kha...) và động viên tôi: "Làm Cách mạng là phải tự lực như vậy! Sau này, rồi cậu sẽ còn làm lớn hơn thế !"
Chính vì ông Tô đã nói vậy cho nên ông Tư Sang cũng không dám quay lại xin ông Tô góp ý thêm. Song, ông Tư Sang cũng không bao giờ quên được những ấn tượng đó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chú Tô kính mến của mình .
Nói câu chuyện này là để thấy chúng ta, ngay từ 25 năm trước đã rất có ý thức công việc này bởi chỉ có vậy thì hai chữ HÒA BÌNH thực sự mới có trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó phải là điều được thực hiện cả bằng tấm lòng và từ trong tâm khảm của những người đứng đầu đất nước và chúng ta có muốn như vậy thật không? Có dồn tâm, dồn sức để thực hiện ý nguyện đó không?
Những chuyện từ 15-17 năm trước
1. Năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từng có một lời phát biểu khiến nhiều người bừng tỉnh khi nói về ngày 30/4. Ông trải lòng trên tuần báo Quốc tế (của Bộ Ngoại giao) trong bài phỏng vấn vào ngày 30/3/2005. Bài báo có tựa đề “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”. Ông bày tỏ :
"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...".
Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập tờ báo này từng kể cho biết số phận đặc biệt của bài báo đó từ khi thực hiện cực kỳ nghiêm cẩn và công phu từ cuối 2004 để đăng vào số báo Tết.
Với bao câu chữ được gửi gắm vào trong đó có lẽ là những gì “gan ruột” nhất của ông Võ Văn Kiệt cũng như những người có trách nhiệm trong tờ báo muốn bày tỏ sau 30 năm đất nước thống nhất về vấn đề HGHHDT.
Thế rồi báo thì chưa ra nhưng rồi bỗng có mật lệnh yêu cầu không được đăng. Ông Võ Văn Kiệt bất ngờ và tỏ ra bực mình đến độ phải gửi thư yêu cầu lên cấp rất cao trong Bộ Chính trị cho biết ai ra lệnh ngừng đăng ?
Và đến lúc một cái lệnh miệng khác lại ban ra cho báo: "Phải đăng!” thì chính lúc đó ông Kiệt lại không đồng ý nữa, để rồi lãnh đạo Bộ Ngoại giao phải đi thuyết phục rất vất vả thì ông mới nguôi ngoai và để cho đăng. Sau đó, các báo trong nước và quốc tế dồn dập đăng lại như một sự kiện đặc biệt quan trọng bởi quá nhiều người quan tâm. Nó thể hiện rất rõ một cái nhìn nhân văn của một nhà cách mạng lão thành được nhiều người quý trọng, tin yêu.
Rồi tiếp đó, đến 30/4/2007, trả lời phỏng vấn BBC, ông Võ Văn Kiệt lại phát biểu: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả... Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được... Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình... Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào... ".
Ông Võ Văn Kiệt cho rằng đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ và "chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng... Chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta...”
2. Tôi là người có dịp được gặp Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Hà Nội từ ngay lần đầu ông đặt chân về thăm quê hương đất nước (2004) kể từ trước ngày 30/4/1974.
Hôm đó, bất chợt tôi nhận được cú điện thoại của ông Đào Hồng Tuyển,"Chúa Đảo Tuần Châu" gọi. Ông nói: “Tôi có chút việc cần trao đổi gấp với Quốc Phong”.
Khi tôi đến Nhà hàng nổi tiếng Paris Deli ở phố Phan Chu Trinh, (nằm chếch bên Nhà hát Lớn Thành phố) thì bất ngờ thấy ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đang ngồi đó. Trong bàn còn có cả ông Đào Trọng Cường, ông chủ về ngành khai thác đá quý với Công ty đá quý Thần Châu Ngọc Việt nổi tiếng.
Tôi rất bất ngờ vì không biết trước có ông Cao Kỳ ngồi đó. Nhưng do lúc ở tòa soạn, tôi cũng đang phải xử lý đôi chút "kỹ thuật” của cái gọi là “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến câu nói gây sốc trong cộng đồng người Việt ta ở hải ngoại lúc sáng hôm đó trên mặt báo Thanh niên. Vì thế, tôi đã thầm hiểu ngay ra vấn đề. Họ muốn bàn với tôi cách “tháo bớt hơi cho trái bóng” đang có nguy cơ nổ thành “bom” hôm đó.
Là chuyện khá nhạy cảm cho nên trong bài viết này tôi xin phép không nhắc lại bởi nó không phù hợp với chủ đề mà tôi muốn đề cập. Báo Thanh niên chúng tôi ngày đó đã phạm phải sai lầm trong công tác tuyên truyền HGHHDT dù ông Cao Kỳ không hề cường điệu khi phóng viên chúng tôi hỏi ông về chuyện tham nhũng xưa và nay ở “hai bên", ở nước ngoài mà ông biết.
Vốn tính ông Cao Kỳ là người nói không bóng bảy mà cứ thẳng băng. Kiểu nói của cánh tướng đánh trận cho nên đã bị sự phản ứng quyết liệt của cánh cựu quân nhân cũng như viên chức trong chính quyền Sài Gòn cũ. Đây có lẽ là bài học không chỉ với chúng tôi mà cho cả báo chí của chúng ta nói chung. Không nên tranh thủ chớp được ý tứ gì cảm thấy “đắt” trong đó rồi khai thác thiếu tính toán dù với nghiệp vụ báo chí thì đó là chi tiết cực kỳ “đắt”.
Chúng tôi đã phải dừng không đăng tiếp một phần nữa đã khai thác mà ông nói với phóng viên Lưu Quang Phổ của chúng tôi và quả thật chúng tôi rất lấy làm tiếc.
Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng hòa kể từ 2006 đã được đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
|
Tôi vừa tìm ra trong đống lưu trữ bài phỏng vấn này. Tiếc rằng hôm nay ông đã khuất núi. Thế nhưng, để góp thêm cho bạn đọc hiểu đôi chút, ông Nguyễn Cao Kỳ đã tâm sự rất thật lòng ngay từ những ngày đầu đặt chân trở về đất Mẹ Việt Nam, về thăm Thành cổ Sơn Tây, nơi ông từng gắn bó với gia đình thời tuổi trẻ của ông.
PV TN hỏi :- Động cơ nào khiến ông trở về Việt Nam? Và vì sao hôm trước ở Sơn Tây, ông có nói sẽ còn tiếp tục trở về Việt Nam ?
Ông Nguyễn Cao Kỳ: Mấy tháng trước thì ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Đình Bin có sang Mỹ. Ông ấy có gặp tôi, có đánh golf, rồi ăn cơm. Ông ấy nói rằng chủ trương của lãnh đạo chúng tôi là muốn cả trong lẫn ngoài cùng nhau xây dựng đất nước. Thế thì tôi về.
Thành thực mà nói, tôi cũng đã bảy lăm tuổi rồi, chẳng còn tham vọng gì. Tôi chẳng đặt vấn đề vinh nhục, thắng thua gì nữa, tôi muốn bỏ dĩ vãng đi. Nếu mình thành thực muốn phục vụ đất nước thì phải hướng tới tương lai. Cả trăm ngàn người Việt đã về nước nhưng tôi là người mà dư luận hải ngoại quan tâm nhất. Vậy thì có lẽ tên tuổi tôi vẫn còn một chút gì để cho người ta chú ý.
Ý thức được điều ấy nên tôi nghĩ phải làm việc gì đó cho quê hương. Về chuyện trở về, tôi nghĩ mình còn nhiều bạn bè, họ có tiềm lực, dư sức đầu tư về góp phần xây dựng đất nước. Thế thôi, tôi chẳng đặt điều kiện gì...”
Thực tế, chuyện mà ông có ý muốn đưa một vài tỷ phú Mỹ đến đầu tư tại Việt Nam là có thật. Tuy ông rất thiện chí nhưng sau đó kế hoạch này bị trục trặc cho nên không thành. Trong làm ăn thì đó cũng là câu chuyện rất bình thường . Dù sao thì chúng ta vẫn đánh giá cao sự thực lòng đó của ông, đặc biệt nhất là những mong mỏi chính đáng của ông, luôn luôn muốn dân tộc ta sớm khép lại quá khứ và sớm HGHHDT thông qua những dịp ông phát ngôn, những dịp ông trở về nguồn.
Có lẽ cái mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã làm được cho tiến trình HGHHDT theo tôi, đó là ngay từ 2006, ông đã viết một lá thư tâm huyết gửi cho Chủ tịch nước ta ngày đó là ông Nguyễn Minh Triết về việc nên sớm gỡ bỏ hạn chế chuyện chăm nom tu sửa mộ phần của Nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa, xem đây như một nghĩa trang dân sự như bao nghĩa trang khác. Chính từ lá thư này, nó được nhờ qua ông Đào Trọng Cường mang về, chuyển tới những nơi cần đến để rồi sau một năm, việc này được nhà nước ta mở cửa bình thường, tạo nên tâm lý rất hoan hỉ cho người thân của họ còn sống, tránh đi mặc cảm rất không đáng có.
Thứ hai, ông Cao Kỳ luôn luôn can gián những ai tụ tập biểu tình chửi chế độ Cộng sản với lời nói: "Mình là người Việt, mình đã giúp gì cho đất nước lúc khó khăn này chưa mà còn làm phức tạp thêm tình hình trong nước".
Chuyện của dăm ba năm trước
Những tưởng cuộc chiến tranh càng lùi xa, mọi thứ càng đều là quá khứ thì vấn đề HGHHDT sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, dù đã 45 năm rồi, nó cũng không hẳn như vậy.
Chúng ta đều biết, liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đều khẳng định: HGHHDT cần phải tôn trọng sự khác biệt, không trái với lợi ích quốc gia, xóa bỏ những khoảng cách còn có, thu hẹp những bất đồng.
Thế nhưng nhiều khi, những việc làm, những quan điểm cá nhân một ai đó lại vô tình làm sứt mẻ những gì Đảng và Nhà nước đang hết sức cố gắng làm. Những mong muốn của các bậc tiền bối lại bị hậu thế làm chậm đi một cách đáng tiếc.
Năm 2016, ngành xuất bản và nói rộng hơn là trong ngành sử học nước nhà có vinh hạnh được 2 tác phẩm đồ sộ là "Lịch sử Việt Nam" và "Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam" nằm trong số 4 công trình sách được giải thưởng cao nhất của Hội Xuất bản Việt Nam -“Sách Vàng 2015”.
Thế nhưng, bộ sử đồ sộ 15 tập do Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện Lịch sử thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam làm Tổng chủ biên đã vấp phải một số ít chỉ trích ở một chi tiết tưởng như nó phải được xem là tư tưởng mới, đáng ghi nhận sau những gì trong quá khứ, đâu đó người viết sử vẫn chịu cảnh “viết sử theo định hướng” trong nhiều chục năm trước và nay thì đã cởi mở hơn, khoa học hơn .
GSTS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KH Lịch sử Việt Nam có lần tâm sự với tôi về chuyện này. Ông kể rằng, khi bộ sách công phu hàng chục ngàn trang này ra đời, báo Tuổi trẻ có thông tin tới bạn đọc, trong đó họ có nhắc tới một chi tiết rằng cái mới đáng chú ý là cái cách mà lâu nay chúng ta gọi quân đội ngụy và chính quyền ngụy Sài Gòn đã chỉnh lại. Do thực ra, đây chỉ là một trong rất nhiều cái mới và tiến bộ, nó chỉ là một nét nhỏ. Thế nhưng do đề cập kỹ quá đến một vấn đề vẫn còn nhạy cảm cho nên trong dư luận mới rộ lên một vài phản ứng .
Cá nhân tôi cũng có theo dõi khá kĩ vụ này thì thấy có gì đó không ổn khi trong số họ còn dùng những từ ngữ rất lạ, nào là “ngụy sử", là bọn phá hoại sử sách, là phản động vô chính trị...
Rồi nhẹ hơn thì bày tỏ thái độ không đồng tình khi bộ sử bỏ từ “chính quyền/chế độ ngụy quân Sài Gòn” bằng “chính quyền/ chế độ/ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa” ở những ngữ cảnh cần thể hiện cho đúng mực dưới góc độ của người chép sử khoa học mà không thể tùy tiện. Hồi Hiệp định Paris được ký kết thì Chính phủ chúng ta đã ký với ai nếu không phải là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa?
Có một chuyện khá bất ngờ mà GSTS Nguyễn Quang Ngọc kể cho tôi, đó là ông được nghe từ Thượng tướng, PGSTS Võ Tiến Trung từng bày tỏ phản ứng này khi họ gặp nhau tại một cuộc họp trong Đà Nẵng. GS Nguyễn Quang Ngọc nghe xong có hỏi tướng Trung, “xin hỏi thực anh, anh đã đọc Bộ Quốc sử đó chưa?". Tướng Trung thú thật chưa đọc mà chỉ nghe nói qua báo chí đề cập nên tỏ rõ bức xúc.
Cũng may, trong cặp của GS Nguyễn Quang Ngọc hôm đó lại mang theo đúng cái tập lịch sử có giai đoạn 1954-1975. Tướng Võ Tiến Trung đọc chăm chú có đến 25 -30 phút lúc ngồi trong khán phòng. Sau đó thì trả ông Ngọc sách rồi gật đầu: "Ờ nhỉ, cũng có vấn đề gì đâu”.
Thật bất ngờ đối với GS Ngọc qua chi tiết này. GS Nguyễn Quang Ngọc nói luôn: "Giá như các anh muốn phê phán người ta thì các anh phải đọc trước đã chứ".
Theo GS Quang Ngọc, trong nhiều cuốn sách của NXB Quân đội Nhân dân, cũng như nhiều NXB khác từng ấn hành, chuyện gọi chế độ Sài Gòn/ Việt Nam Cộng hòa thì đâu có phải chuyện không có. Vấn đề là cách gọi đó được thể hiện khi nào, ngữ cảnh nào mà thôi. Ngay cả những vị tướng, cỡ cục trưởng trong Tổng cục Chính trị cũng từng phản ứng như vậy trong khi chính ông ấy cũng có những bài viết dùng từ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì lại không làm sao. Ông Quang Ngọc được các học trò của mình sưu tầm giúp đưa cho ông để chứng minh chính người đó, dù chỉ trích nhưng cũng từng viết rất nhiều (đó là chưa tính số sách, tài liệu của Bộ Quốc phòng viết) thì không ai phản ứng.
Ngày 25/8/2016, Phái đoàn Thường trực Nước CH XHCN Việt Nam tại Trụ sở Liên hợp quốc có gửi Công hàm của mình tới Liên hợp quốc khi có chuyện tranh chấp biển đảo của Việt Nam với Trung Quốc, chúng ta cũng đã thể hiện trong văn bản đó có đoạn như sau:
"... Từ năm 1954 đến 1975, Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai phần. Do vị trí địa lý của mình, vào thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam, Việt Nam). Do đó, việc Việt Nam Cộng hòa thực hiện quyền quản lý lãnh thổ với hai quần đảo trong giai đoạn đó là tuân theo thực tiễn và luật trong bối cảnh giai đoạn đó. Thông lệ quốc tế cho thấy, trong “Chiến tranh Lạnh”, tồn tại một số quốc gia bị chia cắt như Việt Nam, ví dụ như Đức, Yemen.
Do đó, lập luận của Trung Quốc dựa trên sự chia cắt của Việt Nam vào thời điểm đó là hoàn toàn vô hiệu.
Năm 1975, sau khi Trung Quốc dùng đến vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa (tháng 1/1974), chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Sách Trắng thể hiện bằng chứng lịch sử từ các văn bản chính thức của nhà nước, khẳng định một cách rõ ràng và thuyết phục về chủ quyền lâu dài của Việt Nam với hai quần đảo...”
Tác giả bài viết này chỉ xin nêu một ví dụ như vậy cũng đã cho thấy, đâu phải Nhà nước ta không khi nào thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng hòa trên văn bản trao đổi mang tính quốc tế. Đó là tôi thấy cũng không cần thiết phải nêu thêm ví dụ như khi chúng ta tham gia hội đàm 4 bên trên bàn thương lượng tại Hội nghị Paris năm xưa. Một việc mà ai cũng đã biết .
Tiếc rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, nhiều chuyện rất đỗi bình thường cũng trở thành chuyện lớn. Buồn hơn nữa là rất nhiều người nói đến việc nào đó chỉ vì hiệu ứng đám đông. Thế nhưng thực tế lại chưa hề đọc và bình tĩnh phân tích nó cho thật khoa học, khách quan nhưng lại lên tiếng chỉ trích nặng lời dù người đó thực sự vẫn là những người yêu nước.
Nếu như rồi đây, trong tiến trình để đi đến HGHHDT, thi thoảng lại có những ví dụ tương tự xảy ra thì quả thật, cái đích mà chúng ta mong mỏi cũng rất khó có thể thực hiện nhanh và trọn vẹn. Đó là điều liệu có nên không nếu tất cả chúng ta đều mong mỏi trên thế giới này sẽ có một Việt Nam mới, thịnh vượng, hùng cường, có uy tín cao trong lòng bạn bè quốc tế thì trước hết, CHÚNG TA PHẢI LÀ ANH EM MỘT NHÀ, CÓ CHUNG MỘT MÁI NHÀ VIỆT NAM YÊU QUÝ !
Vâng, không thể khác nếu chúng ta mong muốn và có khát vọng HÒA GIẢI VÀ HÒA HỢP DÂN TỘC .