(HQ Online) - Tại tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế” do Cổng thông tin Chính phủ thực hiện mới đây, các chuyên gia cho rằng chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải được thực hiện nhanh chóng, nếu không sẽ mất đi những thành quả trong “mục tiêu kép” đã đạt được.
Quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 | |
AmCham: Doanh nghiệp sẵn sàng trả thêm tiền để được nhận vắc xin | |
Doanh nghiệp chung sức hỗ trợ mua vắc xin phòng chống Covid-19 |
Cần tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều rủi ro. Ảnh: H.Dịu |
Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn khi “tấn công” vào các khu công nghiệp trong nước, có thể gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng…
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, bối cảnh khó khăn hơn khi dư địa của chính sách tài khoá, tiền tệ bị thu hẹp lại. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp từ năm 2020 vẫn còn yếu thì dịch bệnh đã bùng phát trở lại.
Do vậy, một số dự báo về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đưa ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại sẽ khó đạt được kỳ vọng, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Với bối cảnh này, các chuyên gia nhận định cần sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành kinh tế và ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng phải có hệ thống quản trị cùng khả năng chống chịu tốt hơn.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, người dân cả nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu rất lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong việc làm thế nào để đảm bảo nhịp điệu tăng trưởng.
Vấn đề thứ hai, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng là phải làm thế nào để đảm bảo người dân cùng đồng lòng, đồng tâm phòng dịch. Làm thế nào để người dân bớt lo lắng và tăng niềm tin vào khả năng điều hành của Chính phủ.
Vấn đề thứ ba là Chính phủ đặt yêu cầu chống dịch phải song song với sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải có một cơ chế, giải pháp cụ thể, hữu hiệu cùng sự quyết tâm. “Đây là vấn đề tôi cho là không đơn giản”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, trong bối cảnh hiện nay, điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi và kiến nghị chính là thực hiện thành công một Chính phủ hành động. Phương châm sống chung với dịch phải được thể hiện trong mọi thiết kế chính sách cũng như trong mô hình quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Những quy định của Nhà nước cũng cần linh hoạt hơn…
“Bên cạnh vắc xin y tế, cần có 'vắc xin' về thể chế và cấu trúc của doanh nghiệp, cần phải có một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình, tăng cường khả năng chống chịu”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.
Ông Lộc lý giải, trong tương lai, các doanh nghiệp còn phải đương đầu với nhiều biến đổi như: biến đổi khí hậu, diễn biến của môi trường kinh doanh, môi trường quốc tế… Cho nên tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp là rất quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang có những hướng đi rất đúng. Một Chính phủ mạnh, một chính quyền mạnh sẽ giúp đất nước có những bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Dũng lại đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, bởi theo ông, khống chế dịch Covid-19 thì chúng ta đi đầu, nhưng tạo ra miễn dịch cộng đồng thì chúng ta có vẻ đi sau. Hơn nữa, Việt Nam có cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng, được hưởng lợi vì là đất nước an toàn trong đại dịch. Tuy nhiên, trong năm nay, Việt Nam có thể mất danh tiếng đó nếu không có sự phát triển vượt bậc về tiêm chủng.
Hương Dịu