Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Người thay mặt Bộ Chính trị đàm phán với Mỹ về việc rút quân khỏi Campuchia

 Huỳnh Phan

VietTimes - Tôn Lâm là người đầu tiên tôi tiếp xúc, khi bắt đầu công việc báo chí. Từ ông, tôi bắt đầu nghe nhiều về cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Tôi viết về ông nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Tôn Lâm gặp cố Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1988

Ông Tôn Lâm gặp cố Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch năm 1988

Một buổi gần trưa cuối năm 1988, bà Hồ Thể Lan, Vụ trưởng Vụ Thông tin – Báo chí, Bộ Ngoại giao, lên sân bay Nội Bài đón một nhân vật được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) giới thiệu về Việt Nam để giúp Chính phủ Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế. Lúc đó, sau 10 năm cấm vận, kinh tế đang ở mức phát triển thấp nhất và lạm phát ở mức gần 800%.

Người đó là Tôn Lâm, chủ một doanh nghiệp Việt Kiều Mỹ, năm 1987 được đứng trong 87 doanh nghiệp phát triển nhất Chicago, danh tiếng nổi rầm rầm, và, vì vậy, được UNDP chọn về giúp Việt Nam. Ông vốn là phiên dịch của Đại sứ Mỹ Graham Martin tại Sài Gòn, và rời Việt Nam vào sáng sớm ngày 30/4/1975.

Ông được bà Hồ Thể Lan đưa về Khách sạn Thống Nhất (nay là Sofitel Metropole), và nghỉ đúng 2 tiếng. Hai tiếng sau, ông được đưa lên Bộ Ngoại giao, gặp người đứng đầu lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Họ nói chuyện với nhau trong nửa tiếng đồng hồ, bằng tiếng Anh. Bởi cùng đi với ông Tôn Lâm còn có nhóm quay phim của CBS đi theo để chứng kiến những cảm nhận của Việt Kiều Tôn Lâm sau hơn 13 năm về nước. Ông là Việt Kiều Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

“Chúng tôi giữ khoảng cách khá thận trọng, nhưng tôi nói hơi xẵng giọng. Tôi bảo rằng sao sau 13 năm Việt Nam vẫn khổ thế này”, ông Tôn Lâm nói.

Ông Nguyễn Cơ Thạch đáp lại: “Đúng thế, trong 13 năm qua, chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm.”

Câu trả lời thẳng thắn của ông Bộ trưởng đã thực sự làm ông Tôn Lâm ngạc nhiên. Đó là ấn tượng đầu tiên của ông về người mà ông phải nói đến nhiều lần sau này.

Ông Nguyễn Cơ Thạch, sau nửa tiếng trao đổi bằng tiếng Anh, khi kết thúc cuộc đàm thoại, đã nói bằng tiếng Việt: “Chú Lâm là người Việt đầu tiên dám nói thẳng với chúng tôi những mặt trái của cuộc sống, nên chúng tôi rất muốn lưu chú Lâm lại đây để giúp chúng tôi.”

Ông Tôn Lâm vội nói: “Chưa được, tôi xa mẹ già đã hơn 13 năm, tôi phải về Bạc Liêu thăm mẹ khoảng một tuần. Sau đó, tôi sẽ quay lại nghĩ cách giúp các ông.”

Trên đường về Bạc Liêu, Tôn Lâm có ghé qua Sài Gòn, thấy cảnh trẻ con cầu bơ cầu bất, lang thang trên phố nhiều quá. Vào thăm mấy trại mồ côi, thấy trẻ con chỉ được 1,5 đô la một tháng, hết sức khổ cực.

“Thế mà hơn 13 năm trước vẫn là “Hòn ngọc Viễn Đông” đấy”, ông Tôn Lâm thầm nghĩ, và quyết định sẽ ở lại Việt Nam giúp xây dựng đất nước.

Sau một tuần, ông Tôn Lâm trở lại Hà Nội, và lại được ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp. Lần này, ông Thạch không tiếp ông Tôn Lâm một mình, cùng tiếp với ông còn có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau này là Thủ tướng) Đỗ Mười, và Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao, Đặng Nghiêm Bái.

“Khi các ông ấy đề nghị tôi nghĩ cách giúp đưa kinh tế Việt Nam đi lên, tôi nói rằng khó lắm, khi lạm phát đã ở mức gần 800%, lại theo đuổi một cuộc chiến bên ngoài, và bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận”, ông Tôn Lâm thở dài kể lại.

Ông Nguyễn Cơ Thạch chỉ nói một câu: “Chú Lâm hãy đưa ra giải pháp cho chúng tôi!”

Ông Tôn Lâm kể rằng ông mất 10 ngày để nghĩ ra giải pháp để vô hiệu hóa 3 “nan y” kể trên. Sau đó, ông mang đến gặp Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Cơ Thạch, một số lãnh đạo và chuyên gia khác.

Ông nói: “Thứ nhất, phải rút quân khỏi Campuchia, thứ hai tìm cách gỡ bỏ cấm vận, và khi Việt Nam đã rút quân, tình hình lạm phát mặc nhiên sẽ được giảm thiểu.”

Ông Nguyễn Cơ Thạch không đồng ý. Ông nói: “Chúng tôi không tự quyết định được vấn đề này, mà phải biết được thái độ của Mỹ trước đã.”

Người thay mặt Bộ Chính trị đàm phán với Mỹ về việc rút quân khỏi Campuchia ảnh 1

Ông Tôn Lâm nói chuyện với Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh nhân vật cung cấp

Câu chuyện rút quân Việt Nam khỏi Campuchia

Ông Nguyễn Văn Vinh, cựu nhà báo kiêm quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng Reuters Thomson, kể lại rằng vào mùa xuân năm 1983, tại hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương ở Viên Chăn (Lào), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố sẽ dần rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia.

Ông Vinh nói ông đã thể hiện câu nói đó trong bộ phim tài liệu nhựa 16 li, màu, dài 25 phút, với tựa đề "Viên Chăn - khi tiếng nói lịch sử cất lên". Ông còn nói sau khi phát ở Việt Nam, cũng được gửi ra nước ngoài chiếu.

Ông không nói nhưng ai cũng biết chắc phim chỉ được chiếu ở các nước XHCN thôi, mà không đến với người Mỹ, vì Việt Nam bị cấm vận ở Mỹ và các nước Phương Tây.

Nhưng ông Vinh cũng nói rằng Hãng Sản xuất Phim Truyền hình của Nhật Bản Nihon Denpa News, chuyên làm phim về cuộc chiến ở miền Bắc trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ, cũng được mời tham gia hội nghị, và đưa hết tin tức liên quan. Họ có thể phát tin đi Mỹ, y như trong thời gian cuộc chiến tranh phá hoại.

Nhưng thời gian đó, 1983, đến cuối 1988, thời gian ông Tôn Lâm gặp ông Nguyễn Cơ Thạch, là quá lâu.

Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot, người phiên dịch tiếng Việt cho phái đoàn Mỹ từ hội nghị quân sự bốn bên (từ 1973, sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết) đến phái đoàn Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Richard Armitage và Phái đoàn Đặc phái viên của Tổng thống Ronald Reagan Đại tướng John Vessey, đã kể lại kỷ niệm với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về kế hoạch Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.

Ông Andre Sauvageot kể: “Vào tháng 8.1987, khi Đại tướng Vessey vào Việt Nam lần đầu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lại kéo riêng tôi ra nói chuyện, khi chúng tôi nghỉ giải lao.”

Ông Thạch nói: “"Tôi có nghe những phát biểu, và đọc những báo cáo của anh ở bên Mỹ. Anh tin rằng chúng tôi sẽ rút khỏi Campuchia kịp trước năm 1990."

Andre Sauvageot kể rằng ông đã phát biểu về việc Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia tại một số diễn đàn tại Mỹ.

Ông Thạch hỏi Sauvageot thêm: "Tại sao anh tin mà chính quyền Mỹ lại không tin?"

Ông Andre Sauvageot trả lời: "Tôi tin vì tôi hiểu Việt Nam rõ hơn chính quyền Mỹ hiểu. Chính quyền Mỹ đã không hiểu Việt Nam trong thời gian chiến tranh, và bây giờ trong thời gian hậu chiến vẫn tiếp tục không hiểu. Tôi bảo quý vị tuyên bố điều đó cách đây 2 năm (1985) là rất khôn khéo. Từ đó, quân đội Việt Nam đánh Khmer Đỏ rất mạnh, vào tất cả mật khu kháng chiến của họ. Và thời gian 5 năm là đủ để xây dựng chính quyền Hunsen lớn mạnh, và Việt Nam sẽ không còn bị sa lầy ở Campuchia nữa."

Ông Thạch đáp lại: “Anh nói đúng 100%.”

Sau đó là những nỗ lực của Việt Nam, cùng với Indonenia tổ chức các cuộc gặp JIM1 (The First Jakarta Informal Meeting) vào tháng 7.1988, và JIM2 (2.1989) giải quyết bất đồng của các phái chống Khmer Đỏ ở Campuchia, và giải quyết vấn đề nước này một cách toàn diện. Điều đó giúp cho Việt Nam có thể rút quân khỏi nước này.

Thay mặt Bộ Chính trị Việt Nam đàm phán với Bộ Ngoại giao Mỹ

Quay trở lại câu chuyện làm sao thông báo cho chính phủ Mỹ về việc Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia, và chờ xem động thái từ chính phủ Mỹ, chỉ vài ngày sau, ông Nguyễn Cơ Thạch lại gặp ông Tôn Lâm.

Ông nói: “Chúng tôi đã họp, và quyết định rằng sẽ cử chú Lâm, thay mặt chúng tôi đi đàm phán với phía Mỹ về những động thái tiếp theo, nếu chúng tôi rút quân khỏi Campuchia. Chúng tôi không hề có mối quan hệ với Chính phủ Mỹ.”

Ông Lâm sau này biết rằng từ “chúng tôi” mà ông Thạch nói là “Bộ Chính trị”, theo những điều ông biết về qui trình ra quyết định ở Việt Nam. Và sau này ông biết Nguyễn Cơ Thạch là người có công lớn trong việc thuyết phục mọi Ủy viên Bộ Chính trị còn lại tin vào một Việt Kiều.

Đầu năm 1989, ông Tôn Lâm mới quay lại Mỹ. Ông tập hợp một số bạn bè, hay luật sư, tìm cách tiếp cận với người của Chính phủ Mỹ. Cuối cùng, ông cũng tìm ra một người là bạn thân của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Nam Á. Đó là Strobe Talbott – biên tập viên cao cấp của Time Magazine.

“Cuộc gặp mặt diễn ra từ 9 giờ sáng, ông Thứ trưởng Richard Soloman đi cùng một số người, phía Việt Nam chỉ có mình tôi”, ông Tôn Lâm nói.

Hai bên nói hết những vấn đề tồn tại giữa Mỹ và Việt Nam, và cảm giác câu chuyện giữa hai bên rất khó giải quyết bởi sự khác biệt quá sâu sắc.

“Tôi chợt nói: Nếu Việt Nam tuyên bố rút toàn bộ quân đội khỏi Campuchia, Mỹ sẽ hành động thế nào?”, ông Tôn Lâm chợt nói với ông Richard Soloman.

Ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mới từ tốn hỏi lại: “Thưa ông Tôn Lâm, câu này là câu giả định hay câu nghiêm túc? Nếu ông nói nghiêm túc, tôi sẽ trả lời nghiêm túc. Nếu Việt Nam rút quân thực sự, chúng tôi sẽ nối lại đàm phán.”

“Tôi nghe đến đó liền đứng dậy, vỗ vào bàn một cái, và nói: Tôi xin phép dừng cuộc họp tại đây”, ông Tôn Lâm dứt khoát đề nghị.

Mấy người trong đoàn Mỹ nhao nhao bảo rằng ông có tư cách gì mà chấm dứt cuộc họp. Ông Tôn Lâm mới nói: “Tôi nói với tư cách đại diện cho Chính phủ Việt Nam, cả buổi sáng tới giờ tôi chỉ mong câu nói này từ ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Tôi yêu cầu có sự làm chứng của Strobe Talbott!”

“Sau đó, cuộc chiêu đãi diễn ra lớn lắm, tôi bình thường không uống được rượu, nhưng hôm đó, vui quá, cũng uống tới bến, khi về say bò lăn bò càng, họ phải khiêng về khách sạn”, ông Tôn Lâm khoái trá kể lại.

Sáng hôm sau, ông bay luôn về Việt Nam, và đến Bộ Ngoại giao gặp ông Nguyễn Cơ Thạch.

Ông Thạch nói: “Sau hai tuần mà chú Lâm đã làm xong việc. Nhưng chú phải chứng minh kết quả cho chúng tôi.”

“Tôi bốc điện thoại, gọi cho Strobe Talbott, bảo rằng ông hôm nọ làm chứng hết rồi, bây giờ tôi chuyển điện thoại cho Bộ trưởng Thạch để ông nói với ông ấy”, tôi nói trong điện thoại.

Bộ trưởng Thạch nghe xong cú điện thoại, liền cám ơn, và gác máy xuống.

Sau đó, để khẳng định điều đó một cách chắc chắn hơn, tôi bốc máy gọi cho Thứ trưởng Richard Soloman, và để ông trực tiếp nói với ông Thạch.

Ngày hôm sau, Bộ Chính trị họp và tuyên bố rút hoàn toàn quân đội Việt Nam đóng ở Campuchia. Đúng 3 tuần sau, Mỹ cử Đại tướng Taylor đến, gặp Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và hội đàm với Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cam kết giúp đỡ Việt Nam.

Người thay mặt Bộ Chính trị đàm phán với Mỹ về việc rút quân khỏi Campuchia ảnh 2

Gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Bill Sullivan. Ảnh Internet.

Bà Virginia Foote, cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, tổ chức chuyên làm cầu nối giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, kể từ nỗ lực bình thường hóa đến đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), đàm phán Mỹ - Việt trong việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP và cuối cùng Mỹ không tham gia), đã khẳng định với người viết như sau:

“Ông Bill Sullivan, Chủ tịch Trung tâm Phát triển quốc tế, là sếp của tôi, đã từng là Đại sứ tại Lào và cùng ông Thạch đàm phán Hiệp định Paris về Lào năm 1962, và cùng ông Thạch đàm phán về kỹ thuật tại Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam (ký năm 1973).

Mùa thu năm 1988, Ngoại trưởng Thạch gửi thư mời Sullivan sang Việt Nam, để bàn xem làm thế nào để thúc đẩy bình thường hoá quan hệ. Việt Nam muốn tái khởi động tiến trình đã bị gián đoạn 10 năm trước.

Sullivan đã mang chuyện này lên hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng họ đã trả lời: "Chưa được. Việt Nam chưa rút quân khỏi Campuchia, và chúng ta chưa nên vội tiếp xúc với họ."

Đến tháng 5.1989, chỉ khi có quyết định của Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cho ông sang Việt Nam.”

(Tuy nhiên quá trình đó diễn ra cũng khá lâu, với nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, và mất 6 năm mới hoàn tất, khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao vào 12.7.1995.)

Sự cố bất ngờ trong cuộc ăn mừng…

Đến cuối tháng 5.1989, ông Tôn Lâm mới quay lại Mỹ, để tổ chức ăn mừng với những người đã giúp đỡ ông. Strobe Talbott, biên tập viên cao cấp của Time Magazine nói với Tôn Lâm rằng tốt nhất nên tổ chức ở nhà ông cho kín đáo. Thứ trưởng Richard Soloman cùng những người tham dự cuộc gặp 2 tháng trước đều được mời.

“Tất cả đang vui mừng ăn tiệc, tự nhiên Richard nhận được cú điện thoại, ông ta nghe và mặt tái dại đi. Nghe xong ông ta thông báo lại với chúng tôi là Đông Âu đã bắt đầu sụp đổ với sự kiện diễn ra ở Ba Lan, và ông ta phải về ngay”, ông Tôn Lâm nói.

“Thật may là chúng tôi đã kịp thỏa thuận với Chính phủ Mỹ việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và hai bên tiến hành đàm phán về bình thường hóa, chứ để chậm vài tháng, khi Đông Âu sụp đổ, chắc Mỹ không còn tâm trí nào cho việc này”, ông Tôn Lâm nói.

“Tôi càng phục Phó Chủ tịch HĐBT kiêm Ngoại trưởng Thạch quyết vụ này khá nhanh cùng với các Ủy viên Bộ Chính trị khác. Chứ không thì…”, ông Tôn Lâm bỏ lửng câu nói.

Người thay mặt Bộ Chính trị đàm phán với Mỹ về việc rút quân khỏi Campuchia ảnh 3

Ảnh tác giả bài viết và ông Tôn Lâm tại Phở Cali, 95 Lê Đức Thọ, Hà Nội. Ảnh do một người bạn chụp

Tôi gặp ông Tôn Lâm từ năm 1993, khi mới gia nhập Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài, và nhiều lần dẫn phóng viên nước ngoài tới gặp ông, với tư cách Chủ tịch Công ty Việt – Sinh ở số 1 Láng Hạ. Việt - Sinh lúc đó cùng với VATICO là hai công ty tư vấn đầu tư Mỹ duy nhất ở Việt Nam, mặc dù Viet – Sinh núp danh Singapore.

Ông Tôn Lâm đã nói với chúng tôi: “Sau khi Mỹ bỏ cấm vận, một loạt công ty Singapore sẽ đổi tên.”

Chúng tôi, cùng đoàn phóng viên Hà Lan, còn theo ông Tôn Lâm xuống Hạ Long để gặp Đại sứ Singapore, nơi ông Tôn Lâm đang có dự án giúp Quảng Ninh thành lập một ngành công nghiệp may. Rất tiếc vì có một nhân vật quan trọng có mặt trên tàu nên chúng tôi không được phép xuống tàu.

Ông Tôn Lâm đã bỏ cả triệu đô la (thời điểm đầu những năm ’90) ở Quảng Ninh, nhưng do mâu thuẫn giữa những người lãnh đạo cao nhất của Quảng Ninh lúc đó, ông đành bỏ dở dự án. Ông mở lại kinh doanh Phở Ca li, ngành kinh doanh ông đã thành công bên Mỹ, nay ở Phố Lê Đức Thọ, và tiếp tục làm việc tư vấn đầu tư.

(Còn nữa)