Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi

 LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Bắt đầu những ngày hè của năm tiểu học cuối cùng là bọn học sinh lớp nhất năm 1965 (nay là lớp 5) bỗng trở nên căng thẳng. Những mùa hè về trước, bắt đầu một mùa hè thì 'ta chỉ có một mùa hè thôi' để chơi đùa.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 4: Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi - Ảnh 1.

Cổng trường Petrus Ký năm xưa - Ảnh tư liệu

Một mùa hè đúng nghĩa của mùa hè là để nghỉ cho qua cơn mùa nắng tuổi thơ. Chơi cho hết mùa hè để chuẩn bị sang năm vào lớp cao hơn.

Mong ngày tựu trường

Nhưng mùa hè năm cuối cùng tiểu học, chúng tôi phải chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng của đời học sinh từ bước chuyển tiếp tiểu học lên trung học. Một bước chuyển tiếp của sự ngố tiểu học để trở thành những thằng ngáo của các lớp đầu tiên bậc trung học. 

Phải thi đậu vào đệ thất trường công! Một mệnh lệnh cho tất cả các thằng, đứa con gái nhỏ ước mơ ngôi trường thật oách. Hồi đó có "câu thiệu" trong lứa tuổi chọn trường vào trung học của bọn học trò lớp nhất "nam Petrus - nữ Gia Long".

Trường Petrus Ký là trường nam số 1 khắp Nam Kỳ lục tỉnh mà học trò con trai nào cũng mơ được mài quần 7 năm trước khi vào đại học. Nghe nói là trường này có kỷ luật khó khăn số 1. Tụi học sinh đồn rằng các thầy giám thị bắt học sinh quỳ trên vỏ sầu riêng trong những ngày bị phạt "cồng xin" (cấm túc) để học bài, khi nào thuộc bài như cháo mới hết bị bắt quỳ. 

Càng nghe đồn về uy danh, về sự khó khăn, về kỷ luật sắt máu cũng như sự uy nghiêm, cổ kính lại càng khiến tụi tui không cần biết sức tới đâu, lao đầu vào chiến đấu với bài vở để lọt cho được vào ngôi trường này. 

Còn một lý do nữa mà má tui không hề biết là tui cần thi đậu vào trường này để... con nhỏ cùng xóm biết đến uy danh của tui. Đừng ỷ là con nhà giàu, thi vào Trường Gia Long để lên mặt với tui ha. Em Gia Long thì tui sẽ học Petrus Ký!

Mùa hạ đầu tiên tụi tui mong đợi ngày nhập học để lên đời trai học sinh là mùa hè đầu tiên vào năm đệ thất. Sau khi thấy bảng kết quả đánh máy đã đề danh thì tụi tui đếm từng ngày để được nhập học vào ngôi trường mới đến nôn nao. 

Chưa đến trường nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đủ vật dụng cho ngày nhập học. Quan trọng nhất của tụi học sinh lớp đệ thất mới đậu là phải có bộ đồng phục trắng trong ngày nhập trường. Một bộ quần áo chỉ mặc duy nhất một buổi trong suốt quãng đời học sinh tại Trường Petrus Ký. 

Mùa tựu trường năm 1965, đó là những đứa trẻ, tóc hớt cao, áo trắng, quần trắng, giày bố và vớ trắng của những gương mặt hớn hở vinh hạnh bước chân vào thánh đường trung học. Nhưng rồi bỗng chốc ngạc nhiên khi khám phá ra rằng những học sinh đàn anh không ai mặc đồ trắng như "mấy thằng thổi kèn đám ma" mới thấy mình là thằng ngố. 

Để rồi những năm sau, tụi nó nhìn những thằng tân sinh đệ thất vừa bước qua cánh cổng trường màu xanh trong bộ quần áo trắng với cặp mắt đàn anh đầy tha thứ.

Lớn lên qua những mùa hè

Tui nhập trường không như cảm nghĩ của cậu học sinh trong bài "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh. "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi". 

Vì ngày đầu tiên trở thành học sinh trung học của tôi là một buổi chiều tháng 9, dầu cuối hè nhưng cũng còn hâm hấp nóng nhẹ nhàng. Nhưng may quá, tôi còn nhớ kỹ buổi sáng trời lại đổ cơn mưa, tưới mát đất để đón chào những thằng nhỏ học buổi chiều cho mát mẻ. 

Con đường tôi đi đến Trường Petrus Ký của tôi hoàn toàn xa lạ với con đường đến Trường tiểu học Bình Tây nhưng đúng là cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì "chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học" với tư cách là học sinh trung học. Ôi, vô cùng cà la oách.

Rồi 20, 30 năm sau kể từ cái ngày tựu trường đó, những mùa hè đã trôi qua đời học sinh chúng tôi một cách êm ả nhiều kỷ niệm. 

Quay về kỷ niệm lúc còn học sinh khi tụi tui có dịp về Trường Petrus Ký vào buổi sáng trời mát trong, tiếng hót của những con chim sẻ đậu trên những cành cây dầu véo von trong không khí lặng lẽ. Ký ức xưa được dịp bỗng bừng trỗi dậy. 

Hình như tối qua trời mưa nên trên những cành cây dầu vẫn còn lấp lánh những giọt nước trong veo. Những mảng tường nâu vàng với mái ngói đã ngả màu xám xanh rêu. Rêu bám đầy trên những mái ngói của dãy nhà để xe phía sau sân trường. Những ngọn cỏ mọc xanh rì trên lối đi mà ngày thường tụi tui không bao giờ để ý.

Nhớ lại năm đầu tiên vào trường, bọn tui không dám bén mảng vào "khu vực trung tâm", nơi có đặt bức tượng cụ Trương Vĩnh Ký chính giữa sân cột cờ, nhìn thẳng vào dãy hành lang giáo sư hoặc gọi là hành lang danh dự vô cùng thâm nghiêm đến nỗi lạnh lẽo. 

Học sinh được gọi lên phòng giám thị thường đi bên ngã hành lang của các lớp đệ ngũ, nằm phía bên tay trái từ trong khuôn viên nhà trường nhìn ra đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ bây giờ). 

Từ hành lang, học sinh có thể đến thư viện của nhà trường, một căn phòng nằm ở trên lầu, mà đứng ở đây học sinh có thể nhìn ra đường, nơi có xe bán nước rau má của ông già mặc quần soóc rộng thùng thình, trên đầu hay đội cái nón cối bằng rơm và một xe bán trái cây ngâm cũng của một bà người Tàu. 

Muốn ngắm các chị sinh viên đại học khoa học đường, đại học sư phạm thì không gì bằng đứng nhìn từ thư viện của trường. Không thằng nào khám phá ra điều này chỉ trừ tui. Và tui không hề chia sẻ cái bí mật nho nhỏ, dễ thương này cho thằng bạn nào biết.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 4: Petrus Ký - những mùa hè đi qua đời tôi - Ảnh 2.

Những thầy trò “danh giá” ở Trường Petrus Ký trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Mùa hè của những ước mơ thần tượng

Mỗi thằng trong lớp đều có một giáo sư là thần tượng của mình. Ở bậc tiểu học, mỗi lớp chỉ có một thầy hoặc một cô dạy tất cả các môn nên tụi nó coi thầy còn hơn cha mẹ. Thầy cô là số 1. Chuyện gì trên đời thầy cô cũng có thể biết và giải quyết được.

Khi đặt chân vào lớp đệ thất, điều ngỡ ngàng đầu tiên của tụi tui là có quá nhiều môn học. Mỗi môn do một giáo sư phụ trách. Lớp đệ thất tụi tui được học sáu giáo sư chăm sóc cho bảy môn học. 

Và từ đó mỗi thằng học trò lại có những thần tượng riêng chứ không phải tất cả học sinh đều có chung một thần tượng như học sinh tiểu học. Nhưng thần tượng này sẽ thay đổi theo từng năm học, từng lớp như đánh dấu sự trưởng thành, sự phát triển tâm sinh lý của bọn chúng. 

Thần tượng của thằng A, ước mơ của nó là được như thầy Cam Duy Lễ. Nó mong muốn được trở thành một giáo sư dạy toán cho học sinh Petrus Ký. Riêng thằng học sinh B, dù nó chưa được học với thầy Phạm Mạnh Cương nhưng thầy là thần tượng của nó vì những lời nhạc thầy viết làm nó mê mẩn vô cùng.

Mùa xuân làm người ta lớn. Mùa xuân người ta sẽ được mừng thêm một tuổi. Mùa hè chỉ có chia tay. Nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà không cần mùa xuân đến, không cần được mừng tuổi.

Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký.

Đứng bâng khuâng, nhìn các dãy lớp đệ thất 6, 7, 8 gần cổng hậu qua khu Lam Sơn một lúc, những phòng học mà tui không hề đặt chân tới từ khi trở thành những lớp đàn anh, chỉ trừ những khi cúp cua.

Nhớ lại những ngày leo tường qua cổng hàng rào, khi nhìn dáo dác, không thấy bóng dáng của các thầy giám thị hành lang, tụi tui liền trổ tài "phi thân" lên bức tường ngăn cách khuôn viên trường và sân vận động Lam Sơn.

Từ trên bức tường, tụi tui nhảy xuống đất và nơi đây có con đường hẻm đi thẳng ra đường...

------------------------

Chúng tôi không phải chen chúc bàn ghế gì, cứ trải cuốn vở học lên nền ximăng, ngồi khom lưng chép bài, có đứa mệt quá nằm lăn ra thầy cũng không la mắng.