Đức Hiển
Thằng bé cao gần mét tám, nặng 80 kg hai tuần trước vào viện, hôm rồi được các anh bộ đội đưa hũ tro cốt về nhà.
Mấy ngày sau khi phát hiện dương tính với Covid, cậu sốt và được đưa vào bệnh viện dã chiến. Cậu trai trở nặng rất nhanh, nhưng ngay khi đó phòng cấp cứu bệnh viện cũng quá tải. Chiều muộn, cậu được đưa vào cấp cứu và thở máy. Tối, người nhà nhận được tin từ bệnh viện: "Bệnh nhân rất nặng, nhưng hiện không thể chuyển lên vì tuyến trên quá tải", mà thiếu giường thì việc chuyển viện cũng không giải quyết được gì.
Gần ba giờ sáng, sau hàng trăm cuộc gọi, Bệnh viện Đại học Y dược bố trí được một chỗ ở khoa cấp cứu và đồng ý nhận bệnh nhân. Cậu mất trên đường chuyển viện.
Thế nhưng, xong đám tang em, anh cậu bé nói với tôi: "Em ngủ chút rồi gọi điện cảm ơn các bác sĩ ở cả hai bệnh viện. Vào đó rồi mới thấy, họ quá vất vả". Tôi nghĩ, phải hiểu và cảm thông đến mức nào, người thân của bệnh nhân tử vong mới có thể hành xử được như vậy.
Mấy hôm sau, cũng người anh gửi ảnh cho tôi, "em nó được về trang nghiêm, chu đáo". Nhìn các anh bộ đội cầm dù che nắng đưa hũ tro cốt của em vào nhà, gia đình khóc vì thương con lẫn cảm động. Dịch giã và mất mát, nhưng họ cũng được an ủi phần nào.
Sài Gòn giờ đã quen không chỉ với tiếng còi xe cấp cứu, Sài Gòn cũng quen dần với mất mát. Đúng hơn là tâm thế đón nhận nỗi buồn đã khác, không còn quá sốc khi nó đến đột ngột.
Gần một tháng nay, tôi cũng nhiều lần phải chia buồn với bạn bè, đồng nghiệp bằng những dòng tin nhắn khi người thân của họ qua đời do Covid.
Tuần trước, ba giờ sáng tôi thức dậy. Bạn tôi nhắn tin nhờ hỏi liệu có thể nào vào nhìn mẹ lần cuối. Mẹ bạn ấy mất đầu hôm, tôi hứa "sẽ hỏi" nhưng sau đó cũng nói thật là không thể. Bác ấy mất vì Covid tại bệnh viện, việc chống lây nhiễm phải đặt cao hơn tình cảm và tâm linh.
Bạn tôi cũng như nhiều người, đành lấy ngày cả nhà đi cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 6 là lần cuối quây quần có mẹ. Tôi biết bạn thương mẹ như nào, và sẽ hẫng hụt đau đớn thế nào khi vài hôm nữa, hai anh bộ đội mang mẹ về nhà.
Phải chia buồn với hàng chục người gần như liên tiếp, đôi khi sự thành tâm cứ phải lặp lại nên người chia buồn cũng ngần ngại. Trước đây, có ai khi cha mẹ bạn mất mà bận không viếng, chúng tôi chọc "đến chia buồn mà cũng online". Giờ, tất cả đều chia buồn online, thành kính phân ưu online. Biết sao được, dịch vây tứ phía nên chỉ có thể ngậm ngùi rồi tập trung lo cho người sống đừng mất mát thêm.
Số F0 trong cộng đồng tiếp tục tăng ở các quận huyện TP HCM. Có những vùng xanh hôm trước, hôm sau đã có người kêu khó thở và test nhanh dương tính. Những gì nên làm là chờ PCR tái khẳng định, gỡ bảng xanh để thay bằng bảng đỏ và tiếp tục ở nhà. Nếu bệnh không nguy quá, đừng đến bệnh viện. Bởi y bác sĩ đã quá tải rồi. Sự hốt hoảng và đến viện sẽ khiến ùn trên ùn dưới.
Thành phố cũng đã cố gắng. Các bệnh viện mới liên tục mở ra, các gói cứu trợ cũng thế. Các trung tâm cấp phát lương thực và hàng thiết yếu được lập, chính quyền nhiều phường tìm mọi cách để có nguồn hỗ trợ bà con. Một triệu "túi an sinh" đang được chuyển đến người nghèo. Thành phố cũng xin Trung ương hỗ trợ gấp 28.000 tỷ đồng và 142.000 tấn gạo để hỗ trợ 4,5 triệu người nhiều tháng qua mất thu nhập do dịch. Mong là những đề xuất này sẽ sớm được phê duyệt và giải ngân.
Câu chuyện quá tải bệnh viện những ngày qua trở thành vấn đề nhức nhối. Quá tải bệnh viện có một phần nguyên nhân do bí "đầu ra". Một số bệnh viện không có chức năng điều trị Covid nhưng không thể không tiếp nhận người cấp cứu. Khám sàng lọc, phát hiện dương tính thì liên hệ với các bệnh viện trong "tháp năm tầng" nhưng không được nhận, đành giữ bệnh nhân lại điều trị - giữ ở vùng đệm khi chưa tìm được tuyến trên cho bệnh nhân. Mô hình tháp năm tầng đã được đổi thành ba tầng để tăng cơ hội tiếp cận bệnh viện, "chia đôi bệnh viện" để có thể nhận nhiều bệnh nhân hơn.
Biến chủng Delta vô cảm, không sự chuẩn bị nào có thể coi là đủ. Sự quá tải đã được chính lãnh đạo Thành phố đánh giá từ cuối tháng trước và nỗ lực để cải thiện, ngành Y tế liên tục mở thêm chỗ thêm người, các phường lập những đội phản ứng nhanh, các đội thiện nguyện lập nhóm oxy 0 đồng, ATM oxy, trợ giúp F0 và hoạt động hết công suất...
Quá tải là có, mất mát là có. Nhiệm vụ quan trọng nhất, ngăn chặn số ca tử vong, đang đặt trên vai hệ thống y tế và chính quyền. Chúng ta, cả người bệnh nặng, F0 không triệu chứng, cả người đã khỏi và người may mắn chưa nhiễm có thể làm gì?
Ngành Y tế đã kêu gọi tình nguyện viên mọi miền tham gia chống dịch. Tôi nghĩ những F0 không triệu chứng cũng có thể vào viện chăm sóc người nhà để đỡ đần nhân viên y tế. Chúng ta có thể phát động một chiến dịch trên diện rộng: F0 giúp đỡ F0 - kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch cùng tuyến đầu.
TP HCM đang kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của người dân trong trận chiến này. Ở yên trong nhà, cùng nhau tự quản và phát triển vùng xanh, thực hiện nghiêm 5K từ trong chính nhà mình, hợp tác tiêm vaccine khi tới lượt. Nhiều nhóm cộng đồng khắp Sài Gòn cũng đang giúp nhau tự theo dõi, chăm sóc F0, chở nhau đi cấp cứu và tăng cường các biện pháp chống dịch tại khu mình sống. Khuyến khích các F0 khỏi bệnh tham gia nhiều hơn vào hoạt động chống dịch cũng là một giải pháp trong lúc này.
Chức trách mỗi người tuy khác nhưng trách nhiệm xã hội thì ai cũng có. Những ngày này, làm gì cho nhau bớt buồn thì nên làm. Dù vẫn nhìn những chốt bảo vệ vùng xanh khi xung quanh đó là những vùng giăng dây, và nghĩ "chắc gì xanh", nhưng chúng vẫn khiến tôi dễ chịu, như hy vọng về một ngày mai an toàn hơn, khi vùng xanh mở rộng dần.
Dịch rồi sẽ qua, nhưng ký ức về nó thì không. Sẽ có những tin nhắn đêm khiến tôi nhớ bạn mình ba giờ sáng hỏi cách vào nhìn mẹ, nhớ những lời chia buồn online đã gửi. Sẽ có những chiều kẹt xe để nhớ ngày thành phố vắng hoe.
Mai này hết dịch, chúng ta đều sẽ khác. Có thể sẽ thản nhiên hơn, bình tĩnh hơn trước được mất, dễ chấp nhận hơn những thiệt thòi. Và sẽ nhớ rất nhiều những gì ta đã cùng nhau đi qua mùa hè 2021.
Đức Hiển