Đỗ Thị Ngọc Vũ
Giảng viên
Từ thanh niên bán bánh mì ở Sài Gòn những năm 1970, tiếng Anh không rành, Ken trở thành thương nhân có tiếng trên thị trường may mặc Mỹ.
Những năm tuổi trẻ là tháng ngày ông học từ cách sinh hoạt, lối ăn ở, ngôn ngữ, đi làm thuê, và sau cùng tự mở doanh nghiệp. Đến bây giờ, gần 60 tuổi, ông là giám đốc một hãng lớn đại diện nhập khẩu hàng may mặc từ nhiều đối tác tại Việt Nam xuất sang Mỹ. Thương nhân gốc Việt đã định cư ở bang Colorado hơn 30 năm.
Những gì Ken Trần đang làm tại Mỹ tạo ra hàng triệu USD doanh thu và việc làm cho những công ty và công nhân tại quê nhà Việt Nam. Nhờ Ken sáng lập công ty trung gian và đại diện về thương mại tại Mỹ, hàng nghìn đơn hàng may mặc của nhiều hãng thời trang Mỹ được chuyển giao về Việt Nam gia công.
Không phải tự nhiên người Việt Nam may được quần áo trung, cao cấp cho thị trường Mỹ. Ken chia sẻ kỹ năng, kỹ thuật vận hành và quản lý công xưởng ở Mỹ cho những công ty trong nước. Nhờ ông đào tạo, nhiều năm qua, các thương hiệu Mỹ biết đến một địa danh sản xuất nhiều mặt hàng thời trang trung và cao cấp "made in Vietnam".
Trong lần tham gia buổi giao lưu tại Phòng Thương mại Á châu thành phố tôi ở, tôi được gặp Ken Trần. Dù tiếng Anh không chuẩn, vóc người châu Á nhỏ nhắn, ông bước đi điềm tĩnh nhưng tự tin giữa khán phòng có nhiều nhà quản lý, CEO từ khối ngành đa dạng tại Mỹ.
Ông nói đã học được rất nhiều về tính kiên trì và làm việc cật lực của người Mỹ, cả sự kỷ luật và chuyên nghiệp của họ. Ông mong muốn truyền lại giá trị này cho đồng bào ở Việt Nam, ngoài những đơn hàng.
Người Việt gửi về nước gần 18 tỷ USD trong năm 2021. Cuối năm nào, chúng ta cũng thông báo về những con số như vậy. Nhưng tiền có phải là thứ duy nhất người Việt sống ngoài biên giới có thể đóng góp cho quê nhà?
Từ ngày lấy chồng và lập nghiệp tại Mỹ, thỉnh thoảng tôi vẫn gửi chút tiền cho ba mẹ và các cháu tại Việt Nam. Tôi biết nếu mình tiết kiệm một bữa ăn nhà hàng ở đây, ba mẹ tôi có thể được thưởng thức nhiều bữa ăn ngon hơn, bù lại những năm tất bật ở cao nguyên cà phê hay những cuốc xe đạp đường dài đi làm để nuôi chúng tôi khôn lớn. Nhưng tôi cũng biết, những thứ mà Việt kiều chúng tôi có và có thể cho đi không đếm được bằng tiền.
Năm 2018, khi lên ý tưởng thành lập một tổ chức thiện nguyện quyên góp tại Mỹ để gửi về Việt Nam giúp trẻ khó khăn được đến trường và học tiếng Anh, tôi tìm hiểu cách người đi trước đã làm.
Lệ Lý Hayslip là cái tên đầu tiên. Nữ nhà văn, nhà nhân đạo mang nhiều vết thương cuộc chiến đã dựng lại đời mình tại Mỹ. Nhiều năm, cô miệt mài cho những dự án giúp đỡ hàng nghìn trẻ em và người nghèo nông thôn Việt Nam. Những năm 1990 và 2000, Lệ Lý đã xây ngôi làng Hy vọng, nơi trú ngụ của hàng trăm trẻ em nghèo miền Trung Việt Nam; hơn 10 thư viện đại học, bệnh viện đa khoa và một trung tâm tim mạch cho người nghèo tại Huế. Nhiều hệ thống cung cấp nước sạch cô lắp đặt đã thay đổi thói quen cho người dân nông thôn đến hôm nay.
Ken Trần, Lệ Lý chỉ là hai trong nhiều người Việt xa quê nhưng âm thầm đóng góp cho đồng bào. Nữ kỹ sư Lê Duy Loan, người sáng lập Hoa Hướng Dương - tổ chức quyên tiền xây trường cho học sinh nông thôn Việt Nam; doanh nhân, hoa hậu Di Ái Hồng Sâm với SAM Foundation chuyên gây quỹ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên mồ côi và cơ nhỡ tại cả Việt Nam và Mỹ; doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ - đồng sáng lập tổ chức VietSeeds cung cấp học bổng và chương trình đào tạo, cố vấn cho sinh viên khó khăn học giỏi...
Không đơn giản chỉ gửi tiền, họ đã chuyển về nước hàng triệu cơ hội học hành và việc làm nhờ kết nối nguồn lực tài chính, con người từ nơi họ đang định cư.
Nhưng không phải khi nào muốn đóng góp cho quê hương cũng dễ dàng và thuận tiện. Tôi và cộng sự đã gặp trục trặc trong việc đầu tư hay lập tổ chức từ thiện.
Tôi có thể đăng ký mở một tổ chức thiện nguyện tại Mỹ trong chưa đầy một tuần. Hướng dẫn có sẵn hết trên mạng, tôi làm hồ sơ online gửi đi, hồ sơ được trả lời rất nhanh và chuyên nghiệp. Nhưng đối tác của tôi ở Việt Nam phải mất hàng tháng làm giấy tờ cho một tổ chức tương đương, đi lại nhiều lần để chứng minh nhân thân, xác minh danh tính, thông tin tài sản và hồ sơ kinh doanh. Nếu mọi việc được xử lý nhanh gọn qua các ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý dữ liệu tân tiến, tôi chắc Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư và hỗ trợ hơn không chỉ từ Việt kiều mà nhiều người ngoại quốc.
Việc Nhà nước chưa công nghệ hóa nhiều khâu xử lý thủ tục công và có hệ thống dữ liệu minh bạch cũng hạn chế cơ hội giải quyết thủ tục hành chính online cho người không sống tại Việt Nam. Nếu như tại Mỹ, tôi có thể hoàn thành thủ tục hỗ trợ một sinh viên quốc tế trong vài giờ qua máy tính thì với các cơ quan của Việt Nam, quy trình này có thể kéo dài vài tuần hoặc không làm được.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam, trong thập kỷ qua, được Ngân hàng Thế giới ghi nhận thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất.
Nếu các cơ quan chính phủ có phương án mở rộng hơn cánh cửa, giúp thật nhiều người Việt xa quê được quay lại đầu tư, làm việc, tận dụng triệt để chất xám và những kỹ năng kiều bào đã hấp thụ từ quốc gia phát triển, khi ấy, con số sẽ không chỉ là 18 tỷ USD kiều hồi của năm vừa qua.
Những người sống bên ngoài đất nước, như Ken Trần, hạnh phúc không chỉ vì gửi được tiền về quê hương mà còn vì nhìn thấy "những điều mình học được đã giúp thay đổi cuộc sống của đồng bào Việt Nam".
Đỗ Thị Ngọc Vũ