Khát vọng trở về quê hương nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, giải những “bài toán khó” cho ngành y tế, đã thôi thúc ông Trương Quốc Hùng thành lập VinBrain - công ty công nghệ tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho y tế - vào tháng 4/2019.
Bản thân ông từng phải chăm mẹ già bị đột quỵ, thấu hiểu nỗi vất vả của bệnh nhân cũng như người nhà họ khi phải ăn chực nằm chờ tại bệnh viện để được thăm khám, chỉ vì bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Ông Hùng có khá nhiều năm kinh nghiệm về công nghệ: Học kỹ sư phần mềm ở Đại học Toronto – Canada; có bằng Thạc sĩ ở Mỹ; có 13 năm gắn bó với tập đoàn công nghệ toàn cầu với vị trí Giám đốc Kỹ thuật và Ươm tạo AI tại Microsoft Hoa Kỳ… Nhưng với lĩnh vực y tế thì ông hoàn toàn là “lính mới”.
“Con đường” AI trong y tế vô cùng “khó đi”. Bởi lĩnh vực y tế vô cùng phức tạp, còn AI là công nghệ mới nhất, kết hợp y tế với AI trở thành thách thức rất lớn. Cái sự “vô cùng khó” đấy có thể khiến nhiều người ngần ngại, nhưng ông Hùng lại coi đây là động lực cho mình.
“Không ai hoàn hảo cả, vì thế nên cần phải học hỏi liên tục để có thể hoàn thiện mình mỗi ngày. Thách thức cũng chính là cơ hội để chứng tỏ rằng mình có năng lực giải quyết thách thức, khó khăn. Giải quyết được những bài toán khó thì tôi mới thỏa chí”, ông Hùng vừa cười vừa nói.
“Nếu mình làm được, sẽ khơi rộng tinh thần dân tộc, nhiệt huyết của các bạn trẻ, tạo chất xúc tác để thắp lên khát vọng và niềm tin về việc tạo ra sản phẩm “Make in Vietnam” tự tin đi ra thế giới. Và hơn thế nữa, chúng tôi mong muốn trong tương lai, không chỉ xuất khẩu sản phẩm công nghệ, Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu cả chuyên gia công nghệ y tế”, ông tâm sự.
Khó khăn lớn nhất trong buổi đầu “nhập cuộc chơi” chính là công tác thu thập dữ liệu, số hóa, và làm sạch dữ liệu y tế để dạy máy. Đồng thời cần tạo được niềm tin của các bác sĩ và các bệnh viện khi thí điểm, thử nghiệm công nghệ mới.
“VinBrain sẵn sàng minh bạch những chuyện mình làm để các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện nhìn thấy cách xây dựng các hệ thống của mình; thường xuyên trao đổi để hiểu nhau và xây dựng niềm tin với nhau. Sau một thời gian, các bệnh viện, giám đốc bệnh viện, các cơ quan nhà nước, các bác sĩ đều rất ủng hộ sản phẩm “Make in Vietnam” của VinBrain”, ông Hùng chia sẻ.
Từ thực trạng dữ liệu y tế mỗi đơn vị một kho riêng, không sẵn sàng chia sẻ, với các giải pháp “Make in Vietnam”, VinBrain đã từng bước xây dựng niềm tin bằng cách công bố không lấy định danh của người bệnh và dữ liệu y tế, dùng những hệ thống có công cụ bảo mật thông tin cao khi thu thập và xử lý dữ liệu.
Với tư duy “Đứng trên vai người khổng lồ để đi xa hơn, nhanh hơn”, Tổng Giám đốc VinBrain từ sớm đã nghĩ tới chuyện hợp tác với những “tay chơi” lớn trong ngành, như Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học California San Diego, Đại học Toronto…, những đơn vị có bề dày nghiên cứu, hội tụ rất nhiều bác sĩ đầu ngành trên thế giới; và với những “ông lớn công nghệ” như Microsoft, Nvidia…
Sự ủng hộ của các bác sĩ đầu ngành, bác sĩ giỏi ở Việt Nam, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước như Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, và sự đầu tư từ Tập đoàn VinGroup cũng đã tiếp nguồn năng lượng giúp ông Hùng cùng các cộng sự thêm kiên trì, quyết liệt giải “bài toán” AI trong y tế.
Ngay từ ngày đầu thành lập, VinBrain xác định rõ tầm nhìn “Knowledge for lives” – Tri thức cho cuộc sống, dùng công nghệ của trí tuệ Việt để chinh phục thế giới. Đội ngũ giỏi, dữ liệu lớn, và đầu tư nhiều chính là những yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng của sản phẩm công nghệ luôn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. 80% ngân sách hoạt động của công ty được đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó, gần 70% dành cho đội ngũ nhân lực. VinBrain đã thu hút được sự chung tay góp sức của rất nhiều chuyên gia, kỹ sư người Việt từng làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon, Samsung…
Đặc biệt, VinBrain đã tập hợp được bộ dữ liệu lớn (Big data), hình thành từ hơn 800 nghìn ảnh thu tại Mỹ và Canada, châu Âu, cùng với khoảng 1 triệu ảnh tại Việt Nam lúc đầu, sau đó nhanh chóng tăng lên 2,5 triệu ảnh. Những thiết bị tối tân như siêu máy tính AI A100 của NVIDIA được đưa vào vận hành để tối ưu hiệu quả khai thác dữ liệu.
Từng trực tiếp sử dụng giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong y tế của VinBrain, PGS. TS. Bác sĩ Bùi Văn Giang, Giám đốc Khối Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Hệ thống Y tế Vinmec khẳng định: “Giải pháp của VinBrain giúp ích nhiều cho các bác sĩ, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả chẩn đoán hình ảnh. Tôi cho rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ích rất nhiều cho y học. Hiện mới đang ở những cung bậc phát triển ban đầu, từ giờ đến khi hoàn thiện sẽ trải qua nhiều cung bậc khác nhau. Chúng tôi rất muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều công nghệ hữu ích như vậy”.
Với khá nhiều điểm ưu việt, ngay lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” – năm 2020, giải pháp hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh DrAid™ của VinBrain đã được trao giải Nhì ở Hạng mục Giải pháp số xuất sắc.
Theo đánh giá của Cơ quan thường trực Hội đồng Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam: “DrAid™ là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển các sản phẩm công nghệ số hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh. Sản phẩm ra đời nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế; phù hợp với chủ trương, định hướng về chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế số bằng việc làm chủ và phát triển, ứng dụng sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam. Đồng thời, sản phẩm cũng có tiềm năng khai thác thị trường toàn cầu”.
Trên thế giới có nhiều công ty công nghệ y tế ứng dụng AI, nhưng mỗi đơn vị sẽ có một dòng sản phẩm chủ lực riêng để tạo ra sự khác biệt. So với nhiều đối thủ nước ngoài, những "át chủ bài" như DrAid™ X-quang ngực, DrAid™ CT Ung thư gan… của VinBrain sở hữu điểm vượt trội hơn ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, DrAid™ CT Ung thư gan có thể phân đoạn và phân loại tổn thương ung thư gan trên hình ảnh CT với 4 loại khối u: Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), Ác tính khác HCC, Lành tính, và Khối u chưa xác định bản chất. Kết quả khoanh vùng gan đạt hệ số Dice 96,55%; khoanh vùng tổn thương có hệ số Dice 74,47%, và phân loại khối u với hệ số F1 90,12%.
“Mình biết đối thủ của mình là ai, liên tục so sánh và đánh giá. Chẳng hạn, so với một đối thủ ở Hàn Quốc đã đi trước mình 6 năm, về sản phẩm DrAid, mình có nhiều tính năng khác biệt, vượt trội hơn, và về các chứng chỉ, mình cũng tương đương họ. Chúng tôi sẵn sàng “so găng” với nhiều đối thủ ngoại khi đã làm được một số tính năng mới, mang giá trị khác biệt, đáp ứng nhu cầu giải các “bài toán” một cách toàn diện, và giá cả hợp lý”, Tổng Giám đốc Trương Quốc Hùng tự tin nói.
Dám đi đầu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chưa hề có trước đó, VinBrain tập trung giải quyết các vấn đề sức khỏe quan trọng và nan giải trên thế giới, chẳng hạn như ung thư.
Với khát vọng cứu được 830.000 mạng sống mỗi năm, VinBrain đã ra mắt dòng sản phẩm chẩn đoán và điều trị ung thư, bắt đầu bằng ung thư gan (căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu). DrAid™ CT Ung thư gan giúp doanh nghiệp Việt này trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển và đưa ra thị trường giải pháp phát hiện sớm các khối u bất thường trên gan thông qua hình ảnh CT, cung cấp các giải pháp lâm sàng để giúp chẩn đoán ung thư gan sớm, đồng thời có các tính năng hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa ung thư gan trong việc điều trị.
Nối tiếp DrAid™ CT Ung thư gan, công ty sẽ sớm cho ra mắt các dòng sản phẩm phục vụ phát hiện sớm và điều trị ung thư khác như: DrAid ™ MRI Ung thư trực tràng, DrAid ™ CT Ung thư phổi.
“Chất lượng sản phẩm của VinBrain đều được bảo chứng bởi các chứng nhận, giải thưởng quốc tế uy tín”, ông Hùng tự tin nói.
Điển hình như Giải thưởng Công nghiệp ACM SIGAI 2021 dành cho sản phẩm DrAid for Radiology (trợ lý bác sĩ về chẩn đoán hình ảnh) với danh hiệu “Sản phẩm ứng dụng AI xuất sắc nhất”. Thú vị ở chỗ, giải thưởng này của hiệp hội máy tính lớn nhất thế giới, trong 4 năm vừa rồi mới chỉ xướng tên 3 đơn vị, ngoài VinBrain, hai đơn vị còn lại đều là những “ông lớn” trong làng công nghệ (Microsoft, Sony).
Đặc biệt, ngày 2/9/2022, đúng dịp Quốc khánh của Việt Nam, cũng là ngày sản phẩm DrAid X-quang của VinBrain được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng an toàn. Trước đó, chỉ có 5 quốc gia gồm: Mỹ, Isarel, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc, có doanh nghiệp làm sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang đạt chứng nhận này. Hiện VinBrain vẫn là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á đạt chứng nhận của FDA về sản phẩm AI hỗ trợ chẩn đoán y tế.
Vượt qua những tiêu chí khắt khe của FDA là một chặng đường khá dài. VinBrain dành tới hơn 1 năm rưỡi thu thập dữ liệu được gán nhãn bởi bác sĩ Mỹ đang hành nghề, có bằng cấp rõ ràng. Chứng nhận FDA là phần thưởng xứng đáng dành cho sự kiên trì của công ty Việt.
Tuy nhiên, những giải thưởng uy tín chưa phải là điểm dừng, đích đến cuối cùng của Tổng Giám đốc VinBrain và các cộng sự. Sự sáng tạo và cập nhật ứng dụng công nghệ tân tiến của thế giới mới là hoạt động có tính liên tục tại VinBrain.
Năm ngoái, ngày 22/11, ChatGPT ra mắt công chúng, thì ngày 23/11, VinBrain đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển và tích hợp Generative AI/ChatGPT vào sản phẩm DrAid™ Enterprise Data, giải pháp “All-In-One” bao gồm DrAid AI cho chẩn đoàn hình ảnh và Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) cho quản lý dữ liệu bệnh viện và quản lý y tế, có thể chiết xuất báo cáo y tế tự động ra 25 ngôn ngữ khác nhau để hỗ trợ các bác sĩ, có nền tảng chat hỏi đáp, phân tích và đưa ra tóm tắt thông minh, có tính dự báo, giúp lãnh đạo bệnh viện ra quyết định dựa trên dữ liệu, đảm bảo tính chính xác cao.
Trước câu hỏi: “Ông có thấy mình quá liều khi chọn Hoa Kỳ là điểm đầu tiên trên hành trình “Go Global” (ra thị trường toàn cầu – PV) hay không”, ông Hùng cho biết: “Chọn thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ để thử nghiệm trước là bởi nếu khách hàng Mỹ sẵn sàng trả tiền cho mình thì điều đó đồng nghĩa đã chứng minh được thực lực của mình. Hiện đã có khoảng 20 bệnh viện ở 8 tiểu bang bên Mỹ sử dụng sản phẩm của VinBrain”.
Một số “bí kíp” chinh phục thị trường Mỹ được Tổng Giám đốc VinBrain tiết lộ: Đầu tiên phải có tầm nhìn chiến lược, làm những “bài toán” mà công ty khác chưa làm được hoặc làm chưa tốt, xây dựng sản phẩm tạo giá trị khác biệt và có chất lượng được quốc tế kiểm chứng. Ví dụ, muốn vào thị trường Mỹ, phải có được những “giấy thông hành” như chứng nhận FDA.
Kế đó, phải có những đối tác tin cậy. Khi Đại học Stanford (Hoa Kỳ) sẵn sàng chia sẻ cho VinBrain tập dữ liệu 230 nghìn ảnh và báo cáo y tế, nhiều người sẽ nghĩ công ty startup ở Việt Nam chắc cũng phải có giá trị gì đó thì một “ông” đại học đứng Top 1, Top 2 thế giới mới sẵn sàng làm vậy.
Ngoài ra, phải đảm bảo tuyệt đối vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu, và phải rõ ràng, minh bạch hợp đồng.
Sau những thành công bước đầu tại thị trường Hoa Kỳ, mới đây, VinBrain mạnh dạn dấn bước sang thị trường Ấn Độ - hiện là thị trường đông dân nhất thế giới, với 2 thỏa thuận thương mại vừa được ký kết.
“Định hướng của chúng tôi là phát triển theo diện rộng ở những thị trường lớn và gần mình; xây dựng đội ngũ nhân sự người bản địa để hiểu rõ thị trường hơn. Bên cạnh Ấn Độ, thời gian tới, VinBrain sẽ phát triển hoạt động ở một số quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Singapore, Indonsesia… Doanh thu ngày đầu của VinBrain chủ yếu đến từ thị trường Việt Nam, nhưng sau khoảng 3 năm, doanh thu từ thị trường quốc tế đã trở thành nguồn thu chủ yếu, và chúng tôi sẽ dần thực hiện được nguyện vọng của mình là phát triển thành công, mang lợi nhuận từ nước ngoài về để hỗ trợ ngành y tế của Việt Nam”, ông Hùng chia sẻ thêm.
“Nếu chẩn đoán chính xác, sàng lọc đúng thì sẽ cứu được rất nhiều người. Việc phát hiện sớm bệnh nan y sẽ kéo dài khả năng sinh tồn của người bệnh. Chẳng hạn bệnh ung thư gan, nếu phát hiện sớm sẽ có thể điều trị được. Hoặc ung thư phổi, nếu phát hiện quá muộn, có khi chỉ vài tháng sau khi phát hiện, người bệnh sẽ không qua khỏi”, ông Hùng trầm giọng.
Lấy cái tâm và mong muốn cứu người làm “kim chỉ nam” trong hành trình giải những thách thức của ngành y bằng công nghệ AI, VinBrain vừa quyết định chung tay với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giải “bài toán thế kỷ” – phòng chống lao phổi.
Trên thực tế, lao phổi là bệnh chỉ còn tồn tại ở những nước chưa phát triển và việc sàng lọc căn bệnh này trong cộng đồng được WHO tài trợ trong nhiều năm. Sau khi chương trình mang tác động lớn cho xã hội này được VinBrain triển khai cùng các hội đoàn chống lao quốc tế, sử dụng X-quang ngực bằng thiết bị di động và nền tảng DrAid™, đã giúp giảm chi phí sàng lọc từ 50 - 60 đô la Mỹ bằng phương thức GeneXpert xuống 1 đô la Mỹ.
Đây cũng là hoạt động vô cùng ý nghĩa cho cộng đồng trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có tới 12.000 – 15.000 người bị chết vì bệnh lao, cả trăm nghìn người bị nhiễm lao, đa số đều thuộc tầng lớp kinh tế khó khăn.
“Người nhiễm lao dễ bị thất nghiệp vì ai cũng sợ lây, không dám nhận vào làm. Thực ra phòng chống lao cũng là chống đói nghèo. Tôi rất mong thông qua việc hợp tác với Chương trình Chống lao quốc gia và các tổ chức quốc tế như WHO, Global Fund (Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét)…, VinBrain sẽ là chất xúc tác để giải quyết triệt để “bài toán” chống lao, để Việt Nam sẽ không còn bệnh lao, trở thành một đất nước văn minh”, ông Hùng bày tỏ những lời từ trái tim.
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Vũ Minh Hòa