Sông Seine diễm lệ góp phần làm nên một Paris thơ mộng cho thế giới. Còn sông Sài Gòn nhộn nhịp đã khởi tạo một thành phố sôi động nhất Việt Nam. Từ lâu, cả hai con sông đã kết nối trong văn chương, âm nhạc và tâm tưởng của nhiều thế hệ hai nước.
- Giữ gìn và kiến tạo Thương cảng Sài Gòn - chứng tích thành phố mở
- “Xa lộ” sông Sài Gòn và những dư địa mới
- Đề xuất “Con đường di sản” kết nối công viên ven sông khu trung tâm Sài Gòn
Thế nhưng, bước sang thế kỷ XXI, hai dòng sông - đại diện cho Paris và TP.HCM không thể cứ dừng lại ở mức giao lưu tình cảm hay văn hóa. Làm thế nào để cả hai nguồn lực xanh tươi ấy có thể liên thông thực sự qua hợp tác tri thức và kinh tế?
Bắt đầu từ những dự án nội dung mới, cách làm mới
Từ năm trước, một số chuyên viên chính phủ và doanh nghiệp Pháp đã đi thực tế nhiều nơi tại TP.HCM, kể cả việc đi khảo sát trên sông Sài Gòn. Ở chiều ngược lại, cuối tháng 6 vừa rồi, một đoàn cán bộ cấp cao của chính quyền thành phố đã đi Paris để tìm hiểu thêm cơ hội và khả năng hợp tác.
Kết quả của hai chuyến đi thể hiện qua một biên bản ghi nhớ giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM (DPA) và Ban Quy hoạch - Kiến trúc và Xây dựng đô thị (PUCA), một cơ quan liên bộ của Pháp cùng các đơn vị liên kết. Hai bên thỏa thuận sẽ có sáu nhóm dự án cùng chung tay thực hiện.
Trước nhất là dự án hình thành các quy định, hay nói cách khác là khung pháp lý chi tiết để thực hiện quy hoạch đô thị bền vững. Kế đến là thiết kế các giải pháp để tích hợp đa dạng sinh học và sinh thái vào các dự án bất động sản của TP.HCM. Rất thực tế, hai bên sẽ có dự án thiết kế và thực hiện chuyển đổi một vài khu dân cư và khu phức hợp cũ thành EcoBlocks (khu phố sinh thái), sử dụng năng lượng mặt trời.
Hai nhóm dự án kế tiếp cũng nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bao gồm dự án tổ chức các loại hình du lịch sinh thái và dự án sử dụng công cụ kỹ thuật số để tính toán đầu tư chiến lược cho đô thị. Nhóm dự án thứ sáu là lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của bến cảng cũ và bờ sông thành các khu kinh tế kết hợp văn hóa và các khu công nghiệp xanh.
Ngoài ra, phía PUCA cùng các đơn vị liên kết còn thỏa thuận sẽ giúp các đơn vị của TP.HCM kết nối với các công ty hàng đầu của Pháp và tư vấn huy động tài chính trong các lĩnh vực liên quan các dự án trên.
Các nhà đầu tư Pháp sẵn sàng trở lại chốn xưa - cảng Khánh Hội bên sông Sài Gòn, do người Pháp xây dựng năm 1860 (ảnh trên), để kiến tạo thành khu phức hợp di sản - du lịch- hội chợ - thương mại, góp phần làm giàu cho quận 4 và TP.HCM.
Có thể nói đây là một gói thỏa thuận khá lớn cùng hướng đến hợp tác trong kinh tế xanh và kinh tế di sản. Cả hai đều là những lĩnh vực mới mẻ với Việt Nam và nằm trong xu thế đương đại đầu thế kỷ XXI của toàn cầu. Sáu nhóm dự án này cũng không chỉ mới về đề tài mà còn mới về cách thực hiện. Thật vậy, đây không phải là kiểu dự án thuần túy sử dụng viện trợ của chính phủ (ODA).
Bản thân PUCA dù là cơ quan liên bộ của Pháp nhưng cũng chỉ là một thành viên trong nhóm các đơn vị hợp tác công - tư về phía Pháp. Doanh nghiệp hai bên sẽ là nhà đầu tư chính cho các dự án, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, vốn dĩ được kỳ vọng là năng động. Còn chính phủ chỉ hỗ trợ bước đầu một phần kinh phí, trước nhất là cho việc khảo sát, lập dự án chi tiết.
“Dư địa” liên thông hai dòng sông
Chúng tôi cho rằng với sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp hàng đầu của cả hai phía về cả kinh phí và nhân lực, việc hợp tác giữa Paris và TP.HCM trong hai thập niên tới không chỉ đóng khung trong sáu dự án đầu tiên. Với vị trí của thành phố và các nhu cầu liên kết vùng đầy sung mãn, phía Pháp và Việt Nam cũng như nhiều đối tác nước ngoài đang chứng kiến nhiều dư địa hợp tác đầu tư sân bay, bến cảng, đường cao tốc, đường sắt, cơ sở logistics và phương tiện viễn thông…
Thêm nữa là các dự án về chế biến nông sản, gia tăng chất lượng các mặt hàng tiểu thủ công và công nghiệp nhẹ mà Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu từ khi Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA) được thực hiện từ năm 2019.
Ông Anthony Edwin Nahas (chuyên viên đầu tư Pháp) – đơn vị liên kết với PUCA trong buổi làm việc ngày 18.7.2023 với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) để tìm hiểu các nhu cầu phát triển du lịch.
Bản thân các dự án liên quan kinh tế xanh và kinh tế di sản cũng sẽ làm nảy nở thêm các dự án liên quan đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và liên kết liên doanh. Trong đó, phía Việt Nam không chỉ “nhập khẩu” tri thức, kinh nghiệm, cùng công nghệ, chuyên viên của phía Pháp và EU. Qua đây, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội và phải chủ động “xuất khẩu” các sản phẩm du lịch, văn hóa, di sản cho khách Pháp, châu Âu.
Đồng thời, hai bên còn có thể xúc tiến các ý tưởng kinh doanh đang cần mời gọi sự hợp tác nhiều phía. Chẳng hạn, đó là các tuyến du lịch độc đáo dành cho du khách Pháp và châu Âu sử dụng đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường bộ để thăm các nước Đông Dương và vùng Viễn Đông (bao gồm Đông Nam Á và Đông Bắc Á).
Trước năm 1945, người Pháp đã tổ chức các tuyến du lịch tương tự để đưa Việt Nam trở thành điểm đến tân kỳ trên bản đồ du lịch thế giới. Và ngược lại, ngày nay các du khách Việt đến Pháp, từ đấy tỏa đi các nước châu Âu – nơi không chỉ dồi dào những điều kỳ thú bản địa mà còn có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và du học sinh.
Hành động nhanh sớm về cả bộ máy và nhân lực
Thiết nghĩ, để hợp tác không chỉ dừng lại trên giấy tờ, nội dung và định hướng của các dự án cần được phổ biến rộng rãi và nhanh sớm cho các sở ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai phía. Mặt khác, các thông tin về lĩnh vực hợp tác và cách làm mới cần được phổ biến cho giới chuyên môn, các trường đại học, các “vườn ươm doanh nghiệp”, để các nơi này có thêm cảm hứng và đơn đặt hàng nghiên cứu cũng như đề tài khởi nghiệp.
Về bộ máy thực hiện, có lẽ chính quyền thành phố nên tìm hiểu và áp dụng ngay mô hình PUCA và cách kết hợp nhà nước và tư nhân khi thực hiện các dự án với nước ngoài. Cần tránh tình trạng các sở ban ngành và giới doanh nghiệp không chia sẻ thông tin, không liên kết, gắn bó với nhau vì quyền lợi chung trong các dự án. Thông qua việc hợp tác giữa Paris và TP.HCM, chúng ta còn có thể tạo thêm một mô hình hợp lực kiểu mẫu không chỉ nhà nước với nhà nước mà còn là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa công dân của hai thành phố lớn với nhau. Hơn thế nữa, đó còn là con đường phục hưng các giá trị đã có trong mối quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia trong nhiều thế kỷ trước.
Các chuyên gia Lyon khảo sát đường sông Sài Gòn – Bình Dương vào tháng 3.2023.
Có thể nói phía Pháp từng là “đồng tác giả” của Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông, khi đã tái thiết thành phố này từ một đô thị phong kiến trở thành đô thị công nghiệp và giao thương hiện đại trong dòng thời gian từ 1865 - 1955. Cách thức quản trị đô thị lớn và tân tiến đã được người Pháp du nhập vào các đô thị Việt Nam, đầu tiên là Sài Gòn, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Các đô thị đang lớn mạnh của Việt Nam vẫn nên học hỏi kinh nghiệm quản trị Paris cũng như các đô thị tấp nập của người Pháp. Tiêu biểu là kinh nghiệm quản trị và phát triển dòng sông Seine sao cho trong lành và càng thu hút du khách thập phương. Hay như việc quy hoạch và xây dựng, điều hành các cảng biển lớn như Marseille và sân bay khổng lồ như Charles-de-Gaulle.
Nhiều cơ sở hạ tầng lớn do Pháp xây dựng đến nay đã được thừa kế và tiếp tục sử dụng tốt. Cùng với chúng, các dấu ấn văn hóa Pháp đã, đang hiện diện đây đó trong kiến trúc, ẩm thực, sinh hoạt và ngôn ngữ của Việt Nam đương đại. Trong lúc Việt Nam, và TP.HCM nói riêng, đang có nhiều đối tác nước ngoài từ đông sang tây để mở rộng quan hệ thì Pháp là một đối tác tri thức, kinh tế lâu đời, có nhiều điểm mạnh để hai bên cùng chọn lựa, thiện chí học cách đồng hành lâu dài.
Văn hóa sông Seine và sông Sài Gòn đã từng được giao lưu trong các thế kỷ trước thì nay sẽ còn gắn bó hơn khi đã nhập vào dòng chảy chung hợp tác về tri thức và kinh tế.
Bài và ảnh: Phúc Tiến