Thời gian trôi, vạn vật quay vần, con người chịu nhiều thay đổi. Tràn trề sức sống, đầy nhiệt huyết, lúc mới rời ghế đại học Y Khoa. Tự hào khoác áo blouse trắng những tưởng mình là một thiên thần, làm việc cật lực với công việc khám chữa bệnh đầy stress, sức khỏe tàn tạ dần theo những đêm trực thức trắng, như những đóa hoa tươi ngày nào nay héo dần từng ngày. Mong đợi đến ngày được gác bút, thảnh thơi tuổi già và lòng thanh thản vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng vậy mà hình như Thầy không như thế. Thầy còn nhiều bức xúc, nhiều trăn trở vì có nhiều điều chưa kịp làm được cho bệnh nhân. Chúng em, các bác sĩ đàn em, các đồng nghiệp, các học trò của Thầy thực hiện bài viết này như lời tri ân gửi đến Thầy, người Thủ trưởng đáng kính đã đồng hành cùng chúng em với những tháng ngày gian khổ của nghiệp làm bác sĩ.
Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.
Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023
KỶ NIỆM (LỜI TRI ÂN ) Nội san - BVĐK tỉnh Bình Dương, Quý IV, 12/2007
Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023
Năm 1974, đường Hoàng Sa và Trường Sa ở Sài Gòn
LÊ VĂN NGHĨA
TTO - Ngày 18-2-1974, Hoàng Sa và Trường Sa được dùng để thay tên hai con đường trong Chợ Lớn. Đại lộ Tổng Đốc Phương (2) được đổi tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được đổi tên là Trường Sa.
Ảnh: L.V.N. |
Hoàng Sa - Trường Sa, tên hai quần đảo được viết lên bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam từ ngàn xưa luôn nằm trong tâm trí người dân Việt với sự thiêng liêng chủ quyền lãnh thổ.
Để khẳng định thêm vị thế và khẳng định vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa trong lòng nhân dân và Tổ quốc, vừa qua, ngày 3-8-2016, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã bấm nút thông qua, chính thức đặt tên cho hai trong những con đường mới và hiện đại ở thủ đô tên Trường Sa, Hoàng Sa.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, đường Hoàng Sa dự kiến bắt đầu đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt, đối diện Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh) đến ngã tư chân cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 4,8km và rộng 68m.
Còn đường Trường Sa được đặt cho đoạn từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù (xã Đông Hội, huyện Đông Anh), dài 7,3km, rộng 68m.
Trước đó, vào năm 2010, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua việc đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài 25km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Nam.
Đó là một đại lộ thênh thang, uốn lượn bên bờ Biển Đông, dài tít tắp vươn mình ra phía biển. Còn ở Vũng Tàu, tên Hoàng Sa và Trường Sa cũng được dùng để đặt tên đường vào năm 2014.
Trước đó nữa, ở TP.HCM có hai con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa, dài theo thứ tự là 8,7km và 8,5km, chạy song song nhau bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng có phải tên hai con đường này chỉ xuất hiện sau những năm 2000?
Từ năm 1973, với ý đồ đánh chiếm những vùng đảo của Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã sử dụng ngư dân từ đảo Hữu Nhật (Robert) áp sát tới gần đảo Hoàng Sa (Pattle) nơi mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên đó.
Giữa tháng 1-1974, Sài Gòn gửi thêm một số tàu chiến tới khu vực đảo Nguyệt Thiềm (Crescent) trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này.
Ngày 18-1-1974, Trung Quốc tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa và chiếm đảo Hoàng Sa ngày 20-1-1974.
Trong thời gian này, báo chí Sài Gòn đề cập, đưa thông tin nóng sốt hằng ngày trên mặt trang 1 với những hàng tít đậm dài 8 cột báo. Không khí Sài Gòn những ngày đó trở nên sôi sục.
Đại lộ Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) được đổi tên là Hoàng Sa từ ngày 18-2-1974 |
Trong phiên họp thường lệ của Hội đồng đô thành (1) sáng ngày 18-2-1974, các nghị viên đã nhất trí cao khi Hoàng Sa và Trường Sa được dùng để thay tên hai con đường trong Chợ Lớn.
Đại lộ Tổng Đốc Phương (2) được đổi tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được đổi tên là Trường Sa.
Lúc đó, báo Trắng Đen số ra ngày 19-2-1974 có viết một đoạn trên trang 1 như sau: “Đại lộ Tổng Đốc Phương nằm ngay trung tâm Chợ Lớn được cải tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được cải tên là Trường Sa.
Trong phần thuyết trình nghị viên Dương Văn Long, lần đầu tiên ở diễn đàn Hội đồng đô thành đã được toàn thể nghị viên hoan nghênh nhiệt liệt. Điều nầy cho thấy lòng dân được thể hiện rõ rệt chọn Hoàng Sa và Trường Sa đặt tên hai con đường ở Chợ Lớn nơi cư ngụ của người Việt gốc Hoa" (Du Miên).
Có lẽ, từ khi được cải tên đường đến ngày 30-4-1975 là một thời gian quá ngắn nên hai tên đường Hoàng Sa và Trường Sa mới vẫn chưa ghi sâu vào ký ức của người dân.
Khi nói về hai con đường này người dân Sài Gòn vẫn quen miệng nói tên hai con đường cũ đã có khoảng 20 năm.
Có phải như vậy chăng mà khi đổi tên đường Hoàng Sa thành Châu Văn Liêm, “ai đó” vẫn ngỡ là Tổng Đốc Phương ngày cũ...?
_____________
(1) Như Hội đồng nhân dân TP. Mỗi nghị viên chỉ có nhiệm kỳ ba năm.
(2) Đường Châu Văn Liêm hiện nay.
Kể chuyện làng báo Sài gòn 35 năm về trước
Nguyễn Ang Ca
Cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc có nói: «Trong làng báo có ba cây viết vừa nhà báo, vừa nhà binh cùng mang tật nói lắp. Đó là Nguyễn Bính Thinh, Nguyễn Đạt Thịnh và Nguyễn Ang Ca, cả ba đều cà lăm khi gặp phải chuyện xúc động hoặc trước... phụ nữ đẹp »
Hình: Nguyễn Ang Ca [1989]
Quả thật An Khê và tôi có lắm sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cùng họ Nguyễn và bút hiệu bắt đầu bằng chữ An, tuy chữ Ang của tôi có G, nhưng phần lớn khi biên thư, các bạn hay gọi tôi là An Ca. Anh An Khê và tôi cùng giống nhau giấy căn cước: sanh tại làng Tân Hưng, tỉnh Sa Đéc. Khi chánh thức lãnh lương nhà báo, mang danh xưng ký giả chuyên nghiệp trùng một năm:1950. Tôi và anh An Khê có một người anh chung trong nghề nghiệp, một «nghĩa huynh» mà chúng tôi kính yêu như cùng chung huyết thống: anh Bình Nguyên Lộc. Chưa hết, anh An Khê và tôi cưới vợ một lượt năm 1950.
Anh An Khê tên thật là Nguyễn Bính Thinh, con trai của cố bác sĩ Nguyễn Bính (không phải là nhà thơ Nguyễn Bính), gốc người Trà Vinh. Bác sĩ Nguyễn Bính là vị y sĩ Đông Dương xuất thân khóa đầu tiên ở trường Thuốc Hà Nội. Khi còn đi học, bác sĩ Nguyễn Bính làm thơ Đường và viết sách lấy biệt hiệu là Biến Ngũ Nhy.
Ông bà bác sĩ Nguyễn Bính (bà vốn là cô đỡ ở nhà thương Phủ Doãn, Hà nội) có tất cả 11 người con (4 trai, 7 gái). Trong số anh trai của An Khê có người anh thứ tư là dược sĩ kiêm tiến sĩ khoa học, ông Nguyễn Bính Tiên, từng có nhà thuốc tên Pharmacie Tiên ở đường Bonard (sau nầy là Lê Lợi) ngang bịnh viện Saigon. Xuất thân từ báo Đọc Thấy và Đời Mới của cụ Trần Văn Ân, viết hai loại truyện dã sử (ký tên Cửu Lang) và tình cảm (ký Vân Nga). Có một thời, độc giả rất say mê theo dõi loạt truyện dã sử của Cửu Lang như Xương máu Phiên Ngung, Người anh hùng mặt sắt (Mai thúc Loan), Đoàn quân ma (Trần Quốc Toản), Ngai vàng sụp đổ. Còn loại truyện tình cảm của Vân Nga như: Ánh sáng đô thành, Cây kiếng vàng…rất được nữ độc giả hoan nghinh.
Khi giã từ anh Huỳnh Hoài Lạc (gốc người Long Xuyên), chủ nhiệm báo Thời Cuộc (thay cố chủ nhiệm Đinh Xuân Tiếu bị ám sát chết một lượt với ký giả Nam Quốc Cang), tôi sang đầu quân cho nhựt báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai, cũng gốc người Long Xuyên.
Còn anh An Khê thì chia tay với cụ Trần Văn Ân (gốc người Thốt Nốt, Long Xuyên) sang giúp cho báo Dân Đen của ký giả Nguyễn Duy Hinh. Thời kỳ 1950-60, ký giả Nguyễn Duy Hinh có biệt tài viết phóng sự điều tra, rất sôi nổi, anh Hinh lại có tài «quậy», tạo nên nhiều tin giựt gân, hấp dẫn độc giả.
Ngoài ra, anh An Khê còn lãnh viết feuilleton cho báo Buổi Sáng của Tam Mộc Mai Lan Quế và báo Công Nhân của ký giả Trần Tấn Quốc (chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Trần Quốc Bửu cho mượn manchette). Vào thời nầy, anh chị Đinh Văn Khai rất phiền Nguyễn duy Hinh vì đang cộng tác và được ưu đãi ở nhựt báo Tiếng Chuông, anh Hinh tách ra lập báo Dân Đen và đăng một loạt bài công kích anh Đinh Văn Khai một cách kịch liệt.
Anh chị chủ nhiệm báo Tiếng Chuông cũng rất buồn anh Tam Mộc, bởi anh chủ nhiệm báo Buổi Sáng, ở phụ tranh hài hước, với bút hiệu Tám Móc hay phụ họa theo anh Nguyễn Duy Hinh để soi mói đời tư của anh chị Đinh Văn Khai. Lúc đó, người em thúc bá với Tam Mộc là tướng Mai Hữu Xuân có nhiều quyền uy, nên tuy tức tối, anh chi Khai chẳng dám có phản ứng gì!
Trong lúc An Khê có đất dụng võ ở ba tờ báo lớn, anh suýt chút nữa lại làm bể nồi cơm của một phóng viên. Số là ngoài bút hiệu Vân Nga, tên con gái đầu lòng, truyện tình cảm của An Khê viết cho Buổi Sáng, anh còn ký tên vợ là Trương Thanh Vân.
Ở tòa soạn báo Tiếng Chuông có phóng viên kiêm nhiếp ảnh viên Quốc Phượng (có khuôn mặt và nụ cười rất giống với tôi, nên tại tòa soạn báo Tiếng Chuông thường xảy ra lắm chuyện nực cười khi nữ độc giả đi tìm tên thiệt của Trương Thanh Vân). Thường chủ báo buộc cộng tác viên không được viết cho báo khác (ngoại trừ tiểu thuyết gia viết feuilleton và thông tín viên ăn tiền từng bản tin), huống chi báo Tiếng Chuông đang căng thẳng với báo Buổi Sáng, nên anh chị Đinh Văn Khai cằn nhằn Quốc Phượng» ăn cây nào sao không rào cây đó» lại nỡ «ăn cơm tôi mà lại tiếp tay kẻ khác để hại tôi».
Quốc Phượng thề bán mạng là tên Trương Thanh Vân trên báo Buổi Sáng không phải của anh, nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông nhứt định không tin, cho người móc nối với thợ sắp chữ Buổi Sáng đem bản thảo của Trương Thanh Vân về coi, nhưng vì bản thảo đánh máy nên oan tình của Quốc Phượng vẫn không giải tỏa, có miệng mà chẳng thể kêu oan, mà có kêu nào ai tin!
Một hôm Quốc Phượng nhờ An Khê chở đi sân Cộng Hòa xem đá banh, vì chiếc xe Lambretta của Quốc Phượng bị hỏng máy. Nhìn cái plaque ở xe mô tô của An Khê có mang tên chủ xe là Trương Thanh Vân, hỏi rõ, Quốc Phượng la lên :
- Trời ơi, ông báo hại tôi bị nghi oan, suýt bể nồi cơm đây, ông nội ơi!
Rồi thay vì nhờ An Khê đưa vào sân Cộng Hòa, Quốc Phượng kêu An Khê chở về đường Gia Long, đến tòa soạn Tiếng Chuông để làm sáng tỏ nỗi oan…Thị Kính.
Sau nầy, khi có dịp tâm sự với tôi, Quốc Phượng kể lúc ông bà Đinh Văn Khai giận, nếu không có sự can thiệp của họa sĩ Phạm Thăng và ký giả Phong Đạm (cũng như các anh Huyền Vũ, Lê Tân, Phong Đạm người gốc Phan Thiết, chuyên phụ trách trang trong. Nhỏ con mà kết duyên một lượt với hai chị em, sản xuất trên chục con…) thì QP đã bị tống ra khỏi báo Tiếng Chuông rồi !
Chỉ trong khoảng thời gian từ 1958-1972, An Khê đã viết trên 200 loạt truyện đủ cỡ, đủ loại, và có lúc, anh dám lãnh viết feuilleton một ngày cho…13 tờ báo. Nhiều anh em trong làng thấy mỗi ngày, anh và con gái anh thay nhau chạy giao bài cho các báo, có lúc phải đưa thẳng bản thảo cho nhà in, vì ấn công đang ngóng cổ đợi bài, anh em đã gọi đùa An Khê là phụng hoàng Lê Thành Các, cua rơ đại tài của làng xe đạp đã tạo nhiều kỷ lục phi thường trên lộ trình có nhiều đèo cao dốc cả!
Mà quả thật, trong làng văn làng báo từ xưa đến lúc đó, chưa ai viết nhanh, viết khỏe như An Khê, và trong cuộc đời sở trường viết feuilleton của An Khê, có lắm giai đoạn thật ly kỳ đặc biệt mà anh em chúng tôi còn nhớ kỹ.
Hại anh Trần Tấn Quốc gần nổi khùng
Viết truyện trinh thám, gián điệp, sau Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận (Châu về hiệp phố), Viên Hoành, Nam Đình…nhưng trước Phi Long (Bàn tay máu), Bùi Anh Tuấn (Z28) rất lâu; anh An Khê dành bút hiệu Nguyễn Bính Long (tên một người anh đã qua đời) viết một loạt truyện điệp báo, mật vụ, phản gián (X30 trong lưới nhện)
Sau 1975, Cộng Sản có cho phát hành một cuốn truyện trinh thám và chúng đã mượn tên X30 của Nguyễn Bính Long. Đó là quyển X30 phá lưới có nhắc lại thời kỳ ông Thiệu khi còn là trung úy, tùng sự ở Huế. Quyển truyện nầy nghe đâu do nhà văn Nguyễn Minh Lang ở Hà Nội viết, nhưng về sau lại có hai người khác giành quyền tác giả với Nguyễn Minh Lang.
Sau đây tôi nhắc lại chuyện anh An Khê đáp lời mời của ký giả Trần Tấn Quốc viết truyện Rừng Sát hấp hối cho báo Công Nhân. Lúc đó là trào chánh phủ Ngô Đình Diệm, cụ Ngô mới dẹp xong Bình Xuyên, đang xúc tiến tổ chức quốc hội lần 2. An Khê về Rạch Giá ứng cử dân biểu, nhưng bị ăn gian nên lọt sổ. Vì kẹt ở Phú Quốc nên phải viết bài gởi về qua « Air VN » cho nhà báo. Thay vì đề Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Công Nhân, 216 Gia Long Saigon, An Khê lại viết chình ình ngoài phong bì: Rừng Sát hấp hối, rồi địa chỉ nhà báo. Có lẽ An Khê nghĩ rằng đề phong bì như vậy, anh chủ nhiệm khi được thơ khỏi phải mở ra coi mà đưa thẳng cho ấn công để tranh thủ thời gian không bị trể bài.
Bấy giờ Bộ Thông Tin uy quyền rất rộng lớn, chế độ kiểm duyệt báo chí khắt khe, ngoài giám đốc báo chí trực thuộc Bộ Thông Tin, anh em làng báo còn bị đè nặng do áp lực của cơ quan Mật vụ. Cơ quan nầy cũng có văn phòng đặc trách báo chí mà các ông chủ báo rất ngán hai ông Thái Đen, Thái Trắng còn hơn thợ săn đêm ngán gặp cọp.
Tại Tổng Nha Bưu Điện, nhân viên soạn thơ, kiểm duyệt thơ thấy có một phong bì dầy cộm có đề chữ Rừng Sát hấp hối, sợ hỏa tam tinh nên báo cáo lên trưởng phòng. Ông nầy ớn da gà không dám mở ra xem mới trình lên chánh sự vụ, ông nầy cũng phát hoảng hớt ha hớt hải đi trình ông phó giám đốc. Ông Phó đưa phong bì cho ông giám đốc xem.
Trong lúc đó, ở tòa soạn, anh Trần Tấn Quốc ngóng đợi bài của anh An Khê, vì anh em ấn công thúc hối, đang sốt ruột cả mấy bữa thì được thư mời khẩn lên gặp Giám đốc Bưu Điện Saigon. Đến chừng anh Quốc gặp ông giám đốc Nhà Dây Thép, thư được mở ra, mới biết đó là truyện dài của An Khê. Lòng vòng cả tuần lễ và dĩ nhiên anh chủ nhiệm báo Công Nhân phải thay chuyện Rừng Sát hấp hối bằng một chuyện khác.
Trong làng báo lúc bấy giờ, anh Trần Tấn Quốc nổi tiếng có tay nghề cứng, lại vô cùng tôn trọng độc giả mà phải để bài đăng dang dở, lại thêm phải mất công mặc đồ lớn đi gặp chánh quyền khi đang bù đầu «mise » tờ báo, khiến anh Quốc gần phát khùng, nổi sùng An Khê luôn!
Thoạt đầu, Nguyễn Bính Thinh rất bất mãn anh Bình Nguyên Lộc
Phi Vân nghỉ Tiếng Chuông đi làm cho báo Dân Chúng, Nguyễn Kiên Giang được ông bà Đinh Văn Khai mời về làm Tổng thơ ký. Kiên Giang liền mời An Khê về thay Phi Long (tức Ngọc Sơn) để viết truyện gián điệp. Nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông lại muốn An Khê viết chuyện dã sử ký là Cửu Lang vì bút hiệu nầy được nhiều độc giả các báo quen biết.
An Khê đánh máy 25 trang bài tóm lược câu chuyện đưa cho tòa soạn Tiếng Chuông. Y ngày hẹn, An Khê đến tòa báo, hỏi điều kiện thì chủ nhiệm và chủ bút Tiếng Chuông đưa An Khê đi gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc. Khi đó, Bình Nguyên Lộc vừa về xem trang trong cho Tiếng Chuông, sắp xếp lại bài vở, phụ trang. Gặp An Khê, anh Lộc nói :
- Tôi có đọc các truyện của anh, từ gián điệp đến dã sử. Theo tôi, anh viết truyện tình cảm ướt át lâm ly và hấp dẫn lắm. Anh lại có «fond» hơn bà Tùng Long nhiều, anh yên chí và tự tin đi. Tuần sau, anh đem bài truyện tâm tình đến tôi.
Khi đó, An Khê trong bụng oán trách anh Bình Nguyên Lộc vì từ chủ nhiệm đến chủ bút đều OK cốt chuyện, tại sao anh Lộc lại còn làm khó dễ? Anh Bình Nguyên Lộc còn góp ý :
- Bút hiệu Vân Nga, Trương Thanh Vân đã cũ, Nhuyễn Bính Long thì có vẻ đấm đá quá! Anh nên lấy một bút hiệu mới, không ai biết…là ai mới được! Mình phải tạo cho độc giả yếu tố bất ngờ, tò mò, tìm hiểu...
Rồi chính anh Bình Nguyên Lộc đề nghị :
- Anh là một sĩ quan từng chết hụt trên đoạn đường Qui Nhơn-Pleiku cùng với tướng Nguyễn Khánh. Theo tôi, anh nên chọn bút hiệu An Khê để kỷ niệm cuộc vào sanh ra tử trong cuộc đời binh nghiệp.
Sau nầy, tại tòa soạn báo Tiếng Chuông, có lần anh An Khê nói cho tôi biết :
- Anh Bình Nguyên Lộc đã chơi đòn tâm lý, nói tôi không lẽ lại chẳng thể viết bằng Ngọc Linh, Sĩ trung, Thanh Thủy, Dương Hà, Trọng Nguyên hay sao? Và khi tiểu thuyết Người vợ hai lần cưới được đăng ở báo Tiếng Chuông dưới bút hiệu An Khê, báo Tiếng Chuông tăng số bán ở đô thành lên cả ngàn số. Anh Đinh Văn Khai tươi rói nét mặt, cả anh Bình Nguyên Lộc và tôi cũng không ngờ kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng.
Ba mươi năm trước, tôi còn là một ký giả trẻ trung, nhanh nhẹn hay chọc đùa anh em ở tòa soạn. Mỗi lần thấy anh An Khê cỡi mô tô lại tòa báo giao bài, tôi gọi Việt Quang, Trường Sơn, Phong Đạm, Phạm Thăng rồi nói:
- Ê, người vợ chưa từng tắm lại kìa !!
Về sau, soạn giả Thái Thụy Phong điều đình với An Khê để lấy cốt chuyện Người vợ hai lần cưới dựng thành vỡ tuồng Hai chuyến xe hoa cho Thanh Minh, Thanh Nga. Tại rạp Hưng Đạo, dù trời mưa, đoàn TMTN đã diễn vỡ tuồng nầy trọn 19 đêm, đợt sau ba tuần lễ mà vẫn đông khách nhờ tiểu thuyết đã đăng báo Tiếng Chuông và tài diễn xuất của nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Bạn Hoàng Anh Tuấn nhanh tay lấy cốt chuyện quay phim và nhà xuất bản Sống Mới cũng hốt bạc bộn bàng khi xuất bản quyển Người vợ hai lần cưới.
Một tiểu thuyết thứ hai của An Khê cũng được đưa lên sân khấu Thanh Minh, đó là truyện Bơ vơ, do Nhị Kiều dựng, mà tôi thường gọi đùa là Bỏ vợ. Một đêm nọ, khi gặp tôi trong hậu trường Thanh Minh Thanh Nga, An Khê khều tôi bảo nhỏ :
- Nè, từng mê «kỳ nữ» Kim Cương, đừng có làng chàng đến «tài nữ» Thanh Nga nghe, tía nó !
Tôi phá lại An Khê :
- Còn anh? Coi bộ anh cũng mê mệt bà Bầu Thơ lắm đó nhe. Và anh nên nhớ là tôi lớn hơn Thanh Nga nhiều.
An Khê lắc đầu:
- Mà anh lại nhỏ tuổi và bảnh tẽn hơn…Đổng Lân ! Anh có đọc truyện nầy không ? «Xin đừng gọi anh bằng… chú»!
Không chịu thua, tôi hù An Khê :
- Anh mà chạy theo Bà Bầu, coi chừng tướng Lam Sơn. Ỏng dữ lắm, hay bắn bậy lắm đấy!
Vợ tôi đứng bên cạnh nghe nói, cằn nhằn:
- Anh An Khê thật thà lắm, đừng phá ảnh.
An Khê phát cà lăm:
- Nè, bồ gi..ỡn điệu đó, bà xã tôi nghe được bã đô.. ốt xe mô..m.tô của t.. ôi đó !
Những cuộc «đảo chánh» trong làng báo
Ngoài đời, có những cuộc đảo chánh, binh biến để giành quyền lực, còn trong làng báo cũng có những cuộc đảo chánh nữa sao?
Từ thập niên 1960-1970, trong làng báo miền Nam có xảy ra hai cuộc đảo chánh làm chấn động dư luận.
Cuộc đảo chánh thứ nhứt do anh Nguyễn Kiên Giang chủ động. Từ vai tuồng Tổng thơ ký tòa báo Tiếng Chuông, « anh Hai » chiêu dụ Trường Sơn và mấy cây viết chủ lực về giúp anh Dương Chí Sanh làm một tờ báo mới (dường như tờ Saigon Thời Báo?). Nghĩ rằng không phải ký giả chuyên nghiệp như các anh Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Phạm Việt Tuyền, Vũ Ngọc Các, Tam Mộc, Hồ Anh, Hà Thành Thọ…, nên nếu tòa soạn mất thành phần chủ lực, anh Đinh Văn Khai sẽ phải sập tiệm tức khắc. Anh Nguyễn Kiên Giang còn điều đình các cây bút chuyên viết feuilleton cúp ngang xương truyện đang viết cho Tiếng Chuông để sang viết cho tờ báo mới ra lò.
Nhưng anh Giang quên rằng trong làng báo, có nhiều người tuy không phải là thợ viết, nhưng lại có lắm sáng kiến, có tài tổ chức, biết cách điều hành tờ báo. Trong số nầy có bạn Trương Hồng Sơn (tổ chức biên tập cho báo Tin sáng) và anh Đinh Văn Khai.
Có gần gũi anh Đinh Văn Khai mới biết được biệt tài của anh. Biết khai thác các tin «local», theo dõi từng feuilleton từ báo nhà đến báo người để xem bộ truyện nào ăn khách, và các bài xã luận đều do ý anh đề ra. Anh cũng đích thân xem «bản vỗ cuối cùng» trước khi đem trình bộ Thông tin kiểm duyệt, duyệt xét lại cái «tít» bài, để khỏi sơ suất có thể bị đóng cửa (vì ấn công, đa số còn trẻ, hay trửng giỡn như trường hợp một tờ báo kia có cái tít : «Cuộc kinh lý của Tổng Thống Ngô Đình… Chậu», báo hại tờ báo suýt bị sạt nghiệp)
Để phá anh Đinh Văn Khai, vợ chồng Nguyễn Kiên Giang đến nhà An Khê bảo đem tiểu thuyết «Người yêu không thể cưới» đang đăng dở dang ở Tiếng Chuông sang Thời Báo. Biết An Khê là người tình cảm, rất yêu quý bạn bè, Nguyễn Kiên Giang cầm tay bị thương của anh và nói :
- Tụi mình là bạn nối khố, không bao giờ bỏ nhau!
An Khê đang lưỡng lự chưa dứt khoát thái độ thì anh chị Đinh Văn Khai đi đòn tâm lý cao đến năn nỉ bác sĩ Nguyễn Bính, thân phụ của An Khê, nhờ can thiệp vì nếu Người yêu không thể cưới bỏ ngang Tiếng Chuông mà sang cưới nhau ở Thời Báo thì Tiếng Chuông chắc chết.
Cha mẹ An Khê từ lâu là độc giả Tiếng Chuông khuyên anh ăn ở sao cho phải đạo.
Tình cờ gặp tôi, An Khê hỏi :
- Ca ơi, mỏa phải làm sao? Anh chị Khai rất điệu với mỏa, còn Nguyễn Kiên Giang là bạn cũ, cùng dân Rạch Giá, cùng lận đận từ thời Đọc Thấy của anh hai Ân.
Tôi đáp :
- Anh và tôi là hai thằng…duy tâm. Chủ trương của anh em mình giống như đại ca Bình Nguyên Lộc, thà người phụ mình chớ mình đừng phụ người.
Anh Bình Nguyên Lộc cũng lên tiếng :
- Có một giải pháp tốt, không ai phiền hà anh hết. Cứ để nguyên Người yêu không thể cưới cho Tiếng Chuông, anh viết một truyện khác cho Nguyễn Kiên Giang.
Thế là An Khê viết một tiểu thuyết mới tựa là « Người đàn bà hai tim » cho Thời Báo.
Ngày nào báo ra, hai bà Dương Chí Sanh, Nguyễn Kiên Giang đều đọc trước phê bình :
- Tiểu thuyết mới cũng hay mà sao không mùi mẫn hấp dẫn như Người yêu không thể cưới.
Còn cuộc đảo chánh thứ hai xảy ra ở báo Dân Ta của anh Nguyễn Vỹ.
Người chỉ huy cuộc đảo chánh là Nguyễn Thế Trung, cựu phát hành viên và quản lý báo Lẽ Sống. Anh Trung không phải là ký giả, nhưng có tài phát hành báo, giao dịch mật thiết với các nhà phát hành như Nam Cường, Đồng Nai, Thống Nhứt và cặp rằng phân phối báo.
Là quản lý của Dân Ta, thấy tờ báo đang bán mạnh, Nguyễn Thế Trung điều đình với Nguyễn Minh Châu (anh Châu đã có giấy phép xuất bản Dân Tiến mà chưa có phương tiện ra báo nên nhường quyền khai thác cho Nguyễn Thế Trung) để ra báo Dân Tiến và kéo cả ban biên tập Dân Ta về Dân Tiến.
Buổi sáng, Nguyễn Vỹ ôm cartable đến tòa báo làm việc, chưng hửng khi thấy tòa soạn vắng tanh, trước sự việc như vậy chỉ còn biết kêu trời. Báo Dân Ta phải tự đình bản cả tuần, nhưng khi tái bản bị mất trớn, mất độc giả, lỗ lả nặng nề
Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023
Thành phố thư viện
Sáng 15.8.1958, có một sự kiện làm rõ diện mạo và giá trị của Đà Lạt trong giai đoạn 1954 đến 1975 - một thành phố tri thức - đó là lễ khánh thành Thư viện thành phố Đà Lạt.
Trên bức ảnh tư liệu chụp quang cảnh trang trọng của buổi sáng đầu tiên mở cửa thư viện, có thể thấy sự hiện diện của ông Trần Hữu Thế - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục lúc bấy giờ, ông Trần Văn Phước - vị thị trưởng có công kiến thiết Đà Lạt và đại diện các tổ chức trao đổi văn hóa quốc tế có văn phòng trong thành phố này(*)...
“Đọc sách là tu-luyện tâm-đức...”
Bên cánh trái bức ảnh chụp lễ khai trương Thư viện thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ có một khẩu hiệu nói về đọc sách, có lẽ cũng là tâm niệm phục vụ của các công chức văn hóa gửi tới thị dân: “Đọc sách là tu-luyện tâm-đức, phát-huy nhân-vị; Đọc sách để trau-dồi kiến-thức bản-thân, nâng cao văn-hóa dân-trí”.
Tòa villa ở số 22 Yersin (nay là Trần Phú) có khuôn viên, bãi cỏ thoáng mát với những cây tùng rậm tán, đôi ba tiểu cảnh, ghế đá để người đọc có thể tản bộ hay thư nhàn trong những phút nghỉ mắt. Hậu cảnh tòa nhà thư viện là những tán thông cao cho bóng mát và màu xanh hài hòa.
Bên trong, những kệ sách và bàn ghế được bài trí đơn giản, thoáng, gọn. Thư viện này có 6 phòng, riêng phòng đọc có 150 ghế.
Lễ khánh thành Thư viện thành phố Đà Lạt.
Cấu trúc phòng đọc bao gồm một khối bàn tròn có ghế bọc da đặt phía trước với tâm điểm là một quả địa cầu trưng bày cạnh các xấp báo, tạp chí mới ấn hành ở Sài Gòn và các nước dành cho những độc giả ưa đọc tin tức. Những bộ bàn ghế dài phía sau thì dành cho những độc giả mượn sách đọc tại chỗ. Trong phòng đọc còn có một chiếc bàn dài ngăn đôi bằng dàn đèn đọc sách hiện đại. Đây là chiếc bàn được độc giả trẻ là học sinh, sinh viên yêu thích; hầu như ngày nào cũng kín chỗ.
Các kệ sách áp tường xếp đầy kín những tựa sách hay.
Trước khi mở cửa thư viện, ông thị trưởng Trần Văn Phước đã mời những nhân sĩ trí thức trong thành phố góp ý để chọn sách cho thư viện. Trong số những người góp ý tuyển lựa danh mục sách, có ông Phạm Gia Triếp (tức nhà thơ Phạm Việt Trang) lúc bấy giờ là Trưởng Ty Văn hóa Đà Lạt và một nhân vật thầm lặng nhưng quen thuộc với người đọc thường xuyên lui tới thư viện, đó là ông Huỳnh Quan Lâm (gốc Hoa).
Ông Lâm làm quản thủ thư viện Đà Lạt từ thời thị trưởng Phước cho đến 1975. Đây là người có tầm hiểu biết sâu rộng, từ sách vở khoa học cho đến văn chương, tư tưởng Đông - Tây nên đáp ứng rất nhanh công việc quản lý một thư viện lớn, có phong thái hòa nhã bặt thiệp để có thể phục vụ độc giả tốt nhất. Ông được biết đến là người quản thủ thư viện nhiệt tình với độc giả trẻ.
Phòng đọc Thư viện thành phố Đà Lạt năm 1958.
Ở trên một kệ sách ngay lối vào phòng đọc còn có một băng rôn đề khẩu hiệu của Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Mục-đích của văn-hóa là phát-triển và nâng cao Con-Người”. Sau khi đảo chánh năm 1963 thì câu khẩu hiệu này được tháo xuống, nhưng việc vận hành, sinh hoạt của thư viện Đà Lạt vẫn không thay đổi gì nhiều nhờ nội lực văn hóa cộng đồng đã vượt qua những biến thiên về chính trị.
Thành phố soi mình vào tàng thư
Vào năm 1956, có một chương trình kiến thiết kinh tế Đà Lạt do Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chủ trương. Nội dung chương trình này là nhìn nhận lại giá trị Đà Lạt trên nhiều phương diện để tìm phương hướng phát triển thành phố, thể hiện rõ nét qua bản thống kê Chương trình phục hưng kinh tế Đà Lạt 1956. Kết luận từ bản báo cáo thống kê này xác định con đường phát triển: “Thành phố Đà Lạt chỉ có thể là trung tâm du lịch, nghỉ ngơi và văn hóa”. Riêng vế “trung tâm văn hóa” thì được diễn giải kỹ: [Đà Lạt] “thích hợp cho việc học hỏi, tìm tòi và khảo cứu”.
Những chính sách cởi mở và có phần ưu ái cho Đà Lạt nhằm thúc đẩy một thành phố tri thức, văn hóa được chính quyền miền Nam chuẩn bị, ráo riết thực thi vào cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960. Các trường, viện đại học, trung tâm nghiên cứu lần lượt được thành lập, mở rộng quy mô: Trường Võ bị Quốc gia, Giáo Hoàng học viện Piô X, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Trường Đại học Chiến tranh chính trị, và đặc biệt là Viện Đại học Đà Lạt... Đà Lạt trở thành thành phố của tuổi trẻ và học vấn.
Một kệ sách ngay lối vào phòng đọc Thư viện thành phố Đà Lạt.
Hai năm sau khi khánh thành thư viện thành phố, thì Chi nhánh Nha văn khố cũng được thành lập ở Đà Lạt. Kho tài liệu châu bản, mộc bản, ngự lãm, địa bộ triều Nguyễn được chuyển bằng tàu hỏa từ Huế vào Đà Lạt để tiếp tục tổ chức khảo cứu. Nhờ điều này, kho di sản đã thoát khỏi ảnh hưởng lửa binh của trận Mậu Thân 1968.
Đà Lạt cũng soi mình vào chính những tàng thư của mình để tự tri, gìn giữ một hệ sinh thái tri thức vững bền, thanh bình giữa bối cảnh các đô thị miền Trung, miền Nam đang trở nên dễ tổn thương trước chiến tranh và bất ổn.
Các phòng đọc sách trong thành phố được mở rộng về quy mô. Có thể kể đến: Thư viện Abraham Lincoln là một phần của dự án trao đổi văn hóa Việt - Mỹ, thành lập vào ngày 1.11.1961 do cơ quan Văn hóa Hoa Kỳ chủ trương. Vào đầu thập niên 1970, thư viện chuyên phục vụ sách ngoại văn này có kho sách 7.909 cuốn bao quát từ sách thiếu nhi, văn chương, triết học, khoa học phổ thông, tôn giáo, sử địa... Tại đây cũng thường xuyên cập nhật các số mới nhất của 200 tuần báo, tạp chí của bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Pháp, Việt.
Trong khi đó, Thư viện Trường Võ bị có 36.169 cuốn sách vào năm 1970. Phòng đọc thư viện này có 400 chỗ ngồi, chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu của quân nhân. Đáng kể là Thư viện Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X có 35.000 cuốn sách tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha.
Nguồn sách ở đây được sự đóng góp của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đương thời: Deutsche Forschungsgemeinschaft, MartinBehaim-Gesellschaft, Service Culture de France... Thư viện này chuyên phục vụ dòng sách học thuật, thần học, triết học và khoa học xã hội nói chung. Người ngoài vào đọc thì phải có giấy giới thiệu của linh mục viện trưởng.
Chiếc bàn dài ngăn đôi bằng dàn đèn đọc sách hiện đại, được độc giả trẻ yêu thích.
Viện Đại học Đà Lạt thì có khu thư viện rộng 400 mét vuông, phòng đọc 108 chỗ. Vào năm 1970, thư viện này có 20 ngàn cuốn sách bao gồm nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, Thư viện Viện Đại học còn có 201 đầu tạp chí tiếng Anh, Pháp, Việt, 53 tờ báo thời sự tiếng Anh, 88 báo tiếng Pháp và 60 loại báo tiếng Việt. Mỗi năm, thư viện này chi chừng 91.000 USD cho việc mua sách, tu bổ (chi phí vận hành thư viện chiếm 5% chi phí hoạt động toàn Viện Đại học Đà Lạt). Quản thủ thư viện Viện Đại học Đà Lạt trong thời gian 1963 - 1965 là giáo sư Đỗ Long Vân, một nhà nghiên cứu khắc kỷ, tài hoa và ẩn mình vừa trở về từ khoa văn chương Đại học Sorbonne.
Thời đó, thị dân và du khách đến Đà Lạt nhìn vào những kho sách, thư viện, văn khố để thấy tầm vóc giá trị tinh thần làm nên một đô thị. Đà Lạt cũng soi mình vào chính những tàng thư của mình để tự tri, gìn giữ một hệ sinh thái tri thức vững bền, thanh bình giữa bối cảnh các đô thị miền Trung, miền Nam đang trở nên dễ tổn thương trước chiến tranh và bất ổn.
Khúc vĩ thanh buồn
Trong ký ức của Mai Hương, một nữ sinh Đà Lạt từng hay lui tới Thư viện thành phố Đà Lạt một thời, có nỗi ngậm ngùi khôn tả. Cô kể rằng, trong những năm bao cấp, lần kia cô tình cờ giáp mặt người đàn ông dong dỏng cao, có vốn hiểu biết sách vở uyên thâm đang bày bán sách báo cũ, cả sách tử vi, lịch Tàu... trên một manh nilon nhỏ nơi vỉa hè xô bồ ở lối vào chợ.
Cô nghẹn ngào nhận ra người đàn ông đó, không ai khác, là người quản thủ thư viện thành phố năm xưa...
Nguyễn Vĩnh Nguyên
__________________
(*) Ảnh trong bài được tác giả sưu tầm từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2.
Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023
Những chuyên gia "chân đất"
- Kỳ 1: Người nông dân số 1
Không mặc áo trắng trong phòng thí nghiệm hay cẩn trọng nghiên cứu với kính hiển vi, họ chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn nhưng với sự thông minh, sáng tạo, tính kiên trì, không ngại khó và không sợ thất bại, đã trở thành những “chuyên gia thực hành”, làm giàu cho mình và hỗ trợ thiết thực cho những nông dân khác.
Đó là một “người hùng” của nông dân miền Tây, được bà con gọi trìu mến là “người nông dân số 1 miền Tây”.
Kỳ tích từ 8 hột lúa
Nông dân Hai Chung (thứ hai bên trái) nhận bằng khen “chuyên gia nông nghiệp” từ Tổng thống Philippines F.Marcos (1985) |
Nông dân như Hai Chung thì khó tìm lắm! | ||
Đại tướng Võ Nguyên Giáp | ||
Cái tên Võ Văn Chung (Hai Chung) đã quá quen thuộc với nông dân nhiều vùng ở miền Tây. Hình ảnh của ông được nhân vật hóa thành phim, được nhắc trong các bài hát, chập cải lương ca ngợi tinh thần lao động và cống hiến. Trong căn nhà ngói rộng rãi tại ấp Lương Phú B, xã Lương An Trà (H.Chợ Gạo, Tiền Giang), ông Hai Chung từ tốn lật lại từng trang sổ đã ngả màu thời gian. “Ông có tình yêu mãnh liệt với cây lúa”, ai đó đã viết vào quyển sổ lưu niệm của ông như vậy.
Ngay từ trước giải phóng, Hai Chung được nông dân trong vùng nể nang do trồng lúa giỏi. Cùng một giống lúa, nhưng cánh đồng của ông luôn cho năng suất vượt trội. Do vậy, ông được trường ĐH Cần Thơ mời đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của người nông dân trong việc đồng áng cho các sinh viên. Trong một lần như thế, nhà nông học Võ Tòng Xuân đã trao cho ông chiếc phong bì, bên trong có… 8 hột lúa giống IR36. “Đó là những hột giống IR36 cuối cùng, bởi số giống trước đây ĐH Cần Thơ phân bổ cho các tỉnh đã không còn giữ được sau trận lụt lớn. Đối với nông dân như tôi, được cho giống tốt là quý hơn cả cho hột xoàn nữa”, ông nói.
Ông Hai Chung bên quyển sổ lưu niệm của khách tới nhà - Ảnh: Tiến Trình |
8 hột giống quý đó được ông gieo trong chậu kiểng trước nhà, ngày đêm không rời mắt. Từ số này, 7 bụi lúa nảy lên. Khi chiết lúa ra đồng, ông lại theo “canh gác” như thể gìn vàng giữ bạc. Nhờ các nhà khoa học chỉ cho cách “nhân giống theo cấp số nhân” mà trong thời gian ngắn, lúa IR36 đã phủ kín diện tích 32 công ruộng của ông. Ngay mùa sau, dịch rầy nâu lan nhanh trên khắp các cánh đồng ở miền Tây. Những giống lúa truyền thống như sóc nâu, rắn mây, móng chim xanh, móng chim trắng… không trụ được. Nhiều nông dân chỉ còn biết nấu xôi chè, tổ chức múa lân, lập bàn cầu “giặc trời” rời khỏi đồng mình. Trên cánh đồng Lương Phú, sau khi “làm gỏi” các ruộng lúa bên cạnh, rầy nâu bắt đầu kéo qua phong tỏa ruộng lúa IR36 của Hai Chung. Nhưng kỳ diệu thay, đám rầy chỉ dừng chân ở đây một lúc rồi đồng loạt bỏ đi mà không hề để lại hậu quả nào. Việc rầy nâu “chê” đồng lúa IR36 của Hai Chung khiến nông dân khắp nơi kéo đến tìm hiểu. Họ đến đông quá, đến mức địa phương phải cử công an đến canh giữ đồng lúa quý này. Trong lịch sử mấy ngàn năm lúa nước của Việt Nam, có lẽ chưa có ruộng lúa nào “sướng” như ruộng nhà Hai Chung năm ấy: được công an canh giữ, được các nhà khoa học tới tìm hiểu như cơm bữa, được người trồng lúa khắp nơi đến thăm thú. Sau khi thăm đồng, hầu như người nào cũng nài nỉ gia chủ tới mùa chia cho họ ít lúa về làm giống. Các cơ quan nhà nước từ miệt Cà Mau lên tận Đồng Nai, Sông Bé cũng tới đặt vấn đề xin lúa về nhân giống. Hai Chung hứa tất. Lúa vừa ngả vàng, nhiều người đã xung phong xuống đồng gặt phụ. Lúa chưa kịp ví bồ, nông dân từ khắp nơi lặn lội đến đòi “chia”. Người đem đến vàng khâu, người kè kè túi tiền và cũng có người khi tới nơi đã rách túi… Bất kể giàu hay nghèo, Hai Chung đều tặng cho mỗi người 1 giạ lúa giống. Lúc ấy, mỗi giạ lúa tương đương 1 chỉ vàng. Trong vòng 3 năm (1977 - 1979), ông Hai Chung đã cho trên 3.000 giạ lúa giống kháng rầy, giúp vùng đồng bằng Nam Bộ thoát khỏi cảnh khủng hoảng lương thực.
Bây giờ, khi ĐBSCL trở thành vựa gạo lớn của thế giới, người ta vẫn không thể quên hình ảnh ông Hai Chung vất vả nhân giống kháng rầy rồi mang đi cho không, giúp nông dân trong vùng thoát cảnh ngặt nghèo. Sau “công trạng” giải nguy khỏi nạn rầy nâu, giống lúa IR36 được “Việt hóa” bằng cái tên Nông nghiệp A3.
Nông dân “mẫu”
Nuôi heo cũng giỏi Sau khi được ông Sáu Dân tặng cho cặp heo quý, Hai Chung bắt đầu chú tâm phát triển đàn heo và đến nay, trại heo của ông trở thành một trong những nơi cung cấp giống lớn nhất ĐBSCL. Năm 2009, dịch heo tai xanh hoành hành dữ dội, khiến nhiều nông dân quanh vùng rơi vào cảnh trắng tay. Vậy mà trại heo nhà Hai Chung dù nằm trong rốn dịch, vẫn bình yên vô sự. Một lần nữa, phương pháp “né” dịch của Hai Chung được mọi người “soi” rất kỹ. Hai Chung không giấu giếm “bí quyết” của mình, ai tới học hỏi kinh nghiệm đều được ông tận tình chỉ dẫn. |
Câu chuyện “Hai Chung cho lúa giống” đã gây tiếng vang khắp nơi. Ông trở thành tấm gương nông dân được ngưỡng mộ nhất vào thời điểm đó. Nhiều người tìm đến thăm ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm HTX An Phú do Hai Chung làm chủ nhiệm đã nói với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang: “Nông dân như Hai Chung thì khó tìm lắm!”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì ghi trong quyển sổ lưu niệm của Hai Chung: “…Anh sẽ là hiệp sĩ chân chính của mọi cánh đồng trên đất nước Việt Nam”…
Nhưng có một người khách đặc biệt mà cho tới giờ ông vẫn nhớ như in. Đó là ông Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM). Ông Sáu Dân đã ở lại cùng Hai Chung ngồi lai rai rượu đế, nói chuyện đồng áng rồi cùng nhau giăng mùng trên bộ ván ngủ. Sáng dậy, ông hỏi mua lúa giống, nhưng ông Hai Chung không bán mà xúc tặng 3 giạ. Ông Sáu Dân hỏi: “Ông mần lúa hay quá, sao không chăn nuôi?”. Hai Chung nói do bận lo chuyện giúp bà con đối phó với rầy nâu nên chưa kịp tính. Vậy rồi 3 ngày sau, ông Hai Chung vô cùng ngạc nhiên khi thấy mấy cán bộ ngành nông nghiệp TP.HCM chở xuống cho ông cặp heo, nói của ông Sáu Dân tặng, khiến ông vô cùng xúc động.
Ít lâu sau, ông Sáu Dân cho xe xuống nhà đón Hai Chung lên TP.HCM truyền đạt kinh nghiệm trồng lúa cho cán bộ và nông dân trên đó. Trong suốt 3 tuần lễ, Hai Chung dẫn nhóm nông dân này đi khắp các cánh đồng của ngoại thành TP.HCM để hướng dẫn. Những lúc tranh thủ được thời gian, ông Sáu Dân cũng xắn quần lội ruộng cấy lúa như bao nông dân khác.
Bằng những việc làm cụ thể và cả tấm lòng, Hai Chung trở thành cầu nối hiệu quả nhất giữa nhà khoa học với nông dân. Ngược lại, từ lâu ông cũng là “giảng viên chân đất” cho nhiều sinh viên, kể cả cán bộ nông nghiệp bằng chính thực tiễn trên đồng đất của mình. Trong số họ, có những người giờ là cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh.
Năm 1985, ông là nông dân Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Philippines F.Marcos tặng bằng khen “chuyên gia nông nghiệp” do những đóng góp ở góc độ một nông dân cho cây lúa.
Tiến Trình
- Kỳ 2: “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn
Nông dân hiền lành, chất phác Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu được nhiều người gọi là “vua tôm”, bởi bao năm nuôi tôm chưa từng thất bại, ông có nhiều sáng kiến để áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, bền vững...
Quy trình nuôi tôm “gây sốc”
|
Vụ nuôi năm 2011, dịch bệnh trên tôm hoành hành diện rộng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tôm chết hàng loạt, nhiều nơi chết gần 100% diện tích thả nuôi, hàng trăm hộ khốn đốn, nợ nần bủa vây. Vậy mà tôm nuôi của ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) không hề hấn gì. Dù các vuông có tôm bị chết vây quanh nhưng toàn bộ 15 ha tôm của ông Ngoãn luôn khỏe, hiện chuẩn bị cho thu hoạch, trọng lượng tôm đạt kích cỡ từ 25-30 con/kg, cầm chắc lời hàng tỉ đồng.
“Vua tôm” xứng danh là một chuyên gia chân đất khi đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi tôm cho hàng trăm kỹ sư thủy sản | |
Đó là kết quả của một quá trình luôn tìm tòi, nghiên cứu để có được một quy trình nuôi tôm sú bền vững của ông. Nhiều sáng kiến của ông đã “gây sốc” cho các nhà khoa học khi lần đầu tiên họ đến tham quan. Trong nhiều năm, ông Ngoãn chỉ thả nuôi với mật độ thưa, từ 7-9 con/m2, thay vì 25-50 con/m2 như nhiều người áp dụng, nhưng hiệu quả thì hơn hẳn. Đây là bất ngờ đối với các nhà khoa học và nhiều người dân bởi lâu nay người nuôi tôm sú ở ĐBSCL thường thả nuôi với mật độ dày, hy vọng có lãi cao. Cách nuôi thưa của ông Ngoãn thành công, lợi nhuận mỗi năm hàng tỉ đồng đã thuyết phục các nhà chuyên môn. Mô hình này giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, nhất là giống, thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản. Nhờ thả tôm thưa mà rủi ro thấp, môi trường không ô nhiễm, tôm mau lớn, bán được giá và lợi nhuận cao, một cách làm phù hợp với hộ nghèo, ít vốn sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình nuôi tôm, từ xử lý nước, xử lý môi trường… ông Ngoãn chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh, không sử dụng hóa chất. Quan trọng nhất là khâu chọn giống, chính ông trực tiếp chọn mẫu và xét nghiệm sạch bệnh mới mua thả nuôi.
Ông Ngoãn lý giải, trong những năm qua, chi phí nuôi tôm thứ gì cũng tăng, có nhiều thứ tăng chóng mặt, người dân sau sản xuất đã không còn lợi nhuận. Do đó, cần phải nghiên cứu làm giảm chi phí đến mức thấp nhất. Một kinh nghiệm khác là ông Ngoãn đã dùng ốc bươu vàng thay thế một phần thức ăn công nghiệp cho tôm. Vụ tôm năm 2008, ông đã thu mua gần 300 tấn ốc bươu vàng cho tôm ăn (bình quân mỗi ngày sử dụng trên 1 tấn ốc). Do ốc bươu vàng giá rất thấp, mỗi kg ốc thịt chỉ 4.500 đồng, trong khi giá thức ăn công nghiệp từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, việc sử dụng ốc bươu vàng đã giúp ông giảm chi phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó là việc góp phần diệt ốc bươu vàng đang gây hại rất lớn cho nông dân trồng lúa, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nghèo bắt ốc bươu vàng bán cho ông. Hay cách ông sử dụng mật ong để thay thế dầu trong thức ăn, vừa kích thích tiêu hóa, vừa phòng trị bệnh đường ruột cho tôm. Ông còn nghiên cứu vận dụng áp lực nước để đẩy chất bẩn từ đáy ao nuôi ra kênh xả mà không cần sử dụng máy bơm, không phải xử lý bằng hóa chất. Dùng ống đo nhiệt y tế rẻ tiền để kiểm tra nhiệt độ trong ao, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng thức ăn dư thừa.
Tấm lòng với trẻ em nghèo Nhờ sự hỗ trợ của ông, nhiều trẻ em nghèo được tiếp tục đến trường, không phải bỏ học để đi mò tôm, bắt cá phụ giúp gia đình. Ông Ngoãn và một nhà hảo tâm khác là ông Tạ Phùng Hưng đã đầu tư trên 80 triệu đồng xây dựng trường tiểu học, hỗ trợ áo, quần, cặp sách, mua bảo hiểm y tế cho trên 50 học sinh. |
Việc ông Ngoãn áp dụng thành công mô hình nuôi tôm vi sinh, nuôi tôm sạch, đạt kích cỡ lớn là rất có giá trị, phù hợp để nhân rộng trong điều kiện các nước nhập khẩu thủy sản trên thế giới đã lập nhiều rào cản kỹ thuật đối với tôm nhập khẩu. Tôm nguyên liệu “siêu sạch” của ông luôn được các doanh nghiệp đặt mua với giá cao hơn thị trường từ 15-30%.
Ông Ngoãn kể, giã từ cái nghiệp “lơ xe” đường trường, với những đồng vốn tích cóp được, năm 2001, ông bắt đầu nghề nuôi tôm sú tại xã Vĩnh Trạch Đông với quy mô 3 ha. Vượt qua nhiều khó khăn, nay ông đã có hơn 15 ha nuôi tôm. Năm 2004, ông Ngoãn được tỉnh chọn đi dự Hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, được các Bộ KHCN, Công thương, NN-PTNT… cấp chứng nhận và tặng thưởng nhiều bằng khen về sáng kiến và quy trình nuôi tôm sú sạch.
Truyền bí quyết cho kỹ sư
Dáng người đen sậm, trong bộ đồ phèn, luôn túc trực trên đầm tôm, ông Ngoãn luôn niềm nở, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn tận tình những bí quyết nuôi tôm của mình cho các nông dân khác. Gần như lúc nào cũng thấy “vua tôm” bận rộn trả lời điện thoại, khi thì tư vấn cho một nông dân ở Trà Vinh cách chọn giống, lúc thì chỉ cách xử lý nước cho một nông dân Sóc Trăng… Ngay trên đầm tôm của ông, ngày nào cũng có người đến tham quan, học hỏi. Nhiều cán bộ lãnh đạo ngành thủy sản các tỉnh ĐBSCL, các nhà chuyên môn của Thái Lan, Campuchia, Bangladesh… cũng tìm đến tận đầm tôm của ông để học hỏi kinh nghiệm và được ông nhiệt tình hướng dẫn. “Vua tôm” xứng danh là một chuyên gia chân đất khi đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi tôm cho hàng trăm kỹ sư thủy sản. Nhờ nuôi tôm hiệu quả, ông đã giúp tạo việc làm cho 50 lao động dân tộc Khmer, vốn không được học hành, không nghề nghiệp. Trong số họ, nay có người có thể trực tiếp quản lý cả chục ao tôm, dày dạn kinh nghiệm, vững vàng về kỹ thuật nuôi tôm. Mỗi lao động được ông trả lương trên 2 triệu đồng/tháng và tiền thưởng, các tổ trưởng, tổ phó phụ trách khu nuôi còn được thưởng vài chục triệu đồng sau khi thu hoạch tôm. Ông cũng cho công nhân góp tiền thưởng thành cổ phần, được chia cổ tức để có cuộc sống ổn định, căn cơ.
Trần Thanh Phong
- Kỳ 3: Ông Tám lúa giống
Chuyện lai tạo giống lúa xưa nay là của các nhà khoa học, vậy mà có một nông dân không có bằng cấp nào lận lưng... đã chọn lọc, lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới.
>> Kỳ 2: “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn
Hai Lúa thứ thiệt
Nói đến chọn lọc, lai tạo giống lúa mới thành công ở Bạc Liêu thì ai cũng biết đến lão nông Nguyễn Văn Lạc (71 tuổi, ấp Láng Giày, thị trấn Hòa Bình, H.Hòa Bình). Ông thứ tám, nên được mọi người thường gọi là “Tám lúa giống”. Hơn 40 năm lam lũ với nghề nông, bám trụ với đồng ruộng, ông biết rõ giống lúa là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng. Từ đó, ông luôn ấp ủ hoài bão làm sao chính tay mình lai tạo ra nhiều giống lúa mới đạt năng suất cao, cho nhiều người dân ở địa phương áp dụng, góp phần tăng thu nhập, thoát cảnh nghèo khó.
Ông Tám lúa giống xem “kết quả” lai tạo hàng chục giống lúa của mình - Ảnh: Trần Thanh Phong |
Thăm nhà ông Tám lúa giống, sẽ thấy một chiếc bàn rất đặc biệt đặt ở cạnh cửa sổ. Trên đó có cả trăm chiếc hũ nhựa vuông, tròn trong suốt, được xếp đều tăm tắp, chứa những hạt lúa giống. Bên cạnh là những chùm bông lúa vàng ươm được bó thành từng bó nhỏ, mỗi bó có kẹp mảnh giấy ghi tên dòng lúa. Những hạt lúa giống này do ông tự tay vò từng bó lúa, rồi sau đó chăm chút lựa ra từng hạt.
Ông kể, từ năm 1995, ông bắt tay vào chọn lọc, lai tạo giống lúa. Dù nhiều lần thất bại nhưng không nản chí, tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Năm 2005, ông được Viện Nghiên cứu hệ thống canh tác ĐBSCL tập huấn tăng cường kỹ thuật chọn tạo giống lúa trong cộng đồng. Từ “mớ” kiến thức này, ông tiếp tục lao vào nghiên cứu sản xuất lúa giống, từ chọn lọc giống lúa cấp xác nhận đến chọn giống thuần chủng rồi đến lai tạo giống lúa mới. Ban đầu ông nhận lúa giống lai Khao Hom X MTL 156 (F1) của Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) ĐBSCL về chọn lọc thử và đã thành công. Từ kết quả đó, ông tiếp tục nhân rộng, đến nay qua gần 8 năm chọn lọc, ông đã lai tạo thành công 146 dòng lúa giống mới, trong đó có trên 10 dòng lúa cho năng suất rất cao, từ 8 - 8,5 tấn/ha/vụ, vượt trội so với các giống lúa khác. Đơn cử, vụ đông xuân năm 2003, ông đã lai tạo ra một dòng lúa mới được đặt tên là BL29, vụ hè thu năm 2004, dòng lúa này được Viện NCPT ĐBSCL đưa đi trồng so sánh thử nghiệm tại các tổ giống trong mạng lưới chọn tạo giống cộng đồng. Kết quả cho thấy các điểm trồng khảo nghiệm dòng lúa BL29 do ông lai tạo phát triển tốt, năng suất cao hơn các dòng lúa khác.
Hiện ông Tám lúa giống có gần 20 dòng lúa được Trung tâm giống Bạc Liêu và các viện, trường chọn khảo nghiệm và khuyến cáo người dân trong tỉnh sản xuất nhân rộng |
Hiện ông Tám lúa giống có gần 20 dòng lúa được Trung tâm giống Bạc Liêu và các viện, trường chọn khảo nghiệm và khuyến cáo người dân trong tỉnh sản xuất nhân rộng.
Xây dựng thương hiệu lúa giống Bạc Liêu
Không chỉ chọn lọc, lai tạo giống lúa, ông còn tự lai tạo giống nhằm tìm ra dòng lúa thơm mới, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống lúa VD20, Jasmine 85. Vụ thu đông năm 2003, ông bắt đầu thực hiện việc lai tạo giữa Jasmine 85 (mẹ) với VD20 (cha). Từ 36 hạt lúa giống lai đầu tiên đem về gieo trồng trên một cái đĩa và cẩn thận chăm sóc, ông lựa chọn 13 cây lúa sinh trưởng tốt đem cấy trồng trong xô. Ông chăm chút, luôn quan sát thật kỹ về tiến trình sinh trưởng của từng cây lúa và áp dụng cho tạo giống qua các mùa vụ. Trong 64 dòng lúa giống mới, có 5 giống lúa BL17, BL29, BL45, BL46, BL47 đề nghị được thực nghiệm giống lúa quốc gia. Hai giống lúa BL17, BL29 được nhiều hộ dân ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL áp dụng sản xuất. Hiện ông đang nhân giống lúa BL29 để cung cấp giống cho tỉnh sản xuất trên diện tích 300 ha.
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn mê say việc chọn lọc, lai tạo giống lúa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tám lúa giống tươi cười nói: “Hầu hết nông dân mình hiện đang sản xuất lúa giống ở các địa phương khác, thậm chí được nhập từ nước ngoài. Tôi muốn dành trọn thời gian còn lại của đời mình làm công việc chọn lọc, lai tạo tìm ra nhiều giống lúa mới mang thương hiệu Bạc Liêu. Bởi tâm nguyện của tôi trước khi nghỉ là cố gắng tìm ra một giống lúa thơm mới để lại cho con cháu mai sau”. Đi đâu thì thôi chứ cứ về tới nhà, ông lại cưỡi chiếc xe đạp cà tàng ra đồng thăm những thửa lúa giống lai tạo của mình.
Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, việc chọn lựa, lai tạo các giống lúa mới của ông Tám lúa giống thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng canh tác ở Bạc Liêu và khu vực ĐBSCL đáng được biểu dương, khen ngợi.
Ông Tám lúa giống - người tiên phong trong chọn lọc, lai tạo lúa giống lúa ở Bạc Liêu đã được nhiều tổ chức, viện lúa trong và ngoài nước tặng bằng khen. Ông cũng rất vui khi được Trung tâm giống Bạc Liêu tạo mọi điều kiện để ông xây dựng thương hiệu lúa giống Bạc Liêu.
Qua đánh giá 146 dòng lúa lai tạo, ông Tám lúa giống thích nhất là dòng BL15, vì dòng lúa này có nhiều ưu việt như lúa cứng cây, không đổ ngã, năng suất rất cao, bình quân 8,5 tấn/ha/vụ. Đây là một giống lúa lai mới cho năng suất cao chưa từng thấy ở Bạc Liêu xưa nay. Theo ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm giống Bạc Liêu, dòng lúa BL15 đời F9 còn có nhiều ưu điểm khác thường như chiều cao từ 9 tấc đến 1 thước, kháng sâu bệnh, cây lúa gọn đẹp, bông dài từ 28 - 30 cm, hạt gạo to, thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Trần Thanh Phong
- Kỳ 4: Xuất ngoại trình diễn lai tạo lúa
Tận dụng khoảng trống trên sân thượng để thử lai tạo lúa, không ngờ ông Trần Thanh Hùng (57 tuổi, ngụ xã Núi Voi, H.Tịnh Biên, An Giang) thành công và còn được mời đến Nicaragua để trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Cả ngày ông Hùng mải mê trên đồng ruộng - ảnh: Bảo Vân |
Ông Trần Thanh Hùng là nông dân “rặt”. Thế nhưng, nhiều giống lúa do ông lai tạo được các nhà khoa học đánh giá đầy triển vọng.
Hiện ông đang sở hữu hơn 30 tổ hợp lai thuần và sắp thuần, chưa kể đang dồn hết tâm huyết để lai tạo giống lúa Néang Nhen, giống lúa thơm đặc sản của người Khmer Bảy Núi đã bị thoái hóa và có nguy cơ mai một.
Chỉ khoái mần ruộng
LAI TẠO GIỐNG NÉANG NHEN Ông Trần Thanh Hùng cho biết hiện đang dồn hết tâm huyết lai tạo giống lúa Néang Nhen. Đây là giống lúa đặc sản của người Khmer Bảy Núi. Song do đặc tính là giống lúa trung mùa, chỉ trổ bông vào tháng 10 hằng năm, mỗi năm làm chỉ một vụ, thời gian sinh trưởng kéo dài (4 tháng), năng suất thấp, giống lại bị thoái hóa nên nông dân Khmer không còn ưa chuộng. “Tôi đã đi được khoảng 60% đoạn đường. Giống Néang Nhen mới sẽ cho năng suất cao, một vụ lúa chỉ trồng 3 tháng và mỗi năm làm được 2 vụ. Thấy nông dân Khmer quay lưng với giống lúa quý tôi tiếc rẻ nên âm thầm lai tạo, mong giữ lại đặc sản của vùng Bảy Núi”, ông Hùng nói. |
Gia đình ông Hùng thuộc hàng khá giả, đất đai rộng lớn nhưng cha ông không muốn con trai theo nghiệp nhà nông mà muốn ông ăn học thành tài. Tuy nhiên, khi đường học đang thênh thang phía trước thì ông lại nhất quyết “xin về mần ruộng”. Cha mẹ không thuyết phục được nên chạy lo cưới vợ cho con và giao hẳn 3 ha ruộng cho vợ chồng ông canh tác. Từ đó, ông Hùng trở thành nông dân thực thụ.
Vào thời điểm đó, ở vùng Bảy Núi An Giang người ta chỉ làm một vụ lúa mùa, lúa thu hoạch được đổ vào bồ để dành ăn chứ chưa mấy quan tâm đến làm kinh tế. Đến năm 1994, phong trào thay đổi tập quán sản xuất lan tỏa về xã vùng sâu Núi Voi, ông Hùng hăng hái chuyển sang làm lúa thần nông, mỗi năm sản xuất 2 vụ cho năng suất khá cao. Nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mỗi năm ông thu hoạch đổ bồ hơn 2.000 giạ lúa.
Năm 1999, ông Hùng được chọn dự lớp tập huấn “Kỹ năng chọn tạo và sản xuất lúa giống” do Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) tổ chức tại xã Núi Voi. Thế rồi tới mùa nước nổi, đồng ngập trắng, để giết thời gian, ông mua mấy chục giỏ lan về trồng trên sân thượng. Sau đó thấy còn khoảng sân trống, ông mang lúa giống ra cấy để vừa chăm sóc lan, vừa thử thực hành lai giống bằng chút kiến thức vừa học được.
Theo ông Hùng, cái khó nhất đối với nông dân làm giống là khâu chọn giống. Do không có máy móc hỗ trợ nên họ phải quan sát bằng mắt thường và cảm tính, thấy cây nào ưng ý thì chọn theo kiểu hên xui. “Lúc đầu lai lúa giống cực lắm. Phải chính tay mình gieo cấy, rồi suốt ngày phải nâng niu, chăm sóc đám lúa không rời mắt. Khi cây lúa trổ bông, phải trực canh suốt, sau đó chọn bông tốt vừa trổ (còn nguyên phấn) cắt xéo 1/3 vỏ trấu (khoảng 50 hạt) dùng tăm nhọn khử đực (lấy nhụy bên trong hạt lúa ra), gói kỹ vào giấy bạc chờ sáng hôm sau thụ phấn”, ông Hùng kể.
Tuy cực vậy, nhưng kết quả thu được rất khiêm tốn. Trong số 50 hạt được thụ phấn, chỉ đạt được 10 hạt, còn lại đều lép xẹp. Ông đem gieo 10 hạt vừa lai thì chỉ có vài hạt nảy mầm, sau đó ông tiếp tục đem trồng những hạt lúa mới này. Cứ như vậy, sau mỗi đời lai chọn dòng phân ly, ông ghi chép cẩn thận không để sai sót. Ròng rã suốt 8 vụ lúa trên sân thượng, ông mới có được giống lúa thuần đặt tên NV1.
Ông đem giống lúa mới trồng thử nghiệm trên ruộng nhà, đạt kết quả khá cao: năng suất hơn 7 tấn/ha, kháng rầy, chịu phèn, nhẹ phân bón... Sau đó, giống NV1 được Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống quốc gia. “Hiện nay tôi đang phối hợp với Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long để hoàn tất hồ sơ công nhận giống NV1. Ngoài ra, tôi còn có 10 tổ hợp lai NV khác cũng rất triển vọng và 20 tổ hợp lai khác sắp thuần”, ông Hùng cho biết.
Thành chuyên gia
NÔNG DN BẢN LĨNH Ông Huỳnh Quang Tín, Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long, điều phối dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng, người đồng hành cũng là phiên dịch cho “Hai lúa” Hùng đến Nicaragua, nhận xét: “Ông Hùng là một nông dân bản lĩnh. Tham gia báo cáo tại nước ngoài, ông rất tự tin. Khi được mời lai tạo trên cây lúa miến, ông đã thực hành rất nhuyễn và thu hút sự quan tâm của nông dân nước bạn. Kiến thức và cách làm của ông Hùng làm cho nông dân các nước càng yêu mến và thán phục nông dân Việt Nam hơn”. |
Từ khi lai tạo thành công các giống lúa triển vọng, ông Trần Thanh Hùng trở thành người nổi tiếng. Ông từng được Viện NCPT đồng bằng sông Cửu Long mời xuất ngoại đến Nicaragua trình diễn lai tạo giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. “Mấy người bạn bên Philippines đi chung chuyến đến Nicaragua đã gửi cho tôi cả trăm tấm ảnh và tài liệu. Nhờ cái laptop này mà chuyện chép, lưu giữ thông tin, giao lưu học hỏi kiến thức trên mạng dễ dàng và an toàn lắm”, ông Hùng vừa nói vừa mở laptop cho tôi xem ảnh chuyến đi xuất ngoại của ông.
Nói về chuyến xuất ngoại làm “chuyên gia” của mình, ông Hùng cho biết sau 6 ngày báo cáo, thảo luận tại hội nghị, đoàn đại biểu vượt hàng trăm cây số về một vùng nông thôn nghèo để trình diễn lai tạo thực tế.
Theo ông Hùng, sản xuất nông nghiệp của Nicaragua không giống nước ta. Cánh đồng của họ nhỏ, dạng bậc thang, khí hậu nhiệt đới, thiếu nước cho cây trồng, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Họ cũng trồng lúa, hoa màu, nhưng cây lương thực chính là lúa miến (Sorghum). Song Nicaragua có nền nông nghiệp sạch, họ trồng lúa, miến và hoa màu đều bằng phân bón vi sinh, không dùng các loại phân bón hữu cơ, hóa chất.
Bảo Vân
- Kỳ 5:Người sửa lúa
Hằng ngày, ông rảo khắp các cánh đồng xa gần để làm công việc “sửa” lúa cho nông dân. Bao năm qua, ông không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu lúa.
>> Kỳ 4: Xuất ngoại trình diễn lai tạo lúa
Nông dân đắt "sô"
“Tôi là nông dân học hết lớp 8”, ông Năm Châu (Dương Văn Châu, 65 tuổi, ấp Cây Dương, xã Thạnh Mỹ, H.Châu Thành, Trà Vinh) phải thường xuyên đính chính như thế, khi có nhiều người “phong” cho ông là “kỹ sư”. Ở Trà Vinh, ông là một trong những nông dân nổi tiếng, xuất hiện nhiều trên báo đài. Số điện thoại của ông được nhiều nông dân nhớ tới mỗi khi đồng nhà “có chuyện”. Sự có mặt của ông trên đồng lúa khiến nhiều nông dân tin tưởng hơn vào vụ mùa. Nên suốt năm, “chuyên gia chân đất” này lại “cơm nhà áo vợ” đi “bắt mạch” cho các cánh đồng gần xa.
Nắng chang chang, từ TP Trà Vinh, chúng tôi theo ông đi “thăm bệnh” trên các cánh đồng ở tận xã Trường Thọ (H.Cầu Ngang). Thỉnh thoảng, ông rề xe lại một cánh đồng nào đó, lẩm bẩm đôi câu rồi lại đi. Hỏi ra mới biết đó là những ruộng lúa được ông điều trị qua cơn nguy kịch.
Đến một trường tiểu học nằm đối diện với một ngôi chùa Khmer, các giáo viên nán lại sau giờ dạy, gặp ông họ xuýt xoa: “Tụi tui thấy chú trên tivi hoài, giờ mới gặp”. Có người còn xin số điện thoại của ông để phòng khi ruộng nhà có bề gì thì gọi nhờ tư vấn. Chốc lát, chuông điện thoại ông lại reo. Một nông dân ở đầu dây bên kia sốt ruột với ruộng nhà có biểu hiện bệnh cháy lá. Ông hỏi tỉ mỉ triệu chứng, rồi chỉ cách phòng trừ. “Có nhiều khi mình chỉ qua điện thoại bà con cũng không biết cách làm. Những lần như thế tui phải kêu người ta nhổ vài bụi lúa đến cho tui coi. Những đồng nào bị nặng quá thì mình đích thân tới trị”, Năm Châu nói. Có ngày ông phải đi hàng trăm cây số, đi xe, đi đò, xa xôi hẻo lánh ông cũng chẳng ngại... Thấy ông tất bật, chúng tôi hỏi: “Chú có nhiều khách hàng thật đấy!”. Nông dân Năm Châu lắc đầu: “Hoàn toàn miễn phí hết đó chú ơi! Nhiều bà con thấy tôi vất vả, bỏ tiền nhà giúp, nên giả đò hỏi “mượn” xe tui để đổ cho bình xăng. Tui phát hiện liền trả lại tiền”.
Ông Năm Châu đang “bắt mạch” một ruộng lúa bị bệnh |
Phương pháp "điều trị tích cực"
Không phải tự nhiên ông được tín nhiệm, việc làm của ông được nhiều tổ chức, các nhà khoa học tin tưởng và đã được kiểm chứng trên đồng đất từ nhiều năm nay. Thêm nữa cũng bởi Năm Châu rất nhiệt tình với nông dân mỗi khi họ cần đến ông. Năm Châu nói kiến thức của ông có được là kết quả nhiều năm đúc kết, học hỏi từ các kỹ sư nông nghiệp trong tỉnh, các nhà khoa học trong khu vực ĐBSCL và các chuyên gia nước ngoài... Mỗi nơi học hỏi và đúc kết ít nhiều thành cái của riêng mình. Theo ông, giống như con người, trong mỗi cá thể lúa đều có ý chí sinh tồn. Cây lúa dù mang bệnh, nhưng nó không muốn chết. "Cho nên, thay vì tận diệt mầm bệnh cũng sẽ tận diệt vào sức sinh tồn của lúa, tôi chủ trương làm yếu tác nhân gây bệnh và làm tăng đề kháng của cây lúa. Giống như đứa trẻ bị sốt, điều các bác sĩ khuyên là giúp bé tăng sức chống chọi với bệnh", ông nói.
Đỉnh điểm của khái niệm về “ý chí sinh tồn của cây lúa” đã được ông chứng minh trong đợt “dậy” rầy năm 2006 trên khắp ĐBSCL, mà Trà Vinh là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vậy mà cánh đồng 400 công trong tổ giống do ông phụ trách năng suất vẫn đảm bảo. Đến trận vi-rút hại lúa vụ mùa 2008 - 2009, phương pháp “điều trị tích cực” của nông dân Năm Châu một lần nữa phát huy tác dụng. Sau những bận “thử lửa”, nhiều nông dân đã tin vào ông hơn và ông càng bận rộn hơn. Nhà của nông dân Năm Châu là một trong những địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL. Ông từng vinh dự đại diện nông dân Việt Nam sang Italia để phát biểu tại diễn đàn của FAO (tổ chức nông lương thế giới). Ông là cha đẻ của 12 giống lúa mang họ TM (viết tắt từ tên Thạnh Mỹ, xã ông sinh sống) và là người trung thành với phương pháp “điều trị tích cực” đối với các bệnh hại lúa.
Khát vọng cường quốc lúa giống
Theo Năm Châu, trong số 12 giống lúa TM mà ông đóng góp vào ngân hàng lúa Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Viện NCPT), có nhiều giống lúa đã vắt của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực. "Có khi qua 8 - 9 vụ “theo” một giống lúa, nhưng đến cuối con đường lại phát hiện mình đã đi lạc hướng. Công sức, hy vọng đành phủi tay", ông nói.
Tuy nhiên, cũng có giống lúa làm rạng danh người chọn tạo, do giúp nhiều nông dân cải thiện, nâng cao được đời sống từ đồng áng. Một đợt “thử lửa” diễn ra hồi năm 2004, khi Viện NCPT triệu tập các giống, dòng do nông dân chọn tạo trên khắp ĐBSCL về "hội ngộ" tại Sóc Trăng. Trong số 36 giống, dòng lúa được mang tới đây thì TM3 của ông đoạt giải nhất, giống TM2 đoạt giải nhì. Cho tới nay, ông đã phát triển giống đến TM15, trong đó có nhiều giống được trồng rộng rãi trên đất Trà Vinh và các tỉnh lân cận.
Nhưng ấp ủ lớn của ông, cũng như nhiều người vẫn đang miệt mài đi tìm đáp án chung về một giống lúa chịu áp lực khắc nghiệt của thời tiết: hạn, mặn, phèn, ngập... Ông hé lộ đang khảo nghiệm một giống lúa phục vụ cho khát vọng đó. “Tui đã gia tăng độ mặn lên 15%o, nhưng nó vẫn ổn. Vấn đề còn lại là năng suất lúa trong điều kiện độ mặn như thế chưa được đảm bảo", ông nói.
Năm Châu cho biết, khát khao lớn nhất của ông là một Việt Nam “cường quốc lúa giống”. Hay chí ít nông dân Việt Nam không lệ thuộc vào giống lúa nước ngoài. Công việc “sửa” giống của ông cũng là thể hiện khát vọng đó.
Đến nay, người ta đã ít nhiều hiểu được vì sao ông Năm Châu hằng ngày cứ đội nắng mưa đi hàng chục, hàng trăm cây số để “sửa” lúa miễn phí cho nông dân. Tình yêu, bầu nhiệt huyết đó vẫn cháy bỏng trong người nông dân nổi tiếng này về một VN "cường quốc lúa giống".
Tiến Trình
- Kỳ 6: Nông dân bán bản quyền
Từ vụ đông xuân 2010-2011, giống lúa CT2 được đưa vào sản xuất sau khi bán bản quyền cho một doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ít ai biết rằng, 7 năm qua CT2 được lai tạo thầm lặng và mang tên riêng của hai xã viên xứ Quảng từ một cuộc nghiên cứu “rất nông dân”.
Đạp xe cọc cạch dẫn khách về nhà, chị Phan Thị Tuyến nhanh nhẹn lên gác lửng mang xuống những hạt giống lai đựng trong một rổ nhỏ. Thành quả sau 7 năm của tập thể ấy được gọi bằng cái tên CT2. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, CT2 được đăng ký bảo hộ bản quyền với tên mới QNam1. Đây là lần đầu tiên người nông dân Quảng Nam bán bản quyền lúa lai cho một doanh nghiệp.
“Dạy răng làm rứa”
Câu lạc bộ BUCAP, hay lớp học về chương trình Bảo tồn, ứng dụng và phát triển đa dạng sinh học châu Á khởi động từ năm 2003 tại xã Điện Thọ (H.Điện Bàn, Quảng Nam) với khoảng 30 nông dân thuộc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Điện Thọ 1 là học viên. Ông Lê Hữu Ái - Chủ nhiệm HTX, nhớ lại: “Từ khi thành lập, nông dân được hỗ trợ kiến thức về thâm canh, đầu tư sản xuất, tiến hành nhiều nghiên cứu trên đồng ruộng, chọn dòng phân ly, so sánh, lai tạo và phục tráng giống. Lớp học duy trì trong thời gian dài đã nâng cao kiến thức xã viên”.
|
Nhưng không phải nông dân nào cũng kiên trì. Số học viên rơi rớt dần, còn chừng 10 người. Chị Tuyến (48 tuổi) và học viên Lê Quốc Cường (40 tuổi, cùng xã) là những người trụ lại và chịu trách nhiệm theo dõi quá trình lai tạo giống. Bắt đầu từ một số hạt giống, rồi nhân dần ra. Khi xác định hai giống lai tạo, họ gieo sạ ngoài đồng, đến thời kỳ đứng cái làm đòng thì mang về nhà bảo quản cẩn thận... Cứ thế, đến vụ năm 2009 HTX đưa ra sản xuất đại trà để đánh giá chất lượng giống.
Nông dân mà, được dạy răng thì làm rứa, tình cờ thôi! | |
Chị Phan Thị Tuyến |
“Những thành viên của CLB BUCAP Điện Thọ chúng tôi làm mà chẳng mấy ai biết chắc thành công. Sau thử gạo thấy ngon, theo dõi mấy mùa mới yên tâm. Nông dân mà, được dạy răng thì làm rứa, tình cờ thôi! Làm mà cứ nghĩ sẽ bỏ cuộc”, chị Tuyến rất thật lòng. Đôi lúc chị còn nói vui rằng mình chưa “tốt nghiệp” cấp 1 mà đã tham gia nghiên cứu. Giai đoạn lai tạo ban đầu rất gian nan, chăm lúa còn hơn... chăm con mọn. Ủ mầm trong khay (chậu), lúa lai sau đó phải bứng vô phòng, bởi chỉ một cơn gió mạnh thổi qua là hư hết. Đôi khi phải thắp điện 1.000w để lúa thụ phấn. Riêng chuyện trồng, gặt cũng công phu. Trồng theo từng hàng, sau gom lại chừng 1m2. Lại phải gặt bằng tay, tỉ mỉ như thế để khỏi lẫn lộn...
Từ CT2 đến QNam1
Trong số 10 người còn trụ lại đến giai đoạn cuối, chỉ có 4-5 người thường trực. Nhiều người tâm sự rằng, “nghiên cứu” xem ra mệt gấp nhiều lần so với vác cuốc ra ruộng. Đến nỗi cứ xong mùa nào là ai cũng muốn... xóa lớp học. Ruộng ở xa, riêng chuyện đối phó với chuột thôi đã đủ mệt.
Theo bản hợp đồng ký kết giữa Công ty CP giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam với Câu lạc bộ BUCAP Điện Thọ, ngày 31.12.2010 là thời hạn chót công ty chuyển toàn bộ 200 triệu đồng tiền bản quyền. Sau khi chuyển đổi chủ sở hữu, CT2 mang tên mới theo đăng ký bảo hộ bản quyền: QNam1 |
Bảy năm như thế trôi qua. Mười xô nhựa trồng lúa lai được khuân về nhà chị Tuyến để tiện theo dõi, dù lúc ấy có người phân vân không biết rồi nhóm sẽ “nghiên cứu” ra cái gì. Nhưng khi đạt kết quả rồi, giống mới chất lượng, được doanh nghiệp hỏi mua bản quyền, họ mới thấy sướng. “Rất mừng khi giống lúa do chính nông dân chúng tôi lai tạo đã thành công, giờ có thể phục vụ lại bà con quanh vùng” - lớp trưởng lớp BUCAP Điện Thọ, nông dân Nguyễn Văn Lựng phấn khởi.
Đến giờ chị Tuyến vẫn nhớ rành mạch những công đoạn đầu tiên. Sau khi xác định chọn KD18 làm giống mẹ, các xã viên vào cuộc “khử đực”. Khi KD18 làm đòng, họ cẩn thận cắt nửa đầu bông, sau đó bóc tách và cho nó mở ra như trổ đòng, tiếp tục lựa chọn các hạt còn lại ở bông đòng, lấy kéo nhỏ cắt 1/3 hạt lúa. Sáu nhị đực trên một hạt được khèo hết ra, chỉ để lại nhụy cái. Lại chờ đến buổi sáng, khi nhiệt độ bắt đầu tăng, họ “thụ phấn” cho lúa bằng cách chủ động tung phấn từ giống bố BD20 vào. Một tuần sau, nơi chỗ hạt mẹ cắt xéo có hạt gạo nhú lên thì biết rằng lai tạo đã thành công. Lại phải kiên nhẫn sàng lọc nhiều năm nữa. Từ bông lúa giống “nhân” thành các hàng, các hàng nhân thành nhiều bụi... Mãi đến khi các học viên có trong tay giống lúa mới mang các điểm nổi trội của cả hai giống bố mẹ, như năng suất cao, hạt màu tím hơi bầu, họ biết mình đã thành công.
Sau 6 vụ liên tiếp, đến vụ đông xuân 2007-2008 giống CT2 mới “chào đời”. Lúc đó, CT2 được trồng trên 4 sào lúa do UBND xã Điện Thọ hỗ trợ để nhân rộng cho các hộ dân quanh vùng. Đến vụ đông xuân 2009-2010, giống lúa CT2 đưa ra canh tác trên gần 2 ha. CT2 bắt đầu được ưa chuộng do năng suất cao (khoảng 7,5 tấn/ha), được ngành nông nghiệp xác nhận ưu điểm có chất lượng gạo ngon cơm, ít mắc sâu bệnh, chống chịu tốt, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu miền Trung...
Đơn vị mua bản quyền cũng có tham vọng khi muốn nhân rộng CT2 (bây giờ là QNam1) không chỉ ở miền Trung mà cả các địa phương Tây Nguyên...
CT2 đã là cái tên cũ, tiền bản quyền cũng không cao, nhưng câu chuyện CT2 trở nên hấp dẫn bởi tính ngẫu nhiên và sự chăm chỉ của nông dân xứ Quảng.
Hứa Xuyên Huỳnh
- Kỳ 7: Đối thoại với đặc phái viên Mỹ
Gần cả cuộc đời gắn với nghề nuôi cá, quanh quẩn với chuyện cá nên khi con cá gặp chuyện, nông dân Nguyễn Hữu Nguyên (An Giang) không ngại ngần đại diện cho người nuôi cá ĐBSCL đối thoại trực tiếp với các đặc phái viên Mỹ về vụ áp thuế chống bán phá giá cá ba sa, cá tra của VN .
>> Kỳ 6: Nông dân bán bản quyền
|
Ông Nguyễn Hữu Nguyên kể về cuộc đối thoại với đặc phái viên Mỹ - ảnh: C.N |
Năm nay đã 62 tuổi, đồng hành với con cá tra qua tất cả những thăng trầm biến cố nhưng kỷ niệm ông Nguyên nhớ nhất là ngày Mỹ áp thuế chống bán phá giá với cá tra, ba sa VN năm 2003.
Trưởng đoàn đàm phán
Trước hoàn cảnh đó, những người nuôi cá tập hợp lại và viết “Kháng thư” gửi đến Chính phủ Mỹ để phản đối phán quyết trên. Là người có nhiều năm gắn bó với nghề, giao tiếp trôi chảy nên Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) đã cử ông Nguyên làm trưởng đoàn, cùng 2 người nuôi cá khác tham gia đối thoại với đặc phái viên của Chính phủ Mỹ là các chuyên gia kinh tế của Bộ Thương mại (DOC).
Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, ông Nguyên và 2 thành viên của đoàn đã tích cực thu thập ý kiến của những người nuôi cá và bàn cách viết “Kháng thư”. “Chúng tôi dự định viết Kháng thư xong sẽ gom góp tiền bay sang Mỹ gặp Bộ Thương mại và đại diện chính phủ, để đòi quyền lợi cho người nuôi cá. Nhưng phía Mỹ đã sắp xếp gặp mặt với chúng tôi ngay tại lãnh sự quán của họ tại TP.HCM”, ông Nguyên kể.
Buổi đối thoại diễn ra giữa 3 nông dân ĐBSCL và 4 chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ đã kéo dài từ 8 giờ sáng đến 12 giờ 30 bằng tiếng Việt.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Đóng góp ít người làm được “Anh Nguyễn Hữu Nguyên là người luôn hết lòng, hết sức vì sự phát triển của con cá tra. Đặc biệt trong vụ áp thuế chống bán phá giá của Mỹ, cuộc đối thoại ít nhất cũng làm cho người Mỹ hiểu một cách toàn diện hơn về nghề nuôi cá tra, ba sa VN. Những đóng góp của anh Nguyên đối với ngành cá là rất quan trọng mà ít người làm được. Trong suốt những năm vừa qua, anh Nguyên đã giúp người nuôi cá nói lên tiếng nói của mình”, ông Phan Văn Danh, nguyên Phó chủ tịch AFA, đánh giá. |
Tại cuộc đối thoại này, ông Nguyên mở đầu bằng việc giới thiệu những thế mạnh cũng như khó khăn của người nuôi cá tra VN. Ông phân tích việc người nuôi cá đã tận dụng những lợi thế sẵn có để giảm chi phí, khiến con cá tra VN khi vào thị trường Mỹ có giá thấp. Cụ thể như nuôi cá bằng lồng bè trên sông, sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Bên cạnh đó, người nuôi cá không cho cá ăn thức ăn công nghiệp như cá nheo Mỹ mà chỉ cho ăn cá vụn, cám, tấm... nên chi phí thấp. Môi trường nuôi tốt làm cá ít bị bệnh và mau lớn...
Nhưng phía Mỹ cho rằng, những người nuôi cá tra không hề nghèo, vì nghèo thì không có vốn để nuôi cá. Nếu tận dụng tất cả những lợi thế về điều kiện tự nhiên thì giá thành sản xuất cá tra cũng không thể thấp như vậy. “Ở VN các anh có thị trường không, anh Nguyên?”, một chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi. “Có chứ”, ông Nguyên khẳng định. Rồi ông dẫn chứng ngay: “Chẳng hạn như tôi nuôi cá thì cần có cám, tấm để làm thức ăn. Mà giá những nguyên liệu đầu vào này luôn thay đổi theo quy luật cung cầu; đến khi bán cá cũng vậy, không có mức giá cố định mà tùy thuộc theo thời điểm đó người nuôi bán nhiều hay ít, nhà máy thu mua thế nào. Như vậy thì chúng tôi cũng có thị trường chứ”.
Những chuyên gia Mỹ một lần nữa lại không đồng tình “cái đó là kiểu thị trường của mấy anh thôi, anh Nguyên”. Rồi họ giải thích khái niệm thị trường kiểu Mỹ. Kế đến họ hỏi: “Chính phủ VN có hỗ trợ gì cho những người nuôi cá như các anh không?”. “Không. Chúng tôi hoàn toàn tự bơi thôi”. Những chuyên gia Mỹ tiếp tục phủ nhận, họ cho rằng Chính phủ VN có hỗ trợ, nhưng những khoản hỗ trợ đó không đến được với nông dân mà vào túi doanh nghiệp...
“Chúng tôi trao đổi thẳng thắn với nhau từng khía cạnh của nghề nuôi cá. Nhưng tiếc rằng cả 2 phía không tìm được tiếng nói chung và luôn đứng trên lập trường của mình để phủ định ý kiến của đối phương”, ông Nguyên nhớ lại.
Kinh nghiệm xương máu
Buổi đối thoại - nỗ lực cuối cùng của những người nuôi cá ĐBSCL không được như mong đợi. Song, bản thân ông Nguyên và những người nuôi cá, doanh nghiệp VN... đã rút ra được nhiều bài học quý. Đầu tiên là phải tiến hành làm thương hiệu cho con cá tra VN. Hay nói một cách khác, khi tham gia vào sân chơi thế giới chúng ta cần phải “chơi” theo luật chung.
“Xì-căng-đan trên vô tình thành cơ hội quảng bá cho con cá tra, nhờ vậy mà nó đã “bơi” đi khắp thế giới”, ông Nguyên nhận xét. Từ đó, số liệu xuất khẩu cá tra năm sau luôn cao hơn năm trước. Người nuôi cá nhờ vậy cũng được hưởng lợi ít nhiều.
Giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm của nghề, người ta vẫn thấy một ông Nguyễn Hữu Nguyên sôi nổi, tháo vát, nhiệt tình như ngày nào. Mỗi khi có họp, hội thảo, hội nghị gì về con cá tra mà có thành phần là người nuôi cá thì ông Nguyên đều có mặt. Trong những lần như vậy, ông Nguyên lúc nào cũng là người phát biểu hăng say và đầy tâm huyết. “Người nuôi cá chịu rất nhiều thiệt thòi, nhưng đa phần họ không biết cách, biết nơi để bày tỏ. Tôi làm những việc này là muốn nói tiếng nói của họ ở những nơi cần thiết”, ông Nguyên tâm sự.
Ông Nguyên muốn giúp những người nuôi cá bằng cách nói tiếng nói của họ ở những nơi cần thiết |
Chí Nhân
- Kỳ 8: Đó là những người tiên phong
Loạt bài về những nông dân - chuyên gia” chân đất” trên Thanh Niên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Nhiều chuyên gia - những người sâu sát với từng nông dân, từng chân ruộng, nói gì về họ?
>> Kỳ 7: Đối thoại với đặc phái viên Mỹ
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: Bà con mình thông minh lắm Chúng tôi rất trân trọng những nông dân đã cố gắng mày mò, nghiên cứu và thực tế đã có nhiều nông dân đạt được thành quả tốt, rất đáng biểu dương. Họ đã phát huy được khả năng của mình, không chỉ trong lĩnh vực giống cây trồng mà còn nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi trân trọng những nông dân này còn vì phần nhiều họ chưa qua đào tạo chuyên môn, trình độ học vấn hạn chế, không có bài bản nhưng đã nỗ lực để có những thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ thiết thực cho nhiều nông dân khác.
Trong thực tiễn, nhiều nông dân đã đi tiên phong từ những kinh nghiệm, những đúc kết của mình. Bà con mình thông minh lắm. Có những cái những người làm công tác khoa học (KH) chưa nghĩ ra thì họ đã nghĩ ra… Đi nhiều quốc gia, ông có sự so sánh nào về trình độ sản xuất giữa nông dân các nước với nông dân VN? Đi nhiều nước, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, chúng tôi quan sát thấy trình độ tiếp thu, sự nhanh nhạy đưa tiến bộ KH kỹ thuật vào sản xuất của nông dân mình là số một. Đơn cử như nông dân ở nhiều nước, khi thấy giống lúa nào tốt thì họ trồng mãi giống đó. Còn ở mình, mỗi khi viện lúa triển khai giống mới, mời các địa phương, nhiều nông dân háo hức không đợi được, đã tới trước một, hai ngày mong sớm được tiếp cận với giống lúa mới. Trong công tác nhân giống, nhiều nước sử dụng giống đã được xác nhận cũng chỉ khoảng 10%. Còn nông dân mình khi thấy được hiệu quả thì bà con “xã hội hóa”, “nhân giống cộng đồng” ngay. Sự liên kết, phối hợp giữa những người làm KH với những nông dân này thế nào, thưa ông? Ở Viện lúa ĐBSCL, chúng tôi cũng đã nhận được sự hợp tác tốt của chính quyền, đoàn thể và người dân các nơi. Đơn cử như khi chúng tôi làm ra một loại giống, nhiều nông dân đã rất nhiệt thành trồng thử và phản hồi về. Chúng tôi làm KH mà không có họ thì sẽ không nhân rộng được những thành tựu. Tuy nhiên, cũng rất cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các nhà KH để những sáng kiến của người dân phát huy được hiệu quả tốt nhất. Các nhà KH có thể giúp người dân đi đúng hướng, rút ngắn được quãng đường tìm tòi, nghiên cứu của mình; giúp nhiều nông dân tránh được rủi ro. Và ngược lại, người nông dân có thể giúp nhà KH những ý tưởng sản sinh từ nhu cầu thực tế. TS Huỳnh Quang Tín - Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Nhà khoa học cũng cần học ở nông dân Nguồn nhân lực “nông dân tri thức” là rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. Nông dân từ chỗ chưa biết làm thế nào cho hạt giống tốt hơn, năng suất cao hơn thì ngày nay nhiều người đã biết lựa chọn từ những giống lộn xộn thành giống thuần rặt mà không phải tốn nhiều tiền của để mua giống. Nông dân đã biết ứng dụng các kỹ thuật, mô hình canh tác tốt nhất cho năng suất lúa cao và ổn định, chất lượng hạt lúa được đảm bảo…Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ để đội ngũ nông dân tri thức này phát huy được khả năng của mình. Ông nhận xét thế nào về những thành tựu mà những chuyên gia “chân đất” đạt được? Nông dân là nhà KH, họ có thể tạo ra các giống lúa mới từ quần thể còn phân ly; có thể tự lai tạo, chọn giống như một nhà chọn giống. Điển hình là có giống lúa được chọn lọc từ nông dân đã được công nhận giống quốc gia (giống HĐ1), điều có lẽ trên thế giới chưa hề có. Từ năm 1996 đến nay, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở cộng đồng (CBDC) với lực lượng nông dân tham gia trên 10.000 người. Họ đã được huấn luyện rất tốt về kiến thức và kỹ năng chọn giống và sản xuất lúa giống. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng hạt giống. Nhờ có những nông dân tri thức, nền nông nghiệp sẽ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, viện đã tạo được mạng lưới nông dân rộng khắp. Với 358 tổ giống, họ đã và đang hỗ trợ những nông dân khác về kỹ thuật canh tác, tạo sự tiếp cận hạt giống dễ dàng, hiệu quả, đóng góp vai trò lớn trong an ninh nguồn giống và chuyển giao KH kỹ thuật như mạng lưới khuyến nông cơ sở. Vai trò của các tổ chức, các cơ quan chức năng đối với những nông dân tri thức này như thế nào? Theo tôi, các địa phương, các bộ ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo để huấn luyện, tăng cường năng lực cho nông dân trong nghiên cứu khoa học. Nên tăng cường liên kết giữa nhà KH và nông dân trên mặt trận KH nông nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Theo tôi, không chỉ nông dân học nhà KH mà nhà KH cũng cần học ở nông dân. Tuy nhiên, theo tôi, quyền lợi của những nông dân trên là chưa rõ ràng, nếu không nói họ không được lợi gì về vật chất. Thậm chí họ còn hao công, tốn của để làm công việc của một nhà KH. Cái họ có là sự sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến cho KH, cho nông nghiệp, cho phát triển đất nước. Chưa nói họ đã giúp cho Nhà nước giảm ngân sách đầu tư nghiên cứu chọn giống. Những nông dân chọn giống, họ xứng đáng gọi bằng tên cao quý hơn, chính xác hơn là “nhà khoa học chân đất”, để xứng đáng với những đóng góp lớn lao của họ. Tiến Trình (thực hiện) |