Sáng 15.8.1958, có một sự kiện làm rõ diện mạo và giá trị của Đà Lạt trong giai đoạn 1954 đến 1975 - một thành phố tri thức - đó là lễ khánh thành Thư viện thành phố Đà Lạt.
Trên bức ảnh tư liệu chụp quang cảnh trang trọng của buổi sáng đầu tiên mở cửa thư viện, có thể thấy sự hiện diện của ông Trần Hữu Thế - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục lúc bấy giờ, ông Trần Văn Phước - vị thị trưởng có công kiến thiết Đà Lạt và đại diện các tổ chức trao đổi văn hóa quốc tế có văn phòng trong thành phố này(*)...
“Đọc sách là tu-luyện tâm-đức...”
Bên cánh trái bức ảnh chụp lễ khai trương Thư viện thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ có một khẩu hiệu nói về đọc sách, có lẽ cũng là tâm niệm phục vụ của các công chức văn hóa gửi tới thị dân: “Đọc sách là tu-luyện tâm-đức, phát-huy nhân-vị; Đọc sách để trau-dồi kiến-thức bản-thân, nâng cao văn-hóa dân-trí”.
Tòa villa ở số 22 Yersin (nay là Trần Phú) có khuôn viên, bãi cỏ thoáng mát với những cây tùng rậm tán, đôi ba tiểu cảnh, ghế đá để người đọc có thể tản bộ hay thư nhàn trong những phút nghỉ mắt. Hậu cảnh tòa nhà thư viện là những tán thông cao cho bóng mát và màu xanh hài hòa.
Bên trong, những kệ sách và bàn ghế được bài trí đơn giản, thoáng, gọn. Thư viện này có 6 phòng, riêng phòng đọc có 150 ghế.
Lễ khánh thành Thư viện thành phố Đà Lạt.
Cấu trúc phòng đọc bao gồm một khối bàn tròn có ghế bọc da đặt phía trước với tâm điểm là một quả địa cầu trưng bày cạnh các xấp báo, tạp chí mới ấn hành ở Sài Gòn và các nước dành cho những độc giả ưa đọc tin tức. Những bộ bàn ghế dài phía sau thì dành cho những độc giả mượn sách đọc tại chỗ. Trong phòng đọc còn có một chiếc bàn dài ngăn đôi bằng dàn đèn đọc sách hiện đại. Đây là chiếc bàn được độc giả trẻ là học sinh, sinh viên yêu thích; hầu như ngày nào cũng kín chỗ.
Các kệ sách áp tường xếp đầy kín những tựa sách hay.
Trước khi mở cửa thư viện, ông thị trưởng Trần Văn Phước đã mời những nhân sĩ trí thức trong thành phố góp ý để chọn sách cho thư viện. Trong số những người góp ý tuyển lựa danh mục sách, có ông Phạm Gia Triếp (tức nhà thơ Phạm Việt Trang) lúc bấy giờ là Trưởng Ty Văn hóa Đà Lạt và một nhân vật thầm lặng nhưng quen thuộc với người đọc thường xuyên lui tới thư viện, đó là ông Huỳnh Quan Lâm (gốc Hoa).
Ông Lâm làm quản thủ thư viện Đà Lạt từ thời thị trưởng Phước cho đến 1975. Đây là người có tầm hiểu biết sâu rộng, từ sách vở khoa học cho đến văn chương, tư tưởng Đông - Tây nên đáp ứng rất nhanh công việc quản lý một thư viện lớn, có phong thái hòa nhã bặt thiệp để có thể phục vụ độc giả tốt nhất. Ông được biết đến là người quản thủ thư viện nhiệt tình với độc giả trẻ.
Phòng đọc Thư viện thành phố Đà Lạt năm 1958.
Ở trên một kệ sách ngay lối vào phòng đọc còn có một băng rôn đề khẩu hiệu của Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Mục-đích của văn-hóa là phát-triển và nâng cao Con-Người”. Sau khi đảo chánh năm 1963 thì câu khẩu hiệu này được tháo xuống, nhưng việc vận hành, sinh hoạt của thư viện Đà Lạt vẫn không thay đổi gì nhiều nhờ nội lực văn hóa cộng đồng đã vượt qua những biến thiên về chính trị.
Thành phố soi mình vào tàng thư
Vào năm 1956, có một chương trình kiến thiết kinh tế Đà Lạt do Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chủ trương. Nội dung chương trình này là nhìn nhận lại giá trị Đà Lạt trên nhiều phương diện để tìm phương hướng phát triển thành phố, thể hiện rõ nét qua bản thống kê Chương trình phục hưng kinh tế Đà Lạt 1956. Kết luận từ bản báo cáo thống kê này xác định con đường phát triển: “Thành phố Đà Lạt chỉ có thể là trung tâm du lịch, nghỉ ngơi và văn hóa”. Riêng vế “trung tâm văn hóa” thì được diễn giải kỹ: [Đà Lạt] “thích hợp cho việc học hỏi, tìm tòi và khảo cứu”.
Những chính sách cởi mở và có phần ưu ái cho Đà Lạt nhằm thúc đẩy một thành phố tri thức, văn hóa được chính quyền miền Nam chuẩn bị, ráo riết thực thi vào cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960. Các trường, viện đại học, trung tâm nghiên cứu lần lượt được thành lập, mở rộng quy mô: Trường Võ bị Quốc gia, Giáo Hoàng học viện Piô X, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Trường Đại học Chiến tranh chính trị, và đặc biệt là Viện Đại học Đà Lạt... Đà Lạt trở thành thành phố của tuổi trẻ và học vấn.
Một kệ sách ngay lối vào phòng đọc Thư viện thành phố Đà Lạt.
Hai năm sau khi khánh thành thư viện thành phố, thì Chi nhánh Nha văn khố cũng được thành lập ở Đà Lạt. Kho tài liệu châu bản, mộc bản, ngự lãm, địa bộ triều Nguyễn được chuyển bằng tàu hỏa từ Huế vào Đà Lạt để tiếp tục tổ chức khảo cứu. Nhờ điều này, kho di sản đã thoát khỏi ảnh hưởng lửa binh của trận Mậu Thân 1968.
Đà Lạt cũng soi mình vào chính những tàng thư của mình để tự tri, gìn giữ một hệ sinh thái tri thức vững bền, thanh bình giữa bối cảnh các đô thị miền Trung, miền Nam đang trở nên dễ tổn thương trước chiến tranh và bất ổn.
Các phòng đọc sách trong thành phố được mở rộng về quy mô. Có thể kể đến: Thư viện Abraham Lincoln là một phần của dự án trao đổi văn hóa Việt - Mỹ, thành lập vào ngày 1.11.1961 do cơ quan Văn hóa Hoa Kỳ chủ trương. Vào đầu thập niên 1970, thư viện chuyên phục vụ sách ngoại văn này có kho sách 7.909 cuốn bao quát từ sách thiếu nhi, văn chương, triết học, khoa học phổ thông, tôn giáo, sử địa... Tại đây cũng thường xuyên cập nhật các số mới nhất của 200 tuần báo, tạp chí của bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Pháp, Việt.
Trong khi đó, Thư viện Trường Võ bị có 36.169 cuốn sách vào năm 1970. Phòng đọc thư viện này có 400 chỗ ngồi, chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu của quân nhân. Đáng kể là Thư viện Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X có 35.000 cuốn sách tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha.
Nguồn sách ở đây được sự đóng góp của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đương thời: Deutsche Forschungsgemeinschaft, MartinBehaim-Gesellschaft, Service Culture de France... Thư viện này chuyên phục vụ dòng sách học thuật, thần học, triết học và khoa học xã hội nói chung. Người ngoài vào đọc thì phải có giấy giới thiệu của linh mục viện trưởng.
Chiếc bàn dài ngăn đôi bằng dàn đèn đọc sách hiện đại, được độc giả trẻ yêu thích.
Viện Đại học Đà Lạt thì có khu thư viện rộng 400 mét vuông, phòng đọc 108 chỗ. Vào năm 1970, thư viện này có 20 ngàn cuốn sách bao gồm nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều thứ tiếng. Ngoài ra, Thư viện Viện Đại học còn có 201 đầu tạp chí tiếng Anh, Pháp, Việt, 53 tờ báo thời sự tiếng Anh, 88 báo tiếng Pháp và 60 loại báo tiếng Việt. Mỗi năm, thư viện này chi chừng 91.000 USD cho việc mua sách, tu bổ (chi phí vận hành thư viện chiếm 5% chi phí hoạt động toàn Viện Đại học Đà Lạt). Quản thủ thư viện Viện Đại học Đà Lạt trong thời gian 1963 - 1965 là giáo sư Đỗ Long Vân, một nhà nghiên cứu khắc kỷ, tài hoa và ẩn mình vừa trở về từ khoa văn chương Đại học Sorbonne.
Thời đó, thị dân và du khách đến Đà Lạt nhìn vào những kho sách, thư viện, văn khố để thấy tầm vóc giá trị tinh thần làm nên một đô thị. Đà Lạt cũng soi mình vào chính những tàng thư của mình để tự tri, gìn giữ một hệ sinh thái tri thức vững bền, thanh bình giữa bối cảnh các đô thị miền Trung, miền Nam đang trở nên dễ tổn thương trước chiến tranh và bất ổn.
Khúc vĩ thanh buồn
Trong ký ức của Mai Hương, một nữ sinh Đà Lạt từng hay lui tới Thư viện thành phố Đà Lạt một thời, có nỗi ngậm ngùi khôn tả. Cô kể rằng, trong những năm bao cấp, lần kia cô tình cờ giáp mặt người đàn ông dong dỏng cao, có vốn hiểu biết sách vở uyên thâm đang bày bán sách báo cũ, cả sách tử vi, lịch Tàu... trên một manh nilon nhỏ nơi vỉa hè xô bồ ở lối vào chợ.
Cô nghẹn ngào nhận ra người đàn ông đó, không ai khác, là người quản thủ thư viện thành phố năm xưa...
Nguyễn Vĩnh Nguyên
__________________
(*) Ảnh trong bài được tác giả sưu tầm từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2.