Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

Năm 1974, đường Hoàng Sa và Trường Sa ở Sài Gòn

 LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Ngày 18-2-1974, Hoàng Sa và Trường Sa được dùng để thay tên hai con đường trong Chợ Lớn. Đại lộ Tổng Đốc Phương (2) được đổi tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được đổi tên là Trường Sa.

Ảnh: L.V.N.
Ảnh: L.V.N.

Hoàng Sa - Trường Sa, tên hai quần đảo được viết lên bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam từ ngàn xưa luôn nằm trong tâm trí người dân Việt với sự thiêng liêng chủ quyền lãnh thổ.

Để khẳng định thêm vị thế và khẳng định vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa trong lòng nhân dân và Tổ quốc, vừa qua, ngày 3-8-2016, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã bấm nút thông qua, chính thức đặt tên cho hai trong những con đường mới và hiện đại ở thủ đô tên Trường Sa, Hoàng Sa.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, đường Hoàng Sa dự kiến bắt đầu đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt, đối diện Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh) đến ngã tư chân cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 4,8km và rộng 68m.

Còn đường Trường Sa được đặt cho đoạn từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù (xã Đông Hội, huyện Đông Anh), dài 7,3km, rộng 68m.

Trước đó, vào năm 2010, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua việc đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài 25km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Nam.

Đó là một đại lộ thênh thang, uốn lượn bên bờ Biển Đông, dài tít tắp vươn mình ra phía biển. Còn ở Vũng Tàu, tên Hoàng Sa và Trường Sa cũng được dùng để đặt tên đường vào năm 2014.

Trước đó nữa, ở TP.HCM có hai con đường mang tên Trường Sa, Hoàng Sa, dài theo thứ tự là 8,7km và 8,5km, chạy song song nhau bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng có phải tên hai con đường này chỉ xuất hiện sau những năm 2000?

Từ năm 1973, với ý đồ đánh chiếm những vùng đảo của Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã sử dụng ngư dân từ đảo Hữu Nhật (Robert) áp sát tới gần đảo Hoàng Sa (Pattle) nơi mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên đó.

Giữa tháng 1-1974, Sài Gòn gửi thêm một số tàu chiến tới khu vực đảo Nguyệt Thiềm (Crescent) trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này.

Ngày 18-1-1974, Trung Quốc tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa và chiếm đảo Hoàng Sa ngày 20-1-1974.

Trong thời gian này, báo chí Sài Gòn đề cập, đưa thông tin nóng sốt hằng ngày trên mặt trang 1 với những hàng tít đậm dài 8 cột báo. Không khí Sài Gòn những ngày đó trở nên sôi sục.

Đại lộ Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) được đổi tên là Hoàng Sa từ ngày 18-2-1974

Trong phiên họp thường lệ của Hội đồng đô thành (1) sáng ngày 18-2-1974, các nghị viên đã nhất trí cao khi Hoàng Sa và Trường Sa được dùng để thay tên hai con đường trong Chợ Lớn.

Đại lộ Tổng Đốc Phương (2) được đổi tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được đổi tên là Trường Sa.

Lúc đó, báo Trắng Đen số ra ngày 19-2-1974 có viết một đoạn trên trang 1 như sau: “Đại lộ Tổng Đốc Phương nằm ngay trung tâm Chợ Lớn được cải tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được cải tên là Trường Sa.

Trong phần thuyết trình nghị viên Dương Văn Long, lần đầu tiên ở diễn đàn Hội đồng đô thành đã được toàn thể nghị viên hoan nghênh nhiệt liệt. Điều nầy cho thấy lòng dân được thể hiện rõ rệt chọn Hoàng Sa và Trường Sa đặt tên hai con đường ở Chợ Lớn nơi cư ngụ của người Việt gốc Hoa" (Du Miên).

Có lẽ, từ khi được cải tên đường đến ngày 30-4-1975 là một thời gian quá ngắn nên hai tên đường Hoàng Sa và Trường Sa mới vẫn chưa ghi sâu vào ký ức của người dân.

Khi nói về hai con đường này người dân Sài Gòn vẫn quen miệng nói tên hai con đường cũ đã có khoảng 20 năm.

Có phải như vậy chăng mà khi đổi tên đường Hoàng Sa thành Châu Văn Liêm, “ai đó” vẫn ngỡ là Tổng Đốc Phương ngày cũ...?

_____________

(1) Như Hội đồng nhân dân TP. Mỗi nghị viên chỉ có nhiệm kỳ ba năm.

(2) Đường Châu Văn Liêm hiện nay.