Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông

 

- Kỳ 1: Chào thành phố!

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, có một chuyến tàu biển đầu tiên chở 541cán bộ miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách. Tàu Sông Hương, con tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam mua của Thụy Điển năm 1974 thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, có một chuyến tàu biển đầu tiên chở 541cán bộ miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách. Tàu Sông Hương, con tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam mua của Thụy Điển năm 1974 thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy.

 
Con tàu lịch sử Sông Hương - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Sứ mệnh lịch sử
Tàu Sông Hương là tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mua của Thụy Điển năm 1974. Về nước, tàu Sông Hương có nhiệm vụ chở hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.
Sau ngày 30.4.1975, tàu Sông Hương hối hả trở về cảng Hải Phòng sau chuyến chở hàng qua Nhật Bản. Khi đó, thuyền trưởng của tàu là ông Nguyễn Tấn Nghiêm; chính ủy tàu là ông Lê Minh Công; máy trưởng Trần Ngọc Giang. Cả ba người đều là cán bộ miền nam tập kết ra bắc. Thuyền phó của tàu là ông Nguyễn Mạnh Hà, người Nghệ An.
Tới cảng Hải Phòng, thuyền trưởng và ban chỉ huy tàu nhận lệnh mật từ Giám đốc Công ty vận tải biển (VOSCO): “Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường biển yêu cầu thuyền trưởng khẩn trương đưa tàu ra vịnh Hạ Long chọn vị trí neo thích hợp, an toàn và kín đáo, gần cảng Hòn Gai để nhận nhiệm vụ đặc biệt chở hơn 500 cán bộ miền Nam được trung ương cử về bổ sung lực lượng tiếp quản các vùng giải phóng”.
Sau khi nhận được lệnh, ngay lập tức tàu Sông Hương được các thuyền viên vệ sinh sạch các hầm hàng. Đồng thời tàu được bố trí, sắp xếp hợp lý toàn bộ các phòng ở của sĩ quan thuyền viên và các khu vực sinh hoạt công cộng để lấy thêm chỗ ở cho cán bộ lớn tuổi và phụ nữ.
Hàng chục thợ mộc của VOSCO cùng thuyền viên của tàu lắp ráp thêm các giường mới tạm thời ở các hầm hàng thông thoáng và thích hợp nhất để bố trí chỗ nằm cho các cán bộ tập kết. Tàu cũng trang bị đủ phao áo cứu sinh cho 541 hành khách, tăng cường thêm bình chữa cháy di động; chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc và dụng cụ y tế cho khách.
Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm yêu cầu tính toán và kiểm tra chính xác thế vững của tà để tàu ít lắc, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của khách khi gặp sóng to gió lớn. Chăm sóc bảo dưỡng máy móc thiết bị thật tốt để đảm bảo hành trình đưa khách vào Sài Gòn an toàn, đúng hạn.
Sáng 9.5.1975, tàu Sông Hương được lệnh đón khách tại vịnh Hạ Long để đảm bảo bí mật. Đêm hôm đó, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, chính ủy Lê Minh Công cùng toàn thể thuyền viên của tàu “nồng nhiệt nhưng lặng lẽ” đón tiếp 541 cán bộ miền Nam từ Hà Nội ra Hòn Gai và lên tàu.
Trong số cán bộ lên tàu có nhiều người là bạn, là đồng đội, đồng hương của thuyền trưởng Nghiêm, chính ủy Công và một số sĩ quan trên tàu. Nhưng vì yêu cầu bí mật và kỷ luật của chuyến đi nên mọi người đều hồi hộp, cảm động nhưng chỉ lặng lẽ trao đổi với nhau qua ánh mắt và nụ cười.
Sáng 10.5.1975, ban chỉ huy tàu và thuyền viên cùng đoàn cán bộ vô cùng phấn khởi được đón bà Ngô Thị Huệ (phu nhân của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Miền Nam của Ban Tổ chức trung ương lên tận tàu Sông Hương trực tiếp giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, tiễn đưa đoàn cán bộ về tiếp quản Sài Gòn.
Ruột thịt bắc nam
Vợ chồng nhận không ra nhau
Theo ông Nguyễn Văn Thận, nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực 2 - một trong những cán bộ tập kết trở về trên tàu Sông Hương – sau khi cập bến, các cán bộ tập kết được đưa về bệnh viện Cơ Đốc (Tân Bình) nghỉ ngơi vài ngày rồi được phân đi các nợi theo sự bố trí của Tiểu ban quân quản Sài Gòn – Gia Định.
“Thời gian xa cách hơn 20 năm khiến nhiều người không nhận ra nhau. Tôi còn nhớ trường hợp ông Xê, vợ chồng họ đứng sát mà không nhận ra nhau. Đến khi được người ta chỉ, người vợ lại hỏi anh có phải là anh Xê không, ban đầu ông Xê vẫn không nhận ra đó là vợ mình. Đến khi nhận ra, hai người ôm nhau khóc. Nhìn tội nghiệp lắm”, ông Thận nói.
Đúng 14 giờ ngày 10.5.1975, tàu Sông Hương nhổ neo rời vịnh Hạ Long. Ra khỏi cụm đảo đèn biển Long Châu, tàu hướng về phía nam chạy về hướng bán đảo Sơn Trà. Sáng 11.5.1975, tàu vượt qua bán đảo Sơn Trà, tiếp tục chạy ven theo bờ biển phía nam để cho đoàn cán bộ cùng anh em thuyền viên ngắm nhìn phần phía nam của đất nước sau hơn 20 năm chia cắt.
Chuyến tàu đó dù ông Nguyễn Tấn Nghiêm là thuyền trưởng, lãnh đạo tàu nhưng thuyền phó Hà mới là người lái chính.
“Đêm hôm tàu xuất phát, chú Nghiêm kêu tôi lên giao tôi cầm lái chính. Ông Nghiêm nói chú sắp trở về quê hương sợ tâm trạng bồn chồn cầm lái không an toàn. Cháu cầm lái chính để sau chuyến đi này làm thuyền trưởng Sông Hương. Chú giờ già rồi”, ông Hà nhớ lại. Khi đó thuyền trưởng Nghiêm đã 61 tuổi.
Chiều 12.5.1975, tàu Sông Hương đến Vũng Tàu neo ở phao số không. Đón tàu Sông Hương ngoài hoa tiêu còn có ông Lê Văn Hớn và ông Ngô Lực Tài – cán bộ quân cảng cảng Sài Gòn. Tàu Sông Hương ở lại Vũng Tàu một đêm để chờ thủy triều, đồng thời họp bàn thống nhất thủ tục đón tàu ở cảng Sài Gòn.
Sáng 13.5.1975, tàu Sông Hương rời Vũng Tàu đi vào sông Sài Gòn. Trưa đó đến Nhà Bè, tàu dừng lại sắp xếp đội hình để đưa Sông Hương vào cảng.
Đội hình dẫn tàu Sông Hương: Đi đầu là một chiến hạm lớn của hải quân, tiếp theo là tàu lai dắt cỡ lớn, tàu Sông Hương đi giữa, theo sau là một tàu kéo, khóa đuôi là một tàu tuần tiễu hải quân. Hai bên mạn phải và trái tàu Sông Hương là bốn sa lúp của hải quân.
“Khoảng 15 giờ, tàu Sông Hương cập bến Nhà Rồng. Hai bên bờ sông từ Cần Giờ đến Sài Gòn rực rỡ cờ hoa. Hàng ngàn người tập trung vẫy chào đón tàu. Thuyền trưởng Nghiêm đứng trên boong, tôi đứng trước mũi tàu. Không gian lúc đó phải nói là tuyệt đẹp”, ông Hà trầm trồ.
Chiều hôm đó, trên bục danh dự, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm đầy xúc động nói: “Xin kính chào thành phố Sài Gòn, thành đồng tổ quốc. Xin kính chào bà con cô bác miền Nam”.
Dưới lễ đài, những gói quà trái cây từ các má, những bó hoa tươi từ tay các thiếu nữ được chuyển lên tàu trao tặng cho từng sỹ quan thuyền viên với tấm lòng ruột thịt bắc nam.
Đêm 13.5.1975, hàng chục chuyến xe đò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn Gia Định nối đuôi nhau vào bến Nhà Rồng để đón đoàn cán bộ về vị trí tập kết. Sau chuyến đi lịch sử đó, ông Nghiêm trở về quê nhà Trà Vinh và giao lại vị trí thuyền trưởng cho thuyền phó Hà.
Chừng 3-4 tháng sau, tàu Sông Hương còn thực hiện một chuyến đi lịch sử nữa khi chở khoảng 3.000 người khách, đồng bào miền Nam trở về quê hương.
Rất tiếc là cách đây khoảng 20 năm, trong một chuyến đi Nhật, tàu Sông Hương gặp bão trên cấp 12, va vào vách đá ngầm và vĩnh viễn nằm lại vùng biển Okinawa của Nhật Bản, kết thúc sứ mệnh bi tráng của một con tàu đã đi vào lịch sử ngành hàng hải.
“Đến nay, thời gian đã phủ trắng mái đầu, sỹ quan và thuyền viên trên tàu người còn người mất nhưng chúng tôi không bao giờ quên chuyến tàu lịch sử ngày 13.5.1975”, ông Hà bùi ngùi.
Đưa văn công vào Sài Gòn phục vụ lễ thống nhất
Cũng như tàu Sông Hương, tàu Đồng Nai nhận được lệnh vào Sài Gòn khi đang làm nhiệm vụ chở hàng sang Nhật. Tàu Đồng Nai có nhiệm vụ chở 12 đoàn chủ yếu là văn công, tuồng chèo, bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa và Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng vào Sài Gòn.
Ông Cao Trọng Tùng – khi đó là thuyền phó tàu Đồng Nai – cho biết tàu Đồng Nai đi sau tàu Sông Hương vài ngày, xuất phát từ cảng Hải Phòng, sau 48 giờ trên biển vào tới Sài Gòn. Chính người hoa tiêu nổi tiếng Sài Gòn lúc đó là ông Tôn Thọ Khương đã dẫn dắt tàu Đồng Nai cập cảng Khánh Hội.
Ông Tùng cho biết khi tàu cập cảng, ngay tại cảng Khánh Hội còn một lô hàng mỹ nghệ đóng bằng thùng gỗ mà sau này được biết chủ nhân lô hàng là ông Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa – gửi cho anh trai mình là Nguyễn Văn Kiểu thời điểm đó đang làm đại sứ ở Đài Loan.
“Tới Sài Gòn, các đoàn của Bộ Văn hóa xuống tàu để chuẩn bị biểu diễn nghệ thuật cho người dân Sài Gòn dịp thống nhất đất nước. Riêng anh em được ở lại vài ngày chờ chở hàng ra bắc vừa kết hợp tham quan Sài Gòn. Sinh hoạt của người dân thời điểm đó khá nhộn nhịp. Đường phố Sài Gòn được quy hoạch khá quy củ, các ngã tư đều có đèn chỉ dẫn, báo hiệu giao thông”, ông Tùng kể.

 
Lãnh đạo và thuyền viên tàu Sông Hương chụp ảnh kỷ niệm khi tàu tới Sài Gòn. Người đứng ở hàng đầu, thứ hai từ phải qua là thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nhiêm. Người đứng hàng đầu ngoài cùng bên trái là thuyền pho Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (người đứng hàng đầu, thứ năm từ bên trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo tàu Sông Hương - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhớ lại những kỷ niệm về chuyến tàu đầu tiên từ bắc vào nam sau ngày 30.4.1975  - Ảnh: Trung Hiếu

 - Kỳ 2: Giữ ánh sáng cho Sài Gòn

(TNO) “Việc bảo đảm điện sau ngày 30.4.1975 được coi là vấn đề sống còn không chỉ cho đời sống của người dân Sài Gòn mà còn thể hiện uy tín chính quyền quân quản Sài Gòn nhưng ngày đầu nên rất được chú trọng”, ông Trần Vân, một trong những người đầu tiên tiếp quản ngành điện miền Nam nhớ lại.

(TNO) “Việc bảo đảm điện sau ngày 30.4.1975 được coi là vấn đề sống còn không chỉ cho đời sống của người dân Sài Gòn mà còn thể hiện uy tín chính quyền quân quản Sài Gòn nhưng ngày đầu nên rất được chú trọng”, ông Trần Vân, một trong những người đầu tiên tiếp quản ngành điện miền Nam nhớ lại.

Trụ sở Công ty Tổng công ty Điện lực Việt Nam sau khi tiếp quản, nay là tòa nhà của Tổng công ty Điện lực miền Nam ở số 72 Hai Bà Trưng, Q,1 (TP.HCM) - Ảnh: tư liệu của Tổng công ty miền Nam
20 năm trở về
Ông Vân quê gốc ở Sài Gòn. Cha ông là người Thủ Đức, mẹ dân Thị Nghè. Năm 1945, ông Vân lúc này 13 tuổi tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông Vân tập kết ra bắc, được cử đi học nước ngoài về điều độ điện. Tốt nghiệp về nước, ông tham gia xây dựng nhà máy điện Vinh (Nghệ An), rồi ra Hà Nội làm điều độ điện ở miền bắc. Sở Điện lực Hải Hưng được thành lập, ông Vân về làm phó giám đốc, rồi giám đốc sở kiêm tỉnh ủy viên UBND tỉnh Hải Hưng.
Ông Vân kể: “Sáng 1.5.1975, tôi đang dự mít tinh ngày quốc tế lao động ở sân vận động tỉnh Hải Hưng thì có lệnh về sở gấp. Về sở mọi người gặp tôi nói anh được về nam rồi. Nhận lệnh mà tôi muốn đứng tim. Xúc động vô cùng vì không ngờ lại được về quê hương mình sau hơn 20 năm xa cách”, ông Vân hồi tưởng.
Lý do ông Vân được điều vào Sài Gòn tiếp quản ngành điện xuất phát từ chính nhu cầu của ngành điện ở Sài Gòn. Ngày 30.4.1975, sau khi tiếp quản Sài Gòn và xem xét tình hình một số ngành, ban quân quản đã có điện khẩn ra Hà Nội đề nghị tăng cường gấp đội ngũ kỹ sư lành nghề thuộc một số lĩnh vực chủ chốt như điện, nước, lương thực, vận tải…
Theo hồi ức của ông Trần Tự Kỉnh – nguyên cán bộ quân quản điện lực miền Nam – khi quân đội ào ạt tiến về Sài Gòn thì ở chiến khu miền Đông, ngày 26.4.1975, Ban Công nghiệp R đã tổ chức xong Tiểu ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định (phiên hiệu K9) gồm 7 thành viên.
Bộ phận điện có 61 người do ông Nguyễn Văn Tiên làm đội trưởng. Sáng 1.5.1975, lúc 7 giờ 30 phút, tiểu ban quân quản K9 do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV) tại số 72 Hai Bà Trưng (Q.1), để chỉ đạo việc quân quản.
Các viên chức cũ của CĐV gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, các giám đốc và phó giám đốc các nha trực thuộc CĐV đã tập trung đầy đủ.
Sau khi công bố lệnh quân quản, ông Trần Tự Kỉnh được chỉ định thay mặt ban quân quản K9 tiếp quản CĐV, tổ chức cuộc họp và kêu gọi những người phụ trách CĐV cộng tác đảm bảo nguồn điện hoạt động bình thường.
Trong cuộc họp đầu tiên, ban quân quản yêu cầu bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của người dân toàn thành phố.
Ngoài ra, lực lượng tiếp quản triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường, phối hợp với anh em quân quản tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng kẻ địch phá hoại.
Người Sài Gòn dễ làm việc
Ban quân quản quyết định cử ông Mai Bửu Đàn về phụ trách nhà máy điện Thủ Đức, ông Lưu Phương Chính tiếp quản nhà máy điện Chợ Quán. Đây là hai nguồn phát chủ lực cung ứng điện cho Sài Gòn Gia Định và một số vùng phụ cận. Ông Trần Vân làm giám đốc trung tâm điều hợp (nay là trung tâm điều độ) điện năng…
Việc đầu tiên là ông Vân nắm lại tình hình cơ sở điện ở Sài Gòn cũng như các vùng lân cận. Ở Sài Gòn lúc đó có hai nhà máy điện chính là Thủ Đức (được ví như trái tim của Sài Gòn) và Chợ Quán. Ngoài ra cũng có thêm một số nhà máy điện nhỏ chạy bằng dầu mazut và diesel.
“Lợi thế của tôi vừa là dân kỹ thuật điện lại là người gốc Sài Gòn nên dễ thuyết phục anh em chế độ cũ ở lại làm việc với mình. Anh em biết mình có nghề nên cũng rất gần gũi chứ không phân biệt chế độ này, chế độ kia”, ông Vân nói.
Công việc tiếp quản ngành điện ngày đầu khá vất vả. Có khi sáng đi Đa Nhim nhưng chiều ông Vân đã có mặt ở Cần Thơ giải quyết công việc. Nhiều đêm ông lại lôi chồng hồ sơ lý lịch của nhân viên chế độ cũ ngồi đọc để biết thế mạnh của từng người để bố trí công việc cho hợp lý.
Cũng như ông Trần Vân, ông Nguyễn Văn Thận - nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực 2 (hiện là Tổng công ty Điện lực miền Nam) là con em miền nam tập kết ra bắc, sau 30.4.1975 được trở về quê hương tăng cường cho ngành điện miền nam.
Ông Thận cho biết ngày 8.5.1975, ông cũng 27 chuyên gia ngành điện tàu Sông Hương rời miền bắc, sau 3 ngày lênh đên trên biển, đến ngày 11.5.1975, tàu cập bến Nhà Rồng.
Quang cảnh Sài Gòn lúc này theo lời ông Thận “còn ngổn ngang lắm”. Khi ông Thận có mặt ở Sài Gòn, ban quân quản đã tiếp quản cơ sở và điều hành sản xuất điện. Nhiệm vụ của đoàn chuyên gia chủ yếu là cố vấn về chuyên môn, kỹ thuật phát, truyền tải điện cộng với việc kinh doanh, phân phối mặt hàng này. Mỗi đơn vị của Công ty Điện lực 2 được tăng cường 1-2 chuyên gia từ Sài Gòn rải hết các tỉnh miền đông, miền tây Nam Bộ. Riêng ông Thận làm cố vấn cho Nhà máy điện Thủ Đức.
Ông Thận cho biết ban đầu chủ trương của ban quân quản là phát điện liên tục, không để mất điện gây hoang mang cho người dân. Tuy nhiên, lưới điện ở Sài Gòn duy trì liên tục khoảng 3-4 tháng thì lượng dầu diesel của chế độ cũ để lại bắt đầu cạn kiệt.
Tình thế này buộc ngành điện đưa ra chính sách tiết giảm tiêu thụ, cắt điện luân phiên một số khu vực. Tuy nhiên điện ở các quận trung tâm Sài Gòn như quận 1, 3, khu vực Chợ Lớn vẫn luôn đảm bảo. Nguồn điện ở các cơ sở sản xuất quan trọng vẫn được duy trì. Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng dần được khắc phục khi Việt Nam nhận được dầu từ Liên Xô viện trợ.
Giữ lại người chế độ cũ
“Công việc tiếp quản ngành điện ở Sài Gòn không gặp nhiều khó khăn. Trừ một số ít trí thức, quản lý cấp cao ngành điện của chế độ cũ bỏ ra nước ngoài thì hầu hết nhân viên, công nhân đều được giữ lại. Ai ở bộ phận nào ở lại điều hành, làm việc ở bộ phận đó. Lãnh đạo CĐV vẫn tiếp tục điều hành công việc dưới sự giám sát của ban quân quản. Còn anh em cố vấn chúng tôi trước đó ở ngoài bắc đã làm quen với thiết bị, cách vận hành ngành điện nên không bỡ ngỡ khi tiếp quản”, ông Thận nói.
Tuy vậy, theo ông Thận do mục đích phục vụ cho chiến tranh nên cơ sở điện lúc bấy giờ ở miền nam rất manh mún, không được đầu tư nhiều và chủ yếu tập trung ở Sài Gòn. Điều này cũng gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt, sản xuất ở miền Nam sau 30.4.1975.
Ngoài ra, những ngày đầu tiếp quản còn có biết bao chuyện phức tạp liên quan đến bảo vệ cơ sở vật chất của ngành điện. Chính nhờ tổ chức được các tổ tự vệ canh gác, ban quân quản phát hiện được một phụ nữ mang mìn vào định phá trạm Minh Phụng. Ngoài ra còn phát hiện một thợ xấu dùng nguyên liệu dỏm để sửa máy phát SACM ở Bà Quẹo với ý đồ phá hoại.
Cũng nhờ liên hệ chặt chẽ với lực lượng công an và nhờ sự phát hiện của công nhân, ban quân quản đã bắt gọn một gián điệp được cài lại ở nhà máy đèn Chợ Quán, rồi phá tan âm mưu phá hoại nhà máy điện Thủ Đức…
Đến tháng 8.1975, tình hình tiếp quản Sài Gòn đã đi vào quy củ. Lúc này Bộ Điện Than cử ông Lê Ba vào làm Tổng cục trưởng Tổng cục Điện lực (phụ trách ngành điện từ Quảng Trị vào đến Minh Hải) và liên tục tăng cường lực lượng cho ngành điện miền nam.
Lực lượng ngành điện của cách mạng đủ sức tiếp quản ngành điện nên lãnh đạo CĐV đã tiến hành bàn giao việc điều hành ngành điện cho ban quân quản.
Sau tháng 8.1975, Tổng cục Điện lực thành lập một ban gọi là nha kỹ thuật tập trung các quan chức CĐV về đó với vai trò cố vấn chuyên môn cho ngành điện.
Khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim
Theo ông Nguyễn Văn Thận, sau khi tình hình tiếp quản ngành điện ở miền nam dần đi vào ổn định, tháng 8.1975, Tổng cục Điện lực bắt đầu có kế hoạch sửa chữa, khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim.
“Việc khôi phục nhà máy thủy điện Đa Nhim rất gian khổ vì việc sửa ở độ cao hơn 2.000 m nhưng ngày đêm anh em vẫn quyết tâm làm”, ông Thận nói. Sau 6 tháng sửa chữa, nhà máy thủy điện Đa Nhim được khôi phục cung cấp điện cho một số tỉnh lân cận và quan trọng là góp phần bảo đảm nguồn điện cho Sài Gòn khi đó còn chập chờn và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu diesel.

Công nhân sữa chữa đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn năm 1976
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
Đường ống thủy áp nhà máy thủy điện Đa Nhim bị hư hỏng trong chiến tranh
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
Sửa chữa máy biến thế tại nhà máy điện Chợ Quán
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
Các thành viên trong đoàn tiếp quản Tổng công ty Điện lực Việt Nam họp kỷ niệm 10 năm vào năm 1985
- Ảnh tư liệu của Tổng công ty miền Nam
Ông Trần Vân và Nguyễn Văn Thận- hai người nằm trong nhóm tiếp quản ngành điện miền Nam sau ngày 30.4.1975 - Ảnh: Trung Hiếu

– Kỳ 3: Nước sạch cho 3 triệu dân

Cùng với điện, nước sinh hoạt là lĩnh vực thiết yếu cần phải bảo đảm cho người dân sau ngày thống nhất. Thậm chí, ngay trong ngày 30.4 lịch sử, nước sạch vẫn được cấp đủ cho người dân Sài Gòn.

Cùng với điện, nước sinh hoạt là lĩnh vực thiết yếu cần phải bảo đảm cho người dân sau ngày thống nhất. Thậm chí, ngay trong ngày 30.4 lịch sử, nước sạch vẫn được cấp đủ cho người dân Sài Gòn.

Các kỹ sư, công nhân sửa chữa khắc phục máy móc của Nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 Các kỹ sư, công nhân sửa chữa khắc phục máy móc của Nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 - Ảnh: tư liệu Sawaco

>> Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 2: Giữ ánh sáng cho Sài Gòn
>> Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 1: Chào thành phố!

Nhận cả Ban lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục

Cuối tháng 2.1975, khi đang tiếp quản huyện Phước Long (Bình Phước), ông Bùi Minh Thế nhận được lệnh cấp trên chuẩn bị công tác tổ chức tiếp quản Sài Gòn.

Ngày 30.4.1975, đoàn tiếp quản của ông Thế vào tới Sài Gòn. Dọc hành trình, do trước đây làm ở Nhà máy chế tạo bơm Hải Dương nên ông Thế được phân về đội tiếp quản nước gồm 11 thành viên.

Đến Sài Gòn, đội tiếp quản nghỉ một đêm ở Trường kỹ thuật Cao Thắng để hôm sau tiến hành công việc tiếp quản. Chiều 30.4.1975, dù Sài Gòn đã được tiếp quản nhưng theo ông Thế “tiếng súng đạn vẫn kêu đì đẹt cả đêm. Mọi người dặn nhau nếu không có chuyện gì quan trọng nên tránh ra đường”.

6 giờ sáng 1.5.1975, 11 thành viên lên đường để tiếp quản. Ông Thế kể do không rành đường lại không biết địa chỉ Sài Gòn Thủy cục (tên gọi cũ của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) trước 1975) nên đoàn cứ nhìn ở đâu có bồn nước to thì cứ đến đó dò hỏi.

Ban đầu đoàn vào khu cấp nước Sài Gòn nằm gần Hồ Con Rùa, nay là trụ sở của Sawaco. Tuy nhiên, một số công nhân cho biết trụ sở chính của Sài Gòn Thủy cục lúc đó ở số 86 Nguyễn Thông (Q.3). Tới nơi, Ban giám đốc của Sài Gòn Thủy cục đã có mặt, trong đó có cả Giám đốc Sài Gòn Thủy cục Vũ Đình Hạnh.

Các kỹ sư, công nhân đang sữa chữa khắc phụ máy móc của nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975  - Ảnh: tư liệu Sawaco

Ban đầu tổ tiếp quản vẫn giữ nguyên thành phần lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục và bộ máy cũ hơn 1.500 công nhân viên. Hoạt động của Sài Gòn Thủy cục diễn ra bình thường dưới sự giám sát của đội tiếp quản.

 “Quan hệ giữa đội tiếp quản và lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục lúc đó khá tốt, tôn trọng lẫn nhau. Hằng tuần hai bên vẫn họp giao ban để nắm tình hình”, ông Thế nói.

Theo ông Thế, sau một thời gian, tổ tiếp quản đã tiến hành chuyển đổi Sài Gòn Thủy cục. Tên gọi của công ty được đổi sang thành Công ty cấp nước TP.

Ông Trần Văn Thình - một trong những thành viên của đội tiếp quản - được phân công làm giám đốc công ty, phó giám đốc là các ông Võ Văn Đường, Nguyễn Văn Lang, Trương Hoàng Khải. Ngoài ra, công ty tiếp quản được hệ thống cơ sở vật chất ngành nước hầu như còn nguyên vẹn, từ Nhà máy nước Thủ Đức, Biên Hòa đến các chi nhánh Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn... đủ sức cung cấp nước sinh hoạt cho 3 triệu dân Sài Gòn ở các quận 1, 3, 5, 11, Tân Bình...

Sau đó, công ty còn cung cấp nước sản xuất cho Khu công nghiệp Biên Hòa và một số khu công nghiệp vùng phụ cận.

“Người bên kia” bảo vệ ngành nước

Theo hồi ức của ông Võ Văn Đường (thời điểm tiếp quản là phó giám đốc,  sau này là Giám đốc Công ty cấp nước TP, hiện ông Đường đã mất), việc cơ sở ngành nước Sài Gòn sau ngày 30.4.1975 được bảo toàn nhờ một phần từ chủ trương của lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục mà đứng đầu là Giám đốc Vũ Đình Hạnh.

Khi nắm vị trí Giám đốc Sài Gòn Thủy cục trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng”, chủ trương của ông Hạnh là bất kỳ giá nào cũng phải duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho dân thành phố.

Các kỹ sư, công nhân đang sữa chữa khắc phụ máy móc của nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975  - Ảnh: tư liệu Sawaco

Một câu chuyện còn được anh em ngành cấp nước Sài Gòn kể cho nhau nghe về việc lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục cố gắng bảo vệ Trạm bơm Hóa An không để cho chiến tranh tàn phá.

Theo đó, vào chiều 28.4.1975, một tàn quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa sau khi rút chạy từ Xuân Lộc và Biên Hòa về đã định vào chốt Trạm bơm Hóa An, biến thành nơi tử thủ và phá vỡ hệ thống cung cấp nước của Sài Gòn.

Ông Hạnh nhận thức Trạm bơm Hóa An là đầu nguồn cung cấp nước cho cả Sài Gòn. Nếu đụng độ ở đây, bom đạn khiến hệ thống bơm nước bị phá hủy thì cả Sài Gòn sẽ bị tê liệt về nguồn nước, mọi sinh hoạt và sản xuất xem như đều đình trệ. Ngay lập tức, ông Hạnh bàn với lãnh đạo các sở trực thuộc thủy cục tìm cách can thiệp để quân đội không đưa quân vào trạm bơm tránh những tổn thất cho cơ sở vật chất của ngành nước.

Theo ông Bùi Minh Thế, rất tiếc sau một thời gian làm việc với Công ty cấp nước TP, vì nhiều lý do ông Vũ Đình Hạnh đã nghỉ việc. Một thời gian sau ông Hạnh sang Pháp định cư.

“Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp dù trước đó làm lãnh đạo ở Sài Gòn Thủy cục nhưng sau này vẫn được bồi bổ, cất nhắc. Điển hình nhất là ông Võ Quang Lý trước ngày 30.4.1975 là Trưởng khu cấp nước Chợ Lớn. Khi tiếp quản ông Lý được đưa lên Nhà máy nước Thủ Đức làm chuyên gia, sau này về công ty kết nạp Đảng, làm trưởng phòng kỹ thuật, rồi phó giám đốc công ty cấp nước”, ông Thế nói.       

Chế nòng pháo làm phần bạc cho máy bơm

Ông Phạm Tấn Sỹ - nguyên Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức - cho biết tối 30.4.1975, đoàn tiếp quản đã tiếp quản Nhà máy nước Thủ Đức, nơi cung cấp phần lớn nước sạch cho Sài Gòn.

Dù từng được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng thời điểm tiếp quản Nhà máy nước Thủ Đức đã vận hành được 14 năm nên nhiều thiết bị bắt đầu hư hỏng, cần phải thay thế, sửa chữa. Tuy nhiên, việc sửa chữa không hề dễ dàng vì toàn bộ máy móc của nhà máy đều của Mỹ mà sau 1975 hai nước không bang giao.

“Do đang bị cấm vận nên dù có tiền cũng không mua được thiết bị thay thế. Đơn cử như máy bơm to quá khi hư không xưởng nào trong nước sửa được. Phần bạc trong máy bơm chạy một thời gian bị mòn. Anh em phải đến Nhà máy Ba Son, Nhà máy Z751 cắt những nòng pháo không còn sử dụng để tiện thành bạc thay thế vào. Dù khó khăn nhưng không bao giờ để thiếu nước khó khăn cho sinh hoạt”, ông Sỹ cho hay.

- Kỳ 4: Những 'người cũ' trên ti vi

(TNO) Đến nay dù đã 40 năm nhưng nhà báo Hồ Vĩnh Thuận vẫn nhớ từng chi tiết khi ông cùng đoàn vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn ngày 30.4.1975.

(TNO) Đến nay dù đã 40 năm nhưng nhà báo Hồ Vĩnh Thuận vẫn nhớ từng chi tiết khi ông cùng đoàn vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn ngày 30.4.1975.

  Giữ huyết mạch  cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 4: Những “người cũ” trên ti viCổng Đài HTV những năm sau 1975 - Ảnh: tư liệu
Ba đài truyền hình
“Sáng 29.4.1975, đoàn tiếp quản nhận được lệnh tập trung ngay tại bìa rừng ở Tây Ninh. 3 giờ sáng 30.4.1975, đoàn từ Dầu Tiếng, Tây Ninh quá giang xe của cán bộ miền Bắc tiến lên Sài Gòn. Chừng 12 giờ trưa tới Dinh Độc Lập. Lúc này thì cờ xanh đỏ đã bay phất phới ở dinh. Một số anh em tiếp quản chạy vào dinh để quay một số cảnh làm tư liệu. Khoảng 12 giờ 30 phút, xe chạy tới Đài Truyền hình Sài Gòn. Lúc này trong đài không còn ai làm việc. Một phía bên cổng sắt ở đường Đinh Tiên Hoàng bị gãy đổ”, ông Thuận kể lại.
Theo ông Thuận, khi đoàn tiếp quản có mặt, máy nổ của đài vẫn chạy nhưng phía trong khuôn viên không còn ai. Chỉ có một anh sinh viên chạy vào chỉ cho đoàn một số vị trí.
Trước khi nhận lệnh, thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định căn dặn khi vào tiếp quản không được vào trong khu làm việc vì sợ bom mìn cài lại. Đêm hôm đó, cả đoàn tiếp quản nấu ăn và ngủ ngoài sân của đài.
Khi đó, Sài Gòn có tới ba đài truyền hình. Một đài của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một đài của Mỹ chủ yếu phục vụ cho quân đội. Hai đài đều nằm trong khuôn viên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) bây giờ, chỉ cách nhau dãy hàng rào sắt. Cột ăng ten phát sóng nằm bên đài của Mỹ, khi nào làm xong chương trình, nhân viên kỹ thuật đài Việt Nam Cộng Hòa đưa băng sang khu vực đài Mỹ để phát sóng.
Đài thứ ba bây giờ ít người biết là đài truyền hình Đắc Lộ nằm ở gần đường Lý Chính Thắng (Q.3). Đài chỉ phát chương trình cho thiếu nhi và người công giáo. Thời gian đầu khi tiếp quản, đài Đắc Lộ vẫn hoạt động bình thường với đầy đủ ban bệ, bộ phận dù quy mô khá nhỏ. Sau này đài Đắc Lộ sáp nhập rồi trở thành phòng sản xuất chương trình thiếu nhi của HTV.
Phát sóng liên tục
Trở lại với việc tiếp quản, đúng 7 giờ 30 phút ngày 1.5.1975, rất nhiều nhân viên đến tập trung trước cổng đài. Ban tiếp quản mời mọi người vô hội trường tuyên bố chính sách của chính quyền quân quản. Việc tiếp quản sẽ không ảnh hưởng công việc của các nhân viên. Ai trước làm ở đâu thì bây giờ về làm chỗ đó.
Ban tiếp quản cũng mời ông Lê Vĩnh Hòa, Tổng cục trưởng Tổng cục Phát thanh, Truyền hình vào đài và đề nghị hợp tác. Sau khi giới thiệu tên tuổi, chức danh, ông Lê Vĩnh Hòa cho biết ông là người chịu trách nhiệm chính của đài. Tất cả mọi người từ trước tới nay đều thực hiện theo mệnh lệnh của ông Hòa.
Ông Huỳnh Văn Tiểng, thành viên đoàn tiếp quản và sau này là Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM bày tỏ giờ làm sao để đài vẫn chạy bình thường. Ông Hòa gọi bộ phận kỹ thuật vào. Ông Lê Văn Minh, Trưởng phòng kỹ thuật cho biết mọi thứ vẫn bình thường. Nếu cho phép thì chiều 1.5 phát sóng được.
Nghe xong câu nói của ông Minh, nhiều người phấn khởi. Sau đó biên tập viên lên kế hoạch chương trình, quay phim vác máy đi quay. Các biên tập viên ở chiến khu về tiếp quản vẫn theo các quay phim đi làm bình thường.
Tới khoảng 11 giờ anh em quay phim về, dựng xong xuôi, viết thuyết minh rồi đưa xuống phim trường phát trong chương trình bản tin. Chương trình văn nghệ được gửi từ Hà Nội vào. Riêng cờ màu xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lúc đó còn quá mới không kịp quay nên mọi người phải lấy cờ nhỏ để trước gió rồi quay ngay tại phim trường.
Chương trình phát sóng tối 1.5.1975 bắt đầu là thông báo của chính quyền quân quản là Sài Gòn - Gia Định được giải phóng, sau sau đó là chương trình thời sự. Tối ngày hôm sau có thêm cảnh quay các cánh quân tiếp quản Sài Gòn, tiếp quản điện, nước, bưu điện, chương trình văn nghệ rồi phim tài liệu Nhìn về phía trước đưa từ Hà Nội vào. Phát thanh viên lúc đó là cô Mỹ Hạnh mặc áo bà ba, đội mũ tai bèo, quàng khăn rằn đọc tin tức.
Việc phát sóng của HTV chỉ gián đoạn đêm 30.4 do không có nhân viên, còn lại phát sóng liên tục từ ngày 1.5.1975 đến nay.
Sử dụng phần lớn người cũ
Những người chứng kiến cuộc tiếp quản HTV đều cho biết việc tiếp quản đài diễn ra khá nhẹ nhàng. Lúc tiếp quản, nhân viên của Tổng cục Phát thanh, Truyền hình lúc đó có khoảng 400 người, sau này trừ một số nghỉ việc, ra nước ngoài thì đa phần đều được giữ lại đài làm việc. Thậm chí lương của một số vị trí chuyên viên cấp cao còn cao hơn cả cán bộ tiếp quản.
Đáng chú ý là trường ông Nguyễn Văn Lâm trước 1970 làm giám đốc kỹ thuật của tổng cục, 1972 qua làm phó giám đốc kỹ thuật trung tâm quốc gia điện ảnh trực thuộc tổng cục ở 15 Thi Sách (Q.1). Những năm thập kỷ 80 của thế kỉ trước, đa phần máy chạy băng đầu từ của đài bị hỏng, gửi đi Ba Lan để đưa qua Mỹ sửa nhưng không được. Thời kỳ này Mỹ đang cấm vận Việt Nam. Lãnh đạo đài tìm mọi cách để sửa đều thất bại. May thay lúc đó một chuyên gia của đài sang chỗ ông Lâm.
Tuy nhiên vị này cũng cho biết ông Lâm giỏi nhưng tính ông này kiêu nên khó mời lắm. Phải ban giám đốc đài trực tiếp mời may ra ông Lâm đồng ý giúp. Nghe xong, Giám đốc đài HTV lúc đó là ông Ba Quang, Phó giám đốc Hồ Vĩnh Thuận và đặc biệt là ông Huỳnh Văn Tiểng khi đó đã chuyển qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc nhưng vẫn lo lắng cho phát triển của đài đều đồng ý.
Ông Hồ Vĩnh Thuận còn nhớ kỷ niệm là khi tiếp quản, vào tối 30.4.1975, ông Thuận đi kiểm tra đài, thấy hai nhân viên già còn sót lại kêu thiếu dầu chạy máy phát điện. Một ngày đài chạy chừng 2.000 lít dầu. Ông Thuận báo với ông Trần Văn Trà, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Ông Trà đã cho xe bồn của bộ đội cung cấp đủ dầu để đài hoạt động vào tối hôm sau.
Đúng 4 giờ chiều, ban giám đốc HTV qua nhà ông Lâm nói về khó khăn của máy chạy đầu từ. Ông Lâm đảm bảo 95% sẽ khắc phục được. Tối hôm đó ông Tiểng đã mời ông Lâm ăn tối ở nhà hàng Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn. Sáng hôm sau đài cho xe qua nhà rước ông Lâm vào đài để chẩn bệnh máy móc.
Ông Lâm cộng tác với đài 2 năm khi khối kỹ thuận được đảm bảo thì nghỉ. Sau này đài tiếp tục mời ông Lâm tiếp tục chịu trách nhiệm trung tâm dịch vụ kỹ thuật của đài.
Hay như trường hợp ông L.V.M, trước 1975 học cao học ở Úc sau đó là trưởng phòng kỹ thuật của đài. Ông này rất giỏi chuyên môn. Sau 1975 vẫn làm chuyên viên kỹ thuật ở đài. Một ngày đẹp trời ông M. tìm cách vượt biên nhưng bị bắt ở Long An, bị ở tù. Ra tù ông M. được lãnh đạo đài bảo lãnh rồi chuyển về làm ở bộ phận dịch vụ, kinh doanh ở đài.
Việc chuyển giao, tiếp quản ở HTV diễn ra không căng thẳng một phần do đội ngũ tiếp quản biết trọng trí thức và người tài. Ông Huỳnh Văn Tiểng trước 1975 là một đại trí thức ở miền Nam, sau này làm Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam rồi mới làm Giám đốc HTV nên rất hiểu nghề và tôn trọng người giỏi. Ông Hồ Vĩnh Thuận từng học kỹ sư vô tuyến ở Nga về và rất cầu thị. Ông Phạm Khắc, sau này là Giám đốc HTV trước sống ở Sài Gòn, giỏi nghề và hành xử rất tốt với anh em ở đài cũ.

- Kỳ 5: Trần Thành Trai từ trại 'cải tạo' đến ca mổ lịch sử ngành y

(TNO) Là một bác sĩ nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành về ngoại nhi, bác sĩ Trần Thành Trai cũng là một điển hình tiêu biểu cho trí thức ở lại phía 'bên kia'...

(TNO) Là một bác sĩ nổi tiếng, chuyên gia đầu ngành về ngoại nhi, bác sĩ (BS)Trần Thành Trai cũng là một điển hình tiêu biểu cho trí thức ở lại phía “bên kia”. 40 năm, từng khoảnh khắc về thời cuộc như hiện lên trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên Online. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của BS Trần Thành Trai, một người đã chọn con đường ở lại với Việt Nam.

Sài Gòn những ngày chuyển giao – Kỳ 5: Trần Thành Trai từ “cải tạo” đến ca mổ Song – Pha; Việt – ĐứcBác sĩ Trần Thành Trai (đứng, bên phải) đang chỉ đạo ca mổ cho một cháu bé - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu
Tôi là anh cả trong một gia đình quê gốc ở Long An. Năm 1951, tôi đậu vào trường Petrus Ký nay là trường chuyên Lê Hồng Phong. Năm đó hình như cả Long An chỉ có mình tôi đậu trường Petrus Ký. Học hết tú tài, ban đầu tôi nộp đơn vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng thấy đa phần bạn bè nộp vào trường Y nên tôi nộp theo.
Năm 1965, sau bảy năm dùi mài kinh sử, tôi tốt nghiệp trường Đại học Y. Lúc đó chiến tranh rất ác liệt. Chính quyền có lệnh tổng động viên, tôi được đưa ra bệnh viện Duy Tân, làm việc ở đó suốt 9 năm với cấp bậc thiếu tá.
Sóng người di tản ở Đà Nẵng
Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được giải phóng. Khi nghe tiếng súng ở trên đèo Hải Vân, ở dưới này mọi người bỏ chạy, trong đó có tôi. Lúc đó, không có máy bay nên tôi phải chạy ra cảng Tiên Sa leo lên tàu buôn để đi về Sài Gòn. Đó là cuộc tháo chạy để tự cứu mình.
Nhưng lúc này đang có một sóng người ở miền Trung đang đổ về Sài Gòn, chính quyền không kiểm soát được nên ngăn chặn. Hầu như các tàu về Sài Gòn đều phải chạy ra Côn Đảo. Riêng tàu tôi lênh đênh ở biển miền Trung mấy ngày thì cập vào Sài Gòn.
Chính những ngày nằm trên tàu chịu đói chịu khát tự cứu sống mình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Vừa suy nghĩ, tôi vừa thấy tủi thân. Nếu mình không tự lo cho mình thì ai lo cho mình đây. Lúc đó bà xã tôi cũng là bác sĩ. Hai vợ chồng có ba đứa con, một đứa ba tuổi, một đứa hai tuổi, một đứa vừa mới ra đời nhỏ xíu xiu.
Khi về nhà, mọi người đều hỏi khi nào Sài Gòn mất, tôi trả lời chỉ đếm từng ngày thôi.
Lúc đó tôi có gần một tháng để quyết định ra nước ngoài hay không. Thời gian đó có rất nhiều tàu bè để đi nhưng tôi quyết định không đi. Lúc đó tôi còn ba má, em út, vợ con nên tôi chấp nhận ở lại Sài Gòn vì dù sao tôi cũng được ở bên những người thân yêu của mình.
Nhiều khi tôi vẫn hay nghĩ về câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”. Ngày 30.4.1975 có thể với con tôi đó là một ngày buồn vì ba chúng mất hết mọi thứ. Ngay đứa con út của tôi mãi một tháng sau mới biết ba mình là ai. Riêng tôi giờ ngẫm lại thấy không có gì phải buồn vì giờ đây tôi có được tất cả những gì mà mình mất. Điều quan trọng là được sống với người thân, con cháu ngay chính ở quê hương mình.
Bác sĩ Trần Thành Trai
Những ngày ở Sài Gòn tôi thường hay nghe radio. Có hai cái phao mà lúc đó tôi cố gắng bám vào. Đó là khi nghe radio, tôi nghe được hai chữ khoan hồng và chính sách đại đoàn kết. Tiếp nữa, mình làm nghề thuốc, đi đâu ở đâu mình cũng có đối tượng để chữa bệnh. Bệnh nhân thì không có màu sắc hay phân biệt gì hết. Những suy nghĩ đó khiến tôi tự tin ghê lắm.
Nhà tôi ở gần Lăng Ông (Bà Chiểu, Bình Thạnh). Chiều 29.4.1975, sau khi gạt bỏ chuyện đi rồi, tôi lên sân thượng nhìn qua tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Tôi nhìn từng chiếc trực thăng đáp trên tòa Đại sứ Mỹ bốc người đi ra Hạm đội 7. Tôi ngồi ở đó cho đến chiều tối khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh ra đi. Tôi nghĩ giờ thật sự mình đã ở lại rồi. Lúc đó tâm trạng buồn và giằng xé, ngổn ngang lắm. Buồn vì sự tan rã không thể ngờ nổi. Sự tan rã của chính quyền VNCH, mọi người tháo chạy, tôi có cảm giác như mình đang đứng giữa sa mạc hoang vu vậy.
Giờ mình phải chấp nhận cuộc sống mới thôi. Mấy ngày sau tôi ghi tên đi học tập, cải tạo. Ban đầu tôi học ở Biên Hòa, sau đó được đưa lên Bù Gia Mập, một huyện sát biên giới thuộc Bình Phước. Từ đó tôi xa gia đình suốt ba năm. Lên đó tôi tự đốn tre, cất nhà, trải chiếu ngủ dưới đất. Những lúc ngủ anh em nằm xung quanh, ai cũng kể chuyện hồi xưa thế này thế kia. Mọi người biết tôi là bác sĩ nên có bệnh gì ai cũng hỏi. Từ đó tôi chiếm được sự cảm tình của nhiều người.
Đại biểu Quốc hội
 Sài Gòn những ngày chuyển giao – Kỳ 5: Trần Thành Trai từ “cải tạo” đến ca mổ Song – Pha; Việt – Đức 2 Bác sĩ Trần Thành Trai (ngoài cùng, bên phải) tại Kỳ họp Quốc hội khóa 10 - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu
Sau một thời gian tình hình trong nước tạm ổn. Lúc này thiếu thầy giáo, thầy thuốc những người như tôi được về sớm.
Về tới Sài Gòn, tôi nộp đơn xin việc. Sở Y tế thấy tôi có kinh nghiệm về phẫu thuật mà Bệnh viện Nhi đồng 1 đang thiếu nên cho về Nhi đồng 1. Về bệnh viện, tôi ôm được tủ sách quý của một ông thầy về ngoại nhi. Lúc đó bệnh viện vẫn còn khoảng 10 bác sĩ của chính quyền trước 1975. Tôi vô sau nên học mấy anh đó. Trước đó có kinh nghiệm 9 năm ngoại khoa nên tôi học rất nhanh dù đối tượng chữa trị của tôi là các em nhỏ.
Tôi còn nhớ một phóng viên tờ báo của HongKong hỏi ông thuộc chế độ cũ ứng cử và đắc cử. Như vậy ông là đại diện cho gần 20 triệu người dân ở lại miền Nam phải không. Tôi trả lời tôi không phải đại diện của 20 triệu người dân miền Nam nhưng tôi tự hào là một trong 20 triệu người miền Nam ở lại xây dựng đất nước sau ngày 30.4.1975.
Bác sĩ Trần Thành Trai
Lúc đó, vẫn còn có phong trào đi ra nước ngoài nên mỗi buổi sáng giao ban bệnh viện lại vắng đi một người. Có hôm y tá phải chạy lên nói với tôi thầy ơi bữa nay chỉ còn mình thầy, mọi người đi hết rồi. Lúc đó một mình tôi điều hành khoa ngoại nhi của bệnh viện. Với nhu cầu thúc bách lúc đó, tôi đã đạt được một số thành công từ nhỏ đến lớn.
Năm 1988, có một cặp song sinh tên là Song - Pha dính nhau cần phải tách rời. Lúc đó tôi với vai trò trưởng khoa cùng với anh em mổ tách Song - Pha thành công. Lịch sử ngoại nhi từ trước đến giờ cũng có tách nhưng sau khi tách đứa còn đứa mất. Ca của tôi hai đứa đều sống. Đó là ca mổ đã đi vào lịch sử ngành y.
Sáu tháng sau tôi tham gia ê kíp mổ tách cặp song sinh Việt - Đức với anh Trần Đông A.
Sau đó một số người gợi ý tôi ứng cử hội đồng nhân dân thành phố. Tôi ứng cử và trúng. Làm được thời gian, khi có uy tín có người gợi ý tôi ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi ra ứng cử và tiếp tục trúng đại biểu Quốc hội. Lịch sử Quốc hội khi đó mới có người trước đó làm cho chế độ cũ tự ứng cử và đắc cử. Một trong những lời tuyên thệ của đại biểu Quốc hội là trung thành với tổ quốc. Lúc đó tôi nghĩ không phân biệt cũ mới mà lúc đó ngoài bệnh nhân mình có một tổ quốc để mà lo lắng.
Phòng mạch tôi khi đó ở đường 3/2 vừa là phòng khám vừa là phòng tiếp dân. Khi đó nhiều báo chí cả trong và ngoài nước phỏng vấn tôi.
Tôi còn nhớ một phóng viên tờ báo của HongKong hỏi ông thuộc chế độ cũ ứng cử và đắc cử. Như vậy ông là đại diện cho gần 20 triệu người dân ở lại miền Nam phải không. Tôi trả lời tôi không phải đại diện của 20 triệu người dân miền Nam nhưng tôi tự hào là một trong 20 triệu người miền Nam ở lại xây dựng đất nước sau ngày 30.4.1975.
Sài Gòn những ngày chuyển giao – Kỳ 5: Trần Thành Trai từ “cải tạo” đến ca mổ Song – Pha; Việt – Đức 3Bác sĩ Trần Thành Trai (bên phải) với đồng nghiệp Tôn Thất Bách (ngoài cùng bên trái) 
Sài Gòn những ngày chuyển giao – Kỳ 5: Trần Thành Trai từ “cải tạo” đến ca mổ Song – Pha; Việt – Đức 4Bác sĩ Trần Thành Trai - Ảnh: Trung Hiếu
“Tôi đã có tất cả”
Tôi ở lại Sài Gòn một phần tin tưởng vào những người lãnh đạo thời đó. Lãnh đạo thành phố có Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, ở ngành y thì có bác sĩ Dương Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế. Đó là những người tài và biết sử dụng người giỏi. Họ không phân biệt bên này hay bên kia mà cái gì tốt cho đất nước, tổ quốc thì họ làm.
Cho nên khi bác sĩ Dương Quang Trung mất, quàn ở nhà tang lễ Lê Quý Đôn, tôi đến viếng và viết vào sổ tang: “Em còn ở lại ngày này là do anh đó anh Tư Trung. Anh là nguồn động viên để em và một số người ở lại quê hương của mình”. Chính nhờ bác sĩ Dương Quang Trung cho nên lúc đó mới có được một đội ngũ bác sĩ giỏi ở lại Việt Nam.
Nhiều khi tôi vẫn hay nghĩ về câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.
Ngày 30.4.1975 có thể với con tôi đó là một ngày buồn vì ba chúng mất hết mọi thứ. Ngay đứa con út của tôi mãi một tháng sau mới biết ba mình là ai. Riêng tôi giờ ngẫm lại thấy không có gì phải buồn vì giờ đây tôi có được tất cả những gì mà mình mất. Điều quan trọng là được sống với người thân, con cháu ngay chính ở quê hương mình.

Kỳ 6: Vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương

(TNO) Sau gần 30 năm, di cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - đã được người con gái đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong một ngôi chùa ở Sài Gòn.

(TNO) Sau gần 30 năm, di cốt của Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Xuân - Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - đã được người con gái đưa từ nghĩa địa trại cải tạo Ba Sao (Nam Định) về gửi trong một ngôi chùa ở Sài Gòn.

GS Nguyễn Duy Xuân GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân
Ba ngày làm bộ trưởng
Trước thời điểm 30.4.1975 hai ngày, GS Nguyễn Duy Xuân từ vị trí Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ lên giữ chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên của chính phủ mới do Tổng thổng Dương Văn Minh lập.
Ngày 30.4.1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh trước đại diện quân giải phóng miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chính thức sụp đổ.

Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga thổ lộ

Sau 1975, qua một thời gian cải tạo ở Thủ Đức, GS Xuân được đưa đi học tập, cải tạo ở trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định) lúc đó.
Năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, GS Võ Tòng Xuân khi đó là đại biểu Quốc hội có ý định vô trại Ba Sao để thăm lại vị viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ.
GS Xuân liên hệ với ông Hoàng Xuân Sơn, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Ninh, nhờ ông Sơn giới thiệu với ban quản lý trại Ba Sao để vào thăm GS Nguyễn Duy Xuân.
GS Võ Tòng Xuân nhớ lại: Gặp lại đồng nghiệp, GS Nguyễn Duy Xuân rất mừng. Khi đó do giỏi tiếng Anh nên ngoài thời gian lao động, ông Xuân được trại giao dịch lại một số tài liệu của Mỹ cho chính quyền. Ở trong trại, hai ông GS đều tên Xuân luận bàn về chỉ thị khoán 100 đang sôi nổi trong ngành nông nghiệp lúc đó. GS Nguyễn Duy Xuân tỏ ra vui mừng khi hay tin Đại học Cần Thơ tham gia góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất lương thực, ít nhiều tác động đến chỉ thị khoán 100.
GS Nguyễn Duy Xuân cũng là người ít nhiều tác động GS Võ Tòng Xuân về nước làm việc. Năm 1972, khi đang công tác ở Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Philippines), GS Xuân nhận được thư của GS Nguyễn Duy Xuân gợi ý về nước làm việc.
“Anh Xuân nói đồng bằng sông Cửu Long là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp như tôi. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ”, GS Xuân kể lại.
Lần gặp gỡ ở trại Ba Sao là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng sau năm 1975 mà GS Võ Tòng Xuân gặp lại GS Nguyễn Duy Xuân. Do tuổi già và mắc bệnh hiểm nghèo, GS Nguyễn Duy Xuân đã qua đời vào năm 1986 khi đang ở trại Ba Sao.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM)Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga ôm di cốt ba mình gửi lên chùa Thiên Hưng ở đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: chụp lại tư liệu gia đình GS Xuân
Giận ba ghê gớm
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – con gái đầu của GS Nguyễn Duy Xuân – cho hay trước khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, mẹ bà đã dẫn hai người em kế là Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Như Đức di tản khỏi Sài Gòn. Ban đầu ba mẹ con sống ở đảo Guam khoảng 8-9 tháng rồi mới sang Pháp. Riêng bà Nga khi bảy tuổi đã được bà ngoại đưa sang Pháp từ năm 1968.
Sống xa gia đình từ nhỏ, lại không rành tiếng Việt nên với bà Nga, kí ức về người ba khá mờ nhạt. Số lần mà bà Nga gặp ba mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những lần GS Xuân sang Pháp công tác hay lần cô bé Nga tròn 13 tuổi lần đầu tiên về thăm Việt Nam vào năm 1974.
“Về Việt Nam lần đó, tôi có xuống Cần Thơ thăm ba. Ba dẫn tôi đi thăm đồng ruộng, thăm Viện Đại học Cần Thơ đang xây dựng. Ba giới thiệu với tôi chỗ này chỗ kia. Nhớ về ba đó là người rất ham học. Ông thường giúp đỡ những sinh viên nghèo, giúp học bổng cho họ”, bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thời gian GS Xuân cải tạo ở trại thi thoảng gia đình vẫn gửi thư và nhờ người thân ở Việt Nam vào thăm, gửi lương thực vào cho ba mình. Ngược lại, GS Xuân cũng viết thư cho vợ con.
“Trong thư ba động viên má đừng buồn, cố gắng giữ sức khỏe để lo cho con cái. Với ba chị em tôi, ba khuyên phải cố gắng học tập, đặc biệt là phải đọc nhiều sách và giúp đỡ người khác”, bà Nga xúc động kể.
Dù ba viết thư động viên như vây nhưng những năm sau 1975, có lúc cô bé Nga giận ba mình ghê gớm. Cô hờn trách và thấy tủi thân khi nghĩ về ba. Cô không thể lý giải và không ai lý giải cho cô biết là tại sao trước và sau ngày 30.4.1975, ba cô có cơ hội ra nước ngoài đoàn tụ với gia đình nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam, để mẹ con cô bơ vơ ở đất khách quê người.
Bà Nga cố kìm xúc động thổ lộ: “Tại sao lúc đó ba không ở bên má để lo cho chúng tôi mà đi lo cho người khác. Những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gia tài mà má và hai em tôi di tản chỉ là một cái va li nhỏ đựng áo quần dù trước đó ba đã nhờ cậy Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn giúp đỡ. Sự hờn trách ba cứ đeo đuổi tôi nhiều năm sau này”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, trước ngày 30.4.1975, những người nào có chức sắc ở Viện Đại học Cần Thơ đều được cấp một tấm giấy coi như giấy thông hành để ra nước ngoài khi có biến cố. Với chức vụ tương đương bộ trưởng, GS Nguyễn Duy Xuân có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào nếu muốn nhưng ông vẫn ở lại Việt Nam.
“Ba muốn ở lại quê hương”
Bà Nga lý giải việc tìm mộ của ba hơi muộn là do khi sang Pháp, cả gia đình phải lo ổn định cuộc sống. Và những năm ở Pháp, gia đình không hiểu chính sách Việt Nam có cho phép bốc mộ với những người từng tham gia chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và bị đưa đi cải tạo hay không.
Thêm lý do nữa, khi di tản, gia đình bà mất hết liên lạc với những người đồng nghiệp của ba ở Viện Đại học Cần Thơ trước đây.
Những năm gần đây, mỗi năm bà Nga dành ra một tháng để về Việt Nam làm từ thiện, chủ yếu giúp đỡ trẻ dị tật, có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó bà mới chủ động hỏi thông tin để tìm mộ ba mình. Năm 2014, bà Nga liên hệ với trường Đại học Cần Thơ và được giới thiệu tới gặp GS Võ Tòng Xuân. Rất tiếc là dịp bà về năm ngoái trùng với đợt GS Xuân công tác dài ngày ở Ấn Độ nên ước nguyện không thành.
Về phía GS Xuân, sau khi nghe được tâm nguyện của bà Nga, ông âm thầm nhờ một người quen là ông Lê Quang Mẫn, nhà ở Long Xuyên (An Giang) nhưng quê ở Nam Định tìm giúp. Trong một lần về quê, ông Mẫn đã lên trại cải tạo Ba Sao hỏi. Từ những thông tin mà ông Mẫn cung cấp, quản lý trại đã chỉ ông Mẫn ra nghĩa địa của trại. Ngôi mộ của GS Nguyễn Duy Xuân được đánh số thứ tự 93.
Nhận được tin, GS Xuân gửi thư điện tử báo để bà Nga về Việt Nam. Cuối tháng 3.2015, bà Nga về tới Việt Nam. Ngày 29.3, GS Xuân và bà Nga ra Nam Định, lên trại Ba Sao để làm thủ tục xin bốc mộ. Sau khi bốc lên, phần xương được hỏa táng, lấy tro bỏ trong tiểu nhỏ. Sau đó, gia đình đã đưa làm lễ cầu siêu tại một ngôi chùa ở Ninh Bình.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với GS Nguyễn Duy XuânBà Nguyễn Thị Nguyệt Nga nhớ về những kỉ niệm với GS Nguyễn Duy Xuân - Ảnh: Trung Hiếu
“Cái hay là khi chôn cất, để làm dấu tránh thất lạc, những người chôn cất đã đặt mấy đồng tiền trong tay anh Xuân. Khi bốc mộ, mấy đồng tiền vẫn còn nguyên”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Ngày 5.4, phần tiểu chứa tro cốt GS Nguyễn Duy Xuân đã được người con gái đưa về Sài Gòn bằng đường tàu lửa, sau đó đem gửi ở chùa Thiên Hưng trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Bà Nga kể nỗi giận hờn ba kéo dài đến năm bà 44 tuổi. Sau này em trai mất, rồi tới mẹ mất, bà tìm đọc sách Phật, đọc lại tư liệu về ba mình, tìm đọc về những đất nước có hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt như Việt Nam, bà mới lý giải một phần lý do khi đó ba mình muốn ở lại quê hương. Vốn là người yêu nước, tính tình hay giúp đỡ người khác lại xuất phát từ giáo dục nên GS Nguyễn Duy Xuân mong muốn ở lại để góp một tay xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Khi đã hiểu được tâm nguyên của ba, nỗi giận hờn, buồn tủi khi nghĩ về ba trong bà Nga dường như tan biến. Từ đó, hàng năm bà đều dành một tháng về Việt Nam giúp đỡ trẻ em nghèo khó như thực hiện một phần tâm nguyện của ba mình. Khi hiểu ý nguyện của ba, bà Nga rất đỗi tự hào về người ba của mình.
“Sau khi tìm được mộ của ba, bà sẽ đưa di cốt ba mình sang Pháp để tiện bề chăm sóc, thờ cúng?”, người viết hỏi. “Tôi sẽ để tro cốt ba ở lại Việt Nam. Bởi cả cuộc đời ba luôn muốn ở lại quê hương mình. Ba sẽ không chịu nếu tôi đưa ổng sang Pháp đâu”, bà Nga xúc động nói.
GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). GS sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.
Trong thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, GS Xuân đã nỗ lực phát triển viện đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.
GS Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.