Bây giờ mình phải “thức dậy". Thức dậy là bản chất đạo Bụt. Chữ “Bud” nghĩa là “thức dậy”, “Buddha” là người tỉnh thức, và “Buddhism” là con đường đưa tới sự tỉnh thức.
Khác với bối cảnh truyền bá Phật Pháp của hàng ngàn, vạn bậc thánh tăng, cao tăng trong lịch sử Việt Nam và thế giới, thiền sư Thích Nhất Hạnh sống hầu hết cuộc đời mình ở phương Tây, nơi khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, internet phủ sóng khắp nơi, thế giới phẳng, toàn cầu hóa.
Có lẽ nhờ vậy mà thiền sư đã chọn cho mình một cách hoằng pháp rất hiện đại: vừa tạo lập mạng lưới tu viện Làng Mai khắp thế giới, vừa tổ chức ghi lại các buổi pháp thoại bằng máy ghi âm và máy quay. Thiền sư cũng xuất bản hàng chục đầu sách với chủ đề rất gần gũi đời sống thường nhật thay vì nặng tính học thuật. Tăng thân Làng Mai cũng xuất bản các nội dung từ sách, pháp thoại của Thầy trên websites và mạng xã hội, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh v.v.
Nói cách khác, thiền sư Nhất Hạnh là người kể chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và con đường của Đức Phật bằng đa phương thức, đa nền tảng, đa ngôn ngữ.
Một sự nghiệp hoằng pháp vô cùng đồ sộ.
Cách kể chuyện của thiền sư rất “có duyên”, nhẹ nhàng mà sâu sắc, gần gũi không cao xa, càng đọc càng nghe càng thấm.
Ví như trong “Đường Xưa Mây Trắng” - được xem là một trong những cuốn sách hay nhất thế giới viết về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thiền sư kể trong lời đề tựa rằng viết về cuộc đoàn tụ của Đức Phật với gia đình là một trong hai đoạn khó viết nhất (đoạn còn lại là viết về cách Đức Phật không cần dùng thần thông vẫn độ được cho ba anh em ông Ca Diếp).
“Ngài đã thành Bụt rồi, Ngài đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình thì Ngài vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em. Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công.
Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được.
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả, giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột ra hết các vòng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó…”
Một lần, trong lúc nghe pháp thoại, tôi vô cùng bất ngờ khi nghe thiền sư kể về Võ Tắc Thiên. Thì ra, Võ Tắc Thiên chính là một Phật tử có hiểu biết Phật Pháp uyên thâm, đặc biệt bà chính là người đã đặt ra 4 câu thơ mà ngày nay được dùng làm “Kệ Khai Kinh” trong hàng triệu, triệu bản kinh tụng tại chùa, tại các gia đình.
Rồi, thiền sư kể về những cuộc đối đáp của thiền sư Pháp Tạng và Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên có đưa ra “đề bài” cho thầy Pháp Tạng rằng về tư duy bà hiểu nguyên lý “trùng trùng duyên khởi” của Kinh Hoa Nghiêm, nhưng bà lại chưa thể “thấu ngộ” điều này.
Làm sao có thể diễn tả một chân lý chỉ bằng ngôn từ đây? Thiền sư Pháp Tạng đã khất Võ Tắc Thiên vài ngày, rồi về chuẩn bị một căn phòng bốn bề là gương và nến… Khi Võ Tắc Thiên vào, nến gương trùng trùng điệp điệp phản chiếu, thế là nữ đế vương đại ngộ lý “trùng trùng duyên khởi”...
Một cách khái quát, thì dù là giảng kinh, dạy kiến thức Phật học, hay dạy một phương pháp thực tập nào đó, thiền sư Nhất Hạnh luôn chuyển hóa những tri thức rất cao siêu, khó hiểu, nặng tính chuyên môn thành những ngôn từ gần gũi, dễ tiếp nhận cho công chúng. Người đọc hoặc người nghe sẽ được tiếp nhận những hình ảnh thật đẹp đẽ, thật rực rỡ, hoặc thật thảnh thơi, đôi khi là rất lãng mạn… từ ngôn từ của thiền sư.
Chẳng hạn, cuốn sách tựa đề “Con đường chuyển hóa” thực ra là chắt lọc lời giảng của thiền sư về “Kinh Tứ Niệm Xứ”.
Bình giảng Truyện Kiều dưới góc nhìn Phật Pháp, thiền sư viết cuốn sách “Thả một bè lau”.
Giới thiệu và hướng dẫn cặn kẽ “Kinh Quán niệm hơi thở”, thiền sư có cuốn sách với nhan đề “Hơi thở nuôi dưỡng, hơi thở màu nhiệm”.
Giảng giải và bình luận về “Kinh Duy Ma Cật”, thiền sư đặt tên sách là “Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia”.
Giải nghĩa “Kinh Kim Cương”, thiền sư viết tập “Kinh Kim Cương - Gươm báu cắt đứt phiền não”.
Nói về sự màu nhiệm của phương pháp thực tập chánh niệm, thiền sư có cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức”.
Nói về sự kỳ diệu của những bước chân thảnh thơi trong chánh niệm, của những hành động rửa bát, ăn cơm, uống trà trong chánh niệm, thiền sư có cuốn “An lạc từng bước chân” v.v.
Dư luận thế giới đã dùng những khái niệm rất trang trọng, tầm vóc, tôn vinh thiền sư Nhất Hạnh như: một trong hai lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng nhất ở phương Tây (bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV), người khởi xướng “Phật giáo dấn thân”, “cha đẻ của Chánh Niệm”...
Thật ra, không phải đợi đến thiền sư Nhất Hạnh, Phật Giáo mới “dấn thân” vào đời sống; càng không phải ông là người sáng tạo ra khái niệm và các phép thực tập “Chánh Niệm” (mà Chánh Niệm là một trong 8 chi phần của Bát Chánh Đạo do Đức Phật Thích Ca chế tác ra từ hơn 2500 năm nay). Nhưng vì sao thế giới thừa nhận thiền sư Nhất Hạnh là sứ giả xuất sắc bậc nhất đem con đường Chánh Niệm đến gần với cuộc sống hiện đại?
Là vì, ngoài sự nghiệp xuất bản đồ sộ như trên, thiền sư đã dùng chính cuộc đời tu tập của mình làm dẫn chứng. Ông tự tu cho mình bằng hơi thở chánh niệm, bằng bước chân an lạc và bằng các sinh hoạt hằng ngày một cách trọn vẹn. Rồi ông khéo tạo lập, tổ chức tăng đoàn Làng Mai, bắt đầu từ Pháp, mở rộng dần ra khắp thế giới.
Có thể thấy sự phát triển của hệ thống tu viện Làng Mai khắp thế giới cũng không khác mấy con đường mà Thái tử Tất Đạt Đa, sau khi thành Bậc Toàn Giác, đã làm trong suốt 49 năm ở các vương quốc trên vùng đất Ấn Độ cổ đại cho đến khi Ngài qua đời.
Hành trình này cũng tương tự cách làm của nhiều đời nhiều kiếp các học trò xuất sắc của Đức Phật Thích Ca đã làm trong hơn 2500 năm qua. Họ hoặc là một mình tự tu tự chứng, hoặc là tham gia vào các tăng đoàn lớn nhỏ, hoặc là tạo lập cho mình một chi nhánh riêng. Dù là Nam Tông hay Bắc Tông hay Mật Tông, dù ở Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản… tất họ đều làm như người thầy đầu tiên của mình.
Nhờ một đời miệt mài và khéo léo hoằng pháp, thiền sư Nhất Hạnh đã thành công trong việc đem "Con đường Chánh Niệm", một trong Bát Chánh Đạo, đến rất gần với đời sống đời thường.
Thiền sư cũng luôn lưu ý rằng, “Chánh Niệm” là một “con đường”, cũng có thể hiểu là “lựa chọn một lối sống”, và một người có thể lựa chọn đi theo con đường hay lối sống đó. Chánh Niệm không phải giống như một “công cụ” mà có thể lấy ra dùng vào một lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, rồi khi "dùng" xong thì “cất đi”.
Hiểu đúng theo tinh thần này, chẳng hạn, nếu một cuốn sách có tựa đề “Trị liệu ung thư bằng Chánh Niệm”, thì phải hiểu rằng bản thân Chánh Niệm không phải là một phương thuốc, không thay thế các biện pháp y học bài bản và tin cậy để chữa trị loại bệnh này. Nhưng một người chữa trị ung thư hoàn toàn có thể chọn thay đổi lối sống - sống khác đi, sống với Chánh Niệm trong hầu hết phần đời còn lại của mình - thì cuộc sống đó dù còn ngắn hay dài, sẽ trở nên rất đẹp đẽ, nhiệm màu, rực rỡ.
Người Việt có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa" để diễn tả mức độ vô cùng khó khăn của việc làm sao sống giữa đời thường (tại gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng) mà vẫn gìn giữ - tăng trưởng được những đức tính tốt đẹp, và, gìn giữ - tăng trưởng được nếp sống Chánh Niệm.
Đến đây, một câu hỏi rất căn bản đặt ra là: Nếu một người không thể sống đời sống xuất gia như những tăng, ni ở Làng Mai, thì liệu họ ta có thể ứng dụng hiệu quả “Con đường Chánh Niệm" hay không?
Câu trả lời là: Có! Chỉ cần bạn quyết tâm và lựa chọn đi theo “Con đường Chánh Niệm”.
Một điều được xem là vô cùng đặc biệt trong những trang viết, bài nói của thiền sư Nhất Hạnh đó là: bất kỳ ai cũng có thể áp dụng ngay những lời hướng dẫn đó vào cuộc sống thường nhật của mình, càng bền bỉ kiên trì thì càng thấy đạt nhiều kết quả kỳ diệu.
Một ví dụ rất thiết thực thiền sư đã viết trong cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân”, là về việc ăn cơm. Giả sử rằng bạn vốn là người hay ăn nhanh ăn vội, hoặc khi ăn mà suy nghĩ thường rong ruổi theo rất nhiều chuyện đã qua hoặc dự định sắp tới… Thử áp dụng lời hướng dẫn của thiền sư: hãy cố gắng "kéo" suy nghĩ (tâm) của bạn về với mùi, vị, sắc màu của bữa ăn trước mặt, để có thể nghe thấy tiếng nhai từ tốn… Một lần làm được như thế, rồi hai lần, ba lần… nhiều lần. Mỗi một lần như vậy là mỗi một lần bạn thực sự đang ở trong trạng thái mà nhiều người cứ đi tìm kiếm trong ảo tưởng - trạng thái Niết Bàn.
Niết Bàn không phải ở đâu xa, không phải ở tương lai, không có một phép thuật hay một vị thần linh nào ở đó, mà chính là trạng thái tâm trí của một người khi họ trọn vẹn rõ biết với cái mà họ đang là, họ đang trải qua.
Theo lý đó thì không còn một nơi nào, thời điểm nào khác ỏ tương lai để bạn “hạnh phúc đích thực” cả, ngoại trừ thời điểm bạn đang “ăn cơm”.
Tương tự với những việc khác như “đọc báo” - bạn đang có an lạc khi đọc báo hay không; tương tự với “uống trà” - bạn có đang an lạc khi uống trà hay không; tương tự với “lái xe” - bạn có đang an lạc khi lái xe hay không v.v.
Chỉ cần bạn làm được 1 LẦN với 1 VIỆC DÙ NHỎ NHẤT (tôi xin nhấn mạnh) theo hướng dẫn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, là hạt giống Chánh Niệm đã được gieo vào tâm trí của bạn, và rồi nó sẽ nhân lên, nảy nở, lớn mạnh - tùy theo sự bền bỉ thực tập và chiêm nghiệm của chính bạn.
Ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Dần (2022), thiền sư Thích Nhất Hạnh đã “chết” về mặt thân xác vật lý, nhưng ông lại vẫn sống ở muôn vàn hình thái khác mà 5 giác quan và cách suy nghĩ hiện tại của chúng ta “không thấy”. Nguyên lý này, Phật Pháp gọi là tính “không sinh không diệt” của vạn pháp.
Thiền sư thì tự nhận ông là sự tiếp nối - không phải tiếp nối của duy nhất một cá nhân nào, kể cả Đức Thích Ca hay Tổ Lâm Tế, hay vị thầy trực tiếp của ông là Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật chùa Từ Hiếu (Huế). Không của riêng ai cả, không từ riêng ai cả.
“Tôi là sự tiếp nối, như cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây” - lời của ông được học trò đặt trang trọng ở đầu trang web Plumvillage, mục Nhất Hạnh.
Ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Dần (2022) thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại chùa Từ Hiếu (Thừa Thiên - Huế). Ngày 29/1/2024 là tròn 2 năm ngày mất của ông.
Trước cái “mây” ấy và sau cái “mưa” ấy là gì? Là vô thủy vô chung, là không sinh không diệt - mà nếu ai cứ cố tìm cho ra “cái đầu tiên” và “cái cuối cùng” thì chỉ là mò trăng đáy nước, là không tưởng.
Thế nên câu hỏi Thích Nhất Hạnh đi về đâu - sẽ không thể có câu trả lời bằng ngôn ngữ, văn tự.
Chính bạn và những người thực hành phương pháp của thiền sư Nhất Hạnh cũng chính là sự tiếp nối của ông, ông vẫn đang “sống” trong cả những hình thái như vậy.
Nhất Hạnh hẳn là cũng trong rất nhiều người ở Đại học Havard, Stanford, hay Google từng được ông đến thuyết giảng và hướng dẫn thực tập Chánh Niệm.
Trong pháp thoại mở đầu khóa giảng về “Duy Biểu Học” năm 2013, thiền sư nói.
“Buổi thuyết giảng và thực tập ở những nơi như là Havard University, hay là Gooogle, hay là Stanford, mình cũng chỉ nói một điều mà thôi.
Nói là con người bây giờ có khuynh hướng chạy trốn bản thân, tại vì con người không có khả năng trở về để chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, và chăm sóc thiên nhiên. Và chúng ta đang đi trên con đường văn hóa có tính cách phóng thể.
Vậy thì bây giờ mình phải “thức dậy". Thức dậy là bản chất đạo Bụt. Chữ “Bud” nghĩa là “thức dậy”, “Buddha” là người tỉnh thức, và “Buddhism” là con đường đưa tới sự tỉnh thức.
Mình phải tìm cách trở về với bản thân mình, đừng có sợ hãi. Có một phương pháp giúp mình có thể trở về bản thân, chăm sóc trị liệu bản thân… (Ghi chú: Phương pháp Chánh Niệm).
Trước hết là phải học chế tác thảnh thơi, chế tác hỷ, chế tác lạc trong đời sống hàng ngày để nuôi mình và nuôi mọi người xung quanh. Thứ hai là học cách khổ, học cách xử lý khổ đau. Làm thế nào để mình khổ thì khổ rất là ít, và mình biết sử dụng các khổ đau đó để chế tác cái hiểu và cái thương. Khi mình có hiểu có thương thì mình ít khổ lắm, và mình giúp cho được những người khác…