- Kỳ 1: Từ những xóm chài bình yên ven biển
"Nha Trang được chờ đợi sẽ là nơi nổi tiếng..." - trong hồi ký Xứ Đông Dương của mình, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã dự báo như vậy từ năm 1897.
Và thực tế đã đúng, Nha Trang phát triển nên thành phố ven biển xinh đẹp, sầm uất, hiện đại và đáng sống dù trải qua bao thăng trầm lịch sử.
Nha Trang thuở ban đầu khi những công trình đô thị đầu tiên được người Pháp xây dựng trên bờ biển hoang vắng, thì những xóm chài ở hai cửa sông Nha Trang là nơi tụ cư của ngư dân tứ xứ đã sớm xuất hiện đầu mối giao thương.
Hải cảng xóm Chụt
Trong Vè các lái được xem như bảng hướng dẫn hải trình bằng văn vần từ Huế đến Gia Định vốn rất phổ biến vào cuối thế kỷ 19, khi nghề buôn bằng ghe bầu thịnh hành nhất, có câu: "Nha Trang xuống Chụt bao xa/ Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng/ Anh em mừng rỡ lăng xăng/ Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra/ Anh em chè rượu hỉ ha...".
Đoạn vè trên cho thấy dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé xóm Chụt để chén thù chén tạc, trao đổi tin tức, mua lá buông để kết đệm buồm và song mây để chằng cột buồm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Man Nhiên, Chụt là tục danh của làng Trường Tây (thuộc xã Vĩnh Nguyên).
Sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, giải nghĩa: Chụt là vũng nhỏ dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió.
Lại còn ghi rõ địa danh "Chụt Nha Trang" là "Chỗ núp gió ở tại Nha Trang".
Sách Đại Nam nhất thống chí khi viết về "Tấn cửa Bé Cù Huân" cũng chép:
"Hòn Lam Nguyên có dân cư, phố xá liên tiếp nhau, gần đó là thôn Trường Tây, tục gọi là phố Đột, lưng tựa vào núi, mặt trông ra biển...".
Gần kề làng Trường Tây, ở mặt bên kia núi Chụt là làng Trường Đông, có bến cửa Bé.
Đến năm 1904, bà Gabrielle Maude Candler Vassal (người Anh) theo chồng đến Nha Trang, kể lại trong cuốn Three Years in Vietnam (bản tiếng Việt: Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước, do Nguyễn Nam Huân dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2015):
"Tàu chở chúng tôi về cửa Bé, cách nơi tàu lớn bỏ neo khoảng ba, bốn cây số. Cửa Bé không có nổi một bến tàu dù là thô sơ đi nữa như các làng chài nghèo dọc bờ biển xứ An Nam này. Buộc lòng chúng tôi phải để cho mấy người bản xứ cõng vào bờ".
"Cứ hai tuần một lần, tàu thơ liên tỉnh chạy đường Sài Gòn - Hải Phòng ghé lại, bỏ xuống những người Âu đến nhận nhiệm sở, những viên chức nhà Đoan hay Sở Lục lộ".
Bến cá xóm Cồn
Sông Nha Trang (còn gọi là sông Cù Huân) đổ ra biển qua hai cửa: cửa Lớn (Đại Cù Huân) và cửa Bé (Tiểu Cù Huân). Ở phía cửa Bé có làng Trường Đông và làng Trường Tây (xóm Chụt), thì phía cửa Lớn có xóm Cồn.
Quá trình hình thành xóm Cồn được nhà nghiên cứu Quách Giao kể lại: "Nơi cửa Đại Cù Huân, làng ban đầu được thành lập tại nơi Cù Lao với một xóm nhỏ gọi là xóm Bóng.
Dân làng vạn chài, song hằng năm các thiếu nữ địa phương phụ trách múa bóng, dâng lễ trong ngày hội Bà Thiên Y A Na tại tháp Bà. Nơi này cũng đã có trường dạy múa bóng. Địa phương vì có nghề đặc biệt nên được mang tên xóm Bóng.
Các thuyền buôn từ các tỉnh ngoài chở hàng hóa vào Nha Trang bán. Lớp ngược dòng sông Cái lên đến tận phủ Diên Khánh, lớp rẽ vào đầm Xương Huân.
Dân di cư nhận thấy đầm là nơi thuận tiện trong việc giao tiếp và sinh sống nên kéo nhau theo thuyền vào định cư.
Các xóm nhỏ được thành lập và lấy tên theo địa danh mà gọi như xóm Cồn, xóm Lách, xóm Hà Ra, xóm Giá, xóm Củi... Xóm Cồn là nơi tập họp dân sống bằng nghề chài lưới ở trong vùng. Phía đông là biển cả, phía tây là sông Cù.
Ghe thuyền thường neo về phía bờ sông, còn nhà cửa thì hướng mặt ra Biển Đông.
Tuy lập sau làng xóm Bóng song vì là một làng thuần làm nghề chài lưới nên xóm Cồn được coi như là một xóm chài với đầy đủ ý nghĩa".
Hiện trạng xóm Cồn ở những năm đầu thế kỷ 20, cũng được bà Gabrielle Maude Candler Vassal mô tả khá sinh động:
"Nhà người Âu được xây cất dọc theo bờ biển; người bản xứ thích ở ven sông hay trên vùng cát thường gọi là "Mũi Dân chài".
Mũi này là một cầu tàu thiên nhiên dùng làm nơi neo tàu và bán cá. Nó nằm ở chỗ cửa sông trở nên hẹp nhất. Ngay chỗ đó có một bến đò ngang. Người bản xứ, nhất là phụ nữ đi qua chợ, đi qua đi lại suốt ngày từ sáng sớm cho đến lúc mặt trời lặn.
Họ ngồi chồm hổm trong khoang đò. Người ta chỉ thấy lô nhô những chiếc nón lá và thúng rổ. Đến khi đò tới bến, họ chen nhau đứng lên, lấy hàng gánh rồi xắn quần cẩn thận bước chân xuống nước".
Chợ bên đầm
Kề bên cửa Lớn và xóm Cồn là đầm Xương Huân có một ngôi chợ. Vì chợ ở bên đầm nên hay ngập nước vào mùa mưa. "Nha Trang tự hào có một cái chợ xây bằng xi măng và lợp ngói tuyệt đẹp.
Nhưng vì bị bắt phải trả mấy xu tiền thuê chỗ nên mấy bạn hàng dọn hàng bên ngoài chợ, trên đất khô hay bùn sình. Tháng 11, lúc mưa gió nhiều nhất, đất xung quanh chợ biến thành một cái hồ nước rộng. Khi đó họ đành phải vô đụt mưa trong chợ.
Dù có mưa gió bão bùng hay lụt lội tơi bời, mấy chị đàn bà đi không sót một ngày chợ nào. Có thể nói lúc đó sao mà chợ đông đảo như vậy! Biết đâu họ thấy ngồi trên ghe nhỏ hay lội trên những con đường nước ngập tới ngực là điều thú vị chăng" - bà Gabrielle Maude Candler Vassal kể lại.
Chợ bên đầm này, lúc đầu được gọi là chợ Dài, mà theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, bên hông chợ Dài này có đến 12 bến chợ chở các loại hàng từ cửa Lớn vào đầm, cập sát bến trước khi nước triều lên.
12 bến chợ là bến Cá (nhận ghe chở cá), bến Đình (trước đình Xương Huân), bến Lồ Ô (nhận các mảng bè lồ ô), bến Gỗ (nơi cập các bè gỗ), bến Cỏ (còn có tên là bến xe ngựa), bến Dưa (nơi nhận ghe dưa hấu chở từ trong Nam ra), bến Mía (nơi nhận mía), bến Gốm (nơi nhận đồ đất nung như bếp lò, nồi, chum, vại...), bến Than (tập trung than củi), bến Củi (nhận các loại củi), bến Chiếu (tập trung các loại chiếu cói), bến Hà Ra (gần nơi giáp ranh giữa sông Cái và đầm Xương Huân).
Cư dân ở những xóm chài tiếp xúc với việc buôn bán của ghe thuyền vào cửa sông phần nào sớm hình thành đặc tính thị dân hơn người làm ruộng ở những làng mạc phía tây.
Nha Trang thuở ban đầu còn cách biệt với quan lộ (trạm dịch gần nhất được đặt ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, cách Nha Trang hơn 10km rồi đi vào thành Diên Khánh), nhưng đặc biệt có lợi thế đường hàng hải.
Điều này thuận lợi cho người Pháp xây dựng đô thị kiểu mới chú trọng giao thương hơn là kiểu đô thị thiên về hành chính - quân sự (phòng thủ khép kín) như thành Diên Khánh - cách Nha Trang hơn 10 cây số, là thủ phủ bấy giờ của Khánh Hòa.
Tên Nha Trang đã có từ xa xưa
Sách Địa chí Khánh Hòa (NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 2003) ghi: "Ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang, được toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 30-8-1924. Đến nghị định ngày 7-5-1937 của toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành thị xã...
Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Pháp lấy tên Nha Trang gọi riêng cho vùng đất Nha Trang ngày nay nhưng tên này đã có từ rất lâu trước khi họ đến.
Nguyễn Siêu trong Phương Đình dư địa chí đã ghi: "Năm Quý Sửu (1793) đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Quy Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành". "Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia hạt gọi là tỉnh Nha Trang...".
Nha Trang, theo nhiều nhà nghiên cứu địa danh, là xuất phát từ tiếng Chăm gọi sông Cái là "Ea Trang" hay "Jya Trang" - có nghĩa là sông cỏ lau.
- Kỳ 2: Thành phố mới tuyệt vời
Nha Trang là một thành phố mới, bởi được thành lập khá muộn so với các đô thị miền Trung như Đà Nẵng năm 1889; Thanh Hóa, Vinh, Huế, Faifo (Hội An), Quy Nhơn, Phan Thiết năm 1899; Đà Lạt năm 1916...
Tuy nhiên, Nha Trang nhanh chóng được nhiều người biết đến bởi sức hút của một thành phố biển xinh đẹp.
Nơi nghỉ mát tuyệt đẹp
"Ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang, được toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 30-8-1924. Đến nghị định ngày 7-5-1937 của toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành thị xã" - sách Địa chí Khánh Hòa đã ghi như vậy về lịch sử phát triển thuở ban đầu.
Theo dòng thời gian, đô thị Nha Trang được hình thành từ các làng Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải.
Đây là vùng đất ven vịnh biển tuyệt đẹp có khí hậu mát mẻ và giao thương thuận lợi, mà cảm nhận trước đó của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã nói lên tất cả trong hồi ký Xứ Đông Dương của mình: "Nha Trang với những ngọn núi, đảo và vịnh của mình trông như một hồ lớn, hiện ra trong màu trắng tinh như tuyết.
Đó là vẻ đẹp vừa thanh thoát, yên bình, vừa siêu tưởng, như vượt lên vũ trụ; sự sống thanh bình ấy làm ta cảm thấy như đó là một thế giới khác. Hiếm khi nào cảnh tượng thiên nhiên đem lại cho tôi một ấn tượng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt lại vừa bâng khuâng với nhiều cảm xúc đến thế".
Thành phố mới đã trở thành điểm đến của những người đi nghỉ mát. "Nha Trang rất thoáng mát nhờ vào gió biển lẫn các ngọn gió từ các ngọn núi lân cận thổi vào và được hút về phía mũi tàu bởi một dãy thung lũng nhô cao phía trên vịnh.
Với một nguồn nước thật tinh khiết lấy từ các giếng, Nha Trang trở thành nơi nghỉ ngơi và nghỉ mát của những người châu Âu sống tại Đông Dương. Thế là kéo theo sự xây dựng nhiều khách sạn, villa và tất cả sự đô thị hóa cần thiết cho những gia đình đi nghỉ hè" - Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossollet thuật lại như vậy trong sách Alexandre Yersin, người chiến thắng bệnh dịch hạch.
Phố Tây và phố ta
Nha Trang buổi ban đầu hình thành hai khu phố Tây - ta cách biệt. Tác giả Nguyễn Nam Huân đã "phục dựng" hai khu phố này khá rõ ràng từ những tư liệu sinh động: "Người Tây và ta sống cách xa nhau.
Khu Tây bắt đầu từ lầu ông Tư (tức bác sĩ Yersin) ở xóm Cồn chạy tít đến tận Chụt - Cầu Đá. Đó là những ngôi nhà biệt lập, mang tên mỹ miều như Villa Colette, nằm phía dưới đường Biệt Thự cũ. Khu người Việt, tập trung phía trước đồi Tháp Bà, tức xóm Bóng ngày nay".
Còn trong cuốn Xứ Trầm hương, nhà thơ Quách Tấn cũng mô tả: "Thành phố Nha Trang thời Pháp thuộc chỉ bằng một phần ba thành phố hiện thời (tức năm 1969 - NV).
Phố xá và gia cư người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm (tức chợ cũ Nha Trang). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức tòa Hành Chính hiện nay) cho đến đại khách sạn Grand Hotel".
Đường sá và dân cư
Chính quyền Paul Doumer không hổ danh với tên gọi "chính quyền đường sắt" khi phát triển đường sắt mạnh mẽ ở Đông Dương, mà Nha Trang đã được hưởng lợi rất lớn.
Cùng với đường thuộc địa số 1 được xây dựng xuyên qua thành phố, hệ thống đường sắt - đường bộ không chỉ phá thế gần như độc nhất của đường hàng hải mà còn tạo ra hạ tầng mới cho đô thị Nha Trang.
"Đến khi người Pháp bắt tay thực hiện đoạn đường sắt cuối cùng của tuyến xe lửa xuyên Đông Dương, nối liền Sài Gòn - Huế, và khi phân đoạn chót Sài Gòn - Nha Trang hoàn thành, thì công cuộc phát triển Nha Trang mới thực sự bắt đầu" - dựa trên nhiều nguồn sử liệu, tác giả Nguyễn Nam Huân trong Nha Trang cái nhìn hoài cổ, đã trình bày tường tận việc xây dựng đường sá và biến đổi dân cư, ở giai đoạn trước và sau khi thành lập thành phố mới.
Ông Huân ghi: "Trên bản đồ, Nha Trang từ hướng đông lan dần sang tây. Việc thiết lập đường sắt nối liền Nha Trang với Tourane (Đà Nẵng) đưa lại một đợt người mới tới.
Họ là những viên chức có giọng nói "trọ trẹ" từ kinh đô Huế, làm việc trong các ty, sở tòa sứ Pháp; những thương nhân Hoa kiều mấy đời buôn bán ở các làng xung quanh huyện Vĩnh Xương; những người phiêu bạt từ các vùng quê như Ninh Hòa, Tu Bông, Vạn Giã... Việc bán buôn ngày càng phát đạt, nhất là sau khi mấy cây cầu được bắc qua sông Cái như cầu xóm Bóng, cầu Hà Ra và con đường cái quan chạy xuyên qua thành phố".
Việc xây dựng và quản lý đô thị ở giai đoạn này cũng có nhiều sơ sẩy khá thú vị được Nguyễn Nam Huân ghi lại trong cuốn Nha Trang cái nhìn hoài cổ của mình: "Công cuộc thiết kế đô thị được thực hiện theo tính toán của công sứ Pháp thời bấy giờ là ông Henri Bréda.
Ông cho san bằng các ao hồ, gò đống, di chuyển những khu nhà tranh lộn xộn, tìm chỗ mới cho nghĩa trang người bản xứ... Rồi trên mặt bằng mới toàn cát đó, ông cho đắp một số thông lộ chật hẹp khiến sau này nhiều người kêu ca...
Một trong những bất tiện là tình trạng một số đoạn đường thường bị ngập nước trong mùa mưa, vì hệ thống thoát nước kém cỏi của thành phố. Người ta nói rằng công sứ Bréda chắc mẩm nền cát dưới chân Nha Trang dư sức hút khô các trận mưa vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, nhưng ông không ngờ có lúc sự việc lại đi ngược lại hoạch định.
Cũng trong thời gian này, nhằm khuyến khích việc phát triển, nhà đương quyền cho phép người dân được "cắm cọc" làm nhà thoải mái trên con đường sau này trở thành thông lộ chính của thị xã, rồi thành phố Nha Trang.
Cụ Mai Văn Diệm, tục gọi là thầy Bảy Diệm, là một trong những người đáp lại lời mời gọi ấy. Cụ chiếm một vạt đất khá dài, chạy đụng ranh rạp Alhambra. Đất nhiều, tiền ít, chỉ đủ xây cất lên một căn phố nhỏ đặt làm tiệm thuốc Bắc tên gọi Nam Sanh Đường, chuyên chữa trị bệnh thời khí cho dân miệt xóm Cồn.
Phần đất dư đành phải bán lại cho người khác. Nhờ vậy, hai bên đường các hàng phố mở cửa buôn bán ngày càng đông. Đa số tiệm là do Hoa kiều làm chủ".
Nha Trang buổi ban đầu
1895: Thành lập Viện Pasteur Nha Trang. Bác sĩ A. Yersin sửa chữa nâng cấp xong lầu ông Tư.
1908: Làm đường thuộc địa số 1 đoạn Diên Khánh - Nha Trang.
1920: Xây dựng bến Cầu Đá, bến tàu đầu tiên ở Nha Trang.
1922: Thành lập Sở nghề cá Đông Dương.
1926: Xây dựng cầu xóm Bóng. Xây dựng xong Nhà máy điện diesel. Khách sạn Grand Hôtel Beau Rivage đi vào hoạt động.
1927: Xây dựng thương cảng Cầu Đá.
1928: Xây dựng các xưởng: sửa chữa ô tô garage charner của hãng xe Renaul; sửa chữa ô tô garage mon freid của hãng xe Citroen. Xưởng sửa chữa đường sắt. Xưởng sửa chữa của Sở Lục lộ.
1933: Khánh thành nhà thờ Đá.
1935: Hoàn thành sân bay Nha Trang.
1936: Khánh thành ga Nha Trang được coi là ga đẹp thứ nhì sau ga Đà Lạt ở Đông Dương.
*******************
Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.
Kỳ tới: Vị công dân đặc biệt của Nha Trang
- Kỳ 3: Vị công dân đặc biệt của Nha Trang
Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.
Bác sĩ Yersin và Nha Trang
Trong lần trở lại Nha Trang vào dịp ngày giỗ thứ 70 của bác sĩ Yersin, gặp chúng tôi, ông Daniel Minsen (75 tuổi, một người cháu của bác sĩ) nói: "Ở đây, ông tôi được trân trọng hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy người dân chăm sóc ngôi mộ của ông như người nhà của họ.
Trong nhà, trong chùa người ta còn thờ cúng ông. Nhiều di sản mà ông tôi để lại được lưu giữ trân trọng. Và tên ông được chọn đặt cho đường phố đẹp của thành phố. Ở đây ông mãi sống, mãi là công dân của Nha Trang".
Đúng vậy, bác sĩ Yersin mãi là công dân đặc biệt của thành phố xinh đẹp bên bờ biển này.
Khi bác sĩ Yersin chọn cái lô cốt cũ bên chân xóm Cồn làm nơi ở, chọn một khu đất gần đó lập chi nhánh Viện Pasteur, thì nhiều người ở Paris hoa lệ bắt đầu biết đến Nha Trang, một vùng đất bên bờ biển đẹp ở Đông Dương xa xôi. Danh tiếng của ông đã làm cho nhiều người trên thế giới thời đó biết đến Nha Trang.
Chúng ta bắt gặp điều đó trong những dòng viết trìu mến của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dành cho ông và cho Nha Trang: "...Đây là nơi được bác sĩ Yersin chọn để gầy dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn.
Nhà bác học như Yersin, một con người vừa vĩ đại vừa giản dị và khiêm tốn, đã thực hiện những nghiên cứu về bệnh dịch hạch tại nơi đây và đưa ra được những kết quả đầu tiên khiến cả giới khoa học phải biết đến. Viện Pasteur ở Paris xem ông như một trong những thành viên kiệt xuất của mình.
Tôi sẽ luôn nhớ đến bác sĩ Yersin, người mà tôi yêu mến nhiều hơn là ngưỡng mộ, với lòng trìu mến, mỗi khi tôi nhớ lần đầu tiên đến Nha Trang, nơi những công trình nghiên cứu đã làm cho nổi tiếng về sau".
Nhiều người trong chúng ta đều biết bác sĩ Yersin là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang, nhưng ít ai biết rằng chính ông cũng là người đề xuất với chính quyền Đông Dương thành lập Viện Hải dương học (lúc đầu là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương).
Bác sĩ Yersin là người đề xuất với tiến sĩ A. Krempf, giám đốc Viện Khoa học Đông Dương, chọn Nha Trang là nơi lý tưởng nhất để thành lập viện này và ông A. Krempf cũng chính là vị giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học.
Ngay từ buổi ban đầu, với sự hiện diện của Viện Pasteur và Viện Hải dương học, Nha Trang đã được rất nhiều người nước ngoài biết đến.
Mang đến ánh sáng văn minh
Ánh sáng văn minh mà nhà bác học Yersin mang đến cho Nha Trang đầu tiên là ánh sáng của khoa học.
Thời đó, không phải người dân ở đâu cũng được may mắn như người dân Nha Trang biết được lợi ích của thiên văn học, khi họ được ông Năm (tên thân mật người dân gọi ông) dự báo trước các cơn bão có sóng lớn tràn vào xóm Cồn để lánh nạn.
Bác sĩ Yersin làm được điều ấy nhờ ông đã đặt mua từ Pháp một kính thiên văn vào năm 1910, đây là kính thiên văn đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Thứ đến, người dân ở đây mỗi khi bệnh đau chỉ biết uống thuốc lá cây, rước thầy mo, thầy cúng..., nhưng nhờ ông Năm họ mới biết đến việc uống và chích thuốc Tây y.
Người dân ở đây càng may mắn hơn khi được bác sĩ Yersin xem việc chữa bệnh cho họ như là một sứ mệnh của mình.
"Con rất thích được khám cho những người đến tham khảo ý kiến của con, song lại không muốn sử dụng y khoa như một nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi bệnh nhân trả công khám cho mình.
Con xem nghề y là một thiên chức giống như chức vụ mục sư vậy. Đòi tiền của bệnh nhân cũng gần bằng như bảo họ là: muốn sống thì bỏ tiền ra...". Trong một bức thư gửi mẹ mình ông đã viết như vậy.
Không chỉ đem đến cho người dân khoa học, ông còn đem đến cho họ tri thức từ sách, nhất là với các em nhỏ.
Bác sĩ Kiều Xuân Cư, một nhân vật nổi tiếng ở Nha Trang, lúc sinh thời thường hay kể: Nhà ông Năm sát bãi biển, có rất nhiều sách như là một thư viện, trong đó có rất nhiều sách dành cho trẻ em.
"Ngày ấy, tôi thường cùng đám bạn khoảng 12 - 14 tuổi, đạp xe từ Thành (Diên Khánh) xuống Nha Trang tắm biển, mỗi lần vào thư viện của ông hỏi mượn sách, đều được ông phát kẹo và được nói chuyện bằng tiếng Pháp. Ông gọi chúng tôi là những bạn nhỏ thân thiết".
Cùng với việc đem đến cho người dân Nha Trang ánh sáng khoa học - tri thức, ông Năm còn mang đến thứ ánh sáng của lối sống văn minh. Người dân xóm Cồn Nha Trang còn lưu truyền chuyện ông cảm hóa người dân bằng phim ảnh.
Mỗi lần thấy người dân cãi lộn, say rượu, gây gổ đánh chửi nhau, ông lại bí mật quay phim. Tối đến, ông mời bà con xem phim mà họ đã diễn.
Ông hỏi người dân con: "Có hay không? Có đẹp không? Có nên không? Có làm thế nữa không?". Từ đó, xóm Cồn giảm hẳn những chuyện say sưa, đánh chửi, cũng là làm đẹp thêm cho thành phố Nha Trang.
Không biết do có phải gắn gần cả cuộc đời mình với Nha Trang hay không, mà bác sĩ Yersin gần gũi với tính cách hiền hậu của người Nha Trang với văn hóa Việt Nam.
Nhà văn Cung Giũ Nguyên viết về bác sĩ Yersin: "Yersin yêu mến đám dân hèn mọn mà ông biết ngôn ngữ, ông ưa thích dân tộc ấy vì nhận ra được sự tế nhị, lễ phép, hiền hậu, tính tình bình thản, cũng như sự khéo tay, tài quan sát, lanh lẹ, những đức tính ăn khớp với tính ông.
Và những người Việt Nam cũng yêu đức tính Yersin vì nhận ra nơi ông sự giản dị, kín đáo, nhút nhát được xem như là một dạng của lễ phép, sự dịu hiền, lòng khoan dung vô hạn, sự khinh miệt hào nhoáng giả dối và những bề ngoài vô bổ, bao nhiêu điều phù hợp với truyền thống nhân bản của họ, phù hợp với những quan niệm lâu đời của họ về cái tâm".
Ngoài Viện Pasteur, bác sĩ Yersin còn xây dựng "công trình" lớn hơn đó là mở mang văn hóa cho người Nha Trang, cống hiến những nét đẹp văn hóa riêng còn lưu giữ mãi cho thành phố này.
Nếu như những người mang tư tưởng thực dân thời đó thường dùng mỹ từ "khai sáng" để che đậy sự xâm chiếm và khai thác thuộc địa, thì ngược lại một trí thức đến từ Pháp như bác sĩ Yersin đã đem văn minh đến khai sáng cho người dân Nha Trang bằng cả tấm lòng nhân ái của mình.
Năm 1898, bác sĩ Yerin phát hiện bệnh dịch hạch ở xóm Cồn Nha Trang từ nguồn lây của các tàu thuyền nước ngoài. Ông đã làm hết sức mình để cứu dân vì thời bấy giờ người dân không hiểu dịch lây lan như thế nào nên không khai báo bệnh, phản đối việc dời chỗ ở cách ly nguồn lây.
Với hỗ trợ về huyết thanh của Viện Pasteur Paris, ông đã dập tắt dịch hạch ở Nha Trang. Thời gian đó, nhiều thành phố lớn ở châu Á bị dịch hạch tàn phá hoang tàn, riêng Nha Trang có dịch nhưng được cứu nhờ bác sĩ Yersin.
Nhà thơ Giang Nam, nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, một người hết lòng yêu mến và kính trọng Yersin, nhiều lần kể với chúng tôi rằng: "Hồi mới giải phóng xuống, tiếp quản thành phố Nha Trang, cũng có ý kiến rằng tên đường trong thành phố đã đổi gần hết theo cách đặt tên của chế độ mới, sao đường Yersin không đổi?
Tôi cùng với nhiều anh em đã phải kiên trì bảo vệ không được đổi tên đường Yersin. Vì bác sĩ Yersin là người xứng đáng nhất được đặt tên đường ở Nha Trang này".
Nha Trang 1924 - 1944
■ 1924: Thành lập thị trấn Nha Trang.
■ 1928: Khởi công xây dựng tuyến đường sắt Nha Trang - Đà Nẵng và nhà ga Phú Vinh; nhà thờ Đá được khởi công xây.
■ 1929: Chuyển Sở Hải dương học thủy sản Đông Dương thành Viện Hải dương học Đông Dương.
■ 1930: Khởi công xây dựng sân bay Nha Trang.
■ 1935: Xây dựng ga Nha Trang thay cho ga Phú Vinh.
■ 1940: Làm tuyến đường sắt ga Nha Trang - cảng Cầu Đá (chưa hoàn thành đến năm 1943 phải tháo gỡ).
■ 1944: Nhập làng Phước Hải vào thị trấn Nha Trang; Nha Trang được nâng cấp lên thị xã.
************
Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.
- Kỳ 4: Miền quê hương cát trắng
Nha Trang có hẳn một khu xóm Mới được quy hoạch đường sá bài bản dành cho người dân di cư...
"Nha Trang là miền quê hương cát trắng...". Giai điệu câu hát của nhạc sĩ Minh Kỳ luôn dâng lên trong lòng người yêu Nha Trang con sóng thương mến, êm đềm về thành phố miền thùy dương một thuở.
Đất lành cho người di cư
Bài hát Nha Trang (nhạc Minh Kỳ, lời Hồ Đình Phương) được viết năm 1954 và được nhiều người yêu thích vào những năm sau đó khi nhịp độ phát triển đô thị ở Nha Trang có phần lắng xuống. Đô thị lúc này được quản lý theo yêu cầu của thời chiến hơn là theo nhu cầu đô thị hóa và quy mô dân cư.
Lần đầu tiên đô thị Nha Trang phân ra thành đơn vị hành chính nông thôn, khi chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành nghị định vào ngày 27-1-1958 bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành hai xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây, thuộc quận Vĩnh Xương. Mặc dù tồn tại hơn 10 năm sau đó, nhưng tên xã hầu như chỉ tồn tại trên giấy tờ hành chính, người dân và trên sách báo vẫn quen gọi thành phố Nha Trang.
Cũng như nhiều đô thị khác ở miền Nam, Nha Trang những năm sau năm 1954 đón nhiều đồng bào di cư từ Bắc vào, các vùng nông thôn trong tỉnh đổ về và nhiều người từ các tỉnh khác tản cư đến. Lượng người di cư đông, nhưng thành phố vẫn yên bình. Đất đai còn rộng rãi, tấm lòng rộng mở của người Nha Trang đã dung chứa tất cả.
Nha Trang có hẳn một khu xóm Mới được quy hoạch đường sá bài bản dành cho người dân di cư.
Trong sách Non nước Khánh Hòa, do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết năm 1967, phần giới thiệu về phố phường Nha Trang có đoạn: "Đây là ngã sáu đi về các nẻo. Rẽ qua tay phải, theo đường Phước Hải, quý khách sẽ tới xóm Mới, một khu vực được hoàn toàn kiến lập sau ngày có phong trào di cư, nhà cửa san sát, đường trổ bàn cờ".
Gọi là xóm Mới nhưng thực chất đây là một khu phố rất lớn, đường sá và chợ búa được hình thành từng bước: "Năm 1954, người ta gọi khu xóm Mới là khu phố Kiến Thiết. Tuy gọi như vậy, nhưng sự kiến thiết chỉ mới ngập ngừng. Con đường Nguyễn Hoàng bò từng đoạn, từng đoạn. Trên bản đồ mới ghi con đường số 2, số 4, số 8, số 9... Nhà cửa mới cất đến đường số 2. Nhờ phong trào di cư, sự kiến thiết được đẩy mạnh. Năm 1955, trại tiếp cư được dỡ đi, để chỗ làm chợ Xóm Mới" - tác giả Ngọc Nữ trong bài "Khu xóm Mới Nha Trang" đăng trong đặc san của Trường bán công Lê Quý Đôn đã kể lại như vậy.
Cũng trong bài viết này, tác giả cho thấy khu xóm Mới đã góp phần mở rộng thành phố cho Nha Trang trong cùng thời gian: "Năm 1958, dãy nhà di cư san sát dựng lên bao quanh bến ô tô. Khu Đồng Dưa cũng tấp nập xây dựng. Năm 1959, sự kiến thiết xa đến xã Phước Hải. Bến xe ô tô trang bị hẳn hoi. Đầu năm 1960, các con đường chính được rải đá, tráng nhựa rộng thêm. Con đường Nguyễn Hoàng thẳng tắp trông rõ một đại lộ. Xe cộ chạy rầm rập, người đi chen chúc, phố xá tấp nập. Khu xóm Mới đã thành một khu phố quang đãng, tươi trẻ. Đường rộng, nhà mới, không khí sạch sẽ, gió thổi mát mẻ".
Bước chuyển êm đềm
Do ảnh hưởng chiến tranh, và dồn sức cho đồng bào an cư, về mặt kiến thiết, thành phố không có nhiều công trình lớn. Tuy vậy, đời sống thương mại ở Nha Trang lại có bước phát triển nhanh để phục vụ dân cư ngày càng đông và du khách. Các đường phố chính thời bấy giờ như Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Lê Thánh Tôn, Lý Thánh Tôn và sau này là Phước Hải, Nguyễn Hoàng... mọc lên nhiều nhà lầu, cửa hiệu buôn bán. Đặc biệt, trên tuyến trung tâm của thành phố là Độc Lập - Phan Bội Châu có nhiều hiệu buôn, rạp xi nê, về sau còn có cả siêu thị và khách sạn bảy tầng cao nhất thành phố.
Dân cư đông đúc, phố phường cũng nhộn nhịp hơn trước. Trong sách Non nước Khánh Hòa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tả lại: "Làm gì có thì giờ đi khắp ngả, du khách theo đường Nguyễn Hoàng rẽ ra đường Lê Thánh Tôn tới công viên có vòi phun nước trước mặt đại khách sạn Nha Trang. Lần theo đại lộ Duy Tân đi xuống, du khách đi tới phi cảng Nha Trang một nơi cảnh trí rất ngoạn mục. Hằng ngày, máy bay dân sự và quân sự lên xuống thường xuyên".
Dẫu vậy, so với các đô thị lớn ở miền Nam thời bấy giờ, đời sống thương mại Nha Trang còn rất êm đềm. Vì thế, sống ở Nha Trang trong những tháng năm này, khi viết Xứ trầm hương, nhà thơ Quách Tấn mới quả quyết rằng: "Nha Trang không phải là một thành phố thương mãi, mà là một thành phố du lịch, một thành phố thừa lương. Cho nên muốn thưởng thức cảnh thú của Nha Trang phải tìm nơi thiên nhiên chứ đừng tìm nơi nhân xảo".
"Bao năm du khách hằng chờ..."
Nha Trang là một trong hai thành phố nghỉ mát nổi tiếng miền Nam thời bấy giờ. Nếu như Đà Lạt là thành phố ngàn thông của xứ sở sương mù thì Nha Trang là thành phố của miền thùy dương cát trắng. "Nha Trang nổi tiếng là vùng "cát trắng dương xanh" trong toàn quốc". Đó là cách nói của nhà thơ Quách Tấn trong sách Xứ trầm hương. Đặc biệt, ông đề cao vẻ đẹp của bãi biển: "Bãi biển Nha Trang, theo lời du khách đã ra Bắc vào Nam, là một bãi biển đẹp nhất trong toàn quốc. Bãi biển vừa rộng vừa dài. Hình giống một lưỡi liềm bằng bạc, cán trở ra xóm Cồn, mũi day xuống Chụt, và lưỡi được sóng biển mài giũa sáng trưng" (Xứ trầm hương).
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thì say sưa với vẻ đẹp của núi non: "Đứng trên núi Sinh Trung nhìn ra tứ phía du khách thấy cảnh đẹp lạ thường. Tất cả thành phố Nha Trang đã thu gọn vào trong tầm mắt của bạn, rồi biển cả nhấp nhô gợn sóng, cửa Cù Huân, xóm Cù Lao, Tháp Bà... Núi Sinh Trung đã kết hợp cùng Hòn Chồng, Tháp Bà tô điểm cho Nha Trang thêm phần quyến rũ" (Non nước Khánh Hòa).
Cùng với các khách sạn xây cất thời Pháp như Beau Rivage, Grand Hotel, Terminus, Bon Air, La Frégate..., trong những năm 1954 - 1975 Nha Trang có thêm nhiều khách sạn như Gia Long, Đa Lộc, Nha Trang, Khánh Hòa, Duy Tân, Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Khương Hải, Mạnh Tấn, Thiên Sơn... Rất nhiều du khách đến Nha Trang nghỉ mát, tắm biển, thưởng ngoạn phong cảnh và trở về trong luyến nhớ.
Chính vì thế mà những câu hát của nhạc sĩ Minh Kỳ đã du dương rất nhiều năm trong lòng du khách "Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ - Bao năm du khách hằng chờ - Một ngày ghé đến Nha Trang... Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát - Ai qua không quên để lại - Một vài luyến tiếc xa xôi...".
Biến đổi đơn vị hành chính
1958: Ngày 27-1, chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành nghị định 18-BNV bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành hai xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.
1970: Thị xã Nha Trang được tái lập, gồm hai quận: quận 1 và quận 2.
1971: Thị xã Nha Trang được chia thành 11 khu phố. Đến tháng 8-1972, các khu phố được đổi thành phường.
1975: Ngày 6-4, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành ba đơn vị hành chính: quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương. Đến tháng 9-1975 hợp nhất hai quận 1 và 2 thành thị xã Nha Trang.
1977: Ngày 30-3, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Sáp nhập vào Nha Trang thêm bảy xã của huyện Vĩnh Xương cũ.
- Kỳ cuối: Con đường đẹp nhất Nha Trang
Avenue de la Plage (đại lộ bãi biển) - đại lộ Duy Tân - đường Trần Phú, từ hơn 100 năm qua, luôn là con đường đẹp nhất Nha Trang và là một trong những phố biển đẹp nhất Việt Nam.
Một thời yên ả
Từ một con đường cảnh quan thơ mộng, Trần Phú đã trở thành con đường thương mại - du lịch biển hiện đại bậc nhất của Việt Nam.
Đường Trần Phú thời xưa là con đường đất nối liền hai xóm chài: xóm Cồn với xóm Chụt và cửa Bé.
Trở lại một chút với câu chuyện của bà Gabrielle Maude Candler Vassal (người Anh) theo chồng đến Nha Trang năm 1904 (đã nói ở những kỳ trước), khi bà đi trên con đường này bằng chiếc xe gọi là "Hoa Kỳ" thì đây là con đường còn có những đoạn như đường mòn đầy ổ gà, cùng những bãi cát và bùn lầy.
Nhưng đây là con đường được người Pháp chọn làm thành đại lộ bãi biển được chỉnh trang nhiều năm ngày càng đẹp hơn.
Trong bài Dương xanh cát trắng, nhà nghiên cứu Quách Giao, có ghi: "Ngày xưa con đường Trần Phú là một con đường như được dành riêng cho người Pháp ở dọc theo bờ biển. Tuy nhiên vì cư dân ngoại kiều ít nên họ chỉ chiếm một đoạn đường từ đầu đường Lê Thánh Tôn đến đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay".
Đô thị mới Nha Trang ngay lúc đầu (năm 1924) có tuyến Route ColonnialeNo1 - Rue Graffeuil (Thống Nhất - Phan Bội Châu ngày nay) không chỉ đóng vai trò trục giao thông đối ngoại lớn nhất đô thị mà còn tạo nên những khu thương mại đông đúc. Route ColonnialeNo1 sau đổi tên là Độc Lập, rồi đến Thống Nhất, là nơi có Lầu 7 - tòa nhà cao nhất Nha Trang, có Nhà văn hóa tỉnh (rạp Tân Tân cũ) diễn ra các sự kiện quan trọng, có chợ Đầm - trung tâm thương mại lớn nhất...
Nói chung tuyến đường này từng diễn ra nhịp sống sôi động nhất của thành phố. Qua bao thăng trầm, vẫn tuyến đường buôn bán sầm uất nhất Nha Trang, cho đến những năm cuối thế kỷ 20.
Cũng trong suốt thời gian đó, Avenue de la Plage (đại lộ bãi biển) vẫn đẹp mơ màng với hàng loạt biệt thự nằm nghe sóng vỗ. Avenue de la Plage, sau là Duy Tân, rồi Trần Phú đến đầu thập niên 1990, có nhiều khách sạn, công sở, khu ăn uống, cửa hàng... song vẫn là con đường cảnh quan khá yên ả.
Đổi thay
Đường Trần Phú được đánh thức, khi khách sạn Lodge 13 tầng mọc lên (năm 1996) soán ngôi tòa nhà cao nhất thành phố của khách sạn Nha Trang (Lầu 7).
Đến năm 2002, khi cầu Trần Phú bắc qua sông Cái, đưa con đường dọc biển dài ra phía Bắc (thành đường Phạm Văn Đồng), vượt đèo Vĩnh Lương, nối vào quốc lộ 1.
Trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng trở thành một trục giao thông đối ngoại quan trọng xuyên suốt chiều Bắc - Nam thành phố, khiến mật độ xe cộ trên con đường này giờ cao điểm thuộc loại đông đúc nhất. Kẹt xe đã thường xuyên xảy ra trên con đường dạo mát, thưa vắng bóng người ngày trước.
Trước đây, giống như nhiều người ở TP.HCM nói "lên Sài Gòn" là lên quận nhất, người lớn tuổi ở gần Hòn Chồng thường nói: "Vô Nha Trang" tức là vô khu trung tâm thành phố. Tương tự, người sống nhiều năm ở Chụt cũng hay nói "lên Nha Trang".
Anh tài xế xe lam ở chợ Bình Tân kể: "Hồi trước chạy xe từ Cầu Đá lên đến chợ Đầm nhưng ghi tên tuyến là: Cầu Đá - Nha Trang, vì ai ai cũng nói là lên Nha Trang hết".
Nha Trang khoảng từ năm 2000 đổ về trước, phần nội thành thường được hình dung với giới hạn từ biển lên đến đường Lê Hồng Phong và bờ nam sông Cái trở vô đến mé sân bay cũ. Ngoài phạm vi đó, thì đã được coi là... "vùng rìa".
Khi đường Trần Phú vượt qua sông Cái kéo các "vùng rìa" vào trung tâm, cũng là lúc từ trung tâm, các khu phố sầm uất tràn ra các "vùng rìa". Khách sạn cao cấp theo đường "Trần Phú 2" - đường Phạm Văn Đồng, tràn ra đến tận chân núi Cô Tiên.
Nên giờ, không còn mấy người ở Hòn Chồng nói "vô Nha Trang" nữa. Ở hướng ngược lại, người dưới Chụt cũng không còn mấy người nói "lên Nha Trang" nữa, vì có cảm giác đã ở trong lòng thành phố rồi.
Con đường biệt thự trở thành đường cao ốc
Sau khách sạn Lodge 13 tầng, những kỷ lục nhà cao tầng trên đường Trần Phú liên tục thay thế. Trên đường Trần Phú bây giờ có gần 20 tòa nhà 40 tầng trở lên (còn những tòa nhà 30 - 40 tầng thì khó đếm xuể).
Những biệt thự cổ phải nhường chỗ cho những cao ốc tân kỳ. Trần Phú từ con đường biệt thự trở thành con đường cao ốc. Và sự thay đổi chóng mặt của đường Trần Phú cũng đã đưa đến lo ngại về một "bức tường cao ốc" chắn biển, đem lại bất lợi cho sự phát triển hài hòa không gian đô thị, đòi hỏi chính quyền phải có những giải pháp phù hợp để điều chỉnh.
Còn ở chiều phát triển, trên đường Trần Phú liên tiếp mọc lên những khách sạn quốc tế sang trọng Novotel, Sheraton, Best Western, InterContinental... Đêm xuống cả tuyến đường rực rỡ ánh đèn của hàng loạt khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị tiện ích, chợ đêm... Trong đó, có những trung tâm thương mại hiện đại phải kể đến như Nha Trang Center, A&B Central Square, Vincom Plaza,...
Ngày trước, mọi người thường xuống đường Trần Phú để đi dạo, ngắm cảnh. Còn bây giờ, không chỉ để ngắm cảnh, mà còn là đi ăn uống, mua sắm, tham dự sự kiện... Con đường đẹp nhất thành phố không chỉ biến đổi lớn về cảnh quan - kiến trúc, mà còn hình thành một trục dịch vụ - thương mại mới.
Khi Vinpearl Land và khu du lịch Hòn Tằm (cùng được thành lập vào năm 2006) và nhiều khu du lịch biển khác tạo nên một biến đổi lớn cho Nha Trang phía ngoài biển, thì đường Trần Phú là cầu nối phía bờ với các khu du lịch đó, tạo nên một quần thể du lịch biển lớn nhất Việt Nam.
Ngày ngày lộng lẫy dưới ánh nắng miền nhiệt đới và rực rỡ về đêm, đường Trần Phú đã tạo nên một gương mặt Nha Trang mới. Nhưng thành phố trăm năm tuyệt đẹp trên bờ biển xanh ngắt này vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển cùng thời đại mới...
Nha Trang 2040
Ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm Nha Trang (1924 - 2024), Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040. Mục tiêu của 20 năm tới, Nha Trang sẽ là thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển quốc tế, đồng thời là một trung tâm thương mại tài chính tầm vóc khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, bờ biển Nha Trang (khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng) đang được chính quyền định hướng quy hoạch chi tiết mở rộng và kéo dài hơn để cho người dân và du khách thụ hưởng không gian bờ biển và biển nhiều hơn.
Trong đó, có đề xuất xây cầu An Viên bắc qua cửa Bé; Bảo tàng A. Yersin; Nhà hát Đại Dương; đường đạp xe dài 20km từ cầu An Viên đến Vega City; ngôi làng của biển; công viên di sản văn hóa; quảng trường có sức chứa hơn 11.000 người; cầu kính bắc qua chùa Từ Tôn...
Các công trình phía Đông đường Trần Phú hiện tại như Nhà hàng Bốn Mùa, Louisiane, Sailing Club... sẽ được tháo dỡ để tạo không gian mở.